Dienstag, 10. August 2010

Con tàu và thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam (1979)

"Cap Anamur - Niềm hy vọng của thuyền nhân trên biển Đông đầu thập niên 80"

Rupert Neudeck - JB Lê Văn Hồng (chuyển ngữ)

„Một lúc nào đó trong đêm tôi được gọi dậy. Không để ai biết, có lẽ ngoại trừ mẹ tôi, ba tôi, Thiện và tôi đã rời khỏi nhà. Tôi không còn nhớ những chi tiết. Tôi chỉ còn biết rằng đến một lúc nào đó chúng tôi đã trèo lên chiếc phà và tôi đã vui vì có thể tiếp tục leo lên võng nằm ngủ. Bây giờ thì tôi biết đó là chiếc phà chở chúng tôi đến Long Xuyên. Từ đó chúng tôi đi xe đò tới Rạch Sởi, một vùng nằm ở bờ biển.

Khi đến đó chúng tôi vào nhà gia đình ông Dương, người tổ chức vượt biên. Ba tôi đã tín nhiệm ông Dương và đã trả cho ông tổng cộng 180g vàng cho chuyến vượt biên, nói cho Thiện những yêu cầu cuối cùng và răn đe tôi những lời cuối, rồi ba tôi về. Hai chúng tôi ở lại nhà ông Dương ba tuần để chờ vượt biên.“

Đó là khởi đầu câu chuyện của Huỳnh Văn Thi, một trong những câu chuyện ít ỏi được kể lại về chuyện trốn chạy khỏi Việt Nam. Người Việt có lẽ là những người thân thiện và đáng yêu nhất trên cõi đời này, nhưng họ cũng rất tế nhị. Họ cũng lo lắng là sẽ làm phiền người khác với những chuyện riêng của mình.

Năm 1979 chúng tôi phải đối diện với hàng trăm, hàng ngàn, rồi hàng chục ngàn người tỵ nạn liều lĩnh trên những mảnh vỏ đậu trốn chạy trên vùng biển Đông bao la. Điều này đã xác định rõ rằng họ đã bị đe dọa như thế nào và cuộc sống ở Việt Nam đối với họ phải khốn khổ ra sao. Tại sao những con người này chấp nhận một cuộc chạy trốn nguy hiểm như thế? Và tại sao cha mẹ lại có thể gửi con mình đi trốn nguy hiểm như thế; một thái độ mà cha mẹ Đức có lẽ sẽ không hiểu nổi? Và, chuyện gì đã phải xảy ra ở Việt Nam, đến độ hàng chục nghìn người đã ào ào trốn đi như một cuộc xuất hành trên biển?

Thế nhưng việc cứu người trên biển Đông năm 1979 đã bắt đầu ra sao? Chính chúng tôi cũng không còn biết rõ, chỉ còn biết rằng những hình ảnh trên truyền hình đã buộc chúng tôi phải hành động ngay hoặc tìm cách để hành động. Cả hai chúng tôi là những con người bình thường trong tương quan xã hội và nhân đạo, chẳng có gì đặc biệt cả. Christel đã chọn nghề có liên quan đến trẻ em - trường chuẩn bị nhập học mẫu giáo, nghề sư phạm xã hội.

Nhưng cũng chính nhờ vậy mà chúng tôi đã gặp nhau. Hồi đó tôi học những môn học, theo kiểu nói dân gian là đáng kính và chẳng được tích sự gì, là triết học, thần học, Đức ngữ học. Điều tôi chưa biết là cô ta ngược lại đã học môn sư phạm xã hội tại đại học chuyên nghiệp Münster. Chắc không? Đúng như vậy, tại một trường đại học của một tôn giáo bình thường (Công Giáo) như tất cả mọi người ở Münster và cả những người ở Rheinland cũng sẽ đồng loạt nói như thế, trước khi họ tách rời nhau trong đời sống và trong những quan điểm đức tin.

Chỉ nhờ vậy mà chúng tôi đã đến với nhau. Hồi đó tôi là hướng dẫn viên du lịch, hay như người ta quen gọi hôm nay là „Animateur“ (hoạt náo viên). Trong tư cách hoạt náo viên tôi ngồi trên những chuyến xe buýt của dịch vụ du lịch dành cho sinh viên và bực bội, vì tôi cảm thấy rằng, cái đám sinh viên đôi khi ngay cả trước kỳ thi cuối khoá đã là những tên cho mình là thành phần tiểu tư sản, là những công dân có quyền đòi hỏi như những người khác, không khá hơn, không tệ hơn.

Nhưng rồi tôi gặp vợ tôi, cô ta tên là Christel Schaenzer, và cô ta là một đối nghịch hoàn toàn với những tên triết gia hợm hĩnh và „Jebildeten“ (trí thức rởm) theo kiểu nói của Tucholsky. Cô ta là con của một gia đình lao động, như cô ta sau này vẫn không ngừng tuyên bố như thế. Và cô ta đeo nó đàng trước như một văn bằng khoa bảng. Và quý vị biết không? Điều đó làm tôi thích, rất thích.

Cô ta đơn giản là cô ta. Cũng giống như những chuyện lớn lao chỉ có thể làm được bằng một cảm tính và hiểu biết trong sáng: Cô ta không cần học nó qua Kinh Thánh; nó nằm ngay trong máu của cô: „Lời nói của các con phải là: có là có, không là không. Tất cả những thêm bớt khác đều đến từ sự dữ (theo cách trần thế) hoặc đến từ ma quỷ (cho những người tin có ma quỷ).“

Dù sao đi nữa thì trên chuyến đi về Budapest tôi đã rất gần cô ta, và tôi đã phải cố gắng thật nhiều để chiếm được cô ta.

Tôi đã thành lập một nhóm „amnesty international“ (ân xá quốc tế) để có thể mời cô đến và tạo dịp để… „cua“ nàng.

