Freitag, 6. August 2010

Ðặc sứ Mỹ, Tổng thư ký LHQ dự lễ kỷ niệm vụ thả bom Hiroshima

Steve Herman, VOA Seoul

06 tháng 8 2010 - Thành phố Hiroshima của Nhật Bản đang kỷ niệm 65 năm ngày bị thả bom nguyên tử. Buổi lễ năm nay nổi bật ở điểm là lần đầu tiên, một vị tổng thư ký của Liên hiệp quốc tham dự, cùng với các nhà ngoại giao từ một số cường quốc đồng minh đã đánh bại Nhật Bản trong thời thế chiến thứ hai. Trong số các cường quốc này có cả Hoa Kỳ, là nước đã thả quả bom hạt nhân xuống Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, trong những ngày kết thúc cuộc chiến. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.


Bồ câu bay trên bầu trời của Công viên Hòa Bình ở Hiroshima. Hình: AP

Đó là hiệu lệnh cho một phút mặc niệm tại Công viên Hòa Bình ở Hiroshima – vào lúc, cách đây 65 năm, một đợt nổ từ một quả bom dùng nhiên liệu uranium làm rung chuyển thành phố công nghiệp này, gây ra một cơn bão lửa lớn và đổ xuống một trận mưa đen.

Có ít nhất 120.000 người đã chết trong ngày hôm đó hay trong vòng vài tháng vì các thương tích hoặc bị các chứng bệnh về phóng xạ.

Mãi cho đến nay Hoa Kỳ vẫn thường từ khước lời mời tham dự buổi lễ thường niên này. Sự kiện đó đã thay đổi với sự hiện diện năm nay của Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông John Roos.

Các vị đặc sứ của Anh và Pháp, cũng là những nước được công bố là cường quốc hạt nhân, cũng dự lễ lần đầu tiên. Và có sự hiện diện chưa từng có từ trước đến nay của Tổng thư ký Liên hiệp quốc. Ông Ban Ki-moon cam kết với những người sống sót sẽ tiếp tục công tác hướng tới việc hủy bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông Ban nói: “Đối với nhiều người trong quý vị, cái ngày đó còn sống động như một tia sáng trắng xé toạc bầu trời, và đen tối như những cơn mưa đen tiếp theo.”

Tổng thư ký Liên hiệp quốc nói thêm rằng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, thì thế giới vẫn sẽ còn sống dưới một bóng tối hạt nhân. Ông loan báo sẽ triệu tập một hội nghị giải giới vào tháng tới tại New York.

Sự tàn phá Hiroshima và Nagasaki đã đưa đến việc Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15 tháng 8, tránh được một cuộc đổ bộ của Mỹ vào đất liền Nhật Bản.

Các sử gia cho rằng cuộc bộ chiến sẽ cướp đi sinh mạng của thêm những người dân Nhật khác còn nhiều hơn cả con số người thiệt mạng trong các vụ tấn công hạt nhân. Nhưng những người khác lập luận rằng việc sử dụng một vũ khí một cách vô tiền khoáng hậu như thế là vô đạo đức hay không cần thiết, bởi lẽ các nhà lãnh đạo Nhật Bản, lúc đó chắc chắn là mình sẽ thua, đã chuẩn bị để đầu hàng.

Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/japan-hiroshima-08-06-2010-100110089.html