Sonntag, 31. Januar 2010

Phật Giáo và Việt Cộng - Trước cảnh dậu đổ bìm leo

Nói rằng, trong vòng 50 năm qua, các nhà sư Phật giáo miền Nam theo Việt Cộng là sai. Nói rằng, Phật giáo Việt Nam chống Cộng thì cũng chẳng đúng. Nhưng nếu nói rằng, trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam và giai đoạn mấy năm đầu, sau 1975, nhiều nhà sư Phật giáo chưa hiểu bản chất thật sự của Cộng Sản như thế nào nên trong nhiều trường hợp đã bị “thua lận” Việt Cộng hay bị VC đánh lừa để lợi dụng, có lẽ đúng hay đúng được phần nào.
Về mặt lý thuyết, toàn bộ lý thuyết Tư Bản Luận và đấu tranh giai cấp của Karl Marx, Engels chưa qua khỏi ngưởng cửa Nhị Đế trong lý thuyết căn bản Tứ Diệu Đế của đạo Phật. Thêm vào đó, chủ nghĩa CS phủ nhận tôn giáo thì làm sao Phật giáo “đồng hành” với CSVN được.

Hơn thế nữa, về mặt tổ chức, đảng Cộng Sản là một tổ chức chính trị và bạo lực. Họ xem việc đấu tranh, triệt hạ, tiêu diệt đối thủ bất chấp tình người và máu lệ, là con đường chính để nắm quyền lực dưới danh nghĩa “giải phóng con người” bị đau khổ và áp bức. Trong lúc đó, đạo Phật là một nguồn suối tâm linh, chủ trương đem từ bi, trí tuệ để giải phóng con người ra khỏi sự đau khổ của ngu dốt (vô minh) và làm bậy (vọng động).

Về lý thuyết cũng như về tổ chức, đạo Phật cũng như các tôn giáo chân chính khác phải đứng ngoài và đứng trên quyền lực chính trị, nhất là nền chính trị chuyên chính và bao lực kiểu CS thì lại càng phải tránh xa hơn. Nếu chẳng đặng đừng cần giúp đời cứu nước như thời đại Phật giáo Lý Trần, thì Phật giáo chỉ nên làm cố vấn cho thế lực cầm quyền biết nương theo đường Chánh Đạo để trị dân, giúp dân giàu nước mạnh.

Tiếc thay, trong hoàn cảnh Việt Nam cân đại, các nhà sư Phật giáo thay vì làm cố vấn cho chính trị thì đã bị chính trị lôi cuốn nên nhiều trường hợp đã vô tình và vô tâm đem Phật giáo làm công cụ cho chính trị. Trong trường hợp như thế, nếu quần chúng Phật tử đặt tín tâm không đúng chỗ, nhất nhất một dạ tin kính theo Thầy thì khó tránh khỏi hậu quả bị cuốn vào bàn tay vấy bẩn của chính trị.

Có chăng Phật giáo Việt Nam đã bị chính trị nhập nhằng đẩy và kéo từ sau cuộc đảo chánh nhà Ngô cho đến hiện tại (năm 2010).

Phải khách quan và công bằng để nhận định rằng, cuộc tranh đấu Phật giáo đòi quyền tự do bình đẳng tôn giáo là một cuộc đấu tranh có chính nghĩa hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên đã thắng về mặt cơ bản. Lẽ ra, khi đối tượng gây áp bức, bất công không còn nữa, Phật giáo và các nhà sư Phật giáo phải trở lại cương vị tu hành, hóa đạo cứu đời của mình thì mới đúng theo con đường Bát Chánh Đạo của nhà Phật. Thế nhưng vì cớ gì mà một số các nhà sư Phật giáo vẫn tiếp tục lôi kéo quần chúng Phật tử phải xa chùa nhập thế, đòi hỏi những điều không thuộc vai trò và trách nhiệm của Phật giáo. Nếu Thượng tọa Thích Trí Quang và các nhà lãnh đạo Phật giáo thời kỳ 1960 muốn vận động cho một chính quyền dân sự lành mạnh ở miền Nam chẳng hạn thì các Thầy đã sử dụng sai phương tiện. Hậu quả trực tiếp cho sự dính mắc giữa tôn giáo và chính trị đã dẫn đến tình trạng Phật giáo bị xâm lấn nội bộ, bị phân hóa và ngộ nhận thường xuyên trong cũng như ngoài nước.

Cho nên chuyện “dậu đổ bìm leo” như hôm nay là điều không tránh được.

Lãnh đạo là con đường thống lãnh quyền hành và nhận lãnh trách nhiệm. Lãnh đạo tích cực không phải sẵn sàng để biện minh và bào chữa mà sẵn sàng nhận lỗi và sửa đổi. Đạo Phật Nhật Bản được toàn dân kính trọng và góp phần xây dựng nước Nhật hùng cường vì các thiền sư Nhật Bản phần lớn mang tinh thần Võ Sĩ Đạo nên rất thẳng thắn và sẵn sàng nhận trách nhiệm khi có những vấn đề xảy ra trước những thắc mắc chính đáng.

Để dẫn chứng cụ thể về tình trạng dậu đổ bìm leo nói trên và phản ứng lãnh đạo, xin mời người đọc theo dõi Thông Cáo mới nhất của GHPGVNTN – VP2VHĐ vừa mới công bố. Xin trích dẫn nguyên văn đoạn đầu tóm tắt nội dung như sau:

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 18.1.2010
Thông tư của Viện Hoá Đạo về các bài viết trên Mạng vu cáo hàng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
PARIS, ngày 18.1.2010 (PTTPGQT) - Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được bản Thông tư về hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) do Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, ký ngày 17.1.2010 để phổ biến.
Đây là hiện trạng đau lòng trên hai phương diện mạ lỵ và văn hoá ứng xử lễ nghi của người Việt. Trong nước thì chế độ Cộng sản chẳng phân biệt tuổi tác, tước vị tôn giáo gọi xách mé chư Tăng bằng thế danh, anh, tên, thằng, y, hắn…, thì nay ở hải ngoại những người tự gọi là Chống Cộng nhưng khi đề cập tới các nhà tôn giáo họ vẫn bắt chước người Cộng sản để mi mày tao tớ với bất cứ ai...

Và nguyên văn Thông tư mới nhất của Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ mở đầu như sau:

THÔNG TƯ
Kính gửi chư Tôn đức Tăng Ni và Đồng bào Phật tử
về hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm GHPGVNTN lưu hành trên Mạng và các cơ quan truyền thông
Trong thời gian qua lưu hành trên một số mạng Internet, cơ quan truyền thông, báo chí, những bài viết vu khống, mạ lỵ, chụp mũ hàng Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bằng những lời lẽ thiếu văn hoá. Đặc biệt với những bậc Cao tăng thạc đức đã viên tịch và từng giữ chức vụ lãnh đạo Giáo hội, mà đứng trên lập trường dân tộc và Phật giáo các Ngài chưa hề có hành xử, lời nói, văn viết làm hại đến văn hiến nước nhà hay quyền lợi dân tộc.
Trường hợp mà Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo muốn nói rõ là những vu cáo đối với đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết và đức Đệ Tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu.
Vì vậy, qua Thông tư hôm nay Viện Hoá Đạo minh định công đức hai Ngài đối với Phật giáo và dân tộc, đồng thời xác định sự sai trái của những bài viết vu cáo hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc vì cố tâm gièm pha Phật giáo cho những mưu đồ phi dân tộc.
Đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, truyền thừa sự lãnh đạo Phật giáo có từ thời Đinh cách nay mười thế kỷ. Ngài là vị Tăng thống thứ nhất thời cận và hiện đại nối tiếp giai phẩm khởi sự từ thời đại Việt Nam minh định chủ quyền dân tộc sau mười thế kỷ bị Bắc phương uy hiếp. Thế mà nay lại có số người vừa xúc phạm Phật giáo vừa vu cáo cá nhân Ngài khi loan truyền lời điêu ngoa, thất thiệt Ngài là “Việt Cộng”...

Bất cứ một người Phật tử bình thường nào cũng phải đau lòng và rát mặt trước cảnh “DẬU ĐỔ BÌM LEO” nầy.

Người xưa có nói rằng, muốn trách điều gì thì hãy trách mình trước, trách người sau. Muốn trách mình trước xin quý Thầy, Sư Cô và Phật tử phải tĩnh tâm, tĩnh trí, lấy lòng từ bi và trí tuệ để xét lại chính mình và tự hỏi TẠI SAO?

Tại sao sau một cuộc đấu tranh Phật Giáo đầy hy sinh và uy dũng đem đến thắng lợi năm 1963, ngay sau đó, giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập trong sự hân hoan của mọi Phật tử sau hơn 50 năm mơ ước, nhưng chỉ sau mấy tháng GHPGVNTN đã chia rẽ, phân hóa thành Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự?

Tại sao quý thầy lãnh đạo Phật giáo đương thời không lo chấn hưng Đạo Pháp, đào tạo tăng tài, hóa đạo giúp đời theo tinh thần của hiến chương GHPGVNTN sau năm 1963 mà phải dấn thân vào những hoạt động chống báng những thế lực quân sự cầm quyền đang nằm trong tay của Mỹ; trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt giữa đôi bên. Tại sao các thầy cần đứng ra chỉ đạo Phật tử phải vận động bầu bán cho các ông bà dân biểu, nghị sĩ nầy nọ là đã hạ thấp uy tín đạo Phật xuống ngang tầm với những đảng phái, thế lực chính trị thế quyền, đầy thủ đoạn bon chen thời bấy giờ?

Tại sao quý Thầy và cư sĩ trụ cột trong giáo hội PGVNTN như HT Thích Trí Thủ, HT Thích Thiện Siêu, Cư sĩ Võ Đình Cường lại đứng vào BAN VẬN ĐỘNG và sau đó tham gia vào cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước CS Việt Nam dựng lên và độc quyền chỉ đạo?

Tại sao trong khi GHPGVNTN đang bị đàn áp ở quê nhà, Văn Phòng 2 VHĐ được thành lập tại Hoa Kỳ, quy tụ hầu hết chư tăng ni ở hải ngoại; bỗng nhiên, nửa chừng lại có GIÁO CHỈ SỐ 9 loại bỏ những tăng ni đã suốt đời gắn bó với phong trào Phật giáo ra khỏi GHPGVNTN; giải tán Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã sinh hoạt sống chết với Đạo Pháp gần nửa thế kỷ qua; giải tán Tổng hội Cư Sĩ gồm những Phật tử có tín tâm kiên cố với Phật giáo suốt đời mình? Ai là thủ phạm của một “quyết định hành chính” nghịch lý, nghịch đạo, thất nhân tâm, lạm danh quý Thầy lãnh đạo giáo hội, trong lúc Đạo Pháp trong và ngoài nước còn nghiêng ngữa như thế?

Tại sao Giáo hội PGVNTN văn phòng 2 Viện Hóa Đạo “Hậu Giáo Chỉ số 9” lại CẦN PHẢI quy tụ một lực lượng nhân sự giới hạn, gồm những Tăng Ni và Cư Sĩ chưa hẳn đã có nhiều phẩm hạnh cao hơn những vị bị loại ra khỏi tổ chức GHPGVNTN như thế? Tinh thần từ bi, trí tuệ, giải thoát, dân chủ của Phật giáo ở đâu khi việc loại bỏ và bố trí nhân sự của một tổ chức tôn giáo đang có mặt trên toàn thế giới, chỉ thông qua một quyết định đơn phương bằng Chỉ thị (Giáo chỉ?!) từ trong nước (?!) gởi ra bắt mọi người phải theo; ai không theo là mang tội “bất khâm tuân giáo chỉ”? Rõ ràng, chư tôn trong nước làm sao hiểu rõ tình hình tăng ni ở nước ngoài để đưa ra một cuộc “thanh trừng và đảo chánh” GHPGVNTN tại hải ngoại đáng kinh ngạc như vậy. Động cơ phá hoại và gây chia rẽ Phật giáo như thế là gì và nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Tại sao trong một tình hình Phật giáo có đủ người, đủ phương tiện giao thông vận tải, đủ quyền tự do dân chủ ở Hải Ngoại mà lại không có một Đại Hội Phật Giáo minh bạch được tổ chức có quy mô xứng đáng để quyết định một việc trọng đại như thế? Chống độc tài áp bức, vận động tự do dân chủ, chống âm mưu bá quyền xâm lược Trung quốc là một chính nghĩa của toàn thể dân tộc Việt Nam. Phật giáo tham gia vào chính nghĩa chống cộng nhất thiết phải được đặt ra đường đường chính chính bằng một tinh thần Hội Nghị Diên Hồng. Ai là người chịu trách nhiệm về một tình trạng “dậu đổ bìm leo” đưa đến cảnh phân hoá của Phật giáo như hiện nay?

Thông thường, muốn giải quyết vấn đề, cần phải nắm vững và hiểu rõ vấn đề trước đã.

Hiện nay, Phật giáo trong nước, thông qua giáo hội PGVN do Nhà Nước CSVN khống chế hoàn toàn. Mọi sinh hoạt của Phật giáo đều do cán bộ và công an nhà nước lồng vào trực tiếp hay gián tiếp điều khiển, chỉ đạo.

Về mặt nổi, đã có nhiều công trình xây dựng, tu bổ chùa chiền và sinh hoạt Phật giáo được tổ chức rầm rộ khắp nước, nhưng tựu trung là một hình thức “Phật giáo Vesak” mà như thầy Lê Mạnh Thát đã nhận định “Đó là chương trình sinh hoạt đạo Phật của Nhà Nước, chẳng liên quan gì đến Phật giáo Việt Nam thuần túy và chân chính cả”.

Đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu thực tế, kết luận sơ khởi đưa ra rằng: rất may mắn cho tiền đồ Phật giáo Việt Nam vì hầu hết các vị chân tu ở trong nước , với tinh thần “hoà nhi bất đồng”, đã thấy và phân định rõ ràng những gì là PHẬT GIÁO chính thống và những gì là PHI PHẬT GIÁO do chính quyền CSVN áp đặt và dựng lên, “tuỳ duyên bất biến” để ứng xử mà hành đạo.

Ở ngoài nước, tình trạng chia rẽ và phân hoá giữa các “giáo hội” và nhóm phái Phật giáo đã tới hồi đỉnh điểm. Hiện nay, kể cả châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và Canada đang có tới 18 (mười tám) tổ chức Phật giáo dưới danh nghĩa pháp môn, giáo phái, giáo hội đang sinh hoạt. Trong khi những kinh sách, băng dĩa do các thầy, cô thuyết giảng về Tánh Không, Vô Ngã, Phá Chấp… phát hành miễn phí khắp các chùa không có chỗ để, thì trên thực tế quý tăng ni có trách nhiệm đang làm ngược lại. Sự vắng bóng tăng đoàn, khuynh hướng làm trụ trì “nhất sư, nhất tự”, sự chia ngôi, phân cấp trong nhà chùa; sự cầu danh, vị lợi ngoài xã hội; sự tôn sùng hình tướng phàm trần, thường xuyên kêu gọi Phật tử đóng góp tiền bạc vật chất nhiều hơn kêu gọi tu học đang trở thành một sinh hoạt “nóng bỏng” của đa số chư tăng ni ở hải ngoại. Hiện tượng nầy đang tạo ra nguy cơ thoái trào của đạo Phật Việt Nam tại hải ngoại khi thế hệ già nhường gia tài Đạo Pháp lại cho thế hệ trẻ trong một tương lai không xa.

Nhưng tình trạng đau lòng của Phật giáo hiện nay chẳng phải là con số mà tinh thần chia rẽ. Tại nước Mỹ, hiện đang có tới 97 giáo phái Tin Lành với 200 nghìn nhà thờ và nơi phụng tự khác nhau. Họ tôn trọng nhau và không có hiện tương đả kích phê phán nhau. Khi cần tiếng nói chung, vẫn có tổ chức Hiệp Hội Thống Nhất Tín Hữu đại diện. Nhưng Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại hiện nay thì mạnh ai nấy lập giáo hội, mạnh ai nấy xây chùa, mạnh ai nấy phát biểu, tự do đả kích nhau, vắng bóng tiếng nói của một GIÁO QUYỀN đại biểu, khoan nói tới Thống Nhất hay Liên Kết làm gì cho xa xôi!

MỘT LỜI THỈNH NGUYỆN

Nguyện vọng cuối cùng, đơn giản nhất mà cũng là to lớn nhất của Phật tử Việt Nam là thỉnh cầu chư Tăng Ni nhìn nhau cho rõ, nhân danh lòng từ bi, trí tuệ và hỷ xả để ngồi lại với nhau.