Sau khi chúng tôi cưới nhau và có một rồi hai đứa con thì đột nhiên thấy rõ là chúng tôi có một công việc chung để có thể cùng nhau thực hiện. Liệu có chuyện gì khác đẹp hơn không? Nơi nào trong lịch sử con người đã cho thấy rằng người Đức đã là những kẻ đi vớt người?

Trong vài giấc mộng tôi đã nghĩ rằng, cứ tưởng tượng là chúng tôi đang sống trong thời Đức Quốc Xã và chúng tôi đã dám tổ chức một con tàu nằm ngoài khu vực 30 dặm trên vùng biển quốc tế để cứu những gia đình Do Thái bị săn đuổi trên những chiếc ghe nhỏ.

Vâng, nhưng có thể chúng tôi cũng đã không làm. Lúc này thì không thể nghĩ như thế được. Dự án phải được bắt đầu, được tiếp tục và kéo dài cho đến khi nào còn hơi thở và tiền ủng hộ. Christel đã có cách nói chuyện rất hay với những người ủng hộ. Trong điện thoại cô ta cho người ủng hộ có cảm tưởng rằng: họ là người duy nhất với số tiền ủng hộ 50 Đức Mã có thể cứu được thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam trên biển.

Trên thực tế thì cũng đúng như vậy. Dù gì thì chúng tôi cũng không có lý do để phiền trách dân mình.

Liệu chúng tôi có thể làm được không nếu không có những hình ảnh trên truyền hình?

Chính chúng tôi là những người đã bị đánh động bởi những hình ảnh và những cuộc gặp gỡ để nảy ra chuyện lo cho người khác. Người ta lại phải nói rằng: Nó đã là một động lực rất mạnh thôi thúc chúng tôi có thể chấp nhận những khó khăn khủng khiếp để liều lĩnh làm chuyện cứu người này. Tất cả mọi chuyện đều nhọc nhằn và không thuận lợi. Chúng tôi cần một con tàu lớn. Nhưng chúng tôi lại không biết gì về tàu bè cả!

Chúng tôi cứ suy đi nghĩ lại về chuyện này, là nếu giả sử chúng tôi có hiểu biết về chuyện tàu bè, nếu chúng tôi biết về sự chậm chạp của các công sở Liên Hiệp Quốc, nếu chúng tôi là những chuyên gia về luật hàng hải và nếu chúng tôi biết trước được sự dã man của đám công an tuần dương Việt Nam thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có thể những hiểu biết đầy đủ và khôn ngoan sẽ ngăn chận những việc mà chúng tôi đã phải làm. Ai là người sẽ đến với những người Việt Nam đã lênh đênh trên biển trong sự sợ hãi tột cùng khi đối diện với nỗi chết? Ai là người phải uốn ba tấc lưỡi trong một buổi hội nghị tỵ nạn ở Genéve để thuyết phục người ta phải làm thế này thế nọ? Hoặc ai là người nhân danh đồng bào mình đưa con tàu rời bến để hướng về khu vực có vấn đề trước vùng tam giác của sông Cửu Long mà không hề biết rằng nó cần năm sáu ngày nữa. Vâng, chúng tôi đã thề là chính chúng tôi sẽ làm điều đó. Hành động này đã được thai nghén từ nhận thức tuyệt vời mà tôi đã nhận được từ thánh Y-Nhã thành Loyola là: „Hãy luôn hành động như thể mọi chuyện chỉ lệ thuộc vào ân huệ và chẳng lệ thuộc gì đến những cố gắng của bạn. Nhưng đồng thời cũng luôn hành động như thể tất cả chỉ lệ thuộc vào những hành động của bạn và hoàn toàn không lệ thuộc gì vào ân huệ của Chúa.“

Chúng tôi cần những cộng sự viên dám cùng đi với chúng tôi đến vùng biển xa lạ này, để trợ giúp người khác. Chúng tôi phải vượt qua những khó khăn thể hiện qua những tên hải tặc trên biển và đặc biệt trong vùng vịnh Thái Lan, thể hiện qua đám công an tuần dương Việt Nam, qua thái độ cứng cỏi và không thân thiện của những nước trong vùng biển Đông không muốn tiếp nhận người Việt Nam, qua thái độ thù nghịch của Trung Quốc và của Hồng Kông; tất cả đều không muốn màng gì tới vấn đề của những con người tỵ nạn này.

Tại sao chúng tôi, Christel và tôi, lại dám liều lĩnh để làm chuyện đó?

Nó giống như một lời kêu gọi, bởi lẽ thực ra chúng tôi khi sinh ra đã không được đặt để làm những chuyện như thế. Chúng tôi không là những con người đặc biệt tốt, không có những nghề nghiệp đúng. Chúng tôi là những người Đức đã bắt đầu một cuộc sống công dân rất bình thường. Christel đến từ Niederrhein và chưa biết bố là ai, bởi khi cô ta vừa tám tuổi, thì ông đã tử trận tại Stalingrad trong một cuộc chiến hoàn toàn vô nghĩa và tội lỗi.

Tôi sinh ra ở Danzig một thời gian ngắn sau khi chiến tranh bùng nổ và cùng với gia đình đã lỡ chuyến tàu „Wilhelm Gustloff“ vì đến trễ hai tiếng. Sau đó chúng tôi đi bằng xe kéo về Tây Đức. Những kinh nghiệm đau đớn và nhọc nhằn mà mẹ tôi đã trải qua trong thời kỳ sau chiến tranh cộng với sự trốn chạy và xua đuổi, đã hằn sâu trong tâm trí tôi. Đối với tôi quả nhiên đó thật là một hội chứng của tuổi thơ, về chuyện giả sử chúng tôi cũng đã có mặt trên con tàu „Wilhelm Gustloff“, chuyến tàu sau đó đã thê thảm bị đánh chìm vì ba trái thủy lôi của đội chiến thuyền Sô Viết mang băng đỏ.

