Donnerstag, 28. Januar 2010

Cây Thập Giá: biểu tượng đức tin

Đinh Kim Tân

"Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 2010 Kính gửi: Quí Cha, Quí Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và toàn thể Anh chị em giáo dân trong Tổng Giáo Phận Hà Nội.
Văn Phòng Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội xin thông báo về diễn tiến tình hình giáo xứ Đồng Chiêm (Xã An Phú, Huyện Mỹ Đức, Hà Nội) như sau:
Sau khi đã triệt hạ và đập phá Thánh Giá trên Núi Thờ của giáo xứ rạng sáng ngày 6/1/2010, chính quyền địa phương tiếp tục khủng bố tinh thần giáo dân Đồng Chiêm bằng cách dùng loa phóng thanh công suất lớn liên tục phát đi những bài lên án, lăng mạ và vu khống cha xứ, cha phó và giáo dân Đồng Chiêm, đồng thời huy động hàng trăm cảnh sát cơ động, lực lượng vũ trang và công an chìm phong tỏa và ngăn chặn mọi lối vào giáo xứ Đồng Chiêm. Ngoài ra:

- Ngày 17/01/2010 công an đã bắt giam bà Đinh Thị Hường và ông Nguyễn Văn Đãng, tới nay vẫn chưa được thả. Cháu Bạch Thị Ái, học sinh lớp 10, con của bà Hường cũng bị công an đánh đập dã man.
- Ngày 18/01/2010 các bà Phạm Thị Heo, Đinh Thị Dậu và Trần Thị Thu đang lúc đi chợ bị công an bắt và tạm giam 24 giờ.
- Trong hai ngày 19 và 20/01/2010 các bà Đinh Thị Huyền, Bạch Thị Hà và Bạch Thị Quyên bị công an huyện Mỹ Đức triệu tập để xét hỏi từ sáng đến tối.
- Nghiêm trọng hơn là vụ đánh đập tàn nhẫn ông Nguyễn Hữu Vinh ngày 11/01/2010 tại trạm gác công an ở làng Đồng Chiêm và đánh bất tỉnh thày Nguyễn Văn Tặng, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ngày 20/01/2010 trên đường vào Đồng Chiêm.
- Riêng cha xứ Đồng Chiêm Giuse Nguyễn Văn Hữu và cha phó Giuse Nguyễn Văn Liên thì bị công an nhiều lần gửi giấy gọi lên điều tra xét hỏi.
Ngày 20/01/2010 Đồng Chiêm hoàn toàn bị bao vây cô lập, bất cứ ai đến từ bên ngoài đều bị công an tại các trạm kiểm soát ngăn chặn không cho vào. Các linh mục của giáo hạt Hà Nội vào thăm giáo xứ Đồng Chiêm đã bị lực lượng công an chặn lại ở Cầu Xây, cách Đồng Chiêm 500 m, không được vào.
Trước tình hình mỗi lúc một thêm căng thẳng, xin toàn thể gia đình Tổng Giáo Phận tiếp tục cầu nguyện tha thiết cho cha xứ, cha phó và giáo dân xứ Đồng Chiêm nhất là những anh chị em bị đánh đập, giam cầm, được giữ vững niềm tin giữa muôn vàn thử thách, sẵn sàng chia sẻ thập giá Chúa Kitô. Đồng thời xin cho các quyền cơ bản của con người được tôn trọng để đất nước có được nền hòa bình, công lý, dân chủ và văn minh thật sự.
Trân trọng thông báo
Linh mục Gioan Lê Trọng Cung
Chánh Văn Phòng"

Đọc thông báo trên đây của Tòa Tổng Giám Mục Hànội, chúng ta cảm thấy đau đớn bị nhục mạ coi khinh. Vì biểu tượng tôn giáo của người Kitô giáo là cây Thánh Gía Chúa Giêsu bị xâm phạm đập phá vô căn cứ, và những người tin theo tôn thờ Thánh Gía Chúa Kitô bị chèn ép đánh đập dã man vào giữa thời buổi thế kỷ thứ 21 này.

