Thứ sáu, 16.01.2009: Lính do-thái bắn một người palestin và hai người con của ông. Một người con chết ngay. Người thứ hai mất máu dần trên tay người cha. Không một i sĩ nào được phép tới cứu. Diễn tiến của một cái chết không thể hiểu nổi. Bài của nữ phóng viên Carolin Emcke đăng trên tuần báo Die Zeit tại Đức, số 8, ngày 12.02.2009. Phạm Hồng-Lam lược dịch. Tựa do người dịch đặt.
Một Hài Nhi mang tên IBRAHIM
Trong chiến tranh mà nói về một cái chết thì chả nghĩa lí gì. Đã bắn nhau, đã có bom rơi đạn nổ là có chết chóc. Chết với thân thể lổ chỗ vết đạn, xác bị cháy đen, bị tan thây nát thịt. Chết đang lúc ngủ mơ, chết đang lúc súng đạn ôm bên mình, chết đang lúc với hai bàn tay không.
Tại sao lại phải viết về một cái chết, trong lúc có vô số người chết, ở cả hai phía? Cuộc chiến vừa rồi trên dải đất Gaza ở Palestin chẳng nói lên được một tí gì về có tội hay vô tội. Dù vậy, phải viết về cái chết của một con người, để qua đó mới hiểu được sự khó hiểu và quái gỡ của cái chết.
Mohamed Shurab vẫn không ngừng tự hỏi về nguyên nhân cái chết của hai đứa con mình. Ông cố moi óc tìm ra một sai phạm có thể có của mình khiến cho hai con ông phải chết. Nhưng vẫn chẳng tìm ra được gì cả. Tại sao các con ông phải chết? Mà lại chết trong lúc ngưng bắn?
Ông già 63 tuổi ngồi trên sân thượng nhà ông ở phố Khan Younis, bên cạnh li nước cam, kể chuyện về một ngày 16 tháng 1 năm 2009, ngày hai con ông mất, dù lúc đó xe cứu thương đậu gần bên cạnh. Ông kể thật chậm rãi: „Tôi đâu có vấn đề gì – chưa bao giờ có vấn đề gì - với những người Israel“. Ông cứ lặp đi lặp lại câu nói đó, như muốn xem nó là cái thuẫn đỡ cho cuộc đời vốn chủ trương hoà giải của mình.
Shurab có một căn nhà thứ hai ở miền quê gần làng al Foukhary, giữa một vườn cây trái lí tưởng, nằm cạnh biên giới Israel độ 400 mét. Từ chủ nhật cho tới thứ năm, ông sống với cây trái trong nhà vườn đó, và mỗi thứ sáu ông lái xe về lại căn nhà trong thành phố, nghỉ cuối tuần với gia đình. Trong căn nhà này, còn có gia đình người em và một mẹ già chung sống. Từ vườn về thành, qua một đoạn đường lấm bùn cát là tới con đường chính đổ nhựa, và thêm vài cây số nữa là tới thị trấn bình yên Khan Younis.
„Ở đây, tôi chưa bao giờ có vấn đề gì, cả trong thời gian bị Israel chiếm đóng lẫn sau đó“. Shurab mỉm cười mỗi lần nhắc tới những cuộc lùng sục của lính israel; vùng này được xem là biên giới giữa phai phe palestin và do-thái, nên hễ có xung đột là lính israel lại bố ráp, và ông luôn để họ tự do khám xét nhà mình…
Shurab cứ tả đi tả lại cái ngày 16 tháng 1 đó. Ông vẽ lên giấy những con đường mòn và những đường phố; ông in ra các hình chụp vệ tinh tải xuống từ Google Earth và nâng niu cẩn thận bọc chúng lại trong giấy nhựa.
Khoảng 12 giừ trưa hôm đó, ông và hai con, Kassab 28 và Ibrahim 18 tuổi leo lên chiếc Landrover màu đỏ từ nhà vườn chạy vào phố. Từ 10 tới 14 giờ là giờ ngưng bắn hàng ngày, quân đội do-thái đã cho lệnh như thế, để người dân có thể đi lại và mua bán. Shurab biết có sự hiện diện của các toán quân do-thái trong vùng, ông đã thấy xe tăng của họ chạy ngang qua. Từ sân thượng nhà vườn, ông có thể nhìn thấy xe tăng và binh lính di chuyển và có thể theo dõi những cuộc ném bom xa xa...
