Sonntag, 20. Dezember 2009

Trung Quốc xây đường hầm để cất giấu vũ khí hạt nhân


Thanh Thủy, RFI

19/12/2009 -Trung Quốc đã đào một con đường hầm dài 5 ngàn cây số để giấu vũ khí hạt nhân. Đặt tại vùng núi ở phía bắc, đường hầm được xây cất từ năm 1995 qua sự huy động của mấy chục ngàn binh lính. Mục tiêu của con đường hầm vĩ đại này là để duy trì khả năng "tấn công lần thứ nhì " nếu như Trung Quốc là nạn nhân của một cuộc tấn công hạt nhân.

Hàng tựa chính của tờ Le Figaro hôm nay được dành cho Hội nghị Copenhagen về biến đổi khí hậu. Nhưng cái tin đập mạnh vào mắt của độc giả, trên trang nhất của tờ báo, đó là «Trung Quốc đã đào một con đường hầm dài 5 ngàn cây số để giấu vũ khí hạt nhân.»

Đối với thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh, như vậy là các lãnh đạo trong đảng Cộng sản Trung Quốc đã xây xong một Vạn Lý Trường Thành khác. Tuy nhiên lần này bức tường không được mọi người nhìn thấy nhưng đã được báo chí Trung Quốc loan tin.

Theo Báo Quốc phòng của Trung Quốc, được tờ Le Figaro trích dẫn, quân đội nước này đã đào xong một con đường hầm vĩ đại, dài 5000 cấy số, để cất vũ khí hạt nhân và đường hầm này có chiều sâu một ngàn mét.

Đặt tại vùng núi ở phía bắc, đường hầm được xây cất từ năm 1995 qua sự huy động của mấy chục ngàn binh lính.

Vào lúc đó, các chuyên gia nhớ lại là có một bài báo, không mấy ai để ý, đã nêu lên việc trưng dụng 10.000 lính cho cái mà tờ báo gọi là «binh chủng pháo binh thứ nhì». Cụm từ này bao gồm lực lượng hạt nhân Trung Quốc, kể cả tên lửa quy ước.

Báo Le Figaro nhắc lại là vào năm 2008, một chương trình phóng sự trên đài truyền hình nhà nước Trung Quốc cũng có nói đến những công trường vĩ đại ở dưới mặt đất mà mục đích là bảo vệ các lực lượng chiến lược của Trung Quốc trước một cuộc tấn công hạt nhân.

Một bình chủng pháo binh thứ nhì?

Theo nhận định của báo chí Trung Quốc, mục tiêu của con đường hầm vĩ đại này là để duy trì khả năng « tấn công lần thứ nhì » nếu như Trung Quốc là nạn nhân của một cuộc tấn công hạt nhân.

Tờ Le Figaro đưa tin là đến nay luận điểm của Trung Quốc về vũ khí hạt nhân là không sử dụng một kho vũ khí, vừa đủ để phòng vệ, để tấn công trước tiên. Đồng thời Bắc Kinh cũng cam kết là sẽ không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt hân chống lại các nước không có loại vũ khí này.

Tuy nhiên, trong ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, nhiều phương tiện tài chính đã được dành cho « binh chủng pháo binh thứ nhì ». Và Trung Quốc đã chế tạo nhiều tàu ngầm hạt nhân phóng hoả tiễn để tiến hành những cuộc tuần tra răn đe, cho dù các tàu ngầm này chưa đi vào hoạt động.

Một tờ báo Hồng Kông gợi ý là sự kiện báo chí Trung Quốc tiết lộ một địa điểm khổng lồ để cất giấu vũ khí là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Bắc Kinh muốn khẳng định sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Và chính tờ báo này đã nêu lên khái niệm khá táo bạo về « một Vạn lý Trường Thành dưới mặt đất » vì cả hai bức tường có chiều dài gần bằng nhau.