Montag, 16. August 2010

Việt Nam và Mỹ đàm phán quốc phòng lần đầu tiên ở cấp thứ trưởng

Thủy thủ Mỹ trên chiến hạm USS John S. McCain hướng dẫn kỹ thuật cứu nạn cho Hải quân Việt Nam. Ảnh chụp ngày 11/08/2010. U.S. Navy / Brock A. Taylor

Trọng Nghĩa

Vào ngày mai, 17/08/2010, một cuộc họp ở cấp thứ trưởng bộ Quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ mở ra tại Hà Nội trong khuôn khổ mang tên Đối thoại Chính sách Quốc phòng. Theo đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, ông Robert Scher, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Nam Á và Đông Nam Á sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Về phía Việt Nam, người chủ trì sẽ là trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng bộ Quốc phòng.

Samstag, 14. August 2010

Sóng ngọt

Lê Khánh Thọ

Kinh tế nước Pháp xuống dốc, trường “Pháp ngữ thực dụng” đóng cửa, tôi mất việc dạy học. Năm 1996 văn phòng tìm việc giới thiệu tôi đến viện dưỡng lão Saint Jean, nguyên do trong tờ lý lịch tôi ghi sở thích: «Hát và chơi đàn Orgue». Thật tình tôi chỉ biết ca vài bản và học đàn dở dang vì bị thầy Pháp chê không có năng khiếu âm nhạc.

Đàn ông Việt đang thất thế?

TP - Có lý do gì không, khi những nhan sắc và những tài hoa đã được cả nước công nhận, những siêu mẫu chân dài, những hoa hậu nghiêng nước nghiêng thành, những ca sỹ ngôi sao… mơ ước của rất nhiều đàn ông Việt, đã và đang đi lấy chồng ngoại và chồng Việt kiều?

Chiến tranh lạnh đang nóng hơn vài độ

Nguyễn Ðạt Thịnh

Hải quân Đại Tá David Lausman, hạm trưởng hàng không mẫu hạm George Washington xác nhận chiến tranh lạnh Mỹ-Trung Cộng không còn lạnh nữa bằng câu tuyên bố, “Biển Ðông không của riêng ai, mà là của mọi người; Trung Hoa có quyền sử dụng Biển Ðông, cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới đều có quyền đó.”

Thế Chiến Quốc tại Biển Đông: Liên hoành hay hợp tung?

Đoàn Hưng Quốc

Hai Ngoại Trưởng Hillary Clinton (Hoa Kỳ) và Dương Khiết Trì (Trung Quốc) đã có những phát biểu gay gắt về tranh chấp Biển Đông tại Diễn Đàn Khu Vực Đông Nam Á. Tiếp theo là một loạt các hành động thị uy của hai bên - những diễn biến liệt kê dưới đây không theo thứ tự thời gian:

Hoả mù nguyên tử

Lê Duy Nhân

Việt Nam có vẻ ngày càng đến gần Hoa Kỳ hơn, do sức ép bá quyền Trung Quốc. Nhưng mặt khác vẫn chưa có dũng cảm tháo gỡ cái vòng kim cô Bắc Kinh nên mới dùng dằng nửa ở nửa đi.

Sau khi được ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố sẵn sàng hợp tác bảo vệ Biển Đông tại hội nghị ASEAN, Việt Nam tỏ ra rất “hưng phấn” trước triển vọng quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ , kẻ thù “vĩnh viễn” trong chiến tranh xâm lược miềm Nam trước đây. Và Hoa Kỳ cũng ráo riết xoá hận thù cũ để xây dựng thế liên minh phòng vệ Biển Đông với Việt Nam. Hai bên như chạy đua nước rút tiến tới liên minh quân sự khẩn cấp.

Ngày 5/8 vừa qua tờ Wall Street Journal dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ, Phillip Crowley, tuyên bố rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã thoả thuận về hợp tác hạt nhân dân sự. Trên nguyên tắc, thoả thuận này không ngăn cấm Việt Nam tự làm giàu Uranium mặc dầu Bộ Ngoại Giao không đả động đến vấn đề “nhạy cảm” này. Ngay sau khi tin này được loan tải, phía Trung quốc lên tiếng phản đối Hoa Kỳ thi hành chính sách phân biệt đối xử, cho phép Việt Nam làm giàu Uranium trong khi cấm các nước khác. Hầu hết các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới đều chạy tít lớn tin Hoa Kỳ và Việt Nam hợp tác hạt nhân trong khi Việt Nam lại hoàn toàn im lặng một cách rất khó hiểu. Điều làm người ta ngạc nhiên hơn nữa là hai ngày sau, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam lại còn đăng đàn phủ nhận hoàn toàn về hợp tác hạt nhân giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tại sao lại có chuyện Hoa Kỳ đánh trống xuôi, Việt Nam thổi kèn ngược về một tin có lợi cho cả hai nước như vậy? Vì sợ thiên triều nổi cơn lôi đình hay vì chia rẽ trầm trọng trong nội bộ lãnh đạo Đảng? Cách đây không lâu , “xung khắc” chính sách quốc phòng giữa hai ông, một ông Phùng Quang Thanh, Bộ Trưởng Quốc Phòng và một ông Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh. Ông Chánh thì mềm như bún trước kẻ thù phương Bắc, tuyên bố Trung Quốc chưa bao giờ dùng vũ lực với Việt Nam (ông Thanh quên hẳn “bài học” của Bắc Kinh năm 1979, quên hẳn các trận hải chiến giữa Trung quốc và Việt Nam khi Tàu đem quân chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), trong khi ông Phó Nguyễn Chí Vịnh thì lại lên gân tuyên bố “Việt Nam đủ sức chống trả các cuộc xâm lăng”.

Tướng Phùng Quang Thanh được coi là người chủ trương hợp tác với Mỹ về quốc phòng, trong khi tướng Nguyễn Chí Vịnh lui tới Bắc Kinh như cơm bữa. Tại sao lại có chuyện tréo cẳng ngỗng như vậy? Gió đã đổi chiều hay Hà Nội đang sắp xếp lại nhân sự quốc phòng?

Việt Nam không đủ sức chống lại tên bá quyền khổng lồ Trung Quốc nên phải tìm kiếm đồng minh, là điều bất cứ nước nào cũng phải làm. Nhưng hợp tác mà không thật tình thì chẳng sớm thì muộn cũng xôi hỏng bỏng không. Hoa Kỳ quả thật là một đồng minh rất khó chơi. Nhưng không phải là không chơi được nếu quyền lợi của Hoa Kỳ gắn chắt với quyền lợi của ta. Muốn làm đồng minh với Hoa Kỳ thì phải áp dụng “thủ pháp”: “Trust but verify”. Và Việt Nam không còn một lựa chọn nào khác.

Cũng không ai cấm Việt Nam phải “mềm dẻo” với Trung Quốc khi chưa đủ vây cánh. Nhưng cái lối “đâm sau lưng ngoại giao” của Việt Nam trong vấn đề hợp tác hạch nhân với Mỹ là hành động khó nước nào chấp nhận được. Sau vụ “đính chính” này của Bộ Ngoại Giao Việt Nam, không hiểu Bộ Ngoại Giao Mỹ có còn dám tuyên bố điều gì về hợp tác Việt-Mỹ nữa không!

Liên tiếp trong mấy ngày đầu tháng 8, hết siêu hàng không mẫu hạm George Washington đến khu trục hạm John McCain đến Việt Nam “đánh dấu” 15 năm bình thường ngoại giao giữa hai nước đang làm Trung quốc rất khó chịu. Không hiểu lần này Bộ Ngoại Giao Mỹ còn dám biểu lộ “hưng phấn” trước các tiến triển hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ nữa hay không.

Lê Duy Nhân
© Thông Luận 2010

Trung Quốc: Quản trị theo mô hình Mỹ hay là chết!

Anh Phương, lược dịch từ The Sydney Morning Herald

Một bài viết của vị tướng lĩnh quân đội Trung Quốc mới đây đang gây xôn xao dư luận. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu để bạn đọc cùng tham khảo, thảo luận.

Khi các tướng lĩnh ngang hàng đang lo vung đao kiếm để chống lại việc tàu khu trục Mỹ có mặt ở biển Hoàng Hải và Biển Đông, tướng Liu Yazhou nói rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc phụ thuộc vào việc tuân theo thể chế quản trị của Mỹ hơn là thách thức vai trò thống trị của Mỹ tại vùng ven biển phía Đông của Trung Quốc.

Hệ thống của Mỹ được đánh giá là được thiết kế bởi những thiên tài và dành cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành. » Tướng Liu Yazhou "Nếu một hệ thống thất bại trong việc để cho người dân của mình được hít thở trong bầu không khí tự do và phát huy sức sáng tạo ở mức cao nhất, và thất bại trong việc đưa những người tốt nhất đại diện cho hệ thống và người dân của mình vào vị trí lãnh đạo, thì hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong", tướng Liu Yazhou viết trên tạp chí Phoenix của Hong Kong, một tạp chí được phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc.

Bài viết của tướng Liu gợi ra một thực tế là cuộc đấu tranh chính trị và ý thức hệ của Trung Quốc có vẻ sôi nổi hơn là mọi người thường nghĩ, trước thời điểm có sự chuyển giao lãnh đạo của Quân ủy Trung ương quân đội Trung Quốc và Bộ Chính trị của Trung Quốc vào năm 2012.

"Bí quyết thành công của Mỹ không nằm ở phố Wall hay thung lũng Silicon mà nằm ở hệ thống luật pháp tồn tại lâu đời và cả hệ thống nằm sau nó", ông Liu viết. "Hệ thống của Mỹ được đánh giá là được thiết kế bởi những thiên tài và dành cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành". "Một hệ thống tồi khiến cho một người tốt cũng hành xử tồi trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi có thể hành xử rất tốt. Dân chủ là điều cấp thiết nhất, mà không có nó, sẽ không có sự trỗi dậy bền vững".

Tướng Liu mới được thăng chức từ vị trí Phó Chính ủy của lực lượng không quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lên vị trí Chính ủy của Học viện Quốc phòng Trung Quốc. Cha của ông là quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc, bố vợ ông là Li Xiannian, một trong 8 nhân vật bất tử của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc và cựu Chủ tịch nước Trung Quốc. Trong khi một số "ông vua con" của Trung Quốc tận dụng danh tiếng của họ để tích lũy tiền của và quyền lực, tướng Liu tận dụng dòng dõi của mình như một khiên chắn bảo vệ cho quan điểm mang tính cải cách và đi ngược trào lưu chung của mình. Tuy nhiên, những bài viết mới nhất của tướng Liu bất thường theo bất cứ chuẩn mực nào.

Bài viết của ông kêu gọi Trung Quốc thay đổi trọng tâm chiến lược của mình từ khu vực ven biển phát biển bao gồm Hong Kong và Đài Loan, "vành đai nhân dân tệ" sang khu vực Trung Á giàu tài nguyên. Nhưng ông cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu chiến lược bằng việc chỉ dựa vào sự giàu có của mình. "Một quốc gia nếu chỉ chăm chăm nhìn vào sức mạnh đồng tiền của mình thì đó chỉ là một quốc gia tụt hậu và ngu dốt". "Điều chúng ta có thể đặt lòng tin vào là sức mạnh của sự thật". "Sự thật là tri thức và tri thức là sức mạnh". Nhưng sức mạnh quốc gia như vậy chỉ có thể có được với sự chuyển đổi về chính trị. "Trong 10 năm tới, một sự chuyển đổi từ chính trị vũ lực / chính trị cường quyền sang dân chủ là điều không thể tránh khỏi", ông nói.

Trái ngược với quan điểm truyền thống về bài học mà các chính trị gia Trung Quốc đã thu nhận từ sự sụp đổ của Liên Xô rằng đó là kết quả của cải cách chính trị quá mức, tướng Liu cho rằng, cải cách chính trị tiến hành quá muộn chính là nguyên nhân của sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết.

Tướng Liu đã nổi danh là thẳng tính cho tới khi ông ngừng việc xuất bản các bài viết của mình khoảng 5 năm trước. Người ta vẫn không hiểu lí do tại sao ông đưa ra bài viết mới đây và liệu ông có trở lại tham gia vào hệ thống. Năm ngoái, tạp chí Open của Hongkong đã xuất bản bài phát biểu nội bộ của tướng Liu trong một báo cáo bị rò rỉ. Trong bài phát biểu này đó, ông nêu vấn đề cấm kị ở Trung Quốc liên quan đến vụ Thiên An Môn năm 1989. Trong bài viết đăng trên tạp chí Phoenix, tướng Liu đã nhắc lại chủ đề Thiên An Môn rằng "cuộc bạo động toàn quốc này" xuất phát từ sự xung khắc của cấu trúc quyền lực truyền thống trong quá trình cải cách.

Anh Phương lược dịch từ The Sydney Morning Herald

Giáo dục Việt Nam nhìn từ ngã tư... Bảy Hiền


Bài và ảnh: Nguyễn Huy Cường

Hẳn bạn đọc hơi ngạc nhiên rằng, tại sao khi muốn đề cập đến một vấn đề vĩ mô, hệ trọng như vấn đề giáo dục Việt Nam, tác giả lại chọn một cái tựa đề có dính đến một địa danh cụ thể, là một cái ngã tư có thật nằm ở trung tâm quận Tân Bình, tp HCM này.

Xin thưa, nó là một sự so sánh rất ý vị và dễ liên tưởng giữa hai hình ảnh giáo dục và giao thông lúc này.

Càng ngày càng có nhiều người nói về giáo dục Việt Nam. Từ những giáo sư tiến sĩ hàng đầu đến giới báo chí. Nói xa nói sáng cũng có, nói băm bổ, chỉ trích cũng có, tán dương, xây dựng, uyên bác… đủ cả nhưng tình hình có vẻ như càng ngày càng lún sâu vào một cuộc khủng hoảng thật sự.

Có lần tôi có ý nghĩ rất “kinh điển” rằng: Nước non này có một đội ngũ trí thức đông nhất Đông Nam Á. Trong cả rừng bằng cấp, cả biển học hàm học vị đó, không phải ai cũng rởm cả, ai cũng tha hóa cả, sớm muộn gì cũng có người phăng ra vấn đề cốt lõi và khi đã “thấy” là sẽ giải quyết tốt.

Do đó, tôi cứ yên tâm “cày” với những đề tài khác của mình.

Nhưng...

Tình hình không khá lên. Nó đang là một tảng nặng trong nỗi âu lo của cả nước.

Bắt đầu bằng chuyện các kỳ thi đại học

Hai tháng gần đây, một hiện tượng làm tôi bất an thật sự và có ý nghĩ không viết không thể nhắm mắt được, không thể có một giấc ngủ thư thái được.

Đó là việc trước “mùa” thi đại học, tất thảy các tờ báo lớn, năng động của ta nhất nhất chuẩn bị vào cuộc như họ đã làm hàng chục năm nay, như là phải làm thế, như là không có cách nào khác. Đó là không khí chuẩn bị cho kỳ thi đại học.

Người ta bắt đầu đăng các thay đổi sơ sơ trong nội dung thi năm nay so với năm ngoái, các môn sẽ thi, tỷ lệ “chọi” trong các trường đại học, cuộc “xuống đường” của các sinh viên lớp trước giúp các bạn lên thành phố thi…

Sau đó, là những trang quảng cáo tràn ngập các báo về các lò luyện thi, đây đó còn có những nơi ngầm phát đi những quảng cáo không chính thức về các lò “luyện thi chắc chắn đậu”…

Một số tòa báo chứng tỏ sự chuyên nghiệp, năng động của mình bằng những thông báo về khả năng cung cấp thông tin nhanh nhất, bài giải mẫu nhanh nhất, kết quả nhanh nhất truyền tải từng giờ.

Có vẻ như nhất nhất từ công luận đến dư luận, quên phắt nỗi bức xúc kinh người từ những lò luyện thi, quên luôn lời của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi ông mới lên phụ trách Bộ Giáo dục rằng: Sẽ xóa bỏ kỳ thi đại học, ông cũng nói rằng trên thế giới, không có mấy nơi làm như ta, nó kéo theo nhiều tiêu cực.

Điều đó, thực ra cũng là một nhu cầu khẩn thiết của đời sống xã hội, của giáo dục xứ ta.

Thực ra, trước khi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nói, nhiều giáo sư danh tiếng, nhiều báo chí đã chỉ ra rất rõ những tiêu cực, thậm chí lố bịch trong trò thi cử này.

Cái thứ nhất, với 12 năm đằng đẵng học tập, nếu em nào có thiên hướng, có ý chí, có phương pháp học tập tốt và xin thêm một cái “nếu” khác là: Nếu cung cách giảng dạy thật tốt, thì đã dư đủ thời gian nắm bắt các kiến thức để thi (trong kịch bản vẫn phải thi đại học). Không cần ôn luyện gì cả.

Với diện này, nó cũng chính là tiềm năng thứ thiệt của đội ngũ trí thức tương lai của đất nước. Kết quả 12 năm trời thể hiện trong học bạ, trên thực tế và qua kỳ thi tốt nghiệp nghiêm cẩn là thước đo rõ nhất mã vạch của công dân trẻ này, nếu các em không đạt được chỉ số đó cũng chính là một đáp số đúng khác của bài toán nhân lực quốc gia, các em sẽ phải đi qua hướng khác để vào đời.

Thứ hai, nếu có một kịch bản thứ hai (như nhận định vừa nêu của cựu Bộ trưởng GD) là không cần thi đại học, trăm phần trăm được.