Từ bao nhiêu năm nay lính israel đã biết căn nhà của ông, và họ chưa bao giờ khiển trách ông điều gì. Vậy thì ông đâu cần phải làm khác hơn mọi ngày thứ sáu khác? Tại sao lại không tin lính do-thái? Họ đã hứa cho lệnh ngưng bắn, thì ông còn sợ gì.
Ông cố tình chọn giờ khởi hành đúng 12 giờ, là thời điểm chắc chắn nhất, ngay giữa thời gian ngưng bắn. Mohamed kể, thông thường ông lái xe một mình qua đoạn đường đó. Sự có mặt của hai con ông hôm đó là một tình cờ. Chảo truyền hình ở nhà vườn hư, nên Kassab „muốn ra sửa“ cho cha. Kassab là con đầu, đã tốt nghiệp ngành kiến trúc đại học Gaza. Ibrahim là em, đi ra theo anh. Hai hôm trước đó, thứ tư 14.01.09, hai anh em ra thăm cha, sửa máy và cùng ngồi xem truyền hình với nhau. Thứ sáu hôm đó, sau khi cha bước lên xe, ngồi vào tay lái, Kassab lên ngồi bên cạnh cha, còn Ibrahim ngồi phía sau.
Có một nhân chứng khi ba cha con rời nhà, đó là Amer Amira al Amour, 39 tuổi, gốc dân du mục Beduine ở Gaza và được phép sang làm công bên đất Israel. Amour hôm đó bận chiếc áo thun có in chữ Israel Airport Authority. Nhà của Amour không xa nhà vườn của Mohamed bao nhiêu: „Tôi thấy chiếc xe jeep đỏ của Mohammed chạy từ từ vào phố, chậm đến nỗi con lừa cũng có thể qua mặt xe ông ấy được“.
Những phát súng đầu nổ ra sau 12 giờ trưa một chút. Trúng người cha.
Mohamed Shurab luôn đi trên đoạn đường quen thuộc này, cuối đoạn đường cây xương rồng là ông rẽ vào đường chính. „Hôm đó mặt trời chiếu sáng, bầu trời trong“. Điểm này rất quan trọng đối với ông, chả là vì nếu có sương mù, có lẽ ông sẽ không lái xe vào phố. „Không có đánh nhau trong làng al Foukhary. Tất cả đều yên tĩnh“. Mohammed lái từ từ. Chỉ còn vài trăm mét là tới bùng binh công trường Salim. Phía trái, bên con đường dẫn tiếp về hướng tây, ông thấy có hai xe tăng do-thái. „Tôi dừng lại“, ông nói, “đưa tay vẫy chào“. Vừa nói, ông vừa vẫy cánh tay thương tật, cử chỉ này ông có lẽ đã làm không biết bao nhiêu lần rồi. „Mọi chuyện tốt đẹp“. Lính trên xe tăng có thể nhìn thấy ba cha con tay không ông trên xe.
Họ có thể đã cảnh giác ông, có thể cản ông không được chạy tiếp, có thể bắt ông đổi hướng về phiá bắc. Nhưng lính trên xe tăng hoàn toàn bất động. Vì thế Mohamed tiếp tục từ từ đi thẳng, bỏ lại sau hai chiếc xe tăng. Chạy được khoảng 250 mét, thì đùng một cái, „Đạn từ căn nhà này, cách chúng tôi 40 mét, bắn xối xả vào chúng tôi, họ chẳng báo trước cho chúng tôi gì cả“. Một trong những viên đạn đầu tiên trúng cánh tay trái của Mohamed. „Tôi hét con tôi phải xuống xuống xe gấp!“. Đạn cứ xối vào không ngừng. Mohamed không còn giữ vững được tay lái, để xe tông vào thành lề đường.
Chiếc xe giờ hãy còn nằm trong tiệm sửa của Bilal el Khady, trong phố. Đạn lổ chổ khắp thân xe: ở máy, mui, ghế sau, cửa, chỉ riêng mặt kính trước đã đếm được 22 vết, đa số bắn vào tầm nơi đầu người lái. Mohamed thương con. Mỗi lần nhắc đến con, ông lại lấy tay quẹt nước mắt. Và để đỡ cảm xúc, ông đứng lên, chậm rãi đi xuống lầu dưới, vào phòng khách mang ra một số hoạ đồ do Kassab vẽ: Đó là những đồ án của nhà kiến trúc trẻ về nhà cửa, phong cảnh cho một dải Gaza mới, sau khi hết chiến tranh. Mohamed dơ ra tấm hình của Ibrahim, cậu bé vừa mấy tháng trước đã ghi tên vào đại học, cậu cũng muốn học kinh tế như cha cậu.