Những người Việt Nam này cũng đã trải qua một cuộc chiến khủng khiếp từ sau 1945 và nội tâm họ đã bị tàn phá kinh hoàng nên không thể chịu nổi đám ngụy quyền cộng sản nữa. Trong thời chiến họ đã không trốn khỏi nước. Nhưng bây giờ thì họ làm điều đó, bởi vì cái chính quyền theo mẫu mực của Stalin này với những trại cải tạo và vùng kinh tế mới đã làm cho họ không thể chịu đựng được nữa.

Ba của Huỳnh Văn Thi phải chọn lựa giữa hai cách. Cách thứ nhất là đi bộ xuyên qua Căm Bốt và Thái Lan. Ưu điểm của cách này là lúc nào người ta cũng đứng vững trên mặt đất. Nhưng họ có tám đứa con. Và chúng không được phép cho ai nhìn thấy không phải chỉ ở những vùng biên giới mà cả trên toàn vùng Căm Bốt. Không chỉ những nhóm quân đội Việt Nam, khi đó đã chiếm đóng Căm Bốt, mà cả đám Khờ Me Đỏ, sẽ chẳng ai thương hại những người tỵ nạn này cả. Đám này thì sẽ tìm cách áp tải họ trở lại Việt Nam để xử. Đám kia thì đã nổi tiếng là những tên đồ tể giết người dã man.

Chỉ còn con đường vượt biên qua biển.

Huỳnh Văn Thi kể lại: „Ba tôi biết được một chuyến đi cụ thể qua người hàng xóm. Ông ta đã gửi con trai đi vượt biên trước đó. Ông ta biết gia đình Dương ở Rạch Sởi đã tổ chức thành công hai chuyến vượt biên. Dù kết quả thành công như thế và ba tôi ở Việt Nam đã dọn đến một nơi sống theo kiểu bất hợp pháp, nhưng ông không muốn liều lĩnh đưa cả nhà đi vượt biên ngay. Trước tiên ông muốn thử khả năng của Dương.“

Thường thì những chuyến tổ chức vượt biên thất bại vì những người tổ chức là những kẻ mua bán thiếu lương tri, chỉ muốn có thật nhiều chỗ trên một chiếc thuyền được trang bị thiếu thốn. Theo ba tôi thì một người tổ chức giỏi không chỉ có một chiếc ghe tốt mà còn biết lo lắng kỹ lưỡng về lương thực, hải bàn, ống nhòm v.v.. Công việc nhiều rủi ro nhất của người tổ chức là trả tiền hối lộ để „mua bãi“ đúng người đúng chỗ.

Huỳnh Văn Thi kể lại một giai thoại, khi đó rất trẻ con nhưng rất nhiều kịch tính, về chuyến đi vượt biên của mình. Đứa em trai của anh ta nghe ba hỏi: „Con có muốn đi California không?“ Và sáng hôm sau khi tỉnh dậy trên chiếc ghe vượt biên, cậu ta chỉ còn thấy nước, chỉ còn thấy biển Nam Hải chung quanh, không thấy bến bờ, không có cái gì trong tầm mắt. Anh ta hỏi anh: „Chừng nào thì mình tới California?“ Cậu anh bối rối chẳng biết nói sao, vì cậu biết rằng chiếc gehe nhỏ bé cũ kỹ này không phải đang trên trên đường đến California. Vì thế cậu chỉ trả lời: „Chắc đến chiều sẽ tới!“ Cậu em chấp nhận câu trả lời. Nhưng sau một ngày may mắn trên biển êm ả, cậu em lại lập lại câu hỏi. Bây giờ thì Huỳnh trả lời chắc chắn: „Ừ, ngủ một giấc đi rồi mình sẽ tới đó.“ Trò chơi này cứ lập đi lập lại cho đến cả hai được tàu Cap Anamur vớt ba ngày sau đó.

Trước khi mướn một chiếc tàu riêng tôi đã có mặt ở Mã Lai và trên đảo chuột Pulau Bidong vào tháng bảy năm 1979, ngay sau quyết định của bộ trưởng nội vụ Mã Lai là ông Ghazalie Shafie. Ông này đã tuyên bố vào cuối tháng 1979 rằng, Mã Lai sẽ không để cho những chiếc thuyền tỵ nạn này làm nao núng; sẽ đuổi đi. Hải quân đã nhận lệnh là khi cần có thể nổ súng. Rằng Mã Lai một mình không có khả năng để giải quyết làn sóng thuyền tỵ nạn này.

Tôi đã chính mắt nhìn thấy và đã điện về cho Christel: Cái đảo sa mạc này chỉ có tổng diện tích 6 cây số vuông. Phần có thể ở được của đảo chỉ khoảng một cây số vuông. Và khi tôi đến thì nó đã được cư ngụ bởi đúng 45.505 thuyền nhân Việt Nam Tỵ Nạn. Tất cả đều kỷ luật không thể tưởng tượng, đến nỗi cho đến hôm nay tôi vẫn ý thức rằng: Thứ kỷ luật này trên toàn thế giới chỉ có ở người Việt.

Khi đi trên hòn đảo này, người ta sẽ đụng hay vấp phải những người sống chen chúc trong thung lũng của đảo, chung quanh là đồi núi. Những căn chòi được làm bằng vài thân cây mà họ đã đốn từ rừng trên những ngọn núi - ngược hẳn với những yêu cầu môi sinh (những khu rừng này sau đó rồi cũng bị đốn sạch), và bằng những bao nhựa gói những phần ăn tiêu chuẩn ít ỏi do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cấp phát. „Những cái „giường“ được đan từ cỏ rơm, „bếp“ là một cục đá có đục lỗ. Đĩa và chén là những chiếc hộp Cola và hộp đậu lấy từ phần ăn của Cao Ủy Tỵ Nạn. Khi mỗi trưa người ta nấu ăn dưới cái nắng gay gắt và nhiệt độ càng lúc càng cao, những làn khói kéo vào sâu trong trại, mùi đồ ăn quyện lẫn một cách khó chịu với mùi rác rưởi và phân. Trên đảo không có lấy một nhà cầu có nước. Những người sống trên đảo phải giải quyết nhu cầu tiểu tiện ở những chỗ chưa có lều, nhưng thường rất gần nơi ở. Khi còn cách xa đảo hàng trăm mét người ta đã có thể ngửi thấy cái mùi có thể gây bệnh này.