Không có bất cứ một lí luận nào chứng minh được rằng, với lực lượng giáo viên, giám thị, công an, cơ sở vật chất này, có thể tổ chức tốt được kỳ thi đại học sau đó hơn một tháng nhưng trước đó lại không thể tổ chức thật tốt một kỳ thi tốt nghiệp thật nghiêm túc được.

Có người nêu ý kiến rằng: Nội dung, cấp độ thi vào đại học cao hơn, khác hẳn kỳ thi phổ thông. Nếu tổ chức thi phổ thông bằng bộ đề thi đại học, e rằng tỷ lệ “trượt” sẽ rất cao. Nhiều em sẽ trắng tay sau hơn chục năm học tập.

Vấn đề lớn nằm ở đây

Trước khi phát biểu tiếp, xin bạn đọc quan sát bốn hiện tượng sau đây:

Một nét giáo dục ở đại học Mỹ

Một là, ở Hà Nội, tp HCM vài năm gần đây đã quá quen với việc tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến của Anh, Úc, Canada, Mỹ...

Khoan nói đến các nội dung khác của họ mà chỉ nói đến đại học.
Với những nền giáo dục, công nghệ giáo dục của họ, khỏi cần học sinh phải qua kỳ “thi đại học” như ở ta.

Các em đã tốt nghiệp PTTH của ta cỡ nào cũng được, muốn theo học là họ nhận (thậm chí có nhiều trường của Mỹ nhận cả học sinh lớp 11 của ta).

Điều kiện cần nhất là một thang điểm ngoại ngữ Ielts Toefl trên mức trung bình. Em nào học xuất sắc món này còn được cấp một suất học bổng trị giá cả chục ngàn AUD, USD.

Trong trường hợp thí sinh không đạt mà vẫn muốn theo học, cũng không sao, các trường bên ấy sẽ tổ chức thi xếp lớp rồi dành ra một học phần vừa phải cho các em phổ cập khâu ngoại ngữ trước khi vào học chính khóa.

Để tránh tranh luận dài dòng, cần phải chỉ thẳng ra rằng, chất lượng đại học của Úc, Anh, Mỹ hiện nay, chắc chắn cao hơn Việt Nam. Bằng cấp của họ được thế giới coi trọng hơn.

Hai là: Hãy quan sát sau “mùa thi” là “mùa giảm giá” của hàng trăm trường đại học khác của ta. Nếu các cơ sở này “đói” sỹ số, nó hạ điểm chuẩn, vơ bèo vặt tép cho bằng đủ. Có trường nhận cả loại thí sinh chỉ đạt mười điểm trong kỳ thi vừa qua vào tuốt. Hiện có chuyện nực cười là có em đi thi về, ở trường đăng ký có “điểm sàn” là 18 điểm, em chỉ đạt 11 điểm. Sau khi thi hai tháng, “bỗng dưng” nhận được hàng loạt giấy báo… trúng tuyển vào nhiều trường khác, không gì hài hước hơn.

Thứ ba là hình ảnh, một cán bộ cấp quận, huyện gì đó chỉ học xong phổ thông với kết quả làng nhàng từ dăm bảy năm trước, nhiều năm sau kiến thức văn hóa phổ thông thực sự đã rơi rụng rất nhiều, vào công tác rồi, nay thực hiện “chủ trương” đại học hóa, cao học hóa nên cơ quan giới thiệu đi “dự” một lớp đại học tại chức. Vị này chỉ cần “đầu tư” bằng khoảng một phần ba thời gian của các em học đại học chính quy, vừa học vừa công tác, đeo đuổi chơi chơi vài năm xong là “chắc đậu” hết, thành cử nhân, rồi thành thạc sĩ, tiến sĩ nếu muốn, nhẹ như lông hồng.

Cuối cùng là: 80% các thí sinh phổ thông, dù đã bị luộc qua cuộc hành xác khốn khổ ở các lò luyện thi, vừa xả xong vài ngàn tỷ đồng vẫn trượt như thường, chỉ có không đến hai chục phần trăm đậu vào đại học.

Với bốn hình ảnh trên, có thể nói thẳng thừng: Kỳ thi đại học ở Việt Nam là sản phẩm thừa. Nó chỉ có ý nghĩa như là một lề thói, một cái dớp của công nghệ nhồi nhét.

Nhưng, để làm được cái thao tác dư thừa khốn khổ ấy, mỗi năm, người dân đất nước còn nghèo khó này phải quăng vào các đợt ôn luyện, thi cử hàng vài ngàn tỷ đồng. Hai chục năm qua. Số tiền này có thể xây được vài cầy cầu như cầu Mỹ Thuận!

Một hệ quả khác, rất nặng nề, rất sâu sắc là sau khi “luyện”, có một số không nhỏ thí sinh, thực chất học lực yếu nhưng được “bồi đắp” trúng tủ, đã thi đậu và các em này lẻn vào cửa đại học bằng học lực làng nhàng. Kể cả trường hợp các em khéo cày cụi, chui luồn để có tấm bằng sau này, thì diện này cũng không thể là “nguyên khí quốc gia”, là lực lượng cán bộ KHKT ra hồn để gánh vác non sông được.

Giải pháp ư? Nếu nhìn vào bức tranh bốn màu trên đây có thể thấy rằng, chỉ cần thay đổi vài khái niệm, vài cách nhìn là mọi chuyện ổn ngay.

Ngay cả khi muốn dùng một thang điểm thực, đo đếm một chất lượng thực để cung cấp cho nền đại học, cao đẳng, lượng “hàng” có chất lượng mà không phá vỡ hệ thống giáo dục bên dưới, không gây bức xúc trong học sinh diện không đậu đại học có gì khó?

Sau một đợt thi cử nghiêm túc, (ít ra là như việc thi đại học) rồi “nhặt” ra 30% từ trên xuống xem như ưu tú để cung cấp cho khối đại học.

Số còn lại, sau thang điểm được vào đại học, sẽ cấp cho các em trong khung từ X điểm đến Y điểm “Bằng tốt nghiệp THPT” như hiện nay.

Khoảng 10 - 30% còn lại, diện quá yếu kém sẽ được cấp “Giấy chứng nhẫn đã học xong THPT”. Tấm giấy này được xã hội, các cơ sở giáo dục, đào tạo sau phổ thông (ngoài đại học) dùng làm cơ sở để các em nhập vào các đợt thi vào đại học sau này sau khi đã rèn thêm hoặc đi học nghề.

Nếu làm được theo hướng này, sẽ cùng lúc đạt được một kết quả tuyệt vời: Những em thực sự cầu tiến, thực sự muốn vươn lên bằng con đường học vấn sẽ phải cố gắng từ dăm năm về trước, giữ vững nhịp độ học tập, thành quả học tập trong nhiều năm liền. Những nền tảng kiến thức chắc chắn như vậy sẽ tạo nên hẳn một lớp công dân chất lượng cao, hy vọng cho đến cả một ngày nước ta có nền “xuất khẩu kỹ sư” hay “xuất khẩu thạc sỹ - tiến sỹ” cũng không phải một ước muốn quá xa vời.

***

Nêu vấn đề này trong phần đầu bài trao đổi này, chỉ là phần “demo” gọn ghẽ cho một vấn đề, một tồn tại “nhỏ” trong toàn bộ trọng lượng kinh khủng của một tảng nặng những bấn bách, trì trệ của ngành giáo dục ở Việt Nam hiện nay.

Nó chỉ ra hai điều: Trước là để tạo những gợi mở khoáng đạt cho một hướng tư duy tích cực hơn, hai là chứng minh cái tiêu cực đã rồi. Anh không thể đổ cho ngàn vạn lý do khác khi “lối đi ngay dưới chân mình” như một nhà văn trẻ đã từng nói hay như đoạn dẫn về kỳ thi đại học trên đây.

Ngã tư Bảy Hiền chụp từ vệ tinh

Đó là những hình ảnh có nét tương đồng với hình ảnh dưới đây:

Xin được mô tả chút ít về cái ngã tư nổi tiếng của Sài Gòn này.

Con đường Trường Chinh (trước đây là đường Cách Mạng Tháng Tám) là con đường huyết mạch rất lớn từ trung tâm Sài Gòn lên Củ Chi, Tây Ninh.
Tại đây, nó giao cắt với đường Hoàng Văn Thụ là một đại lộ lớn chạy từ quận 5 sang phía sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu nhìn vào lưu lượng phương tiện qua đây, hướng Sài Gòn - Củ Chi là hướng cần ưu tiên.

Lưu lượng xe gắn máy qua đây, chỉ tính một chiều từ phía nội ô trở ra An Sương, từ 6 giờ sáng đến 22 giờ tối là 100 chiếc một phút, xe ô tô là 30 chiếc một phút. Mỗi ngày, tính gòn gọn có hơn 100 ngàn lượt chiếc xe máy, 20 ngàn lượt ô tô qua đây.

Cách đây hai năm, để “chấn chỉnh”, “cải tiến”, “sáng tạo” cho việc giảm ách tắc giao thông đô thị, người ta “nắn dòng” như sau:

Tất cả các hướng đi như cũ.

phác đồ ngã tư Bảy Hiền

Riêng tuyến đi từ nội ô ra An Sương, khi đến ngã tư này thì rẽ phải sang hướng sân bay Tân Sơn Nhất. Qua khu vực Trung tâm Triển lãm Quốc tế, ra đường Xuân Diệu vòng trở lại đường Xuân Hồng rồi về đường Trường Chinh. Khi gặp đường Trường Chinh, xe nào đi về hướng Củ Chi thì rẽ phải đi tiếp. Xe nào đi về hướng quận 5 thì rẽ trái chạy vòng tròn trở lại ngã tư, gặp ngã tư rẽ phải theo đường Lý Thường Kiệt

Mỗi chiếc xe phải chạy xa thêm 600 mét. Mỗi ngày, lượng xe máy, nếu quy về một chiếc, phải đi xa thêm 60.000 km. Mỗi trăm km tốn hai lít xăng thì lượng xăng dầu tiêu thụ cho việc này là 1.200 lít.

Với ô tô, cũng quy về một chiếc, bình quân mỗi trăm km chạy trong đô thị, không quá 40 km/h hao 10 lít xăng thì 10.000 km tiêu hết 1000 lít xăng dầu nữa.

Như vậy, mỗi ngày tiêu hết hơn 2000 lít xăng cho khoản đi vòng này, trị giá 35 triệu đồng. Mỗi năm khoản này ngốn hết 13 tỷ đồng.

Cùng với số tiền có thể xây mỗi năm hai cái cầu vượt qua nơi đây là hàng triệu mét khối khí thải độc hại hơn số bình thường bơm vào không gian sống của khu vực này.

Vậy việc “đầu tư” vô lối mỗi năm hơn chục tỷ đồng này để làm gì???

Xin thưa: Không làm được gì cả.

Con đường đang có sự tham gia của hai hướng cắt nhau hình chữ thập, nay bẻ một hướng như đoạn dẫn trên, còn các hướng khác vẫn y như cũ. Thời gian qua ngã tư của tất cả các hướng còn lại vẫn y như cũ. Hướng đi thẳng từ Củ Chi vào nội ô vẫn phải dừng chờ đèn xanh y như cũ. Ở đây chưa tính đến chuyện, khi dòng xe đi hướng trở ra quận 5 phải quay lại… ngã tư trên phần đường ngắn này tăng lên đột ngột, gây ách tắc, chậm lưu thông rất rõ.

Đó, khi nêu “giải pháp” trên, chắc hẳn người ta phải hướng đến kết quả là xe chạy qua đây thông thoáng hơn, ít ách tắc hơn và không gây phương hại cho bất kỳ địa hạt nào khác, kể cả phương diện thời gian và môi trường. Nhưng thực tế, ngã tư Bảy Hiền hôm nay vẫn như xưa, ngạt ngào khói bụi, chậm trễ và lãng phí.

Giáo dục xứ ta không khác gì việc hành xử ở ngã tư Bảy Hiền cả.

Từ khung giáo dục 10 năm như xưa, kéo lên 12 năm. Từ mẫu chữ như xưa đã ổn định, cắt đầu nắn đuôi chán rồi trở lại như cũ.

Từ nhu cầu thực tế, nhiều nước đã vận hành thành công cho việc giáo dục, đào tạo cấp đại học cho đại đa số các môn học chỉ ba năm, riêng ta buộc phải qua “ngã tư Bảy Hiền” thành hơn bốn năm. Từ việc thi cử thật tốt như hướng nêu trên là giải tốt bài toán thi tuyển, bằng cấp sau phổ thông nhưng không làm, thấy rồi vẫn không làm, cứ cố thủ duy trì đợt thi đại học tốn kém, phiền nhiễu cho xã hội, cứ phải qua “ngã tư Bảy Hiền” của giáo dục.

Có nghĩa là, nền giáo dục Việt Nam bộc lộ rất rõ ràng hình hài một nền giáo dục ưa rối rắm, dài dòng và thiếu trọng tâm, lãng phí và có biểu hiện bấn loạn, ít hiệu quả.

Chiều cao thành tích

Căn nguyên một vấn nạn

Để mổ xẻ kỹ, để hình dung và định lượng thật kỹ vấn đề trên, chúng ta đi thật sâu vào “ngã tư Bảy Hiền” này từ nhiều phía.

Bắt đầu từ nội dung sách giáo khoa.

Năm 1997, dù đã muộn, Thủ tướng Phan Văn Khải chính thức truyền đi chỉ thị: Giảm tải giáo dục ở hai địa hạt: Sách giáo khoa và nội dung giảng dạy.

Nhưng, từ lúc thủ tướng nói đến lúc thủ tướng về hưu, cho đến bây giờ không ai làm gì cả.

Mặc dù, người ta đã chi tiền tỷ cho việc chỉnh sửa sách giáo khoa nhưng thay vì rút gọn, nay nội dung sách giáo khoa được kích hoạt cho… tăng lên.

Bộ phương tiện tiêu diệt trí nhớ của tuổi lên 10

Học sinh lớp 1, lứa học sinh còn phải nhờ cô, nhờ cha mẹ giúp đỡ mặc quần khi đi ị đã phải làm quen với thơ Nguyễn Du.

Học sinh lớp hai phải học về hệ cơ, hệ xương như bác sỹ chuyên khoa! (trang 3 sách tự nhiên & xã hội lớp 2, NXBGD)

Một trang sách “nghiên cứu khoa học “ của lớp 2

Học sinh lớp 4 “nghiên cứu” về những cải cách chính trị, xã hội thời Tây Sơn
Một HS lớp 4, khi trên lớp, đã phải học kinh tế, chính trị thời Quang Trung

Học sinh lớp 9, nghĩa là em bé 14 - 15 tuổi, cái tuổi xin tiền quà của mẹ không được có thể khóc ngay, có em chưa biết giặt quần áo đã được học vế một mối tình ngang trái, nơi một anh sở khanh bắt người yêu “chiều” mình, cô gái có thai rồi tay kia bỏ chạy mất dạng, cô gái đành một mình nuôi con như trong những tiểu thuyết rẻ tiền (Bài “Chuyện của M” trang 41 sách giáo khoa môn Giáo Dục Công Dân lớp 9, NXBGD đang hiện hành)
Sách dạy sở khanh cho tuổi 14

Nói chung, ngay trong công tác biên tập, cơ cấu giáo khoa, ngành giáo dục có vẻ đang làm theo một hướng: Nhồi vào đầu các em càng nhiều, càng tốt.

Nhiều bậc thầy, cô giáo ở bậc tiểu học khi trao đổi với tôi, cũng đã phát phiền về bộ chương trình này. Về đại thể, chương trình giáo dục tiểu học hiện nay, lượng thông tin cao gấp ba lần thập niên 80.

Những năm 70, học sinh từ lớp 1 đến hết lớp 4 ở miền Bắc (gọi là cấp 1) trong cặp chỉ có 2 cuốn sách in, đó là Tập Đọc và Toán và hai cuốn sách viết là sách Toán và vở Chính Tả. Nhưng học sinh hồi đó tiếp thu tốt chương trình giảng dạy.

Ngày nay, học sinh lớp 3 phải dùng đến 16 cuốn sách in, riêng môn văn, cả sách học, sách đọc thêm, văn mẫu là 5 cuốn.

Đụng đến vấn đề này, dân báo chí và công luận rất dễ vấp phải phản ứng chuyên môn của ngành giáo dục.

Họ có rất nhiều lí lẽ để bảo vệ quan điểm nhồi càng nhiều càng tốt, về sự ưu việt của kiểu “giáo dục toàn diện”, “giáo dục bách khoa” của bộ sách giáo khoa theo khuynh hướng biến “phổ thông thành đại học” như hiện nay. Để chốt gọn vấn đề này xin lấy một điển hình là hai nét như sau:

Sau 30 năm cải tiến, cải lùi, bộ sách cho lớp 1 hiện nay có trọng lượng, độ dày hơn xưa 10 lần nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện tượng hàng chục ngàn học sinh “ngồi nhầm lớp” theo cách nói của báo chí, là những em học lớp hai lớp ba chưa viết nổi tên mình, là một bằng chứng sống.

Nét thứ hai là: Ngày xưa, trước năm 1977 ở miền Bắc, đã lưu hành quyển Tập Đọc vỡ lòng (tương đương với lớp 1 bây giờ) rất đơn giản và hiệu quả. Tập sách biên tập theo kiểu “phố phở, phố có nhà to” hay “ơ lơ mơ – quả mơ” hồi đó, nhà có cô chị sáu tuổi đi học, chỉ ba tháng đứa em bốn năm tuổi ở nhà học theo đã biết gần hết mặt chữ. Mục tiêu cho lớp 1 “đọc thông viết thạo” hồi đó ngành giáo dục đạt được rất vững chắc, dễ dàng chứ không như bây giờ.

