Samstag, 12. Dezember 2009

Dịch vụ giữ tên trước cho doanh nghiệp

Trần Thanh Tùng

03.12.2009 - Là người khai sinh ra doanh nghiệp, các sáng lập viên luôn có một cái tên vừa đẹp vừa có ý nghĩa cho doanh nghiệp mình. Nhu cầu ấy là tự nhiên và chính đáng. Nhưng, chấp nhận rủi ro để bỏ vốn và công sức thành lập doanh nghiệp đã là một quyết định khó khăn, tìm được tên ưng ý cho “đứa con” của mình cũng phức tạp không kém.

“Đẻ con” nhưng không dễ đặt tên

Để có thể đặt được tên cho doanh nghiệp, các sáng lập viên phải lách qua hàng loạt ràng buộc của luật và sự cứng nhắc của cơ quan đăng ký kinh doanh (CQĐKKD), đáng nói là không phải quy định nào của luật cũng hợp lý và yêu cầu nào của CQĐKKD cũng hợp pháp.

Theo quy định, tên doanh nghiệp phải viết được bằng tiếng Việt, vì thế, tên bằng tiếng Anh (như web, Internet...) hoặc ngoại ngữ khác sẽ bị loại trừ ngay từ vòng... “hướng dẫn hồ sơ”.

Vì luật không giải thích rõ cụm từ “viết được bằng tiếng Việt” là viết được bằng chữ Latin hay phải sử dụng từ “thuần Việt”, nhiều CQĐKKD còn đi xa hơn khi yêu cầu tên doanh nghiệp không những tên phải “được viết” bằng tiếng Việt mà còn phải có ý nghĩa trong tiếng Việt. Vì thế những cái tên như A.B.C hoặc T.O.M.M.Y chắc chắn sẽ bị từ chối vì những chữ cái được giải thích là không có nghĩa trong tiếng Việt.

Tiếp đến, doanh nghiệp loại trừ ngay những điều cấm kỵ sau đây: tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội nếu không có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; các từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, tên danh nhân.

Nếu tên của doanh nghiệp có các từ có mô tả xuất xứ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ (như số 1, hoàn hảo, tuyệt vời, sung sướng...) thì phải được cơ quan quản lý nhà nước xác nhận... sự  “số 1, hoàn hảo, tuyệt vời, sung sướng” ấy.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng ngành, nghề kinh doanh (thương mại, sản xuất, dịch vụ, địa ốc...) để đặt tên nhưng phải đăng ký kinh doanh ngành, nghề đó, nếu không, phải bỏ phần ngành nghề trong tên doanh nghiệp.

Nhưng khổ một nỗi, luật không có định nghĩa thế nào là “ngành”, “nghề” kinh doanh nên nhiều CQĐKKD yêu cầu ngành nghề đăng ký phải đúng như trong Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng về mã ngành kinh tế quốc dân. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp muốn dùng ngành “Truyền thông (media)” trong tên của mình đã phải thất vọng khi CQĐKKD khăng khăng rằng không có ngành nghề truyền thông, dù đã và đang có hàng ngàn doanh nghiệp đăng kinh doanh lĩnh vực quảng cáo, tổ chức sự kiện, gameshow...  - lĩnh vực mà trên thực tế được gọi là lĩnh vực truyền thông.

Không kể đến sự xa rời của luật so với thực tế, quy định này là không bao quát và phù hợp đối với thực tế sử dụng tên của doanh nghiệp hiện nay. Đã có rất nhiều doanh nghiệp đã đăng ký tên như công ty sữa X, công ty bánh kẹo Y hoặc DNTN bánh canh L, công ty phân bón C...

Bản thân từ “sữa”, “bánh kẹo”, “bánh canh” hoặc “phân bón” không phải là ngành hoặc nghề kinh doanh mà là tên sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra. Việc sử dụng tên sản phẩm để đặt tên hợp lý và cần được chấp nhận. Do vậy, sẽ là thiếu sót khi luật không ghi nhận chính thức việc sử dụng tên sản phẩm để đặt tên cho doanh nghiệp.

Đối với những ai còn đủ kiên nhẫn theo đuổi việc đặt tên thì khó khăn lớn nhất vẫn còn trước mặt: chọn cái tên không trùng với hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã thành lập trên toàn quốc! Nhiệm vụ này là bất khả thi vì doanh nghiệp không thể biết được những tên nào đã được đăng ký và ngay cả CQĐKKD cũng khó có khả năng kiểm tra toàn bộ các doanh nghiệp đã thành lập trên phạm vi toàn quốc vì đến nay, các CQĐKKD chưa có cơ sở dữ liệu chung để tra cứu.

