Mittwoch, 9. Dezember 2009

Thách thức và trách nhiệm của một nước có mức thu nhập trung bình

Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam

Hôm nay là ngày đầu tiên của Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ của Ngân hàng Thế giới diễn ra giữa các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam. Dưới đây là tuyên bố khai mạc của Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ngài Rolf Bergman, đại diện cho các nước Liên minh Châu Âu.


Đại sứ Anh Mark Kent cùng Trưởng đại diện Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam (DFID), bà Fiona Lappin, dẫn đầu đoàn đại biểu Anh tới dự Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ vào 3-12-2009.

“Đại diện cho Liên minh Châu Âu, tôi xin được trình bày quan điểm về sự phát triển,về sự tham gia của toàn xã hội, và làm như thế nào để duy trì được đường lối phát triển.

Những tiến bộ của Việt Nam trong thời gian gần đây thực sự ấn tượng! Việt Nam hiện là nước đi đầu trên thế giới về hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỉ, đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp quốc về Chống Tham nhũng và Việt Nam dường như đã đương đầu với khủng hoảng kinh tế hiệu quả hơn hầu hết các nước khác.

Tất cả những tiến bộ này đáng được ghi nhận và chúng tôi tin rằng Việt Nam còn có thể làm tốt hơn thế!

Thay mặt cho Liên minh Châu Âu, tôi xin được gửi tới Chính phủ Việt Nam thông điệp về niềm tin của chúng tôi rằng phát triển bền vững đòi hỏi một môi trường thuận lợi cho phép người dân tham gia phản biện một cách cởi mở, cho phép mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội đều có quyền tự do bày tỏ quan điểm mà không phải lo sợ.

Một thách thức lớn đối với Việt Nam, và thực tế đó là thách thức của tất cả chúng ta trong cộng đồng quốc tế, trong những năm tới là vấn đề biến đổi khí hậu.

Liên minh Châu Âu xin được chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những hành động ứng phó kịp thời với thách thức này, Chương trình Mục tiêu Quốc gia là một ví dụ điển hình.

Khi thời điểm Hội nghị Thành viên lần thứ 15 (COP15) đang đến rất gần, các đối tác phát triển xin chào mừng phái đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam đến tham dự Hội nghị này. Là một nước sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, các đối tác kêu gọi Chính phủ Việt Nam hãy lên tiếng để đảm bảo đạt được một thảo thuận đầy khát vọng và công bằng. Người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng điều đó!

Một thách thức lớn khác nữa là khủng hoảng tài chính.

Suy thoái kinh tế đã thể hiện nhu cầu cần phải có một cơ chế bảo vệ xã hội toàn diện, nhưng điều quan trọng là phải chú ý tới những nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người dân tộc thiểu số và phụ nữ, đồng thời cần tiến hành cải cách về mặt cơ cấu để giảm bớt tình trạng dễ bị tổn thương của nhóm đối tượng này. Việt Nam cần đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ đem lại lợi ích cho mọi thành phần trong xã hội!

Thách thức lớn thứ ba và cũng là thách thức cuối cùng, đó chính là tham nhũng.

Tham nhũng tác động đến mọi người và những người nghèo nhất lại phải trả giá đắt nhất. Tất cả chúng ta biết rất rõ điều đó. Tham nhũng cũng được coi là một rào cản lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và kìm hãm các chính sách của Chính phủ, ví dụ như các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu và bất ổn kinh tế.

Liên minh Châu Âu hiểu rất rõ những khó khăn trong việc phá bỏ những đường dây tội phạm về tham nhũng và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian qua. Đã đến lúc cần phải tạo ra một môi trường khuyến khích sự tham gia của các bên vì không có chính phủ nào có thể một mình chống được tham nhũng. Chính phủ Việt Nam cần phải cho phép báo chí tham gia giám sát những người có quyền lực. Các tổ chức phi chính phủ cần phải được khuyến khích – không bị cản trở – trong các hoạt động theo dõi. Quyền tiếp cận thông tin của người dân cần được thực thi ngay. Vì vậy, cũng như các đối tác khác, chúng tôi quan tâm đến những thông tin cho biết hiện nay việc truy cập vào mạng Facebook đang bị ngăn chặn và chúng tôi yêu cầu Chính phủ huỷ bỏ ngay mọi quy định hạn chế truy cập Internet. Và vai trò của một nền báo chí tự do và độc lập là vô cùng quan trọng. Hãy để cho báo chí giúp đỡ các bạn. Hãy để cho các luật sư được nói lên tiếng nói của mình mà không bị lo sợ. Hãy để cho các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp được hoạt động một cách tự do và độc lập. Đó là điều cơ bản của một xã hội dân chủ và điều cực kì quan trọng là mục tiêu của Việt Nam mong muốn trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Chúng tôi kêu gọi Việt Nam hãy tận dụng tiềm năng lớn của toàn xã hội. Một xã hội tự do, đầy sức sống và nghị lực có thể là người bạn tốt nhất của các bạn.

Liên minh Châu Âu sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình. Liên minh Châu Âu tin rằng Việt Nam đang sẵn sàng cho những bước đi tiếp theo và thực hiện trách nhiệm của một nước có mức thu nhập trung bình. Chúng tôi mong muốn một xã hội cởi mở chấp nhận những quan điểm và ý nghĩ khác nhau. Chúng tôi mong Việt Nam sẽ cho phép phản biện cởi mở về sự phát triển của đất nước trong tương lai. Liên minh Châu Âu khẳng định sự ủng hộ của mình đối với những nỗ lực của các bạn và sẽ cùng nhau cố gắng giúp đỡ các bạn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo vẫn còn tiếp diễn, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đấu tranh chống tham nhũng và mở rộng phạm vi phản biện xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tái khẳng định sự hỗ trợ của mình đối với tiến trình hiệu quả viện trợ. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục thắt chặt tình hữu nghị và cởi mở đã được xây dựng trong nhiều năm qua với các bạn để chia sẻ cả những thành công và thách thức trong tương lai!”

R. B.