Quốc hội mà vinh danh đảng CSVN muôn năm thì có để làm gì?
Không ngờ trào lưu "World Cup 2010 fever" đang ngự trị và thu hút sự quan tâm của hầu hết đại đa số mọi người trên hành tinh, ở đâu người ta cũng hướng về đất nước Nam phi nơi giải vô địch bóng đá thế giới đang diễn ra, nhưng ở Việt nam cơn sốt bóng đá thế giới cũng không làm giảm sút sự quan tâm của người Việt nam về vấn đề hết sức nóng về tính thời sự và tầm quan trọng của nó, đó là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được bàn thảo sôi nổi tại Quốc hội.
Vào buổi sáng tại các quán cà phê người ta nói chuyện bóng đá World Cup và chuyện Dự án đường sắt cao tốc, vào buổi chiều ở các quán nhậu người ta nói chuyện Dự án đường sắt cao tốc và chuyện bóng đá World Cup. Đây là hai chủ đề này nóng ở Việt nam được những người quan tâm đến tình hình thế sự thường mang ra tranh luận.
Nhưng khổ một điều cho các đại biểu Quốc hội và những người dân quan tâm là họ quên mất một điều rằng, những vấn đề đang bàn thảo trên nghị trường Quốc hội mà báo chí đưa tin hàng ngày được đông đảo mọi người bàn luận sôi nổi ở mọi chỗ mọi nơi đó không hề có một ý nghĩa gì dù là nhỏ nhất về mặt thực tế.
Vì sao lại nói như vậy?
Hãy bắt đầu bằng một tin hôm nay (15/6) trên trang Pháp luật TP Hồ Chí Minh, bài "Quốc hội mất quyền kiểm soát các siêu dự án?" mang tính cảnh báo về quyền lực cao nhất của cơ quan Lập pháp (Quốc hội) đang bị cơ quan hành pháp (Chính phủ) lấn áp. Đặc biệt bài viết này xuất hiện vào thời điểm trước nhiều những ý kiến trái chiều phản đối và không đồng tình về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội đã tổ chức gửi phiếu thăm dò ý kiến đại biểu về việc thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc trước khi ra Nghị quyết chính thức về dự án này.
Bài báo có đoạn viết: "Mất quyền kiểm soát là tâm lý chung của nhiều đại biểu (ĐB) trong buổi thảo luận sửa đổi Nghị quyết 66 của Quốc hội (QH) về “các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền QH quyết định chủ trương đầu tư” ngày 14-6.
Tâm lý ấy cũng phản ánh những lo ngại của ĐB dân cử trước hàng loạt vấn đề hệ trọng: rừng bị tàn phá, buông lỏng việc cho nhà đầu tư ngoại thuê đất rừng nơi xung yếu, những siêu dự án chưa chắc chắn hiệu quả kinh tế-xã hội…"
Tuy trong đoạn dẫn trên Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam không được gọi tên rõ ràng , nhưng dễ dàng bạn đọc đều hiểu rằng nó được nhắc tới trong cụm từ "những siêu dự án chưa chắc chắn hiệu quả kinh tế-xã hội…". Trở lại tiêu đề "Quốc hội mất quyền kiểm soát các siêu dự án?", thì một câu hỏi rộng hơn được đặt ra là "Thế Quốc hội có bao giờ có quyền kiểm soát thật sự hay không mà bảo bị mất?"
Mặc dù về mặt văn bản pháp lý, Hiến pháp 1992 của Việt nam thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và là tổ chức duy nhất nắm quyền lập pháp được khẳng định tại điều 83 - Chương VI. Cơ quan này có trách nhiệm quan trọng trong việc lập và thông qua luật pháp, giám sát mọi chức năng của chính phủ và mọi hoạt động của Nhà nước. Nhưng tiếc rằng điều đó chỉ đúng khi tổ chức hệ thống chính trị của một thể chế chính trị Cộng hòa như Việt nam hiện nay, khi mà khái niệm tam quyền phân lập được xác lập, tức là các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp phải độc lập với nhau làm nền tảng.