Ngày 01. tháng bảy, khi tôi đang còn trên đảo, thì Olivier Stirn, lúc đó đang là thứ trưởng bộ ngoại giao Pháp, đã đáp trực thăng xuống khu vực C của đảo. Khi ông bước ra thì mùi hôi thối xồng xộc vào ông, cái thứ mùi mà trên 42.000 con người tỵ nạn ngày đêm phải chịu đựng. Chúng tôi nghĩ rằng đó là điều tốt, nếu các chính khách hoặc ngoại giao thỉnh thoảng có được sự tiếp cận thực tế bằng giác quan như thế.

Tôi chen chúc vấp vào những đứa bé được bố mẹ chỉ dẫn là khi thấy những người làm việc nhân đạo hoặc ký giả thì hãy cứ hô lên vui vẻ: „How are you“ (chào quý vị!). Tổng cộng ở đó là 18.000 trẻ em phải chịu cảnh khốn nạn dở sống dở chết trên đảo. Những gói lương thực của UNHCR cũng như của MRCS (Hội Hồng Thập Tự Mã Lai) chỉ gồm lương thực khô (gạo, đậu, thịt gà, cá mòi, muối, đường và trà). Những gói lương thực này chỉ lấp đủ số lượng nhu cầu lương thực, nhưng hoàn toàn không có chất lượng. Đặc biệt đối với trẻ em thì điều này có nghĩa là: các loại Vitamin cần thiết đều không có; không có rau cải và trái cây tươi. Một cơ hội duy nhất để có thể có chút trái cây tươi là khu „chợ đen“ nhỏ do những chiếc ghe đánh cá ra từ đất liền, bất chấp lệnh cấm, bán từ trên ghe với giá cắt cổ: người mẹ có thể mua cho con 24 trái nho được đếm cẩn thận giá một dollar Mã Lai. Đôi khi cũng có hai trái táo khô héo nhăn nhúm cũng giá một dollar Mã Lai. Các tổ chức thiện nguyện chưa có thể lo được vấn đề lương thực cần thiết để sống qua ngày trong điều kiện khó khăn này. Tôi thường nhìn thấy trẻ em ở độ tuổi có thể làm khiếp hải. Vì thiếu dinh dưỡng nên các em không thể phát triển bình thường như trẻ em ở các nước kỹ nghệ. Trẻ em bệnh lại thường bị cha mẹ dấu đi, cho đến khi sự giúp đỡ đến thì quá trễ. Các phái đoàn ngoại quốc „lựa chọn“ người tỵ nạn tùy theo nhu cầu của thị trường lao động; những người tỵ nạn bệnh hoạn thường bị lọt sổ.

Chẳng hạn như phái đoàn Úc đã nhẫn tâm bỏ lại em bé Phan Văn Đông 13 tuổi trên đảo, chỉ vì em bị khuyết tật, và chấp nhận cho tất cả thân nhân trong gia đình khoẻ mạnh được đến Úc. Những thảm cảnh trên, như nhà văn Joseph Roth mà tôi rất yêu thích đã trình bày trong cuốn „Hiob“ của ông, xảy ra ở đây thường trực – chúng đã do thái độ chính trị của các chính trị và do sự im lặng đồng thuận của chúng ta về chính sách di dân „tạo ra“.

Con tàu „Il de Lumiere“ nằm sừng sững trước đảo; từ bốn tháng nay chúng tôi đã phải tranh đấu và quyên tiền cho nó. Lần đầu tiên nhìn thấy con tàu 1.400 tấn BRTvới chiều dài 92 mét đối với tôi là một giây phút thật cảm động. Nó được mướn tại khu Noumea thuộc Neukaledonien, và tái thiết bị thành con tàu bệnh viện: Trên tàu ngoài 400 chỗ nằm dưới hai khoang tàu còn có khu chữa trị và một phòng mổ. Con tàu đã nằm đây trước hòn đảo từ ngày 20 tháng tư như một biểu tượng của sự bảo vệ và sự có mặt của Âu Châu.

Chúng tôi, gồm có Bernard Kouchner, hiện nay là ngoại trưởng của Pháp, một vài ký giả Pháp và tôi, đến tàu khi trời đã về đêm. Con tàu nằm đó rực sáng trong bóng đêm do một máy phát điện duy nhất trên tàu nhìn như một kẻ canh gác trước hòn đảo. Một số ít nến trên tàu được thổi tắt ngay khi màn đêm đã phủ xuống, bởi vì chúng rất đắt đỏ và khan hiếm.

Chỉ riêng sự hiện diện của con tàu cũng đã tạo được nhiều ảnh hưởng. Nhiều người tỵ nạn đã kể cho chúng tôi biết là từ khi con tàu nằm nghe ngóng ở đó thì cảnh sát Mã Lai cũng không dám đối xử dã man với người tỵ nạn nữa. Thực phẩm của Cao Ủy Tỵ Nạn được phân phát đều đặn, nghĩa là người tỵ nạn có thể chờ đợi rằng, mỗi người cứ ba ngày sẽ nhận được một gói lương thực mà họ rất cần để sống. Con tàu bệnh viện đã đến vào lúc cùng khốn nhất. Năm phút, sau khi con tàu được 34.000 người tại đó tiếp đón mừng rỡ, thì số bệnh nhân đã chặt kín bến tàu; những người mẹ với những đứa con gần chết đói, những bệnh nhân lao phổi (hơn hai phần trăm những người sống trên đảo bị lao phổi), và cả những trường hợp khẩn cấn cần phải mổ ngay.

