Nhật Hiên, RFA
2009-12-29-Ngay sau khi hai trang mạng bauxitevietnam và talawas bị tin tặc tấn công vào ngày 21.12, hàng loạt báo đài nước ngoài có ban việt ngữ như VOA, BBC, RFA, RFI…, các trang mạng “ngoài luồng”, các trang blog cá nhân… đã lập tức lên tiếng về sự cố này.
Có thể nói người Việt Nam hiện nay dù đang sống ở trong hay ngoài nước, nếu có quan tâm, trăn trở đến tình hình chính trị xã hội văn hoá của đất nước, (và có sử dụng internet, tất nhiên), chắc chắn đều biết, đọc hoặc tham gia viết bài cho một hoặc cả hai trang mạng nổi tiếng này. Và có lẽ cũng không mấy ai ngạc nhiên khi hai trang bauxitevietnam và talawas bị đánh phá.
Tấn công các trang thông tin
Một blogger có nick name tumasic viết trên trang blog của mình: “Cả 2 vụ tin tặc tấn công này đều nhằm vào các trang tin tức-bình luận các vấn đề chính trị-xã hội với các chủ đề mà Nhà nước Việt Nam cho rằng đó là ‘nhạy cảm’: Bauixite , Đa nguyên-Đa đảng, Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa-Trường Sa, Tự do ngôn luận, Dân chủ... ” và “Cả hai trang web này, tuy có nghị trình và chủ trương khác nhau, nhưng chia sẻ một điểm chung là cung cấp thông tin đa chiều, nhiều khi khác với quan điểm chính thống ở bên trong Việt Nam, mà Bộ Thông Tin-Truyền Thông của Việt Nam gọi là ‘lề trái’.”
Còn nhà báo tự do Lê Diễn Đức thì chỉ trích rất mạnh trong bài “Bọn tin tặc, kẻ thù của tự do thông tin, mở cuộc tấn công các trang web tiếng Việt ”: “Bậc thầy của bọn khủng bố-tin tặc là những kẻ thù của tự do ngôn luận, dân chủ, nhân quyền. Chúng sợ nhất thông tin minh bạch và đa chiều. Chúng muốn độc quyền thông tin để thực hiện chính sách bịt tai, che mắt nhân dân, mà đúng hơn là chính sách ngu dân hoá”.
Tác giả viết tiếp: “Năm 2009 này, Việt Nam đã được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới có trụ sở tại Paris (Reporters Sans Frontieres, RSF), “chiếu cố” xếp vào 10 quốc gia kiểm duyệt khắt khe nhất báo chí và thông tin trên Internet, ngay bên cạnh đàn anh “môi răng” Trung Nam Hải và các đồng chí Bắc Hàn, Cuba. Bốn quốc gia cùng hội cùng thuyền này đều nằm chót bảng về mức độ tự do thông tin, sát sạt nhau trong 175 nước được xếp loại: Việt Nam hạng 166; Trung Quốc hạng 168; Cuba hạng 170; Bắc Triều Tiên hạng 174.”
Trước đó, tháng 8/2006, Hãng thông tấn Pháp AFP đã công bố kết quả cuộc khảo cứu của OpenNet Initiative (ONI), công trình hợp tác giữa các trường đại học Harvard, Oxford, Cambridge và Toronto nói rằng, Cộng sản Việt Nam tập trung việc sàng lọc thông tin vào những địa điểm bị coi là “đe dọa đến chế độ độc đảng của họ” chứ không phải là ngăn chặn dâm ô như họ nói .
Trên báo Người Việt online, Nhà báo Hà Giang gọi đây là “Trận chiến trên không gian điện toán”: “Kỹ thuật điện toán tạo điều kiện cho các nguồn tin đa chiều được luân lưu và phát triển qua các tạp chí online, diễn đàn điện tử, websites, forums, blogs cá nhân, và nhanh chóng làm xói mòn những bức tường bưng bít thông tin ở các quốc gia mà nhà nước muốn độc quyền chỉ đạo ngành truyền thông.”
Ðể chống lại ảnh hưởng của các websites, tạp chí online, diễn đàn điện tử… chuyên đưa những tin mà nhà nước cấm, hay đưa cùng tin nhà nước cho phổ biến với những góc cạnh khác, các quốc gia như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn, và Việt Nam đã ngày càng tấn công quyết liệt vào các websites được xem là “thù nghịch” này.
Nhà báo Hà Giang cũng đưa ra một vài phương pháp mà các hacker sẽ sử dụng để đánh phá các websites này với mức độ nặng, nhẹ, tinh vi khác nhau.
