28 Dec 2009- Hôm 23/12 vừa qua trên trang http://www.asianews.it/ có đăng bản tin đáng chú ý liên quan đến giáo phận Hà Nội, mối quan hệ giữa Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt và UBND Tp.Hà Nội có tựa đề “in Hanoi 14 new priests are ordained, government sends mixed signals and churches are broken into” mặc dù bản tin này cũng thấy có trên trang VietCatholic nhưng cả hai nơi đều bằng Anh ngữ nên không chắc đã được nhiều người chú ý. Nhận thấy trong bài này có mấy lời ‘bảo ban’ chân tình của Đ/c Kiệt với đoàn khách UBND Tp.Hà Nội khá thú vị, nên xin ghi lại chủ yếu là vì mấy lời lành thánh này của Ngài.
Tại Hà Nội, 14 tân linh mục được thụ phong, chính phủ gửi đi những tín hiệu ‘lẫn lộn’ và việc nhiều nhà thờ bị xâm phạm.
Buổi lễ tấn phong là nguồn vui xoa dịu bớt những nỗi buồn gây ra bởi việc chín nhà thờ bị đánh cắp, các hòm thánh bị phá hoại, mình thánh Chúa bị ném xuống đất và nhiều bức bức tượng bị đánh cắp. Thành phố Hà Nội gửi một phái đoàn đến thăm tòa Tổng Giám Mục và chúc mừng lễ Giáng sinh. Chỉ mới vài tuần trước, nhà cầm quyền còn gắn nhãn cho Ngài là “kẻ gây rối”.
„Hà Nội (AsiaNews) – Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục của Hà Nội vừa mới phong chức cho 14 tân linh mục trong một buổi lễ được tổ chức ở một Đại Chủng viện thủ đô của Việt Nam. Đ/c Chu Văn Minh, giám mục phụ tá và Đ/c Giuse Nguyễn Văn Yên, giám mục nghỉ hưu đã cùng tham gia vào buổi lễ với 140 linh mục và 5.000 giáo dân. Tổng số linh mục trong giáo phận nay đã lên đến 106 vị cai quản 141 giáo xứ với trên 350.000 giáo dân, còn khoảng 40 giáo xứ hiện vẫn chưa có cha xứ.
Hôm nay, các tân linh mục đã mừng thánh lễ đầu tay ngay tại giáo phận của họ cùng người thân và bè bạn. Tuy nhiên, hôm qua một sự kiện quan trọng đã diễn ra là vào lúc 3 giờ chiều (22/12) bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội, đi kèm với một phái đoàn đã đến viếng thăm Tổng Giám Mục và có cuộc trao đổi, chúc mừng Giáng sinh với các Ngài.
Đối với người Công giáo, cử chỉ này là biểu tượng tượng trưng cho sự hoà giải.
Hai năm trước, vào tháng 1/2008, cũng chính bà đã đưa ra tối hậu thư phản đối (Đ/c Ngô Quang Kiệt) và đe dọa chính quyền sẽ có hành động quyết liệt nếu không chấm dứt những cuộc tụ tập phản đối tại tòa khâm sứ Hà Nội.
Kể từ đó, Uỷ ban Tp thường mô tả vị giám mục này là “kẻ gây rối” (troublemakers), là “người kích động gây ra những vụ gây náo loạn, cáo buộc sai trái chính phủ, không tôn trọng thể diện quốc gia ‘nhạo báng’ pháp luật và xúi giục những người khác cùng vi phạm theo". Một chiến dịch tương tự đã được thực hiện ngay trước khi ông chủ tịch nước viếng thăm Đức Giáo Hoàng tại Vatican.
Tuy nhiên, không còn giống như trước đây, trong chuyến thăm hôm qua, các thành viên trong đoàn đã biểu dương Đức cha cùng cộng đoàn của Ngài vì những sự ủng hộ của họ đối với các nỗ lực giải quyết các khó khăn của chính phủ.
