Montag, 26. Juli 2010

Nạn rao giảng tin đồn

Lữ Giang

Khi được tin sắp có khóa họp thứ hai của Nhóm Làm Việc Chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam vào hai ngày 23 và 24.6.2010 tại Vatican, một “phóng viên Công Giáo” ở Hà Nội đã phóng lên Internet một bản tin dưới đầu đề “Phiên họp vòng 2 của tổ công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” trong đó đưa ra nhiều tin tức sai lệch và bịa đặt. Chẳng hạn như bản tin nói rằng “Dẫn đầu đoàn Việt Nam là Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn; tham gia đoàn có đại diện Bộ Công an, Ban Tôn giáo Chính phủ”, trong khi đó người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam là Ông Nguyễn Quốc Cường, Thứ Trưởng Ngoại Giao.
 
Ở một đoạn khác, tác giả của bản tin lại phịa như sau:
“Phía Việt Nam cũng muốn phải có sự đồng thuận của chính quyền trong việc bổ nhiệm người Việt Nam vào các chức vụ ở Toà thánh hay tước Hồng y vì lo ngại tin đồn Toà thánh có thể bổ nhiệm TGM Ngô Quang Kiệt làm quan chức Vatican và nâng lên bậc Hồng y giống như Hồng y Nguyễn Văn Thuận trước đây. Hoặc đề nghị giáo hội không ngăn trở cấm đoán các linh mục tham gia tổ chức Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam.”
Đây là những chuyện hoàn toàn bịa đặt. Đọc đoạn này chúng ta thấy tác giả vẫn chưa hiểu lý do tại sao Đức TGM Ngô Quang Kiệt phải từ chức, ra đi và vào ẩn náu trong một dòng tu ở Mỹ. Những điều khác cho thấy óc tưởng tượng của tác giả còn quá ấu trỉ.

NHÓM TUNG  TIN ĐỒN

Trong hai năm gần đây, những tin tưởng tượng như tin nói trên của những người tự xưng là “phóng viên công giáo” ở Hà Nội đã gởi ra hải ngoại khá nhiều. Có thể xếp nhóm “phóng viên công giáo” ở Hà Nội thành ba loại:

Loại một gồm một số người biết viết lách, có đầu óc khách quan, đã ghi lại những sự kiện mắt thấy tai nghe một cách trung thực rồi gởi đi. Tuy nhiên, vì không phải là ký giả chuyên nghiệp, họ thường không có khả năng nhìn thấy mặt trái đàng sau của các biến cố. Nhưng dù sao, những tin họ cung cấp cũng hữu ích cho những người tiếp nhận.

Loại hai gồm một số người “bức xúc” trước các biến cố, muốn viết lên tâm tư của mình. Họ thường có kiến thức không cao, có tầm nhìn ngắn và không biết cách viết, nên viết tin như viết truyền đơn: Thay vì quan sát các sự kiện (facts) đã xẩy ra và ghi lại một cách trung thực, họ thường dựa vào một vài hiện tượng bên ngoài, các tin đồn và óc tưởng tượng của mình để sáng tác tin. Vì thế, nội dung của bản tin thường chứa rất ít sự kiện, thay vào đó là những lời lên án hay “ca cải lương”. Đây là loại tin hạ cấp, cũng thường thấy ở hải ngoại, nhưng rất tiếc một số websites và báo ở hải ngoại vẫn lượm lấy và đăng!

Loại thứ ba gồm những người có trình độ văn hóa khá cao, nắm vững các sự kiện đã xẩy ra (có khi còn được thông tin từ trong nội bộ), nhưng tìm cách “lái tin”. Nhóm này thường dựa vào những sự kiện có thật rồi chế biến lại và thêm vào những sự kiện không có thật để đánh lừa dư luận và làm áp lực buộc Giáo Hội phải đi theo con đường phiêu lưu mà họ muốn. Đây là lối viết tin thường thấy trên website “Nữ Vương Công Lý” thuộc nhóm Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Loại tin này nguy hiểm nhất.

