Phạm Phan,Thanh Hà
01/12/2009-Mực nước biển dâng cao, nhận chìm nhiều hải đảo, do hạn hán kéo dài gây thiệt hại mùa màng, đất đai bị sa mạc hóa hay, lũ lụt và thiên tai thường xuyên xảy ra. Các làng sóng người tị nạn khí hậu sẽ là một thách thức mới đối với nhiều quốc gia tại
Hàng chục triệu người sẽ phải di dời chỗ ở do mực nước biển dâng cao, nhận chìm nhiều hải đảo ; do hạn hán kéo dài gây thiệt hại mùa màng, đất đai bị sa mạc hóa hay do lũ lụt thường xuyên xảy ra. Tuyết trên dãy Hy Mã Lạp Sơn tan băng phá hủy nhiều vùng đất màu mỡ của châu Á. Các làng sóng người tị nạn khí hậu sẽ là một thách thức mới đối với nhiều quốc gia tại Châu Á.
Theo báo cáo gần đây nhất của Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc, từ nay đến năm 2050 sẽ có hơn 50 triệu người tị nạn vì lý do khí hậu. Nhưng nhiều công trình nghiên cứu khác cho thấy số này có thể lên tới 200 triệu.
Từ 50 triệu đến 1 tỷ người tị nạn khí hậu
Bi quan hơn hiệp hội mang tên Christian Aid của Anh đưa ra con số 1 tỷ người, tức một phần năm nhân loại phải bỏ quên quán từ nay đến giữa thế kỷ và đến năm 2080 sẽ có từ 1 đến ba tỷ người trong tình trạng thiếu nước ngọt để sinh hoạt, từ 200 đến 600 triệu người thiếu ăn. Nạn nhân đầu tiên là dân cư các vùng duyên hải, ở các vùng đồng bằng.
Những kịch bản đen tối nhất đã nói đến nguy cơ mực nước biển dâng cao thêm 2 mét trong chưa đầy một thế kỷ tới, đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của 60% trong số 39 thành phố lớn của thế giới, trong số này phải nói đến New York, Amsterdam, Roma, Thượng Hải, Hồng Kông hay Sydney.
Chỉ riêng tại Đông Nam Á, căn cứ trên giả thuyết mực nước biển dâng cao thêm nửa thước, báo cáo được Quỹ Thế giới Bảo tồn Thiên nhiên, WWF, nêu đích danh 11 thành phố lớn nằm sát ven biển hoặc ở ở các vùng đồng bằng có nguy cơ cao phải đối phó với lũ lụt và thiên tai.
Đứng đầu danh sách đó là Dhaka của Bangladesh, kế tiếp là Jakarta, Manila của Indonesia và Philippines, Calcultta của Ấn Độ. Thủ đô Cam Bốt, Phom Penh đứng hạng thứ 5 ; theo sau là thành phố Hồ Chí Minh, Thượng Hải, Bangkok, Hồng Kông, Kuala Lumpur và Singapore.
Mười một thành phố lớn kể trên có mật độ dân số rất cao và phần lớn trong số này như là Sài Gòn, Bangkok, Jakarta hay Thượng Hải, Singapore lại là những lá phổi kinh tế của châu Á.
Câu hỏi đặt ra là những quốc gia nào, những vùng đất nào có khả năng đón nhận thêm hàng chục thậm chí hàng trăm triệu nạn nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu đó ? Đâu là những thách thức mà hàng trăm triệu -thậm chí cả tỷ- người tị nạn khí hậu đang đặt ra cho các nước liên quan cũng như cho khu vực Châu Á nói chung ?
Bangladesh một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu
Trong báo cáo của WWF, Dhaka đứng đầu danh sách các thành phố bị nhiều thiệt hại nhất do Bangladesh là nơi mà lũ lụt và hạn hán đã thường xuyên xảy ra, thêm vào đó là hiện tượng đất bị ngập mặn.
Trong đợt đại thủy triều năm 1988 ập vào Munshiganj một ngôi làng ở miền đông nam Bangladesh, ruộng lúa từ đó bị ngập mặn, nông dân phải bỏ nghề trồng lúa để chuyển sang nuôi tôm.
Trong hơn 20 năm qua, mực nước biển tại đây liên tục tăng cao, các nguồn nước ngầm cũng đã bị nhiễm mặn. Trong vào năm 2007, sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học trong vùng đã bị đe dọa một cách nghiêm trọng : rừng chàm ngày tràng thưa thớt, không còn chốn nương thân của hàng trăm loài muông thú và bắt đầu đe dọa đến sự sống còng của hàng ngàn cư dân trong vùng đông nam Balgadesh này..