„Khi chúng tôi đã nằm dưới đất, họ vẫn cứ tiếp tục bắn, càng bắn thấp xuống“. Ba cha con không thể ngồi lại trong xe. Họ phải xuống xe. Chầm chậm. Phải làm sao không để kẻ bắn ngờ vực. „Kassab xuống trước đi“, người cha ra lệnh, „nó mở cửa, đứng thẳng người, không chút sợ hãi, và nó bị bắn chết ngay“.
Mohamed lấy tay vạch một đường nghiêng nghiêng trước ngực mình, để diễn tả hàng đạn 7 viên xuyên suốt một đường chéo qua ngực con mình. „Kassab gượng bước tới vài bước, bị thêm một loạt đạn nữa và gục xuống“. Người cha ngừng nói giây lát, rồi thêm: „Nó chẳng còn động đậy gì nữa“.
Đâu là lỗi lầm của ông, để đến nỗi con ông phải chết? Mohamed cứ quằn quại với câu hỏi không có trả lời đó. Tại sao họ lại bắn trong giờ ngưng bắn? Tại sao lại bắn khi trời sáng tỏ như thế? Tại sao lại xẩy ra trên một con đường sáng sủa trong một thôn xóm bé nhỏ như thế? Tại sao họ lại không thấy là con ông không có vũ khí gì cả? Không con mắt nào thấy đứa con ông đứng thẳng tin tưởng vào lính do-thái như thế sao?
„Và rồi Ibrahim bước xuống“, từ cánh cửa sau bên phải. „và chúng lại bắn nó“. Ibrahim ngã xuống đất, nhưng vẫn cố trấn tĩnh cha: „Cha đừng lo, con không bị nặng đâu. Con bị trúng ở chân phía dưới đầu gối“. Người cha ngồi cúi trước bàn, gượng nói thêm một câu nữa: „Máu ấm con tôi thấm xuống cánh tay tôi, rồi chảy qua những ngón tay tôi nhỏ xuống đất. Một đứa con đã chết, còn một đứa bị thương“.
Đại úy Benjamin Rutland, phát ngôn viên của quân đội israel, không thể trả lời các câu hỏi liên quan tới vụ Mohamed Sharab: „Chúng tôi đang cho điều tra lại tình hình chung của lực lượng phòng vệ do-thái trong cuộc chiến ở Gaza và đang cho điều tra một số trường hợp cá biệt“. Tại sao Shurab bị bắn? Rutland chưa được phép trả lời câu này, bao lâu cuộc điều tra vẫn còn tiến hành. Tại sao lệnh ngưng bắn lại không được thi hành vào ngày 16.01.09 tại làng al Foukhary? Câu này Rutland cũng bỏ ngỏ. Có thể xe jeep của Shurab bị bắn là có lí do, có thể Shurab bị bắn là có lí do, có thể Rutland biết lí do nhưng im miệng. Mà cũng có thể chẳng có chút lí do gì hết.
Từ góc nhìn của quân lính do-thái ở làng al Foukhary chỉ có duy nhất một chứng nhân, đó là một anh người palestin, nói được hai thứ tiếng. Anh ta không ở trong toà nhà do quân do-thái chiếm đóng và từ đó bắn ra xe của Shurab, nhưng ở ngay căn bên cạnh. Anh miễn cưỡng cung cấp những chi tiết xẩy ra trong hôm 16 tháng giêng. Anh lo sợ những lời khai có thể sẽ gây hại cho anh. Ngày 15 tháng giêng, lính do-thái xuất hiện. Họ bắn xuyên qua cánh cửa đang đóng của căn nhà anh và làm anh bị thương ở cánh tay phải. Quả thật, áo khoác của anh có thủng một lỗ ở tay. Anh bị bắt làm tù nhân cùng với 9 người khác và tất cả bị giữ suốt hai ngày trong một căn phòng nơi tầng trệt. Anh kể, cửa phòng để mở, một người lính do-thái ngồi canh trên chiếc ghế, súng ôm trong lòng. Vết thương ở tay anh được lính do-thái băng bó.
