Donnerstag, 10. Dezember 2009

Thấy khác mà giống!

Lữ Giang
Nước Mỹ và thế giới đang bàn đến Afghanistan, một đất nước đã chịu nhiều biến động đau thương trong lịch sử cũng như trong hiện tại, nhưng lại là một đất nước mà nơi đây đã có nhiều đoàn quân ngoại quốc bị chôn vùi. Một câu hỏi được đặt ra: Cuộc chiến hiện nay có gióng cuộc chiến Việt Nam không? Sau Anh và Nga, liệu rồi Hoa Kỳ có tháo chạy không? Muốn trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải nhìn qua những gì đang diễn ra trên đất nước Afghanistan.

ĐỊA THẾ HIỂM TRỞ
Afghanistan có diện tích 647.500 cây số vuông, gấn bằng tiểu bang Texas (678.054 cây số vuông) của Hoa Kỳ, và lớn gần gấp đôi toàn nước Việt Nam (329.560 cây số vuông).
Địa thế của Afghanistan lại phức tạp và hiểm trở hơn Việt Nam nhiều: Đa số là đồi núi, hang động với 3/4 bề mặt là các cao nguyên. Độ cao trung bình của các đỉnh núi là 4.270 m trong đó có những đỉnh núi cao tới 7.620 m. Những vùng đất thấp là thung lũng của các con sông hay các vùng sa mạc.
Khí hậu Afghanistan cũng rất khắc nghiệt vì độ cao khác nhau của vùng đất này. Ban đêm nhiệt độ hạ xuống ở mức rất thấp nhưng giữa trưa nhiệt độ có thể lên đến 38 độ C. Vào mùa hè nhiệt độ thường là 49 độ C những giữa mùa đông lại hạ xuống đến -9,4 độ C.
CUỘC SỐNG CƠ CỰC
Tờ The Independent của Anh trong số ra ngày 25.2.2008 đã đăng một bài dưới đầu đề “Women's lives worse than ever” của Terri Judd nói về tình trạng chiến tranh liên miên và cuộc sống cùng cực đã khiến phụ nữ Afghanistan lâm vào tình cảnh rất bi đát.
Hơn một triệu người đã trở thành goá phụ, nhiều gia đình đã phải bán con gái để làm vợ người khác trước khi tới tuổi dậy thì. Chuyện các cô bé mới 6 tuổi đã phải làm vợ không phải là chuyện hiếm thấy. Giá mỗi cô dâu trẻ con chỉ từ 800 đến 2.000 bảng. Những cô bé bất hạnh này đã phải sống một cuộc sống rất bi thảm. Người mua cấm các em tiếp xúc với cha mẹ và người thân, không cho các em được đến trường. Các em còn thường xuyên bị thân nhân của kẻ mua cưỡng hiếp, thậm chí còn có nguy cơ trở thành “món đồ chơi tập thể”. Vì không được bảo vệ, nhiều em đã chọn lối thoát tự sát. Thậm chí có người còn mang chị hoặc em gái để hoán đổi.
Hassami, một phụ nữ hoạt động bảo vệ nữ quyền ở Afghanistan nói: “Thật đau lòng! Vì nghèo khổ mà những bé gái bị mang ra mua bán, có những em mới 8 tuổi. Sau khi về nhà chủ, các em ra khỏi cửa còn bị cấm, chứ đừng nói gì đến chuyện được đến lớp. Kẻ mua tuyên bố họ mất tiền mua nên các em phải làm việc cho họ”.
Một bản báo cáo của tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ cho biết: 87% phụ nữ Afghanistan tố cáo họ bị ngược đãi, hơn 50% bị xâm hại tình dục, 60% bị cưỡng hôn. Mặc dù luật pháp Afghanistan cấm phụ nữ dưới 16 tuổi kết hôn nhưng thực tế có tới 57% cô dâu tuổi dưới 16.
Ở Afghanistan, 88% phụ nữ bị mù chữ, chỉ có 5% học qua trung học. Do không có điều kiện điều trị y tế nên tỷ lệ phụ nữ bị chết khi sinh đẻ lên tới 1/9, tỷ lệ này là cao nhất toàn cầu, tương đương với Siera Leon.
Cuộc chiến tàn khốc đã khiến hơn 1 triệu phụ nữ trở thành goá phụ. Những goá phụ này không được hưởng bất cứ quyền lợi nào trong cuộc sống. Điều này cũng khiến cho số trẻ em ăn xin trên đường phố ngày một gia tăng. Tình trạng này đã biến Afghanistan trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có tỷ lệ phụ nữ tự sát cao hơn nam giới.
