Montag, 14. Dezember 2009

Bóc lột nhân phẩm

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế

Trong bài viết “Lại bàn về bóc lột” của tác giả Phạm Nguyên Trường (Bauxite Việt Nam, 0h18’ ngày 10.12.2009), có một cụm từ đã mở mắt cho tôi, để cho tôi như bừng tỉnh rồi, nhận chân lại những câu chuyện nhỏ đã và đang xảy ra mỗi ngày. Đó là cụm từ chỉ đích danh chuyện ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều hình thức, hành vi giả dối, buộc con người luôn phải sống hai mặt trong tình trạng luôn luôn bị bóc lột về mặt nhân phẩm.

Có những câu hỏi mà ai cũng hỏi trong đầu nhưng không ai dám nói ra, bởi nói ra rất dễ bị quy chụp và tất nhiên, dẫn đến những hậu quả khôn lường; chẳng hạn, ta rất muốn hỏi rằng tại sao quê hương Marx lại chối từ chủ nghĩa Mác, quê hương cách mạng tháng Mười lại rũ bỏ những giá trị của cuộc cách mạng được coi là vĩ đại nhất trong lịch sử loài người? Không dám hỏi và không dám “thử” lần về cội nguồn của vấn đề vì ai cũng sợ rằng làm như thế là ám chỉ đến những sai lầm, thậm chí bị quy kết là “phá hoại”, “chống phá”. Thực ra, nếu đã “sinh ra” hàng vạn GS, TS mà không một ai dám đặt lại vấn đề thì cái gọi là nhân phẩm của khoa học, tìm tòi, sáng tạo làm gì có thực nữa?

Con người luôn luôn mắc sai lầm. Đó là một thuộc tính tự nhiên. Dù là lãnh đạo hay thiên tài đi nữa thì không có ai – kể cả những con người được suy tôn như thần, như thánh, không phạm sai lầm. Thế nhưng, cái hàng rào uyển ngữ mềm nhưng chặt đến kinh hồn được quy định trong luật pháp khẳng định rằng mọi sự phê phán cá nhân lãnh đạo M hay Tr đều có thể được viện dẫn là nhằm mục đích “nhạo báng chính quyền”(!) Chính vì thế, chẳng có nhiều lắm những tiếng than trong khi lại thấy và nghe rất rõ vô khối tiếng thở dài.

Đi trên đường, cứ vài chục km lại có CSGT chặn đường, giơ gậy chỉ vào bên lề phải rồi tài xế chạy lui, trình “giấy” và xe lại đi. Hàng triệu con người mỗi ngày bị bóc lột về nhân phẩm thực sự khi nạn cướp ngày của công an cứ ngang nhiên diễn ra. Báo chí cứ nói, bằng chứng cứ đưa ra nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Đó là điều có lẽ, chỉ xảy ra ở đất nước này? Công an là bộ mặt của chế độ (bộ mặt rõ nhất mà người dân nhìn thấy) nhưng lại nghênh ngang hành xử chẳng coi luật pháp là gì làm cho người dân chẳng biết tin vào đâu. Thử hỏi, sự xói mòn lòng tin, sự xói mòn vào tính chân thực của một xã hội được xây dựng trên nhiều “giá trị” giả dối làm cho con người mệt mỏi thường xuyên như thế thì còn lấy đâu ra sức mạnh để phát triển, đi lên?

Sự việc mới nhất, làm cho người dân thấy mình bị lừa rõ nhất (tức là bị bóc lột nhân phẩm một cách dã man nhất) là chuyện tiền lương của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chi trả lương tháng cho lãnh đạo lên tới 78 triệu đồng; trong đó, riêng lương của Tổng Giám đốc Trần Văn Tá (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính) là 942 triệu đồng/năm, đã làm cho dư luận phải bàng hoàng (!)? Tại sao vì dân, của dân mà đầy tớ được nhận hai lương một cách công khai, với những khoản tiền làm đui mù cả trí tưởng tượng, vẫn là chuyện “đương nhiên”? Không hiểu ông Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ trả lời ra sao khi ông kiêm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của SCIC mà lại dẫn đường, mở lối cho những khoản chi tiêu từ ngân sách vượt qua mọi định chế tài chính mà chính ông đang ban hành, thực hiện? Phải chăng là ông đang bóc lột nhân phẩm, mỉa mai “nhân phẩm”, vùi dập nhân phẩm của hàng triệu công nhân, công chức, giáo viên, y tá… đang cam tâm chịu đựng nhận đồng lương bèo bọt trên cả nước bằng cả trăm triệu đồng mà ông đã tự phong, tự suớng, tự quyết cho chính mình?

Nếu đi đâu cũng gặp những điều lảng xa sự thật, không thể tìm ra dăm ba điều nói đúng như mình đang nghĩ thì quả là cả xã hội đang bị bóc lột nhân phẩm một cách tàn tệ. Đó là cách chúng ta tự khinh miệt chính mình, mỗi ngày; cách chúng ta đưa con cháu của mình trượt dài trên con đường dối trá để hướng đến với tương lai mù lòa của nhận thức và hiểu biết; cách chúng ta làm xói mòn sự ngay thẳng và trong sáng của cả một dân tộc…

Sự bóc lột mồ hôi, nước mắt – thậm chí cả máu nữa – cũng vẫn chỉ là cách bóc lột có thể đếm đong được. Còn bóc lột về nhân phẩm là sự khủng khiếp không thể lượng định về mức độ, hậu quả lâu dài. Có lẽ nào ta cứ “cùng nhau” tìm cách để bóc lột nhân phẩm của chính mình, của đồng loại bằng cách im lặng và chấp nhận?

Huế, ngày 10.12.2009.