Duy Anh
Trên lý thuyết, việc đổi tiền cộng với sự loại bỏ một loạt con số không đàng sau một đồng tiền đã mất giá quá nhiều không phải là một chuyện xấu. Trong lịch sử đã từng xảy ra rất nhiều các cuộc đổi tiền, tiến hành bởi những chính phủ khác nhau trên thế giới. Có những trường hợp bắt buộc phải làm, chẳng hạn như sau Thế Chiến Thứ Hai, đồng Reich Mark của Đức Quốc Xã được đổi thành đồng Deutsche Mark của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Hay sự thành lập của đồng Euro trong mục đích thống nhất hệ thống tiền tệ Âu Châu.
Sonntag, 13. Dezember 2009
Một vài nhận xét về đổi tiền
Những lý do cần đổi tiền
1. Sự tiêu hủy của một chính thể tiếp theo một cuộc chiến hay một biến cố chính trị
Đây là một sự hiển nhiên như sau cuộc chiến Việt Nam với sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, đồng tiền VNCH không còn lý do gì để tồn tại nữa. Cũng có nhiều trường hợp khi một chính phủ bị sụp đổ vì lý do chính trị (đảo chánh, bầu cử tự do…) những đồng tiền có mang hình ảnh người thủ lãnh cũ sẽ bị thay thế sau một thời gian nhất định vì không còn phù hợp nữa.
2. Cải tổ tiền tệ nhằm chấm dứt tình trạng lạm phát phi mã
Lạm phát phi mã thường xảy ra khi một chính phủ không kiểm soát nổi tình trạng lạm phát trong nước vì đã ban hành những chính sách về tiền tệ không thích hợp. Nước Đức sau Thế Chiến Thứ Nhất cũng đã từng trải qua một giai đoạn siêu lạm phát vào năm 1923 và sau đó, công việc đổi tiền 1 tỷ đồng Mark cũ ăn một đồng Mark mới đã mang lại niềm tin của dân Đức đối với đồng tiền của quốc gia mình. Gần đây nhất, những cuộc đổi tiền của Thổ Nhĩ Kỳ (NPR, 2009) và Ghana đã có một số thành công nhất định vì một trong những lý do lớn nhất của lạm phát phi mã là tâm lý hoảng loạn của người dân. Tháng 5, 2005, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đổi 1 triệu đồng Lira cũ thành 1 đồng Lira mới (bỏ đi 6 con số không). Tháng 12, 2006 ngân hàng Ghana cũng quyết định đổi 10 ngàn đồng Cedi cũ thàng 1 đồng Cedi mới. (Wanted in Africa, 2006).
3. Loại bỏ những hậu quả của lạm phát trước đó
Có những trường hợp sau khi kinh tế đã ổn định trở lại, một chính phủ có thể quyết định đổi tiền nhằm loại bỏ những tồn đọng của thời kỳ lạm phát vừa qua. Chẳng hạn những chi phí dịch vụ hay chi phí trao đổi có thể vẫn nằm ở mức cao mặc dù lạm phát đã ổn định khiến sinh hoạt kinh tế bị gặp trở ngại. Hiện tượng này gọi là sự “kết dính” của giá cả (sticky prices) mà biện pháp tốt nhất là tháo bỏ những con số không của một đồng tiền để tái lập một trật tự mới. Nước Pháp năm 1960 cũng đã từng đổi 100 đồng Franc cũ ăn 1 đồng Franc mới (Nouveau Franc). Sau một thời gian sử dụng, chữ Nouveau bị loại bỏ và người sử dụng trở lại chữ Franc để nói về tiền của nước Pháp.
4. Những yếu tố chính trị đòi hỏi sự thành lập của một đồng tiền mới
Một số trường hợp vì lý do chính trị cũng đòi hỏi phải có đổi tiền như trong những trường hợp thống nhất hay chia cắt đất nước sau những biến cố chính trị. Sự sáp nhập Đông Đức vào Tây Đức năm 1990 hay Miền Nam Việt Nam vào Miền Bắc Việt Nam sau 1975 bắt buộc sự thành lập của những đồng tiền mới. Sự tách rời của Tiệp Khắc năm 1993 hay của các quốc gia cũ trong Liên Bang Sô Viết cũng đưa đến những công cuộc cải tổ tiền tệ mà việc đổi tiền là một chuyện bắt buộc.