Đây là hành động của những người vô nhân đạo chỉ còn biết đặt vật chất lên trên hết, mà không còn biết đến phần linh thiêng đạo giáo niềm tin của con người là gì nữa.

Chúng ta tự hỏi đâu là chút lương tri tối thiểu của nhà cầm quyền với đời sống niềm tin tôn giáo của con người? Vì sao lại có hành động dã man vô nhân đạo của nhà cầm quyền với tình tự niềm tin tôn giáo và với con người như thế ở Đồng Chiêm?

Dấu hiệu, Logo đức tin của đạo Công Giáo là Thánh Gía Chúa Giêsu. Người Công Giáo làm dấu Thánh Gía hằng ngày từ khi thức dậy tới lúc lên giường đi ngủ. Trong nhà người Công giáo đều có treo Thánh Gia Chúa Giêsu. Khi cầu nguyện họ hướng con mắt cùng tâm hồn lên Thánh Gía Chúa Giêsu.

Như thế, Thánh Gíá của người Công Giáo không là cản trở cho đời sống con người. Trái lại Thánh Gía Chúa Giêsu giúp tâm hồn con người đón nhận kín múc niềm hy vọng phấn chấn cho đời sống.

Thánh Gíá không chỉ làm bằng cây gỗ, bằng sắt thép hay được đúc tạc thành. Nhưng Thánh Gíá khắc ghi khắp nơi trong tâm hồn đời sống con người.

Đâu là ý nghĩa thâm sâu niềm hy vọng phát ra từ Thánh Gíá Chúa Giêsu của người Công Giáo?

Tín hiệu từ cây Thánh Gíá

Trong đời sống con người phát tỏa ra bên ngoài, cùng tiếp nhận nhiều dấu hiệu vào trong tâm hồn mình. Có những dấu hiệu khi phát đi, mang đến tín hiệu tích cực, và cũng có những dấu truyền đi tín hiệu tiêu cực.

Đó đây khi đi ngang hiệu bán thuốc tây bên Đức, Âu châu, ta thường thấy bảng hiệu có hình vẽ mầu đỏ mẫu tự A (Apotheken), và lồng khung một phía bên mẫu tự A có hình con quấn rắn bò đang ngẩng đầu lên cao há miệng phun nọc. Hình ảnh này truyền đi tín hiệu không mấy gì là tích cực, nhưng lại là dấu chỉ của ngành dược phẩm bán thuốc trị chữa lành bệnh.

Hình ảnh con rắn có liên quan gì tới đời sống con người, nhất là đời sống đức tin không?

Với con người xưa nay con rắn là hình ảnh sống động, cùng rất hấp dẫn trong đời sống. Con rắn không có tay chân, nhưng bò uốn khúc rất nhanh chui luồn qua khắp các ngóc ngách khe hở trên mặt đất cũng như ẩn sâu trong lòng đất. Rắn không chỉ bò trên bờ đất khô cạn, nhưng còn bơi lội dưới nước với sức nhanh nhẹn dẻo dai nữa.

Thân hình Rắn uốn khúc uyển chuyển, mầu da óng áng, nhả phun nọc cực độc rất nhanh lẹ, nên là hình ảnh gây sự sợ hãi, nhưng cũng gợi trí tượng tượng rất nhiều trong các truyện thần thoại xưa nay.

Con rắn khi thì được nhìn là con vật xấu dữ, khi lại được nhìn là con vật tốt hữu dụng, có khi còn được cho là vị thần chữa lành bệnh nữa!

Nơi nhiều nền văn hóa xa xưa có truyền thuyết cho con rắn là con vật lành thánh chỉ về sự khôn ngoan, sự chữa trị lành bệnh và sức mạnh.

Con rắn trong Kinh Thánh ( Sách Sáng Thế ký 3,1-24) được diễn tả là con vật ranh mãnh dùng lời đường mật cám dỗ Bà nguyên tổ Evà phạm tội lỗi giới răn của Thiên Chúa. Vì thế theo truyền thống Do thái và Kitô giáo, con rắn biểu hiệu cho sự dữ xấu xa tội lỗi.

