Sonntag, 31. Januar 2010

Phật Giáo và Việt Cộng - Trước cảnh dậu đổ bìm leo

Nói rằng, trong vòng 50 năm qua, các nhà sư Phật giáo miền Nam theo Việt Cộng là sai. Nói rằng, Phật giáo Việt Nam chống Cộng thì cũng chẳng đúng. Nhưng nếu nói rằng, trong suốt thời kỳ chiến tranh Việt Nam và giai đoạn mấy năm đầu, sau 1975, nhiều nhà sư Phật giáo chưa hiểu bản chất thật sự của Cộng Sản như thế nào nên trong nhiều trường hợp đã bị “thua lận” Việt Cộng hay bị VC đánh lừa để lợi dụng, có lẽ đúng hay đúng được phần nào.
Về mặt lý thuyết, toàn bộ lý thuyết Tư Bản Luận và đấu tranh giai cấp của Karl Marx, Engels chưa qua khỏi ngưởng cửa Nhị Đế trong lý thuyết căn bản Tứ Diệu Đế của đạo Phật. Thêm vào đó, chủ nghĩa CS phủ nhận tôn giáo thì làm sao Phật giáo “đồng hành” với CSVN được.

Hơn thế nữa, về mặt tổ chức, đảng Cộng Sản là một tổ chức chính trị và bạo lực. Họ xem việc đấu tranh, triệt hạ, tiêu diệt đối thủ bất chấp tình người và máu lệ, là con đường chính để nắm quyền lực dưới danh nghĩa “giải phóng con người” bị đau khổ và áp bức. Trong lúc đó, đạo Phật là một nguồn suối tâm linh, chủ trương đem từ bi, trí tuệ để giải phóng con người ra khỏi sự đau khổ của ngu dốt (vô minh) và làm bậy (vọng động).

Về lý thuyết cũng như về tổ chức, đạo Phật cũng như các tôn giáo chân chính khác phải đứng ngoài và đứng trên quyền lực chính trị, nhất là nền chính trị chuyên chính và bao lực kiểu CS thì lại càng phải tránh xa hơn. Nếu chẳng đặng đừng cần giúp đời cứu nước như thời đại Phật giáo Lý Trần, thì Phật giáo chỉ nên làm cố vấn cho thế lực cầm quyền biết nương theo đường Chánh Đạo để trị dân, giúp dân giàu nước mạnh.

Tiếc thay, trong hoàn cảnh Việt Nam cân đại, các nhà sư Phật giáo thay vì làm cố vấn cho chính trị thì đã bị chính trị lôi cuốn nên nhiều trường hợp đã vô tình và vô tâm đem Phật giáo làm công cụ cho chính trị. Trong trường hợp như thế, nếu quần chúng Phật tử đặt tín tâm không đúng chỗ, nhất nhất một dạ tin kính theo Thầy thì khó tránh khỏi hậu quả bị cuốn vào bàn tay vấy bẩn của chính trị.

Có chăng Phật giáo Việt Nam đã bị chính trị nhập nhằng đẩy và kéo từ sau cuộc đảo chánh nhà Ngô cho đến hiện tại (năm 2010).

Phải khách quan và công bằng để nhận định rằng, cuộc tranh đấu Phật giáo đòi quyền tự do bình đẳng tôn giáo là một cuộc đấu tranh có chính nghĩa hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên đã thắng về mặt cơ bản. Lẽ ra, khi đối tượng gây áp bức, bất công không còn nữa, Phật giáo và các nhà sư Phật giáo phải trở lại cương vị tu hành, hóa đạo cứu đời của mình thì mới đúng theo con đường Bát Chánh Đạo của nhà Phật. Thế nhưng vì cớ gì mà một số các nhà sư Phật giáo vẫn tiếp tục lôi kéo quần chúng Phật tử phải xa chùa nhập thế, đòi hỏi những điều không thuộc vai trò và trách nhiệm của Phật giáo. Nếu Thượng tọa Thích Trí Quang và các nhà lãnh đạo Phật giáo thời kỳ 1960 muốn vận động cho một chính quyền dân sự lành mạnh ở miền Nam chẳng hạn thì các Thầy đã sử dụng sai phương tiện. Hậu quả trực tiếp cho sự dính mắc giữa tôn giáo và chính trị đã dẫn đến tình trạng Phật giáo bị xâm lấn nội bộ, bị phân hóa và ngộ nhận thường xuyên trong cũng như ngoài nước.

