Freitag, 13. August 2010

Trung Cộng “ngán” nhất khi các nước đang phát triển hợp thành một khối

Viễn Đông Daily

Sự phát triển của Trung Cộng về tiềm năng kinh tế, nhân lực, và chính trị đang đẩy nhanh Trung Cộng tới vai trò của một cường quốc, mở rộng sân chơi cho nước này trên chính trường thế giới. Đồng thời, Trung Cộng cũng không ngừng lấn áp các nước đang phát triển ở các lục địa từ châu Phi qua châu Á để trục lợi, bành trướng lãnh thổ, lãnh hải, nhằm khai thác tài nguyên bất kể những ảnh hưởng tai hại đến môi trường. Một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của sự bành trướng của Trung Cộng là Việt Nam, dưới sự lãnh đạo nhu nhược của đảng cầm quyền Cộng sản. Nào là việc đắp đập ngăn dòng sông Mê Kông đến kế hoạch khai thác quặng bauxite; rồi việc lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải, đến việc chia rẽ những nước láng giềng, Trung Cộng đều tích cực nhúng tay vào nhằm thực hiện mưu đồ bành trướng.

Nhân dịp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đến tham dự cuộc họp ASEAN vào cuối tháng 7-2010 vừa qua, đồng thời bày tỏ ý hướng sắp tới của Hoa Kỳ về chính sách ngoại giao trong khu vực Đông Nam Á, nhật báo Viễn Đông đã tham khảo ý kiến một số học giả chuyên về Trung Cộng, từ cái nhìn quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung và những quyền lợi xung khắc cũng như thuận hợp. Một trong những học giả đó là Tiến sĩ Elizabeth Economy thuộc Học viện Quan hệ Ngoại Giao (Council on Foreign Relations - CFR), trụ sở tại Washington D.C. CFR cũng là tổ chức nghiên cứu ấn hành tạp chí Foreign Affairs được giới chính khách, giới học giả, và độc giả quan tâm về ngoại giao chú ý từ nhiều thập niên qua. Ts. Economy đã dành cho Viễn Đông một buổi phỏng vấn ngày 5-8-2010.

Tiến sĩ Elizabeth Economy là một chuyên gia lâu năm về chính sách nội địa và ngoại giao của Trung Cộng, quan hệ Mỹ-Trung, và các vấn đề môi sinh trên thế giới. Ts. Economy hiện là nhà nghiên cứu C.V. Starr Senior Fellow và giám đốc chương trình nghiên cứu Á châu. Ts. Economy đã viết nhiều chương sách, bài nghiên cứu, bình luận, và những bản phúc trình, trong đó có quyển The River Runs Black: The Environmental Challenges to China’s Future (Dòng sông đổi màu đen: Những thử thách môi sinh đối với tương lai Trung Quốc). Hiện tại, bà đang soạn thảo một cuốn sách mới về sự lớn mạnh của Trung Cộng và những chuyển biến về chiến lược, địa lý chính trị trong tương lai. Ts. Economy tốt nghiệp bằng tiến sĩ từ đại học University of Michigan. Bà thông thạo tiếng Hoa và nói được tiếng Nga.

Viễn Đông: Trong chuyến công du vừa qua của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, tham dự Hội nghị ASEAN tại Hà Nội vào cuối tháng 7-2010, bà Clinton đã nhắc tới việc Hoa Kỳ xem Biển Đông là một phần quyền lợi của Hoa Kỳ, điều này chắc hẳn đã làm cho nhà cầm quyền Trung Cộng “nhảy dựng”...

Tiến sĩ Elizabeth Economy: Không nghi ngờ gì nữa!

Viễn Đông: Tại sao vào thời điểm này, mà không phải là trước đây, Hoa Kỳ lại lên tiếng về vấn đề Biển Đông?

