Sonntag, 13. Dezember 2009

Cái thằng phải gió nó đè em ra ...

Sau kỳ dự hội nghị khoa học tại Bắc Kinh, tôi lên máy bay hướng thẳng đến Hàng Châu ngay chiều bế mạc. Cách Bắc Kinh gần hai tiếng đồng hồ về phía Nam, Hàng Châu có nền văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử, Hồ Tây thơ mộng và những đồi trà tươi mát. Người Trung Hoa vẫn thường truyền miệng nhau, "Trên có thiên đàng, dưới có Hàng Châu".

Máy bay đáp xuống phi trường vào gần 12 giờ đêm. May mắn, tôi được người đồng nghiệp mới quen dạy tại Đại học Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University) giới thiệu em cựu sinh viên đang học tại Đại học Zhejiang tại Hàng Châu. Em sinh viên nửa đêm lặn lội ra phi trường đón tôi và cùng sắp hàng hướng dẫn đón taxi về khách sạn. Trước khi chia tay, vì không thể dẫn tôi đi thăm Hàng Châu ngày hôm sau, em sinh viên đã không quên giới thiệu cho tôi một thiện nguyện viên khác mà sau đó tôi mới biết là trưởng nhóm của một dự án thuộc Văn phòng Quảng bá Đầu tư vào Hàng Châu và tỉnh Zhejiang.

Điểm đầu tiên là chùa Lệ Phong (Leifeng), một trong mười thắng cảnh nổi tiếng của Hồ Tây. Chùa Lệ Phong được xây vào năm 975 vào thời Ngũ Đế bởi vua Qian Hongchu của nước Wuyue. Ngôi chùa 5 tầng xây bằng gạch và gỗ đã đứng vững với thời gian trải dài hơn 9 thế kỷ, và bị đổ năm 1924 do người dân lấy dần đi những viên gạch để làm kỷ vật mang đến may mắn. Huyền thoại dân gian Trung Hoa "Bạch Xà và Lục Xà" cũng bắt nguồn từ ngôi tháp này.

Tòa tháp 5 tầng được xây lại theo mô hình kiến trúc cũ với vật liệu mới. Bên trong chân tháp, những nền móng và chân tường của tháp cũ được bảo quản trong nhà kính thật rộng. Du khách có thể thấy những cột gỗ chống đỡ những chân tháp bằng gạch đang bị nghiêng đổ. Kiến trúc và vật liệu xây dựng cũ được bảo tồn bằng vật liệu và trụ cột mới, làm tăng thêm vẻ đa dạng và sự quý trọng văn hóa lâu đời của người Hàng Châu.

Nhìn từ tầng cao nhất, du khách có thể thấy toàn cảnh của Hồ Tây. Xa xa, loáng thoáng một vài chiếc ghe tam bản đưa du khách qua lại. Mùa thu Hàng Châu làm cho cây lá đổi màu xanh lục, đỏ, cam, vàng, nâu, xen kẽ trong những ngôi chùa cổ kính, vây quanh bởi hồ nước rộng mênh mông vẽ nên bức tranh thủy mạc rực rỡ muôn màu. Tuy phong cảnh hữu tình và thơ mộng, du khách dễ dàng cảm nhận được bầu trời u ám mây mù và màu nước đục ngầu, có lẽ do ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Buổi trưa, mặc dù phải bỏ cả ngày để tiếp tôi, anh TNV nhất định mời tôi đi ăn trưa với vợ con anh và gia đình một người bạn thân. Hai người bạn là người Hoa gốc Mông Cổ. Phần phía Bắc của Mông Cổ là một nước Cộng Hòa, và phần phía Nam nay thuộc Trung Hoa. Quán ăn Theme là một trong những ngôi nhà cũ nằm trong khu phố cổ. Nghe nói chính quyền đã tài trợ cho dân cư trong vùng sửa sang sơn phết lại nhà cửa, đôi khi trở thành những nhà trọ hay quán ăn, và dọn sạch đường phố để thu hút du khách. Anh TNV giới thiệu tôi một vài món ăn cổ truyền trong đó có thịt vịt lạnh ướp thuốc, rồi măng ngâm muối, v.v... Có lẽ, không sự giao lưu văn hóa nào hay hơn là con người, thắng cảnh, kiến trúc, ngôn ngữ, và các món ăn...

Chính quyền của đất nước khổng lồ đói ăn Trung Hoa đã làm nhiều điều sai khuấy đối với người dân và những nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cảm nhận của tôi là chính quyền đã làm một điều tốt cho đất nước họ: quyết tâm và nghiêm túc bảo tồn nền văn hóa lâu đời ở Hàng Châu.

Hàng Châu như một thiếu nữ chưa bị nét phấn son của thành thị che đi vẻ chất phác miền quê. Trên đường đi thăm làng trà, anh tài xế Taxi đưa chúng tôi đi qua một vài trường nổi tiếng như Viện Nghệ thuật Trung Hoa (Chinese Academy of Arts) và đại học Zhejiang. Anh cũng không quên giới thiệu những nơi tiếp thị của các hãng xe nổi tiếng và đắt tiền như Rolls Royce, Ferrari và Porche đang từ từ mọc lên để đáp ứng nhu cầu dân cư. Nghe nói, một số doanh nhân nổi tiếng và nhà giàu Trung Hoa có nguồn gốc từ Hàng Châu. Trên những con đường chính, dây điện được chôn ngầm dưới đất. Đặc biệt, người dân dùng rất nhiều xe đạp điện xen lẫn với xe đạp thường, xe máy nổ, và xe hơi.

