Sonntag, 13. Dezember 2009

Việt Weekly trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc


Ô Quan Hạ

Sử gia Dương Trung Quốc là một người nghiên cứu rất sâu rộng về các vấn đề Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Ông đã từng được nhiều cơ quan truyền thông quốc tế như BBC, VOA, thường xuyên phỏng vấn. Sau đây là một trao đổi với Việt Weekly lan man về nhiều vấn đề từ lịch sử, quan hệ Mỹ Việt, cho đến tình hình chính trị ở Việt Nam.

VW: Ông nhìn quan hệ Việt Mỹ như thế nào?

DTQ: Năm ngoái, khi ông Chủ tịch Hạ viện Hoa kỳ, Dennis Hastert, viếng thăm Việt Nam, tôi có được mời tham dự trong phái đoàn Việt Nam. Tôi có nói về một chi tiết lịch sử là vào cuối năm 1945, Việt Nam đã đưa ra một thông điệp rõ ràng là Việt Nam chủ trương hoàn toàn độc lập và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ. Tôi có kể một câu chuyện, là người Mỹ đến Việt Nam, nếu tôi nhớ không nhầm là vào năm 1830, thời kỳ của vua Minh Mạng. Ông vua Minh Mạng là một người có đầu óc thông thoáng. Khi ông nghe có phái đoàn Hoa Kỳ đến, ông yêu cầu các quan chức địa phương tiếp đón. Nhưng khi phía Hoa Kỳ gởi tới, trong lá thư gọi nhà vua là “good friend.” Hành động đó không thể chấp nhận được, bị vua Minh Mạng coi là thiếu văn hóa, và ông mới lảng tránh, làm cho đổ vỡ một quan hệ. Sở dĩ tôi nhắc lại chuyện này, là bởi vì vấn đề đầu tiên trong một quan hệ là yếu tố văn hóa. Đương nhiên kinh tế là điều cần thiết, và một biểu tượng cho quan hệ Việt Mỹ là đèn dầu hỏa, bởi vì trong ngôn ngữ tiếng Việt hơn mấy trăm năm qua, họ vẫn gọi đèn dầu hỏa là “đèn Hoa Kỳ” cho dù là nó có phát xuất ở đâu.

VW: Nghe nói ông có sang Mỹ để gặp những người trong nhóm OSS trong thời kỳ Việt Minh?

DTQ: Đó là một chuyến đi có nhiều ấn tượng sâu sắc. Tôi đi cùng với các cụ Việt Minh, sang New York, để gặp các cụ OSS. Sang đấy, các cụ là những người đồng minh cũ gặp nhau. Một cụ đã từng gặp cụ Hồ nói với tôi rằng “Người Hoa Kỳ không có bạn, người Hoa Kỳ chỉ có đồng minh. Và chính cụ Hồ của các bạn hiểu được điều đó, cho nên mới chơi được với Mỹ, mới sử dụng được Mỹ.” Không thể dựa trên lý tưởng, mặc dù người Mỹ luôn luôn nói về lý tưởng. Nhưng quan hệ phải có lợi trước đã. Có một sự kiện của lịch sử là trong tháng 8 năm 1945 lúc giành độc lập, lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Hồ Chí Minh lại là nước Mỹ. Trung quốc lúc đó còn đang mãi đánh nhau Quốc-Cộng.

VW: Nhưng sau đó, sách lược chiến tranh lạnh của Mỹ không cho phép Mỹ hợp tác với Việt Nam?

DTQ: Đó là một bất hạnh. Khi đó cụ Hồ tìm mọi cách, để kéo Mỹ vào. Nhưng tình thế của thế giới lúc đó bắt phải như vậy.

VW: Theo ông, vào thời điểm đó Hồ Chí Minh có thể từ bỏ chủ nghĩa cộng sản nếu thành công trong việc tìm hợp tác của Hoa Kỳ?

DTQ: Ông chưa bao giờ từ bỏ cộng sản cả. Phải hiểu tại sao ông đến với cộng sản? Kinh nghiệm chính trị đầu tiên của ông là không phải với cộng sản mà với chính Hoa Kỳ. Khi ông cùng một số người yêu nước viết bản yêu sách gởi hội nghị Versailles. Ở hội nghị Versailles, ai cũng hy vọng rằng chính sách của Wilson là sau chiến tranh thứ nhất, họ sẽ đứng về phía của những dân tộc bị trị. Trong lúc đó, ông Lê Nin đưa ra cương lĩnh ủng hộ, cho nên sau đó cụ Hồ mới bị cuốn sang đó. Nhưng phải nhớ rằng, mục đính chính của cụ là tìm cách cởi bỏ ách thực dân. Còn về cộng sản, chủ nghĩa xã hội, trên lý thuyết rất đẹp, mặc dầu nó không tưởng. Khi đang sống trong một xã hội vào thời đó, mà có một viễn ảnh đẹp như thế, ai mà chẳng thích. Cụ đi tìm đường cứu nước, và đến với chủ nghĩa cộng sản với tất cả say mê, hy vọng. Nhưng khi cụ đến nước Nga, ông Lê Nin đã mất. Và sau đó Stalin lên nắm quyền. Bây giờ người ta công khai nói đến 7, 8 năm trong thời gian đó, ông Hồ bị cho ngồi chơi, xơi nước, bị đặt bên lề. Ông quá thấm hiểu, thế nhưng ông không phải là người dễ từ bỏ.

VW: Nói “thấm hiểu”, có nghĩa rằng trên thực tế ...

DTQ: Có nghĩa rằng chủ nghĩa cộng sản là một cái gì đó rất xa vời. Thậm chí, nó là một cái không như ông tưởng. Nhưng (tinh thần) chủ nghĩa cộng sản lý tưởng, ông vẫn giữ.

VW: Nếu nước Nga là cái nôi sinh ra cộng sản, mà cũng không thực hiện được, làm sao ông Hồ vào lúc đó có thể nghĩ rằng mình có thể tiếp tục sự nghiệp đó?

