Freitag, 13. August 2010

Chuyện làm ăn của Mỹ

Lữ Giang

Ngày 15.4.2010, khi được tin Citibank của Hoa Kỳ cấp vốn 200 triệu USD cho Việt Nam khai thác bauxite tại Lâm Đồng, rất nhiều người đã hỏi chúng tôi tại sao Mỹ làm như vậy?

Dự án tổ hợp bauxite nhôm tại Tân Rai, Lâm Đồng, khởi công ngày 26.7.2008. Dự án này do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và công ty Chalieco của Trung Quốc làm nhà thầu chính. Người Việt chống cộng ở trong và ngoài nước đã phát động một chiến dịch rầm rộ chống lại dự án này, viện lý do việc khai thác bauxite có thể gây tác hại nghiêm trọng cho xã hội và môi trường, và Trung Quốc sẽ lợi dụng sự khai thác này đem “quân” xâm chiếm vùng Tây Nguyên của ta.

Nếu những lý do nói trên là chính xác, tại sao Mỹ lại đi tiếp tay cho Việt Cộng và Trung Cộng? Trước khi trả lời câu hỏi này, cần phải tìm hiểu Trung Quốc đang làm gì ở Việt Nam, sau đó mới có thể thấy Mỹ đang làm gì.

Ông Đỗ Tiến Sâm, Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu của Trung Quốc cho biết:

“Trung Quốc hiện là đối tác thương mại của 220 quốc gia, là thầu khoán công trình ở 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, viện trợ ODA đến 90 nước và đầu tư FDI ở 129 nước. Cả bốn nội dung hợp tác kinh tế này đều có ở Việt Nam”.

Qua lời tuyên bố này, chúng ta thử tìm hiểu Trung Quốc đã làm ăn như thế nào tại Việt Nam, từ mậu dịch qua đầu tư đến đấu thầu.

Nhìn một cách tổng quát, chúng ta thấy trong hơn 20 năm qua, cán cân mậu dịch của Việt Nam luôn bị thâm hụt, còn đầu tư FDI (Foreign Direct Investment) tức đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, tức từ Trung Quốc, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI của các nước đổ vào Việt Nam. Trong khi đó, tổng số trúng thầu EPC của Trung Quốc chiếm tới 90% các công trình điện, khai thác khoáng, dầu khí, luyện kim và hóa chất của Việt Nam.

THÂM THỦNG MẬU DỊCH DÀI DÀI

Trong năm 2008, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc số lượng hàng hóa có giá trị lên đến 15.652.126.000 USD, trong khi chỉ xuất cảng sang Trung Quốc được 4.535.670.000 USD. Cán cân mậu dịch của Việt Nam thâm hụt 11.116.456.000 USD.

Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp 24,4 lần trong 10 năm, từ 673 triệu USD năm 1999 lên 16,44 tỷ USD năm 2009. Trong khi đó, số hàng Việt Nam bán cho Trung Quốc chỉ tăng khoảng 6,6 lần, từ 746 triệu USD lên 4,91 tỷ USD. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, cán cân mậu dịch của Việt Nam đã thâm hụt tới 6,2 tỷ USD, chiếm 80% tổng số thâm hụt từ các nước.

Sở dĩ có sự thâm hụt nói trên là vì các lý do sau đây: (1) Giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc quá dễ dàng: Có chung đường biên giới trên bộ dài đến hàng trăm km. (2) Nhập hàng Trung Quốc về rẻ hơn và giản tiện hơn tự sản xuất, có lợi hơn. Sản phẩm của họ chất lượng tốt, giá lại rẻ, mua càng nhiều càng rẻ. (3) Người Trung Quốc giữ chữ tín và chiều chuộng đối tác.

CHỈ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP SƠ SÀI

Tài liệu do Việt Nam công bố cho thấy đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài - Foreign Direct Investment) của Trung Quốc tại Việt Nam như sau:

Tính đến 20.7.2010, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 733 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 3,17 tỷ USD trong đó vốn điều lệ là 1,4 tỷ USD. So với vốn đầu tư FDI mà các nước trên thế giới đã đổ vào Việt Nam hơn 188 tỷ USD (còn hiệu lực), đầu tư FDI của Trung Quốc chỉ chiếm có 1,5% và xếp thứ 14 trong số 91 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch Và Đầu Tư, cho biết: Dự án lớn nhất mà Trung Quốc đã đầu tư là nhà máy sản xuất phôi thép của Công ty TNHH Fuco đặt tại khu công nghiệp Phú Mỹ II (Bà Rịa – Vũng Tàu) với vốn đăng ký là 180 triệu USD. Một vài dự án khác có vốn đăng ký trên 100 triệu USD thuộc về các lĩnh vực kinh doanh khách sạn, khu công nghiệp, khu chế xuất tại Sài Gòn, Hải Phòng và Lào Cai.