Làng trà nằm trên đồi cao. Từ những căn nhà của dân địa phương, những đồi trà có thể thấy trong tầm nhìn của du khách. Nhờ sự giao tiếp tận tình của anh TNV, chúng tôi được thử trà mà không bị bắt buộc phải mua như những tiệm khác. Trà được chia làm nhiều loại. Loại trà cám được đóng gói trước trong bao nhỏ là loại kém chất lượng nhất, kế đến là trà vụn do lá và cuống cắt nhỏ ra. Càng lên ngọn, lá trà càng quý. Có loại trà nguyên lá, không cắt nhỏ, và vo tròn phơi khô. Có loại trà chỉ toàn là những đọt chồi rất non, lá rất nhỏ, và được ngắt vào đầu mùa tức cuối tháng Ba hay đầu tháng Tư. Chúng tôi được thử loại trà đọt non chồi này. 

Ngồi nhâm nhi trà thượng hạng Longjing trong không khí đồi cao mát mẻ, tôi chợt nghĩ đến những đồi trà tại Bảo Lâm, Bảo Lộc nơi quê nhà. Tai tôi chợt nghe văng vẳng nhạc phẩm "Sơn nữ ca" của nhạc sĩ Trần Hoàn:

"Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây.
Sơn nữ ơi! Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ nay nước mắt đầy vơi.
Sơn nữ ơi! Thời gian lôi cuốn bao lần bên rừng đầy hương bát ngát trời thu
Sơn nữ ơi! Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương."

Không riêng gì Nhạc sĩ Trần Hoàn, Nhạc sĩ Tô Hải đã từng rung động trước cảnh đẹp và "Nụ cười sơn cước":

"Ai về sau dãy núi Kim Bôi, nhắn giùm tim tôi chưa phai mờ, hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh, với nụ cười nàng quá xinh ..."

Nơi quê nhà, đã bao năm tiếng súng và khói súng đã chìm vào quên lãng của dòng thời gian. Những đồi trà, cà phê, những rừng cây xanh ngát của Tây Nguyên hẳn sẽ là những điểm du lịch thơ mộng và thu hút hàng ngàn du khách thập phương. Nhưng, sự thiếu vắng những đồi trà, những rừng cây xanh mườn mượt sẽ làm tan biến những bóng dáng cô sơn nữ, những nụ cười sơn cước vui đùa khúc khích bên dòng suối nên thơ, bên những bản làng mộc mạc. Cơ thể của đất nước đang bị tàn phá bởi sự tham lam, ngu dốt và độc đoán của con người. Hơi thoát ra từ ly trà nóng Hàng Châu hay điều gì đã làm mắt tôi cay tự bao giờ ...

Quá khứ sống lại trong hiện tại, quê nhà trong khung cảnh quê người, tôi tạm gán ghép cái cảm nhận buồn vui của lữ khách xa nhà qua mấy câu ca dao truyền miệng trong dân gian:


"Hôm xưa em đi hái chè,
Có thằng phải gió nó đè em ra,
Em lạy mà nó chẳng tha
Nó đem đút cái mả cha nó vào..."

Bỏ mặc anh TNV ngồi một mình, tôi hình dung một dân tộc Việt Nam hiền hòa và thân thương như những cô sơn nữ hái trà đang bị "những thằng phải gió" hãm hại. Những thằng phải gió kinh niên đã bị vòng kim cô của triết lý không tưởng bó chặt vào đầu, đưa vào cơ thể nước Việt những suy nghĩ hoang dại, vô nhân bản, tham tàn và độc ác.

Không đúng đâu, tôi ơi! Những phụ nữ Việt Nam đã là những Hai Bà Trưng, bà Triệu hùng dũng của ngày xưa, và những Dương Nguyệt Ánh, Lê Thị Công Nhân, Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiên, mẹ Nấm, v.v... của ngày nay. Lịch sử Việt Nam, lúc thịnh hay suy, khi nào cũng có những phụ nữ duyên dáng xinh tươi nhưng rất kiên cường đối với giặc ngoại xâm ... và cả nội gian.

"Hôm nay em lên đồi chè,
Kiếm thằng phải gió em ghè nó ra,
Bao nhiêu xảo trá, điêu ngoa,
Tẩy cho sạch cái mả cha thằng nào"


Mong vẻ đoan trang và niềm kiêu hãnh của miền sơn cước làm "thằng phải gió" suy nghĩ lại, ... dù chỉ một lần. Mong ngày cô gái Việt được hồng hào, tô điểm lại nét son duyên dáng của ngày nào. Xin cám ơn Hàng Châu đã cho tôi mượn cảnh để gieo cảm xúc của người xa xứ.

"Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ
Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống dần ... đợi chờ ai đây? ..."

Lê Minh Thịnh
Singapore, ngày 13-12-2009