Thời cổ xa xưa, người ta còn cho con rắn, vì nó hay thay đổi lột da vào từng giáai đoạn nhất định trong đời sống của nó, là dấu hiệu sự làm trẻ trung tươi mới lại, sự tuần hoàn sinh lại không bao giờ già, không phải chết.

Trong Kinh Thánh (sách Dân Số 21,4-9) hình ảnh con rắn là lằn ranh biên giới giữa hai bên đầu cực giữa sự thu hút hấp dẫn và sự sợ hãi, thuốc chữa và nọc độc, sự sống và sự chết.

Hình ảnh con rắn đồng Maisen làm treo trên cây gậy dương cao trong sa mạc, như lời Thiên Chúa truyền dậy làm, để những ai nhìn hướng về với lòng tin tưởng được cứu chữa lành cho được sống, gợi nên sự đe doạ phải suy nghĩ và ăn năn trở lại. Vì vào lúc đi trong sa mạc, dân chúng bỏ xa lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, kêu than trách móc cho là bị Maisen và Thiên Chúa bỏ rơi họ.

Hình ảnh con rắn đồng trêo trên cây gậy dương cao giữa dân chúng nhìn hướng tới muốn nói lên: từ sự đe dọa ở dưới mặt đất bị rắn cắn hướng lên cao tới Thiên Chúa là nguồn chữa lành cùng sự bình an. Thiên Chúa đó hằng cùng đồng hành với con người trong sa mạc đời sống.

Chúa Giêsu (Phúc âm theo Thánh Gioan 3,14) đã lấy hình ảnh con rắn đồng ngày xưa Maisen treo trên cây dương cao trong sa mạc như hình ảnh về cái chết của mình cũng bị treo trên cây thập gía như vậy, để mang lại dấu hiệu ơn cứu rỗi chữa lành.

Thập gía một dấu hiệu sự đau khổ cùng sự chết đã biến đổi thành dấu hiệu sự cứu rỗi chữa lành.

Lễ mừng tôn kính cây Thánh gía

Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập gía khoảng năm 33., đâu có ai nghĩ đến cây thập gía của Chúa Giêsu đã biến đổi thành cây cứu rỗi chữa lành nhờ sự hy sinh của Chúa Giêsu. Nhưng sau này, khi Chúa Giêsu đã sống lại rồi trở về trời, người ta mới đi tìm những dấu tích thánh của Chúa Giêsu khi xưa, để tôn kính.

Vào thế kỷ thứ tư cây thập gía bằng gỗ đóng đinh Chúa Giêsu ngày xưa đã được tìm thấy trong một bờ giếng đã bị chôn vùi lấp sâu kín trong lòng đất năm 326. Và ngày 14.09.335 dịp khánh thành vương cung thánh đường nơi mồ chôn táng Chúa Giêsu ngày xưa, cây thập gía vừa được tìm thấy được dương lên cao cho mọi người tôn kính.

Đây là công đức nỗ lực của Thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Constantino, trong việc tìm kiếm và tôn kính thập gía Chúa Giêsu.

Ngày lễ tôn kính Thánh gía Chúa Giêsu ngày 14.09.335 đánh dấu bước ngoặt khởi đầu mới trong toàn đế quốc Roma thời đó: đạo Công giáo được chính thức công nhận. Hoàng đế Constanstino ra chiếu chỉ thay vì tôn thờ thần mặt trời (Sol invictus), giờ đây tôn thờ Thiên Chúa của Kitô giáo.

Giáo Hội Công giáo bắt đầu phát triển thành tôn giáo chính thức trong đời sống xã hội, sau nhiều thế kỷ bị cấm đoàn bắt bớ. Nền văn minh Kitô Giáo từ ngày đó bén rễ sâu trong đời sống văn hóa xã hội, với những sáng kiến về nghệ thuật điêu khắc, văn chương thần học, xây dựng thánh đường, những cung cách sống đạo.

