Peter Nguyễn Minh Trung
Có lẽ đa phần công chúng không có cơ hội đến trực tiếp Hà Nội để tham dự lễ nhậm chức của Đức cha Nhơn mà chỉ biết và đánh giá tình hình thông qua hình ảnh, vài đoạn video ngắn và một số bài viết lèo lái dư luận theo ý riêng của vài cá nhân ở một trang mạng mang tên nuvuongcongly.net. Những tường thuật trên trang mạng đó không phản ánh toàn bộ sự thực diễn ra, nhưng chỉ là cái đúng bề ngoài được viết lại theo ý họ. Một điều không thể phủ nhận rằng đa phần thông tin trên trang mạng đó viết bởi ký giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh tường thuật về lễ nhậm chức của Đức cha Nhơn ít nhất là đúng về mặt hình thức bên ngoài của sự kiện.
Cần phải phân biệt 4 nhóm người sau khi tham dự biến cố lễ nhậm chức đó:
– Thứ nhất, nhóm người đã có sẵn cảm tính không ưa Đức cha Nhơn, căm phẫn HĐGM vì cho rằng HĐGM “thỏa hiệp” với nhà cầm quyền Hà Nội và yêu mến Đức Tổng Kiệt: nhóm này dự lễ với cái nhìn về thánh lễ của họ diễn ra hoàn toàn tiêu cực;
– Thứ hai, nhóm người yêu mến Đức Tổng Kiệt và buồn vì ngài phải ra đi, vâng lời Tòa Thánh đã đặt Đức cha Nhơn làm chủ chăn họ nhưng trong tâm thực sự vẫn muốn ngài từ chức và Đức Tổng Kiệt ở lại. Nhóm này không quá khích về mặt tâm thức, cái nhìn về thánh lễ của họ diễn ra trong nhận xét khách quan hơn nhóm đầu;
– Thứ ba, nhóm người tin tưởng vào tương lai, tin rằng mọi việc đều có lý của nó, đặt niềm hy vọng vào Chúa Thánh Thần và tham dự thánh lễ với cảm nhận mong chờ, cái nhìn về thánh lễ của họ là công tâm, độc lập hơn cả 2 nhóm trên vì không thiên về bên nào dù rất yêu mến Giáo hội;
– Thứ tư, nhóm người quan sát độc lập như các ký giả báo nước ngoài, các mật vụ công an Hà Nội, những người không Công giáo nhưng quan tâm đến sự kiện liên quan đến Tòa Hà Nội. Nhóm này tham dự thánh lễ và ghi nhận lại các chi tiết theo đúng bản chất để tường trình hay kể lại qua các cách riêng của họ, tuy nhiên khi thuật lại họ có thể thêm nhận xét cá nhân và cần phải để ý để chọn lọc. Nhìn chung nhóm này có tường thuật khá đáng tin.
Như đã nêu bên trên, nếu không tham dự thánh lễ trực tiếp, khi nghe kể về diễn biến của lễ nhậm chức của Đức cha Nhơn, chúng ta cần nghe đủ tường thuật của cả 4 nhóm người. Nếu chỉ dựa vào lời kể của nhóm thứ nhất để đánh giá biến cố thì sẽ hoàn toàn bị ảnh hưởng từ sự tiêu cực vốn có của nhóm người đó khi thuật lại. Nhìn chung, nếu vừa được dự lễ, vừa được nghe các nhóm nhận xét riêng, ta sẽ có cái nhìn toàn diện.
Sau đây là một vài diễn biến gần như chưa được biết tới bởi những người không tham dự lễ. Những lời tường thuật của con được viết ra bên dưới hoàn toàn theo đúng sự thật và bản chất của nó vốn có lúc diễn ra, không có thiên lệch nào, tất cả những điều này được làm chứng bởi tất cả những ai khách quan khi tham dự lễ:
- Dự đoán trước được sẽ có cờ quạt, biểu ngữ, băng rôn, hô hào, v.v chống đối vị tân chức, ngày 29-04-2010, Văn phòng Tòa TGM HN ra thông cáo nhắc nhở giáo dân “không mang những gì không cần thiết cho thánh lễ và tránh mọi thái độ, cử chỉ, hay lời nói có thể ảnh hưởng đến bầu khí thánh thiêng của phụng vụ”.
