Donnerstag, 29. Juli 2010

Nhìn người nghĩ đến ta

Lữ Giang

Ngày 26.7.2010, Tòa án quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, xử vụ Khmer Đỏ ở Phnom Penh, đã tuyên án Kaing Kek Eav, có biệt danh là Duch, cựu trưởng nhà tù Tuol Sleng, 35 năm tù về tội ác chống nhân loại và vi phạm Công Ước Genève ngày 12.8.1949 về việc bảo vệ dân sự trong thời gian chiến tranh.
 
Như vậy người Kampuchia, mặc dầu là một dân tộc nhỏ bé, đã thành công bước đầu trong việc truy tố và xét xử các lãnh tụ Khmer Đỏ có trách nhiệm về các tội ác chống nhân loại. Trong khi đó, người Việt chống cộng ở hải ngoại suốt ngày la hét vang trời đòi truy tố Đảng CSVN ra trước tòa án quốc tế về tội ác chống nhân loại trong vụ Cải Cách Ruộng Đất 1955 – 1956 (với 172.008 nạn nhân) và trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, nhưng chẳng làm được gì cả! Tại sao?
 
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin trình bày qua những nét chính về thủ phạm Kaing Kek Eav, nhà tù Tuol Sleng, những gì đã xẩy ra trong nhà tù này, và những nỗ lực trong việc truy tố các lãnh tụ Khmer Đỏ.
 
THỦ PHẠM KAING KEK EAV
 
Đầu năm 1999, tại một ngôi làng ở tây bắc Kampuchia, một người đàn ông đứng tuổi đã đến nói chuyện với một phóng viên người Anh là Nic Dunlop. Ông ta tự giới thiệu là Hong Pen, một cựu giáo viên đến từ thủ đô Phnom Penh. Ông ta mặc một cái áo blouson có in hình một tổ chức cứu trợ của Mỹ và nói tiếng Anh trôi chảy. Nhưng phóng viên người Anh này đã chợt nhận ra khuôn mặt ông ta gióng với bức ảnh mà anh vẫn mang theo vài tháng nay. Đó là ảnh của Duch, người đứng đầu nhà tù Tuol Sleng khét tiếng. Hành trình trốn chạy của Duch kết thúc, y bị bắt giữ.
 
Duch có tên khai sinh là Kaing Guek Eav, sinh năm 1943 tại tỉnh Kampong Thom. Từ lúc còn nhỏ Duch rất giỏi toán và luôn đứng đầu lớp. Lớn lên, Duch làm giáo viên trung học. Trong thập niên 1960, Duch từng bị bắt tạm giam vài tháng vì lý do hoạt động chính trị. 
 
Ngày 17.4.1975, quân đội Khmer Đỏ chiếm được Phnom Penh, và Duch được cử làm trại trưởng trại tù có biệt danh là S21 ở phía nam Phnom Penh, sát hại khoảng 14.000 người.
Trong các cuộc thẩm vấn trước phiên toà, Duch luôn nói rằng ông ta chỉ làm theo mệnh lệnh: “Không ai có thể chuyển tù nhân đến nhà tù S21 nếu như không có mệnh lệnh từ các lãnh đạo Khmer Đỏ”. Tuy nhiên, khi còn “làm mưa làm gió”, Duch đã ghi chép lại rất cẩn thận cách thức “xử lý” các nạn nhân trong hàng ngàn tài liệu còn thu giữ lại sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ. Trong số đó có 1 trang tài liệu ghi đầy danh sách các tù nhân với lời phê và chữ ký của Duch: “Giết hết chúng đi”!
 
