Samstag, 15. Mai 2010

Phó chủ tịch HĐGMVN lên tiếng về sự kiện TGM Ngô Quang Kiệt từ chức

Mặc Lâm, RFA

2010-05-14-Chung quanh việc bổ nhiệm Phó tổng Giám Mục Giáo phận Hà Nội và sự từ chức của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt dư luận hiện đang chia thành hai khối.

Hôm 7-5-2010, nhân lễ chào đón Tổng giám mục phó Hà Nội, giáo dân đã mang theo nhiều hình ảnh, biểu ngữ ủng hộ Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt. AFP PHOTO/Aude Genet

Một bên cho rằng sự bổ nhiệm của Vatican căn cứ trên lá thư từ chức vì sức khỏe của Giám mục Ngô Quang Kiệt, một bên thì đoan chắc Vatican đã nhuợng bộ để đưa vị giám mục cương cường này ra khỏi giáo phận Hà Nội như mong muốn của UBND thành phố Hà Nội đã từng đưa ra trước đây.

Để rộng đường dư luận, Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn đặc biệt với Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, đương kim Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Dư luận trái chiều

Mặc Lâm: Thưa Đức Giám mục, trước tiên xin được cám ơn ngài đã cho phép chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn đặc biệt này nhằm tìm kiếm câu trả lời cho một vấn đề hiện đang gây tranh cãi trong và ngoài nước. Trước tiên, với tư cách gần gũi rất nhiều với Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt, xin ngài cho biết sự thực sức khỏe của giám mục Ngô Quang Kiệt có trầm trọng đến mức độ phải từ chức hay không, trong khi ngài biết rõ sự từ chức của ngài sẽ là tiền đề cho bao nghi nan?

GM Nguyễn Chí Linh: Chính trong Hội đồng Giám mục chúng tôi cũng thấy đó là cái gì khó hiểu cho nên cũng muốn được sự xác minh của ngài. Ngài luôn lập đi lập lại là người ta cứ hiểu lầm là mình bị sức ép để mà từ chức nhưng thật ra sức khỏe của ngài suy yếu cách nay đã lâu cho nên ngài đã làm đơn từ chức trước khi xảy ra vụ Tòa khâm sứ và vụ Thái Hà.

Dư luận cứ cho đó là sức ép của phía nọ phía kia. Cách đây không lâu tôi đã trực tiếp hỏi Đức tổng Giuse nhiều lần, mãi đến mấy ngày vừa qua, chúng tôi rất ngạc nhiên không hiểu tại sao ngài lại từ chức vào lúc này. Ngài trả lời chỉ đơn giản là ngài không làm việc được. Mỗi lần nghĩ tới công việc thì đã bủn rủn tay chân. Cơ thể thì cứ ngày một suy nhược đi. Nhìn diện mạo bên ngoài của ngài thì có thể thấy được điều đó.

Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh. Photo courtesy of daminhvn.net

Hiện nay sắc diện của ngài không được hồng hào như trước đây. Ngài rất gầy gò, mặc dù trí nhớ của ngài thì vẫn rất minh mẫn, điều này thì không thể phủ nhận được. Sự tiều tụy của ngài có thể thấy được một cách rõ ràng.

Chúng tôi cũng rất lấy làm xót xa vì công luận người ta suy diễn theo cái nhìn của người ta cho nên nó tạo ra những ngờ vực rất là lớn và có nguy cơ biến người nọ người kia thành nạn nhân.

Giáo dân nói chung thì họ không nắm vấn đề lắm. Họ bị chi phối bởi truyền thông rất nhiều. Truyền thông có khi chỉ một chiều, ngay cả giới linh mục người ta cũng hoang mang, không biết thật hư như thế nào. Nó tạo ra sự phân hóa hay hình thức hận thù nào đó đối với những nhân vật đang còn phục vụ giáo hội Việt Nam.

- Giáo hoàng Benedict 16 chấp nhận đơn từ chức của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt. Phó Tổng Giám mục Nguyễn Văn Nhơn sẽ trở thành người kế nhiệm theo giáo luật.