- Sau thông cáo vài ngày, một nhóm dưới sự chỉ đạo của một ký giả và vài vị tu sĩ đã nhanh chóng chuẩn bị các câu từ, tập hợp hình ảnh, nhân lực để cho in hàng loạt các băng rôn, biểu ngữ, cờ quạt, vòng đeo trên đầu, v.v. với nội dung ủng hộ Đức Tổng Kiệt và tỏ sự không hoan nghênh Đức cha Nhơn. Điều này có lẽ không đáng nói vì nó cho phép thể hiện chính kiến riêng của người ta muốn nói điều cần nói, nhưng thay vì thể hiện chính kiến, việc làm này hoàn toàn mang sắc thái khác trong thời điểm hiện tại.
- Ngày trước khi lễ nhậm chức diễn ra, công an các cấp từ Bộ Công An, Công An TP Hà Nội, Công an Quận Hoàn Kiếm, Công an Phường Hàng Trống…lần lượt đều cử người vào Tòa TGM Hà Nội xin làm…”trật tự cho buổi lễ” đề phòng xảy ra bạo loạn (biết trước là có chống đối). Tất cả đều bị từ chối.
- Sáng ngày lễ diễn ra 07-05-2010, Nhà thờ Lớn Hà Nội hoàn toàn trống vắng dù chỉ còn chưa đến một giờ nữa thì thánh lễ diễn ra. Trên cửa chính vào Nhà thờ chỉ trang hoàng 1 băng rôn duy nhất chào đón Đức tân TGM Phó. Hàng rào sắt được bố trí ở vài nơi phía trước quảng trường Nhà thờ để đảm bảo an ninh. Đâu đó xa xa bên ngoài là lực lượng an ninh mặc sắc phục lẫn thường phục đứng trộn lẫn để quan sát tình hình.
- Dần dần thì giáo dân xa gần cũng đổ về đông đúc chật kín Nhà thờ, bên ngoài không đông lắm. Các thầy đại chủng sinh đã vào vị trí vì được lệnh của Đức Tổng Kiệt là đứng án ngữ các vị trí xung quanh Nhà thờ và đảm bảo những biểu hiện chống đối phải được dỡ bỏ.
- Nhóm Thái Hà và Nhóm Sinh Viên Công Giáo Vinh (dưới sự bảo trợ của ký giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh) bắt đầu thực hiện kế hoạch đã bàn từ trước là đi phân phát hình ảnh, băng rôn, biểu ngữ, cờ quạt, v.v. Một sinh viên của nhóm này khi tiếp cận với một người lớn tuổi đã nói: “Bác cầm cái này rồi giơ cao lên, hô to vô. Không làm là mất Đức Tổng theo tay bọn thân Cộng sản đó”. Người được trao tấm ảnh lớn kèm theo biểu ngữ lật đật làm theo. Hai bạn trẻ khác cũng được nhóm sinh viên Công giáo Vinh trao biểu ngữ, băng rôn nhưng nhất quyết không cầm vì cho rằng điều đó thật quá khích. Hai bạn nữ trẻ nhóm Sinh viên Công giáo Bắc Ninh khác thì bật khóc vì buồn khi thấy nhóm Sinh viên Vinh thực hiện hành động ấy. Một vài bạn trẻ khác được nhóm này tiếp cận nói chuyện và nhờ phát hộ băng rôn, biểu ngữ nhưng bị từ chối vì họ không thấy hào hứng với việc làm đó.