Đ/c Ngô Quang Kiệt nói rằng ông hy vọng chuyến thăm không chỉ đơn thuần là ngoại giao, nhưng thay vào đó là dấu hiệu của "sự phát triển của văn minh và công bằng" là điều "rất cần thiết cho một thành phố lớn như Hà Nội"
"Là Kitô hữu, đời sống tâm linh chấp nhận con người ràng buộc với nhau không chỉ bằng bề ngoài, mà còn phải từ đáy lòng họ”
"Chúng tôi làm như vậy bởi vì chúng tôi tin rằng vào cuối đời mình, mỗi người chúng tôi sẽ phải đối mặt với Thiên Chúa để được Ngài phán xét tất cả những gì đã làm trên cõi đời này.
Kết thúc đời mình, chúng tôi sẽ được tốt hơn nếu ăn ở ngay thẳng như đường tên bắn, còn không sẽ bị trừng phạt vì những sự gian dối!
Khi bạn quan sát những gì được biểu hiện ra bề ngoài của một người Công giáo, nó thưc sự phản ánh đúng những gì người đó đang giữ bên trong con người họ. Bạn có thể yên tâm về những gì bạn thấy cũng chính là những gì bạn nhận được nơi họ. Chúng tôi không có gì để che giấu” (những câu nói quá hay của Đức Cha - ND)
Có một điều đáng lưu ý khác, một vài ngày trước chuyến thăm, nhà thờ ở Từ Châu, Cao Mật Bến, Mai Lĩnh, Đồng Du, Mỹ Thượng, Sơn Miêng, Đông Lao (Giáo phận Hà Nội) cũng như Phượng Bãi và Tình Lâm (giáo phận Hưng Hòa) đã bị xúc phạm và nhiều đồ vật đã bị đánh cắp, bao gồm bình đựng nước thánh, ly chén thánh và các thiết bị âm thanh.
Nhiều giáo dân đến nhà thờ chủ nhật vừa qua để dự Thánh lễ Chúa Nhật đã khóc khi thấy chén thánh bị vỡ tung tóe, còn bánh thánh thì bị vung vãi khắp nơi trên đất.
Đã có ít nhất hai nhà thờ đã bị kẻ trộm lấy mất đi một số bức tượng quí.“
Bài báo trên trang asianews đến đây là hết. Nhân đọc bài này người viết xin có thêm vài nhận xét liên quan đến việc nhà nước VN chúc mừng đồng bào công giáo nhân lễ Giáng Sinh vừa qua.
Qua theo dõi tin tức chắc mọi người cũng đều ‘băn khoăn’ không hiểu vi sao Noel năm nay các quan lớn VN ta bỗng dưng ‘thay đổi tính nết’! người thì ‘chịu khó’ lặn lội đi xa hơn mọi khi, người khác lại tỏ ra ‘khiêm nhường’ khi chọn mấy nơi nho nhỏ vắng vẻ nhường lại mấy nơi có các đấng cao trọng, như Tòa TGM Hà Nội với Đ/c Kiệt lại cho các quan be bé hơn?
Này nhé, trước hết theo nguyên văn lời TTXVN thì hôm 24/12 “tại Tòa Tổng Giám mục TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thay mặt Đảng, Nhà nước và Chính phủ chúc Hồng y Tổng Giám mục, các giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể bà con giáo dân trong giáo phận một mùa Giáng sinh an lành, tươi vui và thăng tiến.”…. kế đến là việc Ban Tôn giáo Chính phủ qua ông Nguyễn Thanh Xuân qua cũng tạm lánh thủ đô vào Tp.HCM tổ chức gặp mặt, chúc mừng Lễ Thiên chúa Giáng sinh 2009 với 8 hệ phái Tin Lành và đến thăm chúc mừng Giáng Sinh HY Phạm Minh Mẫn v.v… Ơ hay! nghe mà cứ như Tp.HCM sắp trở thành thủ đô của người công giáo? Hay không chừng sau khi VN lập bang giao với Tòa Thánh Vatican thì Tòa Khâm Sứ sẽ đặt ở Sàigòn thay cho ngoài Hà Nội cũng nên?