Để giúp những người phụ nữ bất hạnh nói trên, từ đầu năm 2007, Tổ Chức Viện Trợ Quốc Tế đã quyết định mỗi tháng cung cấp lương thực, dầu ăn và muối cho 9.000 goá phụ. Nhưng với mức viện trợ này, còn lâu những phụ nữ khốn khổ ở Afghanistan mới thoát được cuộc sống cơ cực.
Kể từ khi Mỹ và các nước đồng minh phát động chiến tranh tại đây, tình cảnh của phụ nữ Afghanistan không những không khá hơn mà càng ngày càng tồi tệ thêm. Vào năm 2002, khi mà tình hình lạc quan nhất ở đây, Quân Mỹ, Anh và các nước NATO cũng không dám ưu tiên đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ Afghanistan.
Dân số hiện nay của Afghanistan khoảng 29.928.000 người. Về sắc tộc, Pashtun chiếm đến 42%, Tajik 27%, Hazara 9%, Usbek 9%, v.v. Về tôn giáo, hầu hết theo Hồi Giáo: 80% theo giáo phái Sunni, 19% theo giáo phái Shiite, và 1% các tôn giáo khác. Có đến 80% dân chúng làm nghề nông, nhưng đất đai khai thác chỉ mới 13%.
Theo một bản báo cáo gần đây của UNICEF, khoảng 22 triệu người Afghanistan, chiếm 70% dân số, đang sống trong nghèo khổ và dưới tiêu chuẩn thông thường. 40% trẻ em dưới 3 tuổi bị nhẹ cân và 54% trẻ em dưới 5 tuổi rơi vào tình trạng còi cọt. Hơn 100.000 người, phần lớn phụ nữ và trẻ em, buộc phải di dời chỗ ở vì xung đột và hạn hán.
THAM NHŨNG NHẤT THẾ GIỚI
Bản công bố hôm 17.11.2009 của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) có trụ sở ở Berlin, Đức, cho biết trong tổng số 180 nước được điều tra, có 129 nước đạt dưới 5 trong thang điểm từ 0 đến 10. New Zealand là quốc gia trong sạch nhất, đứng trên Đan Mạch và Singapore. Còn đứng cuối bảng là Miến Điện, Afghanistan và Somalia.
Afghanistan bị đánh giá nạn tham nhũng "có mặt khắp nơi", và một phần là vì buôn bán nha phiến. Ngày 24.11.2009 vừa qua, ông Fazel Ahmad Faqiryar, Phó Tổng chưởng lý Afghanistan cho biết nước này đang tiến hành điều tra cáo buộc tham nhũng liên quan tới 3 bộ trưởng đương tại chức và 12 cựu bộ trưởng. Một tòa án đặc biệt sẽ sớm được thành lập để xét xử các bộ trưởng đương nhiệm vì theo Hiến pháp Afghanistan, tòa án thông thường không được xét xử các bộ trưởng. Trong số 12 cựu bộ trưởng bị truy tố, có một số hiện đang sống lưu vong ở ngoại quốc. Phó Tổng chưởng lý Phakiria đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Afghanistan và cảnh sát quốc tế phối hợp bắt giữ và dẫn độ những người này về nước.
Đây là quyết định mới nhất của Kabul kể từ khi Tổng thống Karzai tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Afghanistan nhiệm kỳ hai với cam kết nỗ lực chống tham nhũng. Các quốc gia Tây phương đã dọa sẽ rút hết quân lính khỏi Afghanistan và ngừng viện trợ phát triển nếu chính phủ mới của ông Karzai không kiên quyết bài trừ nạn tham nhũng đang tràn lan tại nước này.
Một cuộc thăm dò cho thấy đại đa số người dân Afghanistan tin rằng tình hình tham nhũng tại nước này hiện nay là tồi tệ nhất trong vòng hơn 20 năm qua. Khoảng 60% số người được hỏi nói rằng chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai tham nhũng hơn bất cứ chính quyền nào khác kể từ thập niên 1980, kể cả chính phủ Taliban và chính phủ cộng sản do Nga hậu thuẫn.
Có đến 93% những người tham gia cuộc thăm dò nói họ tin rằng để có được các dịch vụ công cộng thì cần phải trả tiền hối lộ. Khoảng một nửa số người tham gia cuộc thăm dò nói rằng chính họ cũng đã phải trả tiền hối lộ.