Trong một thời gian đầu phần lớn nông dân cố gắng thích nghi với tình huống, nhưng khi không còn đất trồng trọt, không có công việc làm, không trông cậy vào nguồn cung cấp lương thực thiên nhiên, thì hàng trăm ngàn cư dân ở đây phải đi tìm những vùng đất mới để sinh sống.
Vấn đề đặt ra là khi đã không có phương tiện tài chính, thì những người tị nạn này phải đi đâu để tìm chỗ nương thân ?
Theo một công trình nghiên cứu mới nhất của một nhà khoa học Bangladesh trong một vài thập niên sắp tới, 17% diện tích của Bangladesh -nơi 35 triệu con người đang sinh sống- sẽ bị nhận chìm.
Dhaka hiện đã là thành phố đông dân hạng thứ tư trên thế giới (21 triệu dân vào năm 2015) không đủ khả năng để đón nhận thêm hàng trăm ngàn người tị nạn khí hậu từ các tỉnh thành khác đổ về.
Trong khi đó, bản thân Dhaka là một trong số 11 thành phố bị coi là bị hiện tượng biến đổi khí hậu đe dọa nặng nhất tại châu Á.
Như vậy, hiện tượng di dân không còn là một vấn đề riêng của Bangladesh mà còn liên quan đến cả nhiều nước láng giềng như Ấn Độ hay Miến Điện : cả hai cùng đang phải đương đầu với vấn đề dân số và môi trường.
Cam Bốt, vùng đất dung thân cho những người tị nạn môi trường Việt Nam ?
Liên quan trực tiếp đến Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh cũng có tên trong "danh sách đen" của Quỹ Thế giới Bảo tồn Thiên nhiên. Trước đây vào tháng 5 vừa qua, tổ chức phi chính phủ Care và đại học Colombia của Mỹ đã đặc biệt quan tâm đến thách thức về biến đổi khí hậu, dân cư trong vùng đồng bằng sông Mekong phải di dời chỗ ở đặc biệt là nhiều người Việt Nam chạy sang Cam Bốt tìm đất sống.
Theo thông tín viên Phạm Phan từ thủ đô Phnom Penh, đối với một nước còn chậm phát triển như Cam Bốt, đón nhận người tị nạn môi trường từ Việt Nam là một thách thức lớn:
Thông tín viên Phạm Phan-Phnom Penh
"Tổ chức CARE quốc tế và Ðại Học Columbia đã nỗ lực nghiên cứu trong thời gian qua và công bố hồi tháng 5/2009 bản phúc trình có tên gọi “Tìm Kiếm Nơi Cư Trú: Bản Ðồ Của Thay Ðổi Khí Hậu Ảnh Hưởng Ðến Sự Di Cư Và Không Nơi Cư Trú”.
Bản phúc trình được hỗ trợ bằng 8 tấm bản đồ biểu hiện cho các khu vực trên thế giới bị tổn hại do thay đổi khí hậu, trong đó có hai bản đồ tập chú về khu vực chung quanh sông Mekong bao gồm Việt Nam.
Trên căn bản tiên đoán của các chuyên gia thuộc Ngân Hàng Thế Giới thực hiện hồi tháng 2/2007, bản phúc trình tháng 5/2009 nhấn mạnh : trong tương lai một trong 10 người Việt ở châu thổ sông Cửu Long phải đối diện với thảm họa mất nơi cư trú truyền thống do mực nước biển dâng cao dần theo thời gian.
Hiện nay không dưới 18 triệu người đang sinh sống tại châu thổ sông Cửu Long chiếm 22% tổng số dân Việt Nam. Quan ngại hơn hết, khu vực này trước và hiện nay vẫn được coi trọng là vành đai xanh cho toàn quốc, chiếm 40% đất canh tác, cung cấp 50% lúa gạo, và sản xuất 80% trái cây.
Khi nước biển dâng cao lên hai thước, gần 14,2 triệu người Việt ở châu thổ sông Cửu Long - xấp xỉ với dân số Cam Bốt hiện nay - sẽ mất đất canh tác. Một viễn cảnh thật đáng sợ cho người dân miền Tây Nam phần Việt Nam và cho cả nước láng giềng Cam Bốt.