Hãy khoan nói đến những vấn đề trọng đại như chấn hưng, hiện đại hoá Phật giáo mà cần đặt lại CÁCH NHÌN và CÁCH NGHĨ ứng hợp với thời đại: Nếu một xã hội đời thường lành mạnh cần đến sự dung hợp Đa Nguyên, Đa Đảng thì một đạo Phật Hiện Đại cần một sự hóa giải Đa Lưu, Đa Chi. Nghĩa là dung hợp được nhiều môn phái, nhiều tổ chức, nhiều khuynh hướng lại với nhau trong tinh thần tương kính và lục hòa.

Phật tử trong thời đại này, một khi còn tín tâm chưa thối chuyển với đạo Phật thì thảy đều tôn kính chư tăng ni và quý mến hàng cư sĩ. Tuy nhiên, với phương tiện truyền thông đại chúng càng ngày càng phát triển vượt bậc, người Phật tử có đạo tâm kính Phật trọng tăng càng ngày càng “có điều kiện”. Nghĩa là Phật tử sẽ không mù quáng kính ngưỡng và lễ bái Tam Bảo chỉ vì hình tướng hay vì những danh xưng tước vị bên ngoài.

Tinh thần phá chấp của đạo Phật thường được thể hiện cao nhất trong và sau những thời kỳ kết tập khi chư tăng ni ngồi lại với nhau thể hiện lý tưởng “tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu”. Xín quý Thầy, quý Sư Cô, quý Cư Sĩ trong hết thảy các tổ chức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại bắt tay vào một cuộc HÒA GIẢI PHẬT GIÁO VIỆT NAM như là một điều kiện tiên quyết cho bất cứ một dự án nào xa hơn. Giáo hội PGVNTN Văn Phòng 2-VHĐ đang ở trong một vị thế tương đối thuận lợi nhất cho vai trò tiền phong Hòa Giải nầy.

Khi chư Tăng Ni là những trưởng tử của đức Như Lai hòa hợp, nghĩa là khi bức tường thành Phật giáo vững vàng với sức mạnh đại hùng, đại lực, đại từ bi, thì dẫu bìm có muốn leo cũng không có nơi để bám hay có bám được cũng sẽ bị sức mạnh tổng hợp của Phật tử bốn phương bứt sạch.

NGUYÊN THỌ NHƯ HÒA

Donnerstag, 28. Januar 2010

Mục tiêu và thủ đoạn

Lữ Giang

Sau vụ 4 nhà đối kháng được nhiều người biết đến, đã bị Tòa Án Nhân Dân thành phố Sài Gòn tuyên án nặng vào ngày 20.1.2010 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự, các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như của người Việt ở hải ngoại đã bàn luận khá nhiều về vụ án này, như thủ tục xét xử thiếu minh bạch và công bằng, không cho cơ quan báo chí ngoại quốc và các nhà ngoại giao vào quan sát phiên xử, vụ án chỉ "liên quan việc thực thi tự do ngôn luận" (ông Kenneth Fairfax, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn) nhưng tuyên án như vây là quá nặng, v.v. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai nói lên được mục tiêu mà nhà cầm quyền CSVN đang nhắm tới khi cho tiến hành các vụ án này và các thủ đoạn mà họ đã dùng để đạt tới mục tiêu đó.

Người Việt chống cộng ở hải ngoại thường nhắc đi nhắc lại câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: "Đừng nghe những gì Công sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm". Mặc dầu “dạy dổ” mọi người như thế, ông Thiệu và bộ tham mưu của ông đã không hề biết Cộng Sản làm gì và Mỹ làm gì nên đã để mất miền Nam.

Ngày nay, nếu không biết Cộng Sản đang làm gì và Mỹ đang làm gì, cứ tấn công vào các hiện tượng diễn ra bên ngoài hay các hư cấu do chính mình tưởng tượng ra, người Việt đấu tranh khó góp phần được gì cho việc giải phóng quê hương.

MỘT VÀI CÁCH NHÌN

Hãng thông tín Reuters cho rằng phiên xử gây sự chú ý ở nước ngoài một phần bởi trong số bị cáo có ông Lê Công Định và ông Nguyễn Tiến Trung. Luật sư Lê Công Định từng bào chữa cho các nhà hoạt động dân chủ và cũng từng bảo vệ cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, trong khi Nguyễn Tiến Trung từng gặp Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng như Thủ Tướng Canada Stephen Harper.

Hãng thông tấn Pháp AFP ghi nhận đây là vụ án "nổi bật nhất trong một loạt các vụ bắt giữ và kết tội giới bất đồng chính kiến và bloggers tại đất nước cộng sản một năm qua".

Trong khi đó hãng AP ghi nhận người đầu tiên ra tòa là ông Lê Công Định đã thừa nhận vi phạm điều 79 Luật Hình Sự khi gia nhập Đảng Dân Chủ Việt Nam (một đảng chống cộng cò mồi). Ông Lê Công Định nói: "Mục đích của đảng là kêu gọi hệ thống đa đảng, đa nguyên chính trị và một nhà nước mới." Ông xác định: “Trong thâm tâm, bản thân tôi và các bị cáo khác không có ý định lật đổ chính phủ.”

Theo AP, ông Định nhìn nhận đã phác thảo một hiến pháp mới do Nguyễn Sỹ Bình, người lãnh đạo Đảng Dân Chủ giao cho, và dự khóa học ba ngày tại Thái Lan do Việt Tân (giả) tổ chức về thay đổi chính trị bất bạo động.

Người thứ hai là Nguyễn Tiến Trung cũng nhìn nhận đã gia nhập Đảng Dân Chủ Việt Nam và thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Trung nói: "Hành động của tôi vi phạm luật pháp Việt Nam. Tôi nông nổi và phạm sai lầm."

Bị cáo thứ ba, Lê Thăng Long, bác bỏ việc ông bị cáo buộc đã làm những điều sai trái. Ông tuyên bố: "Tôi vô tội". Ông nói với tòa rằng ông viết lời nhận tội và xin khoan hồng hồi tháng 6 chỉ sau khi ông "bị an ninh khủng bố tinh thần".

Còn ông Trần Huỳnh Duy Thức thừa nhận đã lập ra "Nhóm Nghiên cứu Chấn", một tổ chức mà Viện Kiểm Sát nói là muốn gây ảnh hưởng tiêu cực đối với chính phủ. Nhưng ông Thức nói nhóm này đơn giản chi tiến hành nghiên cứu và đưa ra các đề nghị về chính sách cho lãnh đạo Việt Nam. Ông Thức dự đoán Đảng Cộng sản tiêu vong trước năm 2020.

Phát biểu trên đài phát thanh Úc, chuyên gia lâu năm về Việt Nam, Giáo sư Carlyle Thayer nhận xét rằng bốn bị can đã đưa hoạt động đòi dân chủ đi xa thêm một bước khi thành lập Đảng Dân Chủ Việt Nam. (Thật sự đảng này do Hoàng Minh Chính thành lập và Nguyễn Sỹ Bình ở San José thừa kế).

Ông nói họ "đề ra chiến lược và chiến thuật chính trị hòa bình để thách thức Đảng Cộng Sản vào lúc có khủng hoảng tài chính toàn cầu, và nhắm tới giới bất đồng chính kiến bên trong Đảng với hy vọng có sự ủng hộ của họ".

Giáo sư Thayer đoán rằng phiên tòa được phe bảo thủ trong Đảng dùng để chặn trước khả năng bất đồng tại Đại Hội Đảng lần thứ 11. Theo ông, trong quá khứ, những người tự do hay cấp tiến trong Đảng đã dùng Đại Hội và các tài liệu chính sách để thúc đẩy cải tổ. Những người bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ ngoài đảng cũng dùng cơ hội đó để góp ý và thúc giục thay đổi."

Hôm 21,1.2010, ông Brad Adams, Giám Đốc Human Rights Watch đặc trách vùng Châu Á, cũng nói rằng chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp dân chủ trước Đại hội Đảng lần thứ 11.

MỤC TIÊU CỦA HÀ NỘI

Trong bài “Tính toán của Hà Nội” được phổ biến hôm 26.10.2009, chúng tôi đã nói về mục tiêu của Đảng CSVN khi mở chiến dịch đàn áp các thành phần đối kháng, đại khái như sau:

Các nhà phân tích cho rằng Đảng CSVN đang chuẩn bị cho hai công tác chính sau đây:

(1) Bảo đảm Đại Hội Đảng kỳ XI sẽ được tổ chức vào đầu năm 2011 tới đây không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra.

(2) Tiến tới một chính sách đối ngoại với Trung Quốc thích hợp nhất.

Hôm thứ hai 5.10.2009, Hội Nghị lần thứ 11 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá X đã họp ở Hà Nội để chuẩn bị những vấn đề làm sườn cho Đại Hội Đảng Khoá XI vào đầu năm 2011. Buổi họp kéo dài trong 5 ngày. Theo tài liệu của Đảng CSVN, Hội Nghị đã bàn về các vấn đề sau đây: Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2011- 2020; Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng; Báo cáo về một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Điều Lệ Đảng.

Nhìn chung, Đại Hội nào của Đảng CS cũng phải quyết định về hai vấn đề chính: Vấn đề thứ nhất là vấn đề nhân sự và vấn đề thứ hai là vấn đề đường lối.

1.- Vấn đề nhân sự

Lần Đại Hội này vấn đề nhân sự trở nên rất gay cấn vi các “công thần” của thời chiến tranh không còn nữa, đám lau nhau đang tranh ghế, nhưng không ai có đủ uy thế để có thể chế ngự được đa số như trường hợp của Lê Duẫn. Thêm vào đó, các “công thần” còn ngo ngoe được vẫn cố gắng bảo vệ các con gà của mình.

Nhìn chung, về vấn đề nhân sự, chủ trương của Đảng trong kỳ Đại Hội này là tiếp tục trẻ trung hoá guồng mày lãnh đạo.

2.- Về đường lối

Trong bài diễn văn đọc trước cuộc họp của Trung Ương Đàng nói trên, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng CSVN đã nhấn mạnh phải “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định vai trò lãnh đạo của đảng và đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của đảng.”

Trong các thứ “kiên định” nói trên, hai thứ “kiên định” đầu là chũ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chiêu bài. Hai “kiên định” sau đã gây nhiều tranh luận, đó là vai trò lãnh đạo và đường lối đổi mới của đảng.

Thỉnh thoảng chúng ta lại nghe chuyên gia này hay chuyên gia kia phân tích chủ trương khác biệt giữa các nhóm trong Đảng, chẳng hạn như nhóm thân Trung Quốc và nhóm thân Mỹ, nhóm thủ cựu và nhóm cấp tiến, v.v... Nhưng những chuyện đó hiện nay không còn trong Đảng CSVN.

Quả thật, trong thời chống Pháp và chống Mỹ, trong Đảng CSVN đã có nhóm thân Liên Sô và nhóm thân Trung Quốc, và hai nhóm này đã từng thanh toán nhau đẩm máu. Hiện nay, giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, nhóm nào cũng đồng ý áp dụng “chính sách đu dây” để quân bình áp lực và thủ lợi.

Về đường lối cải cách, nhóm nào đang nắm quyền đều bị coi là “nhóm thủ cựu”, còn nhóm nào bị loại đều trở thành “nhóm cải cách” hay “nhóm cấp tiến”, nhưng nhóm nào khi nắm quyền cũng đều hành động giống nhau: Bảo vệ quyền bính!

VẤN ĐỀ SINH TỬ

Nhiều nhà phân tích tin rằng tin rằng sau cuộc họp của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng từ 5 đến 10.10.2009 vừa qua, vấn đề nhân sự và đường lối của Đảng trong nhiệm kỳ tới đã được “an bài”. Đại Hội Đảng vào đầu năm 2011 tới đây chỉ được tổ chức để “hợp thức hoá” mà thôi. Nói cách khác, trong nhiệm kỳ tới, ai sẽ làm Tổng Bí Thư, ai sẽ làm Ủy Viên Bộ Chính Trị, ai sẽ làm Chủ Tịch Nước, ai sẽ làm Thủ Tướng, v.v. ... đều đã được quyết định rồi.

Dĩ nhiên, những thành phần có uy thế trong Ủy Ban Trung Ương Đảng không có tên trong nhiệm kỳ tới đều hiểu rằng họ đã bị loại. Cần lưu ý rằng chuyện tranh chấp về quyền hành trong nội bộ của các Đảng Cộng Sản trên thế giới, có khi đẫm máu, là chuyện bình thường.

Những thành phần bị loại thường có hai loại phản ứng khác nhau:

Đối với những người thấy rằng họ không có khả năng đối đầu với những thành phần đang có quyền hành, và sự đối đầu của họ chẳng những không đi tới đâu mà nhiều khi còn đưa tới những hậu quả tệ hại hơn, họ đành chấp nhận “số mệnh”.

Đối với những người tin vào uy thế của mình trong Đảng và nghĩ rằng họ có thể làm đảo ngược lại thế cờ vào một lúc nào đó, họ thường trở thành những nhân vật đối kháng. Bước đầu họ thường đưa những chuyện bê bối trong Đảng để lên án, sau đó phê phán đường lối của nhóm đang cầm quyền và đưa ra những đòi hỏi cải cách để tạo ra một phong trào chống lại nhóm đang cầm quyền.

Nói như vậy không có nghĩa là nhóm bị loại thường là những người muốn cải cách. Như đã nói ở trên, chúng tôi tin rằng những người như Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Nguyễn Văn Trấn, Võ Văn Kiệt, v.v., nếu nắm được quyền cũng sẽ độc tài và sắt máu không thua gì Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Đức Anh, v.v. Họ đòi cải cách không phải vì muốn có thay đổi mà chỉ muốn phá thối nhóm đang cầm quyền mà thôi. Khi họ đang có quyền trong tay, có khi nào họ nói đến cải cách đâu?

Dĩ nhiên, các thành phần chống cộng ở trong cũng như ngoài nước sẽ khai thác triệt để những sự đối kháng của nhóm bị loại để gây khó khăn cho chế độ hoặc đòi hỏi chế độ phải thay đổi. Đây là điều mà những người có quyền trong Đảng Cộng Sản lo lắng mỗi khi đến kỳ Đại Hội Đảng. Vậy công việc trước tiên là ngăn chận các thành phần có uy thế trong Đảng vừa bị loại ra, đừng cho nhóm này quậy phá. Đây là vấn đề sinh tử của nhóm đang cầm quyền, những Đảng CSVN có quá nhiều kinh nghiệm về cách đối phó với những nhóm này qua một tiến trình lịch sử lâu dài, nên họ biết cách để “khớp mõm” nhóm đó trong thời gian tiến tới Đại Hội Đảng.

CÁI BẨY ĐƯỢC TUNG RA

Trong bài “Tính toán của Hà Nội” chúng tôi đã trình bày cho độc giả thấy trước ngày Đại Hội Đảng XI hơn cả năm, Đảng CSVN đã cho xúc hết “nhóm tiểu quậy” thường xuất hiện như là những Bloggers. Nhóm này thường phê phán Đảng và Nhà Nước ngang như cua, nhưng đa số không sâu sắc vì thiếu kinh nghiệm và thiếu nghiên cứu. Các bài do nhóm này viết ra không gây tác hại nhiều, nhưng nhà cầm quyền phải bắt vì hai lý do: Lý do thứ nhất là sự phát triển của nhóm này có thể tạo thành một “phong trào quậy” không thể kiểm soát được. Lý do thứ hai quan trọng hơn, đó là dằn mặt “nhóm đại quậy” xuất hiện. Những thành phần này nếu để cho xuất hiện, họ có thể nói lên những mặt trái đàng sau làm Đảng bị mất uy tính. Họ có thể đưa ra những phản biện với những dẫn chứng và lập luận vững vàng làm lung lay chủ trương và đường lối mà Đảng đang đưa ra. Do đó, nhà cầm quyền phải bắt giam “nhóm tiểu quậy” để răn đe “nhóm đại quậy”. Nhà cầm quyền muốn nói với họ: Các anh mà loạng quạng chúng tôi cũng sẽ bắt luôn!

