Dienstag, 10. August 2010

Đi quá xa, Trung Quốc thu hút Mỹ vào tranh chấp Biển Đông

BARRY WAIN (Wall Street Journal)

Có lẽ do đi quá xa trong vấn đề Biển Đông, Bắc Kinh đã thu hút Mỹ vào cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.

Với cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng: Đúng như tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Canh Diên Sinh, chủ quyền của Trung Quốc với biển và các đảo tại đây là "không thể tranh cãi". Các tàu chiến từ cả ba hạm đội của Trung Quốc đều tham dự, cùng với máy bay chiến đấu, tên lửa tấn công mục tiêu tầm xa.


Cuộc tập trận đã vi phạm tinh thần mà Trung Quốc cam kết với những quốc gia láng giềng tám năm trước đây. Bắc Kinh đã cùng với Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã ký Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC trong đó nhấn mạnh không đe dọa hay sử dụng vũ lực ép buộc các nước tuyên bố chủ quyền, cam kết hợp tác xây dựng lòng tin.

Tuy nhiên, cuối cùng, người ta đã rõ một điều rằng, thay vào đó, Bắc Kinh đã sử dụng thỏa thuận để lảng tránh vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đưa vấn đề ra khỏi chương trình nghị sự khu vực trong khi tăng cường tuyên bố chủ quyền với hầu hết các đảo ở Biển Đông và vùng biển bao quanh.

Tức giận vì Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần đây tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" ở Biển Đông đồng thời kêu gọi xây dựng tiến trình đa phương giải quyết tranh chấp chủ quyền các đảo, Bắc Kinh đã phô bày sức mạnh của mình. Cùng với những cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng thấy, báo chí địa phương đã có hàng loạt bài báo bình luận về tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc.

Những cuộc phô diễn lực lượng của Trung Quốc có ý nghĩ truyền tải thông điệp rằng, Bắc Kinh cho là Washington không có quyền can dự ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Đài Loan và bốn quốc gia Đông Nam Á đều đưa ra tuyên bố chủ quyền. Nhưng, hành động của Trung Quốc dường như đã gây phản ứng tiêu cực trong khu vực. Phần lớn Đông Nam Á, đã ngày càng quan ngại về cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông, coi động thái của Bắc Kinh gần đây là một ví dụ khác cho sự độc đoán.

Trong khi không mong chờ nhiều từ lời đề nghị của bà Clinton trong tổ chức đối thoại đa phương về tuyên bố chủ quyền đầy phức tạp, thì triển vọng của một vai trò an ninh tích cực hơn từ Mỹ đã được đón nhận, hoan nghênh, đặc biệt với những quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc và ASEAN đã cam kết thuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể "làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định".

Dù sao thì, với bản chất của một tài liệu chính trị, tuyên bố trên có nhiều lỗ hổng ví dụ như đã không đề cập phạm vi địa lý rõ ràng, hay một số điều khoản khá mơ hồ.

Mục đích chính của tuyên bố (như các quan chức sau đó thừa nhận) là gửi một tín hiệu tới cộng đồng quốc tế rằng, Biển Đông không phải là "điểm nóng" khi Trung Quốc với ASEAN có quan hệ kinh tế ngày một gần gũi hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, các cường quốc chính có lợi ích trong tự do hàng hải ở một vùng biển chiến lược như Biển Đông đã "lặng lẽ" ngồi bên lề, trong khi thương mại và đầu tư Trung Quốc - tăng vọt.

Tuy nhiên, trong vùng biển này, lời hứa tự kiềm chế bị phớt lờ. Trung Quốc đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, gây hấn hơn về Biển Đông và bắt đầu trình diễn sức mạnh của họ với xung quanh.

Căng thẳng gia tăng trong ba năm qua khi Bắc Kinh đe dọa các công ty dầu khí quốc tế đang hoạt động ở Biển Đông. Chiến dịch hiện đại hóa hải quân Trung Quốc được thực hiện ráo riết, nhiều vụ "quấy nhiễu" tàu Mỹ xảy ra, Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương và bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam.

Trong lúc đó, nhóm làm việc chung Trung Quốc - ASEAN cam kết khảo sát các biện pháp xây dựng lòng tin, để dẫn tới việc thành lập một Bộ quy tắc ứng xử, lại chỉ gặp nhau có ba lần, và Bắc Kinh dường như không hứng thú đi xa hơn.

Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ, gần đây là trực tiếp nhằm vào Mỹ về chuyện "quốc tế hóa" tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh phủ nhận gây sức ép hoặc đe dọa tới hòa bình khu vực bắt nguồn từ tuyên bố chủ quyền "quá mức", đồng thời cảnh báo chống lại chiến thuật siêu cường truyền thống được áp dụng để duy trì ưu thế ở một khu vực tranh chấp.

Nhưng Bắc Kinh đã nhận thức rõ ràng hơn rằng, khi Ngoại trưởng Mỹ đưa ra vấn đề Biển Đông tại một diễn đàn an ninh khu vực ở Hà Nội ngày 23/7, những nước khác đã cùng "chia sẻ" sự quan ngại. Đó là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei cũng như Indonesia, EU, Australia và Nhật Bản.

Trung Quốc đã phạm phải một sai lầm chiến thuật bằng tuyên bố Biển Đông "là lợi ích cốt lõi" và rung chuông báo động các cường quốc châu Á - Thái Bình Dương khác. Bằng việc đi quá xa, họ đã thu hút Mỹ vào cuộc tranh chấp. Chừng nào không khí căng thẳng hiện tại qua đi, Bắc Kinh sẽ phải suy nghĩ về cách ứng xử lại với ASEAN: Hoặc chừng mực hơn, hoặc đối mặt với nguy cơ đẩy các nước trong khu vực vào một liên minh thân cận hơn với Mỹ.

• Thụy Phương (Theo WSJ)