Trong vòng 12 giờ từ khi con tàu cặp bến ba bệnh nhân đã được mổ (trên tàu có một phòng mổ, một phòng sanh và một phòng chiếu quang tuyến X). Ký giả truyền hình của đài ZDF đã tường trình về Đức một đêm trong phòng mổ như sau: „Sau tám tiếng dinh dưỡng nhân tạo và thở bằng máy thì đứa bé 20 tháng tuổi đã chết vào lúc rạng sáng. Khi đó đứa bé chỉ còn cân nặng 5 ký. Một đứa bé khác chết. Sau đó con tàu từ biệt một bệnh nhân thứ ba giã từ cõi đời, một phụ nữ 29 tuổi đời, bị vi trùng lao ăn hết 80 phần trăm phổi; mọi sự giúp đỡ đều đã quá trễ.“

Cũng trong ngày đó đứa bé đầu tiên sinh ra trên tàu mở mắt chào đời. Nó được đặt tên là „Đảo Ánh Sáng“, tiếng Pháp là „Ile de Lumière“, tiếng Đức là „Insel des Lichtes“.

Đối với tôi và đại diện cho tất cả chiến hữu, là những người đã phải vượt qua những đoạn đường khổ ải của hoạt động này; những chống đối từ phía chính trị, những bức tường của những cơ quan công quyền quốc gia và quốc tế, và những trở ngại của việc tổ chức từ thiện mang tính quốc tế, thì cuộc gặp gỡ con tàu về đêm là một giây phút vô cùng cảm động. Tôi đã không xấu hổ vì những giọt nước mắt của mình. Pierre de la Garde lớn tuổi hơn và Biafra, một bác sĩ đầy kinh nghiệm của tổ chức cộng tác với chúng tôi là „Médicins du Monde“ (tiếng Đức: „Aerzte der Welt“ – Y sĩ của thế giới), đã hướng dẫn tôi vào khu vực bệnh viện và các bệnh nhân đang được chữa trị trong lòng con tàu. Trong những căn phòng này, trong tiếng gầm liên tu của máy tàu và tiếng xọc xạch của những máy điều hoà không khí liên tục phải chống lại không khí nhiệt đới oi bức, các nạn nhân của làn sóng tỵ nạn nằm đó. Đọc bệnh án của họ chúng tôi có thể biết nhiều về những hoàn cảnh chạy trốn của họ.

Nơi đây là những phụ nữ và thiếu nữ trên đường vượt biển trên những chiếc ghe của họ đã bị hải tặc Thái cưỡng hiếp thô bạo, vì thế họ phải được bác sĩ chữa trị; đôi khi có người mang ý định tự tử. Nơi kia là những em nhỏ với những chai nước biển và hầu như không còn sức lực. Nguyễn Thị Anh Đào nằm đó, 4 tuổi, ngu ngơ lãnh đạm, và không còn khả năng để tự chuyển mình. Cô bé đã vượt qua bảy ngày trên biển, bắt đầu từ ngày thứ ba thì trên ghe không còn nước uống và thức ăn. Cơ thể khô héo là hậu quả trầm trọng nhất cho trẻ em trong tình huống này; phần lớn các em bị cơ thể khô héo không thể sống sót. Người mẹ nào cũng biết rất rõ sự cần thiết của nước uống cho con mình, cần hơn cả thức ăn. Nằm bên cạnh là Nguyễn Đang, 14 tháng tuổi, chỉ còn cân nặng 7.500 Gramm. Thêm vào đó em còn bị phỏng nặng: Trong lúc vượt biển, người ta đã nấu cơm trong một nồi lớn trên ghe. Khi thuyền hải tặc đâm vào ghe, nước nóng trong nồi đã trào lên và làm phỏng những thuyền nhân ngồi chật chội trên gehe như những con có mòi trong hộp.

Hoạt động của chúng tôi bắt đầu vào tháng 11 năm 1978 tại Hannover, khi thống đốc tiểu bang Niedersachsen, dưới sự ngạc nhiên của công luận, công bố tiếp nhận 1.000 người tỵ nạn trên con tàu „Hải Hồng“ đã lênh đênh trên biển Nam Hải. Những người Việt Nam đầu tiên này đã đến Hannover Langenhagen ngày 3 tháng 12 năm 1978.

Hồi đó, chúng tôi chưa biết rằng, thảm kịch của các thuyền nhân này sẽ trở thành định mệnh của chính chúng tôi, của Christel và tôi, và sẽ theo đuổi chúng tôi đến mãi hôm nay.

Ngày 1 tháng hai năm 1979 tại Paris, André Glucksmann đã kể cho tôi nghe về Pulau Bidong, sự cùng khốn của người tỵ nạn và về con tàu Ile de Lumière. Tôi được biết về đề xướng phấn chấn tại Pháp, đó là chương trình „Un Bateau pour le Vietnam“. Một đề xướng phát xuất từ một sáng kiến nóng bỏng xuyên suốt tất cả các định chế và đảng phái như thế chỉ có thể tự phát và trong sáng xuất hiện tại nước lân cận này của chúng tôi. Tại Đức – tôi sẽ nhận ra rõ trong những tháng ngày tới trong những tranh đấu trên bình diện với Bonn –chúng tôi bị quốc gia và các cơ chế cũng như tất cả các luật lệ trói buộc quá nhiều. Thống đốc Albrecht, người đã từng tiếp nhận hàng ngàn người tỵ nạn tháng mười hai 1978, đã chứng tỏ một thái độ liên đới.