Điều đáng tiếc là một số cơ quan truyền thông ở hải ngoại hoặc vì “đói tin” hay có chủ trương bất chính, đã khai thác các tin loại ba này như là “bằng chứng sự thật” để chống Giáo Hội Công Giáo. Có những tin mà sự dối trá được phô bày một cách hiển nhiên (như vụ LM Phan Văn Lợi tố cáo Đức Ông Cao Minh Dung) vẫn được khai thác một cách triệt để.

Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, những lối loan tin theo kiểu này đều bị luật pháp xếp vào loại “ACTUAL MALICE”, có nghĩa là “CÓ ÁC Ý HIỂN NHIÊN”, và thường bị tòa án Hoa Kỳ trừng phạt bằng “punitive damage” rất nặng, có khi lên đến hàng chục triệu. Những người loan lại cũng bị trừng phạt gióng như người sáng chế tin.

KHI GIÁO SĨ RAO GIẢNG TIN ĐỒN

Giáo dân không được học đầy đủ Thánh Kinh, thần học, triết học, giáo luật, các giáo huấn của giáo hội, không được trải qua một đời sống tu luyện đầy đủ, không nắm vững đường lối của Giáo Hội... nên thỉnh thoảng có những chủ trương hay hành động không phù hợp với Đạo. Giáo sĩ được tu học đàng hoàng, nhưng lại RAO GIẢNG TIN ĐỒN, đi ngược lại với những gì đã được tu học, đó là điều đáng buồn.

Điều 331 của Bộ Giáo Luật nói rằng Đức Thánh Cha “thủ lãnh của tập đoàn Giám Mục, Đại diện Đức Kitô và Chủ chăn của toàn thể Giáo Hội trên trần gian. Vì thế, do uy lực của nhiệm vụ, Ngài có quyền thông thường tối cao, sung mãn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo Hội, và Ngài luôn luôn có thể tự do hành sử quyền ấy”.

Điều 273 quy định về nghĩa vụ của các giáo sĩ như sau:
“Các giáo sĩ có nghĩa vụ đặc biệt là phải tỏ lòng kính trọng và vâng lời Đức Thánh Cha và Bản Quyền riêng”.

Điều 285 dạy rằng Các giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương. Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc giáo sĩ.”

Thế nhưng trong thời gian “gió tanh mưa máu” vừa qua, có một số giáo sĩ đã tỏ ra bất tuân phục Đức Thánh Cha, công khai Rao Giảng Tin Đồn với những âm mưu riêng tư hay vì những suy nghĩ nông nổi, trong đó có ba giáo sĩ được dư luận chú ý nhất, đó là (1) Giám Mục về hưu Nguyễn Văn Sang, (2) Linh mục quốc doanh Huỳnh Công Minh, và (3) Linh mục “xung kích” Nguyễn Văn Khải thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Những hành động này chẳng những đã tạo ra gương mù gương xấu trong Giáo Hội mà còn gây hoang mang trong dư luận, nên cần phải làm sáng tỏ để những hiện tượng như thế sẽ không tái diễn nữa.

MỘNG LÀM GIÁM QUẢN TÔNG TÒA!

