Donnerstag, 3. Dezember 2009

Việt Nam báo động hiện tượng hâm nóng khí hậu đe doạ vựa thóc của Việt Nam

Trọng Nghĩa, RFI
02.12.2009 - Lời báo động này vừa được ông Nguyễn Khắc Hiếu, phó tổng giám đốc Cơ quan chính phủ đặc trách Biến đổi Khí hậu đưa ra hôm nay. Phát biểu với báo chí, một tuần trước Hội nghị Copenhagen, ông Hiếu cho rằng Việt Nam cần đến trợ giúp của quốc tế để bảo vệ một trong những nguồn cung ứng lương thực cho thế giới.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, các ''vựa thóc'' của Việt Nam, tức là các vùng trồng lúa chủ chốt ở hai đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, sẽ chịu hậu quả nặng nề của tình trạng khí hậu bị hâm nóng nếu không nhanh chóng tìm cách khắc phục. Đây không chỉ là vấn đề an nguy của riêng Việt Nam mà là vấn đề an toàn lương thực của cả thế giới.


Căn cứ vào một bản báo cáo về vấn đề Biến đổi Khí hậu tại Việt Nam do Liên Hiệp Quốc soạn thảo được đưa ra thảo luận tại Việt Nam vào hôm nay, Việt Nam đã đề ra kịch bản mực nước biển dâng lên cao hơn 1 mét từ nay đến năm 2100. Theo kịch bản này, thì nếu nước biển dâng lên 1 mét, thì khoảng 31 ngàn cây số vuông đất dai Việt Nam sẽ bị ngập lụt, tương đương với diện tích của cả nước Bỉ. Thảm họa này sẽ xẩy ra nếu con người không kịp xây dựng và củng cố hệ thống đê điều và kênh thoát nước.

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, thì vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nạn lụt đe dọa nặng nề nhất, với gần 40% diện tích bị chìm dưới nước (hơn 15 ngàn cây số vuông). Thiệt hại sẽ rất đáng kể vì đây là vùng sản xuất và xuất khẩu lúa gạo chủ yếu của Việt Nam. Để giảm thiểu tác hại của việc nước biển dâng cao cũng như các tác hại khác của hiện tượng biến đổi khí hậu, Việt Nam cần đến hàng tỷ đô la. Vấn đề huy động tài trợ quốc tế để giứp những nước đang phát triển như Việt Nam chống lại ảnh hưởng của Biến đổi Khí hậu đồng thời chuyển qua việc phát triển kinh tế mà không thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính là một trong những hồ sơ then chốt tại Hội nghị Copenhagen tới đây.

Biến Đổi Khí hậu phải chăng đã khiến cho sông Hồng bị cạn kiệt. Câu hỏi này có thể được đặt ra vào lúc này với sự kiện nước Sông Hồng ở khúc chẩy qua Hà Nội hiện được ghi nhận là xuống tới mức thấp nhất từ hơn một thế kỷ nay, chính xác là từ ngày công việc đo mực nước sông được xúc tiến vào năm 1902 đến nay. Theo bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, mực nước sông Hồng tại Hà Nội trong 3 ngày (29 đến 1/12) đã xuống mức thấp nhất. Chiều 1/12, mực nước tại đây giảm mức kỷ lục là 1,3m. 7 giờ sáng 2/12, nước sông Hồng tại Hà Nội là 1,22m. Từ tháng 11 đến nay, mực nước sông Hồng ở Hà Nội luôn thấp hơn 1,5m. Một số chuyên gia còn dự báo mực nước sông Hồng có thể chỉ còn là 0,7 mét trong tương lai.

Theo báo chí Việt Nam, nguyên nhân khiến cho mực nước ở Hà Nội thấp chưa từng thấy do tác động của hiện tượng thời tiết El nino. Trong suốt 3 tháng qua, ở miền Bắc nhiều nơi không mưa hơạc mưa ít. Ngoài ra còn có việc con người sử dụng nước quá nhiều. Bên cạnh đó, diện tích rừng nguyên sinh ngày càng thu hẹp cũng có thể là lý do. Một trong những tác động của Biến đổi Khí hậu là hiện tượng El Nino kéo dài và gay gắt hơn bình thường.