Các nước trong khu vực đang nhắm mắt lao vào cuộc chạy đua vũ trang để tự bảo vệ mình, bất chấp một thực tê là nền kinh tế của họ đang ngày càng bị kiệt quệ.
Thái Bình Dương vốn là cái tên yên ả. Vậy mà Đại dương này đang dậy sóng, và nguyên nhân của nó là một cuộc chạy đua Hải Quân đang tăng tốc từng ngày.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia thì các nước châu Á - Thái Bình Dương đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang do chính Trung Quốc kích động, mà điển hình nhất là một kỷ nguyên Tàu Ngầm ở châu Á đã và đang bắt đầu. Trung Quốc cố tình bắn một mũi tên nhắm vào nhiều đích. Cuộc chạy đua vũ trang rất tốn kém này sẽ khiến cho kinh tế của các nước trong khu vực nhanh chóng bị kiệt quệ, khiến cho họ không còn khả năng cạnh tranh với Trung Quốc trong kinh tế, và như thế khả năng tự vệ trước sự xâm lăng cũng chẳng còn. Ngoài ra "mèo trắng mèo đen" Trung Quốc cũng không giấu giếm tham vọng trở thành một cường quốc xuất khẩu vũ khí, kiếm lời bằng mọi cách.
Theo đánh giá, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu châu Á về hiện đại hóa Hải quân. Mục đích tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ sự thống nhất quốc gia, bảo vệ quyền lợi trên biển, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh hải, chiến lược kiềm chế đối phương từ ngoài khơi và chiến lược ngăn chặn chống sự đổ bộ của đối phương vào lãnh thổ. Với mục tiêu là cần tích cực phòng ngự cận hải, qua đó khẳng định sức mạnh của Hải quân Trung Quốc đối với việc bảo vệ quyền lợi trên biển và để tối ưu hoá các chiến dịch tác chiến của Hải quân.
Nhiệm vụ của Hải quân Trung Quốc hiện nay là trấn thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, và ra đến quần đảo Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippine và quần đảo Greater Sunda. Hướng phát triển tiếp theo là vươn ra xa hơn ngoài khơi Thái Bình Dương.
Trong đó, chú trọng tới mục tiêu cản trở Hải quân Mỹ tiếp cận vùng biển kế cận, kiềm chế Nhật Bản ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, kiềm chế Ấn Độ ở Nam Á, kiểm soát các tuyến hàng hải gần và yểm trợ các đòi hỏi chủ quyền trên biển. Mục tiêu lâu dài là thay đổi cán cân lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương và giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Theo con số thống kê mới đây nhất, Trung Quốc đang sở hữu một số lượng tàu chiến khổng lồ. Trong đó, tàu ngầm hiện có 63 chiếc, đến năm 2015 tăng lên 71 và đến năm 2020 là 78 chiếc, Trung Quốc tiếp tục có những bước điều chỉnh chiến lược đối với lực lượng tàu ngầm của mình. Trong đó chú trọng tới phát triển các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, cắt giảm các tàu ngầm đã lỗi thời có khả năng tác chiến kém.
Đầu năm 2009, Trung Quốc khởi công đóng tàu sân bay (hàng không mẫu hạm) đầu tiên trong dự án đóng 2 tàu cỡ trung vào năm 2015, trọng tải 50.000-60.000 tấn. Theo thông tin chiếc đầu tiên sẽ mang tên “Mao Trạch Đông”. Trung Quốc đã đặt mua của Nga 4 hệ thống đổ bộ - kết cấu phức tạp nhất của tàu sân bay và 30 chiến đấu cơ SU-33 sử dụng cho tàu sân bay. Đến năm 2020 Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Ngoài hai phương tiện chiến tranh chủ chốt trên, Trung Quốc còn có một lực lượng tàu khá lớn với 26 khu trục, 47 khinh hạm, 84 tàu mang tên lửa điều khiển, 231 tuần dương hạm và nhiều loại tàu yểm trợ tác chiến khác.