- Sự thật về “biểu ngữ”: Không giống như được ký giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh và trang mạng nuvuongcongly.net mô tả lại rằng việc mang băng rôn, biểu ngữ đến dự lễ là hành động tự phát của nhiều người bất mãn với HĐGM, ủng hộ Đức Tổng, yêu mến Giáo hội, v.v. Thực sự đây là một hành động có tính toán từ trước và rất chi ly của chỉ một nhóm người đến từ Thái Hà và nhóm Sinh viên Công giáo Vinh mà đứng đằng sau là ông J.B. Nguyễn Hữu Vinh và một vài tu sĩ, cá nhân khác. Nhiều người cầm biểu ngữ trong ngày lễ hôm đó chỉ do tình cờ được phát và do sợ mất Đức Tổng nên họ cầm và hò reo theo. Những băng rôn, biểu ngữ đó được nhóm Sinh viên Vinh mang đến trong các balô rất to, họ bàn kế hoạch rất cụ thể và phân công cho từng người. Và nếu tinh ý quan sát, người ta dễ dàng nhận ra tất cả các băng rôn biểu ngữ này dùng chung những câu nói giống nhau, hình ảnh giống nhau, kích cỡ, màu sắc giống nhau như khuôn đúc, v.v. Do bị sự ngăn cản của các thầy đại chủng sinh nên nhóm này khó có thể tiếp cận tất cả mọi hướng để phát. Một vị trong Tòa TGM Hà Nội vốn buồn rầu khi Đức Tổng Kiệt phải ra đi và mong muốn Đức cha Nhơn có thể đọc thư từ chức trong thánh lễ nhậm chức để giáo dân yên lòng, cũng phải nói về nhóm Sinh viên Vinh này khi thấy họ toan tính cho hành động “tự phát” rằng: “Nhìn mấy thằng sinh viên Vinh mà muốn lộn cả tiết, bực không chịu được. Trông chẳng ra làm sao cả.”
- Đoàn rước đã chuẩn bị đâu vào đó thành 2 hàng dọc lối đi từ Tòa TGM ra Nhà thờ. Đội kèn trống nổi những bản nhạc rồn rã. Nhiều nhóm giáo dân chống đối đứng phía trước Nhà thờ nhưng chưa tỏ biểu hiện gì mạnh mẽ. Một vài vị của Tòa TGM HN ra quan sát tình hình và báo cáo vào bên trong, Đức Tổng Kiệt ra lệnh thay đổi đường đi, đoàn rước các Giám mục tiến vào Nhà thờ bằng cửa phụ bên hông thay vì theo lối chính bên ngoài như thường lệ, ngài muốn tránh những hành động chống đối dành cho vị Phó là Đức cha Nhơn, tránh làm cho Đức cha Nhơn cảm thấy khó xử và tránh những sự hò hét ủng hộ quá khích dành cho ngài của một nhóm người bên ngoài. Theo nhận định, nhóm này cũng hò hét inh ỏi, dường như “quá khích” không kém gì nhiều nhóm “quần chúng tự phát” do nhà cầm quyền Hà Nội tạo ra trong các dịp bách hại Giáo hội ở Đồng Chiêm, Tam Tòa, Thái Hà, Loan Lý, Cồn Dầu, Tòa Khâm Sứ, Bầu Sen, v.v.
- Phía trong Nhà thờ lúc này bắt đầu xì xào khi thấy đoàn đồng tế đi vào từ cửa hông. Bên ngoài, đoàn kèn trống không hay sự việc diễn ra vẫn tiến lên đều bước. Gần đến cửa Nhà thờ quay nhìn lại thì không thấy Đoàn Giám Mục đâu nên bối rối và vội vã chạy vào bên trong Nhà thờ qua cửa chính. Người dân hiếu kỳ nháo nhào xung quanh. Lúc đó, nhóm chụp hình của ký giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh bắt đầu chia nhau ra săn ảnh để phục vụ việc đưa tin, nhiều phó nhòm của nhóm này cũng chạy vào Nhà thờ theo đoàn trống.
- Cửa chính Nhà thờ đóng lại ngay sát giờ lễ vì đoàn người ủng hộ Đức Tổng Kiệt dường như muốn tràn vào Nhà thờ để hét lớn các khẩu hiệu. Nhiều băng rôn, biểu ngữ của họ bị các thầy đại chủng sinh thu lại theo lệnh bề trên và chỉ cho ai không cầm biểu ngữ vào Nhà thờ, nếu không chịu bỏ thì phải đứng ngoài.