Trung Quốc chỉ chú trọng thu hút FDI của các nước khác vào Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài rất ít. Trung Quốc đã thu hút được một số vốn đầu tư FDI nước ngoài lớn nhất ở châu Á và đứng thứ ba trên thế giới về thu hút vốn đầu tư FDI.

THẮNG 90% CÁC VỤ THẦU EPC

Như chúng tôi đã nói ở trên, cán câm mậu dịch của Việt Nam luôn thâm thủng nặng khi buôn bán với Trung Quốc và Trung Quốc chỉ đầu tư trực tiếp nhỏ giọt vào Việt Nam. Trái lại Trung Quốc đã chiếm hầu hết các vụ đấu thầu quốc tế EPC tại Việt Nam. Thầu EPC bao gồm toàn bộ các công tác cố vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư, xây lắp vận hành, v.v. Về các công trình điện, khai thác khoáng sản, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam các công ty đấu thầu Trung Quốc đã chiếm tới 90%.

Bộ Công Thương cho biết có 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang tham gia làm tổng thầu EPC hoặc đối tác đầu tư trong 41 dự án ở Việt Nam. 41 dự án này đều là dự án kinh tế trọng điểm, hoặc dự án thượng nguồn, liên quan mật thiết tới tài nguyên quốc gia hoặc an ninh năng lượng. Trong số đó có 12 dự án về điện lực, 4 dự án dầu khí, 5 dự án khai khoáng, 5 dự án luyện kim, 5 dự án hóa chất, 3 dự án cơ khí và 7 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ và dịch vụ. Chủ đầu tư đều là những trụ cột kinh tế Việt Nam như Tập Đoàn Than – Khoáng Sản, Tập Đoàn Dầu Khí, Tập Đoàn Điện Lực, Tổng Công Ty Thép, Tổng Công Ty Hóa Chất.

Theo thống kê sơ bộ, lĩnh vực điện của Việt Nam đã thu hút các nhà thầu Trung Quốc nhiều nhất. Tổng số các dự án này là áp đảo so với các ngành khác. Hai tập đoàn lớn sau đây của Trung Quốc đã trúng thầu các lô đó, đó là Tập Đoàn Điện Khí Thượng Hải – Trung Quốc (SEC) và Tập Đoàn Đông Phương Trung Quốc. Năm 2007, Tập đoàn SEC đã trúng thầu cả 2 công trình nhiệt điện Quảng Ninh 1 và Quảng Ninh 2 với giá trị mỗi lô khoảng trên 400 triệu USD. Sau đó SEC lại trúng thầu dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trị giá 1,3 tỷ USD.

Tại sao Trung Quốc lại trúng thầu dễ như vậy?

Hiệp Hội Cơ Khí Việt Nam cho biết đấu thầu về giá, không có nhà thầu nào có thể vượt qua các nhà thầu Trung Quốc. Theo luật Việt Nam, ở giai đoạn 1 sơ tuyển về năng lực và kinh nghiệm, các nhà thầu Trung Quốc đều vượt qua, kể cả các nhà thầu không có kinh nghiệm, vì họ có thể thuê các nhà tư vấn có kinh nghiệm thầu hoặc liên kết với một số nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm thầu. Đến giai đoạn 2 là đấu giá thương mại thì không ai cạnh tranh nổi với các nhà thầu Trung Quốc.

Ông Tạ Văn Hường, Vụ Trưởng Vụ Năng Lượng, Bộ Công Thương nói: “Và khi đó, với một mức giá rẻ như vậy, cộng với cam kết về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, thì không có lý do gì mà Việt Nam “từ chối” hồ sơ của họ, nhất là khi chúng ta luôn thiếu vốn làm điện”.

Sau khi trúng thầu, 100% công việc tại dự án đều do các công nhân từ Trung Quốc được “nhập khẩu” vào để thực hiện, từ lao động phổ thông như nấu ăn, vệ sinh, bảo vệ, cho đến kỹ sư, công nhân, lắp máy và vật tư, v.v. Đây là “đoàn quân” được nhóm người Việt chống cộng mô tả như là đoàn quân Trung Quốc xâm chiếm nước ta, nhưng Đại Sứ Mỹ Michalak bênh vực: "Tôi cho rằng tình hình thực tế tại hiện trường có nhiều khác biệt, so với những câu chuyện gieo hoang mang sợ hãi mà tôi đã được nghe. Tôi tin là những câu chuyện ấy đã được... nói thế nào nhỉ, “thổi phồng”...

Rất nhiều người lo ngại về chất lượng của các công trình mà Trung Quốc đã thực hiện.

VÀI NÉT VỀ DỰ ÁN BAUXITE

Có thể nói, trong lãnh vực khai thác khoáng nhôm và bauxit hiện nay tại Việt Nam, Trung Quốc gần như trúng 100% gói thầu EPC. Nhật và Úc đành chào thua.

