Montag, 10. Mai 2010

'Khó mà trông chờ vào người Mỹ'

BBC Vietnamese


10 tháng 5, 2010- Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, 87 tuổi, nguyên Phụ tá Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng Hòa, là một trong số 16 nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của miền Nam còn ở lại khi Sài Gòn thất thủ tháng 4/1975.

Từ sau khi kết thúc chiến tranh, ông sống ở trong nước và sinh hoạt Mặt trận Tổ quốc.


Đài BBC đã nói chuyện với Chuẩn tướng Hạnh về vai trò của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam:

Ông Nguyễn Hữu Hạnh: Pháp đã ở Việt Nam 100 năm. Pháp đi sau Hiệp định Genève thì Mỹ lại nhảy vô.

Tôi nói thật, trong tất cả các đời tổng thống miền Nam Việt Nam, ai mà Mỹ không ưa thì người ấy bị hất đổ ngay. Ở miền Nam này, đã xảy ra không biết bao nhiêu cuộc đảo chánh - mười mấy lần chứ có ít đâu.

Tụi tôi trong quân đội, học ở Mỹ, học tiếng Mỹ, đi thăm Mỹ... đủ hết. Rồi tụi tôi cũng có nhiều bạn Mỹ rất tốt bụng, nhưng với Mỹ thì tôi vẫn không có bằng lòng. Thậm chí lần đi thăm đại bản doanh Cục Tình báo Trung ương (CIA) bên đó, thấy sợ hơn là thấy thích.

Người Mỹ họ có đường lối của họ: đó là họ phải nắm chỉ huy ở miền Nam này. Họ chỉ huy trong mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế tới ngoại giao... Mỹ nắm hết. Rồi chính Mỹ đã bỏ miền Nam Việt Nam.

BBC: Thưa ông, một thế hệ người Việt Nam cảm thấy rằng họ bị Mỹ phản bội và bỏ rơi. Họ sẽ nghĩ thế nào khi chứng kiến nỗ lực của Chính phủ Việt Nam hiện tại trong quá trình thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ?

Ông Nguyễn Hữu Hạnh: Hiện tại Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, nhất là các nước lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ... Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đang cố gắng làm thế nào để hòa hợp với tất cả các nước.

Tôi nghĩ, tôi chẳng có ước muốn gì cao hơn là làm sao để Việt Nam hòa nhập thế giới một cách tốt đẹp.

BBC: Có ý kiệ́n cho rằng hiện nay, trong các vấn đề nóng thí dụ như bảo vệ biển đảo Việt Nam trước đe dọa của ngoại bang, thì Việt Nam phải dựa vào Hoa Kỳ, vào trợ giúp của Hoa Kỳ. Liệu suy nghĩ đó có khả thi không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hạnh: Mỹ cũng chỉ là một nước, một quốc gia có thể liên quan trong chủ đề này thôi.

Cần phải xem lại lịch sử cái thời mà chính quyền Nguyễn Văn Thiệu làm mất Hoàng Sa (1974). Mỹ cũng ở đó, mà có giúp gì không? Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đánh nhau với Trung Quốc rồi để mất đảo là như thế nào, vai trò các nước ra sao, phải xem lại.

Tranh chấp biển đảo là vấn đề phức tạp, liên quan tới nhiều quốc gia. Biển Đông chẳng phải của riêng nước nào, nhiều nước đều liên quan (chủ quyền).

Trông chờ một nước giúp mình thì chắc không phải dễ. Đây là cả một quá trình tranh đấu của nhiều nước.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/05/100510_nguyenhuuhanh_viet_us.shtml