- Sau bài giảng lễ của Đức cha Nhơn, một thanh niên thường xuất hiện tại Nhà thờ Lớn và Nhà thờ Hàm Long cầm theo một bức ảnh Đức Tổng Kiệt khổ lớn có in chữ với nội dung ủng hộ ngài, đầu đeo băng rôn tiến vào khu vực sân Nhà thờ và đến gần cửa gian Cung Thánh thì bỏ tấm ảnh ra rồi hò hét lớn tiếng để thu hút sự chú ý. Vì đang trong giờ lễ nên các thầy chủng sinh đã can thiệp kéo anh này ra. Cùng lúc đó thì nhiều người từ đâu đến bày tỏ sự ủng hộ anh này và ngăn cản các thầy chủng sinh, họ lên tiếng ủng hộ anh kia rồi bắt đầu tranh cãi bằng những từ thô tục. Ông J.B. Nguyễn Hữu Vinh cũng xuất hiện ở đó và “nói chuyện lý lẽ” với các thầy. Tình hình có vẻ không hay nên các thầy đóng cửa sắt lối vào sân Nhà thờ, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Người ngoài cổng sắt mong muốn vào trong, còn ở trong thì anh thanh niên nằm đó ăn vạ. Một linh mục xuất hiện để can thiệp, mọi người bắt đầu tản dần ra.
- Lúc rước lễ, các thầy thu được rất nhiều băng rôn, hình ảnh…nhưng vẫn không thấm vào đâu vì nhóm Sinh viên Vinh mang đến nhiều balô băng rôn, biểu ngữ. Và họ lại phát. Cửa chính được mở ra để Linh mục Nguyễn Văn Lý ra cho bên ngoài chịu lễ, lúc gần xong thì nhóm bên ngoài cầm băng rôn, cờ quạt định tràn vào Nhà thờ hò hét, giương biểu ngữ, các thầy phải đóng cửa chính lại và Cha Lý cũng không vào được nên phải mang Mình Thánh Chúa đi vòng bãi xe qua cửa phụ mà vào. Các cửa cạnh cửa chính cũng bị đóng lại.
- Lúc lễ gần xong thì nhóm giáo dân cầm biểu ngữ nhanh chóng thay đổi vị trí từ tiền đình Nhà thờ sang bên hông Nhà thờ theo lối đi trở về TGM để “đón đầu” đoàn đồng tế. Họ đứng chen chúc từ cửa lên gian Cung Thánh đến dọc hai lối đi về phía Tòa Tổng và giơ cao biểu ngữ. Tiếng hô hoán, tiếng tranh cãi, hò hét, chống đối của giáo dân đối với các cha bắt đầu nổi lên. Các thầy chủng sinh xếp thành hàng nắm tay nhau để làm “hàng rào” che chắn đoàn đồng tế. Một người chụp hình độ 60 tuổi đi ngang qua, chen vào giữa các thầy và cười nói: “Nhìn các thầy giống Cảnh sát cơ động hôm ở Tòa án Hà Đông”. Một số linh mục ra nói chuyện với giáo dân, bảo họ bình tĩnh, đừng quá khích và hãy trật tự, đừng làm thái quá khiến Đức Tổng cũng khó xử. Nhưng tất cả đều bị nhóm giáo dân này bác bỏ, thậm chí còn chửi lại các cha. Họ từ chối không nghe lời nữa, lúc này họ chỉ còn biết chống đối vì yêu mến không muốn mất Đức Tổng Kiệt, một số người chửi bậy và xúc phạm bất kỳ ai trong hàng giáo sĩ, trừ Đức Tổng kiệt, một thái độ mù quáng. Đức vâng lời và sự kính trọng của nhóm này đã mất ngày hôm đó. Một linh mục buồn rầu nói với giáo dân: “Chính chúng ta đang làm cho mất đoàn kết nội bộ, chính chúng ta đang chia rẽ nhau.” Một số giáo dân xưng hô “mày – tao” và có hành động quá khích với các linh mục, các thầy chủng sinh, những người trong tổ bảo vệ.
- Biết tình hình không thể đi cửa nào khác ngoài cửa cạnh gian Cung Thánh, đoàn đồng tế quyết định tiến theo lối đó mà về. Khi các cha đầu tiên vừa xuất hiện ở cửa, giáo dân bắt đầu hò hét inh ỏi, một số thì kêu lớn: “Chúng con yêu mến Đức Tổng” – “Xin Đức Tổng ở lại với chúng con”.