Bên cạnh việc hiện đại hóa toàn bộ lực lượng Hải quân, Trung Quốc lại rất chú trọng cho phát triển Hạm đội Nam Hải có căn cứ tại Tam Á thuộc đảo Hải Nam, coi đây là một hạm đội chủ chốt và có vùng đảm trách trên biển Đông. Ngày 07/8, Hãng tin Interfax cho biết, Hải quân Trung Quốc có kế hoạch mua 4 tàu đệm khí cỡ lớn của Ukraine với trị giá 315 triệu USD, nhằm tăng cường cho lực lượng Hải quân trên biển Đông (Hạm đội Nam Hải). Đây là loại tàu đệm khí cỡ lớn thuộc lớp Zubr, tàu này có khả năng mang được 3 xe tăng, 10 xe cơ giới đổ bộ hoặc có thể chở được 500 lính, có tốc độ di chuyển đạt trên 63 hải lý/giờ.
Trước sự gia tăng mạnh mẽ của lực lượng Hải quân Trung Quốc đã gây nên nhiều quan ngại cho Mỹ và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đây mới chỉ là chặng đường đầu của cuộc đua. Theo các chuyên gia quân sự nước ngoài nhận định Hải quân Trung Quốc chưa đủ năng lực bảo đảm điều động lực lượng lớn tàu chiến tới vùng biển xa, và mức độ hiện đại vẫn còn kém Hải quân Nhật Bản, Ấn Độ và một số Hải quân bậc trung khác.
Đối với Mỹ, một quốc gia cũng đang có những cạnh tranh lớn trong chiến lược kiểm soát đại dương, giữ vai trò chủ đạo và duy trì ảnh hưởng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hải quân Mỹ hiện đang có những bước đi quan trọng, nhằm thay đổi toàn bộ cục diện cán cân chiến lược đối với khu vực này, thông qua việc điều chỉnh lực lượng quân sự ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Căn cứ quân sự trên đảo Guam.
Ngày 27/4/2009, thông tấn xã của Hàn Quốc đã đưa tin, Mỹ đã bắt đầu thực hiện tái cơ cấu quân đội ở Hàn Quốc. xây dựng căn cứ quân sự lớn Humphreys thuộc tỉnh Pyeongtaek, nằm cách Seoul 55 dặm về phía nam và cách Khu Phi quân sự 85 dặm. Quy mô của Tập đoàn quân này sẽ được mở rộng gấp 3 lần, lên tới 1455 ha, sẽ bao gồm nơi ăn, ở của binh lính, các sở chỉ huy, bãi đỗ xe và trường bắn, cùng với 35.000 thành viên gia đình quân nhân sẽ đến đây.
Theo tờ Militarytimes ngày 10/4/2009 cho biết, Mỹ sẽ bắt đầu xây dựng 1 căn cứ Hải (thủy) quân Lục chiến mới trên đảo Guam vào năm 2010, dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2014, với tổng chi phí khoảng 10.3 tỉ USD. Nhằm di chuyển khoảng 17.000 lính Hải quân Lục chiến cùng gia đình của các binh lính này từ căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản tới đảo Guam, nằm trong kế hoạch điều động và bố trí binh lực của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương.
Theo đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ tiếp tục xúc tiến việc xây dựng các công trình cho Không quân, Hải quân và Lục quân sau khi căn cứ Hải quân Lục chiến hoàn tất vào năm 2014. Theo chương trình xây dựng của Bộ Quốc phòng, sau năm 2014 Mỹ sẽ xây dựng các công trình bảo đảm cho 3000 quân thuộc các đơn vị như Tác chiến Không quân, Tình báo, Trinh sát và đảm bảo cho 600 quân thuộc lực lượng tác chiến tên lửa đạn đạo và 01 cầu cảng cho các tàu hậu cần.
Kế hoạch Quốc phòng bốn năm một lần 2006 - lộ trình 20 năm của Quân đội Mỹ - đã đưa ra kế hoạch đến năm 2010 sẽ bố trí 60 % lực lượng tàu ngầm tấn công tại Thái Bình Dương và 40 % tại Đại Tây Dương. Theo Hải quân Mỹ thì trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh 60 % lực lượng tàu ngầm tấn công được bố trí ở Đại Tây Dương, sau Chiến tranh Lạnh thì lực lượng này đã được cân bằng 50-50.