Cho nên chuyện “dậu đổ bìm leo” như hôm nay là điều không tránh được.

Lãnh đạo là con đường thống lãnh quyền hành và nhận lãnh trách nhiệm. Lãnh đạo tích cực không phải sẵn sàng để biện minh và bào chữa mà sẵn sàng nhận lỗi và sửa đổi. Đạo Phật Nhật Bản được toàn dân kính trọng và góp phần xây dựng nước Nhật hùng cường vì các thiền sư Nhật Bản phần lớn mang tinh thần Võ Sĩ Đạo nên rất thẳng thắn và sẵn sàng nhận trách nhiệm khi có những vấn đề xảy ra trước những thắc mắc chính đáng.

Để dẫn chứng cụ thể về tình trạng dậu đổ bìm leo nói trên và phản ứng lãnh đạo, xin mời người đọc theo dõi Thông Cáo mới nhất của GHPGVNTN – VP2VHĐ vừa mới công bố. Xin trích dẫn nguyên văn đoạn đầu tóm tắt nội dung như sau:

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 18.1.2010
Thông tư của Viện Hoá Đạo về các bài viết trên Mạng vu cáo hàng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
PARIS, ngày 18.1.2010 (PTTPGQT) - Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế vừa nhận được bản Thông tư về hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) do Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống kiêm Viện trưởng Viện Hoá Đạo, ký ngày 17.1.2010 để phổ biến.
Đây là hiện trạng đau lòng trên hai phương diện mạ lỵ và văn hoá ứng xử lễ nghi của người Việt. Trong nước thì chế độ Cộng sản chẳng phân biệt tuổi tác, tước vị tôn giáo gọi xách mé chư Tăng bằng thế danh, anh, tên, thằng, y, hắn…, thì nay ở hải ngoại những người tự gọi là Chống Cộng nhưng khi đề cập tới các nhà tôn giáo họ vẫn bắt chước người Cộng sản để mi mày tao tớ với bất cứ ai...

Và nguyên văn Thông tư mới nhất của Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ mở đầu như sau:

THÔNG TƯ
Kính gửi chư Tôn đức Tăng Ni và Đồng bào Phật tử
về hiện trạng vu khống, chụp mũ hàng Giáo phẩm GHPGVNTN lưu hành trên Mạng và các cơ quan truyền thông
Trong thời gian qua lưu hành trên một số mạng Internet, cơ quan truyền thông, báo chí, những bài viết vu khống, mạ lỵ, chụp mũ hàng Giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) bằng những lời lẽ thiếu văn hoá. Đặc biệt với những bậc Cao tăng thạc đức đã viên tịch và từng giữ chức vụ lãnh đạo Giáo hội, mà đứng trên lập trường dân tộc và Phật giáo các Ngài chưa hề có hành xử, lời nói, văn viết làm hại đến văn hiến nước nhà hay quyền lợi dân tộc.
Trường hợp mà Ban Chỉ đạo Viện Hoá Đạo muốn nói rõ là những vu cáo đối với đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết và đức Đệ Tam Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Đôn Hậu.
Vì vậy, qua Thông tư hôm nay Viện Hoá Đạo minh định công đức hai Ngài đối với Phật giáo và dân tộc, đồng thời xác định sự sai trái của những bài viết vu cáo hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc vì cố tâm gièm pha Phật giáo cho những mưu đồ phi dân tộc.
Đức Đệ nhất Tăng thống, cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết, truyền thừa sự lãnh đạo Phật giáo có từ thời Đinh cách nay mười thế kỷ. Ngài là vị Tăng thống thứ nhất thời cận và hiện đại nối tiếp giai phẩm khởi sự từ thời đại Việt Nam minh định chủ quyền dân tộc sau mười thế kỷ bị Bắc phương uy hiếp. Thế mà nay lại có số người vừa xúc phạm Phật giáo vừa vu cáo cá nhân Ngài khi loan truyền lời điêu ngoa, thất thiệt Ngài là “Việt Cộng”...