DTQ: Theo tôi hiểu, cụ Hồ là một nhà nho. Và tâm thức của nhà nho là họ muốn đi cùng với lý tưởng. Về lý tưởng, chủ nghĩa cộng sản rất đẹp. Có thể nó không thực, nhưng đẹp. Giữa chủ nghĩa cộng sản và thế giới đại đồng trong quan niệm cổ điển rất gần nhau. Hơn nữa, sức hấp dẫn nhất đối với ông vào lúc đó là nó chống thực dân. Nhưng thực tế mà ông trải qua ở nước Nga sô viết, ông đã quá hiểu. Chính vì thế mà ông đi tìm một nguồn lực khác, ông tìm đến Hoa Kỳ. Khi nghiên cứu, tôi đã gặp ông William Duiker (người viết tiểu sử ông Hồ Chí Minh), khi ông Hồ bắt đầu con đường, mà ở Việt Nam gọi là con đường cứu nước, ông muốn đi xem thiên hạ ra sao đã. Vì kiếm sống ông phải tới Paris trước, nhưng nơi mà ông quan tâm nhất, dừng lại thực sự là Hoa Kỳ. Chứ không phải là nước Pháp. Ở Hoa Kỳ ông có được rất nhiều ấn tượng mạnh, và đặc biệt là những tư liệu chính trị. Có một câu ở Việt Nam dùng mỗi ngày như câu khẩu ngữ, mà cứ vẫn cho là của Việt Nam, nhưng thực ra là của Lincoln, là “một nước do dân, của dân và vì dân.” Nó đến với Việt Nam qua ải của Trung Hoa, nó gần với chủ nghĩa tam dân của ông Tôn Trung Sơn. Mà ông Tôn Trung Sơn phương Đông hóa, hay Trung Hoa hóa tư tưởng chính trị Hoa Kỳ. Cho nên cụ bị ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng chính trị đó. Hơn thế nữa, lúc đó cụ nhận ra thêm một điều nữa là, một nước Việt Nam ngàn đời nằm cạnh nước Tàu cần có đối trọng. Pháp đã đóng vai trò như là đối trọng trong thời kỳ thực dân, nhưng cụ thấy là không có tương lai. Vậy trên thế giới còn ai? Liên xô ở xa mà cũng đã có trải nghiệm. Nó chỉ là một thứ chủ nghĩa sô-vanh trá hình thôi.

VW: Sô vanh có nghĩa là gì?

DTQ: Có nghĩa là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Cũng như Trung quốc thôi.

VW: Nếu Mỹ bắt tay với Việt Nam vào thời điểm đó, ông nghĩ rằng Hồ Chí Minh có thể đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để chọn một Việt Nam độc lập trong quỹ đạo của Mỹ hay không?

DTQ: Ông ta có cái hay là ông bảo: chủ nghĩa cộng sản là chuyện của 50 năm nữa. Ông là người rất biện chứng. Lúc đó cụ Hồ không nói cộng sản là một khối, một phe. Cụ nhìn chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng. Chính cụ đã làm điều mà một phần nào người ta đánh giá là cụ đã làm không tới nơi. Cụ đã bất lực trong việc tìm sự hòa đồng giữa 2 lý tưởng là chủ nghĩa xã hội và quốc gia độc lập. Đây là bi kịch vĩ đại nhất. Nếu không hiểu được điều đó, người ta sẽ nghĩ cụ là một người cộng sản như mọi người cộng sản khác. Tôi cho là sai. Nó không lý giải được tất cả những sự kiện. Thí dụ như, lần đầu tiên, cụ đến với ông Lê Nin, cụ bỏ phiếu, cụ có biết gì về cộng sản đâu, hiểu theo nghĩa một học thuyết chính trị. Thấy lý tưởng tốt và nó ủng hộ mình. Nhưng từ khi nghiên cứu lý thuyết cộng sản, cụ nhận ra những khác biệt. Cho nên, bọn tôi hay nhắc đến một tác phẩm, là một bản báo cáo của cụ năm 1954, cụ nói rằng “chủ nghĩa Marx được xây dựng trên thực tiễn của châu Âu của thế kỷ thứ 19.” Mà châu Âu không phải là Việt Nam, cho nên trách nhiệm của chúng ta là phải bổ xung cho nó. Cụ phân tích ở Việt Nam, phân hóa giai cấp chưa đến mức như châu Âu, cho nên đấu tranh giai cấp không phải như thế. Ở Việt Nam, tầng lớp địa chủ vẫn đại diện cho tinh thần dân tộc. Cho nên cụ mới đưa ra tư tưởng đoàn kết. Cho nên cụ tập hợp những người cộng sản đang phân hóa thành Việt Nam Cộng Sản Đoàn, đưa ra một đường lối “Chánh cương Sách lược Vắn tắt” vẫn nuôi tinh thần chủ yếu là... (nghe không rõ) Ngay lập tức, bây giờ ở đây người ta cố gắng không đề cập tới, chỉ trong 8 tháng sau, ông Trần Phú về mang theo một luận cương kiểu của Stalinist. Và ông thủ tiêu “Chánh cương Sách lược Vắn tắt” của Hồ Chí Minh. Thủ tiêu đường lối của Hồ Chí Minh, đổi thành đảng Cộng Sản Đông Dương, và biến nó thành một thứ sô-viết. Nó dẫn đến cuộc bạo động ở Nghệ Tĩnh. Cụ Hồ cũng không còn vị thế của lãnh tụ ban đầu. Phải đến thời kỳ chiến tranh bùng nổ, Quốc tế Cộng sản giải tán đi. Vì lợi ích riêng của nước Nga, cái nhìn của nước Nga về thế giới cũng khác đi.

VW: Trong thời kỳ đó, Trần Phú vượt trội cả Hồ Chí Minh trong vai trò lãnh đạo?

