Mittwoch, 2. Juni 2010

Nhiều người Nhật tin rằng nhóm máu ảnh hưởng đến nhân tính

Tú Anh, RFI 

Vào năm 1909, nhà sinh vật học Mỹ Karl Landsteiner tìm ra các nhóm máu mà ông đặt tên là A, B, AB và O.

Nhà khoa học này đâu có biết là 100 năm sau, khám phá của ông là yếu tố mà nhiều người Nhật Bản dựa vào để quyết định hôn nhân hay ly dị, để kết bạn hay tuyển dụng nhân viên.

Theo sự tin tưởng « nhân gian » này thì nhóm máu, tiếng Nhật gọi là ketsueki-gata, chi phối tính tình con người. Giống như trong tử vi: Tuổi cọp thì can đảm, tuổi heo thì an nhàn, tuổi gà thì cơ cực v.v.

Tuy không có gì bảo đảm là đúng, nhưng hàng chục tựa sách « chuyên đề » khẳng định rằng người thuộc nhóm máu A tính tình đàng hoàng, thận trọng và đa cảm.

Nhóm máu B thiên về chủ nghĩa cá nhân và có óc sáng tạo. Người thuộc nhóm máu AB có sự suy nghĩ thuần lý, logic, và hòa đồng với người chung quanh. Còn những người tự mãn, mang nhiều tham vọng là thuộc nhóm máu O.

Nguồn gốc của sự tin tưởng này khởi đi từ những năm 1930 với đỉnh điểm là các bài viết của nhà khoa học Takeji Furukawa với chủ đề «Nghiên cứu tính tình con người qua nhóm máu» phổ biến năm 1927.

Nhà khoa học Nhật hồi đầu thế kỷ 20 tìm cách giải thích do đâu mà người dân Bắc Hải đạo, Hokkaido có tiếng «ngoan ngoãn phục tùng » còn người Đài Loan thì có tiếng «nổi loạn, ương ngạnh».

Bài viết mang tính « ưu sinh » của Takeji Furukama đã gây ảnh hưởng đến mức trong bộ Ngoại giao Nhật có nhiều người nghĩ rằng một nhà ngoại giao xuất sắc chắc chắn phải thuộc nhóm máu O.

Sự tin tưởng này bị chìm vào quên lãng trong giai đoạn thế chiến thứ hai và kéo dài cho đến thập niên 70. Người làm sống lại quan điểm « ưu sinh » là luật sư Masahiko Nomi. Ông dựa vào cách lý giải của Takeji Furukama và viết quyển sách «Tìm hiểu những ái lực tùy theo nhóm máu». Mặc dù bị giới khoa học công kích và chỉ ra những điều phản khoa học, xu hướng này vẫn lan rộng trong nhiều tầng lớp xã hội và đã bắt rễ.

Liên hệ « nhân quả » giữa nhóm máu và bản tính của con người chiếm vị trí quan trọng trong các tạp chí và chương trinhg truyền hình dành cho phụ nữ không kém gì trang tử vi.

Trong câu chuyện hàng ngày, người ta hỏi nhau về nhóm máu và không ít trường mẫu giáo xếp lớp học sinh mầm non theo nhóm máu để tạo không khí hài hòa. Chuyện không tránh khỏi là các văn phòng môi giới hôn nhân cũng dựa trên nhóm máu để tìm người ý đầu tâm hợp cho khách hàng.

Một số công ty Nhật Bản cũng dựa trên bảng phân loại nhóm máu để tuyển dụng nhân viên.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100602-nhieu-nguoi-nhat-tin-rang-nhom-mau-anh-huong-den-nhan-tinh