Freitag, 7. Mai 2010

Bắc Ninh: Nghi ngờ bị tráo chuông làng, dân tấn công trụ sở ủy ban xã

May 05, 2010-BẮC NINH (TH) - Nghi ngờ quả chuông đồng cổ của làng đã bị “đâu đó trên cao” đánh tráo cho một quả chuông khác, dân chúng của một làng ở tỉnh Bắc Ninh đã phá tan hoang trụ sở xã, đánh cán bộ.
“Từ tin đồn cho rằng quả chuông chùa hơn trăm tuổi của làng bị đánh tráo, hàng ngàn người dân xã Yên Phụ, huyện Yên Phong đã bao vây trụ sở UBND (Ủy Ban Nhân Dân) xã đòi ‘làm cho ra ngô ra khoai’. Một cán bộ huyện cũng đã bị hành hung và giam lỏng 2 đêm liền.” Theo bản tin báo Dân Trí ngày Thứ Tư, 5 tháng 5, 2010.

Quả chuông bị coi là “đồ giả” được người dân khiêng ra treo ở sân UBND xã. (Hình: Dân Trí)

Dân “tức nước vỡ bờ”?

Tờ báo kể theo lời dân địa phương thì “quả chuông hàng trăm năm tuổi của xã đã bị thay thế bằng một quả chuông không rõ nguồn gốc. Quả chuông này có nhiều điểm ‘dễ nhận ra’ sự khác biệt so với quả chuông cũ như: vành chuông bé hơn; màu đồng thau (chuông cổ có màu xanh xám); có tới 2 đầu rồng trên quai.”

Trong khi, quả chuông cổ mà dân làng biết “chỉ có 1 con rồng với 1 đầu, 1 đuôi và một bên râu rồng bị sứt...”
Nhiều chi tiết của quả chuông này được cho là khác với quả chuông cổ. (Hình: Dân Trí)

Theo sự tường thuật nói trên, “Nhiều người dân còn khẳng định cảm tính rằng, tiếng chuông cổ vang hơn chiếc chuông mới này! Tuy nhiên, khi được hỏi làm sao biết được sự khác biệt, ai cũng chép miệng, ‘Dân cả làng cả xã ai mà chẳng biết.’”

Nhiều cổ vật khác của xã đã bị mất cắp thời gian trước đây. Tờ báo kể một cuộc họp của các cụ cao niên trong làng thì “không chỉ có chuyện quả chuông cổ mà cả những sắc phong của các đời vua và bia đá của đình làng cũng đã bị mất.”

Theo các cụ cao niên, chính những điều trên là nguyên nhân khiến dân “tức nước vỡ bờ.”

Tức giận vì các cổ vật quí giá của làng đã bị “tẩu tán” dần dần, vụ việc dân phản ứng đối với việc quả chuông đồng chỉ là giọt nước đã làm tràn ly.
Trụ sở UBND xã Yên Phụ bị đập phá tan hoang. (Hình: Dân Trí)

Theo tin báo Dân Trí từ người dân kể lại, dân làng bao vây trụ sở xã từ chiều ngày 2 tháng 5, 2010. Cũng trong chiều hôm đó, một cán bộ phòng Văn Hóa, huyện Yên Phong, tên Hiền đã xuống xã, thông báo kết luận của Ban Quản Lý (BQL) di tích tỉnh về quả chuông này.

Không chấp nhận bản “kết luận” trên, đồng thời nghi ngờ cán bộ Hiền “nhận hối lộ,” nhiều người đã xông vào hành hung, rồi bắt giữ, giam lỏng anh Hiền ngay tại trụ sở UBND xã. Trong khi ấy, “Chủ tịch và phó chủ tịch xã Yên Phụ đã ‘nhanh chân’ trốn được và đến nay chưa thấy xuất hiện trở lại,” theo Dân Trí.

Nguồn tin cho hay “người dân còn khiêng cả quả chuông bị coi là giả mạo từ trong chùa ra treo ở sân ủy ban. Nhiều người còn xông vào chùa Yên Phụ, lục tung đồ đạc của sư trụ trì vì cho rằng nhà sư đã tiếp tay việc ‘tráo chuông.’”

