Lữ Giang
Sau vụ 4 nhà đối kháng được nhiều người biết đến, đã bị Tòa Án Nhân Dân thành phố Sài Gòn tuyên án nặng vào ngày 20.1.2010 về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự, các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như của người Việt ở hải ngoại đã bàn luận khá nhiều về vụ án này, như thủ tục xét xử thiếu minh bạch và công bằng, không cho cơ quan báo chí ngoại quốc và các nhà ngoại giao vào quan sát phiên xử, vụ án chỉ "liên quan việc thực thi tự do ngôn luận" (ông Kenneth Fairfax, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn) nhưng tuyên án như vây là quá nặng, v.v. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa ai nói lên được mục tiêu mà nhà cầm quyền CSVN đang nhắm tới khi cho tiến hành các vụ án này và các thủ đoạn mà họ đã dùng để đạt tới mục tiêu đó.
Người Việt chống cộng ở hải ngoại thường nhắc đi nhắc lại câu nói của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: "Đừng nghe những gì Công sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm". Mặc dầu “dạy dổ” mọi người như thế, ông Thiệu và bộ tham mưu của ông đã không hề biết Cộng Sản làm gì và Mỹ làm gì nên đã để mất miền Nam.
Ngày nay, nếu không biết Cộng Sản đang làm gì và Mỹ đang làm gì, cứ tấn công vào các hiện tượng diễn ra bên ngoài hay các hư cấu do chính mình tưởng tượng ra, người Việt đấu tranh khó góp phần được gì cho việc giải phóng quê hương.
MỘT VÀI CÁCH NHÌN
Hãng thông tín Reuters cho rằng phiên xử gây sự chú ý ở nước ngoài một phần bởi trong số bị cáo có ông Lê Công Định và ông Nguyễn Tiến Trung. Luật sư Lê Công Định từng bào chữa cho các nhà hoạt động dân chủ và cũng từng bảo vệ cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, trong khi Nguyễn Tiến Trung từng gặp Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush cũng như Thủ Tướng Canada Stephen Harper.
Hãng thông tấn Pháp AFP ghi nhận đây là vụ án "nổi bật nhất trong một loạt các vụ bắt giữ và kết tội giới bất đồng chính kiến và bloggers tại đất nước cộng sản một năm qua".
Trong khi đó hãng AP ghi nhận người đầu tiên ra tòa là ông Lê Công Định đã thừa nhận vi phạm điều 79 Luật Hình Sự khi gia nhập Đảng Dân Chủ Việt Nam (một đảng chống cộng cò mồi). Ông Lê Công Định nói: "Mục đích của đảng là kêu gọi hệ thống đa đảng, đa nguyên chính trị và một nhà nước mới." Ông xác định: “Trong thâm tâm, bản thân tôi và các bị cáo khác không có ý định lật đổ chính phủ.”
Theo AP, ông Định nhìn nhận đã phác thảo một hiến pháp mới do Nguyễn Sỹ Bình, người lãnh đạo Đảng Dân Chủ giao cho, và dự khóa học ba ngày tại Thái Lan do Việt Tân (giả) tổ chức về thay đổi chính trị bất bạo động.
Người thứ hai là Nguyễn Tiến Trung cũng nhìn nhận đã gia nhập Đảng Dân Chủ Việt Nam và thành lập Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ. Trung nói: "Hành động của tôi vi phạm luật pháp Việt Nam. Tôi nông nổi và phạm sai lầm."
Bị cáo thứ ba, Lê Thăng Long, bác bỏ việc ông bị cáo buộc đã làm những điều sai trái. Ông tuyên bố: "Tôi vô tội". Ông nói với tòa rằng ông viết lời nhận tội và xin khoan hồng hồi tháng 6 chỉ sau khi ông "bị an ninh khủng bố tinh thần".
Còn ông Trần Huỳnh Duy Thức thừa nhận đã lập ra "Nhóm Nghiên cứu Chấn", một tổ chức mà Viện Kiểm Sát nói là muốn gây ảnh hưởng tiêu cực đối với chính phủ. Nhưng ông Thức nói nhóm này đơn giản chi tiến hành nghiên cứu và đưa ra các đề nghị về chính sách cho lãnh đạo Việt Nam. Ông Thức dự đoán Đảng Cộng sản tiêu vong trước năm 2020.