5. Những yếu tố khác đưa đến đổi tiền
Ngoài những lý do kể trên, còn một số lý do khác về kinh tế hay về thực dụng có thể dẫn đến việc đổi tiền của một quốc gia hay một vùng kinh tế. Sự thành lập của đồng Euro là một ví dụ hay nhất vì lý do kinh tế và thực dụng. Đồng Euro là một cải tổ quan trọng trong chính sách tiền tệ của khối Âu Châu Thống Nhất, đưa đến sự giảm thiểu các chi phí trao đổi (transaction costs) giữa các quốc gia Âu Châu với nhau. Từ khi có đồng Euro, các quốc gia Âu Châu không còn phải hoán chuyển ngoại tệ với nhau và làm giảm đi đáng kể các chi phí hối đoái.
Các tổ chức tài chánh với qui mô toàn cầu như IMF, World Bank vẫn thường khuyên các quốc gia có những đồng tiền bị phá giá quá lớn (như Việt Nam, Zimbabwe…) nên tiến hành đổi tiền và loại bớt những con số không vô nghĩa một khi đã ổn định được tình hình kinh tế của quốc gia mình. Một sự đồng nhất tương đối giữa các đồng ngoại tệ với nhau phần nào giúp cho sự trao đổi thương mãi toàn cầu được tiện lợi hơn.
Ảnh hưởng của việc đổi tiền đối với khối lượng tiền tệ trong một quốc gia
Mỗi quốc gia phát hành một lượng tiền nhất định, đủ cho những sinh hoạt trao đổi của quốc gia đó. Theo thể chế phân đoạn dự trữ được sử dụng trong hệ thống ngân hàng ngày nay, lượng tiền ban đầu này được nhân ra theo hệ số gọi là “money multiplier” tùy theo tỉ lệ các ngân hàng phải ký quỹ với ngân hàng trung ương để trở thành một tổng thể lượng tiền lớn hơn nhiều lần gọi là “money supply” của một quốc gia tức là khối lượng tiền hiện sẵn có để sử dụng của một quốc gia trong một thời điểm nào đó.
Có nhiều cách định nghĩa money supply và cách thông thường nhất là chia thành các Ms. Sau đây là một cách phân loại lưu lượng tiền một cách đơn giản nhất:
-M0: gồm tiền keng và tiền giấy đang lưu hành cũng như cất giữ trong ngân khố của các ngân hàng.
-M1: gồm M0 + các tài khoản vãng lai (checking accounts) trong các ngân hàng.
-M2: gồm M1 + các tài khoản tiết kiệm (saving accounts) trong các ngân hàng + các tài khoản ký quỹ có thời hạn (time deposits) dưới $100,000 và money market deposit của tư nhân. Nói chung M2 là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá lạm phát cũng như hiệu quả của các chính sách tiền tệ vì bao gồm những khối lượng tiền được trao đổi thường xuyên trong một nền kinh tế.
-M3: gồm M2 + những tài khoản tiết kiệm lớn và tài khoản money market của những cơ sở tài chánh lớn. Trên lý thuyết, những tài khỏan này không biến động nhiều nên hiện nay không được sử dụng rộng rãi như M2.
Như vậy, trên nguyên tắc, loại bỏ một loạt những con số không trên một đồng tiền chỉ là một qui ước không làm ảnh hưởng gì đến tỉ lệ các Ms. Trên phạm vi hối đoái, việc thay đổi mệnh giá đồng tiền cũng được thay đổi theo tỉ lệ nên cũng không có tác động gì. Thông thường, việc đổi tiền với sự loại bỏ những con số không vô nghĩa được xem như là một sự cố gắng của chính phủ nhằm ổn định ngân sách nhà nước (cắt giảm chi phí để cân bằng ngân sách) và thường được tiến hành khi kinh tế đã có phần khả quan hơn.
Cách tiến hành đổi tiền hợp lý
Công tác đổi tiền là một biến cố lớn cho sinh hoạt xã hội cho nên cách tiến hành cần một số thủ tục cần thiết nhằm mang lại những hiệu quả tốt nhất và tránh những xáo trộn không cần thiết.
1. Chọn thời điểm thích hợp
Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp để chận đứng hiện tượng siêu lạm phát vì lý do tâm lý, công tác đổi tiền thường nên tiến hành trong những thời kỳ tương đối ổn định của nền kinh tế. Ví dụ khi tình trạng lạm phát đã tạm lắng và kinh tế đã có những bước hồi phục nhất định. Ngoài ra, sự hứa hẹn của một nguồn thu nhập mới cho ngân sách nhà nước như trúng mùa, xuất cảng gia tăng, phát hiện thêm nguồn tài nguyên mới cũng là những yếu tố tốt để tiến hành đổi tiền. Kinh nghiệm đổi tiền của nước Đức năm 1926 dựa vào một trúng mùa lúa mạch đã góp phần vào sự thành công của công tác đổi tiền vào năm đó.
