Samstag, 14. August 2010

Chiến tranh lạnh đang nóng hơn vài độ

Nguyễn Ðạt Thịnh

Hải quân Đại Tá David Lausman, hạm trưởng hàng không mẫu hạm George Washington xác nhận chiến tranh lạnh Mỹ-Trung Cộng không còn lạnh nữa bằng câu tuyên bố, “Biển Ðông không của riêng ai, mà là của mọi người; Trung Hoa có quyền sử dụng Biển Ðông, cũng như mọi quốc gia khác trên thế giới đều có quyền đó.”


Chỉ nói một câu dài 31 chữ, Lausman đột nhiên trở thành bạn tri kỷ của hàng vạn ngư dân Việt Nam, hàng chục triệu người Việt Nam khác không làm nghề biển.

Tờ Thanh Niên, xuất bản trong nước kín đáo reo mừng, “Sáng nay (10.8), tàu khu trục USS John S.McCain do Chuẩn đô đốc Ronald Horton - Chỉ huy trưởng Hậu cần Tây Thái Bình Dương làm trưởng đoàn cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng). Trong thời gian từ 10 đến 14 tháng Tám các thành viên trên tàu sẽ tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, tham quan các danh thắng tại TP Đà Nẵng.


Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến thăm đến VN trong những năm gần đây, trong đó có hai chuyến thăm cảng năm 2008. Năm 2009, lần đầu tiên một phái đoàn VN ra thăm tàu sân bay của Mỹ - tàu USS John C.Stennis (CVN 74). Cũng trong năm 2009, tàu đô đốc chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ USS Blue Ridge (LCC 19) và tàu khu trục có trang bị hỏa tiễn USS Lassen (DDG 82) do hạm trưởng người Mỹ gốc Việt Lê Bá Hùng chỉ huy đã thăm cảng VN. Tàu bệnh viện USNS Mercy (T-AH 19) cũng đã thăm VN vào tháng 5.2010 trong khuôn khổ một chương trình trợ giúp nhân đạo có quy mô lớn.”

Năm ngoái hạm trưởng Lê Bá Hùng, năm nay chiến hạm John S McCain ghé Ðà Nẵng trong niềm hân hoan của nguời Việt Nam, quốc nội và hải ngoại.

Hãng thông tấn Mỹ A.P. viết, “Chiến hạm John McCain vào cảng Việt Nam để mừng 15 năm tái lập bang giao Việt-Mỹ, sau cuộc chiến tranh đẫm máu mà nhiều cựu chiến binh vẫn còn coi là một vết thương chưa khép miệng. Hai chính phủ Việt-Mỹ mặc dù vẫn đối nghịch về lý tưởng, nhưng đã có chung quan điểm về một vài vấn đề, trong đó có vấn đề Trung Cộng đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông.”

Không chỉ tuyên bố hải lộ Biển Ðông là của mọi người, đại tá Lausman còn cho chiếc tầu sân bay ông chỉ huy lượn quanh Hoàng Sa, quần đảo đang bị Trung Cộng cưỡng chiếm và công bố “chủ quyền không thể tranh cãi” của họ.

Cuộc “lượn vòng mà chơi” đó diễn ra ngày Chủ Nhật mùng 8 tháng Tám 2010, ngày nhiều chính khách, tướng lãnh Việt Cộng ngồi trên boong tầu, làm khách danh dự chứng kiến các khu trục cơ Hoa Kỳ biểu diễn, cất cánh bay vào không phận “quốc tế” rồi đáp yên lành xuống sân bay nổi, trong lúc hạm đội Nam Hải tại đảo Hải Nàm không có một phản ứng nhỏ.

Cuộc khiêu khích của Hoa Kỳ trên Biển Ðông mang tính chất mới nhất, tính đến ngày hôm nay (8/11), nhưng không phải là cuộc khiêu khích duy nhất, cũng không phải là cuộc khiêu khích cuối cùng.

Phóng viên Margie Mason của hãng AP viết, là trước khi vào thủy đạo Biển Ðông, hàng không mẫu hạm George Washington đã khiêu khích hoả tiễn “diệt hàng không mẫu hạm” Ðông Phong 21D của Trung Cộng tại biển Nhật Bản, và sắp khiêu khích loại hỏa tiễn được chế tạo để diệt nó tại Hoàng Hải, vùng biển Trung Cộng gọi là biển độc quyền của họ.

Dĩ nhiên đại tá Lausman không tự mình tạo sóng thần trên Biển Ðông, ngoại trưởng Hillari Clinton đi trước ông, tạo sóng thần ngay giữa thành phố Hà Nội bằng câu tuyên bố bất hủ là Hoa Kỳ sẽ tạo môi trường thuận lợi để các nước Á Châu sống hoà bình và cộng tác với nhau trên Biển Ðông.

Và cả Clinton lẫn Lausman đều không tự ý làm công việc họ đã làm, đang làm. Bác sĩ Diệu ở Houston bảo tôi là ông ta sẽ viết thư xin lỗi tổng thống Barack Obama, vì từ lâu ông vẫn coi thường ông tổng thống da đen thuộc đảng dân chủ này.

“Obama phải thuộc đảng Cộng Hoà mới đúng,” bác sĩ Diệu nói; ý ông muốn trình bầy là thái độ quyết liệt đối phó với Trung Cộng phải là thái độ của một tổng thống Cộng Hoà.

Tôi mời bác sĩ Diệu (người đầu tiên cho tôi biết tin “Mỹ vào Biển Ðông”) và bạn đọc thảo luận về những thay đổi sẽ xẩy ra tại Việt Nam sau màn biểu diễn của hàng không mẫu hạm George Washington.

Tối thiểu Hoa Kỳ cũng chứng minh được quyền của ngư phủ Việt Nam tự do đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa sung mãn, mà vợ họ không phải bán nhà chạy tiền đem đến ngân hàng Việt Cộng đóng vào ngân khoản của tòa đại sứ Trung Cộng để chuộc chồng.

Câu hỏi đầu tiên để thảo luận là “liệu Trung Cộng có đủ lẻo lự để thuyết phục được các chính khách Việt Cộng đang tại vị, no nê, đầy túi, và toàn quyền sinh sát, tin vào sự thật “theo Mỹ là tự sát” không?

Ðó quả là sự thật mà Việt Cộng trước sau cũng thấy rõ, và đó còn là vấn đề Việt Nam “cõi lốt” mà chúng ta cần tìm hiểu.

Nguyễn Ðạt Thịnh