- Trước đó, hai bà lớn tuổi được chỉ thị của nhóm nào đó cầm sẵn hai khay trải khăn đỏ bên trên có 2 gói quà được gói cẩn thận. Khi đoàn rước tiến ra, chỉ có Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, CSsR tay cầm máy chụp hình chụp liên tục. Đoàn đồng tế đi có chỗ rời rạc do bậc thềm ra khỏi Nhà thờ phía cửa gian Cung Thánh quá hẹp không thể đi thành hai hàng thẳng và do bị giáo dân vây tứ phía. Các Đức cha khác quan sát giáo dân hai bên đường khi đi ngang qua. Lúc Đức Tổng Kiệt và Đức cha Nhơn tiến ra thì tiếng reo hò như sấm rền, người ta la ó và phản đối Đức cha Nhơn, kẻ thì bày tỏ sự ủng hộ Đức Tổng. Vẻ mặt của cả 2 vị Tổng Giám Mục đều rất khó xử với đàn chiên có phần quá khích do lòng mến. Đức Tổng thấy buồn rầu và chỉ nhắm mắt đi thẳng bất chấp tiếng kêu la của những người ủng hộ hỏi tại sao ngài không ban phép lành cho họ. Có lẽ quý vị đều hiểu cho hoàn cảnh khó xử đó của Đức Tổng.
- Sự thật về “thỉnh nguyện thư 15.000 chữ ký”: Khi Đức Tổng đi đến phía mình, hai bà kia bắt đầu lao ra nhưng bị cha Alf. Phạm Hùng (chánh văn phòng TGM) và các thầy, ban trật tự cản lại. Sau khi thứ được gói và để trên 2 khay vuông vắn do 2 phụ nữ lớn tuổi cầm được cho là “thỉnh nguyện thư” bị tịch thu bởi các vị trong Tòa TGM HN, các cha mới mở nó ra xem thực hư là gì. Thay vì trong đó chứa thỉnh nguyện thư hay bất kỳ dòng chữ thể hiện tình yêu mến nào đó đối với Đức Tổng thì lại là một panô to với dòng chữ nguyên văn như sau: “Nguyễn Văn Nhơn, Bùi Văn Đọc, Võ Đức Minh: BIẾN KHỎI TRÁI ĐẤT NÀY”. Một vị tại Tòa TGM Hà Nội vốn không thích việc Đức cha Nhơn ra HN và cũng không muốn Đức Tổng đi khỏi HN khi xem biểu ngữ đó cũng phải thốt lên: “Mất dạy đến thế là cùng!”. Người phụ nữ cầm “thỉnh nguyện thư” đó đến từ Giáo xứ Tân Độ.
- Đoàn rước đi nhanh dần lên để qua phần đất Tòa TGM. Ngay lập tức cánh cổng ngăn cách giữa Nhà thờ và TGM được đóng lại để cản nhóm giáo dân lao theo vào bên trong. Giáo dân tiến đến cánh cổng hò hét và hát hò. Họ hát bài “Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam” và “Con đường nào Chúa đã đi qua”. Đoàn kèn trống cũng thổi lên để át đi tiếng kêu la, chửi bới và tiếng hát đó. Nhóm người này giương biểu ngữ áp sát cổng và bắt đầu có những người hét lên một cách quá khích: “Cứ hát tiếp đi.” Họ bắt đầu hô khẩu hiệu rền vang. Một vài người quá khích hô hào lên: “Cứ ở đây cho đến bao giờ nó đi”. Một người khác phụ họa: “Đuổi nó đi. Đuổi nó đi”. (“Nó” ở đây là họ ám chỉ Đức TGM Phó Nguyễn Văn Nhơn). Nhiều câu đại loại như vậy lại cứ vang lên. Thật quá đau lòng!
- Sự thật về “đoàn người cầu nguyện“: Theo tường thuật của ký giả Nguyễn Hữu Vinh thì có vẻ sự quá khích đó đã bị giảm xuống nhiều lần rất đáng kể, khi ông mô tả cảnh tượng trên là “Giáo dân cầu nguyện trước cổng Tòa TGM HN” thay cho sự thật là giáo dân vừa hát, vừa la ó, vừa quá khích bên cổng Tòa TGM HN.