DTQ: Ông Trần Phú là Tổng bí thư. Ông Hồ là thầy, mới tập hợp một nhóm những người yêu nước, trước kia thuộc ảnh hưởng của Phan Bội Châu. Rồi đào tạo. Ông lấy họ Lý. Tên là Lý Thụy. Những người khác như Lý Tự Trọng, vân vân là vào thời đó, từ trong tay ông Hồ đào tạo ra. Ông Hồ mất vị thế lãnh đạo cho đến năm 1940, khi thế chiến bùng nổ, bắt đầu quốc gia nào, tự lo thân phận nấy. Chủ nghĩa sô-vanh của các nước coi đấy là một cơ hội. Trong khi đó, trong nước, đảng cộng sản bị triệt hạ. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cũng vào năm 1940. Lúc đó là lúc cụ mới thực hiện được ý đồ tức là đoàn kết. Lúc đó, cụ nhận ra rằng số phận Việt Nam phải được gắn liền với thế giới. Và số phận của thế giới được quyết định bởi cuộc thế chiến. Nhìn ra được ai sẽ thắng. Cho nên cụ mới tìm đến Hoa Kỳ. Tìm Đồng Minh. Quan trọng là, mà tôi cho đây là tầm nhìn của cụ, sớm đặt Việt Nam vào hàng ngũ của những người chiến thắng, để tạo cho Việt Nam một vị thế, một cơ sở hợp lý để giành độc lập. Chứ thực ra, Hoa Kỳ chưa giúp được cụ Hồ bao nhiêu về mặt thực lực. Một đơn vị nhảy dù xuống, làm một cái sân bay. Gởi vũ khí đến. Thành lập đại đội Việt Mỹ, cũng chưa đánh nhau lần nào. Cũng chỉ đụng độ một tí với Nhật ở Thái Nguyên. Quan trọng là “tôi là người Đồng Minh, tôi là người thắng trận.” Cụ dùng uy của Mỹ để tạo vị thế trong một tình hình chuyển biến quá nhanh, vào năm 1945-1946 do sự kiện Liên Xô và Đông Âu. Chiến tranh lạnh bắt đầu xảy ra. Và thế giới phân cực rồi.

VW: Nếu ông Hồ Chí Minh đã thấy được chủ nghĩa cộng sản trên lý thuyết và thực tế, và nhận thức được tình hình Việt Nam khác châu Âu trong việc đấu tranh giai cấp, tại sao ông lại để cho vụ cải cách ruộng đất xảy ra?

DTQ: Để hiểu được, phải đi sâu vào tình thế lúc đó. Bi kịch của cụ Hồ. Năm nay là kỷ niệm 55 năm kể từ 1953. Lúc đó chiến tranh, Mỹ đứng đằng sau Pháp. Cụ Hồ lấy vũ khí ở đâu? Gặp gỡ thương lượng với bên Tàu. Rồi Tàu họ ép. Có một câu chuyện là giai thoại, nhưng là một giai thoại có thật. Khi cụ Hồ đi cùng với Mao Trạch Đông sang gặp Stalin. Stalin chỉ vào hai cái ghế: “cái ghế này tư bản, cái ghế này xã hội chủ nghĩa, thế ông ngồi ở đâu?” Có nghĩa rằng cụ không có chọn lựa. Có nghĩa rằng nếu anh muốn có vũ khí, anh phải làm như Tàu. Và điều này mới quan trọng: cụ Hồ là một cá nhân đẻ ra một tổ chức, vận hành theo một nguyên lý của nó. Cụ Hồ lại là thiểu số, bi kịch là ở chỗ đấy, mặc dù vị trí rất cao. Chỉ có một lá phiếu. Nói thế này không phải là mình bào chữa cho cụ. Cụ Hồ là người lãnh đạo cao nhất, cụ phải chịu trách nhiệm mọi cái. Theo cách làm của cụ Hồ, thoái tô vân vân, vào năm 1953, trước khi cải cách ruộng đất, có 70-75% đất đai đã giao cho nông dân rồi. Chính những người đồng chí của cụ trong tổ chức bắt đầu bị nhuốm màu... vì lợi ích, vì đồng minh họ cung cấp vũ khí, vì vị thế cá nhân.

VW: Trung quốc có đòi hỏi Việt Nam đi theo chính sách cải cách ruộng đất hay tự mình chọn đi theo chính sách của họ?

DTQ: Họ bắt buộc. Tất nhiên, tôi không nói bắt buộc là sự áp đặt hoàn toàn, nhưng rõ ràng là anh chịu ảnh hưởng, phụ thuộc, cơ chế nó vận hành chứ không phải là ý chí cá nhân nữa.

VW: Trung Quốc ó đòi hỏi Việt Nam đi theo chính sách cải cách ruộng đất hay Việt Nam chọn đi theo chính sách của họ?

DTQ: Họ bắt buộc. Tất nhiên, tôi không nói bắt buộc là sự áp đặt hoàn toàn, nhưng rõ ràng là anh chịu ảnh hưởng, phụ thuộc, cơ chế vận hành chứ không phải là ý chí cá nhân nữa. Đó là một bài học lớn. Sau này cụ Hồ chỉ làm được một điều là cân bằng giữa Liên Xô và Trung Quốc. Vì muốn đánh Mỹ, không thể không có Liên Xô. Trung Quốc có mặt ở đây, nhưng cũng vì có những lợi ích của họ, chứ không phải... Trên thực tế, cụ quá hiểu. Không có tình “đồng chí”, hiểu theo nghĩa... bởi vì Trung Quốc và Liên Xô cũng đánh nhau trong suốt thời kỳ chống Mỹ.

VW: Vậy những người lãnh đạo Việt Nam vào lúc đó có thấy được thực tế đó không?

DTQ: Cho nên cụ Hồ điều hành để kết thúc được chiến tranh, như vậy là cụ đã quá giỏi, trong tình thế đó. Nhưng mà nó lại là bi kịch. Cho đến khi mà ông Lê Xuân Khoa nói là tính ủy nhiệm, là anh vừa đánh, nhưng vừa đặt lợi ích dân tộc lên tối cao. Khó là làm sao đạt được lợi ích của dân tộc mình, mà vẫn thỏa mãn được phần nào những yêu sách của phía đồng minh của mình. Lúc giải phóng Sài Gòn, nó bộc lộ ra. Trung Quốc không muốn. Lợi ích của Trung Quốc không phải là như thế. Họ muốn dùng vùng đệm. Họ mặc cả trên lưng của người Việt Nam. Việc Việt Nam kết thúc được chiến tranh theo trạng thái đấy, nó có lợi cho Liên Xô, nhưng Liên Xô có ít lợi ích vì chỗ ấy. Rõ ràng là cái gì chống lại Trung Quốc, thì nó ...

VW: Anh nghĩ sao về việc cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký lá thư ...

