Giáp Văn Dương
Thay vì tính chuyện Thoát Á hay Thoát Âu, Thoát Mỹ, hãy tính chuyện thoát khỏi những những gông cùm kìm kẹp và những thói xấu đang nằm trong chính bản thân mình trước hết.
Giá trị tham khảo của Thoát Á Luận
Ngày 16/3/1885, tờ Thời Sự Tân Báo của Nhật Bản cho đăng bài "Thoát Á Luận" của Fukuzawa Yukichi (1835-1901). Bài báo cổ vũ phong trào Minh Trị Duy Tân và chủ trương cải cách văn hóa Nhật Bản để phát triển kịp các nước phương Tây.
Nội dung chính của bài luận nổi tiếng này, cũng là chủ trương của Fukuzawa Yukichi, được tóm gọn trong hai chữ "Thoát Á". Nghĩa là thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nền văn hóa tiểu nông, cổ hủ lạc hậu, nặng về hình thức giả tạo bên ngoài của các nước châu Á mà Trung Quốc là điển hình, để học theo nền văn minh phương Tây và hội nhập vào thế giới bên ngoài.
Mục đích của chủ trương Thoát Á là giữ độc lập cho nước Nhật và giúp nước này phát triển theo kịp các nước phương Tây đương thời.
Chính nhờ chủ trương này, cộng với sự triển khai thành công của phong trào Duy Tân, nước Nhật đã hình thành được một hệ thống các thang giá trị mới và hội nhập được với bên ngoài, giúp cho nước Nhật không chỉ giữ được độc lập mà còn trở thành một cường quốc về kinh tế, văn hóa và khoa học kĩ thuật sau này.
Đến nay, bài Thoát Á Luận vẫn còn nguyên giá trị tham khảo cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đến mức có nhiều người chủ trương: muốn phát triển, Việt Nam cũng cần phải làm một cuộc Thoát Á như Nhật Bản đã từng làm.
Nhưng như vậy có thực sự khôn ngoan, khi châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ, và thế kỉ 21 được cho là thế kỉ của châu Á? Và Việt Nam có thực sự cần thiết phải học lại từ đầu bài học của nước Nhật 125 năm về trước?
Sức ỳ của đất nước
Muốn trả lời câu hỏi này, phải tìm xem những cản trở lớn nhất cho sự phát triển của Việt Nam hiện thời là gì?
Quan sát sẽ thấy đó là sức ì văn hóa và tâm lý tự mãn, không muốn thay đổi, thậm chí lảng tránh thay đổi trong một thế giới đang biến đổi không ngừng.
Những giáo điều cũ kĩ, những mô hình và quan điểm lạc hậu nhưng lại thành những thang giá trị lưu hành trong xã hội.
Chúng không chỉ là những rào cản đơn thuần, mà thực sự trở thành những gông cùm, tuy vô hình và được che đậy bằng những mỹ từ, nhưng lại kìm kẹp và trói chặt sự phát triển.
Chúng trở thành những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... mà mỗi người, thậm chí cả dân tộc, sa vào và tốn hàng chục năm loay hoay không thoát ra được.
Vì thế, muốn phát triển, không còn cách nào khác là phải chỉ rõ mặt, gọi đúng tên và tìm cách thoát khỏi những gông cùm và cạm bẫy vô hình này.
Vượt lên chính mình
Vì thế, thay vì tính chuyện Thoát Á hay Thoát Âu, Thoát Mỹ, hãy tính chuyện thoát khỏi những những gông cùm kìm kẹp và những thói xấu đang nằm trong chính bản thân mình trước hết.
Chủ trương này có thể gọi bằng một tên ngắn gọn: "Thoát Thân", với hàm nghĩa: vượt lên bản thân mình, thoát khỏi những thang giá trị, những tư tưởng lạc hậu đang nằm trong chính bản thân mình để tránh sa lầy vào những bẫy vô hình do chúng tạo ra, từ đó hình thành những thang giá trị mới, tư tưởng mới, tiến bộ, hiện đại, mở đường cho phát triển.
Nếu không, những gông cùm vô hình này không chỉ cản trở sự phát triển, mà còn trực tiếp đẩy đất nước đến bờ tụt hậu do sập phải những bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy thành tích, bẫy hành chính... do chúng tạo ra.
Chủ trương thoát thân và thoát thân liên tục sẽ giúp gạt bỏ những cản trở nội tại để đổi mới và sáng tạo không ngừng. Suy cho cùng, phát triển chỉ đạt được từ đổi mới và sáng tạo. Và những cản trở đáng kể nhất cho sự đổi mới và sáng tạo là những cản trở nội tại, nằm ngay trong chính bản thân mình.
Chỉ có như thế, năng lực mọi mặt của đất nước mới được giải phóng. Đất nước mới có thể đương đầu và thích nghi được với một thế giới đầy biến động và thay đổi từng ngày, và quan trọng hơn, không sa vào những bẫy vô hình, do sự vô tình hay cố ý của con người, hoặc ngẫu nhiên của lịch sử tạo ra.
Cho nên, thay vì tính chuyện Thoát Á, Thoát Âu, Thoát Mỹ..., hãy tính chuyện Thoát Thân trước hết.
http://tuanvietnam.net/2009-12-29-thoat-than-luan-