Samstag, 7. August 2010

Nụ cười cuối tuần

"Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ..."
"Phố bỗng lạ, giòng sông uốn quanh..." 
 Con đường sình ta đi

Con đường nào ta đi, cũng...đào lên đào xuống.
Con đường chiều thành đô, con đường bụi mịt mù...
Con đường giờ tan ca, công trình che bít lối
Xe kẹt dài lên hè - con đường nào ta đi?

Con đường mà khi mưa, nước tràn như dòng suối.
Ta dùng xuồng ta đi, nên nhìn còn thẹn thùng.
Con đường nào ta đi, tới nhà hay vào lớp…
Con đường làm công trình, con đường đầy gian nan.

Thế rồi đường vào nhà, cũng tìm hoài không ra.
Đi lạc vòng quanh phố, không đường vào.
Đứng ở ngoài đầu đường, giống ở đầu con sông.
Trông về con đường cũ mênh mông, mênh mông...

Hỡi nhà thầu làm đường, hãy làm giùm mau mau!
Ít người làm như thế, trên đường dài.
Có vài người càu nhàu, biết giờ nào cho xong?
Trả về con đường cũ như xưa, như xưa...

(họa theo bài "con đường tình ta đi" của Phạm Duy)Saigon Echo sưu tầm

.....................................
Không hiểu ý

Bữa nọ có người mời thầy đồ đi ăn cỗ. Thầy cho một cậu học trò nhỏ theo hầu.

Ăn xong, thấy trên đĩa còn nhiều bánh, thầy muốn lấy vài chiếc đem về, nhưng sợ chung quanh người ta trông thấy, thì mất cả thể diện. Thầy mới nghĩ ra một cách. Thầy cầm mấy chiếc bánh thản nhiên đưa cho học trò, nói:
- Này, con cầm lấy.

Và nháy mắt ra hiệu bảo cất mang về cho thầy. Cậu học trò không hiểu được cái nháy mắt thâm thúy này của thầy, tưởng thầy lấy cho mình, liền ăn ngay.

Thầy nhìn thấy, giận lắm, nhưng giữa đông đủ mọi người, không dám mắng. Ra về, thầy vẫn còn tiếc, kiếm cớ trả thù học trò. Khi hai thầy trò đi cùng hàng, thầy mắng:
- Mày là bạn bè với tao hay sao mà dám đi ngang hàng với tao?

Trò sợ, tụt lại sau mấy bước. Thầy lại mắng:
- Tao có phải thằng tù đâu mà mày đi sau như để áp giải?

Trò vội vàng chạy lên đi trước, thầy cũng mắng:
- Mày là bố tao hay sao mà dám đi trước tao?

Trò ngơ ngác quay lại thưa:
- Con đi thế nào thầy cũng mắng cả, thầy bảo cho con biết như thế nào là phải ạ?

Thầy vẫn hầm hầm, hỏi:
- Thế bánh tao đâu?

---------------------------------------

Thầy bói bị chơi khăm

Một thầy lang và một thầy bói không biết làm sao mà thù hằn nhau. Một hôm có người đàn bà, chồng ốm, đi xem bói.

Thầy gieo quẻ, bảo phải đến nhà thầy lang nọ mà xin thuốc, chồng sẽ khỏi. Trước khi chị kia đi, thầy dặn thêm:
- Vào nhà thì phải hỏi: "Có thật ông là ông lang mà dao cầu dính đầy mạng nhện và ô thuốc mốc meo không?" Ðúng là thầy lang ấy mới hay.

Chị kia đến, hỏi như lời thầy bói dặn. Thầy lang biết thầy bói chơi khăm mình, nhưng vẫn cứ thản nhiên kê đơn bôi thuốc, rồi dặn:
- Chị về sắc lên cho anh ấy uống, nhưng phải bắt cho bằng được một con ruồi đậu ở mép ông thầy bói, bỏ vào thuốc, thì thuốc mới hiệu nghiệm.

Người đàn bà vâng lời, quay trở lại hàng thầy bói. Chầu chực mãi, chẳng thấy con ruồi nào đậu ở mép thầy để bắt, sốt ruột lắm! Ông thầy bói đang đợi khách, ngáp dài. Bỗng có hàng bánh rán đi qua, thầy gọi vào ăn. Thầy đang nhai bánh thì một con ruồi bắt hơi mật, bay đến đậu ngay vào mép thầy. Chị kia không bỏ lỡ dịp, giơ tay đánh bốp được con ruồi. Thầy bói đau quá, la lên:
- Ối giời ơi! Ông làm gì mà mày đánh ông!

---------------------------------------------

Kén rể sang

Một lão nhà giàu kén rể, một hôm qua đình làng thấy một anh áo quần lôi thôi bẩn thỉu, vừa đi vừa ngáp gió. Lão chợt thấy vị Thành Hoàng đứng dậy như để vái chào.

Lão nghĩ bụng: "Chắc anh này có tướng làm quan, to hơn Thành Hoàng, nên Thành Hoàng mới có vẻ sợ sệt như vậy!" Lão liền gọi về nhà, gả con gái cho.

Anh này vốn là một thằng nghiện thuốc phiện, nay nhờ nhà vợ, nên không rách rưới nữa, lại hút đã đời, người trở nên béo tốt. Lão già muốn khoe rể, bèn thuật lại câu chuyện kia. Họ hàng không ai tin. Lão về, bảo chàng rể ăn mặc chỉnh tề, rồi đi qua đình làng cho họ hàng xem. Nhưng lần này, vị Thành HOàng cứ ngồi chễm chệ trên bệ thờ, không đứng dậy như trước. Họ hàng cười rộ. Lão mắc cỡ, giận lắm, bước vào đình, hỏi:

- Này ông thầy, sao ngày nọ thằng rể tôi ăn mặc dơ dáy, ngáp lên ngáp xuống, thì khi nó đi qua đây, ông đứng dậy chào. Còn bây giờ, nó ăn mặc sạch sẽ như thế, ông cứ ngồi trơ như khúc gỗ vậy?

Vị Thành Hoàng cười đáp:
- Bây giờ rể nhà ngươi ăn uống dư dật, có tiền hút xách, đi qua đây thì ta còn sợ gì nữa! Chứ ngày trước, hễ nó lai vãng nơi này thì ta phải coi chừng, không mất lư hương, cũng mất đôi đèn thờ bằng đồng để trên hương án. Không đứng dậy đề phòng thì nó cuỗm mất!