Freitag, 30. Juli 2010

Người dân nghĩ gì về việc kiểm soát “Game online”?

Khoa Diễm, RFA

2010-07-29- Những thay đổi đến chóng mặt về công nghệ thông tin ngày một tân tiến, giới trẻ ngày nay không còn tha thiết với những trò chơi dân gian mà thay vào đó là các trò chơi điện tử trực tuyến (Game online).

Một tiệm internet ở Hải Phòng, ảnh chụp hôm 27/04/2010.

Tuy nhiên, sự đam mê không còn mới mẻ này đang gây rất nhiều khó khăn cho Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác.

Khoa Diễm có bài tìm hiểu về những suy nghĩ của các game thủ và chủ tiệm internet khi nghe về kiến nghị mới nhất này của Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội.

Một kiến nghị cần thiết

Theo thống kê của Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội thì cứ 10 người vào đại lý internet thì có 7 người chơi trò chơi trực tuyến, hầu hết là học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên.

Mình chắc chắn là những sinh viên bị ngập vào cái trò ấy thì đừng nghĩ đến chuyện ra trường, học hành gì nữa, chơi suốt ngày đó mà. Một game thủ

Thực trang này đang trong thời kỳ cao điểm vì đây là thời gian nghỉ hè. Nhiều học sinh, sinh viên ngoài thời gian trong các lớp hè, đều dành thời gian còn lại trên các máy games. Tuy nhiên, không phải chỉ có giới học sinh, sinh viên mới mê mẫn những trò chơi này mà ngay cả người lớn tuổi, có gia đình vẫn rất thích thú.

Một game thủ xin dấu tên với 7 năm kinh nghiệm cho biết:

“Bắt đầu chơi là đã có vợ con rồi. Hồi xưa thì chơi nhiều, hồi xưa thì 5 - 7 tiếng nhưng càng ngày, thật ra thì cái khác nhau là tuổi lớn khi mình xâm nhập trò chơi thì chỉ một hời gian thì mình cân bằng lại được ngay cái thời gian chơi và công việc. Càng về sau thì thời gian chơi nó giảm bớt, lúc ấy mới thật sự là giải trí chứ không còn bị cuốn theo như các bạn trẻ khác. Mình chắc chắn là những sinh viên bị ngập vào cái trò ấy thì đừng nghĩ đến chuyện ra trường, học hành gì nữa, chơi suốt ngày đó mà.”

Game thủ này còn cho biết thêm là nếu như không có gia đình và những trách nhiệm ràng buộc thì có lẽ giờ này anh vẫn còn trong tình trạng từ mê đến nghiện games online. Khi một người được cho là nghiện games là khi người đó từ ăn cơm, lái xe, làm bất cứ công việc gì cũng chỉ nghĩ đến games và khi đi ngủ cũng mơ đến chúng.

Nếu như các cuộc chơi chỉ xảy ra trên mạng và các game thủ không gặp nhau ngoài đời thì tình trạng nghiện sẽ không nặng lắm, đôi khi còn dẫn đến nhàm chán sau một thời gian.

Đức, năm nay 21 tuổi, đã đi làm và chơi games online được 2 - 3 năm cho biết.

Gameonline Võ Lâm Truyền Kỳ. Photo courtesy volam.com.vn

“Hồi trước thì có chứ giờ thì không có đâu. Giờ thì chơi tới giờ thì mình về à. Hồi trước minh chơi cái trò đó, mình thích thì mê theo nhưng bây giờ không thích cái trò đó nữa thì không chơi. Giờ bỏ trò đó rồi nên không thích nữa, ra chơi một chút là chán.”

Thế nhưng những tay game thủ thuộc loại có “số má”, có nghĩa là đang có một địa vị cao trong một ban hội nào đó trong cái games mà họ đang chơi, không những thích chơi games mà còn thích gặp nhau ngoài đời. Rất nhiều trường hợp ngoài đời họ là những cô cậu nhỏ tuổi, nhỏ con, kém cỏi, thua xa bạn bè nhưng khi có địa vị ảo trên mạng và đến lúc nhóm họp offline, họ cũng vẫn có tiếng nói và địa vị như trên mạng.

Các game thủ củng cố tinh thần và trợ giúp nhau khi một người bại trận trong cuộc chiến. Nhiều game thủ cho rằng trong games người ta đối xử với nhau công bằng hơn, có cơ hội làm anh hùng và giúp đỡ những kẻ yếu nhưng lại không quan tâm và chú ý đến cuộc sống gia đình.

Theo tin từ báo Tuổi trẻ online, Sở Thông tin - truyền thông Hà Nội kiến nghị hằng ngày phải tắt máy chủ trò chơi điện tử từ 23 giờ và mở lại sau 6 giờ. Và Bộ Thông tin - truyền thông dự thảo quy chế các doanh nghiệp chỉ được cung cấp dịch vụ từ 8 giờ đến 22 giờ đêm. Trong những dự thảo và kiến nghị này còn ghi rõ chi tiết là các doanh nghiệp không được cho học sinh mặc đồng phục sử dụng máy trong giờ đến trường, từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, thời gian chơi tổng cộng của mỗi người chơi trong một ngày đối với mỗi trò chơi sẽ không được quá 180 phút và không được quá 300 phút tùy trò chơi.
Người kinh doanh không đồng tình

Tuy nhiên, internet là một dịch vụ đang nở rộ tại các tỉnh thành lớn, liệu các chủ doanh nghiệp internet có đồng tình với kiến nghị và dự thảo này không?

