Montag, 18. Januar 2010

Tết trên vạn nẻo đường đất nước qua các thời đại

Mường Giang
Theo sử liệu thì Họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang vào năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch) nhưng nền độc lập đã bị gián đoạn gần 10 thế kỷ vì sự đô hộ của giặc Tàu. Trong giai đoạn tối tăm ô nhục này, Hán tặc dùng muôn ngàn thủ đoạn đê tiện tàn khốc để đồng hóa dân ta nhưng đã thất bại, tuy có gây được ít nhiều ảnh hưởng về văn hóa tín ngưỡng, vì sự chung đụng lâu dài của hai dân tộc.

Năm 939 sau Tây lịch (STL), Ngô Vương Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng thu hồi lại nền độc lập cho quốc gia, mở đầu nền tự chủ tự cường cho dân tộc. Cũng từ đó tổ tiên ta bao đời đã cố gắng sàn lọc lại những ảnh hưởng của ngoại bang, tiêu hũy các hủ tục, chấp nhận những thuần phong mỹ tục của ngưòi. Tất cả được pha trộn thành tinh hoa của ta, tạo thành nếp sống đặc trưng đặc thù của dân tộc Việt. Trong các cổ tục còn truyền lại tới ngày nay, tết Nguyên Ðán là một biểu tượng phong phú toàn vẹn và ý nghĩa nhất, đã thu hút mọi người mọi giới quên hết để lo cho tết mà thôi, nên “tết đến sau lưng, ông vải thì mừng con cháu lại lo“.

1- Ngày Tết Nguyên Đán

Ngay từ thời Hồng Bàng dù còn sống lạc hậu nhưng tổ tiên đã biết ăn tết. Căn cứ vào các công trình khai quật tại Ðông Sơn, mà biểu tượng là trống đồng có chạm trổ trên mặt hình vẽ ngày hội tết với bông lau. Từ đó có thể suy ra, dân ta ăn tết thời đó vào mùa thu vì bông lau chỉ trổ vào mùa này mà thôi. Ngoài ra theo sách Việt sử đại toàn, có ghi các sự tích về bánh chưng, bánh dầy, trầu cau, dưa hấu đỏ.. đã có từ thời Hùng vương thứ 6.

Còn tết Nguyên Ðán ngày nay đã được du nhập vào nước ta từ thời bắc thuộc. Ăn tết Nguyên Ðán là ăn mừng ngày đầu năm, vào ngày mùng một tháng Giêng và tết bắt đầu vào giờ Ty (giữa khoảng 23 giờ năm cũ đến 1 giờ sáng năm mới). Thời khắc này gọi là Giao Thừa, đêm 30 tháng Chạp là đêm Trừ Tịch.

Bên Tàu, nhà Hạ (2205-1766 tr TL) vì thích màu đen, nên chọn tháng Dần là tháng Giêng để ăn tết. Nhà Thương (1766-1122 tr TL) thích màu trắng, nên ăn tết vào tháng Chạp). Nhà Châu (1122-252 tr TL) ưa màu đỏ, nên chọn tháng Tý là tháng 11 ăn tết Nguyên Ðán. Ðời Ðông Châu Liệt Quốc, các nước ăn tết theo quan niệm của Khổng Tử, chọn tháng Giêng như nhà Hạ. Khi Tần Thỉ Hoàng thống nhất Trung Hoa (256-206 tr TL) lại lựa tháng Hợi tức là tháng Mười ăn tết. Cuối cùng nhà Hán (206 trTL ố 221 sau TL) chọn tháng Giêng làm ngày đầu năm và truyền thống này kéo dài tới ngày nay vẫn không thay đổi.

Tóm lại tết Nguyên Ðán dù theo ta hay Tàu, cũng đều giống nhau ở các nghi thức ‘ tống cựu nghênh tân ‘ gồm có lễ tiển Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp, lễ rước tổ tiên ông bà quá cố ngày 30 tháng Chạp, lễ phong tĩnh (đóng giếng), tảo địa (quét dọn nhà cửa trước giao thừa), mừng tuổi, phạm môn (Tống Cựu). Còn nghi thức Nghênh Tân quan trọng nhất là cúng Giao Thừa, mở rộng nhà cửa để bái thiên địa, cúng gia đường, táo quân, tục lì xì, mừng tuổi..