Tại Tây Nguyên, Công ty công trình quốc tế nhôm Trung Quốc Chalieco đã trúng lô thầu ở Lâm Đồng của Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam với trị giá 466 triệu USD. Đây cũng là một dự án lớn nhất của ngành khai thác khoáng Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng VN. Chỉ 2 năm sau, mặc dù việc triển khai dự án ở Lâm Đồng tiến triển chậm, Chalieco vẫn trúng thầu dự án Alumin Nhân Cơ – Đăk Nông với trị giá lớn hơn: 499,2 triệu USD.

Báo cáo ngày 22.5.2010 của chính phủ gởi cho Quốc Hội có ghi như sau:

“Việt Nam được xác định là một trong những nước có nguồn bô-xít lớn trên thế giới. Tổng trữ lượng quặng bô-xít đã xác định và tài nguyên dự báo khoảng 5,5 tỷ tấn (đứng thứ 3 thế giới), trong đó khu vực miền Bắc khoảng 91 triệu tấn, còn lại tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam khoảng 5,4 tỷ tấn. Trữ lượng đã xác định khoảng 4,4 tỷ tấn, dự báo khoảng 1 tỷ tấn. Đây là yếu tố quan trọng và quyết định việc phát triển ngành công nghiệp khai thác bô-xít, sản xuất alumin và nhôm kim loại Việt Nam”.

Nguồn tài nguyên bô-xít của Việt Nam tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên với trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 5,4 tỷ tấn, trong đó Đăk Nông khoảng 3,4 tỷ tấn (chiếm 63% tổng trữ lượng), Lâm Đồng khoảng 975 triệu tấn (chiếm 18%), Gia Lai - Kon Tum khoảng 806 triệu tấn (chiếm 15%) và Bình Phước khoảng 217 triệu tấn (chiếm 4%). Mặc dù Tây Nguyên là địa bàn kinh tế - xã hội còn khó khăn, cơ sở hạ tầng và trình độ dân trí còn hạn chế, nhưng lại là khu vực có lợi thế về nguồn tài nguyên bô-xít chiếm 98,2% tổng trữ lượng và tài nguyên bô-xít.

MỸ PHẢI NHẢY VÔ

Trước triển vọng và tình trạng nói trên, Mỹ phải nhảy vô vì không muốn để cho Trung Quốc độc quyền khai thác bauxit tại Việt Nam. Công ty khai thác bauxite Aluminum Company of America của Mỹ có thể cạnh tranh với với các công ty của Trung Quốc.

Hiện nay trên thế giới có 38 nước có bauxite, trong đó có Hoa Kỳ, Anh, Úc, Nhật, Pháp, Canada, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Mã Lai, v.v. Dĩ nhiên là khi các công ty khai thác bauxite của Hoa Kỳ, Úc hay Nhật trúng thầu khai thác bauxite tại Việt Nam, họ phải có phương pháp để bảo đảm việc khai thác không phương hại đến môi trường. Vấn đề là làm sao cạnh tranh được với Trung Quốc vì Trung Quốc bỏ thầu vói giá quá thấp.

Hoa Kỳ không phải chỉ cạnh tranh với Trung Quốc về khai thác bauxite mà còn muốn trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Như chúng tôi đã nói, đầu tháng 6 vừa qua, một phái đoàn kinh doanh Hoa Kỳ thuộc tổ chức Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ-Asean có trụ sở ở Washington DC, gồm 23 đại diện các tập đoàn kinh doanh lớn ở Hoa Kỳ đã đến viếng thăm Việt Nam để chuẩn bị kế hoạch tham gia đầu tư về hạ tầng tại Việt Nam. Trong bước đầu, Hoa Kỳ sẽ hợp tác đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại Sài Gòn và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Cơ sở hạ tầng không chỉ là đường xá, cầu cống mà còn là sự đồng bộ của trường học, bệnh viện, hệ thống xử lý rác thải, công viên.

Mỹ muốn dùng Việt Nam làm tiền đồn ngăn chận sự phát triển của Trung Quốc xuống Đông Nam Á về cả quân sự lẫn kinh tế, và cũng từ Việt Nam Mỹ mở rộng thị trường tại Đông Nam Á.

Người Việt hải ngoại theo chủ trương diễn biến hoà bình của Mỹ coi đây như là một cơ hội để đẩy mạnh các hoạt động làm thay đổi trên quê hương. Còn người Việt hải ngoại theo đuổi chiến tranh lạnh vẫn ngồi ở Bolsa tố cáo nhau là “hoà hợp hòa giải với cộng sản”, tay sai cộng sản hay đặc công cộng sản nằm vùng, hăng say đi đập mấy con gián và hô thắng lợi. Mỹ làm gì ở Việt Nam mặc Mỹ.

Ngày 10.8.2010.
Lữ Giang