Anh tiếp, khả năng tiếng do-thái của anh vừa đủ để trao đổi được với người lính, đủ để đề nghị với người lính cho tù nhân nào được đi vệ sinh, ai được vào nhà bếp. Tù nhân chẳng được ăn gì, mà chỉ được uống. Tiếng do-thái của anh, anh cho hay, cũng đủ để hiểu được những trao đổi qua máy điện đàm của quân đội do-thái. Máy điện đàm được đặt ngay ngoài cánh cửa sổ mở. Anh không thấy người, nhưng nghe được rõ tiếng của nhiều người lính nói chuyện với vị chỉ huy của họ. Qua cuộc điện đàm trưa thứ sáu hôm đó, anh nghe một giọng nói: „Một chiếc xe đang tới, phải làm sao đây“. Và một giọng khác đáp: „Bắn!“.
Anh có chắc chắn đã nghe như thế không? Chắc chắn. Người ta không báo trước gì cả? Không. Rồi giọng ban đầu lại vang lên: „Xong rồi“. Anh lúc đó không biết mấy tiếng „Xong rồi“ được dành cho cha con Shurab.
Bao lâu điều tra chưa xong, đại uý Rutland không muốn trả lời gì về biến cố liên quan tới cha con Shurab.
Khoảng 13 giờ 30, ông chú gọi xe cứu thương – và được an ủi.
Nhưng câu chuyện còn một phần thứ hai nữa. Chiều thứ sáu hôm đó người cha vẫn nằm dưới lòng đường bên cạnh đứa con bị đạn, cách 40 mét từ ngôi nhà trong đó đạn bắn ra. Shurab kể, „Lính israel cũng là người“. Trong suốt câu chuyện, Shurab luôn dùng từ „Israel“, chứ không bao giờ dùng từ „Juden“ (Du-dêu). Lính israel, ông nói, có mặt rất gần, ông có thể nhìn thấy họ.
Người cha tiếp: „Ibrahim rên khóc hổn hển, nó cần cấp cứu, nhưng lính la lên: Câm miệng không thì tụi tao bắn mày“. Ibrahim thử dùng diện thoại di động của nó để bấm 1-0-1 gọi xe cứu thương, nhưng một người lính hét lên: „Nếu mày dùng điện thoại, tao giết mày ngay“. Đã hơn nửa tiếng đồng hồ, hai cha con nằm trên đường, cách nhau đôi ba mét. Khoảng 13 giờ, bỗng điện thoại của Ibrahim reo. Dù bị cấm, nó cũng cầm điện thoại lên: Chú nó – cũng tên Ibrahim, gọi hỏi bao giờ thì cha con về tới nhà. Ông chú không hay gì về chuyện xẩy ra cả.
Hồi nãy giờ ông chú chỉ biết ngồi nghe. Lúc này ông mới lên tiếng. Khoảng 13 giờ 30 hôm đó, ông bắt đầu tìm cách cứu anh và đứa cháu.Ông báo động trung tâm cấp cứu của thành phố Khan Younis và gọi cho xe cấp cứu của tổ chức Trăng lưỡi liềm (TLL) đỏ. Ông rời nhà, cấp tốc thân hành tới chỗ đậu xe cứu thương. Ông tin sẽ chẳng phải đợi lâu, vì tổ chức TLL có liên hệ chặt chẽ với hội Hồng thập tự (HTT), vì thế chắc chắn sẽ được phép lính do-thái đi tải thương.
Anne Sophie Bonefeld, nhân viên đặc trách truyền thông của hội HTT quốc tế ở Giêrusalem, không thể nói gì về biến cố này. Chính sách của HTT tại đây là im lặng. Cô làm thinh trước câu hỏi HTT đã nhận được điện thoại yêu cầu đi cứu thương cha con Mohamed vào lúc nào. Cô giải thích trình tự diễn tiến thông thường mà rất là bất thường trong một cuộc chiến. „Bình thường, chúng tôi nhận được điện cấp cứu trong nhiều trường hợp: Các gia đình muốn thoát ra khỏi vùng chiến và cần chúng tôi hộ tống. Hay điện yêu cầu đi cứu và tải thương“. TLL gọi HTT quốc tế xin bảo vệ, HTT tức tốc liên lạc với công quyền do-thái để xin phép. Bonefeld tiếp: „Tất cả những gì chúng tôi có thể làm sau đó là chờ được bật đèn xanh“. Bao lâu thì có phép? „Đôi khi chờ vài tiếng đồng hồ, đôi khi phải nhiều ngày“.