Nguồn: http://www.tamnhin.net/Diemnhin/3031/Giao-duc-Viet-Nam-nhin-tu-nga-tu-Bay-Hien-ky-2.html

Bi hài bằng giả: Đi tắm biển cũng được cấp bằng

Hữu Danh – Phương Dung

Vụ gần 100 cán bộ dùng bằng giả bị phanh phui khiến chính quyền Long An chưa hết đau đầu thì mới đây, hàng chục văn bằng giả mới lại tiếp tục được phát hiện với những chuyện cười ra nước mắt.

Một nữ cán bộ dùng bằng giả của huyện Vĩnh Hưng kể lại, năm 2008, qua quen biết có người rủ chị đóng 3,5 triệu đồng để đi thi "đảm bảo đậu" ở Trường Cao đẳng nghề số 8 (Biên Hoà, Đồng Nai).

Đến ngày thi, sau khi tiễn chị ra bến xe, chồng chị cùng anh em trong cơ cơ quan đi nghỉ mát. Dù có người hứa sẽ lo cho đậu nhưng chị này vẫn ôn luyện bài vở cho chắc ăn. Tuy nhiên, đến trường thi thì có người bố trí cho cả đoàn 15 thí sinh đi du lịch, tắm biển tại Vũng Tàu, phần thi sẽ có người lo.

Vợ chồng chị sững sờ khi bất ngờ gặp nhau trên… bãi tắm.

Chị kể hết sự việc và vô cùng lo lắng vì đã đóng tiền cho kỳ thi được tổ chức không đúng với quy chế. Một thời gian sau, chị nhận được bằng tốt nghiệp nhưng không dám báo với cơ quan, đành giấu bằng ở nhà. Khi hàng loạt cán bộ, công chức ở Long An bị công an điều tra sử dụng bằng giả thì phát hiện danh sách nhận bằng có tên chị. "Tôi rất xấu hổ và thấy mình có lỗi"- chị than thở.

Theo ông Nguyễn Phú Quyển - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa, đường dây bằng giả ở Mộc Hoá xuất phát từ một Phó Công an xã Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa (đã bị cách chức vì đánh bạc, đá gà...). Đối tượng này đã giới thiệu bạn bè đi thi và ra giá từ 3,5 - 8 triệu đồng/bằng tùy mức độ quen biết. Nhận tiền xong, đối tượng này tổ chức xe đưa "thí sinh" đến trường. Thí sinh có nhiệm vụ… ngồi ở quán cà phê, đợi hết ngày thi thì về.

Bị o ép vì không tiếp tay tiêu cực?

Ông Nguyễn Ngọc Minh - nguyên Chỉ huy trưởng quân sự thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh) kể lại, năm 2008 khi đang ở nhà ôn thi tốt nghiệp THPT (hệ bổ túc) thì có người đến rủ ông đóng 7 triệu đồng để đi thi "bảo đảm đậu" ở Trường Cao đẳng nghề số 8.

Thấy chuyện bất bình thường, ông Minh từ chối và nói sẽ cố gắng ôn luyện để lấy bằng thật. Ông Dương Tấn Đức - Trưởng ban quản lý chợ Tân Thạnh chưa có bằng cũng có người "gợi ý" đi thi.

Tuy nhiên, ông Đức nhất quyết không tiếp tay tiêu cực. Trước khi đoàn "thí sinh" đi thi, tại cuộc họp tiếp xúc cử tri ở thị trấn Tân Thạnh, bà Nguyễn Thị Thu - vợ ông Minh bức xúc phản đối chuyện thi "bảo đảm đậu" của cán bộ.

Nhưng thay vì cho kiểm tra, ông Ngô Phước Sánh - Chủ tịch UBND thị trấn lúc đó, lại nói: "Chỉ đạo của huyện là làm sao thì làm, miễn có bằng thì thôi!".

Sau lần thi này, hơn chục cán bộ của huyện Tân Thạnh đều tốt nghiệp, được thăng chức và tiếp tục theo học lên đại học. Riêng ông Nguyễn Ngọc Minh bị giáng chức xuống làm nhân viên… quản lý giao thông nông thôn. Cùng lúc, ông Dương Tấn Đức từ Trưởng ban quản lý chợ bị giáng xuống thành… nhân viên.

Sau khi hàng loạt vụ sử dụng bằng giả được phát hiện, huyện Tân Thạnh cũng rà soát lại và bước đầu phát hiện có 24 bằng giả được cán bộ sử dụng. Đáng chú ý, ông Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thạnh Nguyễn Văn Việt cũng dùng bằng giả. Vụ việc bị phát hiện, ông Việt chỉ bị khiển trách. Còn ông Nguyễn Văn Nhẹ - người được bổ nhiệm thay thế ông Nguyễn Ngọc Minh ở vị trí Chỉ huy trưởng quân sự thị trấn vẫn chưa có bằng tốt nghiệp THPT.

Hữu Danh – Phương Dung

Nguồn Dân Việt

Võ Nguyên Giáp trăn trở về giáo dục

Võ Nguyên Giáp

Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà

Giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.

Đảng ta đã xác định rất đúng đắn: Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của ngành giáo dục, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã có một số tiến bộ mới: Ngân sách đầu tư cho giáo dục nhiều hơn, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, quy mô giáo dục được mở rộng, trình độ dân trí được nâng cao. Những tiến bộ ấy đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, nền giáo dục và đào tạo của nước nhà vẫn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, từ việc xác định quan điểm và mục tiêu giáo dục đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp, đội ngũ thầy giáo, hệ thống tổ chức cho đến công tác quản lý.

Chất lượng giáo dục và đào tạo ở cả phổ thông và đại học đều thấp. Nội dung chương trình quá tải, sách giáo khoa có nhiều mặt lạc hậu; cách dạy và học nặng về nhồi nhét kiến thức một cách thụ động, thiếu kết hợp học với hành, giáo dục và đào tạo với thực tiễn kinh tế, sản xuất và đời sống. Học sinh, sinh viên kém năng lực chủ động, sáng tạo, kém khả năng thực hành, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển đất nước trong tình hình mới. Hiện tượng mua bằng cấp, gian lận trong thi cử, bệnh chạy theo thành tích còn phổ biến.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sáng kiến tiến hành cuộc vận động “hai không”, kết quả bước đầu cho thấy, sự yếu kém về chất lượng giáo dục và đào tạo đã bộc lộ một cách rất đáng lo ngại. Sự bất cập thể hiện ở cả ba phương diện: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài.

Nhìn chung, hệ thống giáo dục và đào tạo của nước ta đang tụt hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (1). Thực trạng này đã sớm được phát hiện. Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết và chủ trương đúng đắn mà chưa được thực hiện nghiêm túc. Mấy năm qua, chúng ta đã trăn trở tìm tòi cách giải quyết, nhưng tình hình chuyển biến rất chậm. Cho đến nay, vẫn còn những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau chưa được đưa ra trao đổi, bàn bạc để tìm ra phương sách chấn chỉnh có hiệu quả. Sự yếu kém, bất cập kéo dài của hệ thống giáo dục và đào tạo đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội.

Nhìn lại tình hình đất nước, trải qua hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển (2).

Trong khi Việt Nam bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nhiều nước đã vượt qua thời đại cách mạng công nghiệp đi vào thời đại cách mạng thông tin, xây dựng nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức. Khoảng cách về trình độ kinh tế, khoa học và công nghệ giữa nước ta với các nước phát triển trên thế giới, kể cả một số nước trong khu vực, có xu hướng ngày càng mở rộng thêm, mà một nguyên nhân quan trọng là do chất lượng trí tuệ, năng lực sáng tạo và kỹ năng chuyên môn còn bất cập của nguồn nhân lực (3).

Trước những thách thức của thời đại cách mạng tri thức gắn liền với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, khi mà nước ta đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong cuộc đua tranh quyết liệt về mọi mặt, mà chủ yếu là đua tranh về trí tuệ của các quốc gia trên toàn cầu, sự yếu kém, bất cấp và tụt hậu của giáo dục và đào tạo đang trở thành lực cản đối với sự phát triển nhanh và vững của đất nước.

Chúng ta đang ở vào thời kỳ có nhiều biến đổi sâu sắc và nhanh chóng chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Trước những thách thức và yêu cầu của thời đại mới - thời đại của sự phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực thông tin và tri thức với xu thế toàn cầu hóa lôi cuốn sự hội nhập của mọi quốc gia, các nước trên thế giới, ở mức độ khác nhau, đều thực hiện những thay đổi có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo.

Ngay từ những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, một làn sóng cải cách giáo dục đã diễn ra trên thế giới, trước tiên là ở các nước công nghiệp phát triển. Nước Mỹ đã đề ra chương trình cải cách giáo dục 10 điểm để chuẩn bị hành trang cho người Mỹ tiến vào nền kinh tế tri thức trong thế kỷ XXI, gần đây lại đưa ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho kỷ nguyên thông tin. Liên minh châu Âu gồm 29 nước đã thống nhất đổi mới hệ thống giáo dục, coi việc xây dựng không gian giáo dục và đại học châu Âu, không gian nghiên cứu châu Âu, không gian tri thức châu Âu là nền tảng cho sự tăng trưởng mới nhằm biến châu Âu thành một nền kinh tế tri thức hiệu quả nhất trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa trong thế kỷ XXI…

Tư tưởng chủ đạo của làn sóng cải cách giáo dục trên thế giới ở cuối Thế kỷ XX là chuyển hệ thống giáo dục và đào tạo cũ được xây dựng để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên công nghiệp cổ điển sang một hệ thống giáo dục và đào tạo mới thích ứng với những đòi hỏi của kỷ nguyên thông tin và tri thức.

Ngay từ đầu thập niên 90 của Thế kỷ XX, Tổ chức UNESCO nêu lên 4 trụ cột của cải cách giáo dục đã đặc biệt nhấn mạnh: Thời đại mới đòi hỏi con người phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới và những kiến thức, kỹ năng mới của chính thời đại mình. Nói cụ thể hơn, con người mới đó phải có khả năng tư duy độc lập, có phương pháp tư duy hệ thống và cách nhìn toàn thể; có năng lực sáng tạo và tinh thần đổi mới; có khả năng thích ứng với sự thay đổi thường xuyên, đa dạng, phức tạp, đầy biến động bất ngờ và bất định; có năng lực hành động hiệu quả và tinh thần hợp tác trong một môi trường đa văn hóa của một thế giới toàn cầu hóa.

Nền giáo dục của kỷ nguyên thông tin là một nền giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện để mọi người được học, giúp cho mọi người biết cách học, biết cách tự học, học tập liên tục, học suốt đời; là một nền giáo dục mở và liên thông, có khả năng hội nhập với nền giáo dục chung của thế giới.

Nền giáo dục mới là một nền giáo dục hiện đại, sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, mạng máy tính và Internet để tổ chức và triển khai quá trình dạy và học với những phương pháp và hình thức linh hoạt nhằm nâng cao nền tảng văn hóa và tinh thần chung của xã hội, mở ra những khả năng mới hỗ trợ cho quá trình học tập liên tục, học tập suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc, học từ xa và đặc biệt là tự học của mọi người. Học trực tuyến và tương tác qua mạng Internet sẽ trở thành một hiện tượng toàn cầu…

Chúng ta cần nghiên cứu những quan điểm và bài học kinh nghiệm của các nước về cải cách giáo dục và đào tạo để có thể vận dụng thích hợp vào hoàn cnh cụ thể của nước ta.

Mục tiêu sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hội nhập quốc tế, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới trong thế kỷ XXI mà Đại hội X của Đảng đã nêu ra, cũng cần được hiểu với một tầm nhìn mới, nhận thức mới, bởi vì trong thế kỷ XXI, các mục tiêu đó chỉ có thể đạt được nếu ta xây dựng được nước ta trở thành một nước độc lập, có năng lực sáng tạo mạnh mẽ, góp phần tạo nên những thành tựu và cống hiến đặc sắc, độc đáo vào sự phát triển chung của một thế giới của nền kinh tế tri thức và xã hội tri thức toàn cầu hóa.

Một nền giáo dục hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội đó phải là một nền giáo dục mở, hướng tới đối tượng trung tâm là người học, có trách nhiệm tạo điều kiện và môi trường cho mọi cá nhân người học được trang bị một nền học vấn vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vừa hiện đại về tri thức, khoa học và công nghệ…

Mỗi con người mà nền giáo dục đó đào tạo phải có: 1. những hiểu biết và cảm thụ sâu sắc đối với những tinh hoa của truyền thống văn hóa dân tộc; 2. những kiến thức khoa học và công nghệ hiện đại; 3. năng lực tư duy độc lập trên cơ sở kết hợp tư duy khoa học với phương pháp tư duy hệ thống, tư duy phức hợp, để có khả năng sống và hoạt động một cách linh hoạt, sáng tạo trong một thế giới phức tạp, đầy những bất định và đổi thay, đan xen những thách thức và cơ hội…

Trong lúc ấy, nền giáo dục của nước ta về cơ bản vẫn dựa trên mô hình cũ. Để đưa đất nước phát triển nhanh với chất lượng cao và bền vững, tiến kịp thời đại trong kỷ nguyên thông tin và tri thức, chúng ta cần tiến hành một cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc, triệt để có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Để thực hiện chủ trương này, cần tập hợp một số chuyên gia hàng đầu về giáo dục, khoa học và quản lý để giúp Đảng và Nhà nước nghiên cứu, kiểm điểm, đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo một cách khách quan khoa học với tinh thần nhìn thẳng và sự thật, làm rõ những kết quả đạt được, vạch rõ những yếu kém, bất cập, đặc biệt làm rõ những nguyên nhân vì sao mấy năm qua chúng ta đã có nhiều cố gắng tìm cách chấn chỉnh nhưng tình trạng yếu kém, bất cấp trong giáo dục vẫn tồn tại, chậm chuyển biến, để đi đến một nhận thức mới, một quyết tâm mới, một chương trình hành động mới làm chuyển biến căn bản nền giáo dục và đào tạo của nước nhà.

Trước hết, cần đổi mới tư duy về quan điểm và mục tiêu giáo dục và đào tạo, từ đó mà đổi mới chương trình, nội dung, phương châm, phương pháp giáo dục, đổi mới hệ thống tổ chức, công tác quản lý và hệ thống chính sách nhằm hiện đại hóa nền giáo dục của nước ta phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và xu hướng phát triển chung của thời đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển và hiện đại hóa đất nước ta trong tình hình mới.

Ngành giáo dục và đào tạo phải đổi mới tư duy và có quyết tâm cao đối với công cuộc đổi mới nền giáo dục. Trước mắt, cần rà soát lại các chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo được đề ra trong các nghị quyết của Đảng, trong luật và chiến lược giáo dục của Nhà nước để xác định một kế hoạch, một lộ trình đổi mới nền giáo dục và đào tạo từ nay đến năm 2020 với yêu cầu nâng cao một bước rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo.

Để triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo, cần thực hiện ngay một số vấn đề cơ bản và cấp bách:

Trước hết, cần tổ chức lại và kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc gia cho ngang tầm với nhiệm vụ. Đây là hội đồng khoa học, chủ yếu làm nhiệm vụ tư vấn cho Trung ương, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở tầm vĩ mô. Hội đồng phải tập hợp được các nhà giáo dục và khoa học có tâm huyết, những chuyên gia giỏi, am hiểu hình hình giáo dục trong nước và thế giới, có uy tín, phần lớn không phụ trách chức vụ quản lý, kể cả những người đã nghỉ hưu nhưng có năng lực, có kinh nghiệm và còn sức làm việc. Chủ tịch Hội đồng nên là một nhà khoa học giáo dục có uy tín phụ trách. Hội đồng có quy chế làm việc chặt chẽ, bảo đảm thực sự dân chủ, tôn trọng những ý kiến khác nhau, cùng nhau thảo luận đi đến kết luận và đưa ra kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Hai là, tổ chức nghiên cứu rà soát lại hệ thống chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, ổn định chương trình làm cơ sở để sớm biên soạn xong sách giáo khoa chuẩn mực cho mọi bậc học, mọi ngành học trong một vài năm. Thay đổi cách tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa, thực hiện dân chủ, công khai, tránh độc quyền, có hội đồng thẩm định nghiêm túc, tránh sửa đi sửa lại, biên soạn kéo dài và thay đổi sách triền miên. Một số nhà khoa học nêu ý kiến có thể giải quyết vấn đề chương trình và sách giáo khoa chuẩn cho cả phổ thông và đại học trong một năm với kinh phí 100 tỷ đồng. Những ý kiến như vậy nên được trao đổi, bàn bạc.

Ba là, cần nghiên cứu tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân cho hợp lý. Sớm chấm dứt tình trạng “vừa thừa vừa thiếu cả thầy lẫn thợ”. Cấp đại học trước hết phải nâng cao chất lượng về mọi mặt, phấn đấu đến năm 2020 có một số trường đại học trọng điểm đạt đẳng cấp quốc tế. Chỉ mở thêm trường đại học khi có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng. Sớm khắc phục tình trạng đào tạo trên đại học tràn lan, không bảo đảm chất lượng. Nghiên cứu biện pháp nâng cao chất lượng và thực hiện tốt việc phân luồng ở cấp phổ thông. Phát triển mạnh hệ thống các trường dạy nghề để đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực có kỹ năng chuyên môn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu trong một thời gian ngắn nhất có thể được, làm cho bằng cấp của nước ta, lao động kỹ thuật do ta đào tạo ra được thị trường quốc tế thừa nhận.