Bên cạnh những phong tục tập quán du nhập từ Tàu, người Việt cũng có nhiều tập tục đặc thù dân tộc nổi tiếng được lưu truyền đến ngày nay như tục cướp đầu pháo của đồng bào thiểu số miền thượng du Bắc Việt và một vài bộ tộc tại cao nguyên Trung Phần. Dãy mã vào những ngày sắp tềt và viếng mộ đầu xuân. Tục cướp cầu ở Yên Xá (Bắc Ninh), thi thơ đầu xuân, tổ chức các phiên chợ đặc biệt tại các vùng mạn ngược, miền xuôi cũng như thành thị. Tục ném cầu và phóng sinh ở Thanh Hóa, tục đánh nhau ngày tết, hát Quan Họ, Trống Quân khắp đất Bắc. Hát Bài Chòi tại Bình Ðịnh, Phú Yên. Ðánh du tại Nam Phần.

Tất cả những trò chơi ngày tết của người Việt đều mang tính phổ quát, bình dân với nội dung lành mạnh, tạo niềm vui chung cho mọi người, sau một năm làm việc cục nhọc vất vã. Do đó có nhiều nhà phong tục học quốc tế, khi được chứng kiến hay nghiên cứu về phong tục tập quán của ta đã kết luận “Tết của người Việt Nam phong phú, thực tế và vui vẽ hơn tết Tàu và Âu Mỹ“.

2- Tết Việt Nam từ Hồng Bàng đến 1945

+ Thời Thượng Cổ: Ngay từ thời Hồng Bàng mới bắt đầu dựng nước, người Việt dù còn lạc hậu nhưng tổ tiên ta cũng đã biết ăn Tết. Thật vậy, qua một mùa đông rét mướt lạnh lẽo, mùa xuân bổng trở về rực rỡ với cảnh hoa đồng cỏ nội sặc sỡ, trong ánh nắng nồng ấm lung linh. Tinh thần của con người dù là người thượng cổ còn hồn nhiên chất phác nhưng họ vẫn thấy sinh tình, trước sự kích thích của vũ trụ bao la mang đến cho con người, nguồn sinh lực dồi dào đầy hy vọng.

Trai gái trước cảnh xuân nồng thắm, cũng đã biết tìm đến nhau trên khắp các nẽo đường quê hương đất nước, phát sinh ra những trò chơi mộc mạc như đánh vòng, tung cầu hay họp nhau hát hò đối đáp, dẫn đến câu chuyện ‘ Trầu Cau ‘ là đầu mối của hôn nhân giữa nam nữ thanh niên. Ngoài ra còn có sự tích bánh chưng, bánh dầy, quả dưa đỏ .. phát xuất từ thời vua Hùng thứ 6.. đã không theo truyền thống Nho giáo ‘ truyền ngôi cho con trưởng ‘ mà lại truyền cho hoàng tử thứ 18, đã nói lên tính đặc thù của dân tộc Việt, chỉ coi trọng tài năng và đạo dức, mà không quá chú trọng tới những lễ giáo rườm rà như người Tàu.

+ Tết Thời Lý-Trần: Sau khi đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng, Ngô Vương Quyền, đã cởi bỏ ách nô lệ cho dân tộc sau 10 thế kỷ bị Bắc thuộc vào năm 939 sau TL, mở đầu cho thời đại tự chủ tự cường của Ðại Việt.

Từ thời Lý-Trần, ngưởi Việt đã tiến bộ nhờ ảnh hưởng của tam giáo. Nhiều phong tục tập quán thuần khiết được tận dụng. Ngoài những năm chinh chiến chống giặc Tàu (Tống, Nguyên) và nội loạn, thòi gian còn lại dân chúng an cư lạc nghiệp, đất nước thanh bình.

Ngày tết bắt đầu từ 30 tháng Chạp, dân được phép đốt pháo thời đó là những ống lệnh chứa thuốc nổ có ngòi, chứ không phải loại pháo có ngòi làm bằng giấy bọc thuốc như ngày nay. Pháo được đốt khắp nơi, từ ngoài cổng làng cổng nhà hay đình chùa. Dân chúng giết gà vịt lợn, vật trâu dê cúng tạ Trời Phật, ông bà, cha mẹ quá cố liên tiếp trong ba ngày tết.

Ngày mùng năm tết, nhà vua cho làm tiệc khai hạ rồi cùng văn võ bá quan yến tiệc vui vẽ. Mọi người trong nhà đều đi lễ chùa và du ngoạn. Ngoài ra khắp nơi đều có sân khấu lộ thiên, để các phường chèo đến hát giúp vui cho dân chúng trong mấy ngày tết. Tại các nơi công cộng còn có các trò chơi lý thú như đánh vật, chọi gà, đá cầu.