Khoảng 14 giờ người cha bắt đầu cầu nguyện. Con của ông không ngừng mất máu.
Shurab, đang nằm trên đường với người con bị thương, chẳng hay gì về những diễn tiến trên. Điều duy nhất ông biết, là con ông cần được cứu cấp. Ông kêu lên bằng tiếng do-thái: „Anh lính ơi, xin gọi xe cứu thương dùm“. Nói xong câu, Shurab nhìn tôi, rồi dán mắt vào quãng không, xem ra ông hi vọng sẽ khám phá ra trong đó lời giải cho thắc mắc của ông. Phải chăng những người lính đó không thấy sự đau đớn? Những người lính đang đứng trước cổng sắt của toà nhà hai tầng kia cũng là người mà. Khoảng 14 giờ, Shurab bắt đầu cầu nguyện. Ibrahim giờ đây đã lê lại được gần cha. Nó nằm giữa hai chân ông, thều thào với ông: „Cha, cha gọi cứu thương đi“. Nó cứ lặp đi lặp lại câu đó, người cha thẫn thờ nhớ lại.
„Giọng nói đầu lại vang lên trong máy“, người chứng palestin kể tiếp, „Ta có nên cứu không?“. Và câu đáp của giọng nói thứ hai: „Không, để mặc chúng tự cứu lấy nhau“. Đoạn trao đổi trong máy này xẩy ra lúc nào? „Không lâu sau các loạt súng bắn“.
„Chúng tôi đã thiết lập một văn phòng điều hợp nhân đạo cho chiến dịch hành quân đó“, đại uý Rutland nói. „Dĩ nhiên, nói chung, chúng tôi luôn cố gắng để cho xe tới tải và cứu thương, chỗ nào cần và khi có ai cần. Nhưng chỗ nào đang giao tranh, thì chúng tôi không thể cho phép xe cúu thương tới“.
Dù có hay không có HTT, lính do-thái có trách nhiệm cứu người bị thương không? „Có. Dĩ nhiên lính và nhân viên cứu thương của chúng tôi được huấn luyện phải cứu người, khi có ai cần. Nhưng khi có giao chiến, thì nhiệm vụ ưu tiên của họ là tự bảo vệ mình“. Ngày thứ sáu 16.01.09 hôm đó, tại làng al Foukhary có giao tranh không? Câu hỏi này Rutland không được phép trả lời.
Dân làng al Foukhary hôm đó chẳng ai chứng kiến cảnh giao tranh trong làng mình. Cả Shurab, cả Ibrahim em ông, cả Amer al Amour, cũng không thấy bắn nhau gì hết. Có giao tranh trong một vùng cách xa làng ở phía đông đâu đó, chứ tại Foukhary thì không.
Khoảng 14 giờ 30, ông chú Ibrahim vẫn chưa nhận được xác nhận của HTT là sẽ gởi xe cứu thương tới. Ông đã chờ một tiếng rồi. Không chần chờ được nữa, ông và một tài xế xe cứu thương của TLL liều tới cứu anh và cháu. Họ tiến tới gần bùng binh Salim, chỉ cần quẹo phải vài trăm mét nữa là tới chỗ hai người. Hai chiếc xe tăng vẫn án ngữ ở đó. Nhưng vì không có phép, người tài xế sợ không dám đi tiếp.
Anne Sophie Bonefeld cho hay, sợ là đúng „nhiều tài xế xe cứu thương của TLL đã phải liều mạng“. Công cuộc cứu người thường phải bỏ dở, vì xe cứu thương bị bắn. Không có phép của Do-thái, không nhân viên cứu thương nào dám tới cứu người.
Tại sao phải đợi phép lâu như thế? Chẳng ai trả lời được câu hỏi này. Cứ mỗi nửa tiếng, người chú kể tiếp, ông lại gọi cho TLL. Đến khoảng 17 giờ thì TLL cho ông hay, đừng trông mong xe cứu nữa. Trời đã vào tối, chẳng có phép nào tới vào ban đêm nữa đâu.
Ông chú gọi cho anh, cho biết ông không còn có thể giúp anh và cháu được nữa, anh hãy một mình cố liên hệ với lính do-thái. „Có khoảng bốn anh lính đứng trước cổng sắt“, Shurab nhớ lại. Ông còn có thể nói chuyện được với con. Khi bóng tối và khí lạnh toả xuống, ông vực con ông vào trong xe để cho ấm. Ông quan sát mấy người lính, tự hỏi, không biết họ làm gì trong suốt thời gian đó?