Hết sức coi trọng phương châm gắn học với hành. Trường đại học gắn với viện nghiên cứu và các cơ sở kinh tế lớn. Trường dạy nghề gắn với các cơ sở sản xuất. Trường phổ thông phải tổ chức hướng nghiệp, gắn với đời sống kinh tế xã hội ở địa phương.

Tiếp tục chống gian lận trong thi cử, chạy theo thành tích giả. Sớm chấm dứt mọi hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục.

Bốn là, cần triển khai tích cực công tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài, tổ chức đào tạo trong nước và ngoài nước để sớm có một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, bồi dưỡng thành đội ngũ giảng viên đại học, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng của cấp đại học. Nâng cao chất lượng cấp đại học là cơ sở để nâng cao chất lượng cấp trung học phổ thông và dạy nghề.

Đào tạo đội ngũ thầy giáo có trình độ quốc tế là vấn đề quyết định để đổi mới, hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà. Coi trọng việc lựa chọn đúng cán bộ quản lý giáo dục, nhất là chức bộ trưởng, hiệu trưởng các trường đại học lớn và giám đốc các sở giáo dục. Những cán bộ ấy phải là những người có tâm và có tầm, có phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ, năng động, sáng tạo, không bảo thủ giáo điều, có uy tín, có cách làm việc tập hợp được nhân tài, phát huy được trí tuệ của chuyên gia giỏi, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ đầu đàn và sự mất cân đối về cơ cấu, trước mắt, cần có cơ chế và chính sách tiếp tục sử dụng những cán bộ khoa học và giáo dục đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, có năng lực chuyên môn và có tâm huyết.

Mặt khác, cần có chủ trương, chính sách và cơ chế tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà khoa học giỏi vào đội ngũ giảng viên cao cấp của các trường đại học và các viện nghiên cứu, thu hút các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam.

Năm là, cần tăng thích đáng đầu tư, và quan trọng hơn, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Mức đầu tư phải tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo đi trước, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mấy năm qua, mức đầu tư cho giáo dục và đào tạo (tính theo % GDP và % ngân sách nhà nước) đã tăng đáng kể.

Tuy nhiên, cần thấy rõ là mức đầu tư cho giáo dục và đào tạo tính theo đầu người của nước ta còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (4), vì vậy, cần tính toán các mặt để có một mức tăng đáng kể từ nay đến năm 2020 nhằm tạo nên một sự chuyển biến căn bản về chất lượng và quy mô giáo dục và đào tạo. Đầu tư từ ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng, nhưng chắc chắn không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, bởi vậy, một nguồn lực quan trọng là cần xác định trách nhiệm, cơ chế và chính sách cụ thể nhằm huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế và xã hội sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo. Đồng thời, đặc biệt quan tâm việc quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn đầu tư cho giáo dục và đào tạo một cách đúng hướng, hợp lý và hiệu quả, tránh gây thất thoát, lãng phí.

Dành tỷ lệ đầu tư thích đáng cho việc nâng cấp, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nguồn thông tin tư liệu, các trung tâm thử nghiệm, các cơ sở dạy nghề và sản xuất thử, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ và tin học.

Cuối năm 2000, Trung ương đã có chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục và đào tạo vẫn còn hạn chế, còn kém so với các nước trong khu vực. Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, cần có chủ trương và chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các giáo viên, học sinh, sinh viên được dễ dàng sử dụng máy tính và Internet trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Đồng thời, cần nghiên cứu thực hiện chủ trương phổ cập tiếng Anh để nâng cao hiệu quả sử dụng máy tính và Internet trong giáo dục và đào tạo, trong nghiên cứu khoa học cũng như trong hoạt động quản lý và kinh doanh (5).

Sáu, nền giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải được thể hiện trong giáo dục và y tế, hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Bác Hồ mong muốn “ai cũng được học hành”. Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí. Nhiều nước tư bản cũng đã bỏ học phí ở cấp phổ thông, có nước bỏ học phí ở cấp đại học.

Đất nước Cuba còn nhiều khó khăn vẫn kiên trì thực hiện học tập và chữa bệnh miễn phí. Vì vậy, không lý gì ta lại chủ trương tăng học phí tràn lan (6). Phải kiên quyết thực hiện không thu học phí đối với giáo dục phổ cập theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Mặt khác, cần nghiên cứu kỹ chế độ học phí theo hướng không tăng mà giảm dần, tiến tới bỏ học phí ở cấp phổ thông rồi tiến đến bỏ học phí ở cấp đại học. Ở cấp mẫu giáo, mầm non, không nên hình thành một loại trường cho các cháu con nhà giàu và một loại trường cho các cháu con nhà nghèo.

Nên nghiên cứu vận dụng cơ chế khuyến khích cạnh tranh dạy tốt, học tốt, nhưng không nên phát triển tư nhân hóa trường công, phát triển xu hướng thương mại hóa giáo dục, coi nhà trường là tổ chức kinh doanh để thu lợi nhuận dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”, không đúng với tinh thần chủ trương của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nền giáo dục của nhân dân, vì nhân dân.

*************

Đổi mới toàn diện, sâu sắc, triệt để có tính cách mạng nền GD-ĐT là một điều kiện tiên quyết để đưa nước ta tiến lên nhanh và vững trên con đường hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa.

Chú thích:

(1) Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2006: Giáo dục Việt Nam đang bị tụt hậu so với các nước khác trong khu vực, chỉ có 2% dân số được học trong thời gian trên 13 năm. Việt Nam xếp hàng chót trong khu vực châu Á nếu xét trong độ tuổi từ 20 đến 24 chỉ có 10% học lên tới đại học (so với Trung Quốc 15%, Thái Lan 41%, Hàn Quốc 89%). Tỷ lệ 167 sinh viên/1 vạn dân là rất thấp so với khu vực và các nước phát triển.

(2) Một nước được coi là “kém phát triển” nếu GDP/người dưới 750 USD/năm (theo Liên hiệp quốc) và dưới 1.000 USD/năm (theo phân loại và xếp hạng của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế - OECD); GDP/người của Việt Nam hiện nay khoảng trên dưới 600 USD/năm.

(3) Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), (năm 2005), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam xếp thứ 53 trong số 59 quốc gia được khảo sát.

Báo cáo về phát triển con người của Liên hiệp quốc (UNDP) đánh giá: Việt Nam tụt hậu so với Trung Quốc 10 năm, Thái Lan 15 năm, Malaysia 20 năm, Hàn Quốc 25 năm, Singapore 35 năm, Nhật Bản 40 năm.

Nếu tiếp tục tốc độ phát triển như hiện nay (GDP tăng 8% - 8,6% mỗi năm và GDP/người cứ 10 năm tăng gấp đôi) thì đến năm 2020, Việt Nam vẫn đi sau Thái Lan 15 năm và GDP/người vẫn thấp hơn nhiều nước trong ASEAN.

(4) Hiện nay, mức đầu tư cho GD-ĐT tính theo đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/8 của Thái Lan và chỉ bằng 1/20 mức trung bình của các nước phát triển.

(5) Hiện nay, khoảng 90% nguồn thông tin, tri thức khoa học và công nghệ trên internet được viết bằng tiếng Anh.

(6) Hiện nay, tỷ lệ đóng góp giữa nhân dân và nhà nước ở ta là 50/50, trong khi tỷ lệ đóng góp cao nhất của người dân trên thế giới khoảng 20% (Mỹ 19%, Pháp 7%, Trung Quốc 12%).

Nguồn: Bao moi

Ca dao cuối tuần

"Trai khôn tìm vợ chợ Đông (...Âu)"


"Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân (... đội ND)"

Ca dao Việt Nam

"Trai kh

Freitag, 13. August 2010

Thử bàn về sức mạnh của Trung Quốc


Năm nay Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai sau Mỹ. Sách "Giấc mơ Trung Quốc" nói Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc số 1 toàn cầu, sẽ lãnh đạo thế giới. Hải quân Trung Quốc với chương trình “Biển xanh” (Lam thuỷ) đang vươn ra phía Đông và phía Nam, gây lo ngại cho các nước liên quan... Vậy sức mạnh thực tế của Trung Quốc như thế nào, có phải cũng là thứ hai thế giới hay không?

Phần I: Đánh giá và xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc
Phần II: Các bình luận về xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc
Phần III: Sức mạnh mềm của Trung Quốc ra sao?
Phần IV: Nho giáo liệu có thể tăng được sức mạnh mềm của Trung Quốc không?
Phần I: Đánh giá và xếp hạng sức mạnh quốc gia Trung Quốc

A. Đánh giá sức mạnh quốc gia

Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu, việc đánh giá và xếp hạng một nhóm người, nhóm đơn vị (công ty, doanh nghiệp ...), nhóm quốc gia theo tiêu chí nào đó đã trở nên rất quan trọng, và được dư luận quan tâm. Thí dụ hàng năm các tạp chí lớn thường lập bảng danh sách người giàu nhất hoặc người có ảnh hưởng lớn đối với một nước hoặc với thế giới, bảng xếp hạng các công ty ... Việc xếp hạng các quốc gia theo tiêu chí nhân quyền, tự do tôn giáo, tham nhũng ... thường gây tranh cãi lớn, chính phủ nước bị xếp hạng xấu thường phản ứng kịch liệt.

Từ giữa thế kỷ XX các think-tank (tức tổ chức tư vấn, của tư nhân hoặc của nhà nước) phương Tây bắt đầu quan tâm điều tra nghiên cứu đánh giá và xếp hạng các nước lớn theo tiêu chí sức mạnh quốc gia hoặc sức mạnh tổng hợp của quốc gia (Comprehensive National Power, CNP).

Sức mạnh cứng (hard power): Sức mạnh quốc gia gồm phần cứng và phần mềm. Phần cứng (phần hữu hình) còn gọi là sức mạnh cứng chủ yếu gồm: - lãnh thổ (vị trí địa lý của quốc gia, tính quan trọng về giao thông, quân sự quốc tế; diện tích; địa hình, địa mạo); - tài nguyên thiên nhiên (đất đai, rừng, biển, nguồn nước, khoáng sản ...); - dân số (số lượng và chất lượng dân, cấu trúc dân cư như giới tính, độ tuổi bình quân, dân tộc, tôn giáo ...); - kinh tế, chủ yếu là GDP và cơ cấu kinh tế (tỷ lệ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp nặng, công nghiệp quân sự ...); - cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xây dựng đô thị; - khoa học kỹ thuật; - giáo dục v.v...

Sức mạnh mềm (soft power): Phần mềm (phần vô hình) gồm: - chính quyền (có đại diện đa số dân, có hợp lòng dân, có thực hiện dân chủ, tự do, pháp trị, có tham nhũng ... hay không); - quan hệ đối ngoại với đa số các nước khác, cống hiến quốc tế; - văn hoá v.v... Phần mềm này hiện nay thường được thay bằng khái niệm sức mạnh mềm, tức khả năng một quốc gia đạt được các mục tiêu của mình thông qua sự hấp dẫn một cách tự nhiên (thay vì ép buộc hoặc dụ dỗ) đối với các quốc gia hoặc dân tộc khác. Nói cụ thể, đó là sức hấp dẫn về văn hoá, chính trị, nghệ thuật, giá trị quan, sức cảm hoá và hấp dẫn của chế độ xã hội ...Thí dụ bạn thích đọc tiểu thuyết nước nào, thích xem phim nước nào, thích hát hoặc nghe bài hát nước nào, thích nghe hoặc chơi nhạc nước nào, hoặc bạn thích đọc báo, lấy thông tin từ nước nào, bạn tin vào quan điểm của báo chí nước nào trước một vấn đề thời sự phức tạp ... có nghĩa là nước ấy có sức thu hút bạn

Khái niệm sức mạnh mềm do Joseph Nye giáo sư ĐH Harvard đề xuất và phát triển từ đầu thập niên 90, tới nay đã nhận được sự tán đồng rộng rãi của nhiều học giả, nhiều nước. Chính quyền các nước đều hết sức coi trọng xây dựng, khai thác, phát huy, tận dụng sức mạnh mềm của nước mình nhằm tăng năng lực cạnh tranh về mọi mặt của quốc gia.

Các thinhk-tank thường nghiên cứu đánh giá sức mạnh quốc gia theo tiêu chuẩn và cách tính do họ đặt ra, nguồn tư liệu sử dụng cũng khác nhau, vì thế kết quả đánh giá xếp hạng thường khác nhau và chỉ có giá trị tham khảo; ta chỉ nên dựa vào kết quả của các think-tank có uy tín.

Phương trình sức mạnh quốc gia: Có nhiều cách tính sức mạnh quốc gia. Đáng chú ý hơn cả có phương trình sức mạnh quốc gia của Ray Cline (Ray Cline’s national power equation) đưa ra năm 1975, có mô tả toán học là tích số của sức mạnh vật chất với sức mạnh tinh thần:

P = (C+E+M) × (S+W)

trong đó P là sức mạnh quốc gia hiện có (chứ không phải tiềm lực); C (Critical Mass) là khối lượng tới hạn (thực thể cơ bản); E (Economic Capability) là sức mạnh kinh tế; M (Military Capability) là sức mạnh quân sự; S (Strategic Purpose) là mục tiêu chiến lược, tức sức mạnh tinh thần; W (Will to Pursue National Strategy) là ý chí theo đuổi chiến lược quốc gia.

Cline cho rằng mấy yếu tố quan trọng nhất của sức mạnh quốc gia là lãnh thổ, số dân, sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học kỹ thuật.

Ý tưởng này về sau đã được nhiều think-tank dùng để tính toán sức mạnh quốc gia. Các học giả Trung Quốc cũng đưa ra nhiều cách tính cụ thể, đều có xét tới các yếu tố cơ bản nói trên.

B. Kết quả đánh giá và xếp hạng sức mạnh quốc gia

1. Kết quả nghiên cứu điều tra của Quỹ Tự do và Hạnh phúc Hansun (Hansun Foundation for Freedom & Happiness, của Hàn Quốc) công bố tháng 8/2009.

[xem: Korea Ranks 13th in National Power Survey].


Đối tượng nghiên cứu là 20 nước công nghiệp. Các chỉ số sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia được xem xét và cho điểm theo 7 phạm trù sức mạnh cứng: - nguồn tài nguyên cơ bản (đất đai và số dân), - quốc phòng, - kinh tế, - khoa học kỹ thuật, - giáo dục, - thông tin (information), - quản lý môi trường và 6 phạm trù sức mạnh mềm: - chính quyền, - chính sách, - ngoại giao, - văn hóa, - vốn xã hội, - phản ứng với các biến đổi vĩ mô.

Từ đó cho điểm sức mạnh tổng hợp từng quốc gia theo khung tối đa 100 điểm.

Tuy khủng hoảng tài chính nhưng Mỹ vẫn xếp thứ nhất (69,15 điểm), đứng đầu 9 trong 13 phạm trù được xét, vượt xa các nước khác.

Do đông dân, đất rộng và giàu tài nguyên mà Trung Quốc xếp thứ hai về sức mạnh tổng hợp (54,73 điểm); riêng phạm trù chính trị, văn hóa và vốn xã hội thì xếp thứ nhất.

Những nước có sức mạnh tổng hợp trên 50 điểm là: Nhật (53,45), Anh (53,05), Đức (52,92), Pháp (52,16). Riêng Hàn Quốc xếp thứ 13 với 48,56 điểm.

2. Kết quả nghiên cứu điều tra của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc (think-tank lớn nhất Trung Quốc hiện nay) công bố ngày 24/12/2009 trong “Sách Vàng Tình hình quốc tế năm 2010”.

Đây là một công trình nghiên cứu công phu của tập thể đông đảo cán bộ các ngành nhằm xác định và xếp hạng sức mạnh quốc gia của 7 nước G7 và 4 nước khối BRIC – viết tắt tên của các nước Brazil, Russia (Nga), India (Ấn Độ), China (Trung Quốc). G7 hiện nay là khối quốc gia có nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. BRIC là khối quốc gia hiện chiếm 40% số dân thế giới, tăng trưởng kinh tế từ 4 tới 10%, tương lai sẽ là đầu tàu kinh tế thế giới.

Viện KHXHTQ sử dụng hệ thống chỉ tiêu đánh giá gồm 5 nhân tố trực tiếp hình thành sức mạnh quốc gia là: - lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên, - số dân, - kinh tế, - quân sự, - khoa học kỹ thuật, và 4 nhân tố ảnh hưởng là: - phát triển xã hội, - tính vững bền, - an ninh và chính trị trong nước, - đóng góp quốc tế.

Sau khi tổng hợp xét các nhân tố nói trên, Sách Vàng đưa ra bảng xếp hạng sức mạnh tổng hợp của 11 nước nói trên.

Thứ tự xếp hạng như sau: Mỹ, Nhật, Đức, Canada, Pháp, Nga, Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Ý, Brazil.

Trung Quốc, xếp thứ 7 về sức mạnh tổng hợp, thứ 2 về sức mạnh quân sự.