Phát biểu trên đài phát thanh Úc, chuyên gia lâu năm về Việt Nam, Giáo sư Carlyle Thayer nhận xét rằng bốn bị can đã đưa hoạt động đòi dân chủ đi xa thêm một bước khi thành lập Đảng Dân Chủ Việt Nam. (Thật sự đảng này do Hoàng Minh Chính thành lập và Nguyễn Sỹ Bình ở San José thừa kế).
Ông nói họ "đề ra chiến lược và chiến thuật chính trị hòa bình để thách thức Đảng Cộng Sản vào lúc có khủng hoảng tài chính toàn cầu, và nhắm tới giới bất đồng chính kiến bên trong Đảng với hy vọng có sự ủng hộ của họ".
Giáo sư Thayer đoán rằng phiên tòa được phe bảo thủ trong Đảng dùng để chặn trước khả năng bất đồng tại Đại Hội Đảng lần thứ 11. Theo ông, trong quá khứ, những người tự do hay cấp tiến trong Đảng đã dùng Đại Hội và các tài liệu chính sách để thúc đẩy cải tổ. Những người bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ ngoài đảng cũng dùng cơ hội đó để góp ý và thúc giục thay đổi."
Hôm 21,1.2010, ông Brad Adams, Giám Đốc Human Rights Watch đặc trách vùng Châu Á, cũng nói rằng chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp dân chủ trước Đại hội Đảng lần thứ 11.
MỤC TIÊU CỦA HÀ NỘI
Trong bài “Tính toán của Hà Nội” được phổ biến hôm 26.10.2009, chúng tôi đã nói về mục tiêu của Đảng CSVN khi mở chiến dịch đàn áp các thành phần đối kháng, đại khái như sau:
Các nhà phân tích cho rằng Đảng CSVN đang chuẩn bị cho hai công tác chính sau đây:
(1) Bảo đảm Đại Hội Đảng kỳ XI sẽ được tổ chức vào đầu năm 2011 tới đây không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra.
(2) Tiến tới một chính sách đối ngoại với Trung Quốc thích hợp nhất.
Hôm thứ hai 5.10.2009, Hội Nghị lần thứ 11 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khoá X đã họp ở Hà Nội để chuẩn bị những vấn đề làm sườn cho Đại Hội Đảng Khoá XI vào đầu năm 2011. Buổi họp kéo dài trong 5 ngày. Theo tài liệu của Đảng CSVN, Hội Nghị đã bàn về các vấn đề sau đây: Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2011- 2020; Đề cương chi tiết Báo cáo chính trị trình Đại hội XI của Đảng; Báo cáo về một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Điều Lệ Đảng.
Nhìn chung, Đại Hội nào của Đảng CS cũng phải quyết định về hai vấn đề chính: Vấn đề thứ nhất là vấn đề nhân sự và vấn đề thứ hai là vấn đề đường lối.
1.- Vấn đề nhân sự
Lần Đại Hội này vấn đề nhân sự trở nên rất gay cấn vi các “công thần” của thời chiến tranh không còn nữa, đám lau nhau đang tranh ghế, nhưng không ai có đủ uy thế để có thể chế ngự được đa số như trường hợp của Lê Duẫn. Thêm vào đó, các “công thần” còn ngo ngoe được vẫn cố gắng bảo vệ các con gà của mình.
Nhìn chung, về vấn đề nhân sự, chủ trương của Đảng trong kỳ Đại Hội này là tiếp tục trẻ trung hoá guồng mày lãnh đạo.
2.- Về đường lối
Trong bài diễn văn đọc trước cuộc họp của Trung Ương Đàng nói trên, Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng CSVN đã nhấn mạnh phải “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định vai trò lãnh đạo của đảng và đường lối đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của đảng.”
Trong các thứ “kiên định” nói trên, hai thứ “kiên định” đầu là chũ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là chiêu bài. Hai “kiên định” sau đã gây nhiều tranh luận, đó là vai trò lãnh đạo và đường lối đổi mới của đảng.
Thỉnh thoảng chúng ta lại nghe chuyên gia này hay chuyên gia kia phân tích chủ trương khác biệt giữa các nhóm trong Đảng, chẳng hạn như nhóm thân Trung Quốc và nhóm thân Mỹ, nhóm thủ cựu và nhóm cấp tiến, v.v... Nhưng những chuyện đó hiện nay không còn trong Đảng CSVN.