DTQ: Tôi cho đấy là một sự ấu trĩ. Một là chưa có được một tầm nhìn xa, tầm nhìn quốc tế. Lúc đó, chỉ nghĩ, Trung Quốc là đồng chí. Giữa lựa chọn đồng chí và thực dân, trên bản đồ, Indochine-France, Đông Dương thuộc Pháp, và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thì chọn Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa gần hơn là Pháp. Đấy là một sự không tưởng. Còn có chịu sức ép hay không, tôi không biết. Nhưng chắc chắn trong đó có một sự không tưởng. Chính sự không tưởng của một số nhà lãnh đạo đã dẫn đến một số tai họa. Khi anh bị hấp thụ một yếu tố ngoại lai nó không phù hợp, và đôi khi nhân danh một cái gì đó cao hơn dân tộc, rõ ràng đã coi thế giới đại đồng là một cái gì lớn lao ...

VW: Trước thực tế giữa Liên Xô và Trung Quốc hục hặc đánh nhau như thế mà vẫn ...

DTQ: Nhưng Việt Nam lúc đó không có sự lựa chọn. Đang ngồi trên lưng con hổ chiến tranh, làm sao lựa chọn được nữa.

VW: Lá thư đó có giá trị pháp lý gì không?

DTQ: Lá thư đó là gì? Là công hàm của ông Đồng, khi Trung Quốc thông qua luật về hải phận, ông ấy công nhận. Giữa quan hệ hai nước đồng minh với nhau, việc công nhận là bình thường, nhưng ông không lường được là Trung Quốc vận dụng cái đó, Hoàng Sa nằm trong ... Nên nhớ, người ta còn tìm được ra những bản đồ trong sách giáo khoa. Hồi đó mình dựa vào Trung Quốc, họ in sách giáo khoa cho mình, và mở ra trường học ở phía Nam Trung Quốc cho các con em Việt Nam sang ấy học. Sách giáo khoa ngay hồi đó đề những đảo ấy thuộc Trung Quốc.

VW: Vậy thì Việt Nam hiện giờ có cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không?

DTQ: Có, nhưng mà nó phải ở chỗ khác. Theo tôi nghe, không biết có chính xác hay không, chính đấy là một trong những ray rứt nhất của ông Đồng. Nhưng đương nhiên, đối với lịch sử, ông phải chịu trách nhiệm. Đấy, cho nên chủ nghĩa cộng sản, đôi khi có những cái nằm ngoài ý muốn của mọi người.

VW: Ngày nay với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, trước trào lưu dân chủ ở khắp nơi trên thế giới như vậy, anh có nghĩ rằng Việt Nam sẽ đi dần về khuynh hướng dân chủ không?

DTQ: Dân chủ, Việt Nam chưa bao giờ nói không có dân chủ cả. Có một thời kỳ khi người ta nói rằng thế giới chia ra hai phe, phe đế quốc và phe dân chủ. Việt Nam luôn luôn nói rằng mình thuộc phe dân chủ. Ví dụ như mặt quần áo, ví dụ như của Liên Xô hay Hungary, gọi là đảng dân chủ. Vậy thì Việt Nam tự cho mình là dân chủ chứ. Khái niệm dân chủ, tôi cho rằng là một tài sản chung của nhân loại. Nhưng mà đến với nó, không phải chỉ bằng một con đường duy nhất. Do hoàn cảnh lịch sử của từng quốc gia. Ví dụ như, tại sao lại có dân chủ của Việt Nam? Anh cứ nhìn các nước phương Đông, gần như nó phải qua thời kỳ quân chủ, tạo ra nền tảng để dân chủ phát triển.

VW: Ý anh muốn nói tới Đài Loan, Hàn Quốc?

DTQ: Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia. Đừng nghĩ là thượng tầng chính trị đẻ ra thượng tầng dân chủ. Mà thượng tầng chính trị độc tài ấy đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng xã hội. Và chỉ khi nào, có một hạ tầng tương xứng, mới có dân chủ ở trên được. Dân chủ là một hạt giống không phải lơ lửng trên không, mà phải có miếng đất của nó. Miếng đất của dân chủ là gì? Là hữu sản. Là sở hữu. Việt Nam có một lịch sử phát triển không bình thường, chính là ở chỗ đó. Là nó không tồn tại một tầng lớp sở hữu lâu bền. Suy cho cùng, tại sao Việt Nam lại như thế? Tại vì địa lý chính trị, nằm cạnh Trung Quốc. Số phận của nó chung thân với Trung Quốc. Cho nên trong một bề dày lịch sử rất dài, để người Việt Nam tồn tại, đôi khi phải hy sinh sự phát triển. Mà tồn tại vững bền nhất chính là chế độ công hữu, tức là chế độ làng xã. Khi nghiên cứu thời kỳ quân chủ của Việt Nam, nó đã khác các nơi khác rồi. Nếu mà nó giống, dân tộc Việt Nam đã rơi vào số phận của các tộc Việt khác rồi. Là trở thành Hán hóa ngay. Bởi vì sức hút Hán hóa quá mạnh, cả nền văn minh lẫn thế lực của nó. Để Việt Nam tồn tại rất lâu dài, là một khoảng cách phát triển không bình thường. Tiêu biểu nhất là chế độ làng xã. Bởi vì làng xã là yếu tố vững bền. Anh thấy đó, giặc đến có giữ thành đâu? Các cụ bỏ thành, các cụ về quê. Sau đó, dùng làng xã, sức mạnh đấy cộng với nhiều yếu tố khác. Làng xã là gì? Làng xã là cuộc đấu tranh thường xuyên giữa hai nhân tố là tư hữu và công hữu. Công hữu bảo đảm sự vững bền, vững chắc của quốc gia. Còn tư hữu là yếu tố phát triển. Khi nào tư hữu phát triển mạnh lên, nó chia lại chế độ quân điền. Cho nên mới có câu “giàu không ba họ, mà khó không ba đời”. Chính vì không có tầng lớp hữu sản đấy, cho nên nó không nảy nở được cái gì trên đó cả! Nó chỉ nảy nở một chủ nghĩa dân tộc thôi. Rất là mạnh mẽ. Kinh tế không phát triển, không mở mang được, nó phải cấu kết nhau lại để ... Một điều nữa là chức năng của nhà nước phương Đông. Nhưng mà, chủ yếu là để tồn tại bên cạnh Trung Quốc. Kể cả vấn đề văn hóa. Lũy tre không phải để chỉ chống đạo quân xâm lược, mà bản thân lũy tre cũng giữ gìn bản sắc dân tộc trước những xâm thực văn hóa. Ông cha ta giỏi là đã trụ lại được. Cuối cùng lối thoát của chúng ta là gì? Là Nam tiến. Và ông cha ta đã thành công trong chuyện ấy. Cho đến thế kỷ 16, 17, sau chiến thắng giặc Minh của nhà Lê. Nhưng di họa là nó không kích thích. Vào thời điểm đó, đã bắt đầu xuất hiện những yếu tố hội nhập với thế giới rồi. Và chính yếu tố đó khiến mình không đứng trụ nổi với [giai đoạn thuộc địa].