Tuy nhiên, trong “nhóm tiểu quậy” cũng có những thành phần bị coi là nguy hiểm, nhất là những thành phần có quan hệ quốc tế, cần phải có những biện pháp đặc biệt. Trong thực tế, chúng ta thấy có 4 nhân vật bị Đảng Cộng Sản coi là nguy hiểm, đó là Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Muốn thanh toán nhóm này, cơ quan tình báo và phản gián đã phải lập một kế hoạch rất tinh vi để lùa nhóm này vào bẫy và truy tố theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Vì thủ đoạn này đã bị chúng tôi lật tẩy trong bài “Bị sa bẫy” phổ biến vào ngày 16.6.2009, nên bản cáo trạng toàn phần gồm 15 trang truy tố 4 nhân vật nói trên đã không được công bố như trong các vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân. Viện Kiểm Sát (Công Tố Viện) chỉ công bố một phần nhỏ và ngay các bị cáo cũng không được phép đưa bản cáo trạng buộc tội mình ra tòa để tranh luận. Chúng tôi nhớ lại, sau khi chúng tôi cho phổ biến bài “Bị sa bẫy”, các websites ở trong nước có liên hệ đến vụ án Luật sư Lê Quốc Định đều bị lấy xuống.

Dù bản cáo trạng chỉ được công bố một phần, chúng ta cũng có thể thấy ngay 4 nhân vật nói trên đều bị sập bẫy của “Đảng Dân Chủ Việt Nam”, một đảng chống cộng cò mồi do Nguyễn Sỹ Bình ở San José lãnh đạo.

Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, sau khi bị Công An bắt tại Việt Nam năm 1992 vì “tổ chức chống đối chế độ”, Nguyễn Sỹ Bình đã được “khoan hồng” ngày 26.6.1993 và trở về Mỹ, rồi năm 1996 lại qua Kampuchia ra mắt cái gọi là "Đại Hội Đảng Nhân Dân Hành Động” tập trung 24 người chống cộng còn hoạt động tại Kampuchia cho Công An bắt và đưa về Việt Nam truy tố và tuyên án nặng vào ngày 10.9.1999. Điều đáng ngạc nhiên là Nguyễn Sỹ Bình, người đứng ra tổ chức Đại Hội, và người tình là Nguyễn Thị An Nhàn, lại không bị bắt mà được “trục xuất” về Mỹ trong thư thái hân hoan!

Vì cái đảng chống cộng cò mồi “Nhân Dân Hành Động” đã bị lộ diện, năm 2006 khi Bác Sĩ Nguyễn Xuân Ngãi đưa ông Hoàng Minh Chính qua Mỹ chữa bệnh, Nguyễn Sỹ Bình đã xúi ông tuyên bố thành lập “Đảng Dân Chủ Việt Nam” ở hải ngoại để giúp Bình thay hình đổi dạng. Năm 2008, ông Hoàng Minh Chính qua đời, có sự tranh chấp giữa nhóm quốc nội và nhóm quốc ngoại, nhưng Nguyễn Sỹ Bình có khả năng tài chánh hơn, nên ngày 9.8.2008 đã tiếm được vị trí “Trưởng Ban Thường Vu Trung Ương Đảng”, thay ông Hoàng Minh Chính điều hành “Đảng dân chủ VN”. Công tác của đảng này cũng chỉ đóng vai trò chống cộng cò mồi như “Đảng Nhân Dân Hành Động”, câu các nhà đối kháng bị coi là nguy hiểm vào cho nhà cầm quyền CSVN bắt.

Nguyễn Sỹ Bình sinh năm 1955 tại làng Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, qua Mỹ vào tháng 4 năm 1975, làm việc cho hãng Golden Gate Petroleum Co. ở California, sau thi đậu bằng kỹ sư đã đi làm tiếp thị cho một công ty địa ốc. Tháng 8 năm 1990, Bình trở về Việt Nam “hoạt động chính trị” như đã nói trên.

Báo Công An cho biết vào tháng 3/2008, Nguyễn Tiến Trung đã giới thiệu Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định với Nguyễn Sỹ Bình để thống nhất kế hoạch hành động. Theo sự phân công, Nguyễn Sỹ Bình giữ vai trò "Trưởng Ban Thường Vụ Trung Ương Đảng" của Đảng Dân Chủ Việt Nam, còn Nguyễn Tiến Trung là thành viên "Ban Thường Vụ", kiêm Phó Ban Báo Chí Hải Ngoại, kiêm Trưởng Ban Thanh Niên. Lê Công Định cũng là thành viên "Ban Thường Vụ".

Tháng 2/2009, Bình gửi cho Định bản "Tân Hiến Pháp VN" để Định nghiên cứu và góp ý. Đến tháng 9, trong một dịp sang Mỹ họp với giới luật sư, Định gặp Nguyễn Sỹ Bình, rồi được Bình đưa cho bản "Điều Lệ Đảng Dân Chủ VN" để Định chỉnh sửa. Chính vào dịp này Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức đã gia nhập "Đảng Dân Chủ VN" tại Mỹ.

Tháng 3/2009, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức đi Phuket, Thái Lan, gặp Nguyễn Sỹ Bình để thống nhất thành lập các tổ chức chính trị thay thế Đảng Cộng Sản VN khi xảy ra biến cố chính trị vào năm 2010. Nguyễn Sỹ Bình giao công tác: Lê Công Định chịu trách nhiệm thành lập "Đảng Lao Động VN" và Trần Huỳnh Duy Thức thành lập "Đảng Xã Hội VN" để tập hợp lực lượng cho “Đảng Dân Chủ Việt Nam”.

Từ ngày 1.3.2009 – 3.3.2009, Lê Quốc Định đã tham gia “khoá huấn luyện bất bạo động” do tổ chức Việt Tân (giả) tổ chức tại Pattaya (Thái Lan) do 2 người Serbia trình bày. Trong đó, một người một người có tên Blado, người còn lại Định khai không nhớ tên.

Đảng Việt Tân đã xác nhận họ không hề tổ chức “khoá huấn luyện” nào như thế. Đây chỉ là một “khoá huấn luyện” giả do Cục Tình Báo Hải Ngoại và Bộ Công An phối hợp tổ chức để gài bắt Lê Công Định.

Tất cả cuộc họp và “khoá huấn luyện” nói trên đều được quay phim và ghi băng để Công An làm tài liệu truy tố Định và Thức. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Định nhận tội ngay từ đầu.

Riêng Trần Huỳnh Duy Thức khi trở về lập blog "Change We Need" rồi viết các bài như: "Lần sinh nhật thứ 79 của Đảng Cộng sản VN là lần cuối", "Gửi những người Cộng sản", "Điềm gở của triều đại Cộng sản", "Minh chủ sắp xuất hiện", "Bôxít tây nguyên, huyệt mộ triều đại Cộng sản tự đào chôn mình"... với bí danh Trần Đông Chấn.

Tháng 4/2007, Lê Thăng Long tách ra khỏi "Nhóm Nghiên Cứu Chấn" và thành lập "Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt", website "chanhungnuocviet", "Câu lạc bộ người cao tuổi chấn hưng nước Việt", "Câu lạc bộ nhà báo chấn hưng nước Việt"... Khi bắt Lê Thăng Long, cơ quan An ninh Việt Nam đã thu nhiều tài liệu, trong đó có Cương Lĩnh "Đảng Dân Chủ Việt Nam". Cương lĩnh này khẳng định: "Xây dựng một Quốc hội mới, Nhà nước mới, Hiến pháp mới..."

Lược qua hoạt động của 4 thành phân đối kháng đã bị Toà tuyên án nặng hôm 20.1.2010, chúng ta thấy các thành phần này đều đã sập bẫy của Nguyễn Sỹ Bình, tức sập bẫy của Cục Tình Báo Hải Ngoại và Bộ Công An.

Trong phiên tòa ngày 20.1.2010, Trần Huỳnh Duy Thức đã đòi thay đổi thành phần xử án, còn nhiều người lại ngồi phê phán vê tính thiếu minh bạch của các thủ tục tại phiên tòa... Nhưng đó là những cuộc tranh luận vô ích. Trong chế độ “Đảng lãnh đạo” và “Luận pháp chỉ là công cụ để trừng phạt bọn tư sản và bọn phản động” (Lénin)..., tranh cãi về luật và thủ tục pháp lý chẳng lợi ích gì. Trong các vụ án chính trị, “Miệng tao là luật” và Ban Nội Chính là cơ quan quyết định bản án chứ không phải tòa án. Trong trường hợp của 4 bị cáo nói trên, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng là cơ quan quyết định bản án.

Giới trẻ có lòng với đất nước nhưng thiếu kinh nghiệm, bị sập bẩy của Cộng Sản là chuyện có thể hiểu được. Nhưng có nhiều người tự xưng là “đi guốc trong bụng Cộng Sản” hoặc đã sống vối Cộng Sản gần 56 năm mà vẫn bị “vô cơ” của Công An là chuyện đáng buồn!

QUYỀN LỰC TRÊN HẾT

Hiện nay, Đảng CSVN đang có những biện pháp mạnh đối với các thành phần đối kháng và áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát các cơ quan truyền thông. Trong khi chúng tôi đang viết bài này, Tòa án Hải Phòng sắp xét cử cô Phạm Thanh Nghiên về tội “tuyên truyền chống nhà nước” và Toà Án Hà Nội sẽ xét xử bà Trần Khải Thanh Thủy vào ngày 5.2.2010 về tội “cố ý gây thương tích”. Nói một cách tổng quát, từ nay cho đến ngày Đại Hội Đảng vào đầu năm 2011, Đảng CSVN đã và đang đập tan các “ổ đối kháng” để bảo đảm kết quả của Đại Hội mà Ban Chấp Hàng Trung Ương Đảng đã định trước.

Một câu hỏi thường được đặt ra: Không lẽ Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và các tổ chức bảo vệ dân chủ và dân quyền sẽ không có biện pháp nào đối với sự hung hản của Hà Nội sao?

Chúng ta nhớ lại, hôm 21.10.2009, Hạ Viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết HR 672 về Tự do Internet ở Việt Nam do Dân biểu Loretta Sanchez đề xuất. Nghị quyết kêu gọi Việt Nam “thả các bloggers bị cầm tù và tôn trọng tự do Internet”. Nghị quyết HR 672 này có tác dụng gì đối với Việt Nam?

Có thể trả lời một cách khẳng định: Không! Từ nay cho đến ngày kết thúc Đại Hội Đảng khoá XI vào đầu năm tới, nhà cầm quyền CSVN sẽ không thay đổi đường lối kiểm soát truyền thông và khống chế các thành phần đối kháng mà họ đang áp dụng, bất chấp mọi áp lực. Giả thiết Hoa Kỳ có áp dụng những biện pháp mạnh như ngưng thi hành hiệp ước thương mại song phương, áp dụng các biện pháp cấm vận và đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC..., Hà Nội cũng không “ke”. Hà Nội sẵn sàng chấp nhận mọi biện pháp chế tài để bảo vệ quyền bính của Đảng. Phải đợi sau Đại Hội Đảng, Hà Nội mới thay đổi đường lối để điều chỉnh dần các quan hệ quốc nội và quốc tế. Đó là điều mà các thành phần “chống cộng” phải biết.

Ngày 26.1.2010

Quân đội Hàn Quốc trong tình trạng báo động cao

Quân đội Hàn Quốc từ ngày 27/1 đã được đặt trong tình trạng báo động cao và sẵn sàng đánh trả nếu có các hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên.
Hãng tin Yonhap cho biết Hải quân Hàn Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi Triều Tiên liên tiếp bắn pháo vào khu vực gần đường biên giới đang tranh chấp giữa hai miền trên biển Hoàng Hải.

Ngày 28/1 là ngày thứ hai liên tiếp Triều Tiên bắn pháo tại vùng biển này.

Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, địa điểm mà đạn pháo của Triều Tiên rơi xuống ngày 27/1 cách đường ranh giới trên biển (NLL) khoảng 2,2km về phía Bắc và đây là lần đầu tiên Triều Tiên bắn pháo tại khu vực gần đường ranh giới NLL với Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng đã bắn pháo đáp trả gần địa điểm này. Không bên nào vi phạm đường giới tuyến và không có thiệt hại về người.

Cũng trong ngày 27/1, Triều Tiên tiếp tục nêu yêu cầu ký hiệp định hòa bình chính thức để thay thế Hiệp định đình chiến đang duy trì giữa hai miền kể từ năm 1953 đến nay.

Báo Minju Chosun của Triều Tiên ngày 27/1 đăng bài xã luận cho rằng một hiệp định hòa bình là yếu tố then chốt đảm bảo cho thành công của tiến trình đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Bài báo nhấn mạnh: "Nếu một hiệp định hòa bình được ký giữa Mỹ và Triều Tiên và niềm tin được xây dựng, các giải pháp duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ được kiến tạo và nguy cơ chiến tranh sẽ được giải trừ. Điều này cho thấy niềm tin là yếu tố cần thiết để giải quyết vấn đề hạt nhân cũng như các vấn đề liên quan khác".

Báo chí Hàn Quốc nhận định rằng "hành động làm gia tăng căng thẳng mới nhất" của Triều Tiên được thực hiện nhằm tăng sức ép với Hàn Quốc và Mỹ về việc ký hiệp định hòa bình, cũng được xem là "hành động trả đũa" tuyên bố mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc về khả năng nước này sẽ tấn công phủ đầu miền Bắc nếu có biểu hiện "khiêu khích hạt nhân".

Trong một diễn biến khác, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA ngày 28/1 đưa tin nước này đã bắt giữ một công dân Mỹ vì đã xâm nhập trái phép lãnh thổ Triều Tiên, qua đường biên giới giáp Trung Quốc.

Theo KCNA, vụ bắt giữ được thực hiện hôm 25/1 và đang được các cơ quan chức năng điều tra, song KCNA không cho biết danh tính người này.

Hiện phía Mỹ chưa có phản ứng gì về thông tin trên. Đây là công dân Mỹ thứ hai bị Triều Tiên bắt giữ do xâm nhập lãnh thổ trái phép trong vòng một tháng qua. Trường hợp trước đó là Robert Park bị bắt hôm 25/12/2009./.

(Theo TTXVN)

Trung Quốc đặt tên lửa ở Quảng Tây


Báo chí Đài Loan vừa báo động việc Trung Quốc điều hoả tiễn tới tỉnh Quảng Tây, với tầm che phủ vươn tới Việt Nam, Bắc Ấn và Nhật Bản.

27.01.2010 - Các báo này trích nguồn tin của Trung tâm Thông tin Kanwa, chuyên cung cấp tin và bình luận về các đề tài quốc phòng và ngoại giao Á châu, nói một loạt hỏa tiễn Trường Kiếm 10 từng xuất hiện trong cuộc duyệt binh mừng Quốc khánh Trung Quốc năm ngoái đã được chuyển tới binh đoàn tên lửa số 215 đóng tại Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây.


Tầm che phủ của loại tên lửa này là hơn 1.500 cây số, vươn tới Việt Nam, Đài Loan, Bắc Ấn Độ, bán đảo Triều Tiên và đảo Okinawa của Nhật Bản.

Các nguồn tin quân sự cho hay Trung Quốc sẽ thử tên lửa qua ba giai đoạn về sức phóng, đường bay và sức công phá để tăng khả năng tránh bị phát hiện của loại hỏa tiễn trên không này.

Các điểm thử tên lửa nằm rải rác ở các khu vực tây bắc, bắc và đông bắc, như biển Bột Hải, Cát Lâm, bán đảo Sơn Đông, Cam Túc và Tân Cương.

Tuy nhiên, năng lực tên lửa của Trung Quốc hiện bị đánh giá là chưa cao và còn thua kém nhiều nước khác.

Giới chức quân đội nước này cho rằng sự thiếu vắng trang thiết bị hoa tiêu là điểm yếu của quân lực Trung Quốc. Sẽ còn tốn nhiều thời gian để Bắc Kinh có thể thiết lập một hệ thống điều khiển thay thế hệ thống vệ tinh của Mỹ đang dùng.

Nguồn tin của Trung tâm Kanwa bị chú rằng các hình ảnh từ vệ tinh chụp xuống cho thấy đại bản doanh binh đoàn 215 có một khu doanh trại lớn, 9 trạm đỗ xe, 9 trạm khác dự phòng, hai sân tập luyện và một trung tâm dạy lái xe.

Cũng theo trung tâm này, binh đoàn tên lửa số 821 đã được đặt tại tỉnh Vân Nam hồi năm 2000 nhằm mục đích huấn luyện.

Cơ số hỏa tiễn tại đây có khả năng đối chọi lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đài Loan.

Màn trình diễn sức mạnh quân sự hoành tráng hồi năm ngoái, nhân kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Trung Quốc, đã cho thấy tham vọng mở rộng quân sự của Bắc Kinh.

Cuộc duyệt binh quy mô nhất trong suốt thập niên nay được đánh giá là sẽ gửi cho Hoa Kỳ và các nước khác một thông điệp về sức mạnh mới và quyết tâm bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc ở nội địa và nước ngoài.