Quả thật, trong thời chống Pháp và chống Mỹ, trong Đảng CSVN đã có nhóm thân Liên Sô và nhóm thân Trung Quốc, và hai nhóm này đã từng thanh toán nhau đẩm máu. Hiện nay, giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga, nhóm nào cũng đồng ý áp dụng “chính sách đu dây” để quân bình áp lực và thủ lợi.
Về đường lối cải cách, nhóm nào đang nắm quyền đều bị coi là “nhóm thủ cựu”, còn nhóm nào bị loại đều trở thành “nhóm cải cách” hay “nhóm cấp tiến”, nhưng nhóm nào khi nắm quyền cũng đều hành động giống nhau: Bảo vệ quyền bính!
VẤN ĐỀ SINH TỬ
Nhiều nhà phân tích tin rằng tin rằng sau cuộc họp của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng từ 5 đến 10.10.2009 vừa qua, vấn đề nhân sự và đường lối của Đảng trong nhiệm kỳ tới đã được “an bài”. Đại Hội Đảng vào đầu năm 2011 tới đây chỉ được tổ chức để “hợp thức hoá” mà thôi. Nói cách khác, trong nhiệm kỳ tới, ai sẽ làm Tổng Bí Thư, ai sẽ làm Ủy Viên Bộ Chính Trị, ai sẽ làm Chủ Tịch Nước, ai sẽ làm Thủ Tướng, v.v. ... đều đã được quyết định rồi.
Dĩ nhiên, những thành phần có uy thế trong Ủy Ban Trung Ương Đảng không có tên trong nhiệm kỳ tới đều hiểu rằng họ đã bị loại. Cần lưu ý rằng chuyện tranh chấp về quyền hành trong nội bộ của các Đảng Cộng Sản trên thế giới, có khi đẫm máu, là chuyện bình thường.
Những thành phần bị loại thường có hai loại phản ứng khác nhau:
Đối với những người thấy rằng họ không có khả năng đối đầu với những thành phần đang có quyền hành, và sự đối đầu của họ chẳng những không đi tới đâu mà nhiều khi còn đưa tới những hậu quả tệ hại hơn, họ đành chấp nhận “số mệnh”.
Đối với những người tin vào uy thế của mình trong Đảng và nghĩ rằng họ có thể làm đảo ngược lại thế cờ vào một lúc nào đó, họ thường trở thành những nhân vật đối kháng. Bước đầu họ thường đưa những chuyện bê bối trong Đảng để lên án, sau đó phê phán đường lối của nhóm đang cầm quyền và đưa ra những đòi hỏi cải cách để tạo ra một phong trào chống lại nhóm đang cầm quyền.
Nói như vậy không có nghĩa là nhóm bị loại thường là những người muốn cải cách. Như đã nói ở trên, chúng tôi tin rằng những người như Võ Nguyên Giáp, Trần Độ, Nguyễn Văn Trấn, Võ Văn Kiệt, v.v., nếu nắm được quyền cũng sẽ độc tài và sắt máu không thua gì Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Đức Anh, v.v. Họ đòi cải cách không phải vì muốn có thay đổi mà chỉ muốn phá thối nhóm đang cầm quyền mà thôi. Khi họ đang có quyền trong tay, có khi nào họ nói đến cải cách đâu?
Dĩ nhiên, các thành phần chống cộng ở trong cũng như ngoài nước sẽ khai thác triệt để những sự đối kháng của nhóm bị loại để gây khó khăn cho chế độ hoặc đòi hỏi chế độ phải thay đổi. Đây là điều mà những người có quyền trong Đảng Cộng Sản lo lắng mỗi khi đến kỳ Đại Hội Đảng. Vậy công việc trước tiên là ngăn chận các thành phần có uy thế trong Đảng vừa bị loại ra, đừng cho nhóm này quậy phá. Đây là vấn đề sinh tử của nhóm đang cầm quyền, những Đảng CSVN có quá nhiều kinh nghiệm về cách đối phó với những nhóm này qua một tiến trình lịch sử lâu dài, nên họ biết cách để “khớp mõm” nhóm đó trong thời gian tiến tới Đại Hội Đảng.