Hiện nay có nhiều gia đình người Việt tìm đến thủ đô Phnom Penh sinh sống lập cuộc đời mới. Cam Bốt ngay lúc này đây, đất rộng người tương đối thưa, cho nên những người Việt tới đây sinh sống trong giai đoạn này có nhiều địa phương để lựa chọn tùy theo khả năng, và vốn lập nghiệp của mỗi gia đình.
Từ lâu, phe đối lập và một số thành phần dân chúng trong xã hội Cam Bốt coi trọng tinh thần dân tộc chủ nghĩa vẫn không hài lòng khi thấy nhiều người Việt đến đất nước họ kiếm sống và định cư.
Tương lai sắp tới với làn sóng người Việt tị nạn khí hậu, các thành phần nói trên càng phản ứng mạnh. Về phía chính quyền Cam Bốt, điểm thuận lợi cho di dân Việt là mối quan hệ giữa hai chính quyền đương thời rất tốt về ngoại giao, hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh, quân sự...
Thế nhưng khi có hàng triệu di dân Việt kéo nhau đến Cam Bốt tị nạn khí hậu sẽ là gánh nặng rất to lớn ngoài khả năng chịu đựng của quốc gia chỉ mới đang xây dựng lại cơ cấu hạ tầng cũng như còn phải đối phó với rất nhiều vấn đề trật tự xã hội không lường được sẽ nảy sinh.
Tị nạn khí hậu là từ ngữ mới sinh ra do tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu mà nguyên nhân chính là do con người gây nên. Cả hai chính quyền Cam Bốt, Việt Nam tất nhiên chưa đủ phương tiện thích nghi để đối phó với các hệ quả tiêu cực nghiêm trọng sinh ra từ hiện tượng thay đổi môi trường hi hữu này".
Biến đổi khí hậu và tiến trình đô thị hóa và ổn định xã hội ở Trung Quốc
Nhìn sang mọt nước lớn ở châu Á là Trung Quốc : một báo cáo được công bố vào tháng 3 /2004 của cơ quan tình báo và an ninh Canada nêu lên giả thuyết kể từ năm 2020 lượng nước mưa ở các vùng trung bác và đông bắc Trung Quốc sẽ giảm đi đáng kể.
Thêm vào đó, nhiệt độ trung bình sẽ tăng thêm từ 1 đến 2°C khiến đất trồng trọt thêm khô cằn, sản xuất nông nghiệp giảm sụt.
Nông dân không đủ ăn đổ về thành thị kiếm sống. Các làn sóng di dân từ nông thôn lên thành phố ở Trung Quốc ngày càng lớn vừa buộc chính quyền Bắc Kinh phải xét lại chính sách đô thị hóa, vừa phải đề phòng trước các mối đe dọa về ổn định chính trị -xã hội.
Báo cáo trên của cơ quan tình báo và an ninh Canada từ năm 2004 đã đề cập đến căng thẳng sắc tộc ở Tân Cương, miền đông bắc Trung Quốc giữa cộng đồng người Hán và người Duy Ngô Nhĩ.
Tìm kiếm quy chế cho người tị nạn khí hậu
Qua trường hợp của Bangladesh, Cam Bốt hay Trung Quốc các làn sóng di dân vì lý do khí hậu khiến các cuộc xung đột tranh giành quyền khai thác tài nguyên, giành đất canh tác, giành quyền kiểm soát các nguồn nước ngọt ngày càng nhiều.
Đây là điểm khởi đầu dẫn đến tình trạng mất an ninh ngày càng lớn trong khu vực, và ngày càng đe dọa đến sự ổn định trong đời sống của hàng triệu dân ở Châu Á.
Do vậy, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc mong muốn cộng đồng quốc tế nhanh chóng tìm ra những giải pháp tránh để xảy ra xung đột tại khu vực. Vấn đề đặt ra là quy chế "tị nạn khí hậu" vẫn chưa được cộng đồng quốc tế công nhận.
Năm 1985, lần đầu tiên cộng cồng quốc tế sử dụng cụm từ « tị nạn khí hậu » khi đề cập đến các làn sóng di dân do môi trường sống bị hủy hoại. Nhưng từ đó đến nay các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và quyền lợi của thành phần tị nạn khí hậu vẫn còn mơ hồ và quy chế tị nạn khí hậu vẫn chưa được công nhận cho dù hiện tượng kể trên liên quan trực tiếp đến an ninh quốc tế.