Sonntag, 7. März 2010
Chất lượng đại học Việt Nam
Thanh Quang, RFA
Lâu nay, vấn đề chất lượng đại học VN tiếp tục là đề tài được nhiều học giả, trí thức trong và ngoài nước quan tâm. Nói chung, dư luận trong nước than phiền nền giáo dục đại học VN còn nhiều “bất cập”, trong khi các chuyên gia thuộc Đại học danh tiếng Harvard, Hoa Kỳ nhấn mạnh tới sự yếu kém của đại học VN so với những xứ láng giềng.
Dựa theo thông tin liên hệ, Thanh Quang trình bày vấn đề này như sau:
Thưa quý vị, theo số liệu thống kê của Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ GD&ĐTVN thì trong 10 năm trở lại đây, số trường đại học và cao đẳng được thành lập và nâng cấp tại VN đã tăng mạnh mẽ trong khắp nước – bằng tổng số trường đại học hình thành trong 50 năm trước đó.
Trong tình trạng “trăm hoa đua nở” của đại học như vậy, hẳn câu hỏi được nêu lên là “chất lượng của nền giáo dục đại học, cao đẳng của VN ra sao?
Còn nhiều bất cập
Báo điện tử Dân Trí cách nay ít lâu có bài tựa đề “Còn nhiều điều bất cập về giáo dục ĐH”, mở đầu rằng “Chất lượng đào tạo đại học ở nước ta vốn đã thấp kém vì chương trình và cách thức tổ chức đào tạo còn nhiều bất cập, qua quá trình đổi mới chưa thấy nâng lên mà ngược lại còn giảm sút hơn. Điều đó có nguyên nhân quan trọng trước hết là do sự ‘bùng nổ’ của các trường ĐH và CĐ kéo theo sự tăng quá nhanh số lượng sinh viên, không thể đáp ứng đủ về cơ sở vật chất cần thiết, nhất là chất lượng đội ngũ giảng viên giảm đi rõ rệt, vừa thiếu trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế. Vẫn theo bài báo thì phương pháp đào tạo, giảng dạy vẫn “theo kiểu lý thuyết suông, đơn giản chỉ viết lý thuyết lên bảng mà không có thực hành”.
Thua xa láng giềng
Vấn đề giáo dục đại học, cao đẳng của VN trở nên đáng ngại hơn khi thời gian gần đây, đại học danh tiếng Harvard, Hoa Kỳ công bố một bản phúc trình nhấn mạnh tới thực trạng không mấy sáng sủa của nền giáo dục đại học VN.
Theo bản phúc trình thì hệ thống giáo dục cấp đại học, cao đẳng VN đang lâm vào tình trạng sa sút, khủng hoảng sâu rộng và nghiêm trọng, thậm chí thua xa ngay cả những nước “tầm thường” ở ĐNÁ.
Bản phúc trình nói thêm rằng hiện chưa có viện đại học nào của VN xuất hiện trên bất kỳ bảng xếp hạng thành tích nào của những đại học hàng đầu Á Châu.
Bản phúc trình lưu ý rằng hệ thống giáo dục đại học VN phần lớn xa rời dòng kiến thức thế giới theo như một bảng tổng kê về công trình khảo cứu đã cho thấy – điều mà giáo sư khả kính Hoàng Tụy ở VN đã từng lưu ý trong một bài tiểu luận của ông.
Chính trị, thành tích, lý lịch
Giữa lúc đà tăng trưởng kinh tế tại các vùng Đông và ĐNÁ thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển và nền giáo dục đại học, bản phúc trình vừa nói đưa ra nhận xét rằng hệ thống đại học VN không đào tạo được lao động có trình độ cao mà nền kinh tế và xã hội VN đang cần. Những cuộc khảo sát của các tổ chức liên quan chính phủ cho thấy 50% số sinh viên VN tốt nghiệp không tìm được việc làm theo chuyên môn của mình – bằng chứng của tình trạng ngăn cách lớn lao giữa nhà trường và nhu cầu xã hội. Sự yếu kém về chất lượng giáo dục đại học VN khiến sinh viên VN khó cạnh tranh nổi với các sinh viên TQ, Ấn Độ để được thu nhận vào đại học ở Hoa Kỳ và Âu Châu. Tệ hại hơn nữa, theo bản phúc trình, có tới 25% chương trình dành cho bộ môn giáo điều chính trị bắt buộc, ảnh hưởng tới sự chuẩn bị của sinh viên VN cho cuộc sống cá nhân hay du học hải ngoại.
Bản phúc trình nhận xét rằng nền giáo dục đại học VN bị khủng hoảng như vậy, ngoài nguyên nhân sâu xa là do di hại lịch sử từ thời thực dân Pháp khiến VN không hưởng được làn sóng canh tân hệ thống giáo dục đại học vốn đến khắp vùng Á Châu hồi đầu thế kỷ 20, còn có những nguyên nhân gần, như sự thất bại sâu rộng trong đường lối cai quản của nhà nước, các viện đại học của VN đều bị hệ thống trung ương kiểm soát chặt chẽ, cơ cấu tuyển chọn dựa vào thành tích, lý lịch, móc nối cá nhân, tình trạng tham nhũng lan rộng, học hàm, học vị bị tai tiếng mua bán, các đại học VN thiếu sự liên kết với thế giới...
Đại sứ Hoa Kỳ tại VN lúc đó là ông Michael Marine nhận xét rằng đại họcVN đã thất bại trong việc giúp trang bị kiến thức lẫn tạo điều kiện sáng tạo cho sinh viên VN.
Phần lớn thời gian kể từ thời điểm 1986 khi VN bắt đầu công cuộc đổi mới, mức độ cải cách giáo dục đại học của VN vẫn trì chậm. Theo yêu cầu của VN, các cơ quan tài trợ quốc tế hỗ trợ chương trình trao đổi sinh viên, đầu tư nhiều vào hệ thống giáo dục đại học VN. Nhưng theo các chuyên gia của đại học Harvard thì những nỗ lực đầu tư như vậy không hiệu quả nếu vấn đề tự trị đại học không được giải quyết. Vẫn theo các chuyên gia Harvard thì qua hợp tác với VN, những viện đại học danh tiếng sẽ không để tiêu chuẩn đại học của họ bị ảnh hưởng trong khi chính quyền VN phải cam kết cải thiện phương cách quản trị, kể cả việc đại học được tự do và tự trị trong lãnh vực chuyên môn của mình.
Và bản phúc trình kết luận rằng VN cần phải cải tổ toàn diện phương cách quản lý, điều hành vốn là yếu tố chủ chốt giúp cải thiện hệ thống giáo dục đại học VN.
Cách nay không lâu, trong một buổi nói chuyện tại trường Quản trị Kinh doanh do Đại học Hawaii thành lập ở Saigòn, Đại sứ Hoa Kỳ tại VN lúc đó là ông Michael Marine nhận xét rằng đại họcVN đã thất bại trong việc giúp trang bị kiến thức lẫn tạo điều kiện sáng tạo cho sinh viên VN.
Vấn đề chất lượng đại học VN tiếp tục được khơi dậy sau khi nhiều báo mạng trong nước, trong thời gia qua, gần như liên tục đề cập tới nhu cầu phải cải tổ nền giáo dục VN nói chung, qua những bài tựa đề như “Các ‘đại thụ’ ngành GD lên tiếng đòi cải cách”, “Phải cải cách thay vì đổi mới GD”, “GD: Cần thay đổi tận gốc”, “Đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng GD”…
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Serious-challenges-confronting-vietnam-higher-education-tquang-10042009134035.html