Sách Vàng nhận định: Mỹ là nước lớn siêu cường có ưu thế trên nhiều mặt, “không cùng một tầng nấc” với các nước khác. Mỹ đứng đầu về 4 chỉ tiêu kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật và cống hiến quốc tế; thứ 2 về chỉ tiêu tài nguyên thiên nhiên. Về cơ bản các chỉ tiêu khác của Mỹ cũng xếp trong nhóm hàng đầu. Nhưng Mỹ đạt số điểm khá thấp về 3 chỉ tiêu phát triển xã hội, tính bền vững và chính trị trong nước.

Nước thứ hai là Nhật đứng hàng đầu trên nhiều chỉ tiêu, nhưng lại xếp ở vị trí rất thấp về 2 chỉ tiêu lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên, số dân; chỉ tiêu quân sự cũng ở nhóm cuối. Tuy vậy Sách Vàng nhấn mạnh: ở đây việc đánh giá thực lực quân sự “chỉ xét tới chỉ tiêu về lượng mà chưa xét nhân tố chất”; thực ra lực lượng quân sự Nhât có đặc điểm là ít mà tinh, “bởi vậy địa vị quân sự của Nhật trên thực tế nên ở vị trí cao hơn vị trí trong bảng”.

Nga và Trung Quốc xếp ở vị trí trung bình (6 và 7). Trên nhiều chỉ tiêu, số điểm của hai nước này đều ở nửa cuối. Nga mạnh về lãnh thổ và tài nguyên, Trung Quốc mạnh về số dân.

Về chỉ tiêu quân sự, Mỹ, TQ, Nga xếp nhất, nhì, ba.

Mỹ là siêu cường nước lớn quân sự đích thực; chi phí quân sự của Mỹ bằng 130% tổng chi phí quân sự của 10 nước còn lại.

Nga đứng đầu về trang bị vũ khí, chủ yếu vì có số lượng trang bị vũ khí rất lớn, đặc biệt xe tăng có 22800 chiếc, xếp đầu bảng; trong khi đó Mỹ, Trung Quốc mỗi nước chỉ có hơn 7000 xe tăng.

Sức mạnh quân sự tổng hợp của Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ, đó là do Trung Quốc đạt số điểm cao về số lượng binh sĩ và trang bị vũ khí.

Bảng xếp hạng này đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi về vị thế của Trung Quốc

Nguồn đọc thêm: http://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=194117#ixzz0wVmVJZcp

THƯ MỜI CỦA VNQDĐ

THAM DỰ HỘI THẢO TRÊN DIỄN ĐÀN PALTALK

Kính mời quý đồng hương tham dự buổi hội thảo với chủ đề:

“Tình hình chính trị Việt Nam trước sự tranh chấp quyền lợi của Hoa Kỳ và Trung Cộng tại biển Đông hiện nay”

do Việt Nam Quốc Dân Đảng tổ chức trên diễn đàn Paltalk:
- Asia, Pacific, Oceania
- Vietnam
- "Dien Dan Sinh Hoat VietNamQuocDanDang"

Ngày Chủ Nhật, 15.08.2010

lúc:
- Châu Âu: từ 06:00 PM - 12:00 PM (18:00 - 24:00) giờ Paris
- California, Hoa Kỳ: từ 9:00 AM - 03:00 PM (09:00 - 15:00)
- Texas, Hoa Kỳ: từ 11:00 AM - 05:00 PM (11:00 - 17:00)
- Washingtoin DC, Canada: từ 12:00 AM - 06:00 PM (12:00 - 18:00)
- Việt Nam: từ 11:00 PM (23:00)
- Sydney Úc: từ 02:00 AM sáng Thứ Hai ngày 16.08.2010

T/M Ban Điều Hành Diễn Đàn VNQDĐ
Thiên Vân

Từ ngày 17.01.2009 Diễn Đàn Sinh Hoạt VNQDĐ được mở 2 tuần một lần vào ngày Chủ Nhật của cuối hay đầu tháng và giữa tháng theo giờ như trên. Ngoài ra, Diễn Đàn cũng được mở bất thường khi có những vấn đề thời sự quan trọng.

http://www.vietquoc.org/modules.php?name=News&new_topic=10

Lm Nguyễn Văn Lý: 16 ĐIỀU GIAN TRÁ VĨ ĐẠI ĐẲNG CẤP HCM SIÊU LỪA

đã gây ra bao khổ đau cực kỳ khốc liệt cho toàn Dân và đang quật mạnh lên mọi giá trị cao quí của Dân tộc Việt

Lm TNLT Nguyễn Văn Lý - Huế - 14-8-2010

Sau khi tôi phổ biến bài “12 LỜI NÓI DỐI VĨ ĐẠI CẤP NHÀ NƯỚC” ngày 25-7-2010, cố ý gọn 4 trang A4, cỡ 13 font Unicode Times New Roman, một số độc giả đề nghị bổ sung thêm một số điều gian dối cũng đẳng cấp siêu lừa của CSVN và nên để mở bài viết, mời tất cả những ai có điều gì thì bổ sung thêm các điều gian trá tầm mức vĩ đại này, đừng vội chấm hết bài. Vì thế, hôm nay tôi mạn phép bổ sung thêm 4 điều, 12 trang A4, hi vọng Dân nghèo vẫn nhân bản được dễ dàng. Kính mời Quí Vị rộng đường bổ sung.


Các Đức Giám mục Công giáo hoàn cầu 5 năm 1 lần về Rôma để viếng mộ 2 Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Ngoài buổi gặp chung của Hội đồng GM hoặc từng nhóm GM với Đức Giáo hoàng, mỗi GM còn gặp riêng ĐGH để trình bày về Giáo phận mỗi GM coi sóc, mỗi Vị 15-30 phút. Cuộc thăm gặp này gọi là Ad Limina, có nghĩa là “đến ngưỡng cửa”. Trong lần Ad Limina của Hội đồng Giám mục VN năm 1980, Đức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền hỏi Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II : “Đức Thánh Cha nghĩ gì về Cộng sản?”. Đức Gioan-Phaolô II trả lời ngay không do dự, rất ngắn gọn, súc tích và chính xác, nguyên văn bằng tiếng Pháp: “Mensonge ! Et rien que mensonge!” (Dối trá! Và chỉ là dối trá!).

Trước 1954, lúc mới 5-6 tuổi, tôi đã thuộc lòng bài thơ về Cộng sản dối trá:

Dối thiên dối địa dối vô cùng,
Dối giấy dối tờ dối tứ tung,
Dối từ đất Âu sang đất Á,
Dối từ xuân hạ đến thu đông,


Dối gạt Dân mê không hóa có,
Dối phỉnh Dân mù có hóa không,
Dối mãi dối hoài không hết dối,
Dối thiên dối địa dối vô cùng.

Tôi đã nhiều lần lặp đi lặp lại trước công luận quốc tế : “Việt Nam hiện nay là một trường dạy nói dối tinh vi và khổng lồ. Từ một phụ huynh tìm trường cho một em học sinh mẫu giáo và chính em mẫu giáo ấy đến ông Chủ tịch Nước, kể cả các Chức sắc các Tôn giáo, đều buộc phải biết nói dối để xuôi thuận công việc. Một Việt kiều văn minh ở Na-Uy, Thụy Sĩ, Nhật Bản,... đặt chân xuống Tân Sơn Nhất, Nội Bài,... là phải biết nói dối để dễ trót lọt hải quan sân bay ngay!”

Cha đẻ của các bệnh thành tích, bệnh học giả, thi giả, bằng giả, báo cáo giả, thuốc giả, thực phẩm giả,...hiện nay tại VN là ai ? Dối trá “made in VN” bắt nguồn từ đâu ? Chắc chắn chính xác là từ ông HCM : đại gian ác, siêu cao thủ, lừa gạt được gần cả thế giới.

Những điều gian trá của CSQT và CSVN nhiều vô kể không thể ghi ra hết được. Để bổ sung phần nào các điều gian dối của CS mà nhiều người đã nêu lên trong nhiều sách báo mấy chục năm qua, tôi xin lược kê thêm 16 bằng chứng tiêu biểu mang tính khái quát cao, bộc lộ đúng bản chất khách quan của phong trào CS quốc tế, CSVN và của ông HCM, hoàn toàn không hề do định kiến của một số người nào đó cố tình bóp méo xuyên tạc, để lấy cớ mà tẩy chay CNCS và CNXH tại VN và trên toàn thế giới :

1. Cuối năm 1945, để lừa mị công luận, HCM tuyên bố giải thể đảng CS Đông Dương, nhưng thực ra là chỉ rút lui vào bí mật. Năm 1951 đổi tên là đảng Lao Động VN. Sau 1975 đổi thành đảng CSVN. Thực tế cả 3 đảng chỉ là một (vô ra chỉ một con ma ấy !!!).

2. Trong Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 và Hiến pháp 1946, HCM và CSVN khôn khéo cố tình không nhắc đến một lần nào CNXH, CNCS. Nhưng sau đó lại áp đặt : Độc lập Dân tộc phải gắn liền với CNXH, rồi độc đoán cột buộc mọi Dân Việt : yêu Nước là yêu CNXH !?!

3. Sau Hiệp định Genève 20-7-1954, tất cả các Cán bộ CS ở miền Nam nào muốn tập kết ra Bắc đều được tự do đi và chính Pháp cung cấp đủ tàu thủy chở đi. Trái lại rất nhiều Đồng bào ở miền Bắc muốn di cư vào Nam thì bị đủ mọi hăm dọa, thủ đoạn ngăn chặn, kể cả bắn chìm ghe, thuyền, bè của Dân và nhấn chìm Dân chết đuối. Nếu được tự do di cư, không chỉ có hơn một triệu Đồng bào miền Bắc di cư vào Nam, mà con số phải cao hơn nhiều lần.

4. Năm 1955, HCM ký Sắc lệnh Tự do Tôn giáo. Kết quả là tất cả các Tiểu và Đại chủng viện là những trường đào tạo LM ở miền Bắc đều bị đóng cửa, tất cả các Nữ Tu sĩ đều bị ép buộc phải về nhà lấy chồng (vì là bọn trốn đẻ), chỉ một số ít kiên trì bám trụ, khôn ngoan trốn tránh (tu chui) mới tồn tại cho đến 1975. Rất nhiều Linh mục, Nam Tu sĩ, Giáo dân nòng cốt bị nhốt vào các trại cải tạo, một số đã chết trong tù. Sau 1973 CSVN mới cho mở lại 2 Đại chủng viện Hà Nội và Vinh với giới hạn tuyển sinh rất ngặt nghèo. Hiện nay, trong cả Nước, tất cả các Tiểu chủng viện (cấp phổ thông và đại học) đều đang bị CSVN tịch thu, có khi bằng bạo lực với quân đội, súng ống (như Tiểu chủng viện Hoan Thiện, 11 Đống Đa, Huế, 13-19.12.1979). 26 Giáo phận cả Nước hiện nay đều không Giáo phận nào có Tiểu chủng viện hết mà lẽ ra mỗi Giáo phận đều cần một Tiểu chủng viện để đào tạo các thanh thiếu niên tu học chuẩn bị vào Đại chủng viện. CSVN chỉ cho mở lại 6 Đại chủng viện: Hà Nội, Vinh, Huế, Nha Trang, Sài Gòn, Vĩnh Long. (ĐCV Sài Gòn có một cơ sở phụ tại Xuân Lộc). Các ứng sinh linh mục bị buộc phải học nhồi sọ chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng HCM. Không còn một tờ báo, nhà xuất bản, nhà in,... nào của Tôn giáo nào.

5. Từ 1960 đến 1975, Bộ đội miền Bắc tràn vào xâm lược miền Nam với đường HCM trên Trường Sơn, trên Biển Đông, với hệ thống xăng dầu rõ ràng, với hàng ngàn chiến xa đủ loại, với hàng núi vũ khí kinh người, thế mà CSVN vẫn rêu rao trước công luận quốc tế là “Đồng bào miền Nam tự nổi dậy” với lá cờ xảo trá 3 màu xanh, đỏ, vàng. Nay thì lại trơ trẽn tự hào là quân ta có “đường Trường Sơn huyền thoại” !!!

6. Hiệp định “Ngừng chiến và tái lập hòa bình tại VN” tại Paris năm 1973 qui định: Quân đội các bên tham chiến đều ngưng chiến, và phải rút khỏi lãnh thổ VNCH, để Dân miền Nam tự quyết định tương lai của mình trong hòa bình. Quân đội Hoa Kỳ “ngây thơ” (?) rút. Quân Bắc Việt chẳng những không rút mà còn phát huy bản chất và thói quen cực kỳ xấu xa là âm mưu gian trá chuẩn bị đánh lớn. Kết quả là trong những năm 1973-1975 chiến tranh liên miên ở miền Nam và ngày càng ác liệt, mãi cho đến ngày đứt phim gãy súng 30-4-1975. Hoa Kỳ ăn no bánh lừa. Hơn 2,5 triệu người Dân miền Nam thì quá sợ hãi tìm mọi cách trốn khỏi “thiên đàng CS”, đành bỏ mạng nửa triệu trên đường liều chết vượt rừng hoặc lao ra biển, tạo nên thuật ngữ tiếng Anh mới : boat peoples (thuyền nhân) made from VN “không nơi nào có được”. Nếu cột điện đường chạy được, chúng cũng vượt biên luôn. Hàng triệu quân-cán-chính Việt Nam Cộng Hòa phải tù đày 2-13 năm (đợt thả cuối cùng đầu năm 1988). Có người tù đi tù lại lần 2, 3, 4 trong 35 năm “thống nhất” mà đã “chung thân” đến 33-34 năm rồi !!!

7. Từ 1975 -2010, các cấp chóp bu và phát ngôn nhân của Bộ ngoại giao của Nhà cầm quyền CSVN đi đâu cũng luôn rêu rao không biết ngượng: “Ở VN, không hề có tù nhân tôn giáo, tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị.” Thực tế là chỉ nguyên hiện nay đang có hơn 200 tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo của các Giáo hội Tin Lành, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Công giáo. Tôi luôn hỏi lại các Công an bắt và giam tôi : “Thế tôi là loại tù gì ?” các CA ấy luôn im lặng, không thể trả lời được. Trong trại giam, bất cứ lúc nào báo chí đưa tin câu rêu rao nêu trên, tôi đều có tuyệt thực phản đối, để được “bị lập biên bản” hầu có giấy bút ghi lý do tuyệt thực đằng sau trang giấy biên bản để bênh vực các Tôn giáo, Nhân quyền, Tự do, Dân chủ, Công lý, Sự thật. Dịp Tết Kỷ Sửu 2009, sau khi nghe Ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch Nước, rêu rao như vậy tại Hoa Kỳ, tôi tuyệt thực không ăn 3 ngày tết và hát nghêu ngao cho các bạn tù ở các khu kỷ luật và khu biệt giam khác nghe bài “Pháo Tết” cải biên : “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi ! Nhưng rất buồn vì Cộng sản nói dối. Xuân ơi, Xuân ơi, Xuân đến rồi ! Nhưng rất buồn vì Cộng sản không thật.”

8. Hiến pháp CHXHCNVN năm 1992 đã bổ sung năm 2001, điều 59, b: “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.” Mời chính ông HCM đốt đuốc tìm cho ra dù chỉ một trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học bất kỳ (của Nhà nước) ở khắp Việt Nam hiện nay mà học sinh “không phải trả học phí”, thì tôi chết liền. Trái lại, tất cả các phụ huynh của những học sinh nhà nghèo các cấp này đều phải lo toát mồ hôi đầu năm học và các kỳ học giữa năm : nào là học phí, nào là các khoản đóng góp đủ kiểu, đủ loại. Nếu không có các Nhà Chùa, Nhà Xứ, Tổ chức, Nhà hảo tâm,... tìm cấp học bổng cho các em, thì hầu như tất cả học sinh con nhà nghèo đều phải chịu thất học, bỏ học và mù chữ hàng loạt. Còn các học sinh cấp cao hơn, sinh viên thì khỏi phải bàn. Học phí là một gánh quá nặng là chuyện đương nhiên...

9. Hiến pháp CHXHCNVN năm 1992 đã bổ sung năm 2001, điều 52: “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.” Chỉ có người điên, dại, khờ mới tin vào điều này ở VN. Hãy nhìn vào 2 vụ việc gần đây nhất (giữa năm 2010 này) : Ông Nguyễn Trường Tô, Phó Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang đã công khai mua dâm, cưỡng dâm vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật, trong khi các cô gái nạn nhân lại đang rên siết trong nhà tù. Và Ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin) đã làm vỡ nợ lên đến 4 tỷ USD (80 ngàn tỷ VNĐ), sau khi công luận bức xúc quá, ngày 4-8-2010 vừa qua, CA đã bắt và khởi tố kiểu “tế thần”. Để xem, mức án, nếu có cũng nhẹ hều, và nếu có hơi nặng tí chút vì “yêu cầu chính trị”, thì cũng luôn được tha trước thời hạn cách rất “ngoạn mục”, như hàng trăm vụ chìm xuồng “made by CSVN” tương tự rồi. Vào tù rồi, CB CSVN vẫn luôn được ưu tiên 01 !!!

