Đỗ Hiếu, phóng viên RFA, Bangkok
14.12.2009-Tạp chí Time của Mỹ đã ghi lại một danh sách gồm 10 mặt hàng và sản phẩm có nguy cơ bị đe dọa trầm trọng bởi sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong số các sản phẩm được liệt kê có lúa gạo của Việt Nam.
Khí hậu bất thường
Nhân phiên họp bàn về biến đổi khí hậu trên toàn cầu, diễn ra tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch tuần trước, các nhà lãnh đạo thế giới đã cảnh báo rằng, sự nóng lên dần của trái đất sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người và nền kinh tế khắp nơi.
Mười sản phẩm nổi tiếng thế giới theo đánh giá của tạp chí Time và được Vietnam Economy phân tích thêm các chi tiết có liên quan, gồm: mỳ ý được gọi bằng đủ loại ngôn ngữ là spaghetti, kế đó là rượu vang Pháp, thứ ba là mật ong Argentina, xếp hạng tư là bia Đức, tiếp theo là lúa gạo Việt Nam, sản phẩm thứ 6 là rau quả Tây Ban Nha, hạng 7 là du lịch Maldives, rượu Vodka Bắc Âu số 8, khu trượt tuyết ở bang Colorado ở Hoa Kỳ hạng 9, và sau hết là cây bông gòn Mali.
Theo các tài liệu được phổ biến thì hàng năm, Việt Nam xuất khẩu một khối lượng gạo đáng kể, thu về trên dưới 2 tỷ 9 trăm triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong thời gian tới đây, cây lúa của Việt Nam có thể bị đe dọa bởi hiện tượng thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra.
Ngân Hàng phát triển Châu Á, ADB dự đoán là sản lượng lúa gạo của Việt Nam có thể suy giảm nhanh chóng khi mực nước biển dâng cao dần, làm ngập chìm hàng chục ngàn hécta đất trồng lúa và hoa màu vào cuối thế kỷ này.
Kế hoạch sản xuất lúa gạo của Việt Nam gần như phụ thuộc phần lớn vào các khu vực đồng bằng thấp là vùng châu thổ sông Cửu Long và sông Hồng, khi nước bị nhiễm mặn sẽ gây những tác động tai hại và hậu quả rất nặng cho nông nghiệp.
Đối với Việt nam, lúa gạo là nguồn lượng thực chính và là nguồn sống duy nhất của vài chục triệu dân cày. Biến đổi khí hậu cũng sẽ là mối đe dọa gây xáo trộn đến kế hoạch xuất khẩu và an toàn lương thực của Việt Nam.
Để tìm hiểu thêm chi tiết về sự tác động của biến đối khí hậu trên trái đất đối với việc sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, Ban Việt Ngữ chúng tôi liên lạc với GSTS Nguyễn Duy Cần, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long và được ông góp ý về những gì có thể xảy ra đối với việc canh tác lúa gạo ở Việt Nam và giữ vững an ninh lương thực thế giới:
“Rõ ràng như mọi người đều biết là tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tại Việt nam, ở đồng bằng sông Cửu Long, sẽ trở thành một tai họa lớn mà mọi người đều thấy rõ trong tương lai, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến vùng trồng lúa lớn nhất của Việt Nam. Chúng ta là nước đã đóng góp vào an ninh lương thực trên thế giới, như vậy sự biến đổi khí hậu ảnh hưởng không những cho Việt Nam mà cho cả an ninh lương thực chung trên thế giới.”
Nông dân cần được hỗ trợ
Dịp này tiến sĩ Nguyễn Duy Cần cũng cho biết thêm về những chương trình đẩy mạnh sản xuất lúa gạo, tích cực hỗ trợ cho nhà nông Việt Nam:
“Hiện chúng tôi thấy có những bước đi, những quan tâm đặc biệt không những của chánh phủ Việt Nam mà cộng đồng quốc tế cũng đang nhìn theo khía cạnh tích cực để làm sao thích ứng được với sự thay đổi này. Vừa rồi, ở trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, để làm sao cải thiện, thích ứng với sự thay đổi này, đặc biệt quan tâm đến an toàn lương thực cho Việt Nam cũng như trên thế giới.
Đó là sự biểu hiện tích cực, nhưng chúng tôi theo gốc độ của nhà khoa học thì thấy rằng những cố gắng đó, cũng chưa bù đắp được cái thiệt thòi của người nông dân. Chúng ta đều biết, nông dân là người chịu nhiều cực khổ sản xuất ra lúa gạo, để xuất khẩu nhưng các cộng đồng của nông dân, vẫn còn nghèo trong khi họ phải chịu vất vả, để tạo ra lúa gạo và đóng góp vào an ninh lương thực, nhưng người tiêu dùng, chưa có phản ứng tích cực gì để giúp họ phát triển tốt hơn.”
Khi được hỏi làm sao và bằng cách nào giúp nhà nông bảo đảm được thu nhập so với công lao khó nhọc quanh năm suốt tháng lam lũ mà chưa đủ no, tiến sĩ Nguyễn Duy Cần nhấn mạnh rằng:
“Tôi nghĩ vấn đề này, cần những nhà khoa học trên thế giới hay những nhà làm chính sách suy nghĩ cách làm sao để bù trừ lại sự thiệt thòi của người nông dân, giống như chúng ta nói về môi trường. Có những tổ chức yêu cầu phải bồi hoàn hay đóng góp cho các quốc gia phải chịu nghèo để giữ cho môi trường tốt, trong khi những quốc gia khác, phát triển công nghiệp thì làm thiệt thòi môi trường.
Y hệt như vậy, khi nông dân đóng góp cho an ninh lương thực thì chúng ta phải nghĩ đến một chính sách để có thể đóng góp cho người nông dân, trong khi họ chịu khổ để giữ cho an ninh lương thực thế giới đặc biệt là trong tình huống có sự thay đổi khí hậu toàn cầu.”
Vẫn theo chuyên gia nghiên cứu phát triển vùng đồng bằng song Cửu Long thì chánh phủ đang dồn mọi lực để có thể ứng phó với sự đe dọa mà lúa gạo Việt Nam phải gánh chịu trước vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn thế giới:
“Thật sự theo chúng tôi hiểu thì nhà nước cũng có cố gắng như là có chính sách về tài chánh hỗ trợ cho người sản xuất, nhưng chưa thật sự có hiệu quả đối với người nông dân, nhà trồng lúa. Tôi nghĩ rằng những nhà kinh tế, nhà khoa học có thể góp phần vào thêm.
Hiện nay, chánh phủ chỉ dừng lại ở mức độ đó, còn việc cải thiện đời sống người nông dân là một bước đường dài mà chúng ta cần phải suy nghĩ thêm, đầu tư thêm ở mọi lãnh vực nghiên cứu khác nhau, nhưng có cùng suy nghĩ, cho nên đó cũng là những vấn đề nóng bỏng như chuyện biến đổi khí hậu.”
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.