Các hoạt động của chúng tôi kéo dài đến năm 1986. Và ông ta (Ông Albrecht) đã luôn luôn đồng ý nhận người, bởi lẽ ông biết rằng: Đó là một điều tốt đẹp khi trên trái đất này có những công dân của một quốc gia cùng làm việc với nhau, đi quyên tiền, ngõ hầu có thể cứu người. Năm 1982 trong một cuộc điện đàm, ông đã lại hứa với tôi sẽ nhận 100 trong số 329 thuyền nhân. Ông bộ trưởng nội vụ của ông viết trên một mảnh giấy: „Nhưng chúng ta không còn chỗ nữa. Moecklinghoff“ và đẩy mảnh giấy trên bàn họp nội các cho thống đốc Albrecht.

Ông Albrecht liền viết bên dưới: „Vậy ông hãy tìm chỗ! Albrecht“.

Đó là một thái độ mà người ta có thể chúc tụng một số các chính khách lớn khác. Nhưng đó là những chính khách hiếm hoi. Nhưng người ta có thể thành công khi yêu cầu họ, trong những giây phút đẹp đẽ và được ưu đãi của cuộc sống chúng ta và của lịch sử chúng ta.

Chúng tôi bắt đầu ở Đức theo kiểu Pháp, nghĩa là chúng tôi tự giới thiệu bằng một thông cáo báo chí. Và rất khiêm nhượng chúng tôi trước tiên chỉ muốn quyên tiền để giúp con tàu Pháp. Người cộng tác quyết định là Heinrich Boell. Khi đó là sau ngày 1 tháng hai năm 1979, khi tôi hỏi ông ta rằng, liệu ông ta có trợ lực một hoạt động như thế không. Boell đã đồng ý ngay và nói với tôi trong điện thoại: „Neudeck, chúng ta phải làm và tôi cũng có mặt!“ Trong một cách thế nào đó, đây chính là chứng thư thành lập (bất thành văn) cho tất cả những gì đã xảy ra từ năm 1979 với con tàu Cap Anamur cho đến hôm nay với Hội Mũ Xanh (lục) „Die Gruenhelme“. Sự đồng tình này cần giúp chúng tôi thành công trong cuộc hành trình qua truyền thông và xã hội. Nhưng một thời gian ngắn sau đó thì chúng tôi thực tế hơn.

Xã hội Đức đã cân nhắc các hình thức thiện nguyện cách tinh tế. Trước tiên, việc thiện nguyện đã đi vào chương trình truyền hình, nơi mà một điều nhỏ mọn cũng không tồi đến độ để không thể nâng lên thành một mục đích cao quý. Kế đến là việc quyên góp được ưu đãi về thuế, nói theo kiểu chuyên môn: „có khả năng giảm thuế“. Và vì lẽ đó những hoạt động tương tự bắt buộc phải mất đi một phần cá tính không chính thức của nó. Sau một thời gian ngần ngại chúng tôi đã bắt buộc để trở thành một hội. „Mon Dieu“ - lạy Chúa tôi - một hội Đức. Một luật gia thân hữu đã soạn cho chúng tôi một áng văn không đẹp theo kiểu nhà luật làm nội quy, để chúng tôi có thể vượt qua những trở ngại công sở. Nó thành hình và chúng tôi vẫn cười tím cả người về chúng.

„Chúng tôi không theo đuổi mục đích kinh tế tư lợi“ (theo đuổi?). Và tôi đột nhiên lần đầu (lần cuối) trong đời trở thành chủ tịch; không phải vì tôi muốn, mà là tôi phải làm thế. Hồi đó khi tôi kể cho bạn bè ở Paris về chuyện tiền quyên góp được giảm thuế, họ đã cười. Họ có quyền cười. Ở điểm này anh thực sự khá hơn, anh Pháp Quốc ạ. Nhưng: chúng ta cũng không nên vô ơn. Theo thống kê thì trung bình các công dân nước ta quyên góp sáu lần nhiều hơn bên Pháp!

Bên Pháp đã có nhiều yếu nhân khác nhau quyết định ủng hộ đề xướng này: Những kẻ thù truyền kiếp đã ký tên ủng hộ, chẳng hạn nhà xã hội học Raymond Aron cũng như văn sĩ và triết gia Jean-Paul Sartre. Aron đã là một du kích quân đối với cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam, là bạn của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara. Ngược lại, Sartre đã là chủ tịch của „Russell-Tribunal“ (Vietnam War Crimes Tribunal – tòa án tội ác chiến tranh Việt Nam), tố cáo tội ác chiến tranh của chính quyền Mỹ. Từ năm 1947 hai người này không bao giờ còn nói chuyện với nhau nữa; người này xem người kia như một thứ tồi tệ nhất trong chính trường. Đề xướng cụ thể nhất của họ là mua một con tàu để đi cứu người tỵ nạn trên biển Đông. Cả hai chỉ muốn cứu người, và họ sẵn sàng dẹp qua một bên tranh cãi chính trị.

Chúng tôi cũng muốn hành xử như thế khi thành lập dự án của chúng tôi. Bất cứ ai cũng đều được mời gọi để tham gia, trừ khi chính họ không muốn. Nhờ đó chúng tôi cũng có được một nhóm ủng hộ với sắc thái khác biệt như các bạn của chúng tôi ở Paris: Trong những người ký tên tham gia ủng hộ có Heinrich Boell, người đã lãnh giải Nobel Văn Chương, và Matthias Walden, bình luận gia của Springer, khi đó đang tranh cãi sôi nổi với Böll. Chúng tôi được sự ủng hộ của tờ báo đảng cộng sản Đức (DKP) “Rote Hilfe” (trợ lực đỏ), cũng như của tờ báo Công Giáo khá thủ cựu của Đức là tờ “Rheinischen Merkur”. Chúng tôi được nhiều dân biểu của cả ba đảng lớn khi đó là CDU/CSU, SPD, FDP; có sự tham gia của ký giả truyền hình nổi tiếng Franz Alt, nhà châm biếm (Kabaretist) Dieter Hildebrandt, văn sĩ và kinh tế gia quen thuộc Johann Baptist Metz, Heinz Oskar Vetter, Heinrich Albertz và thành phần lãnh đạo của hai tổ chức từ thiện “Caritas” và “Brot fuer die Welt”.