Ts. Economy: Từ khi Tổng thống Obama đắc cử, các nước trong khu vực Đông Nam Á liên tục nhờ chính phủ Hoa Kỳ (bắt đầu từ thời Bush) chú ý hơn một chút về các vấn đề trong khu vực. Khi TT Obama bắt đầu nhiệm kỳ, ông cho biết là có những hoạch định để tham gia nhiều hơn trong khu vực, và áp dụng những biện pháp đa phương trong các vấn đề ngoại giao toàn cầu nói chung. Đông Nam Á là một khu vực ông quan tâm một phần vì lai lịch của ông. Việc NT Clinton đi công du kỳ này là một phần diễn tiến tự nhiên trong sự cam kết quan tâm dành cho khu vực.

Riêng về câu phát biểu của NT Clinton bày tỏ ước mong được giúp đạt đến một cách giải quyết ôn hòa và nêu ra những lợi ích trong việc cố gắng giải quyết vấn đề một cách đa phương, tôi nghĩ đó là một sự phản hồi từ phía Hoa Kỳ đối với các quốc gia trong khu vực đang quan tâm về mối tranh chấp Biển Đông. Vì trong mối tranh chấp này, chúng ta có một bên là các nước nhỏ, và một bên là Trung Quốc khổng lồ, mạnh mẽ, ngày càng hung hăng trong việc khẳng định chủ quyền trên vùng biển này. Trung Quốc cũng đã từng lên tiếng rằng Biển Đông là một trong những quyền lợi nòng cốt của họ. Và mặc dù gần đây họ có dịu đi một chút, điều đó cũng đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước trong khu vực và, ở bình diện rộng hơn, Hoa Kỳ ở mức độ cần góp sức giải quyết vấn đề này.

Viễn Đông: Bà có nghĩ rằng sẽ nổ ra việc đụng độ quân sự mạnh mẽ hơn nếu Hoa Kỳ nhúng tay vào?

Ts. Economy: Chúng ta đã thấy có những cuộc đụng độ quân sự nhỏ giữa Trung Quốc và một số nước trong vùng cùng khẳng định chủ quyền trên Biển Đông. Nghĩa là, vùng này đã có xảy ra những sự việc có sử dụng quân sự. Tôi không nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn có bất kỳ sự liên hệ về quân sự nào trong mối tranh chấp ở vùng này với Trung Quốc, và cũng không muốn đụng độ với Trung Quốc ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi cũng cho là không nước nào trong khu vực lại muốn thấy điều đó xảy ra. Điều rất cần phải có là việc nối lại đàm phán quân sự cấp cao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và hội luận đa phương giữa Trung Quốc với các nước liên hệ. Đây thực sự là một thử thách vì Hoa Kỳ đã vạch ra rất rõ ràng ước mong muốn nói chuyện với các viên chức quân sự của Trung Quốc, và đã thử nhiều lần. Nhưng phía Trung Quốc, từ lâu nay, vẫn xem những cuộc đàm phán này như một gánh nặng hơn là một cơ hội. Cho nên, cứ hở một chút, là họ hủy bỏ đàm phán. Tương tự như vậy, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng chẳng hề mong muốn cùng ngồi xuống với Hoa Kỳ để thảo luận việc này.

Viễn Đông: Đây cũng không phải lần đầu Trung Cộng có thái độ tránh né đàm phán. Thí dụ, dòng sông Mê Kông đầu nguồn ở Trung Cộng chảy xuống khu vực hạ lưu qua nhiều nước. Từ khi Trung Cộng xây đập thủy điện, những nước ở hạ nguồn bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng Trung Cộng cũng chẳng thiết tha gì đến việc đàm phán đa phương để tìm cách giải quyết những vấn đề môi sinh của khu vực?