Từ một lỗ thủng ở tầng một căn nhà, ta có thể nhìn thấy rõ con đường nhỏ ngoài kia. Lỗ hổng này được đập thủng từ phía trong nhà, sát với nền, vì thế, từ chỗ này có thể nằm nhắm bắn xuống con đường. Trên nền nhà, gần lỗ hổng, vẫn còn tàn thuốc lá hiệu Kent và Next cắm trong cát.
Chủ căn nhà không biết hút thuốc. Họ đã bỏ nhà chạy trốn trước ngày 16.01.09. Có phải cha con Shurab bị bắn từ lỗ hổng này không, không thể xác định được. Sân thượng toà nhà cũng bị đập một lỗ hổng lớn hơn. Bên cạnh lỗ hổng có nhiều túi ni-lông xanh đong đầy cát. Từ vị trí này có thể nhìn xuống đường rõ ràng, và có thể thấy được dễ dàng hai cha con tay không, cha bị thương và con thì đang mất máu.
Có lẽ lính do-thái quá buồn chán, không biết làm gì, nên họ đã phá nát bàn làm việc với tủ sách ở tầng dưới, đã cắt đôi các cà-vạt đang treo lủng lẳng trong tủ quần áo, đã viết lên tường nhà màu trắng câu bằng tiếng do-thái „Kahane có lí“, câu này muốn nói lên giấc mơ của Rabbi Meir Kahane về một đại quốc gia Israel và về nhu cầu phải đuổi hết người ả-rập ra khỏi đất này.
Chiều tối, người cha gọi cho BBC và người con chết.
Lúc 17 giờ hơn, khi ông chú và các tài xế xe cứu thương đang đứng ở phòng đợi bệnh viện, một nhân viên cứu thương liền đề nghị: „Anh nên cho các báo chí và truyền thông số phôn của Shurab, hi vọng may ra họ có giúp được gì“. Từ đây, điện thoại của Shurab reo liên tiếp. Ông chẳng sợ lính do-thái giết nữa. Mỗi lần máy reo, ông cầm lên, nói chuyện với các phóng viên của Al Jazeera, Al Arabia, BBC. Không biết bao nhiêu là phóng viên, Shurab không còn nhớ hết nữa. Mỗi cú điện thoại, ông kể hết hiện tình và cho biết, con ông đang mất máu. Giờ này qua giờ khác, màn đêm chụp xuống làng, hết phóng viên hãng này đến kí giả hãng truyền thông khác làm chứng bằng tai về số phận bi thương của một người palestin đang ở đâu đó trên hành tinh.
„Trời về đêm càng lạnh“, Shurab nói, „tôi xoa lưng Ibrahim cho nó đỡ lạnh“. „Tôi đã kêu với lính, ông ơi, xin cho chúng tôi cái mền. Ít là một cái mền. Đêm lạnh quá“. Con tôi im dần, nó chỉ hỏi đ hỏi lại một câu: „Cha có hài lòng về con không?“. Cứ mỗi lần như thế, người cha hỏi lại „Con còn tỉnh không?“.
Khoảng nửa đêm, Shurab kể tiếp, Ibrahim nằm im, tôi không còn nghe con nói gì nữa, cũng chẳng còn nghe tiếng thở khò khè của nó. Tôi sờ trán con, trán còn nóng, cầm tay nghe nhịp, chẳng còn nghe nhịp tim nữa.
Đã nửa ngày người cha bị thương nằm trên đường với đứa con mất máu. Một nửa ngày không ai tới cứu. Có lẽ có lí do, tốt hoặc xấu, để người ta bắn chiếc xe, bắn vào cha con Shurab. Có thể người ta bắn với chủ í hoặc vì lầm lẫn. Gaza đang có chiến tranh. Và trong chiến tranh thì phải chết. Nhưng lẽ ra sau những phát đạn đó, cha con Shurab có thể đã được cứu.
Một lúc nào đó trong đêm, Shurab nhớ lại, lính rời căn nhà và đi ngang qua chỗ hai chúng tôi nằm. Họ ngay hàng thẳng lối bước qua chỗ chúng tôi nằm hai lần. Trong đám họ, có hai nhân viên cứu thương.