Tôi đã nhận rõ rằng, những người tỵ nạn trên đảo này là những “morts en sursis”, là những người chết còn được trì hoãn, nếu chúng tôi không nhiệt tình đến giúp đỡ họ. Họ là những kẻ bị bỏ rơi, bởi lẽ họ bị chính quyền của họ phản bội, họ vượt nguy hiểm trên biển, họ rơi vào tay hải tặc Thái và cảnh sát Mã Lai, họ tới bờ biển của các quốc gia, nơi không muốn tiếp nhận họ.

Trưởng trại Pulau Bidong là linh mục Lê Ngọc Triều. 2.500 trong số 42.000 thuyền nhân là người Công Giáo. Chính linh mục cũng là người sống sót trên biển. Mỗi ngày các tín hữu dâng Thánh Lễ ba lần. Linh mục đã nhiều lần mời Đức Giáo Hoàng đến thăm ngôi nhà nguyện lụp xụp ở trại, mà giáo dân gọi là thánh đường của họ. Tôi đã tự hỏi, liệu sứ điệp của cộng đoàn này đã tới được Đức Giáo Hoàng chưa?

Hậu quả của cuộc thăm viếng lần đầu tiên hòn đảo này – tôi tin thế - ai cũng biết. Nhưng rồi chúng tôi lại gặp may trong chương trình truyền hình ngày 24 tháng bảy 1979. Trong chương trình “Report Baden-Baden” (khi đó được điều khiển bởi ký giả đầy nhiệt huyết và xông xáo Franz Alt, người mà sau này cũng còn đóng vai trò quan trọng đối với chúng tôi) tôi được phép gửi lời kêu gọi đến những đồng hương của tôi. Tôi đã làm. Và những đồng hương của tôi đã cho nhiều tiền đến độ chúng tôi có thể mướn một con tàu mang tên “Cap Anamur” (tên của một mũi đất của hải tặc nằm ở phía cực nam bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ). Với con tàu này chúng tôi và một nhóm y sĩ đã khởi hành từ cảng Kobe tại Nhật ngày 09 tháng tám 1979.

Tôi sẽ không ghi lại ở đây tất cả những chống đối nặng nề từ nhiều phía khác nhau của các cơ chế chính trị tại Cộng Hoà Liên Bang Đức. Một thống đốc bang Hessen, Holger Boerner, đã không ngại ngùng chống lại con tàu và tuyên bố: “Con tàu cảm ứng ra (induziert) những làn sóng tỵ nạn”. Đây dĩ nhiên chỉ là một ngu xuẩn ác hại. Con tàu đã không tạo ra thảm kịch của những người tỵ nạn. Đã có ít nhất 5 triệu người Việt Nam hoàn toàn cùng quẫn dưới chế độ đàn áp tại Việt Nam. Những người trong vị thế quan trọng đã bị đẩy vào những trại cải tạo giết người, những người có quan hệ mật thiết với chính quyền Mỹ và những người tư sản bị đẩy đi những vùng kinh tế mới chết người không kém. Đối với tất cả những ai đã dính dáng ít nhiều với kẻ thù ý thức hệ, với tư bản, đều không còn viễn ảnh nào cả. Điều này cũng có giá trị với một cô thư ký tại viện Goethe ở Sài Gòn, bởi lẽ chính cô ta cũng đã bị nhiễm trùng không thể cứu chữa khi va chạm với ý thức hệ tư bản phi nhân. Đó là động lực không kìm hãm được của rất nhiều người khi trốn khỏi đất nước của họ.

Với chuyến tàu đầu tiên chúng tôi quả nhiên đã vớt được 9.507 người tỵ nạn. Trong suốt thời gian ba năm, cho đến giữa năm 1982 thì người bạn và người ủng hộ tốt nhất của chúng tôi là nhân dân Đức, là những đồng hương của chúng tôi. Chúng tôi đã cảm thấy như được một làn sóng trợ lực của nhân dân nâng đỡ. Chính quyền đã không còn dám tuyên bố rằng, “thực ra thì” họ chống hoạt động này.

Tất cả của việc “đánh cá người” này là hệ quả của sự ngây ngô chân thành và sự tự phát của chúng tôi. Chúng tôi đã không muốn tín nhiệm các chuyên gia và những cơ quan thẩm quyền. Chúng tôi đã luôn xác tín rằng, Chúa Giêsu Kitô đã không nói với chúng tôi là chúng tôi phải đòi hỏi một sự bảo đảm (Garantie) cho một hoạt động trên biển. Không, Ngài đã trao sứ mệnh rằng, nếu chúng tôi thấy ai trên đoạn đường từ Rạch Giá hay Sài Gòn hay Vũng Tàu đến Tranganu tại Mã Lai hoặc tới bờ biển quần đảo Anambas, thì chúng tôi phải giúp họ.

Chúng tôi đã được đền đáp gấp trăm lần cho việc này. Không có sự thoả mãn nào lớn hơn đối với hai chúng tôi, Christel và tôi, khi chúng tôi thường xuyên được biết rằng, tất cả những con người (với một số ngoại lệ) mà chúng tôi đã mang về nước Đức đã trở thành những công dân giá trị cho xã hội này. Từ 9.507 con người này đã nhiều hơn trong thế hệ sau. Họ là những người thích sống trong vòng gia đình, có con cái chăm sóc và nâng đỡ con cái. Tại Đức chúng tôi đã có được sự công nhận cho nhóm người ngày càng lớn này, bởi lẽ họ đã biến thành những công dân quan trọng, gây ngạc nhiên cho thế giới chung quanh do cách hội nhập và sinh sống của họ. Những người Việt trẻ thi với kết quả tối ưu, đem về nhà những chứng chỉ giỏi từ học đường. Những người trẻ Việt Nam không thất nghiệp, bởi họ không tự cho phép điều đó. Họ làm việc, ngay cả khi công việc đó không phải là công việc lý tưởng, phù hợp với đòi hỏi của họ.