Con rắn đồng của thời Maisen trong sa mạc khi xưa là hình ảnh chỉ về cây thập gía Chúa Giêsu được dương lên cao, sau khi đã phải trải qua những đau khổ, những thập gía giăng ngang chắn lối đời sống.

Cây Thánh Gía trong dòng suy tư chiêm niệm

Năm 1957 Sputnik, vệ tinh đầu tiên được phóng lên không gian. Khắp nơi, nhất là báo chí trên khắp thế giới đã bàn tán bình luận xôn xao về biến cố mới lạ này. Người ta đã hết lời ca ngợi thành tích thắng lợi vẻ vang này như bước tiến cách mạng nhảy vọt chế ngự không gian vũ trụ. Có những ý kiến cho rằng đó là một thách đố, một cám dỗ song song đối đầu với Thượng Ðế, Ðấng sáng tạo vũ trụ.

Dẫu thế người đặt lòng tin vào Thiên Chúa vẫn nhìn nghe biến chuyển đó với con mắt niềm tin với, lòng tin sâu xa: Crux stat dum volvitur orbis – Cây Thánh gía vẫn đứng vững, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!

Johann Wolfgang von Goethe, nhà đại văn hào Ðức, khi nghĩ đến „ Thánh gía, dấu hiệu của người Kitô“ đã kinh hãi rụng rời. Ông lẩn trốn không muốn nói tới Thánh gía, vì nghĩ rằng, Thánh gía kêu gọi ông hãy ăn năn trở lại!

Trái lại người tín hữu Chúa Giêsu Kitô ngày thứ sáu tuần Thánh tôn kính cây Thánh gía: Ðây là cây Thánh gía, nơi treo Ðấng Cứu độ trần gian. Chúng ta hãy đến thờ lạy.

Trung tâm của lễ nghi tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu là cây Thánh gía trên đồi Golgotha núi sọ chiều năm xưa. Tất cả mọi người tín hữu Chúa Giêsu Kitô bái qùy tôn kính cây Thánh gía.

Người ta chỉ có thể hiểu được thánh gía, nếu biết chấp nhận thánh gía của riêng mình. Cũng chỉ có thể hiểu được đau khổ, nếu không tìm cách lẩn tránh đau khổ. Chấp nhận con đường đau khổ bản thân của mỗi người, chính là đi theo Chúa Giêsu Kitô, đấng là con đường là sự chân thật và là sự sống.

Pierre Teilhard de Chardin, nhà thần học Dòng Tên chuyên khảo cứu về nhân chủng đã suy tư như sau „ Thánh gía không là điều gì vô nhân đạo, nhưng là điều vượt qúa tầm hiểu biết của con người.“

Ðức cố giáo hoàng Phaolô đệ lục đã gọi Thánh gía là khẩu hiệu, là Logo của lịch sử con người, của nền văn hóa và của bước tiến bộ chúng ta.

Thánh gía là một trường hợp nghiêm trọng của tình yêu, như Hans Urs von Balthasar nhà thần học Dòng tên đã suy tư.

Không có ngày nào nhắc nhở, vâng cảnh tỉnh chúng ta khẩn trương: Stat crux dum volvitur orbis! Thánh gía vẫn đứng vững đó, dù trái đất có xoay chuyển vận hành thế nào đi nữa!, như ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Thánh gía cuộc đời

Trong cuộc sống của mỗi người ai cũng đều phải trải qua những chặng đường thập gía. Có những em bé vừa khi lọt lòng mẹ, mở mắt chào đời, đã phải chịu cảnh sống xa cha mẹ ngăn cách trong lồng kính hằng những tháng năm liên tục. Vì em sinh thiếu tháng, hay phải giải phẫu nối ráp cơ quan trong người bị khiếm khuyết không đầy đủ, không lành mạnh.

Có những bạn trẻ thanh thiếu niên lớn lên chỉ quanh quẩn trong chu vi của giường ngủ, hay cái xe lăn di chuyển thôi.

Có những người đang tuổi trung niên đầy sức sống vươn lên, nhưng bỗng dưng tâm trí bị phân tán hay khựng lại, hướng suy nghĩ phát triển ngày càng đi xuống. Họ sống trong sợ hãi mặc cảm.

