Sonntag, 13. Dezember 2009

Đổi tiền, đỉnh cao trong nghệ thuật ăn cướp của các chế độ cộng sản


Ngô Văn

11 giờ sáng ngày 30 tháng 11 năm 2009, báo, đài ở Bắc Hàn đột nhiên thông báo cho người dân hay rằng, kể từ 2 giờ chiều cùng ngày (30/11/2009) cho đến ngày 6 tháng 12 năm 2009 sẽ tiến hành việc đổi tiền theo tỷ giá 100 đồng won cũ ăn 1 đồng won mới, và mỗi hộ chỉ được đổi được tối đa 1,000 đồng tiền mới mà thôi. Sau thời hạn đổi tiền vừa kể, tiền cũ sẽ vô giá trị.


Nhìn vào tỷ giá hối đoái giữa đồng won cũ với đồng đô la Mỹ cũng như giá cả của gạo (tức lương thực chính của người dân), người ta sẽ biết mức sống người dân Bắc Hàn như thế nào trước và sau khi đổi tiền.

Theo tỷ giá chính thức thì 100.000 đồng won cũ tương đương với 800 đô la Mỹ. Như thế có nghĩa là, sau khi đổi tiền thì giá trị số tiền đổi được chỉ còn 8 đô la. Hối đoái chính thức thì như vậy, nhưng thực tế thì thê thảm hơn nhiều. Trên thị trường chợ đen, là nơi phản ảnh mãi lực thực sự của đồng bạc, thì 100.000 tiền cũ chỉ đổi được 40 đô la; như vậy, khi đổi sang tiền mới chỉ còn trị giá 40 xu Mỹ. Việc đổi tiền và giới hạn vừa kể ngay lập tức khắc đã gặp phản ứng dữ dội của người dân Bắc Hàn. Đây là lần đầu tiên có những tin không chính thức từ Bắc Hàn cho biết, đã có nhiều vụ tự tử cùng những cuộc tụ tập chửi rủa chế độ, hay ẩu đả với lực lượng an ninh. Sau những phản ứng đó của người dân, Bình Nhưỡng đã miễn cưỡng tăng giới hạn số tiền mặt được đổi lên 150 ngàn, và tối đa trong trương mục tiết kiệm ở ngân hàng là 300 ngàn (tiền cũ). Ngay cả với giới hạn mới vừa được nâng lên đó, thì sau khi đổi tiền, tối đa mỗi gia đình người dân Bắc Hàn (bất kể nhân số nhiều hay ít) cũng chỉ còn lại số tiền giá trị thực sự chỉ khoảng 180 đô la Mỹ.

Nền kinh tế Bắc Hàn đã đứng ở trên bờ vực của sự xụp đổ từ mười mấy năm qua. Trong thập kỷ trước, nạn hạn hán và đói kém đã giết hơn 2 triệu người (tức khoảng gần 10% dân số). Vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, bắt chước một phần nhỏ những cải cách kinh tế ở Trung Quốc, chính quyền Bắc Hàn cho phép người dân được bán ra thị trường những sản phẩm làm ra. Nền kinh tế tập trung trong tay nhà nước ngày càng èo uột. Hệ thống phân phối thực phẩm bị gãy đổ, nên chợ đen phát triển mạnh và trở thành thành phần kinh tế duy nhất khởi sắc ở Bắc Hàn; đồng thời tạo nên giai cấp trung lưu ở nước này. Đây là điều mà nhà nước cộng sản Bắc Hàn muốn chặn đứng. Năm 2005, Bình Nhưỡng công bố họ sẽ củng cố các phương pháp để phân phối hạn chế lương thực và hàng hoá, đồng thời gia tăng kiểm soát mọi loại hàng hoá của các tư thương; nhưng kết quả của các biện pháp này chẳng mấy thành công. Vì vậy, họ tiến hành đóng cửa mọi cửa hàng của tư nhân. Tháng 7 vừa qua khu thương mại Phyongsong, là khu thương mại lớn nhất của các thương nhân ở phiá bắc Bình Nhưỡng, bị đóng cửa. Và nay thì nhà nước tiến hành đổi tiền.

Giá gạo vào tháng 6 năm 2009 khoảng 2000 won cũ/kg = 20 đồng won mới. Trong một xã hội mà mọi thứ lương thực, thực phẩm và hàng hoá đều nằm trong hệ thống phân phối hạn chế, thì đầu cơ tích trữ là điều tất yếu sẽ xẩy ra. Với giới hạn số tiền won mới được đổi, không biết giá cả của gạo sẽ biến động ra sao. Nhưng ngay sau khi lệnh đổi tiền được loan báo thì mọi cửa hàng quốc doanh đều đóng cửa đợi nhà nước ấn địnhh giá mới; và giá gạo chợ đen đã bắt đầu tăng, cho dù nhà nước răn đe rằng sẽ trừng phạt thật nặng, có thể tử hình những ai lợi dụng tình hình để lên giá.