10. Các cấp quyền lực CSVN hiện nay đều đại ý luôn miệng rêu rao: “Nhà Nước bồi hoàn thỏa đáng cho Dân khi có kế hoạch “giải phóng mặt bằng” vì các công trình phúc lợi chung, để người Dân đến định cư ở nơi mới phải có cuộc sống tốt hơn hoặc ít ra là bằng ở nơi cũ. Việc này luôn phải được người Dân cùng tự nguyện đồng thuận hợp tình, hợp lý.” Hàng vạn vụ “giải phóng mặt bằng” trong cả Nước đã và đang gây ra bao bất công uất ức cho Dân nghèo từ hơn 35 năm nay. Hãy nhìn vào 2 vụ việc gần đây nhất : Ngày 25-5-2010, Công an nổ súng bắn chết em Lê Xuân Dũng, 12 tuổi và anh Lê Hữu Nam, 40 tuổi tại xã Tĩnh Hải, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa chỉ vì họ không chấp nhận mức bồi hoàn sản nghiệp đất đai của họ một cách quá bất công. Và ngày 03-7-2010, Công an đã đánh chết giáo dân Tôma Nguyễn Thành Năm, 43 tuổi sau khi đã tra tấn hành hạ anh cùng hàng mấy chục giáo dân khác nhiều ngày trước, từ ngày CA cướp quan tài và đánh đập rất dã man nhiều giáo hữu, trong đám tang của Cụ bà Maria Đặng Thị Tân hôm 04-5-2010 ở giáo xứ Cồn Dầu, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, chỉ vì họ không thể chấp nhận mức đền bù nơi ở của họ quá rẻ mạt, khi Nhà cầm quyền CS Đà Nẵng muốn cưỡng chiếm quê hương họ để làm khu du lịch sinh thái, sinh gian, sinh dơ và sinh tội !?!

11. Giáo sư Phan Huy Lê, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, trả lời báo Người Việt là “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”, ông nói: “Tôi còn món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Đó là lúc anh Liệu làm Bộ trưởng Bộ tuyên truyền, đã bịa ra nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè…Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng :“Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại dùm tôi, lở khi đó tôi không còn nữa”. (Người Việt, 21-3-2005). Giảng viên Đại học Khoa học Huế Hà Văn Thịnh cũng như rất nhiều chuyên gia khoa học đều cho rằng : Lê Văn Tám chắc chắn chỉ là nhân vật bịa đặt. Lý do đơn giản là không thể có chuyện một thiếu nhi tự châm lửa cả người rồi chạy xa hàng mấy chục mét được, vì “em đuốc lửa” ấy chạy chưa được 5 mét là phải gục xuống liền. (Tham chiếu “CSVN lấy gian dối làm phương châm hành xử” của Đại Nghĩa ngày 6-7-2010). Chuyện lừa bịp quá trắng trợn này đã bị phơi bày cả chục năm rồi, thế mà hiện nay các sách giáo khoa học sinh cấp I, II vẫn lì lợm nêu gương Anh hùng Thiếu niên Lê Văn Tám, Sài Gòn vẫn ngang bướng trêu ngươi với công viên Lê Văn Tám, nhiều nơi có trường học Lê Văn Tám, tôn vinh người Anh hùng Thiếu niên bịa bịp, để lớp lớp triệu triệu thiếu nhi-thiếu niên ngây thơ trong trắng Việt Nam noi gương sống theo !?!

12. Từ hơn 35 năm nay, CSVN phát động chương trình “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em” (?) đại ý như sau: Vì hạnh phúc và chất lượng cuộc sống tương lai của các em bé đã sinh ra, phải trục giết bớt các em chưa sinh ra từ 1,2 tháng tuổi cho đến 6,7 thậm chí 8 tháng tuổi, mỗi năm ở VN khoảng 2 triệu em; hoặc đặt vòng tránh thai, hoặc hút điều hòa kinh nguyệt (thực chất là phá thai non) đều là các hành vi đạo đức !!! Lập luận theo kiểu của chủ nghĩa Mao trong cuộc đại cách mạng văn hóa (1970-1977) : “Để làm cho hơn 1 tỷ Dân TQ hạnh phúc mà phải giết 30 triệu Dân TQ, đó là hành vi đạo đức !!!”. (Tôi ở tù với một số gián điệp người Tàu, có thời đã là đệ tử trung kiên của Mao, tại K1 Thanh Cẩm, Cẩm Thủy, Thanh Hóa và K1 Nam Hà, Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam những năm 1984-1992, họ đều lập luận như thế).

Dù lấp liếm bao biện gì gì, thì việc trục giết, nạo giết các thai nhi là tội “mẹ giết con cách rất dã man, chủ mưu và đồng phạm”. Ai có lương tri đều phải hiểu chính xác như thế và chỉ được hiểu đúng như thế : “Trục giết vô số nhi thai – Ngút trời tội ác họa tai lâu dài!!!” (Thơ đấu tranh cho Tự do Tôn giáo của tác giả).

“Đặt vòng tránh thai, điều hòa kinh nguyệt là gì”? Chính xác là: Bình thường, với phụ nữ khỏe mạnh, mỗi buồng trứng bên phải và bên trái thay phiên nhau, mỗi tháng một lần, từ buồng trứng của phụ nữ, trứng tốt khỏe mạnh rụng xuống 01 trứng, nằm ở đầu vòi trứng đợi tinh trùng nam 48 giờ. Sau 48 giờ, nó bắt đầu thối rữa và chuyển dần xuống tử cung. 12 ngày sau, cơ thể chủ nhân tống trứng thối ra ngoài với chút máu, gọi là kinh nguyệt. Từ khi trứng rụng đến đầu kỳ kinh, mọi phụ nữ toàn cầu đều có nửa chu kỳ này là 14 ngày. Nhưng từ đầu kỳ kinh đến khi trứng rụng lại của nửa chu kỳ sau thì mỗi phụ nữ không đều nhau : 14, 16, 18, 20, 30, 40,... ngày. Khi trứng đã thụ tinh (em bé rất bé mới chỉ là phôi) sẽ tự di chuyển dần từ cửa buồng trứng, men theo vòi trứng, xuống bám vào thành tử cung để làm tổ. Nếu đặt vào tử cung 1 vòng plastic hình lò-xo ziczac dẹt, khi người phụ nữ di chuyển, xê dịch, thì vòng plastic này sẽ đánh tơi em bé rất bé này, dù chỉ mới 1-2 tháng tuổi. Cơ thể người mẹ sẽ tống xuất em bé đã chết này ra với một ít máu “gần giống như kinh nguyệt”. Do đó, thực chất, phụ nữ nào đặt dụng cụ bị gọi cách gian trá là “vòng tránh thai” này, nếu có sinh hoạt với người nam, mỗi tháng đều có phá thai non một lần mà không biết. (Rất hiếm khi phôi ép vòng qua một bên, nên dù đặt vòng, phụ nữ nào đó vẫn mang thai bình thường).

Nhà cầm quyền CS lừa gạt Dân nghèo dụng cụ phá thai non, phá phôi này là “vòng tránh thai”, trong khi hầu hết các bác sĩ, trí thức đều biết rõ, nhưng rất ít người can đảm và chân tình tận tụy giải thích cho Dân. Tội phá thai non này ai chịu???

Cũng tương tự, khi phụ nữ thấy mất kinh, đến phòng “Bảo vệ bà mẹ trẻ em” xin “điều hòa kinh nguyệt”, thực chất là vô tình hoặc cố ý nhờ cán bộ sát thủ y tế “hút thai non” ra. Tội này ai gánh ???

Thay vì dối gạt Dân nghèo như trên, lẽ ra Chính quyền chân chính cần đầu tư tăng thêm cán bộ y tế am tường sinh học, biết giải thích và chỉ dẫn cho Dân các phương pháp sinh con theo ý muốn hợp đạo đức, như phương pháp Billings,... Ngân khoản ít hơn mà hiệu quả vừa đạo đức, vừa văn minh, vừa ổn định, vừa vững bền.

13. Quá nhiều điều ông HCM tự gian trá hoặc thuộc hạ gian trá về ông ấy mà nhiều sách báo đã chứng minh rồi, sau khi lược qua vài điểm mốc, ở đây tôi chỉ chủ yếu đề cập đến 2 áng văn đặc biệt liên quan đến học sinh-sinh viên và UNESCO có tôn vinh HCM thật không?

- Ngày sinh (19-5-1946 là ngày Hà Nội treo cờ giăng hoa đón Đô đốc Pháp D’Argenlieu, HCM ngụy nhận cho oai);

- Chiếm đoạt biệt danh/bút hiệu của các Nhân sĩ đã nổi tiếng và có hàng trăm tên giả: (Nguyễn Ái Quấc/Quốc là bút hiệu của cả nhóm Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền, Hoàng Quang Giụ, Hoàng Quang Bích, Văn Thu, Nguyễn Như Phong, Nguyễn Văn Tự mà HCM chôm tất cả công trình sách báo của nhóm này thành của Nguyễn Tất Thành (tức HCM); HCM là hiệu của Cụ Hồ Học Lãm, người thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội năm 1935. Sau khi Cụ Hồ Học Lãm qua đời (1938 ?), Nguyễn Ái Quốc (tức Lý Thụy, Hoàng Quốc Tuấn, Già Thu, Sáu Sán, Ông Ké) đoạt luôn Hội này năm 1941 và chiếm đoạt trọn đời biệt danh HCM của cụ Hồ Học Lãm, sát nhập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội và VN Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội của Trương Bội Công-Nguyễn Hải Thần thành Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi là Việt Minh, vì lúc đó, biệt danh HCM của cụ Hồ Học Lãm giới chính khách Trung Hoa và Đồng Minh Âu Mỹ chống Nhật đã biết nhiều);

- Đóng vai sĩ quan T.Lan tự viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện” để tự đề cao mình quá lố;

*** Đóng vai nhà báo Trần Zân Tiên (nguyên bản là Zân) tự viết tiểu sử “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” tự ca tụng mình như một Vị Thánh, một siêu nhân;

Tập thơ chữ Hán “Ngục Trung Nhật Ký” (Nhật ký trong tù) thực sự do ai viết?

- Ngày chết (lúc đầu CSVN công bố 3-9-1969, về sau giấu không nổi nữa đành thú nhận là HCM đã “đi gặp Các-Mác Lênin” đúng ngày “Quốc Khánh” 2-9-1969);

- “Di chúc”: Một người phải chịu trách nhiệm chính về thảm nạn đấu tố hết sức tàn bạo và giết bỏ quá dã man kinh hoàng hàng trăm ngàn người Dân vô tội trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất theo bài bản của Mao Trạch Đông những năm 1953-1957 tại miền Bắc Việt Nam, bỏ tù và đày đọa đến kiệt sức chết bằng cưỡng bức lao động hàng vạn nhà trí thức và người Dân bất đồng chính kiến những năm 1945-1969-1975, giết luôn cả người tình-đồng chí của mình, mà đến gần chết vẫn cả gan tiếp tục dối gạt mọi người qua Di chúc : “Suốt đời tôi không ân hận gì hết”, trong khi Đức Khổng Tử dạy rằng : “Người quân tử mỗi ngày sám hối bảy lần”.

UNESCO của LHQ có tôn vinh HCM là nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại không?

Nhằm cứu thoát hàng chục triệu học sinh-sinh viên hàng năm vẫn bị buộc học và bị thi đi thi lại đến toát mồ hôi mà lòng trĩu nặng như bị đá đè về thân thế và sự nghiệp của HCM (khá nhiều em thi lại lần 2, 3 vẫn không thể đủ điểm về các môn học gian quái), để khỏi quá dài dòng, điều gian trá thứ 13 của bài này chỉ đề cập 2 “đại tác phẩm” của “Siêu lừa” và vấn đề UNESCO thôi :

13. a) “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Zân Tiên.

Ngay từ đầu, 1948, ban biên tập của NXB Sự Thật đã ngờ rằng chính HCM tự ca tụng mình qua văn phong đậm nét tự thuật. Họ kín đáo so mẫu chữ máy đánh chữ trên bản thảo thấy giống hệt mẫu chữ máy hiệu Hermes của HCM, nhưng không ai dám nói, cứ tạm coi Trần Zân Tiên như một nhà báo cực kỳ bí ẩn xuất quỉ nhập thần nào đó, không ai biết được tung tích. Không thể che giấu mãi được, cuối cùng gần đây các cơ quan chính thức của CSVN đều phải thừa nhận Trần Zân Tiên chính là HCM, vô liêm sỉ đầy mình khi cả gan tự phong là “nhà văn hóa lỗi lạc”, “lãnh tụ vĩ đại”, được “toàn dân gọi là Cha Già Dân tộc kính yêu / Bác vĩ đại”.

Năm 1985, giáo sư Hà Minh Ðức đã xuất bản cuốn “Những Tác phẩm Văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, trong đó có đoạn : ‘‘Ðáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào và bạn bè trên thế giới. Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm Những Mẩu Chuyện Về Ðời Hoạt Ðộng Của Hồ Chủ Tịch.’’ (Hà Minh Ðức, sđd, tr 132, NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985).

Thật tội nghiệp là “nhà báo Trần Zân Tiên” không tài nào moi được thông tin gì từ HCM cả : “Nguyên nhân rất đơn giản : Chủ tịch HCM không muốn nhắc đến thân thế của mình”. Trần Zân Tiên đặt lên miệng HCM : “Hiện nay có nhiều việc cần thiết hơn… Còn tiểu sử của tôi, thong thả sẽ nói đến…”. HCM tự viết về HCM : ‘‘Bác Hồ của chúng ta vô cùng khiêm tốn; Bác không muốn kể cho ai nghe về hoạt động của mình; rồi Bác Hồ được nhân dân ta coi là cha già của dân tộc; Bác còn vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Ðạo vì đã đưa dân tộc ta vào kỷ nguyên xã hội chủ nghĩa…’’! Năm 1948 ‘‘vị cha già của dân tộc’’ ấy 58 tuổi !!! Chỉ cần đọc thêm một câu sau đây thôi là hiểu được bản chất thật của HCM. Trần Zân Tiên-HCM tự viết: “Một người như Hồ Chủ tịch của chúng ta, với đức khiêm tốn nhường ấy và đương lúc bề bộn bao nhiêu công việc, làm sao có thể kể cho tôi nghe bình sinh của Người được ?” (trang 7, 8 hoặc 9 tùy lần xuất bản).

Có những người dùng quyền lực / tiền bạc để bắt người khác ca ngợi mình. Có thể có người mặt dày ẩn danh tự viết tiểu sử mình, nhưng tự tán dương bốc thơm mình cách cực kỳ “khiêm tốn nhường ấy” thì may ra trên đời mới chỉ có một “kết tinh bốn ngàn năm văn hóa của Việt Nam” trâng tráo vô liêm sỉ hết cỡ đến thế mà thôi. HCM đã vi phạm tận gốc những giá trị văn hóa mà tổ tiên ta vẫn hằng nâng niu, trân trọng, giữ gìn từ bao đời nay. HCM đã dùng sự gian trá điêu ngoa tự hủy hoại những giá trị văn hóa thiêng liêng của Dân tộc và Nhân loại.

Điều này không phải là một sự phỉ báng cực kỳ vĩ đại đối với Dân tộc VN và lương tri nhân loại là gì ? Các nhà giáo và trí thức VN thẳng thắn trả lời cho bao thế hệ học sinh Việt Nam đi !!!

13. b) “Ngục Trung Nhật Ký” (Nhật ký trong tù – từ đây gọi là NKTT) được sáng tác bởi ai?

* Về ngoại vi: Theo các tài liệu chính thức của CSVN xuất bản : Từ thôn Ba Mông, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, HCM muốn đi Trùng Khánh để gặp một lãnh tụ CSTQ là Chu Ân Lai, nhưng bị bắt sáng sớm ngày 29-8-1932 tại thôn Túc Vinh, Tĩnh Tây, Quảng Tây cùng với Dương Đào dẫn đường, trên người có nhiều loại tiền, nhiều giấy giới thiệu khác nhau do nhóm HCM tự khắc dấu, tự làm từ Lạng Sơn, VN với các tên cũng khác nhau (Nguyễn Ái Quốc, HCM, Lý Thụy, Hoàng Quốc Tuấn, Già Thu) và một số giấy do Trung Quốc cấp từ trước. Trong đó có 2 giấy giới thiệu của Phân hội VN của Quốc tế phản xâm lược (chống Nhật), và của VN Độc Lập Đồng Minh Hội. Do đó, HCM bị nghi là Hán gian, phải ở tù từ 29-8-1942 đến 10-9-1943, trong 18 nhà tù của quan quân Tưởng Giới Thạch ở vùng Tĩnh Tây, Liễu Châu, Thiên Bảo, Bình Mã, Long Tuyền, Điền Đông, Quả Đức, Long An, Đồng Chính, Ung Ninh, Nam Ninh, Quế Lâm,… tỉnh Quảng Tây. Trong thời gian ở tù 12 tháng 12 ngày ấy, HCM viết NKTT bằng chữ Hán trên hàng trăm tờ giấy rời (nguyên bản). Sau đó, HCM được CSVN phối hợp với CSTQ tìm mọi cách cứu ra tù, nhưng vẫn bị đưa về quản chế hơn 1 năm tại Cục Chính trị Chiến khu 4 của Chính phủ Tưởng Giới Thạch đến 20-9-1944. Thời gian này, HCM ghi chép lại (bản biên tập lại - nguyên bản đã bị HCM hủy bỏ) 133 bài thơ ấy + 1 bài (b.) cuối làm thêm khi vừa ra tù (Tân xuất ngục học đăng sơn, vừa ra tù học leo núi), tất cả 134 bài thơ ngắn, trên 1 sổ nhỏ (9,5cm x 12,5 cm) dày 82 tờ (164 trang) bằng giấy bản tốt hơn, cũng toàn bằng chữ Hán chuẩn, đóng thành 1 tập, ngoài bìa có vẽ hình đôi tay bị xích, ghi thời biểu 29-8-1932 đến 10-9-1933 (lệch trước thời gian bị tù thật đúng 10 năm). Bản dịch phổ biến nhất (134 b.) là của 2 ông Nam Trân-Văn Trực, do Viện Văn Học chịu trách nhiệm xuất bản lần đầu năm 1960, dựa trên bản biên tập lại này. Có lần xuất bản chỉ 111-113 b. Tài liệu khác lại ghi rằng ngay từ đầu HCM đã viết NKTT trên một cuốn sổ nhỏ, và những tháng tù cuối cùng kỳ này HCM bị giam ở nhà tù của Cục Chính trị Chiến khu 4 của Chính phủ Tưởng Giới Thạch. Tại đây HCM tiếp tục viết xong NKTT cho đến ngày ra khỏi tù 10-9-1943. Có tài liệu ghi thời gian ở tù thật sự lần này là gần 14 tháng (28.8.1942-10.1943).

