The Time, một tạp chí nổi tiếng quốc tế, vừa xếp công trình của nhà toán học người VN Ngô Bảo Châu (sinh năm 1972) đứng thứ 7 trong số 10 sự kiện khoa học nổi bật trên thế giới năm 2009.
Ngô Bảo Châu cũng là người được mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể của đại hội toán học thế giới (sẽ họp tại Ấn Độ vào năm 2010). Nhiều nhà toán học VN có uy tín dự đoán tại đại hội này Châu có thể được tặng Huy chương Fields (giải thưởng lớn trong toán học, tương đương giải thưởng Nobel trong các ngành khoa học khác).
Ngô Bảo Châu rời Việt Nam gần 20 năm nay và hiện làm việc tại Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (Mỹ).
Giải Nobel của toán học
Như nhiều người đã biết, giải thưởng Nobel về khoa học tự nhiên chỉ dành cho các phát minh xuất sắc trong vật lý, hóa học, sinh học. Không có giải thưởng Nobel cho toán học vì trong di chúc của Nobel, ông không ghi điều đó. Tại sao A. Nobel lại loại các nhà toán học ra khỏi giải thưởng mang tên ông? Sinh thời, GS Lê Văn Thiêm kể một mẩu giai thoại nói rằng bà vợ của Nobel trót có mối cảm tình “vượt quá giới hạn tình bạn” với một nhà toán học Thụy Điển, do vậy mà Nobel “ghét lây” cả giới toán học thế giới!
Để bổ khuyết tình trạng không công bằng ấy, giới toán học quốc tế lấy tên nhà toán học người Canada J. C. Fields (1863-1932) đặt cho một giải thưởng mới, dành riêng cho toán học, gọi là Huy chương Fields, được coi có giá trị ngang giải thưởng Nobel, thậm chí còn có phần khó hơn vì bốn năm mới tặng Huy chương Fields một lần, vào dịp đại hội toán học thế giới, và người được nhận bắt buộc phải dưới 40 tuổi, trong khi giải thưởng Nobel không hạn chế tuổi.
Nói chung, quy định độ tuổi như vậy là hợp lý bởi vì các nhà toán học thường có phát minh lớn ngay khi tuổi còn rất trẻ. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ rất đáng tiếc. Năm 1994, khi công bố công trình hoàn chỉnh chứng minh định lý cuối cùng của Fermat thì Andrew Wiles đã 41 tuổi. Vì quy định ngặt nghèo về độ tuổi đó mà gần đây một số giải thưởng lớn về toán học đã được lập ra thêm, không hạn chế tuổi, như giải thưởng Abel, giải thưởng Clay.
Giải Clay
Những ngày giữa tháng 10-2004, Ngô Bảo Châu dự hội nghị quốc tế về các dạng tự đẳng cấu và công thức vết được tổ chức tại Viện Fields, Canada. Anh trình bày công trình mà anh vừa cùng GS Gérard Laumon hoàn thành và công bố trên mạng Internet. Đó là công trình 100 trang về bổ đề cơ bản cho các nhóm unita, giải quyết một trở ngại lớn trên con đường phát triển lý thuyết tự đẳng cấu (automorphic forms theory), dần dần thực hiện chương trình Langlands (Langlands Program).
Trước hội nghị Canada, anh nhận được bức thư điện tử của James Carlson, chủ tịch Viện Toán học Clay, viết: “Giáo sư Ngô thân mến. Viện Toán học Clay vừa chọn ông và ông Gérard Laumon là hai người được tặng giải thưởng nghiên cứu Clay sẽ trao vào ngày 5-11-2004 tại TP Cambridge, bang Massachusetts trong phiên họp hằng năm của viện. Tôi cũng muốn mời ông dự cuộc họp hằng năm của viện chúng tôi tại Cambridge vào thứ sáu, 5-11, để nhận giải thưởng...”.
Đối với anh, bức thư này thật quá bất ngờ. Công trình của anh và Gérard Laumon mới công bố ở dạng tiền ấn phẩm. Năm 2007, Ngô Bảo Châu cũng giành được giải thưởng Oberwolfach (Oberwolfach Prize) do công trình nổi bật 188 trang về đại số và lý thuyết số. Giải do Quỹ Oberwolfach và Viện Nghiên cứu toán học Oberwolfach ở Đức trao tặng.
Sự mến phục của đồng nghiệp
Đánh giá về thành công của Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung - viện trưởng Viện Toán học VN, viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học thế giới thứ ba - nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Đầu năm 2004 Ngô Bảo Châu và GS Gérard Laumon đã làm nên “một quả bom tấn” khi công bố kết quả đột phá về bổ đề cơ bản trong chương trình langlands, gây tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới. Với kết quả ấy, anh và GS Laumon được tặng giải thưởng Clay danh giá. Đầu năm 2007, anh lại gây xôn xao khi giải quyết hoàn toàn bổ đề cơ bản. Với những thành công như thế, anh được Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton của Mỹ, nơi tập trung rất nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, mời sang làm việc dài hạn”.
GS. Ngô Việt Trung coi GS Ngô Bảo Châu là “một ngôi sao sáng trên vòm trời toán học VN” và kết luận: “Chúng ta có cơ sở để hi vọng anh Ngô Bảo Châu được tặng một trong những giải thưởng cao quý nhất của toán học là Huy chương Fields”.
Cách đây không lâu GS Ngô Bảo Châu đã được chính thức mời đọc báo cáo tại phiên họp toàn thể đại hội toán học thế giới sẽ họp tại Ấn Độ năm 2010. Giới toán học VN hiện đang nóng lòng chờ đợi tin GS Ngô Bảo Châu được tặng Huy chương Fields.
Nếu điều dự báo của vị chủ tịch Hội Toán học Việt Nam xảy ra, đó sẽ là một sự kiện khoa học rất lớn bởi vì ngay cả Trung Quốc, với 1,3 tỉ dân, cũng chưa có nhà toán học nào giành được vinh dự khoa học cao quý ấy. Hàn Quốc, Singapore mặc dù khoa học và công nghệ phát triển hơn ta rất nhiều nhưng vẫn chưa có ai đoạt Huy chương Fields.