Cần nhớ rằng hệ thống Tam quyền phân lập là một trong những vấn đề cốt lõi mang tính khác biệt giữa nhà nước dân chủ tư sản, dân chủ XHCN và các loại hình nhà nước trước nó như nhà nước phong kiến, nhà nước chiếm hữu nô lệ. Ở những nhà nước đó mọi quyền lực nhà nước đều tập trung vào trong tay một vài cá nhân, chính đây là căn nguyên cho mọi hành vi độc tài, chuyên chế của các công việc nhà nước. Tam quyền phân lập là biện pháp phân chia quyền lực, chính là sự tồn tại độc lập, kiềm chế lẫn nhau giữa ba cơ quan: lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tổ chức song song với nhau, và qua đó kiểm tra, giám sát hoạt động lẫn nhau. Theo thể chế này, không một cơ quan nào có quyền lực tuyệt đối trong sinh hoạt chính trị của quốc gia.
Hệ thống tổ chức chính trị Việt nam hiện nay về danh nghĩa là một chế độ cộng hòa dân chủ, như quốc hiệu là Cộng hòa XHCN Việt nam, do đó việc tồn tại hệ thống tam quyền phân lập giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải hoạt động độc lập để giám sát lẫn nhau là điều bắt buộc phải có nhằm mọi hành vi độc tài, chuyên chế của các công việc nhà nước là hết sức cần thiết.
Tiếc rằng trong điều kiện thực tế từ trước tới nay của Việt Nam, với Đảng Cộng sản nắm độc quyền lãnh đạo, tam quyền phân lập không thể trở thành hiện thực. Cách tổ chức chính trị ở Việt Nam được sắp xếp theo theo trục dọc với Đảng Cộng Sản giữ địa vị trên hết, không như mô hình tam quyền phân lập như các tổ chức chính phủ dân chủ nghị viện thường thấy. Hệ thống tam quyền phân lập ở Việt nam được biến thái thành tam quyền phân công bởi lý do lý thuyết xây dựng nhà nước của Việt nam vẫn mang nặng tư tưởng của học thuyết Marx - Lenin khác biệt với các lý thuyết xây dựng nhà nước dân chủ khác đang áp dụng trên toàn thế giới. Với những nhà nước dân chủ khác thì người ta gọi là nhà nước pháp quyền, còn ở Việt nam được gọi là nhà nước pháp quyền XHCN.
Đó chính là nguyên nhân và cũng là lý do tạo nên sự khác biệt giữa nhà nước pháp quyền và nhà nước pháp quyền XHCN. Với nhà nước pháp quyền thì lấy quyền lực pháp luật làm nền tảng duy nhất, còn nhà nước pháp quyền XHCN thì lấy pháp luật và XHCN làm nền tảng. Điều nguy hiểm nhất ở đây là trong nhà nước pháp quyền XHCN, Đảng cộng sản là chính đảng duy nhất đồng thời là người lãnh đạo cả ba nhánh quyền lực, là người điều phối, phân công và bổ nhiệm nhân sự các nhánh quyền lực.
Đảng lãnh đạo cả ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp chính là kẽ hở tạo điều kiện cho đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Một khi đảng CSVN đứng trên luật pháp thì ai có quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của đảng và khi đảng sai trái thì cơ quan hay cá nhân nào có quyền xử lý? Điều đó cho thấy đặc quyền đứng trên luật pháp của một số lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN không khác gì đặc quyền dành cho mấy ông vua ở các quốc gia phong kiến.
Đó chính là lý do vì sao Quốc hội Việt nam chỉ được coi là một cơ quan dùng để phê chuẩn mang tính hình thức các chủ trương chính sách của đảng cộng sản Việt nam ban hành. Tuy nhiên những năm gần đây hoạt động của Quốc hội đã có ít nhiều biểu hiện dân chủ mang tính hình thức hơn, các đại biểu Quốc hội được bật đèn xanh cho thảo luận sôi nổi với các ý kiến trái chiều nhiều hơn, nhưng thực chất đó chỉ là màn diễn của các kép diễn nghị gật để làm trò nhằm che mắt dư luận trong nước và quốc tế.
Cái cơ bản nhất, Quốc hội vẫn là đối tượng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng CSVN, với bằng chứng cụ thể là có hơn 90% đại biểu quốc hội là đảng viên. Số còn lại dù không phải là đảng viên, nhưng vẫn phải được chính quyền nhà nước của đảng CSVN thông qua mới có thể tham gia tranh cử vào Quốc Hội trong một cuộc bầu cử mang tính hình thức, thiếu công khai và công bằng. Mọi nhân sự và danh sách đại biểu Quốc hội đã được Ban Tổ chức trung ương Đảng CSVN ấn định sẵn trước ngày bầu cử.