VW: Nói như vậy có nghĩa là hiện giờ Việt Nam đang có vài ba yếu tố lớn đang ảnh hưởng lên nó. Một là bản tính cố hữu của xã hội Việt Nam dựa trên văn hóa làng xã, công hữu. Hai là nhu cầu phát triển kinh tế chung của thế giới đang lôi Việt Nam đi vào một quỹ đạo mới.

DTQ: Không, chúng ta phải nhìn như thế này. Tôi nhìn lịch sử Việt Nam là một sự tiếp nối của phong trào đổi mới, duy tân ở đầu thế kỷ 20. Một thế kỷ không phải là dài đâu. Ý nghĩa lớn của cuộc duy tân đầu thế kỷ 20 là sự hội nhập với một thế giới ngoài Trung Hoa. Trong trường kỳ lịch sử của Việt Nam, mọi cái, nhất nhất đều là Trung Hoa. Kể cả những văn minh, mình học hỏi ở họ. Tất cả. Có thời, Việt Nam cái gì cũng muốn giống Trung Hoa. Thời kỳ mình chống thì muốn khác Trung Hoa, cho đến khi mạnh rồi, lại muốn giống Trung Hoa. Trung Hoa là hoàng đế, ta cũng phải xưng đế. Trung Hoa đội mũ bình thiên, ta cũng phải đội mũ bình thiên. Trung Hoa có Kỷ Tín là dịch bào cứu tướng, ta cũng có Lê Lai liều mình cứu chúa. Thậm chí, có hai trạng thái. Một thời kỳ là mình thể hiện mình khác họ. Rồi một thời kỳ, mình giống họ, như họ. Đó là toàn bộ lịch sử Việt Nam. Đương nhiên, thế kỷ 16, 17 đã có sự xuất hiện của người phương Tây, nhưng yếu tố đó còn xa lạ. Cho đến đầu thế kỷ 20 có yếu tố là những nhà yêu nước có tư tưởng duy tân đã vượt được qua khỏi mặc cảm bị nô lệ. Cho nên cuộc hội nhập vào thế giới ngoài Trung Hoa cực kỳ quan trọng. Và việc làm đầu tiên khi hội nhập với một thế giới ngoài Trung Hoa là gì? Khi hàng loạt những hệ thống giá trị cũ bổng nhiên bị lỗi thời. Chữ Hán bỏ đi. Nền thi cử làm quan bỏ đi. Học theo khoa học và ý niệm phương Tây. Dân chủ là gì? Dân chủ là quyền lực ... những người nô lệ không cần có tự do, chỉ có những người hữu sản mới cần có dân chủ. Cho nên dân chủ là sản phẩm của một xã hội vật chất tư sản. Thế nhưng các cụ nhà mình, như Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, nhìn thấy, nhưng không đi được. Thực ra, cụ Hồ cũng chỉ là người đi theo các cụ ấy thôi, cũng chỉ là người kết tục thôi, nhưng cụ Hồ biết cách vượt qua được. Cho nên, chỉ cần nhìn vào một thời kỳ lịch sử rất ngắn thôi, năm 1945-1946, sẽ thấy cụ Hồ đã chọn lựa như thế nào. Cụ có đủ năng lực đưa nước Việt Nam vào một quỹ đạo phát triển tiên tiến nhất. Chế độ dân chủ cộng hòa, một các quốc hội, tất cả những tập quán, rất tiên tiến. Từ phiên họp đầu tiên của quốc hội, người chủ trì là người cao tuổi nhất. Những chất vấn trong quốc hội, từ ông chủ tịch trở đi. Cụ muốn tạo ra một nền tảng. Tất cả những gì mà ngày hôm nay gọi là lề lối, cụ đã chuẩn bị sẵn sàng. Hơn cả bây giờ nữa. Mở cửa còn rộng hơn cả bây giờ. Anh cứ đọc Tuyển tập Hồ Chí Minh, 1945-1946. Hồi đó cụ đã tuyên bố là nước Việt Nam muốn đảm bảo tất cả những yếu tố dân chủ, không muốn gây thù oán với ai. Muốn vào Liên Hiệp Quốc ngay. Muốn mở cửa tất cả, mời người Pháp, mời người Mỹ vào chia sẻ hợp lý tất cả những lợi ích. Bất hạnh là lịch sử thế giới chuyển qua Chiến Tranh Lạnh.

VW: Quan niệm về dân chủ ở Việt Nam có khác của thế giới không?

DTQ: Ở Việt Nam chưa từng ... Ở hải ngoại cứ nói rằng ở Việt Nam, các ông cộng sản độc tài. Nhưng chữ độc tài nửa vời. Nó không được rõ ràng. Nếu đi vào nhưng chi tiết cụ thể với những tiêu chí của đời sống của phương Tây, nó có vẻ độc tài. Thực ra nó không hề độc tài. Nhưng dân chủ nó không ra dân chủ. Chính chất dở dang ấy đã làm cho Việt Nam phải trải qua một thời kỳ ... mà đến bây giờ mới có cơ hội. Bây giờ bảo phải dân chủ, khi tầng lớp sở hữu chưa có. Cho nên điều lớn nhất đang diễn ra hàng ngày hàng giờ ở đây này, và chính là nó nhanh chóng hình thành tầng lớp hữu sản. Điều này cũng giống Trung Quốc, nhưng Trung Quốc họ nhìn thấy và họ chủ động. Nâng tầng lớp dân trí, họ đưa ra quan điểm, cứ phải có người giàu đã. Rồi người giàu họ kéo người nghèo lên. Nhưng Việt Nam là một nước nhỏ, tư tưởng nhân dân vẫn nặng nề. Hơn nữa nền tảng xã hội Trung Hoa, từ lâu đã phát triển cao hơn mình. Xa xưa, ở mình là tầng lớp quý tộc. Sau đó, tầm thương mại qua ngưỡng tầng lớp hữu sản dưới thời thực dân, nhưng nó èo uột, có đáng là gì. So ra mình chẳng có gì nhiều cả, chỉ có duy ý chí. Ngay cả tầng lớp tư sản ở miền Nam, cũng nằm trong hoàn cảnh chiến tranh. Cho nên thực chất, mình chưa có tầng lớp hữu sản.