HCM về lại VN cuối tháng 9-1944, mang theo tập thơ, giữa đường từ Pác Bó đi Tân Trào, lưu lại lán tranh của ông Hoàng Đức Triều ở Lam Sơn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng từ 29-4 đến 9-5-1945. Lần kia HCM tiện tay giắt tập thơ vào mái lán tranh của ông Triều và bỏ quên nó ở đó. Sau khi HCM đi khỏi vài ngày, ông Triều phát hiện tập thơ, cậu Hoàng Triều Ân là con trai út của ông Triều bảo bố cất đi. Gần 5 năm sau, đầu năm 1950, ông Triều trao tập thơ cho cậu Triều Ân dặn là phải gửi cho HCM. Hoàng Triều Ân trao tập thơ cho Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng là Dương Công Hoạt. Ông Hoạt giữ nó thêm 5 năm, đến năm 1955, tập thơ được gửi đến Phủ Chủ tịch theo đường công văn : “Gửi văn phòng Chính phủ để trình lên Bác Hồ”. (Tài liệu khác : Khoảng cuối năm 1954, 1 người Nùng về Phủ Chủ tịch tận tay trao lại tập thơ mà HCM đã bỏ quên ở nhà ông ấy). HCM tiếp nhận tập thơ quí của mình, mừng rỡ, cảm ơn, rồi không màng chi đến nó, trao cho phòng lưu trữ của Trung ương đảng Lao Động VN hơn 4 năm nữa (nó bị quên tất cả gần 14 năm).

Đầu năm 1959, ông Phạm Văn Bình (Văn Trực), trưởng ban giáo vụ trường đảng Nguyễn Ái Quốc, tình cờ phát hiện “đại tác phẩm” này, mượn ông Hùng, người quản thủ phòng lưu trữ, đưa về nhà, nhờ ông Văn Phụng dịch chữ Hán, rồi ông Văn Trực (PVBình) dịch thành thơ quốc ngữ. Sau đó, ông Bình trao tập thơ gồm 133-134 b. cho 2 ông Trường Chinh, Tố Hữu. Ông Tố Hữu giao cho 2 ông Đặng Thai Mai và Hoài Thanh thuộc Viện Văn Học trách nhiệm xuất bản. 2 ông Mai-Thanh lại giao cho ông Nam Trân cùng ông Văn Trực xem lại bản dịch để tháng 5-1960 xuất bản vừa là lần đầu, vừa đại trà 47 vạn bản (NXB Phổ Thông 45 vạn bản, NXB Văn Hóa 2 vạn bản) kịp mừng HCM 70 tuổi và phổ cập cho toàn dân học tập (sau gần 16 năm 4 tháng kể từ khi nó ra đời). Về sau có thêm các bản dịch khác, nhưng bản phổ biến nhất vẫn là bản dịch của 2 ông Nam Trân-Văn Trực do Viện Văn Học chịu trách nhiệm này. Đến lúc đó, xem ra HCM vẫn thờ ơ lãnh đạm với việc dịch, xuất bản tập thơ “rất lừng danh” của mình. Khi cận vệ đọc cho nghe, HCM chỉ hững hờ nói : “Thơ các chú dịch hay hơn thơ của bác”. Những cận thần đều cho là vì HCM rất mực khiêm tốn, đã siêu thoát khỏi vòng danh lợi thường tình. (Thực ra HCM có tự dịch b.134 với bút danh T.Lan như một dịch giả ẩn danh nào đó).

* Về nội dung: Trong cả tập thơ 133 b. chỉ có 2 câu duy nhất đề cập đến VN khi tác giả tự khẳng định mình là người Việt ở phần mở đầu đoạn II (b.5) của b. Thế Lộ Nan (Đường đời gian nan – b.4-5-6) : Dư nguyên Đại biểu Việt Nam dân, Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân. (Ta vốn là Đại biểu của Dân Việt Nam , Định đến Trung Hoa gặp nhân vật quan trọng), có lẽ HCM khi chép lại (10.9.1943-20.9.1944) đã làm thêm. Còn b.134 “Tân xuất ngục học đăng sơn” (vừa ra tù học leo núi) có câu cuối : Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân (Trông lại trời Nam , nhớ bạn xưa) được hiểu về Việt Nam , không có trong tập thơ chính, được HCM làm sau khi đã ra khỏi tù.

Ngoài 3 câu thơ trên, tuyệt nhiên tác giả không hề gợn nhớ đến một danh lam thắng cảnh đặc sắc nào của Việt Nam, không hề hồi tưởng lại một phong tục tập quán nào của người Việt, không hề đề cao một nét đặc trưng hay một đức tính cao đẹp nào của con người thuần Việt, không hề đề cập đến tính chân chất của dân quê hoặc miền quê Việt Nam. Tất cả các Danh nhân và Anh hùng Dân tộc lừng danh như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Lê Quí Đôn, Chu Văn An, Mạc Đỉnh Chi…, các địa danh nổi tiếng của VN như Ba Đình, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đông Đô, Đống Đa, Hạ Long, Hoàng Liên Sơn, Sa Pa, Thăng Long, Yên Tử…các biến cố sôi động tại VN, kể cả các đồng chí CSVN của HCM… đều hoàn toàn vắng bóng trong NKTT. Tất cả đều chỉ nói về đất nước Trung Quốc, người Hán và quan quân Tưởng Giới Thạch… kể cả tâm sự của tác giả cũng đa phần là của một người Hán, nhiều bài lại là tâm sự của một người Hán tầm thường nữa.

*Thử phân tích đôi điều: - Tôi đã ở tù 5 lần (1968 tại quận 8, Sài Gòn; 1977 tại Thừa Phủ, Huế; 1983-1992 tại Thừa Phủ, Huế + Thanh Cẩm, Thanh Hóa + Nam Hà, Hà Nam; 2001-2005 tại Thừa Phủ, Huế + Nam Hà, Hà Nam; 2007-2010 tại Thừa Phủ, Huế + Nam Hà, Hà Nam). Cũng như hầu hết các tù nhân khác mới bị bắt + tạm giam, như CSVN vẫn rêu rao, thời nay “văn minh – nhân đạo” hơn thời Tưởng Giới Thạch rất nhiều, thế mà một mảnh giấy, một cây bút bi cũng rất khó có, rất hiếm khi Cán bộ lờ đi hoặc cho dùng. Chỉ khi nào đã xử xong, ở trại giam, tùy loại tù nhân có thể được giữ giấy bút và cũng chỉ tùy từng giai đoạn. Làm sao trong tù thời ấy HCM mới bị bắt và đang bị tạm giam mà có sẵn giấy, bút lông, mực xạ dễ dàng đến thế ? HCM xuất nhập trại 18 lần, chuyển trại 17 lần, mỗi lần phải đi bộ hàng mấy chục cây số, làm sao che mắt nổi quan quân Tưởng Giới Thạch với hàng trăm mảnh giấy ghi thơ trực tiếp phê phán chế độ lao tù “rất khắc nghiệt” của họ Tưởng ? Thần thông biến hóa hơn lão Tôn Ngộ Không chăng !?! Bị tù gần 2 năm ở Hồng Kông (6.1931-1.1933) lâu hơn, điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, văn minh hơn rất nhiều, nhưng tại sao HCM không làm một bài thơ nào?

- HCM bị bắt vì bị nghi là Hán gian. Vậy sự thường, cách tốt nhất để chứng minh mình không phải là Hán gian, là bằng mọi cách HCM phải luôn khẳng định mình là người Việt (như 2 câu mở đầu đoạn II (b.5) của bài Thế Lộ Nan : “Ta vốn là Đại biểu của Dân Việt Nam, Định đến Trung Hoa gặp nhân vật quan trọng”, mà nhiều người cho rằng khi chép lại ở Cục Chính trị Chiến khu 4, HCM đã thêm đoạn II - 4 câu này - vào sau), phải làm thơ bằng tiếng Việt, sao lại bằng chữ Hán ? Là nói nhiều về Việt Nam, sao lại chỉ nói về Trung Quốc, người Hán ? Là luôn tự hào mình là người Việt Nam, sao lại tự hào mình là một “lương Hán (hán)”, sao chỉ đến khi ra tù mới nhớ đến trời Nam ? Lạ lùng nhất là tại sao HCM lại phải tự hạ đến mức là “nô thần, nghiệt tử” của lãnh tụ Tưởng Giới Thạch (Độc Tưởng công huấn từ b.120) ???

- Thường tình hợp lẽ tự nhiên nhất, khi bị bắt, với các loại tiền, nhiều giấy tờ, tên tuổi trên người, HCM trước tiên đã phải bị nghi là một người Việt rất nguy hiểm, đang có âm mưu chính trị gì đó khi xâm nhập vào Trung Quốc, chứ không thể bị nghi là Hán gian được. Phải chăng việc bị nghi là Hán gian là do chính HCM tự hô lên cốt để dễ ăn khớp với ý thơ của Ngục Trung Nhật Ký của một người Hán nào đó quả thật đang bị chê trách là đồ Hán gian, như tác giả tâm sự ở đoạn III bài Thế Lộ Nan (b.9) : Trung thành, ngã bản vô tâm cứu, Khước bị hiềm nghi tố Hán gian (Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng, Lại bị tình nghi là Hán gian). HCM chỉ có thể bị nghi là Việt Cộng, Việt gian, chứ không thể bị nghi là Hán gian được !!!

- Các bài “Nan hữu Mạc mỗ” (Bạn tù họ Mạc-b.26), “ Nan hữu nguyên Chủ nhiệm L.” (Bạn tù L. nguyên là Chủ nhiệm-b.27), “Long An Lưu Sở trưởng” (Sở trưởng Long An họ Lưu-b.40), “Quách tiên sinh” (Tiên sinh họ Quách-b.91), “Mạc Ban trưởng” (Ban trưởng họ Mạc-b.92), “Mông ưu đãi” (Được ưu đãi-b.110), “Ngũ khoa trưởng, Hoàng khoa viên (Khoa trưởng họ Ngũ, khoa viên họ Hoàng-b.114), “Lương Hoa Thịnh tướng quân thăng nhậm Phó Tư lệnh” (Tướng Lương Hoa Thịnh thăng chức Phó Tư lệnh-b.121),“Tặng tiểu hầu Hải” (Tặng chú hầu Hải- b.122), “Trần Khoa viên lai thám” (Khoa viên họ Trần tới thăm-b.126), “Tức cảnh” (b.132) chỉ toàn ca tụng hoặc đề cập đến người Tàu/Hán: Trương Phi, Quan Vũ, chúc mừng, khen tặng, đón tiếp, mô tả các Tướng lãnh, Đại nhân họ Mạc, Chủ nhiệm L., họ Lưu, họ Quách, họ Lương, họ Ngũ, họ Hoàng, họ Trần, họ Tưởng, chú giúp việc người Tàu…

- Bài “Dạ Bán” (Nửa đêm-b.99) mở đầu : Thụy thì đô tượng thuần lương Hán, Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân (Ngủ thì ai cũng là người Hán tốt, Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền). Hán đây cũng có thể hiểu là người đàn ông : hán tử, hảo hán. Ngủ thì ai cũng là chàng hảo hán tốt. Nam Trân dịch gượng : Ngủ thì ai cũng như lương thiện. Hoàng Quảng Uyên dịch diễn nghĩa o ép : Lúc ngủ, mọi người đều có vẻ thuần hậu. Đâu là sự thật ?

- Bài “Song Thập Nhật Giải Vãng Thiên Bảo” (Tết Song Thập Bị Giải Đi Thiên Bảo-b.28) mở đầu : Gia gia kết thái dữ trương đăng, Quốc Khánh hoan thanh cử quốc đằng. (Nhà nhà hoa Tết với đèn giăng, Quốc Khánh reo vui cả nước mừng). Vì sao HCM lại nặng lòng với Quốc Khánh Song Thập của Trung Hoa Dân Quốc, để mừng Cách Mạng Tân Hợi 10-10-1911 ở Vũ Xương, Trung Quốc đến thế ?

- Bài “Hầu Chủ Nhiệm Ân Tặng Nhất Bộ Thư” (Chủ nhiệm họ Hầu tặng một cuốn sách-b.127) : “Khoảnh thừa Chủ nhiệm tống thư lai, Độc bãi tinh thần giác đốn khai, Lãnh tụ vĩ ngôn như tại nhĩ, Thiên biên oanh động nhất thanh lôi” (Sách Ngài Chủ nhiệm mới đưa sang, Đọc đoạn, tinh thần chợt mở mang, Còn vẳng bên tai lời lãnh tụ, Chân trời một tiếng sấm rền vang). Hầu Chủ nhiệm tức Hầu Chí Minh, Chủ nhiệm chính trị chiến khu 4, người đã trực tiếp thả Hồ Chí Minh theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Cụ Hồ Học Lãm thành lập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội năm 1935. Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc (cũng là Lý Thụy, Hoàng Quốc Tuấn, Già Thu, Sáu Sán, Ông Ké) đoạt luôn Hội này và đoạt luôn biệt danh HCM của cụ Hồ Học Lãm, sát nhập VN Thanh Niên Cách Mệnh Đồng Chí Hội của Trương Bội Công – Nguyễn Hải Thần thành Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh, gọi là Việt Minh, do HCM làm lãnh tụ. HCM còn lắng nghe “…vẳng bên tai lời lãnh tụ” Trung Hoa nào nữa ? Như vậy vị lãnh tụ nào đó và tác giả đều là 2 người Tàu, không thể là 2 người Việt được !

- Một số bài đề cập đến các việc rất lặt vặt, lời văn quá thô thiển như : Chúc than (Hàng cháo-b.38), Quả Đức ngục (Nhà lao Quả Đức b.39), Bào Hương cẩu nhục (Thịt chó ở Bào Hương-b.82), Nhân đỗ ngã (Nhân lúc bụng đói-b.125),… chỉ là văn chương của tù thường phạm, sao có thể xứng đáng là tâm tư của một lãnh tụ đang nóng lòng cứu nước thương dân ?

* Độc đáo nhất là bài “Độc Tưởng công huấn từ” (Đọc lời giáo huấn của Ông Tưởng”-b.120) : Trong phòng giam, nhân đọc Lời Giáo Huấn của Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch, tác giả là thuộc hạ, con cái càng tăng thêm quyết tâm kiên trì chiến đấu : “Bách chiến bất hồi, hương tiền tiến, Cô thần nghiệt tử, nghĩa đương nhiên; Quyết tâm, khổ cán dữ ngạnh cán, Tự hữu thành công đích nhất thiên” (Gian khó không lùi vẫn tiến lên, Thuộc hạ côi cút, phận con bất hiếu, đương nhiên phải giữ nghĩa; Quyết tâm cố gắng cương nghị, Nhất định có lúc phải thành công) (Cô thần nghiệt tử, ai cũng phải hiểu là : Thuộc hạ côi cút, phận con bất hiếu. Thế mà Đỗ Văn Hỷ cả gan dịch điêu : Thù nhà nợ nước. Hoàng Quảng Uyên lại dịch càn: Phận tôi con bơ vơ nhà tan nước mất để bao thế hệ triệu, triệu sinh viên-học sinh học và thi !!!). HCM đang bị quan quân Tưởng Giới Thạch bắt oan, dù giả bộ làm diễn viên đóng kịch tôn thờ Tưởng Giới Thạch y như thật đến đâu nữa, cũng không thể nào lại vô liêm sỉ đến mức hạ mình bộc lộ tâm can, tự coi là thuộc hạ côi cút, phận con bất hiếu của Tưởng Giới Thạch, nguyện quyết tâm kiên trì chiến đấu cho đến thành công. Trong khi ở nhiều bài thơ khác thì lên án chê trách nhà tù họ Tưởng hà khắc đủ điều. Vậy tác giả thật sự là ai ??? Bộ Chính Trị ĐCSVN và hàng ngàn giáo sư-tiến sĩ-sử gia giả và thật của Bắc Bộ Phủ giải thích sao cho lọt tai đây???

- Khi đã thong thả để chép lại thành 1 tập thơ khổ nhỏ, còn phải đánh lạc hướng bằng cách ghi lệch thời gian ở tù đúng 10 năm trên bìa trước làm gì ? Hoặc là các cận thần cố tình ghi lại thời gian tù dài hơn 12 tháng này (29-8-1932 đến 10-9-1933) cho khớp ngày, tháng trên bìa tập thơ, chỉ cố tình cho lệch đúng 10 năm ? Tại sao lúc đầu, các tài liệu ghi thời gian tù lệch bìa cũng 10 năm nhưng dài gần 14 tháng (28.8.1942-10.1943) ? Nếu nói tập thơ được làm trong khi bị tù gần 2 năm ở Hồng Kông (6.1931-1.1933) thì gần khớp với thời gian ghi trên bìa (29-8-1932 đến 10-9-1933) hơn, nhưng về nội dung thì không có gì ăn khớp cả. Tắc tị. Bó tay.