Giám Mục Nguyễn Văn Sang sinh năm 1932 tại Hà Nội, đã phải vê hưu kể từ năm 2009, nhưng vẫn tiếp tục “trụ trì” tài Tòa Giám Mục Thái Bình. Chính GM Sang cho biết khi về hưu rồi mà vẫn “được nhiều cán bộ cao cấp đến mời tham dự mặt trận, thậm chí là với chức danh Phó Chủ tịch Trung ương mặt trận Tổ Quốc hẳn hoi.” Sự tiết lộ này cho thấy Giám Mục Sang là thứ quốc doanh “nặng ký” như thế nào.
Ký giả Hải Hà cho biết như sau: “Giám mục Fx. Nguyễn Văn Sang năm nay đã 80, hình dáng hơi nặng nề do chân đau phải chống gậy, hơi bị nặng tai, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn và ngài có trí nhớ khá tốt.” Quan trọng hơn nữa, tham vọng và có thể “sứ mạng” vẫn còn!
Sau khi nhờ LM Trần Công Nghị (Vietcatholic News) thăm hỏi, GM Sang biết chắc Đức TGM Ngô Quang Kiệt muốn xin từ chức, liền lấy bí danh là “Người quan sát” tung tin này ra trên mạng, gây hoang mang dư luận. Mục đích của việc tung tin không phải để ngăn chận sự ra đi của Đức Cha Kiệt mà để vận động Tòa Thánh cử mình làm “Giám Quản Tông Tòa” Tổng Giám Mục Hà Nội thay Đức Cha Kiệt! GM Sang gợi ý rằng đưa một giám mục quốc doanh đã về hưu (tức GM Sang) ra làm “Giám Quản Tông Toà” sẽ được chính quyền hoan nghênh.

Tuy nhiên, khi có tin Tòa Thánh sẽ cử ĐGM Nguyễn Văn Nhơn ra thay Đức TGM Kiệt (do chính người trong cuộc tiết lộ) chứ không phải GM Sang, GM Sang liền chống đối quyết liệt:
 “Tôi là người đầu tiên phản đối việc đưa Giám mục từ miền Nam ra miền Bắc, điều đó chúng tôi coi như một sự tủi thân và xấu hổ cho Giáo hội Miền Bắc đã mấy trăm năm thành lập và kiên vững dưới mọi triều đại khắc nghiệt nhất. Ngày xưa Thánh Phaolo đi đến đâu thì lấy GM người địa phương ở đó, ở đó người ta mới hiểu tình hình kinh tế, chính trị xã hội mà lãnh đạo chứ”.

Trên đây chỉ là những lời nguỵ luận. Theo Giáo Luật, quyền bổ nhiệm Giám Mục là quyền tuyệt đối của Đức Thánh Cha (điều 337, 1) và trong lịch sử, Tòa Thánh đã đưa nhiều giáo sĩ ngoại quốc đến làm Giám Mục tại Việt Nam hay các giáo người Trung hoặc Nam ra làm Giám Mục ở miền Bắc (như các GM Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Bá Tòng, Lê Hữu Từ) mà chẳng bao giờ gây “một sự tủi thân và xấu hổ cho Giáo hội Miền Bắc” cả.
Tuy chủ trương bảo vệ Đức TGM Kiệt để làm con bài, nhóm NVCL khi thấy Tòa Thánh không nhượng bộ, đã đưa GM Sang ra để đối phó!

TẠI SAO LẠI “BỨC XÚC”?

Khi hay tin Tòa Thánh sắp tái lập Tòa Khâm Sứ ở Việt Nam và sẽ cử một đại diện không thường trú tại đây, LM Huỳnh Công Minh, Tổng Đại Diện của Tổng Giáo Phận Sài Gòn là người duy nhất lên tiếng chống đối. Tại sao? Nếu nhìn qua lịch sử, độc giả sẽ thấy lý do ngay.

1.- Làm công cụ của Đảng CSVN

Trong số các linh mục miền Nam được gởi đi Pháp học trước năm 1975, có 4 linh mục đã được kết nạp vào Đảng Cộng Sản, đó là LM Nguyễn Đình Thi (hiện ở Pháp), Linh mục Trương Bá Cần (vừa qua đời), LM Trần Tam Tĩnh (hiện ở Quebec, Canada) và LM Huỳnh Công Minh. Cả 4 linh mục này đã gây khá nhiều rắc rối cho Giáo Hội Việt Nam.

