Sonntag, 1. August 2010

Chính quyền tỉnh Bình Dương quyết tâm "thà để dân chết chứ không mất uy tín với nhà đầu tư nước ngoài"


Dân Liên Hợp

Đề án tổng thể khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương được chính phủ phê duyệt bởi quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01-9-2005. Thế nhưng ngay từ khi đề án chưa được phê duyệt, UBND tỉnh Bình Dương đã ký quyết định giao hơn 4.000 hecta đất cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã phân lô bán lại đất cho nhà đầu tư thứ cấp, trong khi chính quyền chưa làm thủ tục thu hồi và bồi thường đất cho dân.

Công ty Đại Đăng, một doanh nghiệp Đài Loan cũng được tỉnh giao đất ngay từ năm 2004. Để lấy đất giao cho Đại Đăng, chính quyền đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất của người đang có quyền sử dụng đất hợp pháp, trong đó có nhiều người chưa hề nhận được quyết định bồi thường.

Hằng mấy trăm hecta đất được giao cho công ty nầy nhiều năm qua vẫn còn bỏ hoang, chưa thi công xây dựng gì cả. Người dân không còn đất, không có công ăn việc làm, tiếp tục trồng trọt để kiếm sống. Công ty Đại Đăng cắm bảng “KHU CÔNG NGHIỆP ĐẠI ĐĂNG, CẤM CANH TÁC TẠI ĐÂY”.

Đất của dân, đang có quyền sử dụng hợp pháp mà người dân bị một doanh nghiệp nước ngoài cấm canh tác! Mỉa mai chưa?

Đầu năm 2009, Đại Đăng phát văn bản, yêu cầu chính quyền giao tiếp cho đủ số đất theo quyết định của tỉnh Bình Dương. Tỉnh đã chỉ đạo UBND Huyện Tân Uyên tổ chức cưỡng chế để lấy đất giao cho Đại Đăng mặc dù đất họ đã nhận còn bỏ hoang mênh mông chưa sử dụng.

Nhận thêm mấy chục hecta đất từ cả năm nay, Đại đăng vẫn bỏ hoang không làm gì cả, trong khi nông dân không có đất sản xuất. Tháng 5-2010, Đại Đăng bắt đầu hợp đồng bán đất mặt cho tư nhân.Từ mặt đất hiện hữu, họ cho máy cuốc cuốc sâu xuống khoảng 2 mét để lấy đất đi bán.Hằng mấy chục hecta đất bị cào lấy đi phần mặt. Họ nói là “làm hạ tầng”. Mỗi ngày, hằng trăm xe tải chạy từ sáng tới chiều. Người đứng ra hợp đồng mua và khai thác đất với Đại Đăng là vợ của Nguyễn Thành Phương, chủ tịch UBND Huyện Tân Uyên, người đã ký quyết định cưỡng chế thu hồi đất của nông dân.

Người bị thu hồi đất vô cùng uất ức vì mình đang có quyền sử dụng đất hợp pháp, sổ đỏ còn đây, chưa được nhận tiền bồi thường, chính quyền cưỡng chế trái pháp luật lấy giao cho doanh nghiệp nước ngoài… để lớp thì bỏ hoang, lớp thì cuốc đi bán. Nhiều lần nông dân kéo nhau lên UBND tỉnh, Văn phòng tỉnh ủy, và trụ sở tiếp dân tỉnh yêu cầu lãnh đạo tỉnh Bình Dương giải quyết trả lại đất cho dân. Không một cán bộ nào tiếp và trả lời cho họ cả. Đơn khiếu nại quyết định cưỡng chế ban hành trái pháp luật đã gởi hơn một năm nay, cũng không cơ quan nào giải quyết.
Liên tiếp trong các ngày 9-11-12/7/2010, hơn ba mươi hộ nông dân đứng ra ngăn cản, không cho công ty Đại Đăng cuốc đất đem đi bán. Lập tức, công an, dân quân và cảnh sát cơ động được huy động đến để đàn áp, nói là bảo vệ công trình đang thi công. Chúng thẳng tay đánh đập, thu máy chụp hình và bắt giữ người trái phép. Tên thiếu tá Nguyễn Tấn Phát, phó công an phường Phú Tân luôn miệng chửi thề và ra lệnh bọn công an dưới quyền bắt những người có mặt giải về phường. Chúng lôi kéo bà Bồ thị Chiệp trên 70 tuổi đến tuột cả da cánh tay, đổ máu dầm dề. Bà Thái thị Thiệp, bà mẹ Việt nam anh hùng 82 tuổi đang ngồi trên xe lăn cũng bị xô ngả xuống xuống đất, Bà Thái thị Hò, vợ liệt sỹ đã ngoài 70 tuổi bị chúng bắt chở đi cả ngày mới thả về. Anh Nguyễn văn Nha bị chúng vật ngả để lấy máy chụp hình và bắt chở về Phường, vì anh nầy dám chụp hình cảnh chúng cuốc đất của dân đem đi bán…