Tổ chức Integrity Watch Afghanistan nhận định rằng tham nhũng đã tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia và tình hình bất ổn ngày càng gia tăng ở miền nam Afghanistan có phần liên quan đến khả năng giải quyết tham nhũng và sự yếu kém của chính phủ.
KHÁNG CHIẾN NHỜ THUỐC PHIỆN
Theo Cơ Quan Chống Tội Ác và Ma Túy thuộc Liên Hiệp Quốc (UNODC), các miền quê Afghanistan hiện trồng cây thẩu đủ sản xuất hằng năm 7.700 tấn thuốc phiện, mỗi tấn thu lợi 88.000 đôla.
Nông dân Afghanistan hưởng ứng mạnh mẽ sự khuyến khích trồng nha phiến của Taliban vì đây gần như là cách duy nhất để giải quyết cuộc sống của họ và gia đình họ, trong khi đó Taliban có đủ nguồn lợi để duy trì cuộc kháng chiến.
Taliban thu 60% số lợi tức này từ nông dân để bảo vệ nông dân yên ổn làm ăn, tức trồng cây thuốc phiện. Tính trung bình, Taliban thu lợi khoảng 405 triệu đôla mỗi năm. Họ dùng số tiền bán thuốc phiện và ma túy để tuyển mộ được mỗi năm hơn 10.000 tân binh, trang bị súng trường AK47 và súng phóng lựu RPG-7 rất nguy hiểm... UNODC ước tích giá mua mỗi khẩu AK47 chỉ có 450 đôla và mỗi khẩu súng phóng lựu 600 đôla. Tiền tuyển mộ một lính mới tốn chỉ vào khoảng 200 đôla!
Một bảng đánh giá lực lượng Taliban của tình báo Mỹ tiết lộ hôm 15.10.2009 cho thấy con số chiến binh của nhóm này đã lên tới ít nhất 25.000 người. Viên chức tình báo cho biết lực lượng Taliban đã gia tăng thêm 5.000 quân, hay 25%, trong năm ngoái, nên cuộc chiến chống lại Taliban sẽ trở nên khó khăn hơn.
Trong số 25.000 chiến binh, giới tình báo Mỹ chưa tính số phiến quân “bán thời gian”, tức những người Afghanistan đã đi chôn hay cài bom bên đường và tiếp tế các thứ cho Taliban để lấy tiền. Ngoài ra còn phải tính tới các nhóm thổ phỉ thỉnh thoảng lại gia nhập với Taliban hay các nhóm cực đoan khác đóng ở bên phần đất Pakistan tràn qua.
Nhờ số lính tuyển mộ đông đúc này, Taliban đã thực hiện các chiến thuật giống như ở Iraq: bắt cóc bất cứ người Tây phương nào để đòi tiền chuộc, đánh bom tự chế (IED) vệ đường nơi các lực lượng chính phủ và ngoại quốc thường đi qua, đánh bom tự sát vào các cơ sở chính phủ và quân đồng minh, nhất là đánh bom khủng bố bất cứ cơ sở dân sự hay quân sự nào của chính phủ canh giữ lơ là. Taliban còn ủng hộ các tù trưởng đứng lên giành lại các vùng đất mà quân chính phủ có lực lượng mỏng, không giữ nổi, v.v. Bằng chiến thuật này Taliban đã buộc được quân chính phủ và đồng minh phải co cụm lại để giữ vững vị trí, không dám bung mỏng ra các vùng quê.
Tình hình này dễ dàng tạo cho người dân Afghanistan có cảm tưởng là lực lượng Taliban đang ngày càng lấn lướt, kể cả các vùng đang bị lực lượng Hoa Kỳ và NATO chiếm đóng. Ông Michael O’Hanlon, một chuyên gia quân sự thuộc Viện Brookings Institution ở Washington, nhận xét: “Taliban đang dựng ra bức màn tâm lý rắc rối khá tốt, trước tiên là làm dân chúng có ác cảm với chính phủ Afghanistan, thứ nhì là chinh phục cảm tình trước đây đã bị sức mẻ của dân chúng dành cho họ”.