LM Nguyễn Đình Thi sinh năm 1934 tại Hà Tĩnh, đã xin tiền Đức TGM Nguyễn Văn Bình để lập câu lạc bộ sinh viên công giáo tại Pháp, sau biến thành nơi quy tụ của nhóm sinh viên CSVN, rồi biến thành tài sản riêng của mình. LM Trương Bá Cần sinh năm 1930 cùng quê với LM Thi, đã trở về Việt Nam cùng với Nguyễn Đình Đầu (tên đầu sỏ sinh năm 1920 tại Hà Nội) thành lập nhóm Sống Đạo và tờ Sống Đạo đánh phá VNCH và Giáo Hội Công Giáo. LM Trần Tam Tĩnh ở lại ngoại quốc viết cuốn “Thánh Giá và Lưỡi Gươm” tố cáo Giáo Hội Công Giáo, được Đảng CSVN và nhóm Giao Điểm khai thác triệt để.

Riêng LM Huỳnh Công Minh, sinh năm 1941, là người kín đáo nhất. Trước 30.4.1975 ông không bao giờ viết hay nói điều gì chống VNCH và chiến tranh Việt Nam. Sau 30.4.1975 ông mới xuất đầu lộ diện. Ông được cho làm đại biểu Quốc Hội khoá 6 và khoá 7. Năm 1976, tại diễn đàn Quốc Hội, ông tuyên bố một câu để lộ nguyên hình:
Báo cáo chính trị làm cho tôi càng xác tín thêm nữa rằng con người mới, xã hội mới mà mọi người đều mơ ước, mà mọi người tin vào Chúa Kitô Giêsu mãi mơ ước, con người mới đó, xã hội mới đó không thể có được, không bao giờ có được nếu không có Đảng Lao Động Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo và tổ chức.
Phần tôi, tôi nguyện suốt đời phục vụ cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, suốt đời làm nhịp cầu nối kết quần chúng Công Giáo mà đại bộ phận là nhân dân lao động, với đại gia đình Việt Nam, kiên quyết đập tan mọi âm mưu chia rẽ, đội lốt tôn giáo, lợi dụng tín ngưỡng của đế quốc và tay sai."
(Bản tin TTXVN ngày 7/7/1976)

Vốn là con đỡ đầu của Đức TGM Nguyễn Văn Bình, nên khi gặp tình thế khó khăn, Đức TGM Bình đã đặt LM Huỳnh Công Minh làm Tổng Đại Diện Tòa Giám Mục Sài Gòn, kiềm chánh xứ Nhà Thờ Chính Tòa Sài Gòn, để dễ nói chuyện với chính quyền.
Khoảng năm 1992, chính quyền bắt đầu cho phép Giáo Hội Công Giáo được tuyển chủng sinh và thuyên chuyển các linh mục trong giáo phận một cách đễ dàng, với điều kiện các linh mục quốc doanh ở vị trí nào phải được giữ nguyên vị trí đó. Vì thế LM Huỳnh Công Minh vẫn còn là Tổng Đại Diện và chánh xứ Nhà Thờ Chánh Tòa.

Tuy còn giữa hai chức vụ nói trên, nhưng ông không gây ảnh hưởng gì đến đường lối của Giáo Hội. Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, không phải chỉ LM Huỳnh Công Minh mà bất cứ linh mục quốc doanh nào trong Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Việt Nam cũng không ảnh hưởng gì đến đường lối của Giáo Hội CGVN, vì tổ chức của nhóm này chỉ là một hư cấu, không được các tín hữu công nhận.

2.- Những phản ứng vu vơ

Nhiều người đã ngạc nhiên khi nghe LM Huỳnh Công Minh lên tiếng chống lại việc Tòa Thánh quyết định cử “đại diện không thường trú” tại Việt Nam, tức tái lập Tòa Khâm Sứ ở Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 29.6.2010, và catholicculture.org ngày 4.7.2010, LM Huỳnh Công Minh nói rằng “chúng tôi rất là bức xúc, rất buồn...”. Hai bài phỏng vấn khá dài, chúng tôi chỉ tóm lược ba điểm chính được LM Huỳnh Công Minh đưa ra để phản đối:

(1) Toà Thánh không trao đổi gì với trong nước khi làm chuyện này. ĐHY Phạm Minh Mẫn là “cố vấn của Đức Giáo Hoàng” mà cũng không biết. Tòa Thánh làm sao biết được “hoàn cảnh của chúng tôi ở VN”? Các giám mục Việt Nam đã tỏ ra ngạc nhiên trước loan báo của Vatican về việc họ sẽ bổ nhiệm một “đại diện không thường trú” tại Hà Nội.