Ts. Economy: Trung Quốc muốn hợp tác với các nước dọc theo dòng sông Mê Kông để phát triển đập thủy điện, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ muốn ngồi xuống với các nước này để nói chuyện về hậu quả môi sinh gây ra do việc khai thác thủy điện ở thượng nguồn, và đương nhiên là họ có lý do trốn tránh. Việt Nam và Campuchia đều cho rằng những gì xảy ra ở thượng nguồn làm ảnh hưởng nặng nề đến nền nông nghiệp của họ ở hạ nguồn. Do đó, Trung Quốc né tối đa việc đàm phán này vì họ biết sẽ bị nhiều áp lực của các nước chịu ảnh hưởng, buộc họ phải thay đổi cách khai thác tài nguyên của họ.

Không riêng gì sông Mê Kông, Trung Quốc cũng không chịu ngồi xuống thương lượng với Ấn Độ và các nước Trung Á khi những hoạt động của Trung Quốc ở vùng cao nguyên Tây Tạng ảnh hưởng đến những nước này. Hành vi này có thể gần như được xem là một chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc giữ quyền kiểm soát trên những nguồn nước thuộc lãnh thổ của họ, và họ ấn định chủ quyền trên những nguồn nước này. Do đó, câu hỏi căn bản là Trung Quốc nghĩ như thế nào về những nguồn nước trên lãnh thổ của họ.

Biển Tây trong Vịnh Thái Lan giáp với Campuchia cũng là một nơi mà Trung Cộng nhắm tới cho ý đồ bành trướng. Do vậy, càng ngày Trung Cộng càng trở nên thân thiện với Campuchia bằng cách giúp đỡ nguồn tài trợ, nhằm chia rẽ Campuchia và Việt Nam – ảnh: David Nguyễn/Viễn Đông

Viễn Đông: Xem ra Trung Cộng khá là cao ngạo, chỉ chơi theo luật do mình tự đặt ra, không cần đếm xỉa gì đến cộng đồng thế giới, và né tránh bất cứ cuộc thương thuyết nào?

Ts. Economy: Trung Quốc né ngay những cuộc đàm phán nào họ thấy không có lợi cho họ, khi họ thấy trong phòng hội thảo chẳng có mấy nước chịu làm bạn với họ. Trung Quốc thường đưa ra luận điệu “cùng hợp tác, cùng thắng”, nhưng họ cũng nhìn thấy vấn đề, như ở sông Mê Kông, Trung Quốc là nước nắm giữ tất cả những lá bài tốt.

Chỉ có một chiến lược mà tôi cho là đã được chứng minh có hiệu quả đối với Trung Quốc: nếu tất cả các nước bị ảnh hưởng đoàn kết với nhau thành một khối và tạo áp lực công khai lên Trung Quốc, thì mới buộc được Trung Quốc ngồi vào vòng đàm phán. Ngoại giao theo kiểu “đóng cửa lại bảo nhau” chẳng có hiệu quả gì, mà phải là sự tập hợp lực lượng đa phương tập trung chĩa mũi dùi về phía Trung Quốc, làm cho họ xấu hổ, thì mới được.

Trung Quốc dẫu sao cũng muốn cộng đồng thế giới nhìn mình như một nước tham dự tích cực. Trung Quốc không muốn bị xem như một kẻ đứng ngoài, một loại “con ghẻ”. Tuy nhiên, chỉ khi nào cả thế giới lên tiếng mạnh mẽ về một vấn đề nào đó, như tình hình Sudan được phản ảnh lên Thế Vận Hội 2008, hay hiện tượng khí hậu toàn cầu đang thay đổi như được bàn thảo ở Copenhagen, chẳng hạn, thì Trung Quốc buộc phải lắng nghe.

Bình thường, Trung Quốc chẳng hề để tai tới những gì Hoa Kỳ nói, hay Liên Hiệp Âu Châu, hay Nhật Bản, về những gì Trung Quốc nên làm. Nhưng khi các nước đang phát triển hợp thành một mặt trận đoàn kết, bước tới và nói với Trung Quốc là họ có trách nhiệm hơn nữa, Trung Quốc sẽ bước lui và nói rằng họ sẽ không giành những nguồn trợ giúp của thế giới của các nước đang phát triển vì có nhiều nước cần hơn họ, v.v.. Cho nên, tôi nghĩ có cách để thúc đẩy Trung Quốc cùng giải quyết một vấn đề, nhưng cần nhiều cố gắng từ tất cả các quốc gia liên hệ, nhiều thay đổi chính sách, để cùng nói lên tiếng nói mạnh mẽ cho những điều họ quan tâm.