Ngoài ra còn là chuyện ‘đồng chí’ Hà Văn Núi, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tới thăm Toà giám mục Thanh Hoá, chúc mừng các vị chức sắc tôn giáo và bà con giáo dân giáo phận Thanh Hoá (thay vì HĐGMVN hay Tòa TGM Hà Nội)
Ngay tại thủ đô tình hình cũng có vẻ ‘biến động’ hơn mọi năm khi hai ‘sếp’ lớn nhất là các ông bí thư thành ủy Hà Nội Phan Thanh Nghị và chủ tịch Nguyễn Thanh Thảo người lặn lội xuống tận một phường ngoại ô kẻ lên non thăm viếng Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương, Giám mục giáo phận Hưng Hoá nhường ‘nhiệm vụ cao cả’ chúc Giáng Sinh TGM Ngô Quang Kiệt và bà con giáo dân thủ đô lại cho bà phó CT Thanh Hằng.
Nhưng có điều hơi lạ là chuyến thăm viếng của bà Hằng đã chẳng được tờ báo ‘lề phải’ thủ đô nào đưa tin, nhất là tờ báo Hà-Nội Mới vốn rất ‘quan tâm’ đến mọi hoạt động của giáo hội. May nhờ có trang của TGP Hà Nội người viết mới có dịp thấy được mấy tấm hình hết sức ‘dễ thương’.
Người có đạo chúng ta cảm thấy tiếc và ‘bất công’ khi thấy thiện chí của bà phó chủ tịch (và nhất là sự ‘can đảm’ của bà đã tỏ ra hơn hẳn ông chủ tịch) đã chẳng được truyền thông nhà nước ghi nhận.
Nhưng không sao! Nhờ còn có báo ‘lề trái’ bà con giáo dân thủ đô chắc chắn sẽ biết đến ‘biểu tượng của sự hòa giải’ của bà như asianews diễn giải ở trên mà bà đã thể hiện.
Dẫu sao buổi gặp này cũng đã cho thấy lời đồn đãi cách nay chưa lâu, rằng chính quyền Tp. Hà Nội từ lâu đã tẩy chay không còn làm việc, gặp gỡ trao đổi gì với Đ/c Ngô Quang Kiệt chỉ là những tin đồn nhảm vô căn cứ.
Liệu chuyến đi Rome của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hội kiến với ĐGH kéo dài gấp đôi hơn bình thường vừa qua có liên quan gì đến việc các quan cấp cao nhà nước bỗng dưng thay đổi thói quen chúc mừng Giáng Sinh năm nay? Việc thăm viếng và chúc mừng Giáng Sinh của bà PCT Ngô Thị Thanh Hằng có phải là dấu hiệu của sự bình thường trở lại trong quan hệ giữa Đ/c Kiệt và chính quyền Hà Nội sau vụ căng thẳng Tòa Khâm Sứ chính quyền Hà Nội từng muốn ‘bứng’ Ngài đi, nhưng nay thì họ đã thấy ‘cây đại thụ’ này của giáo hội sẽ bất di bất dịch, nên nay đành quay sang chung sống hòa bình lại vậy, và việc này lại phải bắt đầu leo dần lên từ cấp thấp nhất là bà PCT lên? Phải chăng đang có sự chia rẽ giữa chính quyền trung ương và điạ phương Hà Nội trong cách giải quyết những mâu thuẫn với giáo hội, cũng như trong việc bình thường hoá quan hệ với tòa thánh Vatican? V.v…
Phải chăng chính vì những sự đan xen khó lý giải này mà Asianews đã gọi là ‘mixed signals’: những tín hiệu ‘trộn lẫn’. Có nghĩa có thể có cả tốt lẫn xấu, cả hay lẫn dở chưa thể xác định.
Chúng ta chỉ mong sao đó sẽ không phải là loại ‘noise signals’, tức những sóng hài, loại tín hiệu nhiễu thường xảy ra trong các mạch điện tử, khi pha trộn nhiều loại sóng có tần số, biên độ khác hòa chung lại với nhau.
Alf. Hoàng Gia Bảo