(2) Việc thiết lập quan hệ ngoại giao bất lợi hơn là có lợi cho Giáo Hội, cho nước Việt Nam. “Rõ ràng là chúng tôi không thể chờ đợi gì ở người sẽ được là đại diện không thường trú.”
(3) Việc việc chính phủ Việt Nam làm việc trực tiếp với Tòa thánh Vatican sẽ làm suy yếu đi vai trò của các giám mục ở VN.

Trước hết, cần phải xác định rằng khi tuyên bố các điểm nêu trên, LM Huỳnh Công Minh chỉ nói với tư cách cá nhân. Ông không có quyền đại diện cho ĐHY Phạm Minh Mẫn cũng như các Giám Mục VN.

Thứ hai, LM Huỳnh Công Minh đã không nắm vững vấn đề mà ông muốn trả lời. Đọc thông báo của Tòa Thánh, ông không biết được Tòa Thánh sẽ cử một Sứ Thần (đại diện ngoại giao) hay một Khâm Sứ (chỉ liên lạc trong Giáo Hội) thì làm sao ông trả lời đúng được?

Thứ ba, hiện nay Tòa Thánh đã thiết lập bang giao với 180 quốc gia trên thế giới theo đúng quốc tế công pháp và Giáo Luật. Nay nếu có thiết lập thêm bang giao với Việt Nam, thủ tục cũng gióng như vậy thôi. Tòa Thánh cũng đã thiết lập Tòa Khâm Sứ tại Việt Nam từ năm 1925.

Thứ tư, Tòa Thánh có hai tư cách, vừa là một Giáo Hội vừa là một quốc gia. Với tư cách là một quốc gia, Toà Thánh đã nói chuyện và thiết lập bang giao với 180 quốc gia. Việc này có bao giờ làm yếu đi vai trò của các Giám Mục địa phương đâu? Nay tại sao Tòa Thánh nói chuyện với nhà cầm quyền VN, lại “làm suy yếu đi vai trò của các giám mục ở VN”?

Vai trò của vị Sứ Thần hay Khâm Sứ của Tòa Thánh đối với các giáo hội địa phương đã được định rõ ở điều 364 Bộ Giáo Luật: “Nhiệm vụ chính yếu của phái viên Tòa Thánh là lo liệu để cho dây hợp nhất giữa Tòa Thánh với các Giáo Hội địa phương mỗi ngày được thêm bền chặt và đắc lực hơn...”

3.- Phải chăng cảm thấy bị “chạm nọc”?

Nhiều người tin rằng sở dĩ LM Huỳnh Công Minh dị ứng với việc Tòa Thánh tái lập Tòa Khâm Sứ ở Việt Nam vì ông là người được chính quyền CSVN giao cho đứng ra tổ chức biểu tình đòi trục xuất Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre vào năm 1975 và Tòa Thánh đã phải đóng cửa Tòa Khâm Sứ tại Sài Gòn kể từ ngày 19.12.1975. Lúc đó, các linh mục sau đây cũng đã tham gia chiến dịch này: Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Thanh Lãng, Nguyễn Viết Thọ, Nguyễn Văn Trinh, Hoàng Kim, Đinh Bình Định, Nguyễn Quang Lãm, Nguyễn Nghị và Nguyễn Thiện. Tôi thấy Linh mục Huỳnh Công Minh chụp hình còn Linh mục Thanh Lãng phát bản cáo trạng tố cáo năm đời Khâm Sứ Tòa Thánh can dự vào vấn đề nội bộ của Việt Nam. Phải chăng vì “thành tích” này trong quá khứ nên khi nghe tin Tòa Thánh sắp cử một Khâm Sứ mới ở Việt Nam, ông cảm thấy bị “chạm nọc” nên phản ứng vu vơ?