Trong mục đích khuyến nông, tập tục nhà vua đánh vào trâu đất trong ngày lập xuân, được lưu truyền cho tới thời vua Bảo Ðại nhà Nguyễn mới dứt. Theo ‘ An Nam tạp chí ‘ của Lê Tắc thời Trần viết ‘ mỗi năm vào mùng ba tết, các vua Trần ngự ra gác Ðại Hùng, để xem các hoàng tử, hoàng thân thi đá cầu. Riêng các quan thì chơi đánh cầu bằng tay có khi cởi ngựa. Ðá cầu là môn thể thao thịnh hành trong những ngày tết vào dịp đó, phổ biến từ giai cấp quý tộc cho tới giới bình dân cả nước.

Theo Ðại Việt Sử Ký toàn thư củaNgô Sĩ Liên , một bộ sử cũ nhất của nước ta còn lưu lại tới ngày nay, thì trai gái Ðại Việt trong ba ngày tết , bắt đầu chơi đánh đu từ năm 1365, là niên lịch ghi rõ ranh giới VN thời đó, đã tới Hóa Châu (Thừa Thiên) và nam nữ địa phương này lại là những người sành sõi môn chơi trên. Sách Hồng Ðức Quốc Âm thi tập, xuất bản vào thế kỷ XV có in một bài thơ chữ Hán, vịnh cảnh trai gái đánh đu thời Trần:

“Bốn cột lang nha ngắm để trông
Ả thì đánh cái, ả còn ngong
Tề Thiên hậu thổ khom khom lật
Van vái hoàng thiên ngữa ngữa lòng
Tám bức hồng quần bay phất phới
Hai hàng chân ngọc duỗi song song
Chơi xuân hết tết xuân đường ấy
Nhổ cọc đem về để lỗ không!"

+ Tết thời Vua Lê Chúa Trịnh: Nhà Hậu Lê đã suy tàn từ thế kỷ XVI, rốt cục bị Mạc Ðăng Dung cướp ngôi vua, gây nên cuộc chiến tương tàn khiến dân chúng lầm thán khổ sở kéo dài hơn 300 năm mới dứt. Quyền hành trong nước lúc đó do hai họ Trịnh (miền bắc) và Nguyễn (phương Nam) nắm giữ, lấy sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới, vua Lê chỉ còn bù nhìn. Do đó những lễ tết thời này có phần khác biệt, so với đời Hậu Lý và Trần là hai thời kỳ toàn thịnh nhất của Ðại Việt, nhờ các vị vua anh minh biết chọn đạo Phật làm quốc giáo.

+ Lễ tết trong cung vua và phủ chúa: Trước tết tình hình trong cung vua và phủ chúa rộn rịp hẳn lên, nào là lo tổ chức ‘ lễ tiến xuân ngưu (tiến trâu đất vào tiết lập xuân), một tập tục có từ lâu đời với mục đích khuyến nông. Các nghi thức về tết Nguyên Ðán được sửa soạn từ cuối tháng Chạp. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí vào ngày hai nhăm tháng Chạp, triều đình đã làm lễ phong kín các ấn tín đem cất vào kho và sẽ sử dụng lại sau tết. Tất cả các quan viên lớn nhỏ đều được nghỉ phép 10 ngày để vui chơi.

Ngày đầu năm bá quan văn vỏ vào điện để chào mừng vua tại điện Kinh Thiên. Dẫn đầu bách quan là thái tử của chúa Trịnh cũng là quan tiết chế, sau đó mới sang phủ chúa Trịnh chúc mừng và được ban tiền thưởng từ hàng nhất phẩm cho tới cửu phẩm. Sau rốt tất cả kéo sang phủ quan tiết chế (thái tử chúa Trịnh) chúc mừng lần nữa mới giải tán.

Trong ba ngày xuân còn có lễ tế Giao có nguồn gốc từ thời Hậu Lý để cúng tế đất trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, trăm họ vui vẽ yên ổn làm ăn. Vào thời này, đàn Nam Giao đã được thiết lập tại Thăng Long (Hà Nội). Trong ngày lễ chính vua Lê là chánh tế, còn cha con chúa Trịnh là bồi tế. Nghi lễ này chỉ thay đổi vào những năm vua Lê có tang chế.