Ở Việt Nam rất là ít người có thể cân bằng được thời gian với công việc. Rất ít người, kể cả lớn cũng thế, nhỏ thì càng bị xa đà, kinh khủng khiếp. Một game thủ

Hiện, chỉ với thành phố Hà Nội đã có hơn 4.000 đại lý internet. Với giá 3.500đ/tiếng, đây là một dịch vụ dễ kiếm ra tiền và không phải tốn nhiều công sức cho các ông bà chủ. Đôi khi các cửa tiệm này còn là thu nhập duy nhất của gia đình mà game thủ là khách hàng thường xuyên cũng như là những khách hàng dễ tính nhất. Game thủ chỉ quan tâm duy nhất về độ nhanh của mạng còn những vấn đề khác thì không phải là mối bận tâm của họ.

Nhiều chủ tiệm không đồng tình với kiến nghị này, họ cho rằng nếu không cho khách hàng học sinh sử dụng máy, phải kiểm tra cặn kẽ là khách đang ở trang mạng nào thì làm sao họ có thời gian và dần dần sẽ mất hết các khách hàng thường có. Một số khác cho là dự kiến này không có tính thực tiễn cao vì trong quá khứ Sở và Bộ Thông tin - truyền thông cũng đã không làm được gì khi các tiệm đóng cửa lúc 23 giờ đêm nhưng vẫn có khách bên trong vì không thể khám nhà nếu không có giấy phép.

Các cư dân mạng cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ khi người dân sử dụng mạng internet là vi phạm quyền riêng tư cá nhân nhưng ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội, cho biết, qua trao đổi với VnExpress.net nếu nhà nước tiếp tục buông lỏng, dân tộc VN sẽ đón nhận một bộ phận thanh niên hư hỏng, vì nhiễm những luồng tư tưởng xấu.

Một tiệm internet ở Hà Nội, đa số khách vào là để chơi game online. AFP PHOTO/HOANG DINH Nam.

Ông bản nói thêm, nhân cách của họ cũng sẽ có vấn đề khi còn trong độ tuổi vị thành niên mà lại dễ dàng tiếp xúc với phim ảnh sex, bạo lực trên Internet. Tình hình an ninh trật tự cũng xấu đi với việc mãi mê chơi game online quên ngày tháng, một số cá nhân đã đi cướp để lấy tiền nhằm tiếp tục tham gia thế giới ảo. Điều này gây bức xúc cho xã hội và nhiều lần Hội đồng nhân dân thành phố đã có ý kiến. Vì vậy, tiến hành kiểm soát hành vi của người dùng tại đại lý Internet là hợp lòng dân. Và khi tiến hành xây dựng hệ thống này, nhà nước cũng có tham khảo quy định quản lý Internet ở rất nhiều nước như Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc... Ở đó, họ cũng có những điều luật tương tự và kiểm soát rất chặt chẽ hành vi của người dùng tại đại lý Internet.

Sau khi trải qua thời gian chìm đắm trong thú vui games trên mạng, game thủ dấu tên cho biết:
“Thực ra theo mình thì nên làm như thế. Ở Việt Nam rất là ít người có thể cân bằng được thời gian với công việc. Rất ít người, kể cả lớn cũng thế, nhỏ thì càng bị xa đà, kinh khủng khiếp. Ở công ty mình, thanh niên cũng bị ngập vào luôn, nhỏ hơn mình cỡ 5 - 7 tuổi, ngập vào không thể dứt ra được. Theo mình là nếu chơi thì chỉ là giải trí thôi chứ bị cuốn như thế thì không thể nào chịu nổi đâu.”

Games online bắt đầu là những trò chơi giải trí với các câu chuyện lồng từ phim bộ Trung Quốc; tuy nhiên, thời gian gần đây đã không còn đơn giản như vậy nữa. Qua các thống kê của nhà nước và tin tức do báo chí trong nước loan thì vấn đề nghiện ngập games mạng đã trở thành một tệ nạn như những tệ nạn xã hội khác.

Đưa ra những kiến nghị hay dự thảo chỉ là những bước đầu quan trọng trong một cuộc cải cách những tệ nạn xã hội, nhưng việc thực hành và khả năng thành công cũng phải được tính đến thì mới mong các lý thuyết hay trở thành hiện thực có ích. Thiết nghĩ, nếu như các game thủ đã trải qua những ngày mê mẫn hãi hùng và đồng tình với kiến nghị này thì có lẽ nhà nước cũng nên nhận đây là một khởi đầu thành công và tiếp tục dự thảo này đến nơi đến chốn.