Viễn Đông: Có phải Trung Cộng lùi bước khi các nước đang phát triển đồng loạt lên tiếng là vì Trung Cộng muốn đóng vai “đàn anh”, bảo vệ các “em nhỏ”?

Ts. Economy: Từ lâu nay, Trung Quốc đã muốn đóng vai trò lãnh đạo các nước đang phát triển. Nhưng họ không thể trở thành một nước lãnh đạo khi các nước đang phát triển ồ ạt lên tiếng phản đối những hành vi của Trung Quốc. Đó là tại sao họ cảm thấy như cần phải có những phản hồi đối với những nước đang phát triển, nhưng chỉ khi nào những nước này cùng đoàn kết để đòi hỏi mà thôi.

Viễn Đông: Với chiều hướng ngoại giao của Trung Cộng như vậy, bà có nghĩ rằng một lúc nào đó trong tương lai, Trung Cộng sẽ lãnh đạo khối các nước đang phát triển, tạo thành một trục thế lực mới, và những nước Âu Mỹ sẽ thuộc về một trục khác, như thời Chiến Tranh Lạnh?

Ts. Economy: Không, không hề. Bản đồ ngoại giao thế giới có thể thay đổi theo thời gian tùy theo những biến chuyển về quyền lợi của các nước, và đương nhiên là Trung Quốc sẽ ngày càng bành trướng vai trò của mình trên chính trường thế giới. Chúng ta có thể quan sát được chiều hướng bành trướng của Trung Quốc về mặt quân sự, nhất là lực lượng hải quân. Chúng ta có thể theo dõi những viện nghiên cứu của Trung Quốc để biết những chi tiết về sự nới rộng này. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, trong tương lai, chúng ta sẽ thấy Trung Quốc tích cực tham dự nhiều hơn vào cộng đồng thế giới, nhưng tôi không nhìn thấy điều này như là Trung Quốc và khối các nước phát triển ở một phe, còn phe kia là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu, v.v..

Cho tôi đặt lại câu hỏi này, Việt Nam sẽ thuộc về phe nào nếu có sự phân chia như vậy? (Cười). Mỗi quốc gia có những quyền lợi khác nhau và sẽ có ý kiến khác nhau về những vấn đề cần giải quyết. Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể làm việc với nhau về hiện tượng thay đổi khí hậu, nhưng Ấn Độ và Trung Quốc đang rất căng thẳng vì những tranh chấp nơi vùng biên giới, đem binh sĩ tới đồn trú ở ngay sát biên giới. Ấn Độ cũng lo ngại về những hành vi của Trung Quốc trên nguồn nước chảy xuống khu vực hạ lưu thuộc về Ấn Độ. Do vậy, chúng ta thấy có những vấn đề nóng bỏng, nảy lửa giữa Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng cũng có những vấn đề họ có thể cùng nhau giải quyết một cách hữu hiệu.

Nói tóm lại, chúng ta sẽ thấy nhiều biến chuyển trong những mối quan hệ ngoại giao giữa các nước và Trung Quốc dựa trên căn bản của từng vấn đề, chứ không phải việc thành lập một khối “NATO” do Trung Quốc cầm đầu. Nước nào sẽ ghi danh vào khối này? Hỏi thật đó, nước nào sẽ chịu theo vào khối? Bắc Hàn à? Hay Zimbabwe?

Viễn Đông: Xin cám ơn Tiến sĩ Economy đã dành thời giờ cho buổi phỏng vấn này.

Nguồn: http://viendongdaily.com/Contents.aspx?item=90&contentid=8371