Bất cứ một người Phật tử bình thường nào cũng phải đau lòng và rát mặt trước cảnh “DẬU ĐỔ BÌM LEO” nầy.

Người xưa có nói rằng, muốn trách điều gì thì hãy trách mình trước, trách người sau. Muốn trách mình trước xin quý Thầy, Sư Cô và Phật tử phải tĩnh tâm, tĩnh trí, lấy lòng từ bi và trí tuệ để xét lại chính mình và tự hỏi TẠI SAO?

Tại sao sau một cuộc đấu tranh Phật Giáo đầy hy sinh và uy dũng đem đến thắng lợi năm 1963, ngay sau đó, giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập trong sự hân hoan của mọi Phật tử sau hơn 50 năm mơ ước, nhưng chỉ sau mấy tháng GHPGVNTN đã chia rẽ, phân hóa thành Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự?

Tại sao quý thầy lãnh đạo Phật giáo đương thời không lo chấn hưng Đạo Pháp, đào tạo tăng tài, hóa đạo giúp đời theo tinh thần của hiến chương GHPGVNTN sau năm 1963 mà phải dấn thân vào những hoạt động chống báng những thế lực quân sự cầm quyền đang nằm trong tay của Mỹ; trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt giữa đôi bên. Tại sao các thầy cần đứng ra chỉ đạo Phật tử phải vận động bầu bán cho các ông bà dân biểu, nghị sĩ nầy nọ là đã hạ thấp uy tín đạo Phật xuống ngang tầm với những đảng phái, thế lực chính trị thế quyền, đầy thủ đoạn bon chen thời bấy giờ?

Tại sao quý Thầy và cư sĩ trụ cột trong giáo hội PGVNTN như HT Thích Trí Thủ, HT Thích Thiện Siêu, Cư sĩ Võ Đình Cường lại đứng vào BAN VẬN ĐỘNG và sau đó tham gia vào cơ cấu tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước CS Việt Nam dựng lên và độc quyền chỉ đạo?

Tại sao trong khi GHPGVNTN đang bị đàn áp ở quê nhà, Văn Phòng 2 VHĐ được thành lập tại Hoa Kỳ, quy tụ hầu hết chư tăng ni ở hải ngoại; bỗng nhiên, nửa chừng lại có GIÁO CHỈ SỐ 9 loại bỏ những tăng ni đã suốt đời gắn bó với phong trào Phật giáo ra khỏi GHPGVNTN; giải tán Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã sinh hoạt sống chết với Đạo Pháp gần nửa thế kỷ qua; giải tán Tổng hội Cư Sĩ gồm những Phật tử có tín tâm kiên cố với Phật giáo suốt đời mình? Ai là thủ phạm của một “quyết định hành chính” nghịch lý, nghịch đạo, thất nhân tâm, lạm danh quý Thầy lãnh đạo giáo hội, trong lúc Đạo Pháp trong và ngoài nước còn nghiêng ngữa như thế?