ĐỐI PHÓ VỚI TÌNH HÌNH
Trong báo cáo khẩn gửi Ngũ Giác Đài cuối tháng 8, Tướng McChrystal, Tư lệnh lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan, nhận định rằng Mỹ có thể thua tại chiến trường Afghanistan nếu không thay đổi chiến lược và không có thêm hỗ trợ mạnh mẽ trong vòng 12 tháng tới. Tình hình an ninh ở Afghanistan rất đáng lo ngại. Taliban liên tục tăng cường các cuộc tiến công vào lực lượng NATO cũng như quân đội và lực lượng an ninh của Afghanistan. Tháng 8 vừa qua trở thành tháng đẫm máu nhất, lực lượng NATO có 74 binh sĩ chết, còn lực lượng an ninh Afghanistan trung bình có 4 đến 5 cảnh sát chết mỗi ngày. Tướng Chrystal đề nghị tiếp tục bổ sung từ 10.000 đến 45.000 binh sĩ cho chiến trường này,
Hôm 2.12.2009, Tổng Thống Obama đã đưa ra sách lược mới về Afghanistan, với những điểm chính như sau:
(1) Gởi thêm đến Afghanistan 30.000 quân chiến đấu trong năm 2010, với một tiến độ nhanh nhất để có thể bảo đảm an ninh cho các trung tâm dân cư chính yếu, làm cho Taliban không còn năng lực lật đổ chính phủ, đồng thời củng cố khả năng của các lực lượng an ninh và chính phủ Afghanistan, để họ có thể lãnh trách nhiệm cho tương lai của Afghanistan.
(2) Kêu gọi các đồng minh của Mỹ đóng góp thêm quân cho cuộc chiến Afghanistan và tin tưởng là các đồng minh này sẽ sẵn sàng.
(3) Rút quân trong vòng 18 tháng: Xúc tiến bàn giao trách nhiệm cho các lực lượng Afghanistan, và rút ra khỏi Afghanistan vào tháng 7 năm 2011.
(4) Xác quyết chiến tranh Afghanistan khác với chiến tranh Việt Nam để dân chúng Mỹ yên tâm rằng Mỹ không thể thua ở Afghanistan. Tổng Thống nói:
"Khác với Việt Nam, chúng ta có liên quân rộng lớn của 43 quốc gia, cùng công nhận tính chính danh của chiến dịch."
"Khác với Việt Nam, chúng ta không phải chống lại một cuộc nổi dậy được dân chúng ủng hộ rộng khắp, và quan trọng hơn cả, khác với Việt Nam, người dân Hoa Kỳ đã bị tấn công một cách tàn độc từ bên ngoài, và vẫn là mục tiêu của những kẻ cực đoan đó…"
KHÁC MÀ GIÓNG
Tuy Tổng Thống Obama nói như vậy, nhưng các nhà báo Tây Phương vẫn cho rằng giữa cuộc chiến tranh Việt Nam và Afghanistan có những điểm gióng nhau như sau:
- Sự tụt giảm, thậm chí thiếu vắng ủng hộ của dư luận đối với cuộc chiến hiện nay, nó không khác gì phong trào phản chiến ở Phương Tây đối với chiến tranh Việt Nam hồi thập niên 1960.
- Uy tín giảm sút của chính quyền Karzai đối với dân chúng của họ cũng như dư luận quốc tế được so với chính quyền của các ông Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ tại Nam Việt Nam, mặc dù đã có cuộc đầu phiếu.
- Sự thiếu vắng, ít ra là theo các nhà chỉ trích, một chiến lược rõ rệt để quân đội chính quy, hiện đại của Hoa Kỳ có thể thắng trong một cuộc chiến kiểu du kích, ở một địa hình phức tạp, trong một xứ sở có nền văn hóa khác lạ.
Ngoài các điểm gióng nói trên, còn có ba điểm gióng quan trọng khác giữa hai cuộc chiến mà các ký giả Tây Phương không nói đến, đó là:
Điểm thứ nhất: Hoa Kỳ chỉ muốn xử dụng các thành phần bản địa thiếu khả năng luôn luôn sẵn sàng tuân hành mệnh lệnh của họ, để họ có thể tự ý điều khiển cuộc chiến mà không bị trở ngại nào, họ đưa quân vào và rút quân ra lúc nào cũng được.
Điểm thứ hai: Hoa Kỳ chỉ huấn luyện và trang bị cho các lực lượng bản địa vừa đủ để tự vệ, thường là yếu kém hơn đối phương, một phần vì sợ các lực lượng này không đủ khả năng chiến đấu, sẽ để các trang bị của họ lọt vào tay địch; phần khác vì sợ các lực lượng này khi mạnh lên sẽ biến thành một chính quyền có khả năng tự chủ, không còn lúc nào cũng phải thi hành mệnh lệnh của Mỹ nữa. Đây là một lý do chính khiến Mỹ thất bại trong chiến tranh Việt Nam.