Nhà văn Phạm Thị Hoài, Tổng biên tập trang talawas tâm sự với nhà báo đồng thời là một blogger của talawas là Lê Diễn Đức: “Đây là cú thứ nhất, tất nhiên mình không chết. Vấn đề là ở cú thứ hai, thứ ba”.
Còn nhà giáo Nguyễn Huệ Chi khi trả lời phỏng vấn BBC thì cho biết: từ khi ra đời đến nay, trang bauxitevietnam đã bị đánh phá ít nhất 5 lần và luôn bị tấn công và kiểm soát 24/24.
Không những thế, hàng loạt các trang mạng xã hội đưa tin, bình luận độc lập với Bộ Thông Tin-Truyền Thông về các vấn thời sự-chính trị-xã hội Việt Nam đồng loạt bị tấn công như đoi-thoai.com, vietland…
Phản ứng của độc giả
Khi sự việc xảy ra, hàng loạt các blogger, trí thức đã bày tỏ thái độ của mình từ quan tâm, lo lắng đến bất bình, phẫn nộ. Nhà văn Nguyễn Quang Lập viết trong bài “ Bác Huệ Chi vẫn cười khà khà”:
“Có thể nói trí thức Việt không ai không đọc trang Bauxite info, báo chí năm bảy trăm tờ đa phần đều nhạt hoét, đọc trang của bác còn có cái để mà ngẫm ngợi, riêng mình mở mắt là vào ngay trang Bauxite, trước khi đi ngủ còn nháo qua một lần, tóm lại ngày 4,5 lần luôn luôn như thế.”
“Hai hôm nay vắng trang Bauxite mình cũng nhác lên mạng, tự nhiên thấy oải, ngay trang quechoa cũng chỉ mở ra đọc còm rồi đóng lại…Mình nói chuyện với bác Huệ Chi, thấy bác vui vẻ cười khà khà như không có chuyện gì xảy ra. Bác nói đang khắc phục, nhanh thì hai ba ngày, chậm thì khoảng một tuần mươi ngay, Bauxite Việt Nam không thể bỏ, dứt khoát, nghe thế mà mừng.”
Trang X-cafe mở forum với chủ đề “Talawas - Doi-thoai - Bauxite Việt Nam bị hacker tấn công” nhiều blogger tham gia ý kiến sôi nổi. Trong đó một blogger có nick name lincohn_hartmann viết: “Theo tôi, đây là 1 vấn đề hết sức nghiêm trọng đang xảy ra và ảnh hưởng đến trào lưu phản kháng của giới tri thức Việt Nam.”
“Bauxitevietnam.info là trang mạng ý kiến đầu tiên tồn tại công khai của giới trí thức trong nước phản biện các vấn đề xã hội, chính trị đặc biệt là liên quan tới bauxite Tây Nguyên. Viện IDS đã giải thể sau quyết định 97. Chúng ta chỉ còn trang mạng bauxitevietnam này để cho trí thức trong nước được thật sự độc lập phản biện, cất lên những tiếng nói của mình về các vấn đề quốc gia”. Blogger này nhấn mạnh:
“…Nếu chúng ta im lặng tức là họ sẽ còn làm mạnh hơn nữa. Và điều tồi tệ nhất cũng sẽ đến. Vấn đề là chúng ta - những người ủng hộ mạnh mẽ cho dân chủ, làm gì để chống lại điều này?”
Còn blogger có nick name Thuong vn thì viết gửi cho…các anh công an mạng:
“Hack vào các websites không làm cho tinh thần yêu nước của chúng ta, chúng tôi giảm đi, chỉ làm cho chúng ta, những người thật sư quan tâm đến đất nước, đến sự sống còn của đất nước thêm bực tức, càng đẩy họ vào con đường chống chính phủ, chống công an (mặc dù các anh công an chỉ làm theo lệnh của chủ mà thôi). Đánh sập websites này, thì những websites khác sẽ tiếp tục xuất hiện. Đây là thời đại của internet, sẽ không bao giờ các anh công an dập tắt được ngọn lửa, lời nói từ trái tim của những người Viêt yêu nước.”
Các blogger thảo luận với nhau một số phương pháp để bảo mật hoặc vượt qua những cú đánh phá của hacker, còn blogger Diên Vỹ trong ban quản trị của X-cafe thì đề nghị: “Trong thời gian chờ đợi khắc phục nạn tin tặc này, BBT X-Cafe sẵn sàng hỗ trợ mạng Bauxite Việt Nam trong khả năng của mình. Cụ thể là chúng tôi có thể đăng những thông báo hoặc bài viết quan trọng của mạng Bauxite Việt Nam lên trang chủ của X-Cafevn, có trích dẫn nguồn, tác giả rõ ràng”.