CÁI BẨY ĐƯỢC TUNG RA
Trong bài “Tính toán của Hà Nội” chúng tôi đã trình bày cho độc giả thấy trước ngày Đại Hội Đảng XI hơn cả năm, Đảng CSVN đã cho xúc hết “nhóm tiểu quậy” thường xuất hiện như là những Bloggers. Nhóm này thường phê phán Đảng và Nhà Nước ngang như cua, nhưng đa số không sâu sắc vì thiếu kinh nghiệm và thiếu nghiên cứu. Các bài do nhóm này viết ra không gây tác hại nhiều, nhưng nhà cầm quyền phải bắt vì hai lý do: Lý do thứ nhất là sự phát triển của nhóm này có thể tạo thành một “phong trào quậy” không thể kiểm soát được. Lý do thứ hai quan trọng hơn, đó là dằn mặt “nhóm đại quậy” xuất hiện. Những thành phần này nếu để cho xuất hiện, họ có thể nói lên những mặt trái đàng sau làm Đảng bị mất uy tính. Họ có thể đưa ra những phản biện với những dẫn chứng và lập luận vững vàng làm lung lay chủ trương và đường lối mà Đảng đang đưa ra. Do đó, nhà cầm quyền phải bắt giam “nhóm tiểu quậy” để răn đe “nhóm đại quậy”. Nhà cầm quyền muốn nói với họ: Các anh mà loạng quạng chúng tôi cũng sẽ bắt luôn!
Tuy nhiên, trong “nhóm tiểu quậy” cũng có những thành phần bị coi là nguy hiểm, nhất là những thành phần có quan hệ quốc tế, cần phải có những biện pháp đặc biệt. Trong thực tế, chúng ta thấy có 4 nhân vật bị Đảng Cộng Sản coi là nguy hiểm, đó là Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Muốn thanh toán nhóm này, cơ quan tình báo và phản gián đã phải lập một kế hoạch rất tinh vi để lùa nhóm này vào bẫy và truy tố theo điều 79 của Bộ Luật Hình Sự về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Vì thủ đoạn này đã bị chúng tôi lật tẩy trong bài “Bị sa bẫy” phổ biến vào ngày 16.6.2009, nên bản cáo trạng toàn phần gồm 15 trang truy tố 4 nhân vật nói trên đã không được công bố như trong các vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý, Luật sư Nguyễn Văn Đài và Luật sư Lê Thị Công Nhân. Viện Kiểm Sát (Công Tố Viện) chỉ công bố một phần nhỏ và ngay các bị cáo cũng không được phép đưa bản cáo trạng buộc tội mình ra tòa để tranh luận. Chúng tôi nhớ lại, sau khi chúng tôi cho phổ biến bài “Bị sa bẫy”, các websites ở trong nước có liên hệ đến vụ án Luật sư Lê Quốc Định đều bị lấy xuống.
Dù bản cáo trạng chỉ được công bố một phần, chúng ta cũng có thể thấy ngay 4 nhân vật nói trên đều bị sập bẫy của “Đảng Dân Chủ Việt Nam”, một đảng chống cộng cò mồi do Nguyễn Sỹ Bình ở San José lãnh đạo.
Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, sau khi bị Công An bắt tại Việt Nam năm 1992 vì “tổ chức chống đối chế độ”, Nguyễn Sỹ Bình đã được “khoan hồng” ngày 26.6.1993 và trở về Mỹ, rồi năm 1996 lại qua Kampuchia ra mắt cái gọi là "Đại Hội Đảng Nhân Dân Hành Động” tập trung 24 người chống cộng còn hoạt động tại Kampuchia cho Công An bắt và đưa về Việt Nam truy tố và tuyên án nặng vào ngày 10.9.1999. Điều đáng ngạc nhiên là Nguyễn Sỹ Bình, người đứng ra tổ chức Đại Hội, và người tình là Nguyễn Thị An Nhàn, lại không bị bắt mà được “trục xuất” về Mỹ trong thư thái hân hoan!
Vì cái đảng chống cộng cò mồi “Nhân Dân Hành Động” đã bị lộ diện, năm 2006 khi Bác Sĩ Nguyễn Xuân Ngãi đưa ông Hoàng Minh Chính qua Mỹ chữa bệnh, Nguyễn Sỹ Bình đã xúi ông tuyên bố thành lập “Đảng Dân Chủ Việt Nam” ở hải ngoại để giúp Bình thay hình đổi dạng. Năm 2008, ông Hoàng Minh Chính qua đời, có sự tranh chấp giữa nhóm quốc nội và nhóm quốc ngoại, nhưng Nguyễn Sỹ Bình có khả năng tài chánh hơn, nên ngày 9.8.2008 đã tiếm được vị trí “Trưởng Ban Thường Vu Trung Ương Đảng”, thay ông Hoàng Minh Chính điều hành “Đảng dân chủ VN”. Công tác của đảng này cũng chỉ đóng vai trò chống cộng cò mồi như “Đảng Nhân Dân Hành Động”, câu các nhà đối kháng bị coi là nguy hiểm vào cho nhà cầm quyền CSVN bắt.