Đấy là mới nói đến tên tiếng Việt còn việc đặt tên tiếng nước ngoài mới cười ra nước mắt. Luật yêu cầu tên phải được dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài tương ứng (Anh, Pháp...) và trên thực tế, “dịch tương ứng” dường như được diễn giải là “dịch - từng - từ - một”. Theo cách diễn giải như thế, nếu tên tiếng Việt là Công ty TNHH Ông Vui, thì nhiều khả năng tên tiếng Anh phải được dịch là “ONG VUI Company Limited” hoặc “MR HAPPINESS Company Limited” chứ nếu dịch thành “MR VUI Company Limited” (theo đúng ngữ pháp tiếng Anh) thì nhiều khả năng bị từ chối vì dịch nửa Việt nửa Anh!

Trong việc đặt tên, doanh nghiệp luôn ở thế yếu so với CQĐKKD vì CQĐKKD có quyền cấp hay không cấp giấy phép hơn nữa luật trao cho CQĐKKD quyền có “quyết định cuối cùng”. Nghĩa là nếu CQĐKKD từ chối tên dự kiến, doanh nghiệp không thể khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định này ra tòa án theo thủ tục hành chính. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đôi khi CQĐKKD đã lạm dụng quyền có “quyết định cuối cùng” mà luật đã trao cho họ và gây nhiều bức xúc cho doanh nghiệp.

Những rắc rối trong việc đặt tên khiến doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về thời gian, công sức, tiền bạc và cơ hội kinh doanh. Việc phải làm lại hồ sơ đăng ký kinh doanh hai, ba lần chỉ vì trục trặc về tên là việc thường xuyên. Đôi lúc chính những quy định mơ hồ của luật cùng với sự vận dụng máy móc, khắt khe đến vô cảm của CQĐKKD đã xâm phạm đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn “con đường khác” để có được cái tên như ý.

Dịch vụ giữ tên trước cho doanh nghiệp - Giải pháp hợp lý

Tên doanh nghiệp là vấn đề quan trọng gắn với thương hiệu và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, cùng với số lượng doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng, cơ hội đặt một tên hay, đẹp cho doanh nghiệp càng trở nên hạn hẹp hơn. Điều này xuất hiện nhu cầu kiểm tra tên và giữ tên cho doanh nghiệp. Các nhà làm luật cũng đã phần nào hình dung ra nhu cầu này khi khuyến cáo doanh nghiệp tham khảo tên các công ty đang hoạt động lưu giữ tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính trước khi đăng ký tên cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quy định này là nửa vời khi mà việc tham khảo tên tại CQĐKKD mới chỉ dừng ở góc độ... tham khảo, nghĩa là không có gì chắc chắn là tên đã kiểm tra sẽ được đăng ký cũng chẳng ai có trách nhiệm gì về việc này. Có một số CQĐKKD đã lập hẳn bộ phận hướng dẫn để tư vấn về tên cho doanh nghiệp nhưng luôn thòng một câu kiểu “bộ phận hướng dẫn thì vậy nhưng ý kiến của bộ phận thụ lý mới là quyết định!” (có lẽ vì vậy mà đa số các hướng dẫn này đều bằng lời nói). Doanh nghiệp cần một cam kết chắc chắn từ cơ quan kinh doanh chứ không phải một sự hướng dẫn, tham khảo vô thưởng vô phạt như vậy.

Tại sao chúng ta không triển khai dịch vụ đăng ký tên cho doanh nghiệp và bảo lưu tên này trong một thời gian nhất định (1 tuần hoặc 10 ngày hoặc lâu hơn) và thu phí cho dịch vụ ấy? Chắc chắn doanh nghiệp sẽ sẵn sàng trả phí để được câu trả lời chính xác là tên dự kiến của mình có được chấp thuận để có thể an tâm hoạch định kế hoạch kinh doanh, soạn thảo hồ sơ thành lập, tránh việc đi lại, soạn thảo lại hồ sơ và vô vàn chi phí khác.

Về mặt kỹ thuật, CQĐKKD có thể dễ dàng triển khai dịch vụ này qua mạng Internet khi đa số các CQĐKKD đều có trang web riêng. Ngay cả với CQĐKKD chưa thiết lập trang web riêng cũng có thể thực hiện một cách đơn giản bằng một trang giấy ghi nhận tên và ngành nghề kinh doanh dự kiến của doanh nghiệp cộng với các thông tin của người đề nghị giữ tên.

Dịch vụ giữ tên này không mới lạ gì trên thế giới nhưng chưa có mặt chính thức tại Việt Nam. Nếu thực hiện được dịch vụ này, doanh nghiệp và cả CQĐKKD sẽ tiết kiệm được thời gian, công khai và minh bạch thủ tục đăng ký kinh doanh, tránh những hiểu lầm giữa hai bên. Hơn nữa dịch vụ này sẽ hạn chế những tiêu cực trong quá trình đăng ký kinh doanh trong khi ngân sách nhà nước sẽ có một khoản thu mới.
(Kinh Tế SàiGòn Online)