Vậy là chính quyền tỉnh Bình Dương quyết tâm ép dân đến cùng; không trả lời khiếu nại, không thèm đối thoại, không cần bồi thường, cương quyết trấn áp để nhà đầu tư nước ngoài được hài lòng trong việc chiếm giữ và khai thác tài nguyên đất đai một cách trái pháp luật.

Đã bảy năm trôi qua, kể từ khi tỉnh Bình Dương công bố quy hoạch khu liên hợp công nghiệp-dịch vụ-đô thị tỉnh Bình Dương. Nhiều thắc mắc của người dân về những việc làm quái đản của chính quyền chưa được giải đáp. Nay họ lại muốn biết thêm:

- Công ty Đại Đăng là ai mà lại được ưu tiên như vậy? Nhận một mặt bằng mấy trăm hecta đất sát nách trung tâm tỉnh lỵ, năm sáu năm nay bỏ hoang, lại cứ tiếp tục được giao đất? Buồn tình, cuốc đất đem bán, lại được công an, quân đội yểm trợ tận tình!

Có người tỏ ra biết chuyện, nói rằng “Ông tư Thắng đã đem về giới thiệu thì làm sao Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương dám không ưu tiên”.

Nhưng tư Thắng là ai?- Đừng hỏi, thế lực nhất nước đó!

- Không biết tư Thắng là ai, nhưng chỉ nội cái chuyện tỉnh Bình Dương làm nhiều chuyện động trời, nhưng chẳng ai dám hỏi thăm sức khỏe đủ biết trên có trời, dưới có Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương. Không có pháp luật, chính sách nào nữa cả.
Chẳng biết có Tư Thắng hay Mười Thua nào ở sau lưng hay không, nhưng chắc chắn là có Ông trời ở trên đầu che chở.

Nếu không phải có Trời che chở thì tại sao với hằng trăm đơn khiếu kiện, tố cáo, kêu cứu mà người dân đã gởi liên tục hằng bảy năm nay, Chủ tịch nước, Trung ương Đảng, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng thanh tra chính phủ, Bộ tài nguyên môi trường, Ban chỉ đạo chống tham nhũng… vẫn cứ im hơi lặng tiếng để cho tỉnh Bình Dương muốn làm gì thì làm? Và như vậy, không phải chỉ có Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương chà đạp lên quyền lợi hợp pháp của nhân dân, coi thường pháp luật của đất nước mà chính những cơ quan lãnh đạo cấp trên nầy cũng đã hành sử như đang ở trong một đất nước không có kỷ cương luật pháp gì cả, và chính họ cũng đã coi nhân dân như cỏ rác!

Cuốc sâu xuống lấy 2 mét đất mặt bán mỗi xe tải hằng triệu đồng, trong khi tiền bồi thường đất cho dân chỉ có 30.000$/mét vuông.Dân chưa nhận tiền bồi thường, chính quyền vẫn giao đất cho công ty Đại Đăng cuốc đất lên bán.Chủ tịch huyện ký quyết định cưỡng chế thu hồi đất để giao cho Công ty Đại Đăng; vợ của chủ tịch huyện thì ký hợp đồng mua lại đất của Đại Đăng để bán.Trong mấy tháng nay, chúng đã chở đi bán hằng triệu mét khối đất của nông dân.