VW: Tại sao những nước như Đông Âu, hoặc Nam Phi cũng có môi trường tương tự với Việt Nam có thể làm được những cuộc cách mạng dân chủ mau chóng?

DTQ: Anh nhầm. Châu Âu là một vùng đất phát triển của tư bản.

VW: Còn Đông Âu?

DTQ: Đông Âu cũng vậy thôi. Nó chỉ gián đoạn thôi.

VW: Còn Nam Phi?

DTQ: Nó là cựu thuộc địa của Anh.

VW: Ở Nam Phi đại đa số quần chúng là vô sản.

DTQ: Con số hữu sản về mặt bề dày thể hiện chất lượng. Chứ còn bản chất của nó không thay đổi. Dân chủ là nói về phân chia quyền hành trong xã hội. Chưa có tài sản làm sao nói đến dân chủ được? Đôi khi, mình cứ thổi lên là mình có truyền thống dân chủ, có làng xã, có mấy ông trong hội đồng dân biểu làng xã các thứ. Đó chỉ là manh nha của thời kỳ mà tôi nói là “phát triển không bình thường” của những miếng đất bị chia đi, chia lại, theo một tập quán chưa ổn định, chưa phát triển. Ở một quốc gia mà câu khẩu hiệu là “lấy của người giàu chia cho người nghèo” đã trở thành đạo lý. Nó có thể là câu khẩu hiệu chính trị, nhưng không thể ... Nhưng quan trọng hơn cả là hạ tầng cơ sở không có cơ sở gì để phát triển. Cho nên, cái mà hiện nay đang diễn ra ở khắp tầng lớp Việt Nam là đúng theo tiến trình để dân chủ hóa có thể xảy ra. Tiến trình đó với những nước khác có thể kéo dài cả thế kỷ đầy máu lửa.

VW: Nhưng vấn đề hữu sản, hiện giờ trên nguyên tắc, đất đai vẫn thuộc về nhà nước, cho thuê trong vòng bao nhiêu năm, chưa thực sự thuộc quyền sở hữu của người dân để làm nên giới hữu sản.

DTQ: Nó chỉ là một thời kỳ. Anh cứ nhìn Trung Hoa như thế nào, nó sẽ như thế đấy. Rồi đây sẽ có những thay đổi.

VW: Để biến chuyện sở hữu đất đai trở thành vĩnh viễn?

DTQ: Thì anh thấy đấy. Khái niệm đất đai ở phương Đông. Quyền sở hữu của nhà nước là hư quyền. Chỉ vào đâu là nhà nước? Hỏi ra, chẳng biết nhà nước là ai cả. Trong khi đó, quyền sử dụng đất về mặt bản chất là thực quyền.

VW: Mặc dù là hư quyền, nhưng nếu chưa công nhận quyền sở hữu đất đai, trên nguyên tắc, luật pháp có thể thay đổi để tịch thu lại cho chính quyền hay không?

DTQ: Luật pháp là ai?

VW: Là ai?

DTQ: Là con người. Con người nhân danh luật pháp.

VW: Con người đó hiện giờ là một tập thể thiểu số.

DTQ: Quyền sở hữu của nhà nước là hư quyền. Quyền sử dụng là thực quyền. Và quyền định đoạt là đặc quyền. Nói nhà nước là nói chung chung. Nhà nước cộng sản là ông huyện, ông tỉnh, ông trung ương, và những quyền lực ở đó chi phối. Vì lợi ích nó chi phối. Nếu kẻ qua đường này thì nói là đất làm công nghiệp. Nhưng mà những cái đó cũng không phải là của nhà nước. Nhà nước là một cái gì hư vô. Nó thuộc về một nhóm người nào đó, cá nhân nào đó, cụ thể. Cho nên, nhìn thấy trước là nó sẽ có một cái gì đó quá độ. Quyền sử dụng miếng đất này là 30 năm, miếng đất kia là 50 năm. 30 năm, 50 năm trong thời kỳ chuyển đổi này là ghê gớm. Không ai lường trước được. Bây giờ đã có một vài vấn đề bức xúc rồi, vậy thì 14 năm nữa, hàng vạn người sử dụng đất đai, một cái thay đổi ... Khi nó chín mùi, nó sẽ xảy ra.

VW: Hồi nãy anh có nhắc đến những kinh nghiệm dân chủ phương Đông như Nam Hàn, Đài Loan, kinh qua giai đoạn độc tài, tạo ổn định để phát triển kinh tế và xây dựng tầng lớp hữu sản. Nhưng khi, chuyển tiếp qua dân chủ thật sự, vẫn có những biến động xáo trộn như cuộc sinh viên xuống đường ở Nam Hà cuối thập niên 1980 hay, cuộc bầu cử ở Đài Loan vào năm 2000.

