“… Khi các vị lãnh đạo đảng và nhà nước lên truyền hình nói chuyện là người ta thấy thối, mặc dù họ nói toàn chuyện đúng như là chống tham nhũng, xoá đói giảm nghèo, săn sóc sức khoẻ cho nhân dân, cải tiến giáo dục v.v…”
Hắn khoe con gái vừa trúng tuyển vào một trường y danh tiếng. Đó là một tin vui lớn; ở Mỹ khi người ta nói có con bác sĩ là một cách kín đáo người ta khoe giàu. Tuy vậy hắn không có ý định nó, chính hắn đã là bác sĩ, cũng như vợ hắn. Lý do khiến hắn khoe với tôi là vì hắn đã thuyết phục được con gái theo học một chuyên khoa rất mới, đầy hứa hẹn mà chưa một bác sĩ Việt Nam nào biết tới: môn hỗn giác.
Trước sự ngơ ngác của tôi hắn giải thích:
-"Hỗn giác" là một từ chưa có trong ngôn ngữ y học Việt Nam, do chính tao đề nghị để dịch từ synesthesia. Đó là một thứ bệnh thần kinh rất lạ. Bệnh thần kinh chứ không phải bệnh tâm thần. Bệnh nhân không điên nhưng năm giác quan nghe, nhìn, sờ, nếm, ngửi pha trộn với nhau một cách vô lý. Y học mới khám phá ra bệnh này, nó còn trong giai đoạn khảo nghiệm, số bác sĩ chuyên khoa rất ít dù số bệnh nhân khá đông, cứ một trăm người thì ba người bị. Người Việt Nam không hề biết tới, mặc dù theo tao quan sát trong những lần về thăm nhà tỉ lệ người bệnh rất cao, có thể hơn 50%. Con gái tao sẽ là bác sĩ chuyên khoa Việt Nam đầu tiên về môn này.
-???
-Thí dụ như khi mày ăn một trái cam là tự nhiên nhìn thấy mầu tím, hai giác quan nếm và nhìn tự động phối hợp với nhau một cách vô lý.
-Chưa chắc đã hoàn toàn vô lý, có thể chỉ là sự liên tưởng. Như trường hợp của chính tao đây, mỗi lần nghe nói tới cà ri dê là tự nhiên lưỡi thấy cay, mũi ngửi thấy mùi thơm.
Hắn xua tay ngắt lời tôi:
-Không phải! Không phải! Trường hợp của mày chỉ là sự liên tưởng bình thường do sự thử nghiệm thường xuyên một quan hệ nhân quả, như con chim bị bắn hụt vài lần hễ nhìn thấy cây súng là hoảng sợ, hay như người Việt Nam hễ nghe nói tới hai tiếng "quan chức" là tự nhiên nghĩ tới tham nhũng, "cộng sản" là gian trá, "chống cộng" là cờ vàng v.v. Đó là những gợi ý tự nhiên, không phải là synesthesia, không phải là hỗn giác. Hiện tượng hỗn giác xảy ra khi các giác quan kích động lẫn nhau một cách tự động không theo một logic nào, chẳng hạn cứ mắt nhìn thấy một nhà tu hành là mũi ngửi thấy mùi vịt quay, tai nghe nhạc thính phòng là lưỡi thấy cua rang muối. Con một thằng bạn tao phải đổi trường học mấy lần vì nó không nghe được giọng một số giáo sư, hễ nghe các ông này giảng thì tự nhiên mắt nó tối sầm, tai nó nghe thấy tiếng cuồng phong, có khi nó choáng váng. Bệnh nhân không thể giải thích tại sao nhưng khổ lắm; mày thử tưởng tượng nếu cứ mỗi lần ăn phở là mũi nồng nực mùi mắm tôm, tai nghe ầm ầm như sóng vỗ thì sống thế nào được!
Bằng ngôn ngữ chuyên gia hắn giải thích về bệnh hỗn giác. Theo hắn mỗi cảm giác là do sự kích động có phối hợp của vô số dây thần kinh, mỗi cảm giác giống như một chương trình điện toán tích luỹ trong óc, khi tình cờ một chương trình của một cảm giác A tự nhiên khởi động một chương trình của một cảm giác B là người ta bị hỗn giác, các cảm giác lôi kéo nhau một cách vô trật tự, nguyên do là trong chương trình của một số cảm giác bị lạc vào một số "lệnh" của một cảm giác khác. Muốn chữa phải phân tích những thành tố của từng cảm giác một và phải tìm được cách để sửa chữa từng thành tố một. Đậy là một bộ môn chỉ mới phôi thai nhưng cần thiết và cũng đầy hứa hẹn.
-Rất cần thiết, hắn nhấn mạnh, vì số người mắc bệnh hỗn giác khá đông, hiện nay đã là khoảng 3% và đang có khuynh hướng tăng lên. Còn tệ hơn bệnh lãnh cảm, nghĩa là không còn cảm súc, nó làm bệnh nhân rất khổ sở, cuối cùng có thể thành điên. Trầm trọng hơn nữa là phụ nữ hay mắc phải, có lẽ vì họ đa sầu đa cảm, hậu quả là nếu bệnh nhân đang có thai thì đứa con cũng bị ảnh hưởng. Tuy vậy đây cũng là môn đầy hứa hẹn. Mày thử tưởng tượng nếu người ta phân tích và chế tạo ra được các cảm giác, âm thanh, mùi vị thì thế giới sẽ thay đổi như thế nào. Chẳng hạn tao mời mày ăn barbecue, chỉ cần cho mày ngồi vào một ghế điện và truyền cho mày những cảm giác ăn thịt nướng, lưỡi thấy mùi thịt nóng, tai nghe tiếng thịt chín xèo xèo, mũi ngửi mùi thơm, thỉnh thoảng kích động cảm giác của một hớp rượu vang đỏ. Không sợ mập, không sợ cholesterol, áp huyết, chẳng lo trúng độc, bội thực, cũng chẳng say. Tuyệt! Thiên đường!
-Nhưng căn cứ vào đâu mà mày nghĩ là có tới 50% người Việt bị hỗn giác?
- Rất rõ. Thí dụ như những lần về Việt Nam tao nhận xét là mỗi khi các vị lãnh đạo đảng và nhà nước lên truyền hình nói chuyện là người ta thấy thối, mặc dù họ nói toàn chuyện đúng như là chống tham nhũng, xoá đói giảm nghèo, săn sóc sức khoẻ cho nhân dân, cải tiến giáo dục v.v.
Rồi bỗng dưng hắn giật mình.
-Mà không chừng chính tao cũng bắt đầu bị hỗn giác rồi. Hôm qua bà xã tao rủ tao coi cái You Tube chiếu ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn trước hội nghị Việt Kiều. Bà ấy cười ngặt nghẹo như coi một phim hề đặc sắc. Còn tao thấy thối um.