Dùng khoản NS hàng năm dành cho Quốc hội hàng ngàn tỷ đồng để mở và duy trì mấy cái nhà thương làm phúc.
Qua đó để thấy rằng, đại biểu Quốc hội của Việt nam chúng ta hôm nay chỉ là cá hình nộm biết ăn, biết nói như con người chứ không hề có một chút quyền lực đáng kể nào. Người ta (đảng CSVN) không hề có ý nghĩ quan tâm đến ý kiến trái chiều của các đại biểu Quốc hội để xem xét, mà mọi quyết định, mọi chủ trương lớn hay các dự luật đều được đảng CSVN chính thức quyết định trước khi đưa ra bàn thảo tại Quốc hội. Bằng chứng cụ thể là dự án khai thác bauxite Tây nguyên năm 2009 và gần đây nhất là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là những minh chứng hùng hồn, qua hai dự án trên đã cho thấy đằng sau hậu trường đảng CSVN đã chuẩn bị đầy đủ các phương án triển khai dự án ở mức chi tiết nhất để có thể triển khai tiến hành ngay, bất cứ có sự đồng thuận hay không đồng thuận của các đại biểu Quốc hội.
Một khi tổ chức hệ thống chính trị vãn theo chiều dọc, với Đảng cộng nản giữ địa vị trên hết, đảng đứng trên và đứng ngoài pháp luật không như mô hình tam quyền phân lập như các tổ chức chính phủ dân chủ nghị viện thường thấy phổ biến hiện nay thì việc có tồn tại hay không có Quốc hội cũng chỉ mang tính hình thức và có giá trị như nhau. Nhưng một điều chắc chắn, nếu không có khoảng vài trăm cái hình nộm làm vai trò của mấy ông bà nghị gật thì hàng năm cũng chi tiêu hết một số lượng tiền bạc đáng kể bằng tiền thuế của người dân.
Đã đến lúc, người dân Việt nam chúng ta cần thực tế hơn, cần xét tới việc có nên có Quốc hội tồn tại nữa hay không? Sao không để 15 đồng chí đỉnh cao trí tuệ trong Bộ Chính trị làm các việc cai trị dân chúng như thời phong kiến hay chế độ chiếm hữu nô lệ trước kia họ vẫn làm. Luật pháp hay các vấn đề lớn của đất nước thì các đồng chí thích làm gì thì cứ tự nhiên, các đồng chí cứ ban hành và quyết định theo ý đảng, cần gì để ai bàn thảo và quyết định thông qua cho mất thì giờ, vì có bao giờ ý kiến của đảng đưa ra mà không được chấp thuận hay bị phản đối đâu. Toàn thể nhân dân Việt nam xin tự nguyện "sống cũng như như chết rồi" để các đồng chí được tự nhiên lãnh đạo đất nước theo ý đảng.
Đó là một việc làm thiết thực và có hiệu quả, bỏ các cơ quan không cần thiết và mang tính hình thức như Quốc hội là hợp lòng dân chúng. Quyết đinh đó chắc chắn sẽ được toàn thể nhân dân ủng hộ nhiệt liệt, hãy dùng khoản ngân sách hàng năm dành cho Quốc hội hàng ngàn tỷ đồng để mở và duy trì mấy cái nhà thương làm phúc, để chữa bệnh cho người nghèo và người già không nơi nương tựa như thời thực dân Pháp đô hộ hay thời Mỹ ngụy họ đã từng làm có lẽ tốt hơn. Không lẽ cứ nói chế độ ta tươi đẹp hơn, vì dân hơn mà sao không bằng họ đã từng làm trước kia?
Bởi có hay không có Quốc hội thì kết quả nó vẫn như rứa mà thôi, nếu có Quốc hội chỉ là hình thức thì xét ra không có có khi lại là điều tốt hơn, hiệu quả kinh tế hơn. Trong dự án sử đổi Hiến pháp sắp tới, nội dung này nên được đưa ra xem xét và quyết định một cách nghiêm túc, vì nó sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong hiện tại và tương lai.
15/6/2010
Nguồn: http://thangtien.de/index.php?option=com_content&task=view&id=7319&Itemid=404