Samstag, 19. Dezember 2009

Thế là sông cạn, thế là bể dâu!

Nguyễn Ðạt Thịnh


Tờ báo quốc nội Tintuc online, ngày thứ Hai mùng 7 tháng Chạp 2009 phổ biến bài báo mang cái tựa êm như một câu thơ, tôi mượn cái tựa êm tai đó làm tên cho bài báo này, với ao ước cảnh sông cạn sẽ đưa đến diễn tiến bể dâu như tác giả hàm ý.
Bài báo nguyên thủy của tờ Tin Tức online không mang tính chất một bản tin, vì sông Hồng cạn nước, không phải là việc mới đột ngột xẩy ra, mà là hiện tượng từ từ diễn tiến, kéo dài từ nhiều tháng nay; cuối bài tờ Tin Tức online ghi “theo Võ Thị Hảo”. Có thể đây là một đoản văn của nữ sĩ Võ Thị Hảo.

Võ thị Hảo là một nhà văn sinh ngày 13 tháng Tư 1956 tại Nghệ An; cô tốt nghiệp Văn Khoa năm 21, viết nhiều sách, cộng tác với nhiều tờ báo tại Thành Hồ. Tôi để ý đến cái tên hai vế của bài báo. Vế thứ nhất “thế là sông cạn”, là một phần của từ ngữ “sông cạn, đá mòn” mô tả hai việc khó xẩy ra, được những người yêu nhau dùng để mô tả tính bền chặt mối tình của họ, “dù cho sông cạn đá mòn/tình anh yêu mợ vẫn còn đắm say.”

Hai chữ “bể dâu” trong vế sau, ngầm tiên đoán một biến chuyển lón cỡ cuộc đổi đời của người Việt năm 1975.

Võ thị Hảo viết, “Chuyện hy hữu trăm năm bây giờ đã thấy. Người dân Hà Nội đi bộ qua đáy sông Hồng. Và người ta trồng rau, đậu, ngô, lạc, và có thể trồng cả dâu (mang cái ý biển cả > nương dâu) nếu muốn; trồng ngay ở đáy sông, nơi mà hàng ngàn năm nay là nơi cư ngụ bình yên của Long vương, chỉ một lần bay lên khỏi mặt nước để tạo cái tên thành “Thăng Long” cho Hà Nội ngày xưa.

Như thế là Sông Hồng - con sông Cái - con sông Mẹ - nay đã trơ đáy.
Con sông Mẹ phì nhiêu, hồng hào, bầu sữa tưởng không bao giờ cạn nuôi dưỡng cho cả vùng đồng bằng Bắc Việt rộng lớn, bây giờ trở nên cạn kiệt, thoi thóp quằn quại mà di chuyển, đứt đoạn, nằm phơi mình nứt nẻ trong thương tích lở lói.

Đáy sông nhiều nơi là nghĩa địa của những con thuyền mắc cạn; mắc cạn cả xóm chài, trước vốn đã nghèo nay càng xơ xác. Người chài lưới ngẩn ngơ đi lại trên đất nứt nẻ, cạnh vũng nước ao tù đen ngay giữa đáy sông, ngậm ngùi đi nhặt rác sống qua ngày, ngắc ngoải đợi ngày sông Mẹ hồi sinh, lại hào phóng đem bầu sữa hồng hào tưới tắm cho dân sinh mong manh đang gặp nhiều cơn khốn quẫn.

Thế là sông cạn. Thế là bể dâu!

Nghe buồn như một tiếng rên rụng rời trong hoàng hôn.
Còn nhớ dịp này năm ngoái, Hà Nội ngập trong nước lụt, gây hãi hùng tới mức nhiều nhà báo đã mau mắn gọi đó là nạn “Đại hồng thuỷ”. Ai có thể ngờ trời chỉ mới mưa có vài ngày mà đã có một số người chết đuối ngay trên đường phố. Xe chết máy lũ lượt. Nước bẩn dềnh lên ngập ngụa rác rưởi và nước cống. Dân tình nháo nhác chạy lụt. Có những vùng dân cư bị nước cô lập, đành ngồi trên mái nhà chờ mì tôm cứu đói.

Ngập và hạn. Bão và lũ. Triều dâng ngập phố Sài Gòn ở phương Nam. Những dấu hiệu cực đoan, không thể đoán trước của khí hậu. Bãi bể nương dâu không còn là những câu nối mang tính ẩn dụ nữa, mà là sự thật đến, hiển hịên tức khắc, nhỡn tiền. Một sự cảnh báo cấp thiết cho con người. Tương tự lời cảnh báo của Thượng đế hoặc của ông Bụt cho loài người biết để mau chóng tìm một chiếc phao cứu sinh ào đó mà sống sót.

Nhìn những cảnh bể dâu đó, sông cạn đá mòn đó, ai cũng biết rằng không chỉ do thời tiết, do khí hậu, mà góp phần không nhỏ là do sự thiển cận và nhiều tác động khác của con người. Và nhìn, mà không thể không ớn lạnh nghĩ đến cái ngày đất trời nổi giận.

Cái ngày mà trái đất quyết định không chứa loài người này nữa. Không kham nổi cái lũ được nâng niu nuôi dưỡng từ mẹ Đất, nghiễm nhiên được nhặt nhạnh các sản vật từ đất để đói ăn khát uống. Thế mà đã quá tham lam, đã quá lạm dụng, đã làm tổn thương mình mẩy mẹ đất quá nhiều. Và cái lũ được gọi là người đó, vừa phá phách, vừa phỉ nhổ vào mẹ Đất, trong khi vẫn thường tự biết và tự nói rằng chính giống loài mình đã tệ mạt và đồi bại đến mức cần phải đập bỏ loài người này đi, cần có một ngày tận thế để làm lại một giống người khác tử tế hơn.

Và thế là loài người bị ám ảnh ngày tận thế.

Chưa ai thấy tận thế, nhưng luôn luôn ký ức ấn tượng nhất của loài người là ký ức về ngày tận thế và những bài kinh, những khấn nguyện cầu mong sống sót, mong được tha thứ.
Tác giả bài báo viết ở hải ngoại này cũng muốn viết lên một lời khấn nguyện cho Hà Nội không tận thế mà chỉ cho chế độ Hà Nội bị tận diệt.

Xin mượn thể thơ viết sấm mơ hồ của cụ Trạng Trình đời xưa để viết hai câu sấm mới:
Cờ hồng cắm đáy sông Hồng
Sông Hồng cạn nước, cờ hồng trôi đi.

Khấn nguyện cụ Trạng Thịnh cho sấm Trạng Trình cũng ứng nghiệm như sấm của cụ; mà dù không ứng nghiệm thì cứ rủa mãi cũng đủ làm quân độc ác Việt Cộng nhức đầu mà chết.