Năm 1979, khi bộ đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh, Khmer Đỏ bỏ chạy về hướng tây bắc, trong đó có Duch. Ông ta đã sống nhiều năm tại vùng biên giới giáp Thái Lan, học tiếng Anh, đôi khi có làm cho các tổ chức cứu trợ, rồi trở lại làm giáo viên. Khi nhà báo Nic Dunlop nhận diện được Duch vào tháng 4 năm 1999 như đã nói trên, Duch đang định cư cùng gia đình ở Battambang. Tháng 7 năm 2007, Duch chính thức bị truy tế về tội ác chống nhân loại và tội phạm chiến tranh.
 
Khi tuyên án, Thẩm phán Nil Nonn, Chủ Tịch Hội Đồng Xét Xử (gồm 5 thẩm phán) cho biết Tòa đã giảm án 5 năm tù giam vì quân đội Kampuchia đã bắt giam Duch từ ngày 10.5.1999 đến ngày 30.7.2007, và Duch có ăn năn và hợp tác với Tòa. Ông nói: “Tòa có quyết định kết án có thời gian rõ ràng chứ không kết án tù chung thân. Nguyên nhân giảm án là vì có sự hợp tác của Duch với Tòa; sự chấp nhận tội, biểu hiện ăn năn.”
 
Theo AFP, khi tòa tuyên án, bị cáo đã không tỏ ra xúc động, trong lúc nhiều người có mặt trong phiên tòa đã bật khóc và cho rằng, bản án 35 năm tù là quá nhẹ so với tội ác ông ta đã gây nên.
 
Ngoài Kaing Kek Eav ra, còn bốn cựu lãnh đạo cao cấp của Khmer Đỏ còn sống sót, cũng bị truy tố và xét xử như Kaing Kek Eav, đó là:
(1) Khieu Somphorn, cựu Chủ Tịch Nước,
(2) Nuôn Chea, cựu Thủ Tướng. Theo Duch, Nuon Chea là nhân vật chính yếu của các vụ giết chóc.
(3) Ieng Sary (anh vợ của Pol Pot): cựu Phó Thủ Tướng và Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao.
(4) Bà Ieng Thirith, vợ của Eang Sary, Bộ Trưởng Các Vấn Đề Xã Hội.
 
VÀI NÉT  VỀ NHÀ TÙ TUOL SLENG
 
Nhà tù Toul Sleng có tên chính thức là “Security Prison 21”, viết tắt là S21, có nghĩa là Nhà Tù An Ninh 21. Chữ Toul Sleng theo tiếng Miên là “Đồi của Những Cây Có Chất Độc” (Hill of the Poisonous Trees hay Strychnine Hill). Nhà tù này nằm khuất trong khu phố nhỏ ở Toul Svay Prey, phía nam Phnom Penh và khá lạc lõng với cảnh quan xung quanh vì nó quá cũ kỹ, xập xệ với những hàng rào kẻm gai bao quanh. 
 
Năm 1962, trại tù Toul Sleng vốn là trường trung học Ponhea Yat. Qua thời kỳ chế độ Lon Nol, trường được đổi tên thành Trường trung học Toul Svay Prey. Đến tháng 5 năm 1976, trường được chính quyền Khmer Đỏ biến thành nhà tù với tên gọi là Nhà Tù An Ninh S21.
 
Trại tù Toul Sleng có diện tích 240.000 thước vuông, dài 600m, ngang 400m, gồm 4 dãy nhà chính và một số nhà phụ xung quanh. Những dãy buồng giam dài được xây kín bằng gỗ, gạch san sát nhau chìm trong bóng tối. Nơi đây được dùng làm nơi giam giữa và tra tấn những thành phần bị gọi là “phản bội”. 
 
Theo tài liệu của Trung tâm Tư liệu Kampuchia, trong thời gian 4 năm, nhà cầm quyền của Khmer Đỏ đã giam giữ tại đây tổng cộng 10.499 người (chưa tính khoảng 2.000 trẻ em bị giết) thuộc nhiều quốc tịch khác nhau như Việt Nam, Lào, Thái, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Australia, nhưng phần lớn là người Kampuchia.
 
