Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân vừa phê duyệt Đề án đưa nội dung phòng chống tham nhũng (PCTN) vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Câu hỏi đặt ra là: Đề án có nói đến kinh nghiệm của Trung Quốc, Thuỵ Điển, Singapore…, nhưng có thực là với 4-5 tiết học (ở THPT, đại học) là đủ để xác lập được “văn hóa chống tham nhũng” hay không? Và, liệu có trở thành phong trào (học cho vui) và tốn tiền (nghiên cứu triển khai Đề án), mất thì giờ (dạy và học), một khi chúng ta cứ tiếp tục cưỡi ngựa xem hoa trong lĩnh vực giáo dục đạo đức?
1. Cái nền móng thứ nhất của “văn hóa” tham nhũng chính là thế hệ cán bộ nhiều mất mát trong chiến tranh và thế hệ cán bộ được đào tạo vội vàng, trao chức quyền rất vội vàng sau chiến tranh. Đấy là những người đã từng có cống hiến rất nhiều cho dân tộc, đất nước nhưng chưa được hưởng thụ; chưa được giáo dục đầy đủ về “văn hóa quyền lực”; nói tóm lại là thiếu hẳn cái tâm, cái tầm, cái dũng khí của một người được giao trọng trách. Những thế hệ cán bộ đó đa số xuất thân từ nông dân – như Lê Nin nói, luôn có tính hai mặt: Là người lao động khi sản xuất lúa mì nhưng là kẻ tư hữu tham lam, khi bán lúa mì. Nếu truy nguyên thì có thể thấy rõ là cán bộ – “nông dân một nửa, công nhân một nửa” khi có quyền lực thì không còn “sản xuất” ra lúa mì nữa mà chỉ “bán” và thu lợi một cách dễ dàng! Không phải ngẫu nhiên mà các vụ tham nhũng ở ta, hơn 80% liên quan đến đất đai – cái nền đầy tính lãng mạn và thực dụng của tư tưởng tiểu nông.
2. Cái nền móng thứ hai là cơ chế quản lý quan liêu, cồng kềnh, lãng phí, đầy hủ tục hành chính và vô số kẽ hở mà cơ chế đó đẻ ra. Thêm vào đấy, các chế tài trừng phạt giơ cao đánh khẽ theo kiểu tham nhũng to bằng con voi nhưng xử lý to bằng con kiến (Vietnamnet, 5.12.2009) đã “góp phần” khuyến khích, tạo điều kiện cho tham nhũng lộng hành. Một khi cán bộ nhiều như thế (cấp phó có 5,7, thậm chí 13 vị) thì sự chồng chéo, ăn không ngồi rồi để nhàn cư vi bất thiện là lẽ đương nhiên. Câu hỏi và câu trả lời đều có: Không phải tự nhiên mà đua nhau học đại học, kiếm bằng cấp cho bằng được rồi đua nhau vào làm ở các cơ quan nhà nước – những nơi ít cần đến tài năng, ít cần sức lao động nhưng nhiều bổng lộc, được ăn trên ngồi trốc; được thỏa mãn lòng tham mà chẳng phải lo gì đến sự trừng phạt. Tại sao không học nước người ở chỗ là họ chỉ cần một hai cấp phó thôi là lãnh đạo được đất nước, địa phương – thậm chí lãnh đạo được cả thế giới? Tham nhũng ở ta đã và đang trở thành một căn bệnh trầm kha nhưng không hề có một ai bị kỷ luật thì làm sao chống tham nhũng? Mặt khác, nếu cứ đi làm, chẳng hạn như công an, lên đến Đại úy rồi mới đi học đại học VHVL để được đeo lon Thiếu tá, thì chuyện cán bộ kém năng lực; bị lợi dụng và tha hồ lạm dụng quyền lực là chuyện đương nhiên.