Nguyễn Sỹ Bình sinh năm 1955 tại làng Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, qua Mỹ vào tháng 4 năm 1975, làm việc cho hãng Golden Gate Petroleum Co. ở California, sau thi đậu bằng kỹ sư đã đi làm tiếp thị cho một công ty địa ốc. Tháng 8 năm 1990, Bình trở về Việt Nam “hoạt động chính trị” như đã nói trên.
Báo Công An cho biết vào tháng 3/2008, Nguyễn Tiến Trung đã giới thiệu Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định với Nguyễn Sỹ Bình để thống nhất kế hoạch hành động. Theo sự phân công, Nguyễn Sỹ Bình giữ vai trò "Trưởng Ban Thường Vụ Trung Ương Đảng" của Đảng Dân Chủ Việt Nam, còn Nguyễn Tiến Trung là thành viên "Ban Thường Vụ", kiêm Phó Ban Báo Chí Hải Ngoại, kiêm Trưởng Ban Thanh Niên. Lê Công Định cũng là thành viên "Ban Thường Vụ".
Tháng 2/2009, Bình gửi cho Định bản "Tân Hiến Pháp VN" để Định nghiên cứu và góp ý. Đến tháng 9, trong một dịp sang Mỹ họp với giới luật sư, Định gặp Nguyễn Sỹ Bình, rồi được Bình đưa cho bản "Điều Lệ Đảng Dân Chủ VN" để Định chỉnh sửa. Chính vào dịp này Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức đã gia nhập "Đảng Dân Chủ VN" tại Mỹ.
Tháng 3/2009, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức đi Phuket, Thái Lan, gặp Nguyễn Sỹ Bình để thống nhất thành lập các tổ chức chính trị thay thế Đảng Cộng Sản VN khi xảy ra biến cố chính trị vào năm 2010. Nguyễn Sỹ Bình giao công tác: Lê Công Định chịu trách nhiệm thành lập "Đảng Lao Động VN" và Trần Huỳnh Duy Thức thành lập "Đảng Xã Hội VN" để tập hợp lực lượng cho “Đảng Dân Chủ Việt Nam”.
Từ ngày 1.3.2009 – 3.3.2009, Lê Quốc Định đã tham gia “khoá huấn luyện bất bạo động” do tổ chức Việt Tân (giả) tổ chức tại Pattaya (Thái Lan) do 2 người Serbia trình bày. Trong đó, một người một người có tên Blado, người còn lại Định khai không nhớ tên.
Đảng Việt Tân đã xác nhận họ không hề tổ chức “khoá huấn luyện” nào như thế. Đây chỉ là một “khoá huấn luyện” giả do Cục Tình Báo Hải Ngoại và Bộ Công An phối hợp tổ chức để gài bắt Lê Công Định.
Tất cả cuộc họp và “khoá huấn luyện” nói trên đều được quay phim và ghi băng để Công An làm tài liệu truy tố Định và Thức. Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Định nhận tội ngay từ đầu.
Riêng Trần Huỳnh Duy Thức khi trở về lập blog "Change We Need" rồi viết các bài như: "Lần sinh nhật thứ 79 của Đảng Cộng sản VN là lần cuối", "Gửi những người Cộng sản", "Điềm gở của triều đại Cộng sản", "Minh chủ sắp xuất hiện", "Bôxít tây nguyên, huyệt mộ triều đại Cộng sản tự đào chôn mình"... với bí danh Trần Đông Chấn.
Tháng 4/2007, Lê Thăng Long tách ra khỏi "Nhóm Nghiên Cứu Chấn" và thành lập "Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt", website "chanhungnuocviet", "Câu lạc bộ người cao tuổi chấn hưng nước Việt", "Câu lạc bộ nhà báo chấn hưng nước Việt"... Khi bắt Lê Thăng Long, cơ quan An ninh Việt Nam đã thu nhiều tài liệu, trong đó có Cương Lĩnh "Đảng Dân Chủ Việt Nam". Cương lĩnh này khẳng định: "Xây dựng một Quốc hội mới, Nhà nước mới, Hiến pháp mới..."