Họ là nông dân, công nhân, học sinh, thợ cơ khí; các thành phần trí thức như  kỹ sư, giáo viên, giáo sư..., trong đó có cả công sứ, nhân viên ngoại giao. Toàn bộ thành viên gia đình của phạm nhân, kể cả trẻ em mới đẻ, cũng bị đưa vào giam giữ trong nhà tù. 
 
Theo người hướng dẫn, một số tù nhân bị giam trong các buồng nhỏ có diện tích 0,8m x 2m, bị xích chân bằng sợi xích to chôn chặt vào tường hoặc nền ximăng. Một số khác bị giam trong các buồng lớn có diện tích 8m x 6m, bị xích một hoặc cả hai chân vào những thanh cùm ngắn hoặc dài. 
 
Cùm nhỏ dài chừng 0,8m - 1m được thiết kế để xích khoảng 4 người, cùm dài 6m thì xích 20 - 30 người. Mọi tù nhân đều phải nằm ngủ trên sàn nhà xi-măng lạnh. Mỗi sáng, từ 4 giờ 30 mọi tù nhân phải thức dậy, tụt quần xuống tận đầu gối để cai tù kiểm tra, sau đó phải thực hiện một số động tác thể dục như đứng lên ngồi xuống, giơ tay cao cho dù chân vẫn bị cùm. 
 
Mỗi ngày cai tù kiểm tra tù nhân 4 lần và thay ngay các cùm bị lỏng. Tù nhân nào vi phạm các quy định do chúng đưa ra, sẽ bị phạt từ 20 - 60 gậy. Muốn thay đổi tư thế khi ngủ, tù nhân cũng phải xin phép của cai tù. Cách 2 - 3 ngày hoặc thậm chí nửa tháng tù nhân mới được tắm v.v...
 
Sự giết người man rợ của Khmer Đỏ còn in dấu đậm nét tại các phòng tra tấn nạn nhân. Dãy phòng này gồm 14 phòng, chỉ kê vỏn vẹn một cái giường sắt và hộp đựng đồ tra tấn. Nạn nhân bị gọi lên phòng này bị tra tấn rất man rợ. Một trong những hình thức tra tấn phố biển là rút móng tay, móng chân; đổ axít vào mặt, khoét ngực để thả rết vào; dùng búa, rìu, roi đánh đập... Những vết máu của nạn nhân bắn ra vẫn còn in đậm trên tường và trần nhà. 
 
Hiện trên tường của 14 căn phòng đều có treo một bức ảnh, đó chính là những hình ảnh của 14 nạn nhân cuối cùng bị giết tại mỗi phòng tra tấn trước khi bộ đội Việt Nam tiến vào khu vực này. Những bức ảnh trên do phóng viên chiến trường Việt Nam chụp. 14 nạn nhân này được chôn cất ngay tại sân của nhà tù S21.
Ngày 26.2.2008, Duch, trưởng trại tù S21, đã dẫn một phái đoàn của tòa án đi xem lại nhà tù này. Y đã bật khóc khi nhìn lại cảnh cũ.
 
TIẾN TRÌNH CỦA TỘI PHẠM
 
Các tài liệu thu được cho thấy có hơn 15.000 người đã bị giam tại nhà tù Francois Toul Sleng S21 từ năm 1975-1979. Người ta tìm thấy có khoảng hơn 6.226 hồ sơ tù nhân, 4.186 tài liệu khai cung, 6.147 bức ảnh tù nhân và những gì còn lại tại hiện trường.
 
Những người bị đưa đến Tuol Sleng là đã bị coi như có tội. Họ được cân, chụp hình và sau đó bị thẩm vấn. Họ phải viết lời thú tội về những gì gọi là “sự phản bội” đối với Khmer Đỏ. Các tù nhân quan trọng được cho sống lâu hơn để đảm bảo nhận tội. Những người khác có số phận ngắn ngủi hơn nhưng điểm cuối của cuộc hành trình là như nhau.
 
