Montag, 4. Januar 2010

Hợp đồng mua vũ khí Nga của VN là 4 tỉ đô la

HÀ NỘI (TH) - Một bản tin ấn bản Anh ngữ của tờ báo Kommersant ở Nga tiết lộ hợp đồng mà Việt Nam ký với Nga để mua vũ khí gồm tàu ngầm và chiến đấu cơ trị giá khoảng $4 tỉ đô la chứ không phải chỉ có $1.8 tỉ đô la như trước đây từng được nói đến.

Ngày 15 Tháng Mười Hai, 2009, khi được báo Nga phỏng vấn, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam, chỉ nhìn nhận có chuyện ký kết hợp đồng mua tàu ngầm mà không đưa ra một chi tiết nào khác. Báo chí ở Việt Nam cũng nhất loạt đưa tin, từ báo lớn ở trung ương đến báo tỉnh lẻ.

Từ báo Thái Nguyên, Quảng Trị đến báo Dầu Khí chẳng nhằm nhò đến chuyện quân sự cũng loan tin mua 6 tàu ngầm, đây là một hiện tượng lạ chưa từng thấy trong hệ thống báo chí “lề phải.” Xưa nay, tin tức liên quan đến quân sự, quốc phòng thường được giữ kín, nhất là liên quan đến các con số, chủng loại.

“Việt Nam đã thỏa thuận mua tàu ngầm, máy bay và thiết bị kỹ thuật quân sự với sự trợ giúp phù hợp của Nga. Việt Nam chính thức mời Nga hợp tác và giúp đỡ Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với các điều kiện bảo đảm cần thiết.” Báo điện tử VietnamNet của Bộ Thông Tin Truyền Thông tường thuật ngày 16 Tháng Mười Hai, 2009.

Nguồn tin báo chí Nga nói rằng ngoài tàu ngầm và xây dựng cơ sở cho tàu ngầm ở Cam Ranh, có thể còn cả một số máy bay chiến đấu đa năng SU-30MK2, trực thăng quân sự và tàu tuần cỡ nhỏ cũng được thảo luận trong dịp này.

Theo Kommersant tiết lộ, chỉ riêng mỗi chiếc tàu ngầm trị giá 350 triệu đô la, mua 6 chiếc, tức là 2.1 tỉ rồi. Những chuyện chung quanh 6 chiếc tàu ngầm cũng tốn kém nhiều, từ xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng, bảo trì, đài chỉ huy ở căn cứ Cam Ranh và huấn luyện, cũng tốn những khoản tiền lớn.

Ngay từ khi tin Nga bán tàu ngầm cho Việt Nam bị xì ra từ hồi giữa năm 2009, một số lời bình luận trên Internet cho thấy chuyện mua sắm này sẽ không đủ làm Trung Quốc e ngại bao nhiêu trong ý đồ bành trướng và coi biển Ðông như “ao nhà” của mình.

Một lời bình luận trên china-pla.blogspot.com cho rằng, Trung Quốc đã mua của Nga 12 tàu ngầm loại này từ nhiều năm trước. Họ đã sử dụng thành thạo và hiểu hết các khả năng cũng như nhược điểm của chúng. Nay họ đang tự đóng lấy tàu ngầm nguyên tử và hàng không mẫu hạm, 6 chiếc tàu ngầm mà Việt Nam mới có mỗi năm một chiếc từ đầu năm tới sẽ chẳng đáng nể chút nào.

Mặt khác, hiện Trung Quốc có một số máy bay vận tải tiếp liệu trên không, để tiếp nhiên liệu cho máy bay chiến đấu khi lâm trận, lại càng làm cho họ cảm thấy yên trí hơn khi thấy Việt Nam mua sắm võ khí.

“Ðối với một lực lượng Hải Quân chưa có huấn luyện căn bản về lực lượng tàu ngầm cho tới thời điểm này, sẽ tốn kém nhiều để huấn luyện nhân sự cho đội tàu ngầm. Bên trên nữa, tôi nghi ngờ (sự tính toán đúng) khi Việt Nam chọn mua tàu ngầm hạng Kilo.” Một tác giả viết trên china-pla.blogspot.com.,” vì một một số nhỏ những tàu ngầm khác như U-214 (tàu ngầm tấn công của Ðức), Scorpene (sản xuất hỗn hợp Pháp-Tây Ban Nha) và Amur (Nga) có thể là những lựa chọn tốt hơn. Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm Kilo nhiều năm qua, từ bảo trì đến tân trang, kể cả việc luyện tập chống lại loại tàu ngầm này, cho nên họ có thể săn lùng chúng dễ dàng hơn là những loại tàu ngầm khác cùng thế hệ.”

Một trong những lý do có thể tàu ngầm Ðức, và Pháp đắt hơn tàu của Nga 50 triệu đô la hoặc có thể hơn, chưa kể lý do những nước đó bị áp lực của Trung Quốc để có bán hay không.

Theo tác giả bài viết, để đối phó với một nước đã từng sử dụng các võ khí của Nga một cách thuần thục và biết cách chống lại chúng, tốt hơn là phải đa dạng hóa võ khí của mình bằng cách mua từ nhiều nguồn khác nhau.

Một số cuộc khảo cứu của Trung Quốc nói rằng khu vực biển quanh Trường Sa có thể có trữ lượng dầu khí lên đến 17.7 tỉ tấn trong khi trữ lượng dầu khí của Kuwait ước lượng chỉ có 13 tỉ tấn. Ðây là một trong những lý do chính để Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn khi động chạm tới vấn đề chủ quyền biển đảo trên biển Ðông. (TN)