Sonntag, 4. Juli 2010

Số phận nào cay nghiệt hơn?

Vũ Đình Trọng

Những người đến Singapore thường chuyền miệng nhau câu nói “Singapore is the FINE country.” Có thể hiểu đây là một đất nước tuyệt đẹp, nhưng cũng có thể hiểu đây là một đất nước phạt vạ.

Xả rác, nhổ bậy, hút thuốc nơi công cộngà đều có thể bị phạt. Nhờ đó, những đường phố chính ở Singapore đều sạch sẽ. Tuy nhiên, khách sạn 81 đường Geylang, nơi đoàn chúng tôi ở cách xa khu trung tâm nên hình như những điều cấm này ít phát huy tác dụng.

Ði dạo nơi này giống như lạc vào Chợ Lớn. Cửa hàng san sát, lối đi chật hẹp, hàng hóa bày tràn ra lề đường.

Nếu quý vị là người thích hút thuốc, khi ghé một quán ăn hay quán nước nào đó thì nhớ hỏi chủ quán bàn nào được hút thuốc. Cũng trong quán, dù bày bàn ngoài trời, chớ có ngồi vào bàn có dán hình điếu thuốc gạch ngang, mà phì phèo điếu thuốc. Chủ quán sẽ chỉ cho quý vị một bàn, cạnh đó thôi, không có tấm bảng cấm. Ở đó, quý vị có thể ăn nhậu và phì phà khói qua bàn bên cạnh!

Buổi tối ở đây nhộn nhịp lắm, có một khu bán đĩa sex và đánh bài suốt đêm ngoài đường. Nơi đó, tôi đã gặp một vài anh chàng Việt Nam, nói giọng Bắc đặc sệt. Cảnh sát chắc cũng chán cảnh bắt rồi thả nên cứ bỏ mặc, khi nào có đánh nhau, mà đánh nhau xong họ mới xuất hiện làm biên bản.

Tại cửa một quán bar, tôi thấy 3 tờ giấy học trò ghi bằng tiếng Việt, đại khái như thế này:

“Con gái Việt Nam không được mang nước vào quán, nếu không tuân sẽ bị phạt S$10”


“Con gái Việt Nam không được đứng ngoài quán đón khách.”


“Con gái Việt Nam không được đánh nhau, nếu đánh nhau sẽ bị đuổi.”

Nội dung ba tờ giấy đó phần nào nói lên được thực trạng những cô gái Việt Nam qua đây làm việc như thế nào.

Anh bạn người địa phương cho biết con gái Việt qua đây “làm việc” như thế này nhiều lắm. Ma cũ bắt nạt ma mới, nên đánh nhau tranh giành khách là chyuện thường. Một số cô qua đây tính chỉ làm tiếp viên thôi chứ không “đi khách,” thế nhưng, vài tháng sau cũng buộc phải thay đổi cách “làm việc.” Thứ nhất là “ế độ,” không được khách mời, trong khi đó tiền sinh hoạt nơi đây khá đắt đỏ thì làm gì để sống nếu không dùng “vốn tự có?” Thứ hai, gặp khách xộp vung tiền thì sau hai ba lần từ chối rồi cũng ngã lòng.

Những cô gái Việt Nam “ăn sương” trên đất Singapore ngày nay và những thuyền nhân nằm lại trên đảo Galang, số phận nào cay nghiệt hơn? (V.Ð.T.)

Trích từ: "Chuyện bên lề trong chuyến Về Bến Tự Do 8" của Vũ Đình Trọng
Nguồn: http://www.vietherald.com/D_1-2_2-390_4-1476/Chuyen-ben-le-trong-chuyen-Ve-Ben-Tu-Do-8-So-phan-nao-cay-nghiet-hon.html