Tù nhân bị đưa ra Cánh Đồng Choeung Ek thuộc quận Dankoar, cách thành phố Phnom Penh vài kilômet và bị hành quyết tập thể. Vì thế, nơi đây được gọi “Killing Fields of Cheung Ek” (Cánh đồng chết Cheung Ek)
 
Tù nhân bị cắt cổ và đập đầu. Trẻ em bị quăng đập đầu vào gốc cây. Có 86 ngôi mộ tập thể được phát hiện tại đây. Có các loại mộ dành cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em riêng. Một trong những cáo trạng tại phiên toà đã ghi lại như sau:
“Nhiều nhân chứng kể tù nhân đã bị giết hại bằng dùi sắt, trục xe hay ống nước đánh vào cổ. Tù nhân sau đó bị đá xuống những cái hố, nơi họ được tháo cùm. Cuối cùng, những tên lính gác cắt cổ và rạch bụng họ. Sau khi các cuộc hành quyết chấm dứt, lính gác lấp hố lại”. 
 
Ngoài ra, nhóm Khmer Rom cũng đã đứng lên tố cáo các cựu lãnh tụ Khmer Đỏ đã thực hiện một chính sách diệt chủng đối với họ.
Các tài liệu tại Trung tâm tài liệu Kampuchia cho thấy có ít nhất khoảng từ 7 đến 8 nghìn người Khmer Krom bị giết. Tuy nhiên, vì trung tâm này chỉ mới nghiên cứu ở một số tỉnh nên số liệu chưa đầy đủ. 
 
Những người Khmer Krom nói rằng nguyên nhân khiến Khmer Đỏ thù ghét Khmer Krom là vì họ cho rằng Khmer Krom là người không rõ nguồn gốc và có quan hệ với Việt Nam là kẻ địch của họ, nên không thể tin tưởng được.
Các lãnh tụ Khmer Đỏ đã ra lệnh dời những người Khmer Krom ra khỏi một số tỉnh như Svay Riêng và Prey Veang và sau đó đã giết họ ở huyện Trăm Koh thuộc tỉnh Takeo, một tỉnh gần biên giới Việt Nam.
 
Ông Andrew Cayley, đồng ủy viên Công Tố Viện Toà Án xử xử vụ Khmer Đỏ đã đồng ý cáo buộc thêm các cựu lãnh tụ Khmer Đỏ về tội diệt chủng đối với người Khmer Krom. Ông nói:
“Khi Tòa án xét xử vụ án sau, chúng tôi sẽ mời người Khmer Krom đến làm chứng, cho họ nói ra những nỗi thống khổ của họ đã được gặp trong chế độ Khmer Đỏ. Chúng tôi làm như vậy là muốn cho cả thế giời nghe và nhìn thấy sự mất mát, nỗi thống khổ của người Khmer Krom.”
 
LỜI KHAI CỦA CÁC NHÂN CHỨNG
 
Một số nạn nhân của nhà tù Toul Sleng đã cho Tòa biết những gì đã xẩy ra trong nhà tù này. Sau đây là lời khai của ba nạn nhân còn sống sót:
 
Ông Bou Meng, một họa sĩ, đã kể lại trước Toà giai đoạn 18 tháng ông sống tại trại tù S-21. Ông bị đưa vào đây vào giữa năm 1977. Tại đây ông bị cùm chung với những người khác vào một thanh sắt. Có khoảng từ 30 tới 40 người trong phòng. Ông thấy tại một góc phòng có một người nước ngoài da trắng, cao. Người nào cũng được nuôi bằng một khẩu phần ít oi nên rất gầy ốm và kiệt sức.
 
Tất cả đều bị tra tấn, đánh đập bằng gậy gộc, roi vọt và bị giật điện. Có người bị rút móng chân. Mục đích của việc tra tấn là buộc tù nhân phải thú nhận đã tham gia những âm mưu không có thực như điệp viên của KGB hay CIA chống lại tổ quốc Kampuchia. Sau khi thú nhận, tù nhân sẽ bị đưa hành quyết. 
 