- Giáo hoàng Benedict 16 chấp nhận đơn từ chức của Giám mục Cao Đình Thuyên, Giám mục Giáo phận Vinh. Linh mục Nguyễn Thái Hợp, Dòng Anh em thuyết giáo kế nhiệm

Bản thân là Giám mục, tôi nhận được rất nhiều bài vở và chúng tôi không biết nguồn xuất phát từ đâu. Chỉ biết có những bài chửi bới trong những email. Lời lẽ họ dùng là thằng nọ thằng kia. Người thường với nhau khi giận dỗi cũng không có lời lẽ như thế.

Có nhiều cái chúng tôi không thể hiểu được, ở sau lưng ai là người đang có ý đồ chia rẽ giáo hội Việt Nam. Bây giờ phần còn lại là làm thế nào để con cái trong giáo hội đừng để người ta làm cho đàn chiên tan tác như thế.

Không biết bài thuốc để chữa trị là gì và chúng tôi cảm thấy đau lòng trước những gì đang xảy ra. Có những người vì lòng mộ mến đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt, rồi lên án người này người nọ thì tôi thấy nó không phù hợp với tinh thần Kitô giáo cho lắm.

Tình thế khó xử

Mặc Lâm: Thưa trước sự việc ngày một nghiêm trọng như thế nhưng HĐGMVN vẫn giữ im lặng và không có một giải thích nào nhằm làm rõ vấn đề hơn, theo Đức giám mục thì một bức thư chung của HĐGMVN có làm cho tình hình đổi khác đi hay không?

GM Nguyễn Chí Linh: Các Đức cha cũng đã bàn đi bàn lại nhiều lần. Nhiều vị cũng đồng quan điểm với anh trong việc ra một thư chung. Tuy nhiên trong bối cảnh này nếu mình ra một thư chung thì phải đặt vấn đề có lợi hay hại. Lượng định của một số giám mục Việt Nam thì bây giờ nếu ra thư chung thì họ lại ném đá vào bức thư này bởi vì mình không biết phải nói thế nào để thuyết phục những người làm công tác truyền thông mà họ có ý gây phân hóa trong giáo hội.

Đa số giáo dân vẫn còn yêu mến giáo hội lắm, phải khẳng định điều đó. Họ cũng “chín mồm chín miệng” vì dư luận nọ kia nhưng họ vẫn trung thành. Điều đáng sợ nhất là HĐGMVN không biết mình sẽ là cái gì đối với những người đứng ở hậu trường tìm cách phá hoại giáo hội. Tôi vẫn tin rằng có những người họ có cả một kế hoạch, ngay cả có kịch bản làm cho giáo hội Việt Nam tan nát. Tuy nhiên, mình không có cơ sở nào để khẳng định. Chỉ biết rằng những người yêu mến giáo hội họ không gieo rắc thù hận hay chia rẽ.

Những người gieo rắc thù hận hay chia rẽ thì hoặc là họ không yêu giáo hội hoặc là họ cố tình làm như thế để tạo nguy cơ chia rẽ.

Thư chung thì được đã bàn tới nhiều lắm nhưng không biết viết như thế nào, và không biết tung ra có lợi hay là không, hay là nó sẽ là cái bia để cho người bắn nhiều hơn.

Mặc Lâm: Thưa Đức Giám mục, nếu nhìn một cách tích cực hơn thì dù sao một sự lên tiếng chính thức của HĐGMVN cũng giúp cho những người đang chao đảo vũng tin hơn vào giáo hội Việt Nam thưa Đức cha?

GM Nguyễn Chí Linh: Nhìn từ phía anh nhiều khi nó đơn giản tại vì anh không ở trong cuộc, không nghe những lời chửi bới người ta gửi đến trong tin nhắn, email của chúng tôi hàng ngày. Những nạn nhân bị nhắm tới là tất cả các giám mục. Họ dùng những lời lẽ thô tục như cả cuộc chiến. Họ tấn công thật sự cho nên sự dè dặt của HĐGMVN là hiểu được.