Đây là thành quả 20 năm xây dựng quân đội với ngân sách quốc phòng tăng hàng chục phần trăm mỗi năm của Trung Quốc.

Ngân sách năm 2009 được công bố là 71 tỷ đôla, nhưng giới quan sát nói con số thực tế cao hơn thế nhiều.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/01/100127_taiwan_china_military.shtml

Cai trị phải có cốt cách nhà nước

Trần Minh Thảo

Trước hết, thử điểm mấy sự việc để thấy vấn đề rõ hơn. Chủ tịch nước nói trong hội nghị Việt kiều: “Vừa động viên ông Obama, vừa phân hóa nội bộ ổng…”. Như vậy, có thể hiểu Mỹ là kẻ thù của Việt Nam được không?

Cùng cách nói này, một vị đại tướng phát ngôn khi thăm Trung Quốc: "Chúng ta vẫn tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chống lại những âm mưu của kẻ thù chung”.

Xác định như vậy thì có thể suy ra Mỹ, Nhật, Úc, Ấn…kể cả phương Tây (có Nga?) là kẻ thù chung của hai nước? Nghị quyết nào của quốc hội xác định ai là thù, ai là bạn của Việt Nam?

Tệ vô chính phủ điển hình trong đối ngoại hiện nay là cách đảng nói về kẻ thù chung. Xác định kẻ thù là ai, tuyên bố chiến tranh với ai phải được tính toán thận trọng vì liên quan đến tồn vong của cả dân tộc. Đó là việc làm của cơ quan nào: đảng, công an, quân đội, chính phủ hay quốc hội? Quốc hội chưa có nghị quyết về ‘kẻ thù’ mà đảng cai trị khẳng quyết bạn thù là ai thì có phạm luật, có vi hiến?

Mở rộng diện ‘lách luật’ trong quản lý nhà nước và xã hội, có thể kể thêm mấy việc:

- Thực hiện dự án điện hạt nhân được dân địa phương đồng tình sau khi tham quan lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, dù có nhiều phản đối của giới khoa học trong, ngoài nước. Những việc trọng đại như điện hạt nhân không thể lấy lò Đà Lạt làm mẫu, cũng không thể chỉ có dân vài thôn, vài xã đồng ý là được như nhiều phản biện của giới chuyên gia. Cách làm này cũng là một kiểu ‘lách luật’ như chia nhỏ dự án bauxite Tây Nguyên để vô hiệu hoạt động của quốc hội.

- Giữ vững quy hoạch, tiếp tục thu hồi đất đai cho các dự án trong cả nước. Những hành vi phản đối liên quan đến đất đai của người dân đều bị trừng phạt tới nơi, tới chốn.

- Các vụ việc liên quan đến tôn giáo, xã hội dân sự, trí thức… được giải quyết dứt điểm bởi những ‘quần chúng tự phát’, ’mâu thuẫn nội bộ’, xét nhà, tịch thu tài sản, gọi làm việc, kết án nặng nề, nhẹ ra cũng phải bị xử ở ‘tòa án tổ dân phố’, gọi là kiểm điểm trước dân.

Các phát biểu, việc làm của các tổ chức, cá nhân lãnh đạo đảng, lãnh đạo nhà nước các cấp làm bật ra câu hỏi: Họ (lãnh đạo các cấp) ở đâu ra? ‘Họ ở đâu ra’ là câu hỏi bày tỏ sự thất vọng do quá kỳ vọng vào con người và bộ máy cai trị. Người dân thấy bộ máy cai trị không có cốt cách ‘nhà nước’ nên tỏ ra kinh ngạc. Trả lời vấn nạn ‘họ ở đâu ra’ thì không thể chỉ học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Tâm trạng bơ vơ từ miếng ăn, cái mặc, việc làm, an sinh, học hành, chữa bệnh,… của người dân là một thực trạng minh chứng tính vô chính phủ trong xã hội Việt Nam. Ai chăm sóc, bảo vệ người dân?

Chuyện lớn như đánh bắt cá trên Biển Đông, chuyện nhỏ như món trang sức, đồ chơi trẻ em hay miếng thịt, chiếc bánh, cọng rau, quả trứng…mạnh ai nấy lo, mạnh được yếu thua. Phương châm sống đó thành ra lề lối hành xử của toàn xã hội. Thực chất là quan hệ nhà nước - nhân dân có vấn đề: Nhân dân không thấy nhà nước là công cụ của nhân dân nữa bởi vì quan hệ nhà nước - nhân dân trở thành quan hệ ‘mạnh được yếu thua’.

Đáng ngạc nhiên là, các nhà lý luận của đảng lại coi tệ vô chính phủ làm rối loạn xã hội, làm xấu đi mối quan hệ nhà nước - nhân dân là biểu hiện của thứ tự do, dân chủ XHCN, là tính ưu việt của chế độ và kết án những ai đòi hỏi phải có một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự, một nền kinh tế thị trường tự do là ‘phản động’.

Càng biện hộ, bảo vệ cho hiện thực xã hội đầy khuyết tật, thì càng chứng tỏ quyền lực cai trị đất nước mất phương hướng, mất định hướng, rối ren từ bên trong, sợ dân, coi dân như giặc thù.

Nhiều người tỏ ra khó hiểu, không biết đảng cai trị dựa vào thế lực nào, hậu thuẫn nào, mục tiêu nào, lợi ích nào để mở ra một mặt trận toàn diện, tổng lực với nông dân (ruộng đất…), với công nhân (việc làm, tiền lương…), với thị dân (thuế má, an sinh xã hội…), với trí thức (phản biện xã hội…) với các tôn giáo (tự do tín ngưỡng…) với công lý phổ quát (cam kết quốc tế…)? Có thể nói đó là trận đánh tổng lực, toàn diện mà đối tượng là phần nhân dân còn lại? Chỗ dựa nào cho đảng cộng sản Việt Nam lòng tin và quyết tâm chính trị ‘vô chính phủ’ như vậy?

Năm 2009, đảng, nhà nước có nhiều thắng lợi to lớn nhưng thực ra là thất bại vì đảng thắng mà lòng dân không yên, xã hội không yên, uy tín nhà cai trị giảm sút.

Phục tùng lợi ích nước-lớn-đồng-chí-anh-em và quyết tâm giữ chỗ ngồi trên trong đình làng là hai nhân tố quyết định tệ vô chính phủ ngày càng tăng trong xã hội Việt Nam.

Hai giải pháp

Nếu đảng cai trị còn quyết tâm độc quyền chính trị đến cùng thì nên tuyên bố đình chỉ hiến pháp, cai trị bằng sắc lệnh kiểu thời chiến. Làm như vậy thì ‘chính danh’ hơn là ngang nhiên đứng trên luật, như hiện nay.

Đòi hỏi dân chủ không bao giờ là ‘phản động’, ‘chống phá nhà nước’, ‘lật đổ chính quyền’. Cuộc vận động ấy làm cho nhà nước trở nên văn minh, người cai trị trở nên có văn hóa, xã hội trở nên ổn định, người dân được tôn trọng vì có thực quyền trong một chế độ dân chủ.

Không thể gọi nhà nước vô chính phủ là nhà nước văn minh.

Không phải là một nhà nước văn minh mà đòi hỏi người dân phải kính phục, tôn trọng là điều không tưởng. Loạn lạc, bất ổn chính trị, xã hội từ đấy mà ra.

Việt Nam cần một nhà nước pháp quyền để ổn định, phát triển, không cần một nhà nước độc tài vô chính phủ hành xử quyền lực với tâm trạng đang đấu tranh cách mạng khởi nghĩa giành chính quyền.

Có hai lựa chọn sinh tử:

- tiếp tục cai trị kiểu vi hiến, trái luật, vô chính phủ, hay

- thượng tôn pháp luật, thúc đẩy công cuộc xây dựng xã hội dân sự, tôn trọng các cam kết quốc tế, hành xử quyền lực nhà nước thế nào để người dân thấy được quyền lực cai trị có ‘cốt cách nhà nước’.

Cuối cùng, tôi thấy trong tình hình vô chính phủ phổ biến hiện nay, Tôn giáo có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, làm cho mối quan hệ giữa người và người còn tính nhân văn. Đó là chỗ dựa cuối cùng cho xã hội Việt Nam còn là xã hội con người. Nếu thành trì cuối cùng này bị đảng cai trị làm biến thành một thứ đa thần giáo thời bán khai thì Việt Nam sẽ thành thứ gì, ta có thể thấy trước được.

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở Sài Gòn.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100127_tranminhthao_comment.shtml

Nhà cầm quyền Việt Nam xử dụng bạo lực chống người Công Giáo

Báo La Croix, Tuyết Đan phỏng dịch

Tổng Giám Mục Hà Nội, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, ngày 23/11/2009 tại Sở Kiện, gần Hà Nội, nhân lễ Khai Mạc Năm Thánh 2010 đánh dấu 350 năm Giáo Hội Công GiáoViệt Nam. (AFP/Hoàng Định Nam)

25/01/2010 - Đức Tổng Giám Mục Hà Nội từ chối phản ứng, để không cho nhà cầm quyền cơ hội chỉ trích.

Một cây thánh giá bị đập vỡ vụn. Một nhà báo Công Giáo bị hành hung. Một tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế bị đánh ngất xỉu trên đường. Từ ba tuần lễ nay, giáo xứ Đồng Chiêm, Hà Nội, đã là mục tiêu của những hành vi khiêu khích của nhà cầm quyền.


Mặc dù những vụ bạo động kể trên, Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội, vẫn giữ im lặng. Ngài đã không có một lời trách cứ công khai nào, nhân danh cá nhân ngài, đối với những thủ phạm các cuộc tấn công này. Ngài cũng không ký tên trên bất cứ một bản thông cáo nào để lên án những căng thẳng này. Ngài đã chọn cách để vị Chánh Văn Phòng của ngài chấp bút.

"Theo chỗ chúng tôi suy nghĩ thì nhà cầm quyền Việt Nam đang tìm cách gài Đức Tổng Giám Mục dính vào vụ việc này. Họ đang kiếm một lý cớ nhằm đẩy ngài ra khỏI Hà Nội" , ông Tiếp, một luật sư Công Giáo phát biểu. Cũng theo vị luạt sư này, Đức Tổng Giám Mục đã cố ý không trả lời những khiêu khích trên. Ngài muốn đứng ở ngoài. Hình như ngài đã rời thủ đô cách đây 2 tuần lễ, trong lúc tình hình giáo xứ Đồng Chiêm đang sôi động.

Các lực lượng công an đã không dành thời gian điều đình

Ngày 6 tháng 1, vào khoảng 2 giờ sáng, hàng trăm cảnh sát đã bao vây Núi Thờ, nằm trong phạm vi giáo xứ này của thủ dô. Họ đã phá huỷ cây Thánh Giá xây ở trên ngọn. Lý Do? Công trình xây cất này là trái phép. Giáo Hội khẳng định Núi Thờ thuộc quyền sở hữu của giáo xứ. Được báo động giữa đêm khua, giáo dân đã tìm cách ngăn cản cuộc phá hủy. Hai người trong đám đông đã bị thương nặng. Khoảng chục ngườI khác đã bị bắt giữ.

"Tôi nhìn thấy 2 bình hơi cay và rất nhiều vỏ đạn rải rác khắp nơi, cha Khoa, một linh mục từ Hà Nội đã tới đây rất sớm kể lại. Tôi nhìn thấy nhiều quần áo vấy máu. Tôi còn thấy những phụ nữ và trẻ em bị thương trên đầu".

Theo giới Công Giáo Hà Nội thì nhà cầm quyền sẵn sàng sử dụng bạo lực như thế để ép đức Tổng Giám Mục phản ứng để có cớ tấn công ngài sau đó. Họ ghi nhận rằng các lục lượng công an đã không để thời gian cho giáo dân thương thuyết hầu ngăn chặn sự xúc phạm thánh địa. Một nhân chứng cho biết "Họ muốn đánh thế thôi".

Giáo dân tự tổ chức để phản đối

Họ cũng nhận thấy rằng nhà cầm quyền không sẵn sàng đối thoại. "Một vị giám mục đã đề nghị xây lại cây Thánh Giá ở một chỗ ít lộ liễu, luật sư Tiếp giải thích. Nhà cầm quyền không trả lời. Và những bạo hành tiếp diễn". Một nhà báo Công Giáo đi làm phóng sự đã bị hành hung. Tu sĩ Tặng thuộc Dòng Chúa Cứu Thế đã bị đánh và bị đuổi ra khỏi giáo xứ Đồng Chiêm. Thày bị ngất xỉu và chỉ tỉnh lại một giờ sau khi bị đòn.

Có lẽ vì thận trọng, đức Tổng Giám Mục Hà Nội đã chọn phương thức đứng ngoài xa để không châm dầu thêm cho chiến dịch bôi nhọ mà ngài đã phải hứng chịu trong suốt 2 năm vừa qua. Những lời tuyên bố của ngài đã thường xuyên bị hệ thống truyền thông của Nhà Nước bóp méo, xuyên tạc. Dường như nhà cầm quyền không thể tha thứ cho ngài về sự đối kháng của giáo dân Hà Nội, từ năm 2007, đã từ chối không khoan nhượng trong vụ Tòa Khâm Sứ và một số mẫu đất ở giáo xứ Thái Hà bị Nhà Nước cướp đoạt.

Ngày hôm nay, giáo dân đã hiểu rõ sự tự chế của vị tổng giám mục của mình. Họ đã tự động tổ chức để phản đối chống lại bạo lực. Trong một kiến nghị thư gửi nhà cầm quyền, giáo xứ Đồng Chiêm đã yêu cầu ngưng việc bao vây, cô lập nhà thờ và trả tự do cho những người bị vô cớ bắt giữ.

"Chúng tôi cần được dẫn dắt"

Giáo dân cũng tranh đấu trên mạng Internet. "Tôi nói với những chứng nhân hãy chụp hình những cảnh hành hung", Cha Khoa, người đã đưa những hình ảnh đó lên mạng, giải thích. Về phía nhà cầm quyền Việt Nam, họ luôn thóa mạ truyền thông nước ngoài đã loan lại những thông tin đó. Họ gào thét lên rằng "Không có bách hại Công Giáo ở Đồng Chiêm."

Tuy nhiên, dù sao thì giáo dân Đồng Chiêm cũng ân hận về sự vắng mặt của vị Tổng Giám Mục của họ. "Chúng tôi cần được dẫn dắt vì đôi khi chúng tôi quá hăng", một giáo dân, đã từng xuống đường tại Tòa Khâm Sứ năm 2007, thú nhận. Tại Tòa Khâm Sứ, người này đã dám vượt tường trước mặt lực lượng công an. Hôm nay, anh ta tự đo lường ảnh hưởng của cử chỉ bất chợt của mình. Và anh mong muốn rằng cuộc phản kháng ở Đồng Chiêm có tổ chức hơn, hầu hữu hiệu hơn.

Rémy FAVRE (từ Phnom Penh)
http://www.la-croix.com/Le-gouvernement-vietnamien-recourt-a-la-violence-contre-les-/article/2411959/4078

USCIRF đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC

Khánh An, RFA
2010-01-27 -Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn Giáo Quốc tế USCIRF vừa gửi một lá thư cho Tổng thống Barack Obama vào ngày 21/1, trong đó đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Khánh An phỏng vấn Tiến sĩ Scott Flipse, chuyên gia phân tích chính sách của Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế USCIRF, đồng thời là giám đốc chương trình Đông Á - Thái Bình Dương.

Trước hết, tiến sĩ Scott Flipse cho biết lý do mà USCIRF gửi bức thư cho Tổng thống Obama vào thời điểm này để đề nghị đưa Việt Nam vào lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, tức danh sách CPC. Tiến Sĩ Scott Flipse: Tổng thống và Ngọai trưởng sẽ quyết định những nước nào cần phải đưa vào danh sách những quốc gia cần được quan tâm đặc biệt, nghĩa là những quốc gia xâm hại đề tự do tôn giáo nhiều nhất. Chúng tôi gửi lá thư đi là vì quyết định sẽ được đưa ra trong vòng hai tháng nữa.

Khánh An: Thưa ông nghĩ như thế nào về phiên tòa xử các nhà họat động dân chủ gần đây. Phiên tòa vừa rồi có liên quan gì đến lá thư mà Ủy hội Tự Do Tôn Giáo gửi cho Tổng thống không?

Tiến Sĩ Scott Flipse: Ủy hội tin rằng những người đấu tranh cho nhân quyền, đặc biệt là những người như Lê Công Định, đã đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo thì tất cả đều có liên quan đến vấn đề tôn giáo. Chúng tôi tin rằng Lê Công Định bị kêu án và bị đàn áp một phần nguyên nhân là bởi vì anh ta đã đứng nhận tranh cãi cho một số trường hợp trong đó có Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài. Đó chắc chắn là những vấn đề có liên quan đến tôn giáo.