Khi vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa hỏi ông có bao giờ họ cho ông biết lý do tại sao ông và vợ bị bắt hay không, ông trả lời:
“Người ta không cho tôi biết điều gì cả. Người ta chỉ cho tù nhân biết rằng Nhà Nước, tức Ăng Ca, thấy mọi sự và biết hết mọi sự. Tôi hỏi: “Vợ tôi và tôi đều là những trẻ mồ côi. Xin cho biết chúng tôi đã phạm sai lầm gì?” Họ trả lời: “Anh là kẻ đáng khinh bỉ. Anh không được hỏi. Anh phải biết rằng Ăng Ca có nhiều mắt như mắt trên trái thơm vậy. Nếu anh không phạm sai lầm Ăng Ca không bao giờ bắt anh”.
 
Ông Vann Nath, cũng là một họa sĩ, cho tòa biết phòng giam của ông là một phòng lớn, có tới 60 tù nhân bị cùm chung. Các tù nhân lần lượt bị chết dần chết mòn. Ban đêm lính gác tù vào tháo cùm các xác chết và đưa ra khỏi phòng. Ông vẫn phải ăn và nằm bên cạnh các xác chết. 
 
Sau một tháng bị giam giữ, bổng nhiên một lính gác tới mở cùm và dẫn ông đi. Ông tưởng mình bị đưa đi giết. Nhưng may mắn thay, trưởng trại cho ông làm việc chung với ông Bou Meng để vẽ các bức họa khổng lồ về các lãnh tụ cao cấp. 
 
Trong khi đó, ông Chum Mey, một thợ máy, cho biết ông cũng bị tra tấn và bị buộc phải nhận tội tham gia vào hệ thống gián điệp của KGB và CIA nhằm lật đổ nhà nước và sắp bị đưa đi hành quyết. Nhưng lúc đó Duch cần một người có thể sửa máy may, bơm nước và máy đánh chữ nên ông được cho ra làm việc và nhờ đó sống sót.
 
Vụ án Khmer Đỏ là một chuyện dài gồm nhiều tập, trên đây chỉ là những nét chính. Khieu Somphorn, cựu Chủ Tịch Nước thời Khmer Đỏ nói rằng chế độ Maoist ở Kampuchia do Pol Pot lập ra trong những năm 1975-1979 đã xóa bỏ tôn giáo, trường học, tiền tệ để lập ra kinh tế nông nghiệp, và Pol Pot phải chịu trách nhiệm đối với tất cả các chính sách, dù đúng hay sai. Nhưng Khieu Somphorn không nhìn nhận trách nhiệm cá nhân.
 
 VƯỢT QUA NHỮNG KHÓ KHĂN
 
Hiện nay, không có tòa án quốc tế nào có quyền truy tố và xét xử các tội phạm của Khmer Đỏ. Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court) thường trực mới được thành lập ngày 17.7.1998 tại Rome để xét xử (1) tội diệt chủng  (crime of genocide), (2) các tội chống nhân loại (crimes against humanity), (3) các tội phạm chiến tranh (war crimes), và (4) tội xâm lăng (the crime of aggeression). Tuy nhiên, vì hình luật không có hiệu lực hồi tố, nên tòa án này không thể xét xử các tội phạm xẩy ra trước khi hiệp ước ngày 17.7.1998 có hiệu lực. Do đó, phải áp dụng luật Kampuchia để xét xử. Đây là một vấn đề rắc rối. 
 