- Tết ngoài dân gian: Theo tập bút ký ‘ Recueil de Plusieur Relations et Traité Singulier et Curieux ‘ của nhà du hành người Hòa Lan Tavernier , diễn tả việc người dân đàng ngoài ăn tết như sau “ Trước tết ba ngày người dân ở xa kinh đô Thăng Long và các thành thị khác lo trang hoàng nhà cửa, sửa soạn bàn thờ tỗ tiên ông bà, có bày nhiều bài vị viết tên người quá cố. Tại kinh đô có hơn 40.000 binh sĩ và quan lại tấp nập vui tết. Trong cung, vua Lê cũng bày nhiều bàn thờ bài vị để cúng tế tổ tiên tiền triều.

Trong lúc nhà vua làm lễ trước bàn thờ thì súng lớn súng nhỏ được lệnh khai hỏa thay pháo để mừng xuân mới. Cúng tế xong vua cho đốt vàng mã tiền giấy luôn cả bàn thờ dùng để tế lễ. Riêng nhà của dân chúng đều dùng vôi vẽ những hình bát quái trên các cánh cửa và vách tường, với mục đích trừ ma diệt quỹ. Tục xem chân gà và đoán họa phúc cùng với sự kiêng cữ xuất hành đầu năm, được bắt nguồn từ đó“.

Theo ‘Gia Ðịnh Thành Thông Chí‘ của Trịnh Hoài Ðức, thì tập tục đánh đu có từ thời nhà Trần. Sau đó theo chân Chúa Nguyễn vào tận Nam Hà từ đầu thế kỷ XIX. Thời gian này người Việt đã vào khai khẩn tại vùng đất mới Thủy Chân Lạp đã chơi đánh đu. Cách chơi này gồm 4 loại : đu tiên, đu thang, đu giăng xoay và đu rút. Cũng trong thời gian này, người Việt đã sáng tạo ra một thú vui ngày tết hết sức thanh nhã, đó là ‘Hát Trống Quân‘ rất được phổ quát nơi công cộng như tế lễ, đình đám ngày xuân.

Xuất xứ về hát trống quân và chiếc trống cơm, theo Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Bưu Văn Phan Kế Bính, Vũ Ngọc Phan, Maspéra.. đều có chung quan điểm về nguồn gốc lịch sử của thú tiêu khiển trên, được xuất phát từ tinh thần chiến đấu hào hùng cũng như trọng võ của dân tộc Việt. “…Tống quân Nam Phố, thượng như chi hạ“ có nghĩa là tiển người lên đường về Nam chinh chiến, lòng thiếp đau đớn đến thế nào có ai hiểu thấu?

+ Tết Nguyên Ðán Và Cuộc Du Xuân Hằng Năm Dưới Triều Nguyễn: Trước tết một tháng, trong cung nội tổ chức lễ Ban Sóc (phân phối lịch mới cho các quan) và lễ Phát Thức (các quan đại thần lau chùi ấn tín và kinh sách của vua). Ngày 30 tháng Chạp , bộ Lễ cử người mang phẩm vật đến cúng tại lăng miếu, còn các hoàng thân tôn tước tới các đình chùa làm lễ. Sau đó nêu được dựng tại các công sở và đình chùa.

Ðại triều được thiết lập tại điện Thái Hòa rất trang trọng với cờ lọng, nghi tượng, lính nhạc và voi ngựa dàn hầu, từ ngoài cầu Kim Thủy vào tận sân chầu. Trước hết vua ngự ra điện Cần Chánh, đội mũ cửu long mặc áo hoàng bào cầm hốt, được xe giá rước ra điện Thái Hòa, giữa tiếng chiêng trống và 9 phát đại bác chào mừng.

Sau đó các hoàng tử và bá quan vào điện lạy vua với lời chúc tết, được vua ban yến và tiền thưởng năm mới. Ngày mùng một tết vua thiết đại yến đãi các quan văn vỏ từ hàng tứ phẩm trở lên cùng với hoàng tử, hoàng hậu hoàng thân quốc thích.. tại điện Cần Giờ và hai dinh Tả Hữu Vụ. Mùng 2 tết, vua và hoàng hậu cùng các quan đại thần đến cúng bái tại điện Phụng Thiên, sau đó ban yến cho các quan văn vỏ từ ngủ phẩm trở xuống tại dinh Thừa Thiên Phủ Doãn.