Khánh An: Thế còn những vụ việc gần đây về tôn giáo, đặc biệt là vụ giáo xứ Đồng Chiêm, ông đánh giá thế nào?

Tiến Sĩ Scott Flipse: Công giáo gặp nhiều vấn đề trong hai năm vừa qua liên quan đến chuyện tranh chấp đất đai. Bản thân vấn đề tranh chấp đất đai không liên quan gì đến tôn giáo, là phạm vi họat động của Ủy hội, nhưng những hành động đàn áp giáo dân thì thực sự khiến chúng tôi lo ngại.
Chúng tôi biết là ngoại trưởng Hillary Clinton và ông Đại sứ Michael Michalak đã đưa vấn đề này ra và chúng tôi cho rằng cần phải lưu tâm đến vấn đề này khi Bộ Ngọai giao quyết định danh sách các nước cần quan tâm.



Khánh An: Thưa tiến sĩ, những gì mà chính phủ Việt Nam đang làm hiện nay hoàn tòan giống với những chính phủ như Trung Quốc, Miến Điện đã làm đối với những người bất đồng chính kiến và họ đã chẳng gặp hậu quả gì. Ông có nghĩ rằng điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho những chính quyền độc tài không?

Tiến Sĩ Scott Flipse: Lá thư mà chúng tôi gửi đến Tổng thống Obama đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC nhưng đồng thời cũng là một tín hiệu để nhắc nhở ông ủng hộ cho đạo luật về nhân quyền cho Việt Nam.
Thực ra vẫn có những hậu quả trong quan hệ Việt - Mỹ liên quan đến hành động của cả hai quốc gia.. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải xem lại các chính sách của Việt Nam bởi vì những chính sách của Hoa Kỳ về ngọai giao và thương mại (với Việt Nam) đã không có hiệu quả, không đem lại kết quả.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng trong quá khứ, khi Việt Nam nằm trong danh sách CPC thì điều này thực sự mang lại hiệu quả. Chính phủ Việt Nam đã quan tâm hơn và cải thiện một số vấn đề. Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Bây giờ họ lại tiếp tục đàn áp.
Chúng tôi cho rằng danh sách CPC và đạo luật nhân quyền cho Việt Nam được thông qua sẽ mang lại những kết quả tích cực mà không gây tổn hại cho mối quan hệ giữa hai nước Việt - Mỹ.

Khánh An: Ông đánh giá thế nào về khả năng thành công của bức thư mà ông đề cập tới?

Tiến Sĩ Scott Flipse: Chúng tôi hòan toàn tin tưởng rằng danh sách CPC sẽ mang lại hiệu quả hiển nhiên như nó đã từng đem lại trước đây trong những năm từ 2004 - 2006. Khi chính phủ Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề này thì chính phủ Việt Nam cũng đã buộc phải can thiệp vào và nó đã tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong vấn đề tự do tôn giáo nhưng chưa đủ.
Chúng tôi tin rằng công cụ mà chúng tôi đã đệ trình lên tổng thống sẽ mang lại kết quả cụ thể. Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng thành công. Ngay bây giờ, bà Ngọai trưởng đang xem xét những luận cứ từ cả hai phía xem nên hay không nên đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.
Chúng tôi đang cố gắng để thuyết phục rằng danh sách CPC thực sự sẽ mang lại kết quả cho người dân Việt Nam, những người muốn có cả sự thịnh vượng và tự do hơn.

Khánh An: Giả sử chính phủ Việt Nam cử đòan đại diện đến tranh luận với Ủy hội về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC thì ông nghĩ thế nào?

Tiến Sĩ Scott Flipse: Nếu chính phủ Việt Nam muốn tranh luận với tôi về vấn đề CPC, tôi sẽ rất vui lòng tranh luận với họ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.

Khánh An: Vâng, cảm ơn tiến sĩ Scott Flipse.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/uscirf-recommendation-for-vietnam-to-be-put-again-in-cpc-list-KAn-01272010101135.html

Lật ngửa con bài mafia Việt Nam

Huỳnh Tâm
Thiên phóng sự dài, từ tháng 6 đến tháng 12–2009 tại những khu rừng ở miền Bắc nước Pháp, đã loan tải một thực trạng đau lòng đối với người Việt Nam sống kiểu du mục rừng thời trung cổ. Chúng tôi tiếp cận và phỏng vấn trên 540 Người Việt Rừng, nay mới đúc kết được những ray rứt về thân phận người Việt xuất khẩu lao động bất hợp pháp tại quê người xứ lạ.


Có đến với Người Việt Rừng mới biết sự thật là trên đất Pháp lại xuất hiện mafia Việt Nam, một tập đoàn đã mấy mươi năm mặc áo giáp hộ thể của đảng cộng sản Việt Nam, lúc nào cũng vây quanh nói mộng để rồi tuyên chiến với dân, như cụm từ ý đẹp mà lòng xấu xa "Xóa-đói-giảm-nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động".

Đã đến lúc phải đặt thẳng vấn đề: Ai là người đang điều khiển bộ máy mafia Việt Nam? Họ hoạt động như thế nào trong "Xóa Đói Giảm Nghèo" và " Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động"? Đảng cộng sản Việt Nam và qui luật ăn thịt người như thế nào ?

Cậy quyền cướp của, trốc thân bần dân Việt

Những thành viên Người Việt Rừng tại Téteghem cùng chung cảnh ngộ, cùng xuất phát từ những ngân hàng có trương mục "Xóa Đói Giảm Nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động". Chú ý nhất là một thanh niên 27 tuổi có trình độ đại học cho biết:

― Quê quán huyện Dương Kinh, Hải Phòng, đã có gia đình sinh hạ được một trai, một gái từ 3 đến 4 tuổi. Trước đây em đến Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam để vay tiền của trương mục "Xóa Đói Giảm Nghèo" với mục đích là kinh doanh lò gốm sản xuất sành sứ, em phải thế chấp sổ đỏ với trị giá 20.000 đô la. Trong khi ấy căn nhà của cha mẹ, được tu bổ lại vào năm 1985, trị giá hiện thời là 250.000 đô la.

Ngày đầu cha mẹ và em đến Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, chủ yếu là đi vay tiền tại trương mục "Xóa Đói Giảm Nghèo" theo quảng cáo của ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ngân hàng không ngần ngại đưa ra đề nghị căn nhà trị giá chỉ 100.000 USD mà thôi, như vậy là thế chấp theo ấn định của ngân hàng đương nhiên thấp hơn giá trị thị trường là một nửa (150.000 USD). Sau đó cha mẹ và em đồng ý lấy quyết định làm thủ tục vay tiền, ký tên vào văn kiện thế chấp, em chú ý nhất là tiền lãi mỗi ngày phải trả là 0,8 Mỹ kim.

Tiếp theo người cố vấn trương mục "Xóa Đói Giảm Nghèo" vẽ ra cho em một viễn cảnh mới, tươi sáng hơn: "Với số tiền này có thể nhanh chóng thu hồi lại sổ đỏ và đây cũng chính là cơ hội để trở mình, bước lên bậc thang gia đình sĩ diện. Quý vị phải liên hệ với "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động", mỗi tháng đồng lương tối thiểu là 5.000 đô la, chỉ cần làm việc khoảng 4 tháng là thành công như ý, sau đó tha hồ thực hiện ước mơ đổi đời tuỳ thích”. Rồi người cố vấn giới thiệu tiếp: "Hiện ngân hàng chúng tôi có "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động", nếu không ngại thì tôi mời chuyên viên hỗ trợ xuất khẩu lao động đến đây gặp quý vị".

Chuyện gia đình sĩ diện là thời thượng và thời cơ đổi đời như một sức hút nó thuyết phục em, cho nên không cho phép em từ chối hay bỏ lỡ cơ hội. Em cho rằng nắm bắt cơ hội vào lúc này là đúng lúc, thử hỏi một dịp may đến không hứa hẹn thì ai mà bỏ qua cho đành! Bỗng lòng háo hức và khao khát ấy bị cuốn hút vào sức mạnh của đồng tiền, chỉ cần bỏ ra một số vốn và sức lao động bình thường sẽ đem lại tương lai cho vợ con và báo hiếu được cho cha mẹ, cũng là dịp để biết xứ người qua xã hội, văn hóa và kiến trúc phương Tây, nhất là nhanh chóng thu hồi sổ đỏ về cho cha mẹ của em.

Sau khi em nghe chuyên viên ngân hàng giải thích thiệt hơn về kinh tế gia đình, tức thì em đồng ý vào vấn đề chính để đi lao động nước ngoài. Cùng lúc em nhờ giới thiệu để gặp chuyên viên ngân hàng phụ trách "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động". Chuyên viên ngân hàng còn cho biết: "Nếu chấp thuận xuất khẩu lao động thì trương mục "Xóa Đói Giảm Nghèo" sẽ chuyển trương mục qua "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động". Em gật đầu đồng ý và ký vào văn kiện chuyển trương mục.

Khoảng 7 phút sau có người bước vào giới thiệu tên họ là Vũ Bình, họ mời em qua văn phòng kế bên để làm việc. Trước hết chuyên viên này giới thiệu thành quả của những người đi lao động nước ngoài do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức, với những tấm ảnh chụp, nào là nhà cửa khang trang đồ sộ, xe Honda VFR,V4 kiểu mới nhất. Tiếp theo chuyên viên trình bày thủ tục xuất khẩu lao động rất đơn giản, chi phí đi đường bộ 15.000 đô la, còn đường hàng không 20.000 đô la, thủ tục bao trọn gói xuất khẩu tính thành tiền và lãi mỗi ngày phải trả cho ngân hành là 5,3 đô la. Em ngồi tính nhẩm tiền lương mỗi tháng và tiền phải trả cho ngân hàng, như vậy em còn lại mỗi tháng là 4.841 đô la. Thế là tinh thần em bừng sáng, liền đồng ý lập thủ tục xuất khẩu.

Đến đây người chuyên viên cho biết:

― Đi đường bộ bằng xe ca, qua Trung Hoa rồi đến Anh Quốc, còn đi đường hàng không đến nước Nga rồi đi bắng xe ca đến Anh Quốc. Em nhận thấy dù đi con đường nào rồi cũng đến Anh Quốc, cho nên em đồng ý đi đường bộ để tiết kiệm được 500 đô la và tiền lãi phải trả cũng giảm xuống.

Cố vấn Vũ Bình cho biết:

― Cách thức trả tiền theo lộ trình đường bộ, chia thành 4 chặng gồm có: 1/ – Việt Nam–Trung Hoa: trả 2.000 đô la; 2/ – Trung Hoa–Nga: trả 3.000 đô la; 3/ – Nga, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp Quốc: trả 2.000 đô la; 4/ – Pháp đến Anh Quốc: phải trả 4.500 euros; nếu thấy không cần thiết chi trả 4.500 euros, thì tự túc vào Anh Quốc. Tuy nhiên, sẽ có người hướng dẫn phương thức vào Anh Quốc, phần chi tiêu ăn và ở do tổ chức lo từ lộ trình cho đến điểm tập trung Pháp Quốc. Khi đến Anh Quốc thì có bộ phận lao động đưa đón, bảo đảm sắp đặt công ăn việc làm nhanh nhất là 2 ngày, chậm lắm là 3 ngày. Đặc biệt nếu ai trả theo trọn gói, đường bộ 15.000 đô la, đường hàng không 20.000 đô la sẽ bảo đảm thời gian là 15 ngày, đến nơi an toàn.

Thưa anh, thực chất cho đến nay mọi người ở trong rừng này, phải trả cho họ trên con số vay ban đầu là 15.000 hay 20.000 đô la và điều quan trọng là khi đến Trung Hoa, chúng em đã khai họ tên, nguyên quán và tuổi giả ít nhất khai hạ dưới một con giáp để hợp cho tuổi lao động Âu Châu. Sau khi em vào nước Nga thì mới phát hiện thân phận không còn quốc tịch và giấy thông hành, tự nhiên em trở thành vô tổ quốc, mới ngỡ ngàng, rồi đây họ sẽ muốn gì sau ngày mai!

Trước mặt và hiện nay em đã trả cho họ 17.500 đô la, đi đường bộ 1 tháng, ở trong rừng 2 tháng, chuyển hướng đi 3 lần, lần thứ nhất em ở lán 3 rừng Grande Synthe rồi chuyển đến lán 1 và chuyển đến rừng Téteghem, mỗi lần chuyển lán trại hay rừng là phải trả thêm tiền cho họ, đến nay em vẫn chưa vào được Anh Quốc.

Em có liên lạc về bên nhà cha mẹ cho biết:

― Số tiền vốn và lãi của ngân hàng đã tăng lên đến 30.000 đô la rồi, sao con chưa đi! Nhất là đứa con trai của em hỏi:

― Sao bố chưa đi?

Lòng của em muốn đứt gan ruột ! Thưa anh, em nào ngờ lối tính tiền lãi của ngân hàng Việt Nam phi mã như vậy, theo em biết có nhiều người ở đây đã bị ngân hàng lấy sổ đỏ và phát mãi, xem như đã mất nhà, mất ruộng nương, mất đất thổ rồi!

Thưa anh, những ngân hàng quảng cáo xuất khẩu lao động nước ngoài mạnh nhất hiện nay là hệ thống Ngân hàng Chính sách–Phát triển (Nhà nước) như Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL, Ngân hàng Nông nghiệp, Phát triển nông thôn Việt Nam và Ngân hàng Quân Đội.

Ngoài ra còn có những ngân hàng tham gia xuất khẩu người lao động, như Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần đô thị, tổng cộng 41 ngân hàng đã trở thành một tập đoàn xuất khẩu lao động nhiều hình thức, như tịch thu và thu mua bất động sản của dân để gôm về một mối mafia Việt Nam, qua cụm mỹ từ thương dân vô hạng "Xóa Đói Giảm Nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động".

Buồn nhất là Ngân hàng Quân Đội đi làm kinh tế "Xóa Đói Giảm Nghèo" thì còn tinh thần đâu mà giữ bờ cõi, họ chọn lấy kinh tế hoang dại này để cải thiện quân đội, bởi thế mới bị Trung Hoa xâm lăng, cướp đất, cướp biển mà trên miệng vẫn cười như gã làm hề trong đoàn trò xiếc!

Chúng tôi ngồi lắng nghe tiếng nói chân thực của Người Việt Rừng mà lòng xót xa:

― Cảm ơn em cho chúng tôi biết những chi tiết cần thiết về chuyện dài thê lương tại quê hương và tại rừng này, chúc em mạnh khỏe, may mắn cầm được số đỏ và nhanh chóng thu về sổ đỏ.

Đảng cộng sản Việt Nam và qui luật ăn thịt người

Chúng tôi trở lại rừng Grande Synthe lần thứ hai, đi thẳng vào lán thứ 4, góc bìa rừng phía Đông, đã nhận diện được người công an lần trước, đang đứng xa xa nay vẫn còn đây, chưa cầm số đỏ. Chúng tôi thừa biết người công an ẩn hiện này trong lán làm công tác kinh tế nước ngoài, vai trò của mỗi trưởng lán là "cần vụ mafia" tại địa điểm tập trung, hiện giờ ở trong rừng Grande Synthe có tất cả là 5 lán, do 5 ông trưởng lán cần vụ mafia điều phối đưa người vào Anh Quốc theo đường Cỏ hay đường Bãi.

Nếu có người vào rừng để trải tình thương, thì chỉ có cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, không thể nào thấy người công an và biết được vai trò trưởng cần vụ mafia trong một tập thể và càng không biết phương cách sinh hoạt bí ẩn trong lán. Chúng tôi tiếp cận đã lâu ngày, tìm hiểu nhiều thành viên Người Việt Rừng, với nhiều giả cách giao tiếp, lần này thăm hỏi một trung niên:

― Xin lỗi anh có phải là trưởng lán không?

― Thưa anh, không phải ạ.

Người thanh niên liền đưa tay chỉ về phía trước và nói tiếp:

– Thưa anh, người đứng đằng kia, mặc áo len màu xám là trưởng lán ạ.

Người thanh niên mặc áo len màu xám độ 40 tuổi, tự động đến chào chúng tôi, liền tranh thủ hỏi:

― Chào bạn, có phải là trưởng lán không?

Người công an Cần vụ mafia đáp:

― Thưa anh đúng vậy, em là trưởng lán đây, xem ra hôm nay lại một lần nữa được tái ngộ với quý anh, hy vọng có tin vui.