Tại sao Giáo hội PGVNTN văn phòng 2 Viện Hóa Đạo “Hậu Giáo Chỉ số 9” lại CẦN PHẢI quy tụ một lực lượng nhân sự giới hạn, gồm những Tăng Ni và Cư Sĩ chưa hẳn đã có nhiều phẩm hạnh cao hơn những vị bị loại ra khỏi tổ chức GHPGVNTN như thế? Tinh thần từ bi, trí tuệ, giải thoát, dân chủ của Phật giáo ở đâu khi việc loại bỏ và bố trí nhân sự của một tổ chức tôn giáo đang có mặt trên toàn thế giới, chỉ thông qua một quyết định đơn phương bằng Chỉ thị (Giáo chỉ?!) từ trong nước (?!) gởi ra bắt mọi người phải theo; ai không theo là mang tội “bất khâm tuân giáo chỉ”? Rõ ràng, chư tôn trong nước làm sao hiểu rõ tình hình tăng ni ở nước ngoài để đưa ra một cuộc “thanh trừng và đảo chánh” GHPGVNTN tại hải ngoại đáng kinh ngạc như vậy. Động cơ phá hoại và gây chia rẽ Phật giáo như thế là gì và nguyên nhân bắt nguồn từ đâu?

Tại sao trong một tình hình Phật giáo có đủ người, đủ phương tiện giao thông vận tải, đủ quyền tự do dân chủ ở Hải Ngoại mà lại không có một Đại Hội Phật Giáo minh bạch được tổ chức có quy mô xứng đáng để quyết định một việc trọng đại như thế? Chống độc tài áp bức, vận động tự do dân chủ, chống âm mưu bá quyền xâm lược Trung quốc là một chính nghĩa của toàn thể dân tộc Việt Nam. Phật giáo tham gia vào chính nghĩa chống cộng nhất thiết phải được đặt ra đường đường chính chính bằng một tinh thần Hội Nghị Diên Hồng. Ai là người chịu trách nhiệm về một tình trạng “dậu đổ bìm leo” đưa đến cảnh phân hoá của Phật giáo như hiện nay?

Thông thường, muốn giải quyết vấn đề, cần phải nắm vững và hiểu rõ vấn đề trước đã.

Hiện nay, Phật giáo trong nước, thông qua giáo hội PGVN do Nhà Nước CSVN khống chế hoàn toàn. Mọi sinh hoạt của Phật giáo đều do cán bộ và công an nhà nước lồng vào trực tiếp hay gián tiếp điều khiển, chỉ đạo.

Về mặt nổi, đã có nhiều công trình xây dựng, tu bổ chùa chiền và sinh hoạt Phật giáo được tổ chức rầm rộ khắp nước, nhưng tựu trung là một hình thức “Phật giáo Vesak” mà như thầy Lê Mạnh Thát đã nhận định “Đó là chương trình sinh hoạt đạo Phật của Nhà Nước, chẳng liên quan gì đến Phật giáo Việt Nam thuần túy và chân chính cả”.

Đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu thực tế, kết luận sơ khởi đưa ra rằng: rất may mắn cho tiền đồ Phật giáo Việt Nam vì hầu hết các vị chân tu ở trong nước , với tinh thần “hoà nhi bất đồng”, đã thấy và phân định rõ ràng những gì là PHẬT GIÁO chính thống và những gì là PHI PHẬT GIÁO do chính quyền CSVN áp đặt và dựng lên, “tuỳ duyên bất biến” để ứng xử mà hành đạo.

Ở ngoài nước, tình trạng chia rẽ và phân hoá giữa các “giáo hội” và nhóm phái Phật giáo đã tới hồi đỉnh điểm. Hiện nay, kể cả châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và Canada đang có tới 18 (mười tám) tổ chức Phật giáo dưới danh nghĩa pháp môn, giáo phái, giáo hội đang sinh hoạt. Trong khi những kinh sách, băng dĩa do các thầy, cô thuyết giảng về Tánh Không, Vô Ngã, Phá Chấp… phát hành miễn phí khắp các chùa không có chỗ để, thì trên thực tế quý tăng ni có trách nhiệm đang làm ngược lại. Sự vắng bóng tăng đoàn, khuynh hướng làm trụ trì “nhất sư, nhất tự”, sự chia ngôi, phân cấp trong nhà chùa; sự cầu danh, vị lợi ngoài xã hội; sự tôn sùng hình tướng phàm trần, thường xuyên kêu gọi Phật tử đóng góp tiền bạc vật chất nhiều hơn kêu gọi tu học đang trở thành một sinh hoạt “nóng bỏng” của đa số chư tăng ni ở hải ngoại. Hiện tượng nầy đang tạo ra nguy cơ thoái trào của đạo Phật Việt Nam tại hải ngoại khi thế hệ già nhường gia tài Đạo Pháp lại cho thế hệ trẻ trong một tương lai không xa.