- Sự thật về “Video phản ứng của giáo dân ngoài Nhà thờ Lớn Hà Nội“: Cô gái trẻ trong bài phỏng vấn này trả lời rất hùng hổ và với chất giọng đanh đá bảo vệ Đức Tổng Kiệt, liên hệ việc đoàn đồng tế đi cửa hậu để vào Nhà thờ như là đoàn quan chức Cộng sản VN vẫn thường đi cửa hậu khi thăm viếng nước ngoài, và bày tỏ rằng “Chúng tôi trông chờ điều gì đây khi mà một người đến từ cửa sau, ra cửa sau?”. Nếu xem, độc giả dường như cho rằng đó là một sự phản ứng do lòng yêu mến bộc phát và được tình cờ quay lại trong lễ nhậm chức sáng hôm đó?! Ít người biết cô gái trẻ là sinh viên bên nhóm Vinh và phỏng vấn này cũng đã được liệu trù sẽ diễn ra từ trước đó. Nét mặt cô gái tỏ vẻ hân hoan và không nhịn được vài lần cười mỉm khi trả lời phỏng vấn chứ không hề tỏ ra buồn rầu dù là một chút như lời cô gái nói.
- Sau khi sự việc diễn ra và buổi lễ kết thúc, ông J.B. Nguyễn Hữu Vinh bị một vị trong Tòa TGM Hà Nội chất vấn rằng: “Chú xem coi được không. Yêu mến Đức Tổng gì mà trong Nhà thờ đang văng vẳng lời cầu nguyện và lời của Đức Tổng giới thiệu thì bên ngoài thì chú phỏng vấn vớ vẩn, không lễ lạy gì, thì yêu mến cái gì? Yêu mến Giáo hội kiểu gì mà bên trong đang diễn ra Phụng vụ Bí tích cao trọng nhất của Giáo hội là Thánh Thể thì bên ngoài căng băng rôn rồi hò hét, la ó thì yêu mến cái kiểu gì? Người ngoài Công giáo xem được rồi họ sẽ nghĩ sao?” - Ông Nguyễn Hữu Vinh sau đó chỉ im lặng mà không trả lời.
Liệu một buổi lễ như vậy có đúng như ký giả J.B. Nguyễn Hữu Vinh viết là “một thánh lễ đúng tinh thần vâng phục” không?
Ký giả Nguyễn Hữu Vinh còn cho rằng việc đoàn đồng tế đi bằng cửa phụ là một “chuyện lạ”. Quả thực đó là chuyện lạ không ai phủ nhận. Nhưng có lạ hay không và tại sao lại lạ thì rõ ràng nguyên nhân có lẽ ký giả Nguyễn Hữu Vinh biết rõ. Vì có sự chống đối tính toán trước của vài nhóm mà ông Nguyễn Hữu Vinh cũng tham gia từ đầu, có sự dương oai diễn võ tay cầm cờ quạt, miệng hò hét inh ỏi của nhóm này nên mới có “chuyện lạ” kia của đoàn đồng tế. Lạ mà chẳng lạ!
Nhìn chung, tường thuật về thánh lễ nhậm chức của Đức cha Nhơn của ký giả Nguyễn Hữu Vinh gần như đúng về mặt hình thức. Tuy nhiên, sự đúng đó đã bị giản lược nhiều lần về chiều kích quá khích của giáo dân. Người đọc tường thuật có thể tưởng tượng rằng giáo dân lúc đó vô cùng ôn hòa, còn các tu sĩ và giáo sĩ thì tránh né, sợ sệt điều gì đó. Trên thực tế điều đó không đúng hoàn toàn. Ngoài ra, chiều kích liên quan đến các vị mục tử thì lại bị đẩy lên cao trào so với thực tại lúc ấy. Chẳng hạn việc đi cửa hông là lẽ dĩ nhiên khi giáo dân làm hơi quá tay trong việc băng rôn, cờ quạt, hò hét, la ó, níu kéo thì lại bị cho rằng đó là một hành động né tránh của đoàn đồng tế. Công tâm mà nói, người ra lệnh đi cửa hông để “tránh” “đoàn người biểu tình” không phải là Đức cha Nhơn, kẻ bị họ công kích trong buổi lễ.
Theo đánh giá của một vị tại Tòa TGM Hà Nội: “Thánh lễ đã thành công đến 80%. Nhìn chung, bên trong rất nghiêm trang, sốt sắng; bên ngoài thì lộn xộn, bát nháo, suốt giờ lễ thì trang nghiêm nhưng trước và sau giờ lễ thì bên ngoài náo động.”
Cũng theo vị này nhận xét: “Cũng may là chưa xảy ra bạo loạn, nếu không thì trúng kế của Cộng sản rồi.”
Peter Nguyễn Minh Trung