Chúng tôi không chần chừ liền hỏi:

― Tin vui thứ nhất là xin bạn cho biết nguyên nhân nào bạn đi công tác đường cỏ, cũng như di chuyển lao động xuyên lục địa, từ Á qua Âu, thế thì theo qui luật tổ chức như thế nào để nhập cư được vào Anh Quốc?

Công an Cần vụ mafia ngập ngừng, lòng ái ngại một hồi lâu suy nghĩ, rồi trả lời:

― Câu hỏi của quý anh khó trả lời quá. Theo em biết quý anh đã thăm viếng những lán khác trong rừng này, đương nhiên quý anh đã tiếp được nhiều nguồn tin khác nhau và đã đích thực tai nghe mắt thấy, cho nên em nói thẳng không lời nào dối cả và không hề sợ bất cứ ai. Chính em là Thiếu úy công an tại Đông Hà, do Tổng Cục đề cử đi công tác kinh tế nước ngoài. Trước khi đi em không nghĩ cực khổ như thế này, nếu biết trước thì thà ở quê nhà còn sướng hơn vì em có thiếu thốn gì đâu, đời sống gia đình rất sung túc.

Còn về qui định làm việc thì vẫn như cũ. Ngày trước thời 9 năm kháng chiến (1945–1954) hay Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960–1975) đưa đón người từ thành phố vào bưng biền, chiến khu và trở lại thành phố, chủ yếu là bắt cóc người có máu mặt hay đưa đón những người có thoả thuận. Còn hôm nay có sự tập trung người Việt ở trong rừng Grande Synthe này, cũng chỉ lặp lại công thức qui luật ấy mà thôi. Sự khác biệt là ngày nay xuất khẩu lao động ra nước ngoài để làm kinh tế cho đảng, nói chung qui luật bí mật bắt cóc người là sao y bản chính của đảng cộng sản Trung Hoa, rồi đảng cộng sản Việt Nam chế biến lại thành phó bản. Vì thế có thể nói rằng qui luật bí mật đưa đón, di chuyển người đã trở thành bất biến.

Nói cụ thể hơn, công an là gạch nối xuất khẩu lao động của "Xóa Đói Giảm Nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động". Công an có mặt trong nội vụ xuất khẩu lao động là đủ chứng minh không lấy gì trong sạch cả, tự em cảm nhận được, hôm nay và ngày mai chỉ là người đi chăn bầy cừu kinh tế cho đảng mà thôi!

Để anh hình dung rõ hơn, lúc đầu em với tư cách là đi công tác nước ngoài, không biết đi nước nào, trên đường đi chỉ biết chờ lệnh để nhận công tác. Khi lên xe thì đã thấy có 5 người lạ mặt cùng lứa tuổi, em nghĩ đây là đồng nghiệp. Khi xe vào nội địa Trung Hoa, hai ngày sau đến Hồ Bắc thay đổi xe, 5 người lạ mặt ấy không biết đi đâu, thấy họ bổ sung 22 người khác, già trẻ có cả. Xe tiếp tục lăn bánh từ Trung Hoa đến nước Nga thay đổi người và xe đến 4 lần, em lại gặp được 42 người Việt mình cùng hành trình. Khi đến Nga em gặp 76 người, và trên lộ trình từ Nga đến Pháp thay đổi người và xe 3 lần, xuyên qua 4 quốc gia Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp Quốc, nói chung mỗi lúc thay đổi xe là em gặp người mới, còn những người cũ hoàn tòan không gặp lại, cũng không biết hiện giờ họ đang ở đâu và làm gì.

Xoá đói giảm nghèo thế này đây!

Thiên đường xanh!

Gần một tháng trôi qua, họ mới đưa em đến Pháp Quốc, cũng là người đầu tiên đến lán này vào lúc 5 giờ chiều. Họ cho biết em là người trưởng lán và cho phép em tự chọn một phó lán. Bỗng dưng nửa giờ sau có người xuất hiện, cứ tiếp nối theo vào lán, mỗi lúc càng đông hơn. Đến 8 giờ tối thì tổng số là 39 người. Tình hình ăn ở trong lán chưa ổn định thì đã có người gọi ra bãi để nhảy xe vào lúc 10 giờ đêm. Một đêm kinh hoàng mở màn cho những con thiêu thân xuất khẩu lao động nhảy xe vận tải, trong đó có em.

Thưa anh, em là Thiếu úy công an tại ngũ đã từng học chiến thuật, tác chiến nội ngoại thành, từng thảo ra kế hoạch tác chiến mà vẫn còn không biết người đưa, kẻ đón là ai. Lúc đầu em chỉ biết lệnh phụ trách tại đây, không thể biết hơn nữa, dù em có suy nghĩ nhiều cũng đành mù, bởi không định hướng được phía trước và người sau sẽ là ai. Lúc trước bố em có thuật lại những chuyến đi vào chiến khu, nay em đến rừng này cũng không khác mấy lời của bố em thuật lại về qui luật di chuyển người bí mật.

Sau 5 ngày ở đây, em mới biết được 39 người này đi trồng “cỏ”, thực ra là trồng cần sa. Sở dĩ em biết được là qua 16 người trong lán, họ đến từ Nga có nhiều kinh nghiệm sống hơn, vì họ đã ở nước Nga trên 15 năm.

Ăn thịt người, không nhả xương, không để lại dấu vết

Mỗi lần vào thăm viếng Người Việt Rừng chúng tôi đều để lại địa chỉ liên lạc nhanai@online.fr. Đến nay chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều e–mail của những thành viên Người Việt Rừng, một vài lời tâm tình tiêu biểu nhất qua e–mail của tonydeux1974 và minhtoi009, cho biết:

― Chào Bác. Hiện giờ thì cháu đã ở bên Anh Quốc rồi, cháu đã kiếm được việc làm sau 1 ngày nghỉ ngơi. Tuy nhiên mới chỉ là học nghề thôi, nghề gì thì Bác đã biết rồi. Đôi lúc cháu tưởng như chẳng bao giờ sang được bên Anh Quốc và nhất là thời gian ở rừng Angres thật tuyệt vọng, nhưng cháu có ý chí và cháu luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết mình để được sang đây. Cháu cũng thật sự xin lỗi Bác và người chị đi cùng với Bác vì hôm đó cháu nói chuyện không thật sự cởi mở. Bác biết đó, hoàn cảnh sống cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý. Chắc Bác đã xem trên truyền hình Canal Plus, nội dung phim và hình ảnh nói về cháu, là một trong những chủ lán trại tại Angres.

Bác biết rồi đó, thời đại này mà vẫn còn có những con người nghị lực sống khổ hơn thời kỳ đồ đá như thế. Nhưng cháu vẫn tin vào tương lai phía trước. Thưa Bác, cháu vẫn chưa trả lời với Bác và người chị cùng đi với Bác về câu hỏi "Học vấn của em ở quê nhà thế nào?". Bây giờ cũng muộn rồi!

Cháu rất nghiện tìm hiểu và đọc tài liệu cũng như báo chí ở trên mạng. Nay tuy phận cháu tạm ổn cũng không qua được và đồng cảm xót xa cho những người bạn đang ở lại trong rừng Angres. Dân ta có câu "Lần đầu chưa quen đường cây chưa thẳng". Mong rằng lần đầu tiên gặp Bác cũng như vậy. Mong Bác và người chị gái đó bỏ qua.

Ba tháng sau có một Người Việt Rừng, e–mail minhtoi009 cho biết:

― Chào anh Nhân Ái, em là Mình–tôi, quê ở phường Đúc cuối đường Trần Hưng Đạo Huế. Em đã vào được Anh Quốc hơn 7 tháng rồi, nay mới nhớ đến anh liền e–mail để cho anh biết. Hiện nay em đang sống tại một tỉnh xa, cách thủ đô London hơn 80 km, ở trong một ngôi nhà to lớn mà cứ tưởng như cái chuồng nuôi loài cầm thú vậy. Em phải sống trong nóng lạnh bất thường, trong nhà nóng trên 30 độ, ngoài nhà lạnh dưới 6 độ âm. Như vậy là anh đã biết em đang làm nghề gì rồi. Khi em còn ở trong rừng Téteghem Pháp Quốc được anh chỉ bảo rất nhiều về đời sống phương Tây và bảo em tránh nghề trồng cỏ. Em đến Anh Quốc chỉ mới 1 ngày, chân ướt chân ráo là họ chở em đi trồng cần sa liền! Những ngày tháng dài buồn vô hạn, chỉ một mình trồng cỏ. Ở đây u tịch lắm. Mỗi tháng người chủ nhà đến một lần để lấy cỏ.

À thưa anh, về căn nhà của em thế chấp cho Ngân hàng Quân Đội, nay đã bị phát mãi rồi, hiện vợ con em phải sống bên nhà ngoại. Không riêng gì em bị mất nhà, hầu như tất cả người trồng cỏ cũng đều như em. Thử hỏi lương của em mỗi tháng chỉ có 350 bảng Anh, tiền ăn và ở quá đắt đỏ, cần kiệm lắm mới còn lại 50 bảng Anh có người không còn đồng nào!

Giờ này thì em đã biết đường đến London, thường vào hộp đêm cuối tuần, mục đích là tìm lại bạn cũ để chia sẻ tâm sự buồn vui. Em đã gặp được người bạn xứ Hưng Yên, có gửi lời thăm anh đó. Em đến hộp đêm để tìm hiểu tâm trạng người cùng cảnh ngộ. Nhờ vậy mới biết nhiều về sinh hoạt của giới trồng cỏ, nhân đây gửi đến anh để tường tận. Hệ thống trồng cỏ chia ra làm 3 khâu sản xuất như sau:

1. Khâu tuyển mộ lao động trồng cần sa: Nhân công trồng cần sa tuyển mộ từ Việt Nam qua thủ tục "Xóa đói, giảm nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động". Người được tuyển mộ phải có bất động sản trên trị giá 100.000 đô la. Bất động sản thế chấp từ 15.000 đô la đến 20.000 đô la. Bây giờ em mới biết ngân hàng đánh bẫy tài sản của em bằng một nửa giá trị hiện thời. Đây là then chốt rút ngắn thời gian sớm nhất để ngân hàng tự do phát mãi thu hồi nợ, trước khi khổ chủ chưa kịp trả lãi bằng đồng tiền lao động nước ngoài của mình là đã mất tài sản rồi!

Em được biết những ngân hàng có trương mục "Xóa đói, giảm nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động" lập mọi thủ tục xuất khẩu lao động. Mỗi chặng hành trình do Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội lo toan. Tập trung và bãi đáp do Đại sứ quán nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam địa phương phụ trách. Quân đội và Công an phụ trách kinh tế nước ngoài, lo ăn ở tại địa điểm tập trung và hướng dẫn ra bãi đáp để di chuyển vào Anh Quốc. Lương lao động do người Trung Hoa phân phát.

Thưa anh, đầu óc của em không được minh mẫn lắm vì lúc này thường lo âu nhiều, nào là bị mất sổ đỏ, nhà và đất, bán mạng cho sinh tử mà vẫn phải trả ngân hàng 16.500 đô la. Thực tế lương lao động chính thức chỉ là 350 bảng Anh, chứ không như họ quảng cáo là 5.000 đô la! Ở đây làm việc mỗi ngày trên 12 giờ mà lương chưa tới một phần mười của vốn đã bỏ ra. Thân phận em nay là kẻ sống ngoài lề xã hội, không có hộ khẩu, thẻ tuỳ thân, quốc tịch. Sống ở xứ người em không biết ai để mà thưa kiện, em có liên lạc về quê nhà bằng điện thoại di động, cho biết số lương nhận được là 350 bảng Anh. Bây giờ thì cả gia đình đã mất hết hy vọng đổi đời. À em còn bị thê thảm hơn, vừa rồi em mắc bệnh phải tốn hao năm tháng lương mượn trước, mỗi tháng họ trừ vào tiền lương 50 bảng Anh.

Sinh hoạt ở đây cứ đều một nhịp: Cuối tháng thì có một người nói tiếng Tàu, đến trả lương bằng tiền mặt, còn người Việt thì đến lấy cần sa tươi. Em được biết họ tổ chức trên 500 địa chỉ trồng cần sa rất bí mật. Giữa họ và em không nói được một lời nào, em muốn nói chuyện nhưng họ ra dấu câm như hến.

Đời em kể như chết chưa chôn, vùi thây sống ở đây rồi anh ạ. Mạng sống của em do cha mẹ cho, chưa đền ơn báo hiếu thì mắc phải suốt cả đời này làm thân cầm thú cho kẻ chưa hề ân oán. Em vẫn hy vọng ngày trở về quê hương, nhưng được tin nhà nước Việt Nam từ chối không cho hồi hương những người lao động bất hợp pháp. Thế thì hy vọng ngày trở về quê hương hay ở đây cũng là một cách đã chết, nói chung những ai đồng cảnh ngộ như chúng em đều cảm nhận được sinh ra đời để chịu thiệt thòi nhất thế gian, có ai hơn sự thiệt thòi này!

Đặc biệt có hai người trồng cỏ bị bệnh không có tiền để chữa trị, vừa qua đời cách đây 3 hôm. Em nghe họ nói mỗi tháng có ít nhất là một người trồng cỏ qua đời, phần đông là người cao niên không chịu được cái nóng của trồng cỏ và khí hậu lạnh ngoài trời .

2. Khâu chế biến cần sa: Một người bạn làm trong khâu chế biến, nhiều lần gặp em trong hộp đêm, rồi dần dà thân nhau cho biết: Anh đã làm việc trong khâu chế biến 6 năm liền không thay đổi địa chỉ. Khâu chế biến chia ra từng tổ một từ 2 người đến 3 người. Hiện nay có thể trên 150 tổ, hoạt động rất bí mật, tổ nào biết tổ đó, nghe nói người Việt Nam phụ trách khâu này.

Cũng có vài người Việt Nam sống tại Anh Quốc, chuyên trồng cần sa bỏ mối, nhờ vậy họ có đời sống khá giả, tự hào đại gia. Rồi một hôm những thân hữu đại gia muốn phất cờ tự sản xuất cần sa, thành lập sân chơi riêng, tuyên bố không còn lệ thuộc tổ chức mafia Việt Nam. Họ mới có ý định tự sản xuất và không cung cấp cần sa, tức thì họ bị mafia Việt Nam thủ tiêu, chết tại chỗ 2 đại gia, không kịp một lời trăn trối. Tiếp đó là mỗi ngày thêm một đại gia đo ván, số còn lại bỏ của lấy người, di tản đến xứ khác như Nga, Canada để sống.

3. Khâu đóng gói, bao bì thành phẩm cần sa: Trong khâu này, nhân công là những thành viên trồng cỏ lâu năm và phải người được họ tín nhiệm, phần đông là công an Việt Nam mới được làm ở khâu này.

4. “Tài gia” cần sa: Một người bạn trong họp đêm cho biết: Tất cả cần sa thành phẩm do người Trung Hoa quản lý và độc quyền kinh doanh. Họ mua bán và chuyên chở bằng cách nào không ai biết. Đặc biệt những sản phẩm cần sa hiếm thấy trên thị trường Anh Quốc.

Và một phần tin tức em biết được là do kẻ nói đi, người nghe lại, rằng: Người tài gia cần sa chính là nhà nước Trung Hoa, còn nhà nước Việt Nam chỉ là một nhân công lớn. Báo chí, truyền hình Anh Quốc thường loan tải về thời sự cần sa. Cảnh sát Anh Quốc bắt người trồng cần sa, đôi khi loan tải bắt được một vài người chế biến, đóng gói, thành phẩm nhưng chưa bao giờ loan tải bắt trọn ổ chế biến thành phẩm cần sa, không biết khi nào cảnh sát Anh Quốc rờ tới đầu của tài gia đây? Cho đến nay, các tài gia vẫn đứng ngoài vòng pháp luật Anh Quốc và cả Âu Châu.

Sống không nhà, chết không mồ

Trước đây chúng tôi và nhiều người tưởng rằng những Người Việt Rừng trả chi phí cho tổ chức xuất khẩu lao động nước ngoại từ 15.000 đến 20.000 đô la, như vậy Người Việt Rừng phải khá giả dư ăn, dư để mới có số tiền trên, chứ ai nào ngờ số tiền trên do thế chấp sổ đỏ (sở hữu chủ tài sản). Người Việt mình xem cái nhà là gia tài chính không thể thiếu được, cho nên có câu: "Sống cái nhà, chết cái mồ". Bây giờ Người Việt Rừng gặp phải cảnh sống không nhà, chết không mồ! Quả thực chỉ có nhà nước cộng sản Việt Nam mới bùng lên quá nhiều sự lạ trên đời, khó ai mà ngờ đến được, từ sự kiện Cải Cách Ruộng Đất (1952–1956), Tết Mậu Thân (1968), dấy động cuộc tố cáo và truy nã các thành phần tư sản mại bản niềm Nam, trên thực tế là cướp tài sản của nhân dân miền Nam, đồng thời đẩy 3 triệu nhân mạng ra biển (1975–1990).