Có những người mẹ, từ khi đi gánh vác lập gia đình, luôn sống trong tủi nhục đau khổ chịu đựng. Vì luôn bị nghi ngờ hiểu lầm không chỉ từ phía gia đình nhà chồng mà còn ngay cả từ phía cha mẹ ruột sinh thành ra mình nữa, về cung cách sống và về tiền bạc nữa.

Thập gía của những người vợ, người mẹ này không có hình thù bằng gỗ hay sắt thép, nhưng bằng những dòng nước mắt đau khổ. Những dòng nước mắt thập gía đau khổ này không chỉ là sức đè nặng tâm hồn cuộc sống của họ, nhưng trái lại còn nảy sinh sức lực cho họ cố gắng vươn lên, cùng gây lòng trắc ẩn thương cảm từ Trời cao cùng nơi con người.

Có những cha mẹ ngày đêm năm tháng sống trong buồn sầu lo âu, vì con cái bỏ học, bỏ ngang đang khi học nghề, tương lai chúng bấp bênh, không biết làm sao! Họ ăn ngủ không yên không ngon, có khi còn sinh ra bệnh tật nữa. Thập gía cuộc đời của những cha mẹ này là những nỗi đau khổ lo âu về tinh thần lẫn cả phần thể xác nữa.

Thập gía cuộc đời có rất nhiều hình dạng khác nhau tùy nơi mỗi người, nơi mỗi hoàn cảnh giai đoạn đời sống. Không có cuộc đời nào mà không có thập gía.

Thập gía là gánh nặng, nhưng đồng thời cũng là đối lực đà thúc đẩy cố gắng vươn lên tìm niềm vui sống vượt qua khó khăn, nhất là nhìn lên Đấng đã bị đóng đinh trên đó mang lại ơn cứu rỗi cho con người.

Thưa Qúy Ông Bà, anh chị em tín hữu Chúa Kitô giáo xứ Đồng Chiêm,

Chúng tôi nơi ngàn dặm xa xôi ở bên Âu châu xin hướng lòng về Đồng Chiêm với lòng cảm phục đức tin kiên cường của mọi người Giáo Dân xứ Đồng Chiêm vào Thánh Gía Chúa Giêsu.

Chúng tôi cũng như qúy Ông Bà, anh chị em vững tin vào Lời Chúa là đèn soi bước chân con đi, vào Thánh Gía Chúa Giêsu là niềm hy vọng ơn cứu chuộc cho linh hồn con người. Và tin tưởng:

Người ta có thể dùng quyền hành bạo lực đập nát, tháo gỡ lăng mạ Thánh Gía, Logo biểu tượng đức tin Công giáo. Nhưng không ai có thể xóa bỏ đức tin trong trái tim tâm hồn của người Công giáo vào Thánh Gía Chúa Giêsu được.

Người ta có thể gian dối dùng mọi cách thức dã man thiếu văn hóa, thiếu đạo đức vu khống mạ lỵ người Công Giáo. Nhưng không thể tiêu diệt đức tin tình yêu của họ vào Thánh Gía Chúa Giêsu được.

Người ta có thể nhất thời tìm mọi cách làm sao xóa bỏ tiêu diệt Thánh gía biểu tượng đức tin của đạo Công Giáo ra khỏi một nơi chốn địa lý nào đó. Nhưng đức tin vào Thánh Gía vẫn luôn khắc ghi sâu đậm trong trái tim tâm hồn người Công Giáo.

Trong ngục tù từ năm 1975 đến 1988 đức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn văn Thuận không được phép mang đeo Thánh Gía, nhưng Đức Cha đã hằng ngày nói về Thánh Gía với mọi người bạn cùng bị tù chung, và ngài còn dùng cây gỗ, dùng hộp ống lon sữa guigoz khắc chạm làm cây Thánh Gía đeo trên người.

Đức quốc, ngày 24.01.2010
Radio VN Hải Ngoại Âu châu