Mittwoch, 4. August 2010

Bà Clinton họp với ngoại trưởng 4 nước vùng hạ lưu sông Mekong

02 tháng 8 2010-Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước vùng hạ lưu sông Mekong, Hoa Kỳ đã cho công bố bài xã luận phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Hình: US State Department

Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói, “Hoa Kỳ đang trở lại Đông Nam Á, và Hoa Kỳ hợp tác trọn vẹn với các đối tác trong khu vực này trong một loạt những thách thức đang đe đọa mọi người.”


Mới đây tại Hà Nội, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã gặp ngoại trưởng các nước Thái Lan, Kampuchia, Lào và Việt Nam. Cuộc họp của 5 nước diễn ra trong khuôn khổ của chương trình hợp tác vùng hạ lưu sông Mekong, gọi tắt LMI.

Chương trình LMI được đề ra vào tháng 7 năm 2009 để cải tiến sự hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục, và phát triển cơ sở hạ tầng. Từ đó đến nay, 5 nước đã tìm cách hợp tác trong các lĩnh vực này và xây dựng các lĩnh vực đó dựa trên những lợi ích chung.

Quả thực đã có tăng cường hợp tác trong lĩnh vực môi trường. Tháng này đánh dấu việc chính thức khởi động sự hợp tác “kết nghĩa” giữa Ủy ban Sông Mekong và Ủy ban Sông Mississippi của Mỹ, nhằm giúp cải thiện việc quản lý các nguồn nước xuyên biên giới trong khu vực hạ nguồn sông Mekong.

Hoa Kỳ sẽ tiến hành một chương trình kéo dài 3 năm nhằm giúp 4 nước ở cuối sông Mekong triển khai các chiến lược nhằm đối phó với tác động do khí hậu biến đổi gây ra cho các nguồn nước và an ninh lương thực.

Trong lĩnh vực y tế, viện trợ của Hoa Kỳ cho các nước ở cuối sông Mekong trong khuôn khổ của chương trình LMI tổng cộng sẽ vượt quá 147 triệu đôla trong năm 2010 và tập trung vào việc đối phó với những đại dịch có thể xảy ra.

Chương trình đối phó với các đe dọa này sẽ giúp xác định sớm và đối phó với những đe dọa mới xuất phát từ động vật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe quần chúng.

Chương trình này sẽ giúp đào tạo các chuyên viên y tế và thú y phát hiện, truy tầm, và khống chế dịch bệnh bộc phát.

Chương trình LMI sẽ có thêm ngân khoản để giúp theo dõi, truy tầm những loại thuộc thiếu tiêu chuẩn hoặc giả mạo, và lập ra một mạng lưới khu vực để phát hiện loại sốt rét nào đã lờn thuốc.

Viện trợ hiện nay của Hoa Kỳ trong lĩnh vực HIV/AIDS đã giúp phòng chống, chăm sóc và trị liệu cho hơn 2 triệu người khắp khu vực sông Mekong, góp phần làm giảm bớt 50% mức lây lan HIV/AIDS tại Kampuchea, cung ứng các loại thuốc đặc trị giúp duy trì mạng sống, và những trợ giúp khác, trị giá 90 triệu đôla tại Việt Nam; và tại Thái Lan, chương trình này yểm trợ cho kế hoạch thử nghiệm lâm sàng lớn nhất tính cho tới nay để tìm một loại vắcxin có thể vừa an toàn vừa hiệu quả để ngăn ngừa lây nhiễm HIV.

Vẫn theo chương trình hợp tác vùng hạ lưu sông Mekong, Hoa Kỳ cung ứng 18 triệu đôla viện trợ trong lãnh vực giáo dục, nhằm thực hiện các chương trình giúp người dân các vùng quê nghèo được tiếp cận Internet nhiều hơn.

Và với chương trình Khách Quốc Tế dành cho các chức vụ lãnh đạo, các chuyên viên trong 4 nước vùng hạ lưu sông Mekong có thể đến Mỹ để học hỏi từ những chuyên viên Mỹ cùng ngành nghề.

Thêm vào đó, các chuyên viên của Thái Lan, Kampuchia, Lào và Việt Nam có thể dành được học bổng để học hỏi và cải tiến khả năng Anh ngữ.

Như lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nói: “Hoa Kỳ đang trở lại Đông Nam Á, và Hoa Kỳ hợp tác trọn vẹn với các đối tác trong khu vực này trong một loạt những thách thức đang đe đọa mọi người.”

*Bài xã luận "Ngoại trưởng Clinton họp với Ngoại trưởng 4 nước vùng hạ lưu sông Mekong" phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Find this article at:
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/editorial-lower-mekong-initiative-8-2-10-99772639.html