Tết Nguyên Ðán kéo dài 7 ngày, các hoàng thân hoàng tử được thưởng 20 lạng bạc ăn tết, còn các quan văn vỏ tùy theo phẩm trật được lãnh từ 1 tới 12 lạng bạc. Thật ra tục du xuân của các vị vua Ðại Việt, dã có từ thời nhà Hậu Lê nhưng bị gián đoạn vào các vị vua đầu nhà Nguyễn, tới vua Ðồng Khánh mới tổ chức lại. Trong dịp du xuân, ngoài vua hoàng hậu công chúa, hoàng thân quốc thích cùng các quan đại thần đều được tham dự cuộc du xuân bằng thuyền rồng trên sông Hương. Thuyền được trang hoàng rực rỡ khởi hành từ cửa Thượng Tứ trên sông Hương, ngang qua các đền đài lăng tẩm của tiên vương triều Nguyễn, chạy song song với Hương giang. Cuộc du hành xuân kéo dài trong 3 ngày, ngoài ngự thuyền rồng trên sông Hương, còn du hành bằng kiệu khắp kinh thành Huế vừa thưởng ngoạn và thăm dân ăn tết.

3 - Tết Việt Nam hiện tại

+ Tại Hà Nội (Thăng Long): Là thủ đô của VN qua nhiều triều đại, là đất ngàn năm vạn hiến có 36 phố phường và dân số đông nhất đất Bắc, nên những ngày tết ở đây thật độc đáo và vui nhộn. Khu vực buôn bán thường tập trung ở phía bắc hồ Gươm và phố Tàu.

Người Hà Nội lo tết từ tháng 11 âm lịch , chuẩn bị các loại gạo nếp cùng các thứ đậu, để gói bánh nấu chè, các loại đồ khô nhất là măng, miến, nấm và nhiều nhà còn nuôi gà vịt để cúng trong ba ngày tết. Ðến tháng Chạp bắt đầu làm các món đặc biệt như dưa hành, trứng muối cải bắp thảo là món rất được ưa thích vì chất bùi béo của quả trứng được muối sau 20 ngày, biến thành màu nâu đen sẩm có mùi thơm ngon lạ lùng.

Kế đó là làm mứt hạt sen, lạc gừng, Phật thủ, quất, dừa, bí… các loại bánh, chè lam, bánh vê và huê cầu.. là những đặc sản trên bắc, xuất phát từ hai làng Vê và Xuân Cầu. Ðặc biệt của Hà Nội là 36 phố phường, mỗi phố bán một loại hàng chẳng hạn như phố Hàng Ðào, bán tơ lụa vải vóc quần áo và nơi này thật nhộn nhịp vì hầu hết mọi người phải mua quần áo vải vóc dùng trong dịp tết.

Còn Hàng Ngang bán các loại trà. Hàng Bồ tranh tết và là nơi các cụ đồ nho bán chữ Thánh Hiền như viết câu đối hoặc các bức liễn bằng chử Hán như Vũ Ðình Liên đã diễn tả trong bài thơ bất hủ ‘ Ông Ðồ ‘ làm vào thập niên 30 trước tiền chiến. Hàng Bồ cũng là nơi bán pháo nhưng đã bị VC cấm từ năm 1994.

Những ngày cuối tháng Chạp, phố Hàng Mã cũng tấp nập vì ai cũng lo cho tổ tiên ông bà cha mẹ và những người thân quá cố. Mọi nhà bàn thờ được quét dọn sạch sẽ chưng hoa quả để cúng kiến. Tại chợ Ðồng Xuân ngoài bán các loại hương trầm, còn là chợ hoa nổi tiếng của Hà Thành. Tại đây vào những phiên chợ tết, khu vực bán hoa lan rộng tới phố Hàng Khoai, Hàng Lược, bày bán tất cả các loại hoa trồng tại Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tằm, Yên Phúc… Hoa được bày bán từ hăm nhăm tới chiều ba mươi mới tan, dập dìu nam thanh nữ tú, người lẫn lộn với hoa cả hai đều xinh đẹp nõn nường. Ở đây có đủ các loại hoa như miền Nam nhưng người Bắc lại thích hoa Ðào, Cúc, Quất và Thủy Tiên.

Ðến 23 tháng Chạp, mọi người lại lo cúng tiễn Táo quân về trời. Ngoài hương hoa xôi chè, người Hà Nội còn cúng thêm một cặp cá chép to bằng bàn tay để Táo cởi về thượng giới. Cá được phóng sanh sau khi cúng xong. Từ đây mới thật là tết, nhà nào cũng lo gói bánh chưng, giò, làm mứt, đóng cốm, dọn bàn thờ, sơn phết trang hoàng nhà cửa trong ngoài, tính toán nợ nần để tránh năm mới không bị xúi quẫy phiền hà, bởi bọn nặc nô chuyên đòi nợ thuê vào đêm trừ tịch. Lại còn phải lo quà cáp để biếu xén trong họ, ngoài làng cho trọn nghĩa tình.