Chuyện đổi tiền cướp tài sản người dân của chính quyền Bình Nhưỡng làm người ta không khỏi nhớ lại cảnh đổi tiền ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lần thứ nhất vào 8 giờ sáng đến 11 giờ tối ngày 22/9/1975. Trước đó đã có những tin đồn đại về việc đổi tiền, vì ai cũng biết rằng trước sau gì đồng tiền miền Nam cũng sẽ bị huỷ bỏ. Ngay tối hôm trước ngày đổi tiền, báo đài nhà nước vẫn “thề chết thề sống” chưa có chuyện đổi tiền. Thế nhưng, sáng hôm sau lệnh giới nghiêm được ban ra để... đổi tiền. Cứ 500 đồng tiền cũ ăn 1 đồng tiền mới (gọi là tiền giải phóng) và mỗi hộ bất kể bao nhiêu người cũng chỉ đổi được 200 đồng tiền mới mà thôi. Nhiều người, nhiều gia đình quá uất ức vì tài sản bị cướp một cách trắng trợn nên đã tự tử. Đến ngày 3/5/1978, để thống nhất tiền tệ cả nước, nhà cầm quyền lại đổi tiền thêm một lần nữa. Ở miền Bắc đổi tiền cũ sang tiền thống nhất theo tỷ giá 1 đồng cũ ăn 1 đồng tiền mới, còn miền Nam thì 1 đồng giải phóng 8 hào tiền mới. Mỗi người chỉ đổi được 100 đồng tiền mới, hộ nào có hơn 3 người thì từ người thứ ba trở đi chỉ được đổi 50 đồng tối đa và tối đa chỉ được 500 đồng cho dù hộ đó có trên chục người. Số tiền người dân quê được đổi chỉ bằng nửa dân thành thị. Người nào, hộ nào còn dư tiền không được đổi phải ký ủy thác cho ngân hàng (nhưng phải chứng minh là số tiền đó do sức lao động của mình làm ra chứ không phải hưởng lợi từ sức lao động của người khác), khi cần dùng có thể rút ra nếu có lý do chính đáng, nhưng thực tế chẳng có mấy ai rút lại được.

Thực ra, những lần đổi tiền có giới hạn vừa kể cũng là dịp để những cán bộ có quyền thế (hoặc có tay trong) làm giàu thêm, bằng cách “nhân nghĩa” đổi tiền dùm cho những số tiền ngoài định mức rồi chia nhau. Thậm chí có khi cán bộ đổi tiền dùm lấy 8 phần, người có tiền nhờ đổi chỉ được 2 phần. Tuy biết là bị bắt chẹt, nhưng nhiều người vẫn phải chịu. Vì như vậy còn hơn là sẽ phải mất trắng số tiền vượt quá giới hạn được đổi.

Nhận xét về mấy lần đổi tiền ở Việt Nam sau năm 1975, trên diễn đàn thảo luận X- Café, tác giả Duy Anh đã đưa ra một nhận định tuy ngắn, gọn, nhưng thật đầy đủ và sâu sắc như sau: (*)

“Ba vụ đổi tiền sau 1975 đã được tiến hành trong những hoàn cảnh bất công và không trong sáng đối với xã hội miền Nam Việt Nam cũng đã để lại hậu quả vô cùng tai hại cho đất nước hàng chục năm sau.

Thực chất, đây là một hình thức cướp đoạt tài sản của kẻ bại trận tương tự như những vụ cướp bóc xảy ra trong thời thượng cổ khi quân xâm lăng chiếm xong mục tiêu.

Ngay sau 1975, 500 đồng VNCH bị đổi thành 1 đồng "giải phóng" mà không dựa trên một tiêu chuẩn, nghiên cứu vật giá nào cả. Qui định mỗi hộ chỉ được đổi 200 đồng tiền mới đã bần cùng hóa dân miền Nam khiến họ phải bán rẻ các tài sản cố định khác cho những kẻ thắng trận vẫn giữ được nguyên tiền của họ.

Đến tháng 7/1976 sau hiệp thương thống nhất, dân miền Nam lại một lần nữa bị mất tiền với tỉ lệ chuyển đổi là 1 đồng miền Nam ăn 0.8 đồng thống nhất cũng không dựa trên một nguyên tắc kinh tế nào cả. Lại ấn định một khoản nào đó, phần tiền dư ra bị bắt buộc bỏ vào quỹ tiết kiệm, chỉ được lấy ra sau khi được phép của các cơ quan có chức năng, nghĩa là sau khi đóng thủ tục đầu tiên.

Đến kỳ đổi tiền Giá-Lương-Tiền năm 1985 10 đồng ăn một đồng thì toàn thể dân chúng Nam Bắc đều chết chùm với nhau, chỉ có giai cấp cán bộ đảng viên là hả hê.

Tình trạng kinh tế tồi tệ hiện nay của đất nước là hậu quả tất yếu của chính sách nhà nước CSVN, chẳng có gì là lạ cả. “.....

*****
Tóm lại, qua những cuộc đổi tiền ở Việt Nam sau năm 1975 và ở Bắc Hàn mới đây, người ta thấy điểm chung của hai nhà nước “xã hội chủ nghĩa anh em” này là dùng phương pháp đổi tiến để cướp trắng tiền của mồ hôi nước mắt của người dân một cách hợp pháp, hầu bần cùng hoá nhân dân. Từ đó, song song với chính sách nhân hộ khẩu chặt chẽ, cũng như ngăn sông cấm chợ một cách nghiệt ngã, những nhà nước độc tài này dễ dàng cai trị bằng cách bóp bao tử của người bị trị.