Ngày 03/4/2009, Tàu ngầm tấn công USS Jacksonville lớp Los Angeles đã cập cảng Trân Châu Cảng ở Hawaii. Ngày 13/5, tàu ngầm USS Hawaii đã rời Căn cứ Tàu ngầm Hải quân ở Groton, bang Connecticut và đã tới Trân Châu Cảng trong tháng 7, và là tàu ngầm lớp Virginia đầu tiên có căn cứ tại Trân Châu Cảng và tiếp đó là tàu USS Texas.
Theo kế hoạch, đến cuối năm 2009, sau khi tàu ngầm USS Hawaii và USS Texas đến Trân Châu Cảng, sẽ có 31 trong tổng số 53 chiếc tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ sẽ có căn cứ chính ở Thái Bình Dương và 22 chiếc khác sẽ có căn cứ chính ở Đại Tây Dương.
Quốc gia khác như Ấn Độ, Úc và Nga cũng đều đang tìm cách tăng cường khả năng cho Hải quân và hiện đại hóa quân đội của mình.
Hiện nay Ấn Độ đã có 02 tàu sân bay, sẽ đóng mới 03 tàu khác; ngày 26/7, Ấn Độ đã hạ thủy tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên và trở thành một quốc gia sở hữu bộ ba hạt nhân chiến lược. Tiếp đó, ngày 04/8, Ủy ban An ninh Chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt một hợp đồng mua 5 máy bay trực thăng cảnh báo sớm Kamov-31 của Nga với trị giá khoảng 9,5 tỷ rupi. Đây là một phần trong tham vọng trang bị tới 800 máy bay trực thăng với giá trị trên 200 tỷ rupi cho quân đội Ấn Độ trong vài năm tới.
Hải quân Nga với một chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất có thể hoạt động, vừa điều chỉnh chủ trương chỉ chú trọng đóng các tàu chiến cỡ vừa, sẽ đóng 5-6 tàu sân bay trong các năm 2012-2013.
Úc nằm ở nam Thái Bình Dương cũng đã cảm thấy sức ép chạy đua Hải quân, đầu tháng 5 vừa rồi công bố sách trắng quốc phòng cho giai đoạn đến năm 2030 sẽ chi 44 tỉ USD hiện đại hóa quốc phòng, mua thêm các tên lửa hành trình, tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm lên 12 chiếc và 03 tàu phóng lôi, 08 tàu chiến mới trọng tải 7.000 tấn. Mục tiêu là xây dựng quân đội nhỏ nhưng tinh nhuệ, trang thiết bị hiện đại để đóng vai trò hàng đầu trong vùng biển lân cận nam Thái Bình Dương.
Trước sự chạy đua vũ trang và gia tăng các hoạt động trong khu vực của Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia khác lân cận. Các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Malaysia và Indonesia cũng bắt đầu có các dấu hiệu hiện đại hóa quân đội và là những quốc gia được coi là đang dẫn đầu cuộc hiện đại hóa Hải quân trong khu vực, tuy nhiên vẫn chưa đủ khả năng tự chủ về công nghệ quân sự.
Cho tới hiện nay, mới chỉ có Malaysia và Singapore sở hữu hạm đội tàu ngầm. Malaysia đã đặt mua 02 tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp, hiện đã chính thức chiếc tàu đầu tiên. Ngày 23/7, Hải quân Hoàng gia Malaysia tiếp tục đề xuất Chính phủ xem xét đóng mới một đội tàu tuần tra 06 chiếc nhằm tăng cường sức mạnh cho Hải quân.
Singapore trong một số năm gần đây cũng đã bắt đầu củng cố lực lượng Hải quân của mình, hiện có một hạm đội tàu ngầm. Tháng 8/2008, Singapore đã nhận đủ 6 chiến hạm tàng hình từ pháp mang tên RSS Formidable (68), RSS Intrepid (69), RSS Steadfast (70), RSS Tenacious (71), RSS Stalwart (72) và RSS Supreme (73). Các chiến hạm này được phát triển dựa trên mẫu tàu La Fayette của Pháp.