Nhưng thiêng liêng và ý nghĩa nhất vẫn là ngày 30 tết. Mọi người dù theo tôn giáo nào, nghèo hay giàu cũng đều có mâm cơm cúng tất niên rất đặc biệt Hà Nội gồm 4 bát, 6 dĩa. Riêng những người giàu có thì cúng đủ 8 bát, 8 dĩa theo tập tục cổ truyền. Ngày 30 tết còn là thời gian đoàn tụ gia đình quanh mâm cơm cúng gia tiên vừa dọn xuống, trong làn hương trầm tỏa thơm ngát, từ bàn thờ trang trọng ấm cúng. Mọi người vừa ăn uống kể chuyện trong không khí hòa thuận của gia đình.

+ Tết Huế: Là cố đô của VN ngay từ thời chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687) , vua Quang Trung (1788) và suốt nhà Nguyễn (1802-1945). Như các miền đất khác trong nước, Huế cũng chuẩn bị tết trước cả tháng, ngoài ra còn lo việc chuẩn bị chạp mã, để rước các cụ về cùng vui xuạn với con cháu. Gần tết nhà cửa vườn tược được sữa sang tươm tất, sạch sẽ. Hoa được trồng trong vườn riêng quanh nhà, hoặc mua tại chợ Ðông Ba với đủ loại mai, đào, cúc, quất, thược dược, thủy tiên, vạn thọ..

Từ ngày 23 tháng Chạp, không khí tết đã có mặt tại Huế từ đình chùa nhà thờ tới mọi nhà, đâu đâu dựng nêu tết và cúng tiển Táo quân về trời với hoa quả và đồ vàng mã. Người Huế ngoài đặc tính nhân hậu hiền lành, nam giỏi văn chương thi phú còn nữ thì công dung ngôn hạnh, nên các món ăn ngày tết cũng đặc biệt hơn những nơi khác.

Tết cũng là dịp để các bà mẹ truyền nghề cho con gái trước khi xuất giá tòng phu, để khỏi bị mang tiếng với nhà chồng. Ngoài các loại mứt còn lo gói các loại bánh chưng, bánh tét, bánh phu thê (su sê), bánh bột sắn nhân đậu xanh ngào đường dừa hoặc nhân tôm chấy, bánh hỏi, bánh sen chấy (bánh dừa mận), bánh nậm..

Mâm cơm cúng chiều 30 tết của Huế cũng khác với người Hà Nội, bên ngoài nhìn có phần đạm bạc hơn nhưng sự thật rất cầu kỳ, vì người Huế rất thích các món rau cải hơn thịt cá. Bởi vậy chỉ riêng món gỏi Huế đã có tới 10 thứ như đu đủ xanh, giá sống, vừng, lạc, thịt ba chỉ, tôm, bò rán trộn với dấm, đường, tỏi, ớt, ngò và rau ngổ. Trong mâm cổ cũng không bao giờ thiếu dưa món làm trước tết độ tuần lễ. Ngoài ra còn món hành dầm dấm, xà lách xào gân bò, tré, chả tôm, nem bò lụi, giò thủ, giò bì, lụa..

Tóm lại các món ăn Huế trong ba ngày tết, bao gồm món chay, bình dân và ngự thiện. Món chay được dùng trong các đình chùa, những tín đồ Phật giáo với tên gọi như các món mặn như vịt tiềm, vi cá, nem nướng, bánh nhân xào.. Tất cả được chế biến bằng thảo mộc tươi hay khô đã lên men. Riêng các món ăn ngự thiện hay bình dân sau này không còn ranh giới, vì chế độ vua chúa đã cáo chung nên ai có tiền cũng có quyền hưởng giò, tré, gỏi.. Còn loại rượu dùng trong ba ngày tết được ưa nhất là rượu nếp và rượu thuốc, được chôn dưới đất lâu ngày để tăng thêm nồng độ và hương vị.

Người Huế thuộc giới trung và cao niên cũng thích uống trà trong ba ngày tết nhưng cầu kỳ hơn người Hà Nội. Các loại trà đắt tiền của Tàu như Tam Hỷ, Ô Long.. mua về được ướp, sấy với các loài hoa thơm như Lài, Sen, Sói, Mộc.. Phụ nữ Huế đi chợ Ðông Ba ngoài việc mua sắm tết, còn gội đầu tại các cửa hiệu bằng nước hương lài, hoa bưởi, hoa chanh. Phong túc này chỉ có ở Huế mà thôi.