3. Một câu hỏi cần phải ngẫm kỹ là: Tại sao ở các nước có đức tin tôn giáo bền vững thì tham nhũng rất ít? Chẳng hạn, đạo Hồi coi ăn cắp (tham nhũng) là một trọng tội; còn Công giáo thì một trong 10 điều răn là “chớ tham của người. Chính nhờ cái đức tin (nguyên tắc) bền vững ấy mà xã hội ít hẳn đi những vấn nạn. Đức tin tôn giáo đối với người có đạo cũng như đạo đức của những người không thờ phụng một tôn giáo nào về nguyên tắc là đều dựa trên nền tảng trung thực, nhân ái. Nếu học sinh, ngay từ khi được học buổi học đầu tiên được giáo dục một cách đầy đủ rằng sự trung thực là yếu tố quan trọng nhất của đạo đức, thiếu nó là một con người khiếm khuyết thiếu tự trọng thì chắc chắn giá trị sẽ lớn hơn nhiều so với 4-5 tiết học PCTN. Một khi tính trung thực được coi là kim chỉ nam của cuộc đời, lòng nhân ái là mục đích sống có ích, tốt đẹp nhất thì ăn cắp của người khác, dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là tội lỗi không thể tha thứ, thì làm sao có cái gọi là “văn hóa” tham nhũng? Thông cảm với nỗi đau của người khác, không giành phần bánh nhiều hơn của người khác là đạo đức tối thiểu thì tham nhũng nhất định là kẻ thù của con người.
Mặt khác, xét về tính khoa học, mấy tiết học có đủ để dạy cho học sinh, sinh viên về bản chất, cội nguồn, mánh khóe, các thủ đoạn thường dùng, các cách thức để che đậy, để chạy chức, chạy án… hay không? Câu trả lời là không.
Tiếp đó, tại sao chúng ta không nghĩ rằng gieo vào đầu óc trong trắng của học sinh các thủ đoạn tồi tệ về nhân cách của những kẻ tham nhũng sẽ dẫn đến sự phản tác dụng – thậm chí, làm cho các em hư hỏng nhanh hơn, học cái xấu cái ác nhiều hơn – chữa mù thành đui gấp gáp hơn? Câu trả lời là có. Chắc chắn. Nếu không có dẫn chứng thì bài học không sinh động. Còn đưa ra nhiều dẫn chứng là chúng ta đang làm vẩn đục hóa những tâm hồn thánh thiện. Không thể dạy cho trẻ các thủ đoạn tàn ác khi chúng chưa đủ năm tháng và hiểu biết để nhận thức đúng về tội ác ấy.
Câu hỏi cuối cùng: Xin dẫn ra đây 2 câu chuyện có thật qua ngày 20.11 vừa rồi.
- Một, có người bạn cũng dạy học ở Vinh gọi điện cho tôi, hỏi rằng 20.11 được “mấy chục”? Tôi nghe mà đau mà xót bởi đó dường như là tình trạng phổ biến thời nay.
- Hai, lúc ba mẹ ngồi hỏi nhau xem thử tìm món quà nào tặng cô giáo thì con bé Cún 6 tuổi chen ngang: “Cô con thích tiền”.
Hai ví dụ trên nói lên rằng sự tha hóa của một bộ phận không nhỏ các thầy giáo, cô giáo hiện nay là sự thực 100%. Đừng huyễn hoặc bằng cách tự nhắm mắt, bưng tai trước sự thực ấy. Hãy trả lương sao cho giáo viên đủ sống, có tích lũy để người thầy trở thành tấm gương đầu tiên không tham nhũng trong con mắt của bọn trẻ. Giá trị của sự trong sáng, đáng kính ấy sẽ lớn hơn rất nhiều mấy tiết học PCTN. Trong suy nghĩ cá nhân, tôi cho rằng sự tha hóa về đạo đức của người thầy (bằng thật, kiến thức giả; trí thức mà luôn phải vật lộn, day dứt với đồng tiền) là nguy cơ lớn nhất – còn lớn hơn cả nguy cơ về cơ chế quản lý, trong công cuộc PCTN.
Lòng nhân ái và sự trung thực là hai điều thiếu một cách trầm trọng của xã hội ta hiện nay. Câu ngạn ngữ đói cho sạch rách cho thơm đã và đang trở thành tiếng cười mai mỉa. Tại sao chúng ta không tìm cách cứu dân tộc bằng cách tạo nên một và nhiều thế hệ mới có đủ tính trung thực và lòng nhân ái mà lại làm đen hóa, vẩn đục hóa thế hệ trẻ bằng cách “dạy” cho chúng các thủ đoạn để kiếm tiền? Nếu không cân nhắc kỹ, tính toán các nội dung cần và đủ, thì việc dạy PCTN là vẽ thêm đường cho hươu chạy!
Huế, 06.12.2009.