Đức Tâm
Từ hôm qua, 07/12, lãnh đạo và đại diện của 192 quốc gia họp hội nghị thế giới về biến đổi khí hậu ở Copenhagen, Đan Mạch. Nhân dịp này, giới chuyên gia châu Á muốn thu hút sự chú ý của công luận về hiểm họa nước biển dâng đối với lục địa châu Á. Tại nhiều nước châu Á, từ nhiều năm qua, biển đã lấn sâu vào đất liền, thu hẹp diện tích canh tác và nhà ở của người dân.
AFP đưa ra ví dụ đền thờ tại khu làng Khun Samutchine, thuộc tỉnh Samut Prakan, ở miền trung Thái Lan. Cách nay vài năm, đó là một khu làng trú phú. Thế nhưng, giờ đây, toàn bộ ngôi làng và một nửa đền thờ Khun Samutchine bị ngập chìm dưới nước biển. Theo giới chuyên gia, khoảng 25 triệu người sinh sống tại vùng đồng bằng sông Chao Praya bị đe dọa do xói mòn bờ biển.
Bên cạnh các hoạt động của con người như xây đập thủy điện ở thượng nguồn, khai thác phá rừng nước mặn …, hiện tượng trái đất bị hâm nóng tất yếu làm cho mực nước biển dâng lên. Panadda Tedsiri, một thành viên Hiệp Hội Cộng đồng Phi chính phủ Thái Lan cảnh báo, “nếu không bảo vệ, chống lại hiện tượng xói lở bờ biển, một nửa tỉnh Bangkok sẽ biến mất”.
Còn tại Malaysia, theo số liệu chính thức, khoảng 30% diện tích bờ biển của nước này đã bị xói mòn do dân số gia tăng, đô thị hóa ồ ạt, mở rộng hoạt động kinh tế. Trong khi đó, theo Ngân hàng Phát triển châu Á, khoảng 26% diện tích bờ biển của Ấn Độ đang bị “xói mòn nghiêm trọng”.
Tình hình tại Banladesh còn nghiêm trọng hơn. Nhóm Chuyên gia Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc – GIEC, khẳng định từ nay đến 2050, nước biển dâng sẽ nhấn chìm 17% tổng diện tích của nước này và sẽ có từ 20 đến 144 triệu người không còn đất để ở.
Tình hình tại Việt Nam cũng đáng lo ngại. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, đến cuối thế kỷ này, năm 2100, nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 10% dân số và đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Việt Nam ở miền Nam sẽ bị mất 38% diện tích.
Nhận định về tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là mực nước biển dâng cao đối với Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, giáo sư Trương Quang Học, thuộc Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên Môi trường, đại học quốc gia Hà Nội, trưởng ban Biến đổi khí hậu, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết.
“Việt Nam nằm trên bờ biển Thái Bình Dương. Vùng châu Á Thái Bình Dương là một trong năm ổ bão của thế giới. Việt Nam, có bờ biển dài 3260 km, hơn 3000 hòn đảo, được dự tính là một trong những nước phải chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó, nước biển dâng là một trong những tác động nghiêm trọng nhất.
Đối với Việt Nam, khi mực nước biển dâng, thì sẽ làm mất đi một vùng đất rộng lớn. Đó là các hệ sinh thái đất ngập nước của những đồng bằng rộng nhất của cả nước, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Đấy là nơi sinh sống của cả một cộng đồng dân cư lâu đời, cái nôi của nền văn minh lúa nước, vùng có tiềm năng sản xuất nông nghiệp lớn nhất và các sinh cảnh tự nhiên của nhiều loài bản địa, bao gồm cả các vườn quốc gia, các khu bảo tồn, các khu dự trữ sinh quyển.
Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì đó là một đồng bằng trẻ, có địa hình thấp và phẳng, cao độ bình quân từ 1 đến 1,5 mét, rất thấp do với vùng nước biển. Đây cũng là vùng chịu tác động rất lớn của sự thay đổi về biên độ triều của mực nước biển. Nước biển dâng lên sẽ làm triều cường tiếp tục lên cao hơn.
Bên cạnh đó, đồng bằng sông Cửu Long còn chịu tác động của lũ của sông Mékong. Lũ tràn về, kết hợp với triều cường xuất hiện, làm mực nước ứ lại, khiến nhiều nơi bị ngập lụt. Đó chính là hiện tượng ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Diện tích đất bị xâm nhập mặn, bị khô cạn, nhiễm phèn ngày càng tăng. Hiện nay, trong toàn vùng, có khoảng 2,1 triệu hectares đất bị nhiễm mặn và 1;6 triệu hectares bị nhiễm phèn.
Trong thời gian tới, dưới tác động của biến đổi khí hậu thì tất cả các hậu quả sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Sản lượng luơng thực của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị giảm. Các vùng chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy hải sản thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề an ninh lương thực sẽ bị đe dọa”.
Ông Tara Buakamsri, phụ trách khu vực Đông Nam Á của tổ chức Greenpeace nhấn mạnh, hội nghị thượng đỉnh Copenhagen phải đạt được một thỏa thuận rõ ràng, mạnh mẽ và công bằng về hồ sơ biến đổi khí hậu bao gồm nhiều khía cạnh, trong đó có vấn đề xói lở bờ biển và mực nước biển dâng.
Để đối phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu, các nước nghèo hy vọng nhận được sự tài trợ của các nước công nghiệp phát triển. Một chuyên gia Việt Nam ví von là nếu các nước nghèo tự xoay xở thì không khác nào “lấy đũa chống trời”. Theo Reuters, hôm nay, Bộ trưởng Môi trường Bangladesh cho biết là nước này cần khoảng 15% tổng số tiền mà các nước giàu giúp các nước nghèo trong việc chống biến đổi khí hậu.
Tại hội nghị Copenhagen, các nước đang phát triển đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ với nguồn tài chính đến từ 29 nước công nghiệp phát triển, với mức đóng góp tương đương 1,5% tổng sản phẩm nội địa của mỗi nước.