„Tôi đang thất vọng thì Tom gọi tới“. Gọi vào khoảng giờ nào thì Shurab không còn nhớ nữa „Có lẽ lúc đó đã trễ lắm“.
Tom Menahe, 32 tuổi, nhân viên Hội các bác sĩ đấu tranh cho nhân quyền có văn phòng ở Tel Aviv, nhớ lại: Khoảng 1 giờ đêm, một người bạn gái của tôi ở Gaza báo tin về tình trạng của cha con Ibrahim và cho tôi số phôn của ông. Anh gọi ngay cho Shurab, nhưng lúc đó Ibrahim con ông đã không còn sống nữa. „Chúng tôi đã nói chuyện với nhau suốt đêm“. Anh không còn có thể cứu giúp gì được nữa, chỉ biết an ùi. „Chúng tôi đã trò chuyện với nhau và đã cùng khóc với nhau“. Thỉnh thoảng anh ngừng gọi, rồi lại gọi tiếp. Những lúc ngừng, anh cố liên lạc với văn phòng điều hợp cứu thương của Do-thái. „Người trả lời tôi trong điện thoại có tên là Barak. Tôi không ngừng giải thích cho anh ta rằng hiện Mohamed đang bị thương nằm đó. Phải cho xe cứu tới cứu. Barak quả quyết, lối vào không được an ninh“. Tom lắc đầu: „Mỗi lần điện thoại cho Mohamed, tôi nghe thấy sự yên lặng của màn đêm chung quanh ông“.
Trưa hôm sau, một xe cứu thương tới và mang hai xác chết đi.
Mỗi lần Mohamed kể về đêm hôm đó, về những giờ phút con ông gục chết dần trong tay ông, ông lại nhắc tới Tom, người thanh niên do-thái ở thủ đô Tel Aviv, người đối thoại dễ mến cùng một quốc tịch với những người lính đã giết chết hai đứa con ông, nhưng đã ân cần lắng nghe ông. Ông vẫn tin tưởng chờ đợi tình người nơi kẻ láng giềng do-thái. Ông vẫn tin vào con người do-thái hay palestin. Vẫn tin vào tình người. Ngày sẽ trôi qua ra sao, nếu như Mohamed hết tin vào tình người, hay nếu như lính do-thái biết tin vào tình người? Phải chăng nó sẽ tốt đẹp hơn?
Tom Menahe nói chuyện với Mohamed Shurab tới 7 giờ rưỡi sáng. Họ từ giã nhau khi trời đã sáng. Pin máy cầm tay của Mohamed hết sạch điện. Ông phải chờ thêm 5 tiếng đồng hồ nữa, mới thấy một xe tải thương tới. Đó là ngày thứ bảy, 17 tháng 1 năm 2009, giữa trưa, lúc 12 giờ 30. Họ đưa Mohamed và xác hai con ông tới bệnh viện European Hospital tỉnh Khan Younis. Ông đã phải chờ một ngày để được chở tới đây.
Xe tải thương vòng phía trái nơi bùng binh. Tới chỗ ngã tư, nơi xe và cha con ông nằm hôm trước, người tài xế rẽ sang hướng bắc. Bệnh viện cách chỗ cha con Mohamed bị nạn chỉ 4 phút chạy xe.
............................................
Ghi thêm của người dịch:
Trong cuộc hành quân vào dải Gaza này, lính do-thái đã giết được 1400 cả đàn bà con nít người palestin. Không biết câu chuyện của Mohamed Shurab và hai con ông có phải là trường hợp hi hữu không, nhưng cho đến nay Do-thái vẫn không cho quốc tế tới Gaza điều tra về những vi phạm nhân quyền trong thời gian xẩy ra cuộc chiến ở đó. Mới đây, một toà án ở Anh quốc ra lệnh bắt giữ bà Livni, ngoại trưởng Do-thái trong thời gian đánh Gaza và hiện là lãnh tụ phe đối lập quốc hội do-thái, về tội vi phạm nhân quyền. Trước đó, vì lương tâm cắn rứt, một số lính do-thái đã tố cáo những hành vi bất nhân đồng nghiệp họ đã phạm ở Gaza, và chính quyền do-thái cho hay đã ra lệnh điều tra một số vụ việc, nhưng tới nay vẫn bặt âm kết quả.
Chiến tranh chỉ có chết chóc và bi thương, chứ không tàn ác và man rợ. Chỉ có con người mới tàn ác và man rợ.