Liên Hiệp Quốc thấy rằng các thẩm phán Kampuchia không đủ khả năng để điều tra và xét xử một vụ án như vậy. Vã lại, họ phải chịu nhiều áp lực nên không thể xét xử một cách công bằng được, vì thế Liên Hiệp Quốc nhất quyết đòi thành lập một tòa án hổn hợp để xét xử vụ này. Lúc đầu chính quyền Kampuchia nhất quyết chống lại, Tuy nhiên, do áp lực của LHQ và các quốc gia Tây phương, ngày 4.10.2004 Chính phủ Kampuchia mới thông qua một đạo luật thành lập tòa án hổn hợp để xét xử các lãnh tụ Khmer Đỏ. Thành phần tòa án có 27 người gồm các thẩm phán và công tố viên của cả Kampuchia lẫn quốc tế, trong đó số thẩm phán quốc tế  là 10 người do LHQ chỉ định. Ngày 7.4.2006, các thẩm phán và công tố viên này đã tuyên thệ để bắt đầu tiến trình thụ lý vụ án.
 
Trong suốt 35 năm qua, gần như lúc nào người Việt chống cộng ở hải ngoại cũng dọa truy tố các lãnh tụ CSVN ra toà án quốc tế về tội ác chiến tranh và tội ác đối với nhân loại, nhưng chẳng ai làm được gì cả vì những lý do chính sau đây:
 
1.- Người Việt chống cộng không quan tâm đến việc thiết lập hồ sơ vi chứng tội phạm để truy tố.
 
Trong thời gian từ 1968 đến 1975, chính phủ VNCH có thừa phương tiện để lập vi chứng các tội ác đã xẩy ra trong biến cố Tết Mậu thân, nhưng chẳng ai làm.
Các sự kiện do các ký giả hay các nhà khảo cứu ghi lại chỉ được coi như là những thông tin (information) không có giá trị pháp lý để truy tố và xét xử. Những lời lên án và chửi bới Cộng Sản dĩ nhiên là hoàn toàn vô giá trị. 
 
2.- Không xác định được tòa án có thẩm quyền xét xử 
 
Như đã nói ở trên, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế mới được thành lập năm 1998, trong khi các tội phạm của các lãnh tụ CSVN đã xẩy ra trong các năm 1955 – 1956 và năm 1968, do đó toà này không có thẩm quyền xét xử, vì hình luật không có hiệu lực hồi tố.
 
3.- Sai lầm về phương diện tuyên truyền
 
Người Kampuchia có hai tác phẩm danh tiếng là cuốn “Survival in the Killing Fields” (Sống còn trong Các Cánh Đồng Chết) của Haing Ngor, Roger Warner, và cuốn “When Broken Glass Floats – Growing up under the Khmer Rouge” (Khi mảnh chai nổi lên – Lớn lên dưới chế độ Khmer Đỏ) của Chanrithy Him, ghi lại những điều mắt thấy tai nên đã đánh động được lương tâm nhân loại. Trong khi đó, Khối Quân Sử thuộc Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đã biên soạn rất công phu cuốn “Tổng Công Kích – Tổng Khởi Nghĩa của Việt Cộng Mậu Thân 1968” nhưng không ghi lại bằng chứng của các tội ác mà chỉ ghi lại những trận đánh với kết luận “ta thắng địch thua”, nên chẳng gây được tiếng vang nào. 
 
Người Kampuchia có một Trung Tâm Tư Liệu do ông Chhang Youk làm giám đốc, hoạt động độc lập, có nhiệm vụ truy tầm các bằng chứng về các tội phạm của Khmer Đỏ. Người Việt chống cộng có văn hoá và cuộc sống cao hơn người Kampuchia, nhưng không chịu làm việc đúng theo phương pháp khoa học, cứ ngồi chửi Cộng Sản vung xích chó và “biểu dương khí thế”, vạn sự đều trông chờ vào Anh Hai Nhân Quyền và Anh Hai Chống Cộng (nhưng luôn lật lộng), nên không thể đạt được những kết quả mà người Kampuchia đang đạt được.

Ngày 27.7.2010
Lữ Giang