VƯỢT QUA CÁC ĐÀN ANH!

Một giáo sĩ trẻ nhưng bạo mồn bạo miệng nhất ở Việt Nam hiện nay là LM Nguyễn Văn Khải thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà (DCCTTH). Nhiều nguồn tin nói rằng ông là người chủ trương website NVCL.
DCCTTH được thành lập từ năm 1926 nhưng tiếng tăm của Dòng được thế giới biết đến kể từ năm 2008 khi Dòng và Giáo Xứ Thái Hà phát động chiến dịch đòi nhà cầm quyền trả lại các tài sản bị cưởng chiếm. Tiếp theo là chiến dịch của nhóm Nữ Vương Công Lý (NVCL) ở Thái Hà phát động để đòi giữ Đức TGM Ngô Quang Kiệt ở lại Hà Nội. Trong cả hai chiến dịch này, LM Nguyễn Văn Khải, một linh mục trẻ, mới được phong chức chưa đến 5 năm, đã giữ vai trò “xung kích” rất táo bạo.

Về “thành tích chống cộng”, nếu so với các đàn anh trong Dòng như các linh mục Nguyễn Văn Vàng, Trần Hữu Thanh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan. ... thì “thành tích” của LM Khải quá nhỏ bé. Còn nếu so với các giáo sĩ khác trong các vụ Vinh Sơn (Mặt Trận Phục Quốc), Việt Tiến, Mặt Trận Liên Tôn, Trung Tâm Đắc Lộ, Dòng Đông Công, ..., thành tích của LM Khải chỉ là con số không. Nhưng nếu xét về phương diện chống lại Giáo quyền thì LM Khải đứng hàng đầu!

Trong lễ nhận chức của ĐGM Nguyễn Văn Nhơn, LM Khải là một trong những người hướng dẫn đoàn biểu tình chống Đức Cha Nhơn và ủng hộ Đức Cha Kiệt. Đoàn biểu tình có hai bà cầm sẵn hai cái khay đựng quà trải khăn đỏ, còn một đám giáo dân đi theo la inh ỏi: “Chúng con yêu mến Đức Tổng”. “Xin Đức Tổng ở lại với chúng con”. Trong khi đó LM Khải cầm máy chụp hình bấm liên tục.

Trong cuộc phỏng vấn của đài RFA ngày 13.5.2010, LM Khải đã chỉ trích Tòa Thánh trong việc bổ nhiệm LM Nguyễn Thái Hợp làm Giám Mục Giáo Phận Vinh như sau:
“Dưới mắt nhiều người, người ta vẫn thấy cha Nguyễn Thái Hợp theo xu hướng thân thiện với chính quyền Cộng sản và theo xu hướng là thỏa hiệp với chính quyền này để tồn tại hay là... thế nào đấy!” 
 “Toà Thánh lại bổ nhiệm một linh mục được coi là thiên Cộng, được coi là rất thân thiện với chính quyền Cộng sản Việt Nam thì điều đấy khiến cho những người yêu mến Giáo hội rất ngạc nhiên.”

Lời tuyên bố này vừa chống lại quyền bổ nhiệm Giám Mục của Đức Thánh Cha vừa nói những lời mà một giáo sĩ không được nói. Trường hợp này cũng gióng trường hợp LM Phan Văn Lợi tố cáo Đức Ông Cao Minh Dung mà không đưa ra được bằng chứng nào. Mặc dầu là một linh mục chịu chức chui và chưa được giáo quyền thừa nhận, LM Lợi đã lên tiếng xin lỗi Đức Ông Dung. Ngày 27.5.2010, LM Hợp đã được phong Giám Mục, nhưng LM Khải đã không có một lời xin lỗi nào.