- Một người rất trâng tráo tự viết tiểu sử mình đến độ vô liêm sỉ, ham mê danh vọng đến nỗi tự tán dương mình như một Vị Thánh “khiêm tốn nhường ấy”, tự phong là “nhà văn hóa lỗi lạc”, “lãnh tụ vĩ đại”, được “toàn dân gọi là Cha Già Dân tộc kính yêu” như HCM-Trần Zân Tiên, đã vì chiến tranh mà quên “đại tác phẩm” của mình ở lán tranh Lam Sơn 11 năm, có thể tạm chấp nhận được. Nhưng vì sao, một người hay làm thơ, yêu thơ đến thế, khi đã vững trên ngai tại Hà Nội rồi, mà còn cố tình bỏ quên “tập thơ kiệt xuất” con đẻ cực kỳ trân quí của mình trong kho đến những 5 năm nữa ? Đến khi nó, sau gần 17 năm, đã được long trọng xuất bản đến thế, để mừng chính sinh nhật thượng thọ 70 của mình, HCM vẫn xem ra thờ ơ lãnh đạm với nó. Có cơ sở nào để cho rằng chỉ vì HCM rất mực khiêm tốn, đã siêu thoát khỏi vòng danh lợi thường tình như những cận thần xun xoe ? Phải chăng HCM không mấy vui vẻ tự hào về “đạo văn kiệt tác” (kiệt tác văn ăn cắp) này ? Nhất là sau khi nghe cận thần xầm xì về Trần Zân Tiên, HCM đâm ra rất e ngại với “đại tác phẩm” hầu hết không phải của mình ? Nhỡ có ai đó tỉnh táo bén nhạy soi mói mà phát hiện ra điều gian ngụy gì thì đại khốn nạn thay !!!

Ngay sau ngày gãy súng 30-4-1975 ít lâu, khi một học giả miền Bắc thuyết trình về NKTT tại Sài Gòn, Giáo sư Lê Hữu Mục đã đứng lên giữa hội trường chất vấn và khẳng định rằng NKTT không phải của HCM. Và Gs Mục đã viết một sách chứng minh như thế. Hiện nay, nhiều “học giả” và nhiều “học thật” cũng cho là như vậy. Phim “Sự thật về HCM” cũng khẳng định NKTT không thể là của HCM.

*** Chỉ sơ lược qua như trên, phải chăng đây là cách giải thích gần sự thật trần trụi nhất mà chúng ta có thể nhận ra: Gần trọn tập thơ Ngục Trung Nhật Ký (NKTT) là do một người Hán nào đó làm, HCM đã chép lại và có thể chỉ làm thêm một số bài như đoạn II - 4 câu của bài Thế Lộ Nan (9), bài “Các báo hoan nghênh Uy-Ki đại hội” (35), bài Việt hữu tao động (79), bài “Anh phỏng Hoa đoàn”(Đoàn Đại biểu Anh thăm Trung Hoa – bài 80), bài Ký Ni-lỗ (Gửi Nê-ru – 87-88), bài Dương Đào bệnh trọng (116) nếu bạn đồng hành của HCM đúng là có một ông Dương Đào... Còn bài Tân xuất ngục học đăng sơn (134) chính HCM nói HCM đã làm sau khi đã ra khỏi tù, không có trong tập thơ chính.

Các giáo sư, giáo viên không nên cứ cúi đầu dạy và bắt triệu triệu học sinh-sinh viên ép lương tâm nhai đi nhai lại một tác phẩm chứa đựng quá nhiều gian trá, mâu thuẫn, uẩn khúc, mà không hề phân tích tự hỏi ngộ nhỡ đa phần nó chỉ là đạo văn (thơ ăn cắp) của một tù nhân người Hán nào đó thì sao ? Trước đây một số giáo sư, giáo viên, người dân chỉ vì dám nói lên vài sự thật nho nhỏ về HCM mà đã bị đi cải tạo mút mùa. Nhưng nay tình hình đã khác, các học trò ruột trường phái HCM sắp hết hơi rồi, không thể tiếp tục gian trá mãi được!

Các nhà nghiên cứu, các nhà giáo và trí thức VN hãy tỉnh táo, can đảm, mạnh dạn, trung thực, thẳng thắn thừa nhận hoặc phanh phui sự dối gạt kéo dài quá lâu trên tâm hồn và lương tri bao thế hệ học sinh Việt Nam . Đó chính là sự giải phóng đích thật mà toàn Dân - nhất là giới trẻ - đang rất bức thiết cần đến !

13. c) UNESCO mù hay sao mà tôn vinh HCM là nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại?

Sự thật như sau: Năm 1987, CSVN có đệ trình một đơn xin UNESCO (Tổ chức Văn hóa Giáo dục của LHQ) đến năm 1990 tôn vinh HCM là nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của HCM. Tại Paris, khóa họp 24 từ ngày 20-10 đến 20-11-1987, Tiểu ban Văn hóa đã ghi vào nghị trình Đại hội đồng UNESCO năm 1987 danh sách sẽ được tuyên dương năm 1990 gồm 7 người : Phya Anuman Rajadhon (Thái Lan), Thomas Munzer (Đông Đức), Anton Semionovitch Makarenko (Liên Sô), Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), HCM (Việt Nam) và Sinan (Thổ Nhĩ Kỳ). Lời tuyên dương HCM dùng trọn bản văn do phái đoàn CSVN soạn cũng như lời tuyên dương các nhân vật khác do phái đoàn quốc gia liên hệ đề nghị, được Đại hội đồng thông qua không thảo luận. Trong khóa họp 24 năm 1987 này, với sự ủng hộ của Tông Thư ký M’Bow, người châu Phi, UNESCO đã ra một Nghị quyết chấp thuận, lời lẽ theo đơn xin của CSVN: “The year 1990 will mark the centenary of the birth of President Ho Chi Minh, Vietnamese hero of national liberation and great man of culture”. (Năm 1990 sẽ kỷ niệm 100 năm sinh nhật Chủ tịch HCM, anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa lớn).

Nhưng rồi bộ mặt thực của chế độ CS và các siêu lãnh tụ CS Staline, Mao Trạch Đông, Ceaucescu, HCM, Kim Nhật Thành… dần lộ rõ, làm rơi mặt nạ các thần tượng được tô phết mấy chục năm qua. Có quá nhiều chống đối rằng HCM và CSVN vi phạm nhân phẩm nhân quyền, hủy diệt văn hóa, mâu thuẫn với mục tiêu của Liên Hiệp Quốc và UNESCO.

Tân Tổng Thư Ký Frederico Meillor, Tây Ban Nha, cho rằng không cần một Nghị quyết khác để hủy bỏ Nghị quyết năm 1987 ghi nhận đề nghị của VN về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông HCM vào năm 1990, nhưng UNESCO sẽ không tổ chức kỷ niệm và không can dự bất cứ hành động nào để vinh danh HCM tại trụ sở Paris. UNESCO không dự trù ngân khoản cho việc đó. Việt Nam muốn kỷ niệm sinh nhật 100 năm của HCM là tùy ý riêng, không liên quan UNESCO.

Ngày 19.5.1990, UNESCO không tổ chức gì liên quan đến HCM, đồng thời cấm CSVN lấy danh nghĩa UNESCO để tổ chức (hội trường, thiếp mời). CSVN đã tự tổ chức. Ngày 19.5.1990 Sứ quán CSVN chỉ mướn được một phòng sinh hoạt nhỏ của LHQ với khoảng 60-70 khách, hầu hết là Việt kiều CS, vài đảng viên CS Pháp, bạn bè Cuba, Trung Cộng, Bắc Triều Tiên, Kămpuchia, Lào. Vào đúng giờ khắc buổi kỷ niệm của sứ quán CSVN, hơn 100 Việt Kiều đã biểu tình phản kháng ở công trường Fontenoy gần trụ sở UNESCO, đả đảo sự vinh danh HCM, người có tội trước lịch sử nhân loại, đã tàn hại đất nước và dân tộc Việt Nam và 2 nước Kămpuchia, Lào.

Những điều này đã có nhiều tài liệu chứng minh đủ rõ rồi. Nghĩa là có nộp đơn xin thi hoa hậu, ban tổ chức chấp thuận đơn xin, nhưng hoàn toàn bị đánh trượt. Chỉ có thế và chỉ có thế. UNESCO thấy không cần phải lên tiếng xác minh lại. (Xin đọc thêm : “Lật tẩy việc mạo danh UNESCO lừa gạt công luận & 84 triệu Dân VN” do tác giả sưu tập năm 2006).

14. Từ gần 65 năm nay, CSVN luôn phỉnh gạt là VN có Tự do Bầu cử, Ứng cử.

Thực chất là do ĐCSVN tự biên, tự diễn, độc diễn toàn trị. Các Đại biểu ứng cử cũng tự biết mình chỉ là con cờ trong tay Đảng sai khiến, làm bung xung cho trò dân chủ giả hiệu. Còn các Đại biểu đắc cử cũng biết mình chẳng phải là Đại biểu cao cả của Nhân dân gì cả. Đích thật là bù nhìn, hầu như chỉ biết đưa tay biểu quyết nhất trí theo ý của Bộ Chính trị của Trung Ương Đảng. Đây không phải là điều gian trá vĩ đại đẳng cấp HCM siêu lừa ngay giữa cộng đồng quốc tế thì là gì ? Mời Bộ Chính trị giải thích sao cho lọt tai toàn Dân đang dần dần thức tỉnh đây.

15. Nhân dân làm chủ?

“Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” thật không? Ai cũng thấy hoàn toàn chỉ là láo lường. Chính xác là : Đảng lãnh đạo Nhà nước, quản lý Nhân dân, làm chủ. Hoặc chính xác hơn nữa là : Đảng CSTQ lãnh đạo, Đảng CSVN quản lý, Nhân dân TQ làm chủ lãnh thổ và nền kinh tế của VN. HCM nói : “Dân chủ là làm cho Dân mở miệng” và “Cán bộ là đầy tớ của Nhân dân”. Nhưng Dân mở miệng là bị bịt miệng ngay, là bị nhốt vào tù tấp bá lị. Đầy tớ mà muốn hăm dọa, đàn áp, bắt bớ, đánh đập, bắn giết… các Ông Chủ sao, lúc nào và bao nhiêu cũng được. Dân chủ kiểu XHCN made in VN là như thế ! HCM cũng nói : “Dân chủ là một báu vật, để sơ hở sẽ dễ mất, phải để vào hòm khóa lại. Chuyên chính vô sản chính là cái ổ khóa để bảo vệ Dân chủ cho khỏi mất” !!! (x. Vũ Đình Hòe, Pháp quyền HCM, 2 tập, tập 1. Sách bị nhốt, chưa ghi số trang, NXB và năm XB được. Mong thứ lỗi).

16. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam hay của Trung Quốc?

Trước khi về tiếp quản Hà Nội, sáng 19-9-1954 tại cửa Đền Giếng, khu di tích Đền Hùng, núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ trước cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong, HCM đã nói : “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”(?) HCM muốn liệt mình vào hàng khai quốc ngang hàng các vua Hùng.

Nhưng chỉ 4 năm sau, để Trung Cộng viện trợ vũ khí và lương thực hầu xâm lược miền Nam, CS Bắc Việt đã thỏa thuận ngầm với Trung Cộng. Ngày 4-9-1958, Trung Cộng tuyên bố 2 quần đảo Hoàng Sa (hơn 20 đảo) và Trường Sa (hơn 100 đảo) là của TQ (trong khi Việt Nam Cộng Hòa đang quản lý canh giữ). Chỉ 10 ngày sau, ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng của Việt Cộng, theo lệnh của HCM, đã ký công hàm xin tôn trọng bản Tuyên bố “ăn cướp” của Trung Cộng và cúi đầu vâng phục. Năm 1974, Trung Cộng xua hải quân đánh chiếm Hoàng Sa, ngoài khơi Đà Nẵng, lính VNCH phải tử trận hơn 150 chiến sĩ. Bắc Việt lúc đó im re, lại còn mê muội vừa nhẫn tâm gọi những người anh em ruột thịt của mình đã liều chết đổ xương máu bảo vệ giang sơn của Tổ Tiên để lại là “Ngụy quân, Ngụy quyền”, vừa hèn hạ gọi quân xâm lược Trung Cộng là “các đồng chí vĩ đại Trung Quốc kính yêu” (Đó là đạo lý của CSVN). Năm 1982, Trung Cộng lại xua quân đánh chiếm thêm hơn 10 đảo thuộc quần đảo Trường Sa ngoài khơi Vũng Tàu của VN.

Hiện nay, trong khi hầu như toàn Dân, nhất là giới trẻ VN, tìm mọi cách để giành lại Hoàng Sa-Trường Sa, thì NCQ CSVN lại theo đuổi một thủ đoạn vòng vo phức tạp : 1) Vừa lật lọng phủ nhận công hàm bán nước ngày 14-9-1958 của CS Bắc Việt rằng : Lúc đó chủ quyền 2 quần đảo này đang thuộc về Chính quyền VNCH Sài Gòn trước công pháp quốc tế, nên công hàm 14-9-1958 của CS Bắc Việt vô giá trị; 2) Vừa tổ chức hội thảo rùm beng về chủ quyền của VN trên 2 quần đảo này để che mắt Dân chúng VN; 3) Vừa úp mở trong hồ sơ chính thức nộp cho LHQ về lãnh hải VN; 4) Vừa không thật lòng quyết tâm bênh vực bảo vệ tàu thuyền và ngư dân VN qua lại vùng biển quanh Hoàng Sa-Trường Sa; 5) Vừa nhượng thêm đất liền qua việc giao đất rừng miễn phí 50 năm cho Trung Cộng lên đến 300 ngàn hécta và tạo điều kiện cho Tàu Cộng có mặt lâu dài ở VN; 6) Vừa thẳng tay đàn áp Dân chúng biểu tình bày tỏ lòng yêu Nước chính đáng của mình về chủ quyền lãnh thổ do Tổ Tiên để lại, đến nỗi Dân và thanh niên VN chỉ dám lén lút ghi tên lãnh thổ của mình bằng các từ viết tắt HS-TS-VN, để khi bị đàn áp quá chịu không thấu thì phải nói dối méo miệng là Học Sinh-Trong Sạch-VN theo gương siêu gian trá của HCM !!!

Nếu CSVN đã trao Hoàng Sa-Trường Sa cho TQ rồi, thì phải công bố thật rõ cho người Dân biết, để Dân VN đừng liều mạng đến mưu sinh quanh 2 quần đảo này nữa, vì không được lực lượng nào bảo vệ hữu hiệu cả.

Còn nếu CSVN thật tâm cương quyết và kiên trì thu hồi lại trọn vẹn 2 quần đảo này thì lẽ ra phải tự hào hãnh diện và vui mừng khuyến khích, tại sao lại bôi mặt và nhẫn tâm đàn áp, bắt giam những người Dân xả thân liều chết biểu tình đòi lại 2 quần đảo đã mất gần hết này?

Nại lý do đây là vấn đề ngoại giao nhạy cảm để 2 đảng CS dễ bề thậm thụt với nhau về một vấn đề cực kỳ hệ trọng đối với SỰ TOÀN VẸN LÃNH THỔ và AN NINH TỔ QUỐC như thế, có thể tiếp tục lừa bịp toàn Dân đang thức tỉnh không ???

Thay lời kết

Những ai tự coi hoặc được gọi là Trí thức, Sĩ phu,... đã biết rõ 16 điều gian trá vĩ đại siêu lừa trên, mà vẫn hoặc im lặng đồng lõa tiếp tay, hoặc đã hèn nhát ngậm tăm hàng mấy chục năm nay : Lẽ nào lại cam tâm đồng lõa với tội ác ngút trời trục giết vô số thai nhi sao ? Hay đồng lõa với tội ác giết người cướp đất sao ? Lẽ nào biết được mỗi năm hàng chục triệu học sinh-sinh viên phải cúi đầu ép lòng học những điều dối trá, mà có thể coi như không có gì đụng đến mình sao ? Lẽ nào lại cam phận tiếp tục sống ô nhục vậy mãi được sao ? Lẽ nào yên lương tâm mà đọc sách thánh hiền sao ? Lẽ nào cứ tiếp tục hăng hái đi bầu cách miễn cưỡng giả tạo như vậy mãi, lại còn thúc giục người thân, thuộc nhân tham gia trò hề dân chủ giả hiệu ấy mà không tự thẹn sao ???

Những ai chưa biết, hoặc chưa nhận ra hết 16 điều gian trá vĩ đại đẳng cấp HCM siêu lừa nêu trên, thì nay kính mời lắng nghe, thấu hiểu và tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn, nhất là tìm cách tự giải thoát, để có khả năng giúp càng nhiều người Dân càng tốt, càng sớm càng mừng :

Từ bớt sợ hãi đến hết sợ hãi. Từ bớt nói dối đến hết nói dối.

Tương lai Tổ quốc-Dân tộc chúng ta trước tiên và cơ bản cốt tại 2 điều này, làm nền tảng cho tất cả các điều hệ trọng bức thiết khác tiếp theo.

Xin chân thành cảm ơn nhiều, nhiều lắm và rất nhiều.

Lm TNLT Nguyễn Văn Lý - Huế, 14-8-2010