Sau 1975, đến tận bây giờ (2010), đảng cộng sản Việt Nam cứ leo thang đàn áp tín ngưỡng, người chí nghĩa Dân chủ, tù đày con dân của tổ quốc, tử hình hằng vạn người dân lương thiện, lập trại cải tạo khắp cả nước để tiện tay thù hằn, rừng già lùi bước hậu quả lũ lụt triền miên, cướp đất nhà cửa của dân để làm của riêng, tham nhũng, mua quan bán chức, bán tất biên cương biển cả, rừng vàng bạc biển về tay Trung Hoa. Thế mà đảng cộng sản Việt Nam xem ra chưa vừa túi tham. Nay thì đã rõ, bài bản mới của đảng ta là sắm vai cường hào ác đảng lột trần truồng người bị xuất khẩu lao động. Ngày hôm nay, những Người Việt Rừng đúng là sống không nhà, chết không mồ, dù các bạn biết hay không biết về chuyện đó!

Nhà nước gian thì ắt có ngày sẽ sợ dân ngay

Họ là những chuyên gia kinh tế xuất khẩu hoang dại ngoại hạng, họ là Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng Chính Phủ, Uỷ viên Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đã ký nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007. Còn gọi là nghị định “Dân cười ra nước mắt”. Họ là Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên bộ trưởng Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội, Uỷ viên Trung ương Đảng, chỉ biết nhắm mắt để được chia mảnh xác nhân dân Việt Nam. Họ là Đặng Ngọc Tùng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, quyết lãnh đạm để hưởng mối lợi lớn, một gật đầu muôn xác người chết mặc kệ bay. Trên đây là những người có trách nhiệm, chưa bao giờ chia sẻ tiếng nói lao động của nhân dân.

Người Việt Rừng hy vọng tiếng nói của mình được những người có trách nhiệm lắng nghe, và cho biết:

― Hiện trong nước có những ngân hàng quảng cáo thế chấp và cho vay để đi lao động nước ngoài, một hình thức xuất khẩu nô lệ mới, có tất cả là 5 diện xuất khẩu khác nhau như:

1. Xuất khẩu lao động theo luật quốc tế (10,5%): Nhà nước Việt Nam tuyển mộ lao động và ký kết theo luật lao động quốc tế, cung cấp lao động cho các nước Phương Tây. Thành phần này không có chuyên môn, phần đông làm tại các nông trường, trại chăn nuôi, khai mỏ, làm đường hoả xa, công nhân kiều lộ và công nhân các hãng mổ heo, gà, vịt v.v… Việt Nam chưa xuất khẩu lao động theo dạng chuyên viên như Ấn Độ.

Đường đến thiên đường £5000/tháng!

2. Xuất khẩu lao động bán chính thức (25%): Nhà nước Việt Nam bán lao động với giá thật rẻ cho các quốc gia như Pháp Quốc, Hoa Kỳ, Canada, Anh quốc v.v.

3. Xuất khẩu hôn nhân xuyên biên giới và phụ nữ bán thân nuôi miệng (0,5%): Nhà nước tổ chức bán phụ nữ cho các quốc gia Đông Nam Á như Đài Loan, Trung Hoa, Hàn Quốc, Phi Luật Tân, Singapore và lập ổ mãi dâm tại Thái Lan, Malaysia, Cambodge, Laos, Philippines.

4. Xuất khẩu lao động bất hợp pháp (10%): Những ngân hàng nhà nước Việt Nam thành lập hệ thống mafia, tuyển mộ công nhân biến thành nô lệ để sản xuất cần sa. Chủ lực sản xuất cần sa là tại các quốc gia như Anh Quốc, Canada...

5. Xuất khẩu nô lệ bất hợp pháp (40%): Nhà nước Việt Nam gia tăng xuất khẩu nô lệ và đưa người nhập cư lậu vào 40 quốc gia trên thế giới. Lao động bất hợp pháp gồm có: Albania: 25.000 người. Á–Rập–Xê–Út: 50.500 người. Anh Quốc: 32.000 người. Ba Lan: 37.500 người. Belarus: 31.200 người. Hercegovina: 34.000 người. Bungary: 45.000 người. Croatia: 10.000 người. Cộng hòa Séc: 25.700 người. Đài Loan: 175.800 người. Germany: 59.053 người. Estonia: 20.000 người. Hàn Quốc: 475.000 người. Hoa Kỳ: 20.000 người. Hungary: 20.600 người. Kazakhstan: 12.700 người. Latvia: 20.500 người. Libya: 20.800 người. Lietuva: 20.000 người. Macedonia: 20.700 người. Macao: 30.200 người. Malaysia: 650.000 người. Moldovia: 16.400 người. Mongolia: 18.000 người. Montenegro: 20.000 người. Pháp Quốc: 25.000 người. Nga: 775.000 người. Nhật Bản: 25.000 người. Romania: 29.800 người. Slovenia: 27.000 người. Serbia: 19.000 người. Singapore: 25.900 người. Thái Lan: 45.000 người. Trung Hoa: 680.000 người. Úc: 40.400 người. Ukraina: 24.400 người. Uzbekistan: 27.100 người. Ykpaiha: 19.090 người.

Thành phần lao động trên đem lại cho đảng cộng sản Việt Nam khá nhiều tỉ đô la mỗi năm. Kinh tế này không thuộc về tài sản của quốc gia mà là tài sản của đảng cộng sản Việt Nam lưu trữ hải ngoại. Trên 40 quốc gia có mặt người Việt lao động bất hợp pháp sẽ là một thất thoát lớn về mặt kinh tế và bất ổn về mặt an ninh cho xã hội, nhưng có sao đâu, vì đó cũng là một nguồn ngoại tệ để vỗ béo đảng “ta”!

6. Bán trẻ em và sơ sinh (0,5%): Nhà nước Việt Nam thi hành đúng 12 điều luật ký kết với quốc tế về “Thủ tục nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi” như các quốc gia khác thì không có vấn đề tệ lạm bán trẻ em và sơ sinh. Việt Nam có luật pháp nhưng người nhà nước lại bước qua luật pháp một cách quá đáng mới biến Việt Nam thành chợ bán trẻ em và sơ sinh bằng những thủ tục trên trời dưới đất. Đây là môi trường sống khoẻ của tham nhũng, tự nó biến thành nơi đầu cơ hàng thịt tươi sống, cân bán bằng ký lô trẻ em. Họ còn tổ chức xuất khẩu trẻ em và sơ sinh qua Trung Hoa…Trung Hoa áp dụng chính sách chỉ có phép sinh một con duy nhất song dân số của quốc gia này vẫn đứng số 1 thế giới và sẽ tiếp tục tăng lên tới 1,5 tỉ dân vào năm 2033. Trong khi ấy tính đến 0 giờ ngày 1/4/2009, dân số của Việt Nam là 85.789.573 người, thế thì Trung Hoa mua trẻ em và sơ sinh Việt Nam để làm gì?

Tất cả những quan chức nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ xem đô la là thần tượng, họ quên đi người dân lao động nay sống tận đường cùng. Thế mà họ luôn cho mình là đảng của người lao động Việt Nam, sống cho người dân nghèo! Đúng là đảng cầm quyền có tuyệt chiêu nhất Việt Nam mới lập được hệ thống buôn người qua nhãn hiệu "Xóa đói, giảm nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động", lộng giả thành chân, mị dân bằng trăm ngàn kiểu mà dân thì cứ nghe ngọt thấu xương! Xem thế thì chỉ có đảng cộng sản “ta” mới dám làm chuyện bất lương phi thường!

Bản chất của đảng cộng sản Việt Nam là thế đấy, không chút mảy may tình người. Họ xem dân tộc Việt Nam như chiếc áo rách tả tơi, lúc nào phế bỏ cũng được. Họ chỉ biết chiếm đoạt tài sản của người dân qua hình thức “Xóa đói, giảm nghèo”, qua chương trình xuất khẩu lao động. Quả nhiên dịch vụ này do ngân hàng mafia trực thuộc nhà nước Việt Nam quản lý, nhà nước Việt Nam xem đây là một sáng tạo kinh tế vĩ đại nhất, thành công nhờ phương tiện lường gạt chính thống mà khá hữu hiệu.

Đảng cộng sản đã có quá nhiều nợ nần với nhân dân Việt Nam mà nay vẫn chưa trả. Năm 1975 họ tàn bạo đẩy người dân Việt Nam ra biển khơi để tịch thu tài sản, cuối cùng họ gom lại thành "khúc ruột dư ngoài ngàn dặm". Họ tiếp tục khai thác đô la trên thân xác mỹ danh "Việt Kiều yêu nước". Và ngày nay chiêu bài "Xóa Đói Giảm Nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động" cũng một phương thức cũ nhưng bằng thủ tục tréo ngoe để hợp pháp hoá việc ăn cướp nhà đất của nhân dân.

Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ có quyết định thông minh, cho nên không chọn niềm tin vào toàn dân để phát triển kinh tế, mà họ cứ chọn nghi ngờ để rồi đẩy đất nước vào tuyệt lộ kinh tế như ngày nay. Miệng của đảng viên lãnh đạo thì la ào ào và to tiếng nào là "Xóa Đói Giảm Nghèo" và "Đề án hỗ trợ các Huyện nghèo đẩy mạnh Xuất Khẩu Lao Động", nghe qua thì cho nhà nước này đạo đức lắm, vì dân lắm! Nhưng hãy bình tĩnh lại, chiêm nghiệm cẩn trọng, đừng vội vã. Chỉ một khắc sau thôi mới thấy hành động của những kẻ nói năng nhân nghĩa ngọt ngào kia rất là bất lương, vô đạo đức.

Trong thâm tâm, những kẻ có chức có quyền ngày nay đều lấy đô là làm thước đo mọi chuyện, họ thà làm một đại thù của nhân dân Việt Nam còn hơn để chảy một đô la ra ngoài huyết quản. Từ đảng trưởng cho đến đảng viên tầm thường cũng vậy. Chính vì thế mà họ muốn và cần nắm giữ vận mệnh của những người khác muôn đời. Thiên hạ thường nói: Anh hùng hào kiệt tự có khí chất của dân tộc, còn tà ma ngoại đạo như đảng cộng sản Việt Nam cũng có mùi vị riêng của chúng, những thứ này đều toả ra từ trong ống xương tuỷ, dù có giải phẫu đổi khác thì cũng vậy thôi, mèo vẫn hoàn mèo!

Mafia Việt Nam, tổ chức xuất khẩu lao động bất hợp pháp, tưởng rằng đầu xuôi đuôi lọt, mọi chuyện có liên hợp từ những ngân hàng cho đến trồng cần sa tại Anh Quốc là ổn. Họ nào biết chuyện đời này lồ lộ buổi sáng thì khắc sau cả nhân loại đều biết và thấy tất cả hệ thống tổ chức xuất khẩu lao động bất hợp pháp, đương nhiêu không qua nổi lưới thường đời này, dù mafia Việt Nam có kỳ môn thuật số cũng vô ích thôi.

Tuy hiện nay người dân Việt Nam chịu đựng khổ đau quá nhiều, rồi cũng đến cảnh giới cùng tột nào đó, bỗng thông minh ra, thử hỏi chế độ mafia Việt Nam có còn tồn tại được bao lâu nhỉ?

Sự có mặt mafia trong nhà nước đảng cộng sản Việt Nam đúng là một trái bom nổ chậm. Bọn họ thực ra chỉ là một lũ thiển cận, làm kinh tài mà mặc áo giáp hộ thể đảng cộng sản Việt Nam, bởi vậy lúc nào họ cũng mặt lạ đồng chì lạnh, họ không phải tình máu đỏ da vàng, họ là công thức tiêu diệt tất cả dân tộc Việt Nam này, cho đến nay vẫn còn bơi trong ao tù nghèo khó và mãi mãi không bao giờ ra biển khơi nếu đảng cộng sản Việt Nam còn đó!

Trong khung cảnh hiện nay, đảng cộng sản Việt Nam đang ra sức triệt tiêu những mầm chống đối trong dân chúng. Nào là quy định không được tụ họp đông người, nào là chống “diễn biến hoà bình” và “tự diễn biến” trong nội bộ đảng. Nào là bắt bớ giam cầm những người bất đồng chính kiến với những tội trạng đẫm màu sắc tưởng tượng bệnh hoạn là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Thật ra, họ đang run sợ trước viễn ảnh kinh hoàng hệt như của vợ chồng nhà độc tài Romania năm nào. Những hành vi điên cuồng chống lại trào lưu dân chủ hiện nay chỉ là thứ phản ứng tự vệ của kẻ không muốn mất quyền lợi. Chỉ có thế mà thôi! Buồn thay cho đảng cộng sản Việt Nam chỉ lo khư khư giữ cái mạng của mình chứ không lo nghĩa đồng bào. Một tập đoàn không sống vì tình nghĩa đồng bào thì sinh tồn để làm gì chứ?

Ngày nay, đảng cộng sản đã chiếm toàn cõi mảnh đất lớn của dân tộc Việt Nam và ngang tàng cho mình có quyền tối thượng, muốn dâng hiến cho ai vào lúc nào cũng được. Ngày nay đảng cộng sản Việt Nam không khác nào một Mân Việt ngày xưa dâng Hồ Nam cho người Hán...

Hy vọng mai này toàn thể nhân dân Việt Nam sẽ nhận ra dung mạo thật của cái gọi là đảng cộng sản Việt Nam mà lâu nay họ bị buộc phải gọi là “đảng và nhà nước “ta”!

Huỳnh Tâm
Những ngày Người Việt Rừng gối tuyết nằm suơng tại rừng nước Pháp

Cây Thập Giá: biểu tượng đức tin

Đinh Kim Tân

"Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 2010 Kính gửi: Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và toàn thể Anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo Phận Hà Nội.
Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội xin thông báo về diễn tiến tình hình giáo xứ Đồng Chiêm (Xã An Phú, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội) như sau:
Sau khi đã triệt hạ và đập phá Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ rạng sáng ngày 6/1/2010, chính quyền địa phương tiếp tục khủng bố tinh thần giáo dân Đồng Chiêm bằng cách dùng loa phóng thanh công suất lớn liên tục phát đi những bài lên án, lăng mạ và vu khống cha xứ, cha phó và giáo dân Đồng Chiêm, đồng thời huy động hàng trăm cảnh sát cơ động, lực lượng vũ trang và công an chìm phong tỏa và ngăn chặn mọi lối vào giáo xứ Đồng Chiêm. Ngoài ra:

- Ngày 17/01/2010 công an đã bắt giam bà Đinh Thị Hường và ông Nguyễn Văn Đãng, tới nay vẫn chưa được thả. Cháu Bạch Thị Ái, học sinh lớp 10, con của bà Hường cũng bị công an đánh đập dã man.
- Ngày 18/01/2010 các bà Phạm Thị Heo, Đinh Thị Dậu và Trần Thị Thu đang lúc đi chợ bị công an bắt và tạm giam 24 giờ.
- Trong hai ngày 19 và 20/01/2010 các bà Đinh Thị Huyền, Bạch Thị Hà và Bạch Thị Quyên bị công an huyện Mỹ Đức triệu tập để xét hỏi từ sáng đến tối.
- Nghiêm trọng hơn là vụ đánh đập tàn nhẫn ông Nguyễn Hữu Vinh ngày 11/01/2010 tại trạm gác công an ở làng Đồng Chiêm và đánh bất tỉnh thày Nguyễn Văn Tặng, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ngày 20/01/2010 trên đường vào Đồng Chiêm.
- Riêng cha xứ Đồng Chiêm Giuse Nguyễn Văn Hữu và cha phó Giuse Nguyễn Văn Liên thì bị công an nhiều lần gửi giấy gọi lên điều tra xét hỏi.
Ngày 20/01/2010 Đồng Chiêm hoàn toàn bị bao vây cô lập, bất cứ ai đến từ bên ngoài đều bị công an tại các trạm kiểm soát ngăn chặn không cho vào. Các linh mục của giáo hạt Hà Nội vào thăm giáo xứ Đồng Chiêm đã bị lực lượng công an chặn lại ở Cầu Xây, cách Đồng Chiêm 500 m, không được vào.
Trước tình hình mỗi lúc một thêm căng thẳng, xin toàn thể gia đình Tổng Giáo Phận tiếp tục cầu nguyện tha thiết cho cha xứ, cha phó và giáo dân xứ Đồng Chiêm nhất là những anh chị em bị đánh đập, giam cầm, được giữ vững niềm tin giữa muôn vàn thử thách, sẵn sàng chia sẻ thập giá Chúa Kitô. Đồng thời xin cho các quyền cơ bản của con người được tôn trọng để đất nước có được nền hòa bình, công lý, dân chủ và văn minh thật sự.
Trân trọng thông báo
Linh mục Gioan Lê Trọng Cung
Chánh Văn Phòng"

Đọc thông báo trên đây của Tòa Tổng Giám Mục Hànội, chúng ta cảm thấy đau đớn bị nhục mạ coi khinh. Vì biểu tượng tôn giáo của người Kitô giáo là cây Thánh Gía Chúa Giêsu bị xâm phạm đập phá vô căn cứ, và những người tin theo tôn thờ Thánh Gía Chúa Kitô bị chèn ép đánh đập dã man vào giữa thời buổi thế kỷ thứ 21 này.