Sự việc căng thẳng đến đỉnh điểm vào đêm ngày 3 tháng 5, 2010 khi người dân nhận được tin báo rằng công an sẽ về để giải cứu anh Hiền. Một số người quá khích đã vào đập phá, thậm chí dùng mồi lửa đốt trụ sở ủy ban xã. Rạng sáng ngày 4 tháng 5, anh Hiền được giải cứu, song trụ sở UBND xã Yên Phụ đã kịp tan hoang.

Cán bộ văn hóa của huyện Yên Phong bị dân làng đánh phải nằm trị thương. (Hình: Dân Trí)

Theo tìm hiểu của báo Dân Trí, sự việc trên bắt nguồn từ những tin đồn cho rằng quả chuông cổ của làng bị đánh tráo, thay thế bằng một quả chuông không rõ nguồn gốc. Người dân Yên Phụ ai cũng khẳng định mình biết từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới có tin, song lý do vì sao bây giờ mới bức xúc thì không ai giải thích được.

Ðến chiều ngày 4 tháng 5, cả chủ tịch và phó chủ tịch UBND xã Yên Phụ vẫn “mất tăm,” PV Dân Trí không thể liên lạc được. Ký giả báo Dân Trí tìm đến UBND huyện Yên Phong, một sự “trùng hợp” là các vị lãnh đạo huyện cũng đều “đi vắng” cả, không ai có mặt tại trụ sở huyện!

Ðể làm rõ hơn về sự việc anh Hiền (cán bộ phòng Văn Hóa huyện) bị hành hung, phóng viên Dân Trí có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Khôi, trưởng phòng Văn Hóa huyện Yên Phong.

Ông Khôi cho biết, vào cuối tháng 4, do một số người dân xã Yên Phụ có ý kiến về việc chuông thật-giả nên xã đã mời các cán bộ văn hóa về thẩm định quả chuông.

Ngày 29 tháng 4, ông Khôi cùng với ông Nguyễn Duy Nhất - Trưởng BQL di tích, Sở Văn Hóa-Thông Tin-Du Lịch (VH-TT-DL) tỉnh và hai chuyên gia, một chuyên gia Hán Nôm, một chuyên gia khảo cổ học cũng làm tại Sở VH-TT-DL tỉnh, về để giám định quả chuông này.

Kết quả giám định không được công bố ngay mà đến ngày 2 tháng 5, khi người dân kéo ra ủy ban đòi làm rõ, xã mới điện mời ông Khôi về. Tuy nhiên, do đang ở xa, ông Khôi giao cho anh Nguyễn Quý Hiền, cán bộ của phòng, về xã nắm tình hình. Sau đó, sự việc xảy ra như thế nào, ông Khôi chỉ được nghe kể lại.

Tại BV Ða Khoa Từ Sơn, Dân Trí kể, “anh Hiền vẫn chưa hết hoảng loạn sau 1 ngày 2 đêm bị giam lỏng, đánh đập. Ðầu và người anh còn nhiều vết thâm tím do bị đánh. Anh cho biết, khi đến xã, anh được chủ tịch xã ‘nhờ’ đọc bản kết luận của BQL di tích tỉnh cho... khách quan. Trong trí nhớ mang máng của mình, anh Hiền chỉ biết bản kết luận kia được ký ngày 29 tháng 4, chính là ngày đoàn chuyên gia về giám định chuông. Nội dung chủ yếu của bản kết luận là xác định niên đại và kích thước, hình dáng quả chuông. Phần cuối của bản kết luận anh Hiền không thể nhớ được.”

Tiếp theo, sau khi đọc xong, “người dân trong xã ùn ùn đến ủy ban, tỏ thái độ không đồng tình với bản kết luận trên. Tiếp sau những lời lẽ bực dọc, một số người đã lao vào đánh và bắt giữ, giam lỏng anh như đã nói ở trên.”

Theo tờ báo, để giải quyết vấn đề này, ông Khôi cho biết, “Nếu người dân vẫn kiên quyết bác bỏ kết luận này thì huyện Yên Phong cũng như tỉnh Bắc Ninh sẽ mời cấp cao hơn về thẩm định nhằm làm sáng tỏ vụ việc.”

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112465&z=157