Hoa Kỳ chỉ huấn luyện và trang bị cho các lực lượng bản địa mạnh khi Hoa Kỳ quyết định “rút lui trong danh dự”, để các lực lượng này có thể đứng vững trong một thời gian vừa phải (decent interval) mới sụp đổ. Hoa Kỳ sẽ đổ lỗi cho họ yếu kém chứ không phải do Hoa Kỳ thiếu trách nhiệm.
Điểm thứ ba: Hoa Kỳ mở cuộc chiến hay ngưng cuộc chiến là do quyền lợi của Hoa Kỳ chứ không phải do quyền lợi của nước bản địa. Nước này đã bị xử dụng như một con bài giai đoạn.
RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Tổng Thống Obama nói: "Chúng ta không để cho al-Qaida có chỗ trú ẩn an toàn. Chúng ta phải đảo ngược sức mạnh của Taliban để chúng không còn năng lực lật đổ chính phủ. Và chúng ta phải củng cố khả năng của các lực lượng an ninh và chính phủ Afghanistan, để họ có thể lãnh trách nhiệm cho tương lai của Afghanistan”.
Với lời tuyên bố này, chúng ta thấy trong giai đoạn sắp tới, quân đội Mỹ và khối NATO dự tính thực hiện ba nỗ lực chính sau đây:
1.- Phá khu an toàn của quân nổi dậy
Trong suốt thời kỳ dài của cuộc chiến Afghanistan và Iraq, lực lượng Taliban đã dùng vùng đồi núi giáp ranh giữa Afghanistan và Pakistan làm “khu an toàn” của họ và từ đó mở các cuộc tấn công. Bảy khu bộ tộc tự trị dọc biên giới Tây Bắc của Pakistan được coi là “thiên đường” cho al-Qaeda kể từ sau khi Taliban bị thất bại ở Afghanistan năm 2001. Đến năm 2009, lực lượng Taliban dần dần nắm quyền kiểm soát cả vùng thung lũng Swat của Pakistan sát biên giới, chỉ cách thủ đô Islamabad của Pakistan vài giờ xe. Chính phủ Pakistan đã ký một thoả thuận hoà bình với quân Taliban tại Swat hồi tháng 2, cho phép áp dụng luật Sharia tại khu vực này. Hành động này đã bị Mỹ chỉ trích kịch liệt.
Trước đây, Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ Tổng Thống Musharraf của Pakistan với hy vọng ông ta sẽ cùng Hoa Kỳ các mở các cuộc hành quân ở vùng biên giới để tảo thanh lực lượng Taliban. Nhưng Taliban đã dọa nếu chính quyền Pakistan xâm phạm khu an toàn của họ, họ sẽ biến toàn đất nước Pakistan thành biển máu, nên ông Musharraf không dám. Tháng tám năm 2008, Tổng Thống Musharraf đã phải từ chức.
Hiện nay, bị áp lực của Hoa Kỳ, Thủ tướng Pakistan Yusuf Raza Gilani đã ra lệnh mở các cuộc tấn công vào an toàn khu của Taliban. Ông nói:
"Đây không phải là một cuộc chiến bình thường. Đó là chiến tranh du kích. Đó là cuộc chiến của riêng chúng tôi. Một cuộc chiến vì sự sống còn của đất nước".
Tuy Thủ Tướng Gilani nói như vậy, nhưng trong thực tế đây là cuộc chiến vì áp lực của Hoa Kỳ. Pakistan đang khai triển khoảng 15.000 quân để đối đầu với khoảng 4 hay 5 ngàn chiến binh Taliban. Cuộc chiến từ Afghanistan đã lan vào Pakistan và toàn đất nước Pakistan đang bị biến thành biển máu như Taliban đã đe dọa.
Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc chiến đã buộc khoảng 200.000 người phải di tản, và hơn 300.000 người khác đang trên đường hoặc chuẩn bị di tản khỏi nơi ở.
2.- Làm cho tình hình ổn định hơn.
Tổng Thống Obama tuyên bố lực lượng 30.000 quân sắp được tăng cường sẽ tấn công vào các thành phần nổi dậy để “bảo đảm an ninh cho các trung tâm dân cư chính yếu”. Nhưng nhiều người tin rằng với khoảng 100.000 quân Mỹ và 45.000 quân NATO mà phải bình định một đất nước rộng gấp đôi Việt Nam với địa thế phức tạp là chuyện khó thực hiện được. Lực lượng này chỉ có thể bình định các vùng xung quanh thủ đô Kabul và các tỉnh phía Nam để giúp chính quyền Kabul có thể đứng vững trong thời gia từ một tới hai năm sau khi Mỹ rút mà thôi. Taliban và các bộ tộc vẫn làm chủ các vùng rừng núi phức tạp.