Đây là hành động của những người vô nhân đạo chỉ còn biết đặt vật chất lên trên hết, mà không còn biết đến phần linh thiêng đạo giáo niềm tin của con người là gì nữa.

Chúng ta tự hỏi đâu là chút lương tri tối thiểu của nhà cầm quyền với đời sống niềm tin tôn giáo của con người? Vì sao lại có hành động dã man vô nhân đạo của nhà cầm quyền với tình tự niềm tin tôn giáo và với con người như thế ở Đồng Chiêm?

Dấu hiệu, Logo đức tin của đạo Công Giáo là Thánh Gía Chúa Giêsu. Người Công Giáo làm dấu Thánh Gía hằng ngày từ khi thức dậy tới lúc lên giường đi ngủ. Trong nhà người Công giáo đều có treo Thánh Gia Chúa Giêsu. Khi cầu nguyện họ hướng con mắt cùng tâm hồn lên Thánh Gía Chúa Giêsu.

Như thế, Thánh Gíá của người Công Giáo không là cản trở cho đời sống con người. Trái lại Thánh Gía Chúa Giêsu giúp tâm hồn con người đón nhận kín múc niềm hy vọng phấn chấn cho đời sống.

Thánh Gíá không chỉ làm bằng cây gỗ, bằng sắt thép hay được đúc tạc thành. Nhưng Thánh Gíá khắc ghi khắp nơi trong tâm hồn đời sống con người.

Đâu là ý nghĩa thâm sâu niềm hy vọng phát ra từ Thánh Gíá Chúa Giêsu của người Công Giáo?

Tín hiệu từ cây Thánh Gíá

Trong đời sống con người phát tỏa ra bên ngoài, cùng tiếp nhận nhiều dấu hiệu vào trong tâm hồn mình. Có những dấu hiệu khi phát đi, mang đến tín hiệu tích cực, và cũng có những dấu truyền đi tín hiệu tiêu cực.

Đó đây khi đi ngang hiệu bán thuốc tây bên Đức, Âu châu, ta thường thấy bảng hiệu có hình vẽ mầu đỏ mẫu tự A (Apotheken), và lồng khung một phía bên mẫu tự A có hình con quấn rắn bò đang ngẩng đầu lên cao há miệng phun nọc. Hình ảnh này truyền đi tín hiệu không mấy gì là tích cực, nhưng lại là dấu chỉ của ngành dược phẩm bán thuốc trị chữa lành bệnh.

Hình ảnh con rắn có liên quan gì tới đời sống con người, nhất là đời sống đức tin không?

Với con người xưa nay con rắn là hình ảnh sống động, cùng rất hấp dẫn trong đời sống. Con rắn không có tay chân, nhưng bò uốn khúc rất nhanh chui luồn qua khắp các ngóc ngách khe hở trên mặt đất cũng như ẩn sâu trong lòng đất. Rắn không chỉ bò trên bờ đất khô cạn, nhưng còn bơi lội dưới nước với sức nhanh nhẹn dẻo dai nữa.

Thân hình Rắn uốn khúc uyển chuyển, mầu da óng áng, nhả phun nọc cực độc rất nhanh lẹ, nên là hình ảnh gây sự sợ hãi, nhưng cũng gợi trí tượng tượng rất nhiều trong các truyện thần thoại xưa nay.

Con rắn khi thì được nhìn là con vật xấu dữ, khi lại được nhìn là con vật tốt hữu dụng, có khi còn được cho là vị thần chữa lành bệnh nữa!

Nơi nhiều nền văn hóa xa xưa có truyền thuyết cho con rắn là con vật lành thánh chỉ về sự khôn ngoan, sự chữa trị lành bệnh và sức mạnh.

Con rắn trong Kinh Thánh ( Sách Sáng Thế ký 3,1-24) được diễn tả là con vật ranh mãnh dùng lời đường mật cám dỗ Bà nguyên tổ Evà phạm tội lỗi giới răn của Thiên Chúa. Vì thế theo truyền thống Do thái và Kitô giáo, con rắn biểu hiệu cho sự dữ xấu xa tội lỗi.

Thời cổ xa xưa, người ta còn cho con rắn, vì nó hay thay đổi lột da vào từng giáai đoạn nhất định trong đời sống của nó, là dấu hiệu sự làm trẻ trung tươi mới lại, sự tuần hoàn sinh lại không bao giờ già, không phải chết.

Trong Kinh Thánh (sách Dân Số 21,4-9) hình ảnh con rắn là lằn ranh biên giới giữa hai bên đầu cực giữa sự thu hút hấp dẫn và sự sợ hãi, thuốc chữa và nọc độc, sự sống và sự chết.

Hình ảnh con rắn đồng Maisen làm treo trên cây gậy dương cao trong sa mạc, như lời Thiên Chúa truyền dậy làm, để những ai nhìn hướng về với lòng tin tưởng được cứu chữa lành cho được sống, gợi nên sự đe doạ phải suy nghĩ và ăn năn trở lại. Vì vào lúc đi trong sa mạc, dân chúng bỏ xa lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, kêu than trách móc cho là bị Maisen và Thiên Chúa bỏ rơi họ.

Hình ảnh con rắn đồng trêo trên cây gậy dương cao giữa dân chúng nhìn hướng tới muốn nói lên: từ sự đe dọa ở dưới mặt đất bị rắn cắn hướng lên cao tới Thiên Chúa là nguồn chữa lành cùng sự bình an. Thiên Chúa đó hằng cùng đồng hành với con người trong sa mạc đời sống.

Chúa Giêsu (Phúc âm theo Thánh Gioan 3,14) đã lấy hình ảnh con rắn đồng ngày xưa Maisen treo trên cây dương cao trong sa mạc như hình ảnh về cái chết của mình cũng bị treo trên cây thập gía như vậy, để mang lại dấu hiệu ơn cứu rỗi chữa lành.

Thập gía một dấu hiệu sự đau khổ cùng sự chết đã biến đổi thành dấu hiệu sự cứu rỗi chữa lành.

Lễ mừng tôn kính cây Thánh gía

Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía khoảng năm 33., đâu có ai nghĩ đến cây thập gía của Chúa Giêsu đã biến đổi thành cây cứu rỗi chữa lành nhờ sự hy sinh của Chúa Giêsu. Nhưng sau này, khi Chúa Giêsu đã sống lại rồi trở về trời, người ta mới đi tìm những dấu tích thánh của Chúa Giêsu khi xưa, để tôn kính.

Vào thế kỷ thứ tư cây thập gía bằng gỗ đóng đinh Chúa Giêsu ngày xưa đã được tìm thấy trong một bờ giếng đã bị chôn vùi lấp sâu kín trong lòng đất năm 326. Và ngày 14.09.335 dịp khánh thành vương cung thánh đường nơi mồ chôn táng Chúa Giêsu ngày xưa, cây thập gía vừa được tìm thấy được dương lên cao cho mọi người tôn kính.

Đây là công đức nỗ lực của Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino, trong việc tìm kiếm và tôn kính thập gía Chúa Giêsu.

Ngày lễ tôn kính Thánh gía Chúa Giêsu ngày 14.09.335 đánh dấu bước ngoặt khởi đầu mới trong toàn đế quốc Roma thời đó: đạo Công giáo được chính thức công nhận. Hoàng đế Constanstino ra chiếu chỉ thay vì tôn thờ thần mặt trời (Sol invictus), giờ đây tôn thờ Thiên Chúa của Kitô giáo.

Giáo Hội Công giáo bắt đầu phát triển thành tôn giáo chính thức trong đời sống xã hội, sau nhiều thế kỷ bị cấm đoàn bắt bớ. Nền văn minh Kitô Giáo từ ngày đó bén rễ sâu trong đời sống văn hóa xã hội, với những sáng kiến về nghệ thuật điêu khắc, văn chương thần học, xây dựng thánh đường, những cung cách sống đạo.

Con rắn đồng của thời Maisen trong sa mạc khi xưa là hình ảnh chỉ về cây thập gía Chúa Giêsu được dương lên cao, sau khi đã phải trải qua những đau khổ, những thập gía giăng ngang chắn lối đời sống.

Cây Thánh Gía trong dòng suy tư chiêm niệm

Năm 1957 Sputnik, vệ tinh đầu tiên được phóng lên không gian. Khắp nơi, nhất là báo chí trên khắp thế giới đã bàn tán bình luận xôn xao về biến cố mới lạ này. Người ta đã hết lời ca ngợi thành tích thắng lợi vẻ vang này như bước tiến cách mạng nhảy vọt chế ngự không gian vũ trụ. Có những ý kiến cho rằng đó là một thách đố, một cám dỗ song song đối đầu với Thượng Ðế, Ðấng sáng tạo vũ trụ.

Dẫu thế người đặt lòng tin vào Thiên Chúa vẫn nhìn nghe biến chuyển đó với con mắt niềm tin với, lòng tin sâu xa: Crux stat dum volvitur orbis – Cây Thánh gía vẫn đứng vững, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!

Johann Wolfgang von Goethe, nhà đại văn hào Ðức, khi nghĩ đến „ Thánh gía, dấu hiệu của người Kitô“ đã kinh hãi rụng rời. Ông lẩn trốn không muốn nói tới Thánh gía, vì nghĩ rằng, Thánh gía kêu gọi ông hãy ăn năn trở lại!

Trái lại người tín hữu Chúa Giêsu Kitô ngày thứ sáu tuần Thánh tôn kính cây Thánh gía: Ðây là cây Thánh gía, nơi treo Ðấng Cứu độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy.

Trung tâm của lễ nghi tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là cây Thánh gía trên đồi Golgotha núi sọ chiều năm xưa. Tất cả mọi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô bái qùy tôn kính cây Thánh gía.

Người ta chỉ có thể hiểu được thánh gía, nếu biết chấp nhận thánh gía của riêng mình. Cũng chỉ có thể hiểu được đau khổ, nếu không tìm cách lẩn tránh đau khổ. Chấp nhận con đường đau khổ bản thân của mỗi người, chính là đi theo Chúa Giêsu Kitô, đấng là con đường là sự chân thật và là sự sống.

Pierre Teilhard de Chardin, nhà thần học Dòng Tên chuyên khảo cứu về nhân chủng đã suy tư như sau „ Thánh gía không là điều gì vô nhân đạo, nhưng là điều vượt qúa tầm hiểu biết của con người.“

Ðức cố giáo hoàng Phaolô đệ lục đã gọi Thánh gía là khẩu hiệu, là Logo của lịch sử con người, của nền văn hóa và của bước tiến bộ chúng ta.

Thánh gía là một trường hợp nghiêm trọng của tình yêu, như Hans Urs von Balthasar nhà thần học Dòng tên đã suy tư.

Không có ngày nào nhắc nhở, vâng cảnh tỉnh chúng ta khẩn trương: Stat crux dum volvitur orbis! Thánh gía vẫn đứng vững đó, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!, như ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Thánh gía cuộc đời

Trong cuộc sống của mỗi người ai cũng đều phải trải qua những chặng đường thập gía. Có những em bé vừa khi lọt lòng mẹ, mở mắt chào đời, đã phải chịu cảnh sống xa cha mẹ ngăn cách trong lồng kính hằng những tháng năm liên tục. Vì em sinh thiếu tháng, hay phải giải phẫu nối ráp cơ quan trong người bị khiếm khuyết không đầy đủ, không lành mạnh.

Có những bạn trẻ thanh thiếu niên lớn lên chỉ quanh quẩn trong chu vi của giường ngủ, hay cái xe lăn di chuyển thôi.

Có những người đang tuổi trung niên đầy sức sống vươn lên, nhưng bỗng dưng tâm trí bị phân tán hay khựng lại, hướng suy nghĩ phát triển ngày càng đi xuống. Họ sống trong sợ hãi mặc cảm.

Có những người mẹ, từ khi đi gánh vác lập gia đình, luôn sống trong tủi nhục đau khổ chịu đựng. Vì luôn bị nghi ngờ hiểu lầm không chỉ từ phía gia đình nhà chồng mà còn ngay cả từ phía cha mẹ ruột sinh thành ra mình nữa, về cung cách sống và về tiền bạc nữa.

Thập gía của những người vợ, người mẹ này không có hình thù bằng gỗ hay sắt thép, nhưng bằng những dòng nước mắt đau khổ. Những dòng nước mắt thập gía đau khổ này không chỉ là sức đè nặng tâm hồn cuộc sống của họ, nhưng trái lại còn nảy sinh sức lực cho họ cố gắng vươn lên, cùng gây lòng trắc ẩn thương cảm từ Trời cao cùng nơi con người.

Có những cha mẹ ngày đêm năm tháng sống trong buồn sầu lo âu, vì con cái bỏ học, bỏ ngang đang khi học nghề, tương lai chúng bấp bênh, không biết làm sao! Họ ăn ngủ không yên không ngon, có khi còn sinh ra bệnh tật nữa. Thập gía cuộc đời của những cha mẹ này là những nỗi đau khổ lo âu về tinh thần lẫn cả phần thể xác nữa.

Thập gía cuộc đời có rất nhiều hình dạng khác nhau tùy nơi mỗi người, nơi mỗi hoàn cảnh giai đoạn đời sống. Không có cuộc đời nào mà không có thập gía.

Thập gía là gánh nặng, nhưng đồng thời cũng là đối lực đà thúc đẩy cố gắng vươn lên tìm niềm vui sống vượt qua khó khăn, nhất là nhìn lên Đấng đã bị đóng đinh trên đó mang lại ơn cứu rỗi cho con người.

Thưa Qúy Ông Bà, anh chị em tín hữu Chúa Kitô giáo xứ Đồng Chiêm,

Chúng tôi nơi ngàn dặm xa xôi ở bên Âu châu xin hướng lòng về Đồng Chiêm với lòng cảm phục đức tin kiên cường của mọi người Giáo Dân xứ Đồng Chiêm vào Thánh Gía Chúa Giêsu.

Chúng tôi cũng như qúy Ông Bà, anh chị em vững tin vào Lời Chúa là đèn soi bước chân con đi, vào Thánh Gía Chúa Giêsu là niềm hy vọng ơn cứu chuộc cho linh hồn con người. Và tin tưởng:

Người ta có thể dùng quyền hành bạo lực đập nát, tháo gỡ lăng mạ Thánh Gía, Logo biểu tượng đức tin Công giáo. Nhưng không ai có thể xóa bỏ đức tin trong trái tim tâm hồn của người Công giáo vào Thánh Gía Chúa Giêsu được.

Người ta có thể gian dối dùng mọi cách thức dã man thiếu văn hóa, thiếu đạo đức vu khống mạ lỵ người Công Giáo. Nhưng không thể tiêu diệt đức tin tình yêu của họ vào Thánh Gía Chúa Giêsu được.

Người ta có thể nhất thời tìm mọi cách làm sao xóa bỏ tiêu diệt Thánh gía biểu tượng đức tin của đạo Công Giáo ra khỏi một nơi chốn địa lý nào đó. Nhưng đức tin vào Thánh Gía vẫn luôn khắc ghi sâu đậm trong trái tim tâm hồn người Công Giáo.

Trong ngục tù từ năm 1975 đến 1988 đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận không được phép mang đeo Thánh Gía, nhưng Đức Cha đã hằng ngày nói về Thánh Gía với mọi người bạn cùng bị tù chung, và ngài còn dùng cây gỗ, dùng hộp ống lon sữa guigoz khắc chạm làm cây Thánh Gía đeo trên người.

Đức quốc, ngày 24.01.2010
Radio VN Hải Ngoại Âu châu