+ Tết Sài Gòn / Chợ Lớn: Tuy không phải là đất ngàn năm văn hiến của VN như Hà Nội, Huế nhưng từ thế kỷ XVIII nhờ hoàn cảnh địa lý thuận lợi, vùng này mau chóng trở thành thương cảng lớn nhất của nước ta. Việc buôn bán ngay từ lúc đầu đều tập trung ở các chợ Bến Thành, Cầu Ông Lãnh và Sài Gòn Mới (Chợ Lớn), tới nay đã hơn 300 năm.

Không khí tết ở đây bắt đầu từ giáng sinh kéo dài tới Tết Nguyên Ðán. Khác với người Tàu dãy mã vào tiết Thanh Minh, người Việt Trung và Nam Phần tảo mộ vào tháng Chạp. Người Sài Gòn là dân tứ chiếng nhưng đã chung sống lâu năm nên tạo được một phong cách đặc biệt. Ở đây không ăn tết xa hoa như Hà Nội, cầu kỳ theo lối Huế. Họ rất bình dân nhưng lại tốn nhiều tiền hơn hai địa phương trên vì dân Sài Gòn ngày tết rất thích ăn nhậu theo lối tây phương với nhiều món nhắm đưa cay. Bởi vậy vào dịp tết, nhà nào cũng chuẩn bị sẳn nhiều loại đồ khô gồm cá, tôm, thịt.

Họ rất thích hoa Mai và Vạn Thọ được bày bán khắp nơi, chứ không tập trung một chỗ như tại Hà Nội, Huế. Hoa được đưa về từ Ðà Lạt, Bà Ðiểm, Hóc Môn.. Người Sài Gòn có tục bói dưa ngày tết và dưa hấu được mang về Sài Gòn từ Trảng Bàng, Cao Lãnh, Trà Vinh.. tập trung nhiều nhát tại chợ Bến Thành và Cầu Ông Lãnh. Nhà nào cũng mua dưa hấu vào dịp tết để cúng, ăn và đãi khách.

Ngày 23 tháng Chạp tiễn Táo quân về trời. Lễ vật cúng cũng khác biệt với Hà Nội, Huế gồm một dỉa xôi, miếng thịt heo luộc, hoa, đôi hia cùng áo giấy kèm theo một phong pháo. Tết Sài Gòn cũng có mứt, bánh và các thổ sản đặc biệt miền Nam gồm mứt sầu riêng, dâu, chùm ruột, gừng, dừa… Về bánh tét thì cầu kỳ hơn vì có trộn thêm tôm khô, lạc xưởng. Mâm cổ ngày tết có bánh tét, thịt kho, dưa giá, củ kiệu, cải muối và nem bì.

Ðặc biết tết Sài Gòn là nhà nào cũng có mâm ngũ quả trên bàn thờ cũng như trên bàn trong phòng khách với đu đủ, sung, quít, sầu riêng, măng cụt với ao ước sang năm mới đủ ăn sung túc hơn năm cũ. Ðêm giao thừa, Sài Gòn có tục đi lễ chùa, hái lộc đầu năm. Hoa kiều có tục rước tượng Quan Công và Thiên Hậu du hành trong 3 ngày tết với sự tham dự của các bang hội Tàu, có múa lân, rồng, sư tử cùng các ban nhạc Tiều-Quảng. Tại Chợ Lớn, tết là dịp để người Việt tìm tới ăn uống với các đặc sản rắn, trăn (xem như rồng), rùa để hy vọng để thêm sức mạnh sống lâu.

+ Tết Ðồng Tháp Mười: Là vùng đất trũng thấp ở phía tây Nam phần, bao gồm hai tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh) và Kiến Tường (Mộc Hóa) trước tháng 5-1975. Miền đất này có đầy kênh rạch chằng chịt, hoang địa mênh mông, dân chúng trong vùng trước kia đi lại bằng xuồng, thuyền. Nhà cửa dân cư thưa thớt chỉ cất trên những gò đất cao để tránh lụt lội. Vào năm 1960, mật độ dân số tại đây chỉ có 15 người/1km2 và tăng lên 50 người vào năm 1978. Dân chúng nghèo nàn vì thiếu phương tiện. Do đó ngày Tết Nguyên Ðán hầu như chỉ quanh quẩn trong thôn xóm quạnh hiu và trong gia đình.