2. Công tác sửa soạn về tâm lý
Mục tiêu chính của công việc đổi tiền phải là từ ý muốn của chính phủ mang lại một sự ổn định về sinh hoạt xã hội cho người dân, do đó công tác chuẩn bị tâm lý phải được tổ chức một cách chu đáo và được sự chấp nhận của mọi tầng lớp trong xã hội. Một trong những yếu tố quan trọng nhất là người dân phải hiểu được là tài sản của họ hoàn toàn được pháp luật bảo vệ và việc đổi tiền chỉ làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
Những âm mưu của nhà nước độc tài nhằm tước đoạt tài sản của người dân luôn luôn sẽ để lại những hậu quả hết sức tại hại về sau.
3. Sự trong sáng trong công tác đổi tiền
Mọi động tác của chính phủ cần được thông báo từ trước, tránh những vụ đổi tiền bất ngờ rất dễ gây tâm lý hoang mang. Một công cuộc đổi tiền hợp lý không bao giờ ấn định số lượng tiền được đổi, tức có bao nhiêu được đổi bấy nhiêu và ngoài ra rất cần một thời gian chuyển đổi trong đó cả hai đồng tiền mới và cũ được sử dụng song song. Thời hạn hợp lý là 6 tháng, đủ để ngân hàng trung ương thu lại hết và chấm dứt việc sử dụng đồng tiền cũ. Những tài khoản ngân hàng được tự động chuyển đổi theo thời giá mới và được thông báo đầy đủ cho các thân chủ.
Thay lời kết
Những ngày gần đây, tin tức về vụ đổi tiền tại Bắc Triều Tiên đang là đề tài sôi nổi và chứng minh cho một sự thất bại của công tác đổi tiền nếu không phù hợp với những định luật tự nhiên của kinh tế. Các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của nhà nước nhằm triệt tiêu thành phần kinh tế tư nhân đang có khuynh hướng phát triển và có khả năng làm suy giảm quyền lực của nhà nước độc tài.
Hành động hạn chế mức đổi chỉ còn tương đương với $40 USD đã phát sinh sự bất bình của người dân và bạo loạn đã xảy ra. Một số người đốt tiền tại Hamhung và biểu tình phản đối chính phủ. Hai người buôn tiền bị bắn chết tại Pyongsong khi phân pháp những số tiền lớn cho người khác nhờ đổi dùm. Tại Chongjin, những túi tiền won cũ mang hình ảnh lãnh tụ Kim Il Sung bị mang thả trôi song. Tất cả những sự kiện này chắc chắn sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại cho kinh tế của xứ này (The Wall Street Journal, 2009).
Trường hợp Việt Nam, ba vụ đổi tiền sau 1975 đã được tiến hành trong những hoàn cảnh bất công và không trong sáng đối với xã hội miền Nam Việt Nam cũng đã để lại hậu quả vô cùng tai hại cho đất nước hàng chục năm sau. Sự chống đối ngấm ngầm của người dân miền Nam, nhất là những thành phần có liên quan với chế độ cũ, cộng thêm những chính sách kinh tế sai lầm của nhà nước đã làm cho công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh bị ngăn trở nghiêm trọng.
08/12/2009
Tài liệu tham khảo:
Economy-point.org (2009). Currency reform. Truy cập ngày 8/12/2009 tại:
http://www.economy-point.org/c/currency-reform.html
Encyclopedia.com (2009). Money Supply. Truy cập ngày 8/12/2009 từ:
http://www.encyclopedia.com/doc/1O18-moneysupply.html
NPR (2009). Turkey to Drop Currency Zeros to Battle Inflation. Truy cập ngày 8/12/2009 tại:
http://www.npr.org/templates/story/s...toryId=4632069
The Wall Street Journal (2009). North Koreans Protest Currency Issue. Truy cập ngày 8/12/2009 tại:
http://online.wsj.com/article/SB126029137357982133.html
Wanted in Africa (2006). Economy: Currency reform in the making. Truy cập ngày 8/12/2009 từ:
http://accra.wantedinafrica.com/news...php?id_n=2508#
Wikipedia (2009). Money Supply. Truy cập ngày 8/12/2009 từ:
http://en.wikipedia.org/wiki/Money_supply