LM Vũ Khởi Phụng (sinh năm 1940) Bề Trên DCCT Thái Hà vừa lâm trọng bệnh phải về Sài Gòn chửa và có thể không trở ra nữa. Hiện Thái Hà có 7 linh mục trẻ sau đây: Nguyễn Văn Thật (Phó Bề trên), Nguyễn Ngọc Nam Phong, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Văn Phượng, Đinh Tiến Đức, Hồ Quang Lâm và Lưu Ngọc Quỳnh. Coi như một giáo hội trong giáo hôi. Chưa ai có thề đoán được nhóm giáo sĩ trẻ này sẽ còn làm chuyện gì nữa.

Theo Giáo Luật, các dòng tu có quyền tự trị về phương diện quản trị nội bộ, chỉ lệ thuộc Giám Mục Giáo Phận về phương diện mục vụ. Vì thế, các Giám Mục giáo phận không có quyền thuyên chuyển hay áp dụng kỷ luật đối với các giáo sĩ dòng, chỉ cha Bề Trên Tổng Quyền ở Roma mới có quyền. Đây là nguyên nhân đưa tới tình trạng rối loạn ở Hà Nội trong thời gian vừa qua.

CON CÁI GIÁO HỘI ĐANG CHIA RẼ!

Trong bài giảng Thánh Lễ Ngày Hội Ngộ Linh Mục TGP Hà Hội tại Sở Kiện ngày 2.6.2010, Đức Giám Mục Cao Đình Thuyên, 83 tuổi, cựu Giám Mục Giáo Phận Vinh, về hưu ngày 15.5.2010, người thường được nhóm NVCL đưa ra làm chiêu bài chống Giáo Hội, đã nhấn mạnh rằng “con cái Giáo Hội đang chia rẽ và làm lu mờ hình ảnh tốt đẹp của Giáo Hội”. Ngài phân tích:
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Ở đây, chúng ta có thể tóm lược vào 3 nhóm nguyên nhân chính sau:
(1) hiểu sai giáo huấn của Đấng sáng lập;
(2) muốn các hoạt động của Giáo Hội diễn ra theo hoạch định của mình; và
(3) cố ý chống lại Giáo Hội.

Ngài kêu gọi các giám mục, linh mục và tu sĩ thực hiện những lời nhắn gửi của Đức Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn là: sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian (Ga 17, 14).

Các linh mục DCCT ở Thái Hà nên đọc kỹ lại bài giảng này.

Như chúng tôi đã nói, Toà Thánh không có một cơ quan tình báo hải ngoại như CIA của Mỹ hay SVR của Liên Bang Nga, nhưng Tòa Thánh có một hệ thống thông tin và liên lạc để nắm vững tình hình tại những nơi có hoạt động của Giáo Hội. Trong vụ Đức Cha Kiệt, Tòa Thánh biết rõ ai đã tiết lộ tin Đức Cha Nhơn sẽ thay Đức Cha Kiệt (mặc dầu lúc đó Đức Cha Nhơn chưa biết), ai tiết lộ tin Đức Cha Kiệt sẽ ra đi trong đêm 13.5.2010, sự liên hệ giữa Đức Cha Kiệt và nhóm NVCL, v.v,, nên Tòa Thánh đã có biện pháp kịp thời và chính xác để chấm dứt những rối loạn. Những gì Dòng Chúa Cứu Thế VN đã làm trong thời gian vừa qua, kể cả việc dùng học thuyết “Thiên Chúa là Phèng La” (Deus Cymbalis est) để đối lại thông điệp “Thiên Chúa là Tình Yêu” (Deus Caritas est) của Đức Giáo Hoàng, Toà Chánh và Linh mục Michael Brehl, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế ở Roma đều biết. Vậy đừng bao giờ nghĩ rằng có thể tiếp tục “Rao Giảng Tin Đồn” để dẫn Tòa Thánh đi vào con đường phiêu lưu.

Ngày 20.7,2010
Lữ Giang