Lược qua hoạt động của 4 thành phân đối kháng đã bị Toà tuyên án nặng hôm 20.1.2010, chúng ta thấy các thành phần này đều đã sập bẫy của Nguyễn Sỹ Bình, tức sập bẫy của Cục Tình Báo Hải Ngoại và Bộ Công An.
Trong phiên tòa ngày 20.1.2010, Trần Huỳnh Duy Thức đã đòi thay đổi thành phần xử án, còn nhiều người lại ngồi phê phán vê tính thiếu minh bạch của các thủ tục tại phiên tòa... Nhưng đó là những cuộc tranh luận vô ích. Trong chế độ “Đảng lãnh đạo” và “Luận pháp chỉ là công cụ để trừng phạt bọn tư sản và bọn phản động” (Lénin)..., tranh cãi về luật và thủ tục pháp lý chẳng lợi ích gì. Trong các vụ án chính trị, “Miệng tao là luật” và Ban Nội Chính là cơ quan quyết định bản án chứ không phải tòa án. Trong trường hợp của 4 bị cáo nói trên, Ban Bí Thư Trung Ương Đảng là cơ quan quyết định bản án.
Giới trẻ có lòng với đất nước nhưng thiếu kinh nghiệm, bị sập bẩy của Cộng Sản là chuyện có thể hiểu được. Nhưng có nhiều người tự xưng là “đi guốc trong bụng Cộng Sản” hoặc đã sống vối Cộng Sản gần 56 năm mà vẫn bị “vô cơ” của Công An là chuyện đáng buồn!
QUYỀN LỰC TRÊN HẾT
Hiện nay, Đảng CSVN đang có những biện pháp mạnh đối với các thành phần đối kháng và áp dụng các biện pháp chặt chẽ để kiểm soát các cơ quan truyền thông. Trong khi chúng tôi đang viết bài này, Tòa án Hải Phòng sắp xét cử cô Phạm Thanh Nghiên về tội “tuyên truyền chống nhà nước” và Toà Án Hà Nội sẽ xét xử bà Trần Khải Thanh Thủy vào ngày 5.2.2010 về tội “cố ý gây thương tích”. Nói một cách tổng quát, từ nay cho đến ngày Đại Hội Đảng vào đầu năm 2011, Đảng CSVN đã và đang đập tan các “ổ đối kháng” để bảo đảm kết quả của Đại Hội mà Ban Chấp Hàng Trung Ương Đảng đã định trước.
Một câu hỏi thường được đặt ra: Không lẽ Hoa Kỳ, các nước Âu Châu và các tổ chức bảo vệ dân chủ và dân quyền sẽ không có biện pháp nào đối với sự hung hản của Hà Nội sao?
Chúng ta nhớ lại, hôm 21.10.2009, Hạ Viện Mỹ đã thông qua Nghị quyết HR 672 về Tự do Internet ở Việt Nam do Dân biểu Loretta Sanchez đề xuất. Nghị quyết kêu gọi Việt Nam “thả các bloggers bị cầm tù và tôn trọng tự do Internet”. Nghị quyết HR 672 này có tác dụng gì đối với Việt Nam?
Có thể trả lời một cách khẳng định: Không! Từ nay cho đến ngày kết thúc Đại Hội Đảng khoá XI vào đầu năm tới, nhà cầm quyền CSVN sẽ không thay đổi đường lối kiểm soát truyền thông và khống chế các thành phần đối kháng mà họ đang áp dụng, bất chấp mọi áp lực. Giả thiết Hoa Kỳ có áp dụng những biện pháp mạnh như ngưng thi hành hiệp ước thương mại song phương, áp dụng các biện pháp cấm vận và đưa Việt Nam trở lại vào danh sách CPC..., Hà Nội cũng không “ke”. Hà Nội sẵn sàng chấp nhận mọi biện pháp chế tài để bảo vệ quyền bính của Đảng. Phải đợi sau Đại Hội Đảng, Hà Nội mới thay đổi đường lối để điều chỉnh dần các quan hệ quốc nội và quốc tế. Đó là điều mà các thành phần “chống cộng” phải biết.
Ngày 26.1.2010