Hai nữa về phương diện cơ chế thì hiện nay người có trách nhiệm quyết định lên tiếng hay không lên tiếng, viết thư chung hay không viết thư chung là Đức cha chủ tịch. Hiện nay ngài đã về Hà Nội. Nếu một giám mục khác mà viết thì không đủ tư cách, mà họp lại thì cũng chính đức cha chủ tịch triệu tập.

Ý tưởng anh đưa ra chúng tôi cũng từng chia sẻ nhưng bây giờ ngài đang lâm vào một tình thế phức tạp nên ngài cũng chưa dám quyết định một điều gì mang tính toàn quốc.

Mặc Lâm: Như sự trình bày của ngài thì HĐGMVN đang lâm vào tình trạng rất khó xử, như vậy giải pháp trông cậy vào một tuyên bố chính thức của Vatican trước những luồng dư luận bất lợi cho giáo hội có được HĐGMVN nghĩ đến hay không?

GM Nguyễn Chí Linh: Theo truyền thống thì Vatican rất bản lĩnh trong mặt trận ngoại giao. Bởi vì không phải Việt Nam là nước đầu tiên gặp rắc rối, nhiều nước đã từng gặp. Nguyên tắc làm việc của Bộ ngoại giao Tòa thánh và của Bộ Truyền giáo là không phát ngôn, không phát biểu gì về những hoàn cảnh cụ thể mà chỉ đưa ra những định hướng mà thôi.

Nếu thanh minh thì Tòa thánh phải thường xuyên ở trong tình trạng phải đối đáp. Phải bút chiến với những nơi mà giáo hội đang có vấn đề thì điều đó nó không khôn ngoan vì người ta hỏi đâu nói đấy. Tòa thánh sẽ trở thành thụ động không thể hiện tính tự do của mình khi quyết định.

Một quyết định mà phải giải thích cho toàn thế giới thì điều đó người ta không bao giờ thỏa mãn, ví dụ như trường hợp của Đức tổng Kiệt. Nếu đi vào cụ thể, khi tòa thánh trả lời phải khẳng định mình ủng hộ đức tổng Kiệt hay không ủng hộ. Ủng hộ đức cha Nhơn hay không ủng hộ? Điều này rất khó cho tòa thánh. Tưởng tượng rằng mình đang trong vế của tòa thánh thì không đơn giản tí nào.

Nếu làm ở Việt Nam như thế thì cũng phải làm ở Trung Quốc ở Nam Mỹ. Không lẽ quanh năm suốt tháng tòa thánh phải luôn luôn trả lời việc bổ nhiệm? Vậy thì điều này không thực tế lắm.

Mặc Lâm: Xin được hỏi Đức giám mục một câu cuối, nếu có cơ hội chia sẻ với những tu sĩ, giáo dân hay kể cả người ngoài Giáo hội nhưng có quan tâm về sự kiện này thì ngài sẽ nói gì?

GM Nguyễn Chí Linh: Đối với tôi thì giá trị hàng đầu vẫn là tính hiệp thông Giáo hội. Để những âm mưu phá hoại giáo hội bằng cách phân hóa giữa người nọ với người kia trong hàng ngũ lãnh đạo của giáo hội Việt Nam không thành công. Trong hoàn cảnh này nếu có thể được thì tôi cũng kêu gọi mọi thành phần xã hội, đừng phân biệt người này là gốc công giáo người kia không công giáo, để từ đó có những đối xử không được công bằng.

Có nghĩa là mọi thành phần giáo hội cũng như xã hội phải thật sự nhìn nhận tình liên đới. Sự đoàn kết là một giá trị tích cực nó mang tính vừa dân tộc vừa Ki tô giáo. Đó là cái chìa khóa mình có thể dùng để giải quyết khủng hoảng hiện nay trong giáo hội Việt Nam.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Đức Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã dành thời gian trả lời cho cuộc phỏng vấn này.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Exclusive-interview-bishop-Nguyen-Chi-Linh-deputy-chairman-of-Vietnamese-Bishop-Committee-Mlam-05142010143241.html