Người Ðồng Tháp Mười hầu hết là dân tứ xứ, hoặc vì chiến nạn, sinh kế nên phải bỏ quê nhà tới vùng đất bùn lầy, hoang địa, muỗi đĩa rắn rết và chướng khí nước độc, để sinh sống lập nghiệp. Tết ở đây đơn sơ giản dị theo phong tục bản địa của cư dân.Nên người Bắc ăn tết có bánh chưng, chè lam, bánh ít, bánh bột lọc, bánh trôi, bánh lá, bánh tro.. Dân miền Trung nhất là người Huế thì gói bánh chuối, kẹo mần quân, kẹo kéo, chè lam pha mè đen, mè xửng Huế , bánh rán phồng da lương, bánh đa. Còn dân miệt vườn và các tỉnh Nam phần thì ăn tết với bánh tét, bánh giò, nem lá ổi, kẹo lá cây, bánh ướt, xôi ướp cốt dừa, bánh chuối.

Nhưng trong ba ngày tết, nhà nào dù có gốc gác ở đâu chăng nữa, cũng đều phải có thêm các món Ðồng Tháp Mười trong mâm cơm cúng tất niên hay để đãi khách lạ vào những ngày đầu năm. Ðó là món “ngũ xà thất vị“ tức là thịt 5 con rắn được chế biến thành 7 món ăn. Lại có thêm “thập cẩm trang viên” là các loại rau trồng quanh vườn như sắn, rau súng, ngó sen, rau móc trộn lẫn với tôm và nước cốt dừa, ăn với bánh tráng nướng, các món chiên xú, các loại cá đồng cá sông. Tuy nhiên tuyệt nhất vẫn là món “ngự long tụ lầu“ chế bằng thịt rắn và chuột đồng, bằm nát và viên đem nướng trên lửa than đỏ, lai rai với đế Gò Ðen chờ đón giao thừa giữa cảnh trời nước mênh mông, thì còn gì thú vị cho bằng.

+ Tết ở miền biên địa Hà Tiên: Là vùng đất xưa nhất của Nam phần, được coi là cõi biên đình giữa VN là Cao Mên, giang sơn dòng họ Mạc vào thế kỷ XVIII trước khi trở thành một tỉnh của Ðại Việt. Ðây là nơi pha trộn của 4 giòng máu Việt, Hoa, Miên và Chàm nhưng phong tục tập quán của dân tộc vẫn được thể hiện rõ ràng qua ba ngày Tết Nguyên Ðán.

Như các nơi khác trong nước, tết Hà Tiên quan trọng nhất vẫn là lễ tiển đưa Táo quân, cúng đón giao thừa, ba ngày đầu xuân và lễ tảo mộ. Theo phong tục tập quán của người Việt thì bàn thờ Táo quân luôn đặt tại nhà bếp, chỉ riêng Hà Tiên thần Táo được thờ phụng rất trang trọng ngay phía sau bức bình phong, ngăn nhà trước và giữa hướng ra bếp.

Ở đây bàn thờ Táo được treo cao, có đủ lư hương, bình hoa và thêm hai câu đối chữ Hán viết trên giấy hồng đơn pha kim óng ánh “ công bình hữu đức nâng sư hóa, chính trực vô tư khá đạt thiên “.Về nghi thức cúng kiến, Hà Tiên cũng khác biệt vì ngoài hương đèn, hoa quả còn có món cổ truyền “mì sợi nấu đường thêm nước gừng già“ . Ngoài ra Hà Tiên còn có tục bán con nít cho thần Táo, trả lễ vào năm đứa bé lên năm 3, 7 và xin chuộc về khi đủ 10 tuổi. Tục này chỉ dành cho con trai và gia đình Việt gốc Hoa theo quan niệm trong nam khinh nữ.

Có sống tha phương mới thấm thía được nổi buồn mỗi lần tết đến. Ngày xưa thời tuổi học sống nghèo cực nơi xóm chài nhưng mỗi lần nhìn hoa vông đỏ rực trời và đàn chim sếu từ biển bay vào phố Phan Thiết, cũng là lúc nôn nao chờ mẹ dắt đi sắm tết. Rồi những ngày dài chinh chiến, những năm tháng sống quê người, năm nào cũng hy vọng là năm cuối cùng trong cuộc đời ly xứ. Nhưng than ơi xuân đến rồi xuân đi, tết nào cũng là tết biệt xứ , dù quê hương chỉ trong gang tất mà sao vẫn xa tít muôn trùng :

“Xuân về trên đất khách
ta ngồi đón mông lung
hắt hiu đêm trừ tịch
một mình uống rượu suông
soi gương chợt thấy lạ
qua một đêm đợi chờ…”

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di, trước thềm tết Canh Dần 2010