Trong suốt ba năm trời với con tàu tuyệt diệu này và một người chủ tàu đặc biệt (Hans Voss) cùng với một số cộng sự viên nhiệt thành đã cứu được 9.507 trên biển. Khi có mặt trên tàu, lúc nào tôi cũng lo sợ rằng có em bé nào có thể sẽ trượt chân ngã trên cầu thang sắt và rơi từ trên boong tàu xuống hầm tàu vỡ sọ và chết. Nhưng chưa có ai chết trên tàu cả.

Và khi hoạt động cứu người trong giai đoạn khẩn trương, và những chiếc ghe nhỏ bị sóng dồn lên xuống có thể sẽ va vào thành tàu và vỡ toang. Cũng may những tai nạn chết người đó đã không xảy ra. Chúng tôi đã làm việc dưới một ngôi sao tốt. Tôi đã luôn khắc sâu trong trí thành ngữ này. Ông Freimut Duve, hồi đó là dân biểu liên bang của đảng SPD tại Hamburg, đã luôn giúp chúng tôi tại đó và tại những nơi khác, đã gọi (những thuyền nhân Việt Nam) là những „Verdammten der Meere“ (những kẻ khốn cùng của biển cả). Franzt Fanon, một nhà xã hội học lớn, đã xoay chuyển đầu óc thế hệ sinh viên bằng cuốn sách với tựa đề: „Die Verdammten der Erde“ (những kẻ khốn cùng của trái đất). Họ là những người không có cái may mắn được sống và trưởng thành trong những nước giàu có và phát triển như nơi chúng ta đang sống. Và chúng ta cần tìm cách để lo lắng cho họ.

Ai tranh đấu triệt để, tranh đấu cho đến kiệt sức, cũng sẽ nhận phần thưởng. Đó là sự xác tín của chúng tôi. Chúng tôi có trên 30.000 người bạn rất thân thiết tại Đức. Quả tình là ở khắp nơi chúng tôi sẽ tìm được một nơi trú ẩn, một cái giường để nghỉ ngơi và một bữa ăn ấm lòng, nơi những người bạn Việt Nam.

Đây là dụ ngôn mà tôi lúc nào cũng mang theo trong những giờ phút khó khăn trên tàu; nó có giá trị trên biển cũng như trên đất liền:

„Một người đàn ông cùng vợ và hai con, một nhỏ một lớn, trên đường đi từ Giêrusalem đến Giêrichô. Đứa nhỏ nằm trên lưng anh thở hổn hển, lừ đừ mệt mỏi. Và họ sa vào tay bọn hải tặc. Những tên cướp lột trần người vợ, hãm hiềp bà trước mặt chồng và hai con, rồi để bà nằm đó dở sống dở chết. Chúng đánh trọng thương người chồng, rồi bỏ đi. Tình cờ có một thầy tư tế cũng đi qua con đường đó; ông nhìn thấy họ nhưng vẫn tiếp tục đi. Và rồi cũng một luật sĩ đi ngang đó, ông nhìn nạn nhân nhưng rồi cũng bỏ đi.


Có một người Samariter cùng với vợ cũng đi trên tuyến đường ấy. Khi họ nhìn thấy người đàn bà máu me bê bết và người chồng bị đánh, liền động lòng thương gia đình này. Họ chăm sóc cho người đàn đà bị hãm hiếp, băng bó vết thương và đưa người đàn bà lên lưng lừa, những người khác cùng khập khễnh theo về quán trọ. Ở đây họ đã lo lắng cho gia đình này có nơi nghỉ đêm và không phải trả đồng nào cả.


Hôm sau, người Samariter đưa ba quan tiền cho chủ quán và nói với ông: Hãy chăm sóc cho gia đình này chu đáo và nếu phí tổn nhiều hơn ba quan tiền thì khi trở về tôi sẽ trả đủ cho ông…“

..........................................
(Trích từ: „Zwei Leben für die Menschlichkeit“ – hai cuộc đời cho nhân đạo -, Christel và Rupert Neudeck, 2009)


Phụ chú:

Tiến sĩ Rupert Neudeck, người Đức, sinh năm 1939 tại Danzig, hiện nay là một thành phố của Ba Lan. Khi lên sáu tuổi, trong thời đệ Ithế chiến, ông cùng gia đình chuyển sang Đức. Hai ông bà có ba đứa con, là người Công Giáo. Ông tốt nghiệp khoa thần học và khoa báo chí tại đại học Bonn, Salzburg và Muenster. Một thời gian ông đã vào tu tại một dòng Tên. Từ năm 1977 ông làm việc cho „Deutschlandfunk“ – đài tiếng nói Đức -.

Năm 1979 ông đã thành lập „Ủy Ban Cap Anamur“, đầu tiên là để cứu thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn trên biển Đông. Từ 1979 đến 1987 con tàu đã cứu tổng cộng 11.300 thuyền nhân Việt Nam trên biển Đông và đưa về tỵ nạn tại Đức hoặc các quốc gia khác. Ủy Ban này sau đó vẫn hoạt động cứu trợ trên 30 quốc gia.

Năm 2003 ông thành lập một hội thiện nguyện mới mang tên „Die Gruenhelme“ (hội mũ xanh lục – như một đối nghịch với hội mũ xanh dương -Blauhelme- của Liên Hiệp Quốc). Thành viên của hội này là những chuyên viên kỹ thuật chuyên đi xây dựng những nơi bị tàn phá vì chiến tranh hoặc thiên tai. Ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.