DTQ: Tôi nói quy luật nó là như thế, nhưng đương nhiên là bất kỳ một nhà lãnh đạo nào cũng không mong muốn những điều tiêu cực xảy ra, cho nên nó còn tùy thuộc vào những tình hình thực tế. Rõ ràng ở Việt Nam, có một tâm lý chung là rất ngại sự đảo trộn. Dân tộc đã trải qua quá nhiều biến cố. Đấy là tâm lý tôi cho là tích cực. Đương nhiên, có người lợi dụng tâm lý đó. Nhưng tôi cho là phải đi đúng tiến trình của nó. Xin lỗi, anh là người nước ngoài, anh cứ đứng ở ngoài để nói ... nhất là bây giờ anh lại là công dân Mỹ, cứ mong muốn Việt Nam phải dân chủ như là nước Mỹ. Vô lý! Tôi cho rằng nước Mỹ vì lợi ích khác, chứ không phải vì dân chủ thật sự. Tôi công nhận rằng nó có một hệ thống của nó khó lý giải, nhưng với những người từng trải ... Cho nên cái đó, tôi cho là không thực. Hay nói đến ngay bản thân của một số vị trong nước. Nói dân chủ, đứng trên mặt ai cũng muốn hướng tới một tương lai tốt đẹp, mình quý trọng. Nhưng không có thực tế. Phần lớn cũng là những người thoát thai từ trong chế độ này ra chứ có phải gì đâu. Ví dụ như cụ Hoàng Minh Chính, cụ còn cực đoan hơn cả những người khác nữa. Chỉ khi nào người ta hết quyền lực, người ta mới cảm thấy dân chủ là một cái gì tha thiết. Tôi bảo đảm những người đó khi còn quyền lực thì họ ... Tôi không có ý bài bác ai cả, nhưng quy luật tư duy là như thế. Cho nên, cuối cùng ở đây, mình có thể không thỏa mãn với giới lãnh đạo, nhưng mình phải nhìn thấy những bước đi. Và bước đi đấy, anh nhìn vào đâu, anh nhìn vào việc hình thành tầng lớp hữu sản. Trong tầng lớp hữu sản có cả những nhà lãnh đạo chứ. Cho nên, người ta nói “cứ xem con ông là như thế nào, sẽ biết được tương lai.” Bài học Trung Quốc là rõ nhất. Bài học Việt Nam cũng chỉ là một phiên bản. Con ông cũng trở thành doanh nghiệp cả. Con ông đi học ở các hệ thống của các xã hội tiên tiến, dân chủ.

VW: Anh có nghĩ rằng có một nguy cơ nào đó, khi mà những tài sản của đất nước được tư hữu hóa, nó lọt vào những tập đoàn nhỏ, rồi cuối cùng trở thành một thiểu số khống chế đất nước qua phương tiện kinh tế, ví dụ như đã từng xảy ra ở Nga hay những nước Nam Mỹ?

DTQ: Đó là một hướng mà mình cần phải đấu tranh. Hiện nay, tôi cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chính là góp phần làm chuyện đó. Anh không thể hạn chế sự sở hữu tư nhân. Anh phải thúc đẩy nó. Nhưng mà nó phải là sở hữu của số đông. Và phân tầng, tầng giữa, phần của tầng lớp sở hữu nó sẽ quyết định chế độ chính trị của tương lai. Còn hai phần cực thấp và cực cao, nó sẽ thu hẹp dần. Đó là lý thuyết, nhưng về mặt thực tiễn đời sống, nhất nhất có phải là lý thuyết đâu.

VW: Về mặt thực tế, từ trong vài năm qua, phong trào đấu tranh chống tham nhũng, anh có cho là có những tiến bộ tích cực hay không?

DTQ: Hiệu quả đầu tiên của nó là sự nhất trí về mặt quan niệm. Tôi cho đó là điều quan trọng. Còn lại là vấn đề giải pháp. Giải pháp là đừng lý tưởng hóa. Bao giờ người ta trong bất kỳ những hành động nào, cũng phải bắt nguồn từ lợi ích của mình đã. Và đương nhiên, họ có thể nói những lợi ích cao cả, đẹp đẽ khác để duy trì được quyền lực lâu nhất của họ. Cho nên, tôi là người nhìn vấn đề, không muốn dùng chữ lạc quan nhiều, nhưng mà tôi cho là đang thuận. Xu thế hội nhập là một điều cực kỳ quan trọng, để mình có thể tạo ra được một hành lang tương đối là an toàn. Mình chỉ có thể trông cậy vào chính mình, chứ không thể phụ thuộc vào ai được cả. Để mình có thể phát triển.

VW: Anh là Nghị sĩ trong Quốc hội Việt Nam. Có vẻ gần đây, Quốc hội ngày càng được đề cao, và sinh hoạt công khai hóa và có nhiều ảnh hưởng hơn. Điều đó có đúng không? Nếu quả vậy, theo tiến trình đó, anh thấy vai trò của Quốc hội Việt Nam trong tương lai sẽ như thế nào?

DTQ: Nếu như đánh giá, vừa rồi có sự chuyển đổi giữa nhiệm kỳ 11 và 12, để thử xem tiến hay thoái. Thế nhưng, tôi không nhìn từ khía cạnh đó. Nếu như mong muốn, nó vô cùng. Nhưng phải nhìn vào thực tiễn. Xu thế là thay đổi. Đó là tất yếu. Xu thế không thể ghìm lại được cho ai cả.

VW: Xu thế đó là gì?

DTQ: Xu thế là dân chủ. Dân chủ dần. Con người ý thức được điều đó, như là một lợi ích chung cho xã hội. Và cho chính mình. Bởi vì mỗi người đã là người sở hữu rồi, họ cần dân chủ chứ. Thời kỳ xa xưa, chỉ cần ký lệnh nào đó là họ tịch thu tài sản, bây giờ không ai có thể làm điều đó được. Yếu tính dân chủ thể hiện ở chỗ là quyền được sống. Thế còn quan niệm tài sản mình như thế nào, nó tùy thuộc vào lợi ích. Con người nào chẳng muốn lợi về phía mình? Đừng ảo tưởng cho rằng cái lợi là xa xôi. Cái lợi nó quan trọng, nhất là tìm được lợi ích của cá nhân trong cộng đồng.

VW: Hiện giờ hệ thống đảng và hệ thống chính phủ có vẻ lấn cấn hoặc giẫm chân lên nhau, hướng giải quyết là để nó từ từ tiêu hóa bởi xu hướng mà anh nói tới, hay phải giải quyết bằng những quyết định với những quyết tâm, nghị lực chính trị?

DTQ: Tôi không nghĩ như thế. Tôi nghĩ rằng ai ý thức được xu thế phát triển, người đó sẽ tồn tại được. Bản thân một tổ chức chính trị cũng phải ý thức được xu thế và làm những thay đổi thích hợp. Chứ còn còn gọi nó là cái gì thì ... tôi cho rằng không nên “duy danh định nghĩa.” Vấn đề là bản thân của những người lãnh đạo ấy có đáp ứng được lợi ích chung của xã hội hay không. Còn chúng tôi cũng không lý tưởng hóa họ như ông thánh. Nên mình phê phán điều mà mình cũng biết rằng, nếu có rơi vào mình cũng không làm gì hơn được. Anh nhận thức ra tất yếu chính là tự do.