3.- Củng cố lực lượng bản địa
Afghanistan hiện có lực lượng cảnh sát khoảng 60.000 người. Nước này đang đặt kế hoạch tuyển dụng thêm 20.000 cảnh sát khác đưa con số lên tới 80.000 người. Dù về mặt chính thức, cảnh sát chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự dân sự, các lãnh đạo quân sự địa phương và vùng tiếp tục nắm quyền kiểm soát tại những vùng chưa ổn định. Cảnh sát thường bị buộc tội đối xử không thích hợp và tra tấn các tù nhân.
Tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh Mỹ thuộc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế do NATO đứng đầu (ISAF) tại Afghanistan, đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ cho quân đội nước này. Quân đội Afghanistan hiện có khoảng 80.000 binh sĩ và dự kiến sẽ tăng lên 134.000 quân vào năm 2011.
Afghanistan hiện tại có một quân đoàn không quân với hơn 30 trực thăng do Nga lắp ráp. Các máy bay vận tải do Mỹ và các quốc gia đồng minh đóng góp.
Mỹ đã cung cấp khoảng 600 chiếc xe bọc thép Humvees và hơn 6.000 súng trường M16 cho các binh sĩ Afghanistan nhằm thay thế súng AK-47 do Nga chế tạo và đã được xử dụng trong nhiều thập niên. Afghanistan sẽ trang bị 150 máy bay chiến đấu vào năm 2016?
Việt Nam Cộng Hoà trước khi mất đã có khoảng 1.200.000 quân được tổ chức, huấn luyện và trang bị rất chu đáo, có khả năng chiến đấu gấp một trăm lần lực lượng của Kabul hiện nay, nhưng vì cấp lãnh đạo quốc gia quá yếu kém về cả chính trị lẫn quân sự, nên đã để miền Nam bị mất một cách nhanh chóng.
Chính quyền Kabul hiện nay, dù được trang bị và huấn luyện thêm, vẫn yếu kém hơn chính quyền miền Nam trước đây rất nhiều về cả mặt chính trị lẫn quân sự, làm sao có thể giữ vững được một đất nước có địa hình và nhân tình rất phức tạp sau khi lực lượng của Mỹ và NATO rút?
Nếu chính quyền của đảng Cộng Hoà Mỹ không quá quan tâm đến việc khai thác dầu lửa ở Iraq, tập trung lực lượng vào cuộc chiến Afghanistan, tình hình bây giờ sẽ tốt hơn, uy tín của Mỹ sẽ tăng lên và thế giới sẽ yên bình hơn. Nhưng quyền lợi về dầu lửa của các nhóm tư bản Mỹ đã vượt lên trên quyền lợi của nước Mỹ và của thế giới.
Nhiều người vẫn tin rằng rồi Hoa Kỳ cũng giải quyết cuộc chiến Afghanistan gióng giải quyết cuộc chiến Việt Nam. Trong bài “Đồng Minh lại tháo chạy” phổ biến trên các báo và Website ngày 11.2.2009, chúng tôi đã kết luận:
“Qua kinh nghiệm “Đồng Minh tháo chạy” ở Nam Việt Nam, với các kế hoạch mà Tổng Thống Obama và Bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra, chúng ta thấy lịch sử đang tái diễn tại Afghanistan: Trước khi trao quyền lại cho chính quyền Afghanistan và bỏ chạy, Hoa Kỳ đã tăng thêm quân để gây thiệt hại nặng cho phe kháng chiến và đẩy phe này ra xa thủ đô Kabul, đồng thời cũng cố cho chế độ ở Kabul vững mạng hơn lên, để tạo ra một gian đoạn mà Kissinger gọi là “decent interval”, tức một “khoảng cách vừa phải”. Đây là khoảng cách được ước tính từ một đến hai năm, một khoảng cách mà phiếm quân có thể kiện toàn lại lực lượng và tiến chiếm Kabul. Lúc đó, Mỹ và liên quân đã bay xa rồi!”
Bao giờ chúng ta thấy một cuộc phản chiến được phát động mạnh mẽ trên đất Mỹ này, chúng ta có thể đoán được ngày tận số của chính quyền Kabul đang tới.
Ngày 8.12.2009