Nhưng tình trạng đau lòng của Phật giáo hiện nay chẳng phải là con số mà tinh thần chia rẽ. Tại nước Mỹ, hiện đang có tới 97 giáo phái Tin Lành với 200 nghìn nhà thờ và nơi phụng tự khác nhau. Họ tôn trọng nhau và không có hiện tương đả kích phê phán nhau. Khi cần tiếng nói chung, vẫn có tổ chức Hiệp Hội Thống Nhất Tín Hữu đại diện. Nhưng Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại hiện nay thì mạnh ai nấy lập giáo hội, mạnh ai nấy xây chùa, mạnh ai nấy phát biểu, tự do đả kích nhau, vắng bóng tiếng nói của một GIÁO QUYỀN đại biểu, khoan nói tới Thống Nhất hay Liên Kết làm gì cho xa xôi!

MỘT LỜI THỈNH NGUYỆN

Nguyện vọng cuối cùng, đơn giản nhất mà cũng là to lớn nhất của Phật tử Việt Nam là thỉnh cầu chư Tăng Ni nhìn nhau cho rõ, nhân danh lòng từ bi, trí tuệ và hỷ xả để ngồi lại với nhau.

Hãy khoan nói đến những vấn đề trọng đại như chấn hưng, hiện đại hoá Phật giáo mà cần đặt lại CÁCH NHÌN và CÁCH NGHĨ ứng hợp với thời đại: Nếu một xã hội đời thường lành mạnh cần đến sự dung hợp Đa Nguyên, Đa Đảng thì một đạo Phật Hiện Đại cần một sự hóa giải Đa Lưu, Đa Chi. Nghĩa là dung hợp được nhiều môn phái, nhiều tổ chức, nhiều khuynh hướng lại với nhau trong tinh thần tương kính và lục hòa.

Phật tử trong thời đại này, một khi còn tín tâm chưa thối chuyển với đạo Phật thì thảy đều tôn kính chư tăng ni và quý mến hàng cư sĩ. Tuy nhiên, với phương tiện truyền thông đại chúng càng ngày càng phát triển vượt bậc, người Phật tử có đạo tâm kính Phật trọng tăng càng ngày càng “có điều kiện”. Nghĩa là Phật tử sẽ không mù quáng kính ngưỡng và lễ bái Tam Bảo chỉ vì hình tướng hay vì những danh xưng tước vị bên ngoài.

Tinh thần phá chấp của đạo Phật thường được thể hiện cao nhất trong và sau những thời kỳ kết tập khi chư tăng ni ngồi lại với nhau thể hiện lý tưởng “tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tu”. Xín quý Thầy, quý Sư Cô, quý Cư Sĩ trong hết thảy các tổ chức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại bắt tay vào một cuộc HÒA GIẢI PHẬT GIÁO VIỆT NAM như là một điều kiện tiên quyết cho bất cứ một dự án nào xa hơn. Giáo hội PGVNTN Văn Phòng 2-VHĐ đang ở trong một vị thế tương đối thuận lợi nhất cho vai trò tiền phong Hòa Giải nầy.

Khi chư Tăng Ni là những trưởng tử của đức Như Lai hòa hợp, nghĩa là khi bức tường thành Phật giáo vững vàng với sức mạnh đại hùng, đại lực, đại từ bi, thì dẫu bìm có muốn leo cũng không có nơi để bám hay có bám được cũng sẽ bị sức mạnh tổng hợp của Phật tử bốn phương bứt sạch.

NGUYÊN THỌ NHƯ HÒA