VW: Qua một đề tài khác, trong quan hệ tam giác Mỹ-Việt Nam-Trung Quốc, có phải trong giai đoạn này, Việt Nam muốn đầu tư vào một quan hệ có tầm vóc chiến lược hơn với Mỹ để giải tỏa sức ép của Trung Quốc hay không, mặc dầu trên bề mặt, chính quyền Việt Nam có thể không xác nhận điều này? Có phải Việt Nam và Mỹ gần lại với nhau hơn trong một mục tiêu chung là đối phó với Trung Quốc?

DTQ: Tôi nghĩ đơn giản hơn nhiều. Có lẽ không riêng gì Việt Nam mà cả thế giới đều ý thức được rằng thời đại này không còn là thời đại của independence (độc lập) mà là thời đại của interdependence (phụ thuộc hỗ tương). Sự tồn tại độc lập của một nước nằm trong mối liên kết với nhiều nước. Thế thì phân tích tình hình Trung Quốc và Mỹ, đều là nhân tố rất lớn. Một cái là truyền thống, một cái là mới. Một cái ở quá xa, bây giờ kéo lại gần. Một cái gần, bây giờ đẩy ra xa một tí, thế thì cân bằng. Đơn giản thôi. Đương nhiên Trung Quốc là một mẫu hình rất đáng chú ý. Bởi vì dẫu sao, họ cũng còn gần với mình, kể cả về bước phát triển. Những thành công của Trung Quốc đáng học hỏi. Những chủ nghĩa kỳ thị là nguy hiểm. Anh đừng nhân danh quá khứ. Thế giới đã thay đổi quá nhiều rồi. Quá khứ của mình biệt lập, chỉ có mình với Trung Hoa là kẻ đô hộ. Chứ bây giờ mình là thế giới, mình phải tìm tất cả nguồn lực chứ. Tôi cho rằng Trung Hoa là vĩ đại. Và đương nhiên, nước Mỹ cũng sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều nguồn lực để tạo ra sự cân bằng. Tôi cho rằng ý thức Việt Nam là một quốc gia như thế nào, nằm ở đâu, xác định tọa độ của mình, trình độ phát triển, cũng như sự tồn tại lâu dài, phải thấy rằng sự cân bằng là quan trọng.

VW: Anh là người nghiên cứu suốt chiều dài của lịch sử, anh thấy có gì đặc biệt về bản sắc, cá tính của dân tộc Việt Nam, mà nó có thể giúp ích hay gây thiệt hại cho chỗ đứng của Việt Nam trong một môi trường toàn cầu hóa?

DTQ: Soi vào gương, có nhiều gương. Ở trong nước gần đây cũng có xu hướng là xem xét lại, đặc biệt là quan tâm những điều tiêu cực theo kiểu “Người Trung Hoa xấu xí” gì đó. Đấy là một cách. Nhưng tôi có một cái nhìn lạc quan hơn, cũng do hoàn cảnh của mình. Cho nên Việt Nam hình như, để tồn tại phát triển, nó có một năng lực hội nhập mạnh hơn. Năng lực ấy có thể nhìn cả ở mặt tiêu cực của nó, ví dụ như là tính cơ hội. Mặt tích cực của nó là tính năng động, tính thích ứng. Một quốc gia ăn đũa, mà là nước Francophone, nói tiếng Pháp, mặc dầu chỉ là hình thức thôi. Một nước mà trong lịch sử, ngoài vị trí địa lý của nó, nó nằm khớp nối giữa 2 nền văn minh lớn là Trung Hoa và Ấn Độ, nó tiếp thu trong lịch sử. Nó là một nước nằm trên một tuyến đường giao thông rất sớm, để có thể tiếp cận với phương Tây vào thế kỷ thứ 17, 18. Đặc biệt là thế kỷ 20 dữ dội. Người ta hay nói đến chiến tranh, tàn phá, ngay cả chủ nghĩa thực dân, nhưng đặc biệt là không thể không nhận ra đằng sau nó có những điểm tích cực. Nếu chúng ta biết cách biến thành cơ hội, nó có thể biến thành lợi thế cho người Việt Nam. Nhìn lại những cuộc di dân lớn trong lịch sử, ví dụ như cuộc di dân từ Bắc vào Nam, rồi cuộc di dân ra nước ngoài sau năm 1975. Nhìn về mặt tiêu cực, nó là nỗi đau, thậm chí là một chiến tranh. Nhưng về mặt tích cực, nó là một lợi thế, trong khi không có nhiều quốc gia có nhiều cộng đồng kiều bào ở nước ngoài. Hội nhập với các quốc gia ấy để tiếp thu được nguồn sức mạnh của họ. Vấn đề là anh có thu hút được không. Đó là vấn đề chính trị, chính sách. Cách nhìn ấy cũng là cách nhìn cơ hội chăng, nhưng tôi cho rằng Việt Nam đang có một năng lực hội nhập do lịch sử để lại, nếu như được khai thác, tôi cho rằng vĩ đại. Có thể nhiều người phê phán người Việt Nam không cụm lại được như người Trung Hoa, nhưng đó không phải là con đường duy nhất để phát triển.

VW: Nãy giờ nói chuyện, anh nhắc nhiều đến Trung Quốc, điều đó có liên quan gì đến tên của anh là Dương Trung Quốc hay không?

DTQ: Không (cười). Đấy cũng là cái khổ đấy. Ta rất là ca ngợi chữ quốc ngữ, nhờ Latin hóa, cho nên tiếp cận với văn minh phương Tây rất nhanh. Thế nhưng, chúng ta đánh mất đi một di sản tích tụ từng hàng nghìn năm chúng ta sử dụng chữ Hán làm chữ viết của mình. Cho nên, vốn Hán-Việt và các ghi tự bằng Latin, tạo ra nhiều chữ đồng âm khác nghĩa. Chữ “trung” chẳng hạn. Có thể là “trung tâm.” Trung Hoa tự cho mình là nước trung tâm. Nhưng nếu chữ trung có thêm chữ tâm vào dưới, là bên trong lòng mình là “trung hậu”, “trung thành”. Thực ra, tên của tôi là “trung thành với tổ quốc.” Cũng vì hoàn cảnh riêng tư là khi tôi còn nằm trong bụng mẹ, ông bố tôi ở lại Hà Nội đánh với Tây, ông có dặn mẹ tôi là nếu sinh con trai ... Có lẽ, trong không khí, hào khí lúc đó. Sau đó ông hy sinh, ông chết. Mẹ tôi đặt tên cho tôi là Dương Trung Quốc.