Nhà báo Lê Diễn Đức thì kêu gọi: “Talawas là một diễn đàn mở với mục đích phục vụ cho lợi ích xã hội. Nhà văn Phạm Thị Hoài, các biên tập viên và các tác giả, bloggers đều làm việc và viết gửi bài trên nguyên tắc thiện nguyện. Vì thế khả năng tài chính để duy trì trang web của Talawas hoàn toàn dựa vào sự ủng hộ của bạn đọc.
Muốn có một hệ thống bảo vệ thật tốt, chống lại được bọn khủng bố-tin tặc-ăn cắp không thể xài chùa hay giá rẻ mạt đối với nhà cung cấp dịch vụ – Internet Service Provider.Vì thế, trước tình hình này, việc nâng cấp an toàn cho trang Talawas chắc chắn lại phải tiếp tục chờ đợi lòng hảo tâm của bè bạn và bạn đọc.” Lời kêu gọi này lập tức nhận được sự hưởng ứng của bạn đọc.
Thủ đoạn đánh phá
Không chỉ đánh phá các websites này, các hacker còn sử dụng nhiều trò khác như trò ly gián, gây chia rẽ trong nội bộ các thành viên của trangbauxitevietnam.
Khá nhiều người quen, bạn bè của các thành viên trang bauxitevietnam cũng như bạn đọc đã nhận được một email ký tên Phạm Toàn là một trong ba người sáng lập trang bauxitevietnam gửi đến cùng với hai files đính kèm.
Một là lá thư xin rút tên khỏi bauxitevietnam và một lá thư khác tố cáo, nói xấu, bôi nhọ giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Nhờ có sự cảnh báo của bạn bè, vụ việc được phác giác nhanh chóng.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập nhanh chóng đưa sự việc lên trang blog quêchoa của mình với bài “Sự bỉ ổi có phương pháp” cùng với lá thư công bố sự thật của nhà giáo Phạm Toàn nhờ đăng trên một số trang mạng của bạn bè. Nhiều người đã vào comment bày tỏ sự bất bình, phẫn nộ trước trò chơi bẩn này.
Xem ra trong những quốc gia chưa thật sự có tự do dân chủ, cuộc chiến trên mạng giữa một bên là những trang báo điện tử có quan điểm khác với nhà nước, đồng thời cũng là cuộc chiến của đông đảo người dân và quyền được cung cấp thông tin đa chiều, được đọc và viết những điều mình muốn với bên kia là chính quyền với lực lượng an ninh mạng được cung cấp đầy đủ phương tiện, tiền bạc… không thua gì sự đầu tư vào quân đội, an ninh, cảnh sát ngoài đời… là một cuộc chiến sẽ còn kéo dài, gay go.
Nhưng như nhà thơ Hoàng Hưng đã lên tiếng ngay từ khi trang talawas chỉ mới bị đặt tường lửa nghĩa là từ tháng 6.2004: “Những gì các vị cấm đoán, kết án một cách độc đoán, tùy tiện, sớm muộn cũng sẽ đến với công chúng, và như thế chỉ có thể phản tác dụng: khiến công chúng không tin ở sự minh bạch, đàng hoàng của chế độ. Vậy việc làm ấy có lợi hay có hại cho chế độ?”
Nhà văn Nguyên Ngọc thì viết: “Ðấy là hạ sách, của kẻ yếu, và trong thâm tâm biết rằng mình yếu dù bên ngoài có vẻ rất hùng hổ, chứ không phải của người mạnh, dám tự tin ở sức mạnh của mình. Người mạnh thì đối thoại, đàng hoàng và công khai, chứ không dùng bạo lực và lén lút. Là người ở trong nước, tôi thấy xấu hổ thay cho những người thô bạo hung hăng mà thực ra lại rất yếu đó.
Tôi tin là talawas vẫn sẽ đến được với người đọc trong nước. Từ xưa không bạo lực nào ngăn cản được tư tưởng. Còn ngày nay thì về nguyên tắc, dựng được tường thì cũng sẽ có cách phá được tường. Kẻ đi dựng tường chỉ được việc tự làm nhục mình mà thôi”.
Còn trên trang blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập, một blogger có nick name ‘hầu rượu’ khẳng định: “Trang Bauxite bị đánh sập không phải một lần và lại tái xuất cũng không chỉ một lần. Càng qua những “kiếp nạn” như thế này càng chứng tỏ sức sống mạnh mẽ không gì có thể khuất phục được của người Việt chân chính, càng chứng tỏ chỗ đứng vững vàng của Bauxite và sự bất lực của các thế lực đen tối”.