Samstag, 2. Januar 2010

Chế độ Hồi giáo Iran bất lực trước một phong trào phản kháng tự phát

Tú Anh, RFI

02/01/2010 - Trong thông điệp phổ biến hôm qua vào ngày đầu năm dương lịch, nhà lãnh đạo đối lập chính của Iran, Hossein Moussavi khẳng định ông không sợ chết, và sẵn sàng "đổ máu" để buộc chính quyền phải cải cách. Khuôn mặt biểu tượng của phong trào phản kháng cảnh báo tổng thống Ahmadinejad trước nguy cơ khủng hoảng và bạo lực leo thang nếu không tái lập các quyền tự do dân chủ.

Theo cơ quan an ninh Iran, trong cuộc biểu tình hôm Chủ nhật vừa qua, họ đã bắt giam 500 người và cho đến nay bắt thêm nhiều trăm người khác, trong đó có ít nhất 180 sinh viên.

Thế nhưng qua các phương tiện thông tin điện tử, phong trào chống chế độ vẫn không suy giảm. Kết hợp với nhau dưới một ngọn cờ màu xanh lá cây, người dân Iran tiếp tục lên tiếng đối đầu với đàn áp và bất công. Báo chí bị kiểm duyệt, họ dùng Internet. Internet bị phong tỏa, họ dùng điện thoại di động trao đổi thông tin, hình ảnh. Người không có phương tiện hiện đại thì kẻ khẩu hiệu trên tường, rãi truyền đơn trên các xe chuyên chở công cộng và trên băng sau xe taxi hay nhanh chóng hơn nữa là ghi chữ V chiến thắng trên các tờ giấy bạc.

Trong đêm khuya vắng, thỉnh thoảng có tiếng loa vang "Đả đảo độc tài!" phát đi từ một nóc nhà nào đó. Được báo chí Pháp phỏng vấn, một giáo sư xã hội học Iran từ thủ đô Teheran phân tích: « Đây là một phong trào công dân tự phát trong đó có cả phụ nữ, thanh thiếu niên, công nhân và những người dân nông thôn. Họ tự tổ chức lấy và không có một sự lãnh đạo nào ».


Có lẽ do tính tự phát này mà nhiều chuyên gia về Iran, cũng như bản thân nhà đối lập Moussavi, đã xác quyết là dù chính quyền có bắt giam hay hạ sát những khuôn mặt lãnh đạo đối lập hiện nay, họ sẽ không dập tắt được đối kháng. Ngược lại, nó còn làm cho ngọn lửa căm phẩn của xã hội công dân bùng mạnh thêm.

Các nhân vật lãnh đạo đối lập hiện nay thực ra là những người xuất thân từ hàng ngũ chế độ như ông Moussavi, nguyên là một cựu thủ tướng. Theo một nhà báo Iran, „những nhân vật lãnh đạo này, cũng như nhiều người dân Iran, đòi chính phủ phải cải cách trong khuôn khổ chế độ cộng hòa Hồi giáo“. Cho đến nay, nhờ những lời kêu gọi bình tĩnh của các lãnh đạo đối lập mà phong trào tranh đấu chưa biến thành một cuộc nổi loạn.

Thật ra thì những yêu sách đòi cải đổi mới của người dân Iran đã có từ lâu và đã từng biểu hiện qua cuộc bầu cử 1997 đưa ứng cử viên cải cách Khatami vào ghế tổng thống một cách bất ngờ. Được mệnh danh là Gorbachev của Iran, vị giáo sĩ này đã đem lại ít nhiều luồng gió đổi mới cho xã hội Iran. Hiện nay, vị cựu tổng thống này đứng về phía phản kháng và đang bị cánh bảo thủ của tổng thống Ahmadinejad xem như là kẻ thù.

Câu hỏi đặt ra là do đâu mà phong trào đòi tự do dân chủ lại được sự hậu thuẫn đông đảo như vậy làm cho chính quyền chỉ còn biết dựa vào bộ máy công an và lực lượng vệ binh được ưu đãi?

Kiến thức đi đôi với khát vọng dân chủ tự do

Câu trả lời nằm ngay trong chính sách của chế độ. Từ sau khi thành lập Cộng hòa Hồi giáo vào năm 1979, những người lãnh đạo mới thi hành một chính sách tự nó sinh ra làn sóng phản kháng tương lai. Chính sách đô thị hóa, giáo dục đại chúng, bình đẳng nam nữ trong giáo dục đại học tạo ra một tầng lớp trẻ có kiến thức. Mà kiến thức thì đi đôi với khát vọng tự do dân chủ.

Cảm thấy bị tình thế bỏ rơi không kiểm soát được vận tốc tiến hóa của xã hội, với 70% là thành phần trẻ dưới 30 tuổi, chế độ giáo quyền đã phạm liên tục hai sai lầm nghiêm trọng mà giới phân tích gọi là hai đường ranh đỏ. Trước tiên là gian lận phiếu để bám ghế lãnh đạo và tiếp theo đó là đàn áp bằng bạo lực để bịt miệng đối lập.

Hệ quả là trừ thành phần cực bảo thủ tham quyền cố vị, nhiều người khác cảm thấy bị chế độ phản bội, công lao bị hy sinh nên đã ngả theo phong trào phản kháng. Một chuyên gia tại Teheran cảnh báo: „Chính quyền càng đàn áp hung hăng bao nhiêu thì phong trào đối lập sẽ càng lớn mạnh bấy nhiêu“.